Saturday, November 7, 2015

Loạt bài Hà Giang phỏng vấn (nhân phim Terror In Little Saigon)

Loạt bài phỏng vấn (nhân phim Terror In Little Saigon) Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định và A.C. Thompson, do Hà Giang thực hiện- nguồn: Người Việt Friday, November 6, 2015 5:45:17 PM - TV PVT saved and photos addition at 10:30 AM Nov. 7, 2015 (Saigon time)



$pageIn
trong bài post này:

- Hoàng Cơ Định: A.C. Thompson thiếu công tâm (Phần 2)
- A.C. Thompson: Mọi bằng chứng đều chỉ về Mặt Trận (Phần 3)


loạt bài phỏng vấn của Hà Giang trên báo Người Việt, screenshot by TV PVT

= = = = =


Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ
Người Việt Friday, November 6, 2015 5:45:17 PM

Hà Giang/Người Việt

Nguyễn Xuân Nghĩa từng nắm quyền điều hành ở thượng tầng và đồng thời là phát ngôn nhân của Mặt Trận - nguồn ảnh do Frontline cấp

LTS - Để thực hiện cuốn phim “Terror in Little Saigon,” nhóm phóng viên A.C. Thompson đã mở cuộc điều tra kéo dài hai năm, mong tìm thủ phạm đã giết chết một loạt nhà báo gốc Việt, và làm sáng tỏ nghi vấn cho là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận) là tổ chức đứng sau những cái chết này.

Trong thời gian điều tra, nhóm làm phim tìm đọc và phân tích hàng ngàn trang tài liệu, gồm: “Silenced: The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States,” do Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) xuất bản năm 1994, công văn của CIA, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, hồ sơ di trú Hoa Kỳ, và quan trọng nhất là hồ sơ cuộc điều tra kéo dài 15 năm của FBI. Đoàn làm phim cũng đi đến hàng chục thành phố ở Mỹ, bay qua Việt Nam và Thái Lan, thực hiện 140 cuộc phỏng vấn, trong đó có hàng chục cựu thám tử và nhân viên tình báo, thân nhân những ký giả bị giết, và nhiều người bị ám sát nhưng thoát chết, chưa bao giờ cho ai phỏng vấn.

Tại Đông Nam Á, nhóm làm phim phỏng vấn cựu lãnh đạo tình báo Thái Lan, Prasong Soonsiri, và Chavalit Yongchaiyudh, cựu Tổng Tư Lệnh Quân Đội Hoàng Gia Thái Lan, kiêm Thủ Tướng Thái Lan, và gặp năm cựu thành viên thuộc nhóm du kích chống Cộng Sản Lào, và một thành viên từng tham gia chiến khu của Mặt Trận. Trong thành phần lãnh đạo của Mặt Trận, A.C. Thompson cho biết đã phỏng vấn ba người mà ông gọi sáng lập viên, trong đó có kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, người duy nhất xuất hiện trong phim.

Ngoài “Terror in Little Saigon,” kết quả cuộc điều tra còn được đúc kết trong một tài liệu dài 72 trang đi kèm, có tên “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country,” do phóng viên A.C. Thompson biên soạn, do trang mạng Frontline công bố hôm 3 tháng 11, trước khi phim được trình chiếu buổi tối cùng ngày.

Một đoạn trong tài liệu 72 trang này viết, (trích): “Ông Nguyễn Xuân Nghĩa xưa kia là thành viên của Mặt Trận, và giờ đây ông nói về thập niên đó trong tư thế bào chữa pha lẫn niềm ân hận...”

“...Trong loạt phỏng vấn với ProPublica và Frontline, ông Nghĩa đưa ra những nhận định thay đổi về Mặt Trận. Thoạt đầu, ông cả quyết rằng tổ chức này tuyệt đối không dính líu gì đến những vụ ám sát các nhà báo hay ai khác ở Mỹ.”

“Trong những lần trò chuyện sau, khi phải đối mặt với những bằng chứng về bạo lực của Mặt Trận, ông đổi giọng. Trong một cuộc phỏng vấn có thu hình, ông Nghĩa nói rằng ‘rất có thể’ là các thành viên Mặt Trận đứng đằng sau vụ ám sát ký giả (Nguyễn) Đạm Phong và có thể đã gây ra những tội ác khác.”

“Trong Mặt Trận, ông Nghĩa thừa nhận, có một nhóm rất hung bạo, và khi người quay phim tắt máy, ông Nghĩa thú nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam. Ông Nghĩa nói, ông đã thuyết phục được chiến hữu của mình đừng giết người đó.”

“Đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” ông Nghĩa nói.” (hết trích)

Thường thì tập tài liệu đi kèm cuốn phim được dùng để giải thích thêm những gì các nhân vật phát biểu trong phim, để làm rõ hơn câu chuyện, vì thời lượng của phim rất giới hạn. Nhưng trong trường hợp này, phần tường thuật về những gì kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa nói và phần phát biểu của ông trong phim “Terror in Little Saigon” rất tương phản. Trong phim, ông Nghĩa gọi việc “nói người trong Mặt Trận ám sát các nhà báo là 'phi lý' (nonsense) và khi mọi người cứ nói về những chuyện đại loại như vậy, nó tạo một ấn tượng rất xấu cho cộng đồng của chúng tôi,” trong khi đó, theo tường thuật (trong tài liệu 72 trang) nêu trên của A.C. Thompson, thì “ông Nghĩa thú nhận đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam.”

Để làm sáng tỏ mâu thuẫn này, người viết đã có cuộc phỏng vấn với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, đã từng là vụ trưởng Vụ Tuyên Vận của Mặt Trận. Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.


***


Hà Giang (NV): Xin ông cho biết những gì được viết trong tài liệu “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country” về những cuộc phỏng vấn ông, trên trang mạng Frontline, công bố hôm 3 tháng 11, có trung thực không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một nhảm nhí của truyền thông Mỹ (US Media bull***) xuyên tạc và không trung thực!

NV: Ông có thể giải thích rõ, xuyên tạc và không trung thực như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ phỏng vấn tôi tất cả bốn tiếng đồng hồ qua ba lần. Kết quả là họ chỉ lấy được một phút trong phim với lời dẫn giải trước đó trên bản quảng cáo cố tình tạo hiểu lầm. Trước khi có cuốn phim, họ phổ biến một bài quảng cáo dài 12 ngàn chữ trong 72 trang cùng một số hình ảnh có chọn lọc với ác ý, trong đó đoạn văn viết về việc tôi trả lời phỏng vấn là hoàn toàn bịa đặt, vừa thiếu đạo đức vừa thiếu chuyên nghiệp.

NV: Xin hỏi lại cho rõ, ông có nói với nhóm làm phim A.C. Thompson, khi họ ngừng quay phim, rằng “ông đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam.” như họ tường thuật trong tài liệu “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country” không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không hề nói câu đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam, cả trong khi quay phim lẫn lúc không quay phim.

NV: Tại sao lại có sự kiện như vậy và tại sao họ phải gặp ông đến những ba lần để phỏng vấn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sở dĩ tôi nói họ thiếu đạo đức và thiếu chuyên nghiệp là khi gặp tôi lần đầu, A.C. Thompson nói là muốn làm một cuốn phim về cộng đồng Việt Nam sau 40 năm và PBS sẽ phát hình vào Tháng Chín, 2015. Sau dăm phút nói chuyện, tôi nhận ra là A.C. Thompson không hề muốn hỏi gì về sinh hoạt cộng đồng mình, mà muốn hỏi tôi về nghi vấn Mặt Trận giết những nhà báo. Tôi quạt ngược và nêu nhiều nghi vấn, vì sao họ không điều tra tìm hiểu những chuyện khác, như ai trong Chính quyền JFKennedy quyết định về số phận của Tổng Thống Diệm? Ai thật sự giết Kennedy hay Mục Sư Martin Luther King? Còn vụ thảm sát Mậu Thân 1968 thì sao?

Kết quả lần đó, có lẽ không đạt “mục đích yêu cầu,” nói theo người Hà Nội!

NV: Rồi sao nữa, thưa ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì vậy, lần thứ hai, vào Tháng Chín, A.C. lại muốn xin gặp tôi và lần này nói là thực sự muốn hỏi về việc Mặt Trận. Tôi đồng ý và nghĩ mình không có gì phải giấu. Tôi nói nhiều về cơ cấu của tổ chức khi tôi còn ở trong Mặt Trận, về việc ông Phạm Văn Liễu lo cơ cấu hải ngoại, và ông Hoàng Cơ Minh lo chiến khu. Tôi đã mất cả giờ để giải thích vai trò của Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại là Phạm Văn Liễu, với đơn vị K9 trong Mặt Trận, mà A.C. Thompson không hề dùng tới, không hề nhắc đến tên của ông Liễu. Tôi cũng nói nhiều về ông Hoàng Cơ Minh, mà A.C. Thompson cũng không hề dùng đến, vì những điều tôi nói không hợp với mục đích cuốn phim của ông ta.

NV: Ông đã nói những điều gì về ông Hoàng Cơ Minh mà họ không dùng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về con người ông Minh và điều ông nhấn mạnh “hết chiến tranh và quân đội rồi, không được nghĩ theo kiểu chiến tranh và vũ trang, mà phải nghĩ đến đấu tranh.” Tôi còn chia sẻ đoạn đối thoại khi gặp ông Minh lần đầu trong đời, và yêu cầu họ, nếu trích dẫn thì hãy trích đoạn này: “Tôi hỏi ông Minh vào năm 1984: Ông có tin rằng việc ông làm sẽ thành công không và năm năm nữa thì ông ở đâu, làm gì? Ông Minh trả lời: ‘Tôi không nghĩ là tôi sẽ thấy Việt Nam thoát khỏi chế độ Cộng Sản trong cuộc đời của tôi. Nhưng thà tôi chết như một tên thảo khấu trong rừng còn hơn sống kiếp người mất nước, tị nạn tha hương ở quê người. Và đây là câu đáp đã gây ‘nghiệp’ cho tôi: Thế thì không cần nói có 10,000 người trong chiến khu, mà chỉ có ba người, tôi cũng đi theo ông tới cùng.’”

NV: Trong lần phỏng vấn thứ ba, ông thảo luận gì với họ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói thêm cho rõ. Lần gặp thứ hai, ngày 11 Tháng Chín, họ đề nghị phỏng vấn tôi “incognito” hay “anonymous” - che mặt và đổi giọng nói - tôi cũng đồng ý và nói y như trước về ông Minh, ông Liễu, về Hoa Kỳ, trước mặt cả ba người! Sau đó một ngày, A.C. Thompson nói là cấp trên cho là không đạt yêu cầu (!) nên hoãn chuyến bay để ở lại phỏng vấn tôi lần ba, với đầy đủ hình ảnh, vào 13 Tháng Chín. Tôi cũng đồng ý và vẫn trả lời rõ ràng. Họ không xài được hai lần sau, chỉ phổ biến hình ảnh và lời nói của tôi trong lần phỏng vấn đầu tiên, khi thu hình trong nhà tôi ngay sau Tết Ất Mùi, vào cuối Tháng Giêng. Họ không hài lòng vì tôi không làm nhân chứng gian nên nhục mạ tôi!

NV: Khi nói câu “Đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” ý ông muốn nói gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu tôi nói “đó là một chương đen tối trong cuộc đời tôi,” là nói về chuyện mất nước, đời sống tị nạn, tâm tư của mình trong thời gian đó, không đi làm việc mà gia nhập Mặt Trận và về những nỗ lực đấu tranh chống Tàu, chống Pháp của tổ tiên mà thất bại. Nhưng A.C. Thompson bẻ quặt đi, viết cái kiểu cho người đọc hiểu ngầm là tôi xấu hổ về thời gian hoạt động trong Mặt Trận.

NV: Ông rút tỉa được kinh nghiệm gì sau khi làm việc với nhóm làm phim “Terror in Little Saigon?”

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi nhìn kết quả của bài viết 72 trang và về cuộn phim, tôi kết luận A.C. Thompson không phải là một nhà báo có đạo đức, và có mục đích xấu với cả cộng đồng mình khi làm cuốn phim. Cuộc chiến Việt Nam ngày xưa đã là nạn nhân của truyền thông Mỹ, bây giờ cả cộng đồng người Việt vẫn còn là nạn nhân của truyền thông Mỹ.

NV: Xin cảm ơn ông.

$pageOut
$pageIn

Hoàng Cơ Định: A.C. Thompson thiếu công tâm
Người Việt Friday, November 6, 2015 6:07:58 PM


Hà Giang/Người Việt


LTS - Trong cuốn phim “Terror in Little Saigon,” phóng viên A.C. Thompson ghi lại những điểm chính trong hành trình ông và nhóm phóng viên của Frontline và ProPublica tìm hiểu việc hàng loạt các nhà báo gốc Việt bị giết hại trong thập niên 1980, mà cho đến nay không ai tìm ra thủ phạm, và cơ quan FBI, sau 15 năm điều tra, đã phải đóng hồ sơ, vì không tìm ra đủ chứng cớ khởi tố.

Hoàng cơ Định (thứ 2 từ trái sang) - ảnh chụp 2015

Một phần lớn thời gian nhóm làm phim dành cho việc tìm hiểu hoạt động của tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận) vì đây là tổ chức bị tình nghi liên quan đến cái chết của những nhà báo này.

Ngoài phim “Terror in Little Saigon,” kết quả cuộc điều tra kéo dài hai năm của nhóm A.C. Thompson còn được đúc kết trong tài liệu dài 72 trang, có tên “Terror in Little Saigon, an Old War comes to a New Country,” công bố trên trang mạng Frontline vài giờ trước khi phim được trình chiếu tối 3 tháng 11.

Trong cả phim lẫn tài liệu, A.C. Thompson nhắc nhiều đến Nhóm K9 và một tổ chức có tên là Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation - VOECRN (Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng), tổ chức mà theo tài liệu của FBI, sau cái chết của các nhà báo, đã gửi ra thông cáo báo chí nhận chính mình là tổ chức đã giết họ.

Vẫn theo tường trình của A.C. Thompson, các cựu chuyên viên điều tra của FBI đều đặt giả thuyết rằng K9 là tên một đội sát thủ của Mặt Trận, và VOECRN chỉ là một tên khác của Mặt Trận, nhưng không có đủ chứng cớ để chứng minh điều đó.

Kết thúc cuốn phim, A.C. Thompson, dựa theo các tài liệu cùng các cuộc phỏng vấn với nhiều cựu thành viên của Mặt Trận, như kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa (xem bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nghĩa), và hai ông Trần Văn Bé Tư, Johnny Nguyễn Văn Xung, đưa ra một kết luận mà chính FBI cũng không khẳng định: K9 là tên đội sát thủ của Mặt Trận, có trách nhiệm thủ tiêu những nhà báo viết bài bất lợi cho Mặt Trận, và VOECRN chỉ là một tên khác của Mặt Trận. Hai nhà báo mà A.C. Thompson xác quyết Mặt Trận đã ám sát là Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Đình Làng, bị bắn chết Tháng Bảy, 1981, tại San Francisco, và Nguyễn Đạm Phong, 45 tuổi, chủ nhiệm tờ Tự Do, bị ám sát Tháng Tám, 1982, tại Houston.

Phóng viên A.C. Thompson cũng nhắc nhiều đến việc đã cố gắng liên lạc với ông Hoàng Cơ Định (em ruột của ông Hoàng Cơ Minh) một thành viên lãnh đạo của Mặt Trận, để xin phỏng vấn, nhưng không thể liên lạc được với ông.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Cơ Định, từng là Vụ Trưởng Tài Chánh của Mặt Trận trong thập niên 1980. Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.


***


Hà Giang (NV): Phim Terror in Little Saigon nói về hành đi tìm hiểu việc loạt nhà báo gốc Việt bị giết hại, mà cho đến giờ không ai tìm ra thủ phạm, của phóng viên A.C. Thompson. Phim đưa ra kết luận là tổ chức khủng bố của mặt trận, có tên K9, đã giết hai ký giả Dương Trọng Lâm,vào Tháng Bảy, 1981 và ông Nguyễn Đạm Phong, vào Tháng Tám năm 1982; lúc đó, ông giữ trách nhiệm gì trong Mặt Trận?

Hoàng Cơ Định: Vào Tháng Bảy, 1981, khi ông Dương Trọng Lâm bị sát hại, tôi chưa tham gia Mặt Trận. Mấy vị sáng lập Mặt Trận lúc đó còn đang bận rộn vận động tại Đông Nam Á để xây dựng căn cứ Kháng Chiến. Có thể nói giai đoạn từ 1980 đến cuối 1981 là giai đoạn Mặt Trận đang được hình thành. Mọi người chỉ biết tới Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam sau lễ công bố cương lãnh vào ngày 8 Tháng Ba, 1982 và tôi tham gia Mặt Trận sau đó.

Vào Tháng Tám, 1982 khi ông Đạm Phong bị ám sát, tôi phụ trách về Tài Chánh cho Mặt Trận.

NV: Xin ông cho biết sơ về cơ cấu tổ chức và hoàn cảnh sinh hoạt của Mặt Trận trong thời gian này trong chiến khu cũng như bên ngoài chiến khu?

Hoàng Cơ Định: Trong thời gian đầu Mặt Trận đột phát như một phong trào quần chúng, trong chiến khu công việc tổ chức điều động ra sao, tôi không rõ chi tiết.

Ngoài chiến khu, bộ phận hải ngoại được đặt dưới sự chỉ huy của ông Tổng Vụ Trưởng là Cố Đại Tá Phạm Văn Liễu. Nỗ lực chính của chúng tôi lúc bấy giờ là làm sao huy động tài chánh để nuôi dưỡng các hoạt động của anh em kháng chiến quân, học tập đường lối đấu tranh của Mặt Trận nhằm tự lực tự cường, chủ trương huy động sự tham gia của toàn dân làm chính. Huy động tinh thần tranh đấu giải phóng dân tộc trong đồng bào, và chấn chỉnh hàng ngũ của đoàn viên Mặt Trận.

NV: Nhiều người cả quyết K9 là một phần của Mặt Trận, trong đầu thập niên 1980s ông có bao giờ nghe nói đến tên của tổ chức này?

Hoàng Cơ Định: K9 chưa bao giờ là một bộ phận của Mặt Trận, đúng hơn đó chỉ là một danh xưng gọi đùa của ông Tổng Vụ Trưởng Phạm Văn Liễu dành cho mấy vị lão thành không tiện đặt dưới cơ cấu lúc đó của Mặt Trận, chia ra từ K1 tới K8.

Cơ cấu của Tổng Vụ Hải Ngoại Mặt Trận lúc đó được chia làm Chi Bộ, Thành Bộ, Miền và Khu Bộ, viết tắt là C, T, M và K. Các đoàn viên Mặt Trận, tùy theo vùng địa dư cư ngụ được chia làm 8 Khu Bộ gồm có:

Hoa Kỳ là K1, Canada là K2, Tây Âu là K3, Á Châu là K4, Úc Châu là K5, Phi Châu là K6, Đông Âu là K7 và Nam Mỹ là K8.

Có một số vị lão thành phải do đích thân ông Tổng Vụ Trưởng liên lạc, liên lạc thôi chứ cũng chẳng có chỉ huy gì, tôi còn nhớ tên hai vị là ông Cao Thế Dung và ông Đào Vũ Anh Hùng. Đại Tá Liễu gọi đùa là mấy vị này thuộc K9.

NV: Theo ông thì tại sao cứ có những tin đồn K9 của Mặt Trận là một đơn vị khủng bố, và chính đơn vị này thủ tiêu các nhà báo gốc Việt có những bài viết tiêu cực về Mặt Trận?

Hoàng Cơ Định: Thời đó những người ở trong Mặt Trận biết về danh từ K9 không nhiều. Tôi không rõ nó đã lọt ra bên ngoài từ ai và vào lúc nào. Qua bài phóng sự truyền hình mới đây của ký giả A.C. Thompson, tôi không thấy có bằng chứng gì là cơ quan FBI đã cáo buộc cho thủ phạm giết người có tên là K9. Tôi chỉ thấy những khẳng định vũ đoán này từ nữ điều tra viên (đã hồi hưu) Tang-Wilcox và rất nhiều lần từ miệng ký giả A.C. Thompson. Còn về các tin đồn hay suy diễn của một số người thì họ cần phải có bằng cớ vững chắc, nếu không thì chỉ là hành động a dua vô trách nhiệm.

NV: Trong thời gian FBI điều tra cái chết bí ẩn của những nhà báo gốc Việt như Dương Trọng Lâm, Nguyễn Đạm Phong, Phạm Văn Tập (Hoài Điệp Tử), Lê Triết (Tú Rua), ông có bị điều tra không?

Hoàng Cơ Định: Tôi chưa bao giờ được nhân viên công lực hỏi gì về các vụ này, nhưng tôi không nhớ rõ là từ bao giờ, gần như sau bất cứ một vụ án mạng nào, đôi khi cũng chẳng phải là án mạng, điều tra viên đều tới nhà tôi hỏi thăm tin tức. Ban đầu tôi nghĩ là vì mình quen biết nhiều nên cảnh sát cần mình giúp đỡ nên cũng sẵn sàng làm bổn phận công dân. Sau một thời gian tôi cảm thấy có sự lạm dụng nên lần đó tôi đã mời 2 vị điều tra viên vui lòng ngồi đợi, tôi sẽ mời luật sư tới và nói chuyện với họ với sự có mặt của luật sư. Họ đã vui vẻ cáo từ và tôi dặn: lần sau nếu có tới để hỏi chuyện thì xin vui lòng hẹn trước để tôi mời sẵn luật sư, đỡ mất thì giờ cho cả hai bên.

Từ đó tới nay, không còn vị điều tra viên nào tới nhà tôi nữa.

NV: Hai ông Trần Văn Bé Tư, và Johnny Nguyễn (Nguyễn Văn Xung) là những người giữ trách nhiệm gì trong Mặt Trận trong thời gian các vụ án mạng xảy ra, và hai người này có phải là những người có thẩm quyền và hiểu biết để nói về việc làm của tổ chức K9 không?

Hoàng Cơ Định: Ông Trần Văn Bé Tư đã từng là đoàn viên Mặt Trận, ông ấy là người chịu khó nhưng phải tội tính tình cực đoan, hay cãi, không phù hợp sinh hoạt trong một đoàn thể nên đã tự động rời Mặt Trận sau khi tham gia một thời gian ngắn. Về ông Johnny Nguyễn thì tôi không nhớ có phải là đoàn viên Mặt Trận hay không, nhưng chắc chắn không phải là một cấp chỉ huy hay giữ một trách vụ gì trong Mặt Trận.

Về chuyện K9, xin xác nhận thêm một lần nữa: Đó không phải là một bộ phận của Mặt Trận. Chỉ những thành phần đánh phá Mặt Trận vẽ cho thành chuyện. Anh em trong Mặt Trận, và ngay cả các thân hữu, chẳng ai có gì để nói về nó cả.

NV: Theo tài liệu của FBI được phim Terror of Little Saigon đưa ra, thì “Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation” là tổ chức nhận trách nhiệm đã sát hại những nhà báo nói trên, và cũng là tổ chức mà FBI nghi là tên khác của Mặt Trận. Xin nghe ý kiến của ông?

Hoàng Cơ Định: Tôi nghe nói, sau vụ ông Dương Trọng Lâm bị ám sát, có truyền đơn, hay thư rơi, ký tên là “Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng” nhận trách nhiệm đã ám sát ông Lâm. Tên tiếng Mỹ “Vietnamese Organization to Exterminate Communists and Restore the Nation” chắc dịch từ tên Việt Nam trên tờ truyền đơn đó. Đã từ mấy chục năm qua, tôi chưa thấy ai nhận là người của tổ chức này và chưa được đọc bất cứ tài liệu chính thức nào của cơ quan an ninh Hoa Kỳ xác nhận những cá nhân nào là thành viên của tổ chức Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng.

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe nữ điều tra viên Tang-Wilcox thản nhiên bảo rằng tên gọi này là một tên khác của Mặt Trận. Tôi thấy đây là một khẳng định vũ đoán, một nhân viên điều tra có khả năng và trình độ chắc chắn không ăn nói như vậy.

NV: Mặc dầu không phải là chủ đề chính của phim tài liệu Terror in Little Saigon, phim có đề cập đến một việc mà người trong cộng đồng vẫn hay tranh cãi: Về cái chết của một số chiến hữu trong chiến khu. Có phải ông Hoàng Cơ Minh đã ra lệnh giết những người này?

Hoàng Cơ Định: Trong cộng đồng có đủ mọi thứ chuyện bà con tranh cãi với nhau, nhưng trong Mặt Trận thì chúng tôi chưa bao giờ tranh cãi về “cái chết của một số chiến hữu trong chiến khu” mặc dầu đã có những cái chết vì đụng độ với quân đội Cộng Sản hay bệnh tật.

Tôi được nghe lần đầu tiên chuyện ông Hoàng Cơ Minh ra lệnh giết kháng chiến quân... bằng tiếng Mỹ qua lời kể của ông A.C. Thompson, dịch từ một ông người Lào che mặt nói bằng tiếng Lào. Tôi không hiểu tiếng Lào và không biết ông người Lào này có thật sự biết về kháng chiến Hoàng Cơ Minh hay không. Đối với tôi những “chứng cớ” này không có giá trị mà chỉ là những cáo buộc được thổi phồng bởi ông A.C. Thompson.

NV: Phim có vẻ kết luận là chính phủ Mỹ đứng đằng sau hoạt động của Mặt Trận. Sự thật là gì?

Hoàng Cơ Định: Mỹ là siêu cường số một trên thế giới, không dễ để trả lời sự thật là Mỹ có đứng đằng sau hoạt động của Mặt Trận hay không. Điều chắc chắn tôi có thể trả lời được là trong suốt 30 năm hoạt động trong Mặt Trận, cá nhân tôi, và hết cả các chiến hữu mà tôi tin tưởng, chưa bao giờ chúng tôi phải xin phép Mỹ trước khi làm việc gì hay báo cáo cho Mỹ sau khi tiến hành một công tác.

NV: Theo tường trình của A.C. Thompson thì ký giả này đã gọi phôn tìm cách liên lạc với ông liên tục trong hai tháng, phải chăng đây là dịp để ông có thể nói rõ về, và Mặt Trận có thể làm sáng tỏ những nghi vấn về Mặt Trận, nhưng ông quyết định không trả lời phỏng vấn. Ông có thể chia sẻ sự cân nhắc của mình trong quyết định này?

Hoàng Cơ Định: Chẳng cứ gì A.C. Thompson, bất cứ ai muốn tôi dành thì giờ để luận bàn về mấy câu chuyện đồn đại hay thêu dệt về Mặt Trận cách đây 30 năm, tôi đều từ chối. Còn biết bao chuyện trong hiện tại và tương lai của dân tộc mà mình không có đủ thì giờ để lo toan, thực hiện... Sao lại phí giờ cho những chuyện... bao năm cũ.

Về mấy điều gọi là “nghi vấn về Mặt Trận,” cơ quan FBI họ đã điều tra hơn 15 năm và đã đi tới kết luận: “Không có bằng cớ gì liên hệ Mặt Trận với các vụ án mạng của người Việt,” không đủ để tin tưởng hay sao mà nay lại phải đi trần tình thêm rồi nhờ một phóng viên xa lạ, mà tôi hoàn toàn không biết về trình độ và tư cách, để “giải oan” cho mình!

Nay sau khi coi thiên phóng sự của A.C. Thompson, tôi thật mừng đã không dành thì giờ cho ông ta. Về giá trị nghề nghiệp, tôi không thấy ông ta là một ký giả công tâm, chưa kể ông ta có một thiên kiến chính trị khiến ông ta dị ứng không phải chỉ đối với Mặt Trận mà với hết cả những gì mang màu sắc quân lực Việt Nam Cộng Hòa hay người Việt chống Cộng.

NV: Giờ đây sau khi xem cuốn phim, ông có tiếc là mình đã bỏ lỡ cơ hội có thể góp phần làm cho nội dung cuốn phim đó khác đi không?

Hoàng Cơ Định: Không tiếc mà còn mừng. Nếu tham dự vào cuốn phim tôi không nghĩ là sẽ làm cho nó tốt thêm hay xấu đi. Tôi chưa hình dung được là nếu tôi tham gia vào cuốn phim của ông ta, A.C. Thompson sẽ nhào nặn tôi ra sao, nhưng chắc chắn tôi sẽ nhận được bài học kinh nghiệm “Thế nào là trao trứng cho ác.”

NV: Theo ông thì cuốn phim Terror of Little Saigon sẽ gây ảnh hưởng gì lên thanh danh của ông Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận, đảng Việt Tân và cộng đồng người Việt tị nạn nói chung?

Hoàng Cơ Định: Tôi không nghĩ là cuốn phim Terror of Little Saigon sẽ gây ảnh hưởng xấu thêm cho ông Hoàng Cơ Minh và Mặt Trận. Cuốn phim này không ảnh hưởng lên ai đã ý thức được và cảm mến gương hy sinh cao quý của ông Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân.

Còn những lèm bèm cũ rích này sẽ ảnh hưởng ra sao lên thanh danh Đảng Việt Tân, có thể nói là nó chỉ tạo ảnh hưởng xấu lên những ai chưa bao giờ hoặc rất ít triển vọng sẽ đồng hành cùng Việt Tân trong công cuộc đấu tranh đem lại Tự Do và Dân Chủ cho dân tộc Việt Nam.

Điều đáng quan tâm hơn là đối với cộng đồng chúng ta, nó tạo hình ảnh xấu đối với người dân địa phương. Tuy vậy người dân địa phương cũng chỉ có chút đỉnh ngạc nhiên rồi sẽ chìm vào quên lãng vì “trận bão” tác giả khuấy lên dựa trên một số nét sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam cách đây 30 năm, bây giờ không còn như trước. Một vài kẻ vốn tìm nguồn vui trong các trò quấy hôi bôi lọ sẽ được một thời gian hạnh phúc vì có dịp a dua theo bạn đồng điệu người bản xứ, nhưng rồi bùn cũng sẽ dần lắng xuống.

NV: Ông còn điều gì khác muốn bày tỏ về sự việc này?

Hoàng Cơ Định: Cám ơn nhật báo Người Việt và ký giả Hà Giang đã cho tôi cơ hội nêu lên vài ý kiến về một hiện tượng chẳng tốt đẹp gì cho nếp sống văn hóa của người Việt Nam hải ngoại. Trong môi trường tự do này người ta có thể viết hay nói bất cứ điều gì họ muốn nhưng cũng trong môi trường tự do này, đã từng có những án mạng không tìm thấy thủ phạm, và ai cũng có quyền nghi và có thể bị nghi. Dùng bạo lực để đàn áp người cầm bút là một điều xấu xa, nhất là với một cộng đồng phải tỵ nạn vì bạo lực. Còn đối với người cầm bút đã nằm xuống, không thể có tiếng nói để tự biện bạch, thì cũng là điều tế nhị khi nhận định về trách nhiệm của họ đối với việc sử dụng ngòi bút. Nhưng nếu trong một cộng đồng, cứ một người cầm bút tử nạn là lập tức cho là họ bị đàn áp vì sự nghiệp viết lách thì cộng đồng đó có đáng cho là đã trưởng thành hay chăng.

Áp dụng bạo lực đối với người cầm bút và kết án, bôi bẩn lẫn nhau một cách vô trách nhiệm dường như là hai tật bệnh mà cộng đồng người Việt hải ngoại đã bôi xấu chính mình trong thời gian qua. Bài phóng sự của ông A.C. Thompson đã đến với cộng đồng như một liều thuốc có tác dụng nuôi bệnh hơn là chữa bệnh. Việc làm của A.C. Thompson đã gây bất lợi cho nỗ lực đấu tranh của chúng tôi và bôi xấu hình ảnh của cộng đồng Việt Nam đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, trong phóng sự bằng hình này, cá nhân tôi không khỏi cảm phục A.C. Thompson về nỗ lực bươn chải để tìm cách chứng mình một điều mà ông cho là sự thật.

Về mặt tích cực, thiên điều tra cũng có bổ ích là đã đưa ra trên giấy trắng mực đen lời xác minh chính thức của cơ quan FBI:

“These cases were led by experienced FBI professionals who collected evidence and conducted numerous interviews while working closely with Department of Justice attorneys to identify those responsible for the crimes and seek justice for the victims. Despite those efforts, after 15 years of investigation, DOJ and FBI officials concluded that thus far, there is insufficient evidence to pursue prosecution.” [Dịch: Những trường hợp này được các chuyên gia giàu kinh nghiệm của FBI đảm nhiệm. Họ đã thu thập bằng chứng và tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn trong khi làm việc chặt chẽ với các luật sư của Bộ Tư Pháp để tìm ra những người đã gây ra tội ác và đi tìm công lý cho các nạn nhân. Bất chấp những nỗ lực đó, sau 15 năm điều tra, giới chức của Bộ Tư Pháp và FBI kết luận rằng cho đến nay, họ chưa có đủ bằng chứng để theo đuổi việc truy tố - NV].

Tôi cầu mong có ngày A.C. Thompson sẽ ngộ ra rằng K9 chỉ có trong đầu của ông ta mà thôi, nó không hiện hữu ở những nơi ông ta tìm kiếm, đó cũng sẽ là một bước tiến trong khả năng nghề nghiệp của ông ta.

NV: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.

= = = = =

TV PVT update:

Thưa quý bạn đọc,

Một ngày sau loạt bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định và A.C. Thompson, do Hà Giang thực hiện- đăng trên báo Người Việt Friday, November 6, 2015, thì nơi trang Facebook của anh Phạm Văn Thành có nhận được bài share status của Chi Mai (https://www.facebook.com/chi.mai.148/posts/10204052470346796) đề ngày Nov. 7, 2015.
Cùng ngày 7 leo qua ngày 8 November 2015 (tức là hôm nay, ngày TV PVT chạy bản update này) ngay tại shared status ấy, đã có nhiều anh chị em từng là đoàn viên Mặt Trận từ 3 chục năm trước, nay còn sống ở Mỹ và châu Âu, vào tham gia viết comment để làm sáng tỏ vấn đề.
Nhận thấy các comments này chứa nhiều dữ liệu quý vì xuất phát từ những người thật với việc thật thời đó, chúng tôi đã copy lại nguyên văn (có edit lỗi morrase) và cho đăng vào TV PVT dưới dạng comment theo thứ tự thời gian nguyên xi bên trang Facebook, để phục vụ bạn đọc cần tham khảo tìm hiểu chủ đề này, đồng thời cũng là một cách lưu trữ các dữ liệu quý hiếm đó.

Xin mời bạn đọc theo dõi theo các comment bên dưới được đánh số thứ tự 1-, 2-, 3- v.v...

Sở dĩ chúng tôi phải chia nhỏ các comment được sao y từ bên Facebook khi đăng vào đây, là vì Blogspot khống chế số ký tự tối đa cho mỗi comment, do đó không thể đăng trọn tất cả các comment bên Facebook vì như thế sẽ vượt quá số ký tự cho phép của Blogspot. Tuy có chút bất tiện nhưng chắc hẳn chắn bạn đọc vẫn theo dõi được qua các số thứ tự đã được đính vào trước mỗi comment.

Nov. 8, 2015
TV PVT


$pageOut
$pageIn


A.C. Thompson: Mọi bằng chứng đều chỉ về Mặt Trận
Friday, November 6, 2015 7:41:47 PM

Hà Giang/Người Việt

LTS - Trong cảnh cuối của cuốn phim tài liệu “Terror in Little Saigon,” phóng viên A.C. Thompson cả quyết với con trai của nhà báo Nguyễn Ðạm Phong: “Mặt Trận có một đội sát thủ. Tên gọi là K9. Các thành viên của Mặt Trận nói với chúng tôi rằng K9 đã giết cha của em.”

Câu kết khiến người con của nhà báo Nguyễn Ðạm Phong nhìn A.C. Thompson với cặp mắt long lanh biết ơn. Nhưng khẳng định của nhà làm phim khiến một số khán giả cảm thấy thất vọng, hụt hẫng.


Người xem phim kỳ vọng rằng A.C. Thompson sẽ trưng ra những bằng chứng cụ thể, rõ ràng và thuyết phục, để làm sáng tỏ nghi vấn Mặt Trận là tổ chức đã ra lệnh thủ tiêu một số nhà báo trong thập niên 1980s. Nhưng nhiều người cho rằng trong suốt gần 60 phút chăm chú theo dõi phim, họ không thấy A.C. Thompson đưa ra được chứng cớ nào rõ ràng và thuyết phục đủ, để ông có thể cả quyết rằng Mặt Trận là thủ phạm. Người khác cho rằng các nguồn tin giấu tên không đáng tin cậy. Nhiều người, muốn hiểu rõ hơn về kết luận của A.C. Thompson, đã tìm đọc kỹ tài liệu dài 72 trang, do chính A.C. soạn và cho đi kèm cuộn phim, để tìm chứng cớ rõ ràng và thuyết phục. Nhưng vẫn không thấy có chứng cớ nào đủ mạnh.

Người Việt phỏng vấn phóng viên A.C. Thompson để thảo luận về những nhận định của khán giả và hỏi rõ thêm về những chứng cứ dựa vào đó ông đi đến kết luận của mình.

Dưới đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn.


***

Hà Giang (NV): Chào ông A.C. Thompson, ông làm ký giả cho cơ quan ProPublica được bao lâu rồi? Ông làm việc toàn thời gian với họ hay là một phóng viên độc lập?

A.C. Thompson: Tôi làm việc với ProPublica toàn thời gian từ năm 2008. Và mỗi khi tôi làm phim cho ProPublica thì tôi làm luôn một tài liệu đi kèm cho Frontline.

NV: Vào thập niên 1980, khi những nhà báo người Mỹ gốc Việt bị ám sát, ông đang ở đâu, làm gì?

A.C. Thompson: Lúc ấy tôi là một cậu bé, còn đang học ở vườn trẻ (cười).

NV: Mọi việc xảy ra đã hơn 30 năm rồi, các hồ sơ điều tra cũng đóng lại hơn 15 năm rồi, nguyên do nào khiến ông có ý định làm cuốn phim Terror in Little Saigon trong thời điểm này.

A.C. Thompson: Cách đây mấy năm, tôi đang làm một loạt bài về việc một ký giả ở Oakland bị giết chết, tên của ký giả đó là Chauncey Bailey. Tôi gặp một nhà làm phim trẻ người Việt Nam tên là Tony Nguyễn. Anh ta nói với tôi rằng việc này (ký giả bị giết) xảy ra trong cộng đồng Việt Nam hoài, mà chẳng ai trong làng truyền thông Mỹ quan tâm. Ðiều này khiến tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc điều tra về cái chết của những ký giả gốc Việt. Tony Nguyễn sau này cũng hợp tác với tôi trong phim “Terror in Little Saigon.” [Vào năm 2011, Tony Nguyễn đã làm cuốn phim có tên “Enforcing the Silence” nói về việc ký giả Dương Trọng Lâm, 27 tuổi, chủ bút tờ Cái Ðình Làng, bị bắn chết Tháng Bảy, 1981, tại San Francisco, California. Trong cuốn phim này, Tony Nguyễn cũng kết luận rằng Mặt Trận là thủ phạm giết chết Dương Trọng Lâm - NV]

NV: Vai trò của Tony Nguyễn trong phim Terror in Little Saigon là gì?

A.C. Thompson: Anh ta là một trong những nhà sản xuất phim này. [Trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt sau đó, Tony Nguyễn xác định là anh cùng làm việc với A.C. Thompson từ những ngày đầu tiên, và đóng vai trò định hình cho cuốn phim - NV]

NV: Trước khi bắt tay vào việc làm phim Terror in Little Saigon, ông có hiểu gì về cuộc chiến Việt Nam, về người tị nạn Việt Nam và về cộng đồng người Mỹ gốc Việt không?

A.C. Thompson: Tôi không hiểu nhiều. Tôi có thân nhân đã phục vụ trong quân đội Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, và tôi biết về cuộc chiến và những người tị nạn, nhưng không biết nhiều. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu và nói chuyện với càng nhiều người càng tốt để hiểu về lịch sử đó.

NV: Ai là người tài trợ để làm cuốn phim này?

A.C. Thompson: Phim này do Frontline tài trợ, và Frontline thì được Corporation for Public Broadcasting (CPB) tài trợ một phần. Tiền của CPB do Quốc Hội Hoa Kỳ cấp.

NV: Ðể được làm phim, ông có phải thuyết phục cấp trên không? Việc thuyết phục có khó khăn không và phải kéo dài bao lâu?

A.C. Thompson: Tôi phải viết bài tường trình, viết email giải thích, trình bày những gì mình có thể làm và không thể làm. Các sếp của tôi ở ProPublica cũng tốn một thời gian khá lâu mới quyết định đây có phải là một dự án họ muốn theo đuổi hay không. Rồi bên Frontline cũng phải đi qua những tiến trình như thế. Nói chung là khá lâu, nhưng tôi không nhớ rõ là bao lâu. Việc này xảy ra cũng hơn hai năm rồi.

NV: Chủ đề chính của ông trong cuốn phim có phải là, lý do duy nhất mà cơ quan FBI sau bao nhiêu năm điều tra vẫn không thể tìm ra chứng cớ rõ ràng và thuyết phục, để xác định thủ phạm, là vì không ai chịu lên tiếng, phải không?

A.C. Thompson: Ðó chắc chắn là một chủ đề, những không phải là chủ đề duy nhất. Một trong những điều mà chúng tôi cố gắng vạch ra là FBI không tìm được người trong cuộc, hay gặp khó khăn phát triển những nguồn tin gần với, hay nằm trong, những sự kiện, có thể có đủ chi tiết để giúp họ đạt kết quả của cuộc điều tra.

NV: Một điều khác hình như ông cũng muốn ám chỉ là, chính phủ Hoa Kỳ, qua nhiều cơ quan khác nhau, như FBI, CIA, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp, biết rất rõ về hoạt động của Mặt Trận, nhưng hình như ngầm hỗ trợ họ, để yên cho họ gây quỹ để có tiền hoạt động trong chiến khu, phải không?

A.C. Thompson: Hoàn toàn đúng sự thật và không có gì tranh cãi về việc đó cả. Họ được sự hỗ trợ của mọi nơi trong chính phủ. Chúng tôi có một điện tín từ cấp cao của CIA gửi cho nhân viên của họ trong thập niên 1980 cho thấy họ biết rất rõ tổ chức của ông Hoàng Cơ Minh làm gì. Chúng tôi có những lá thư từ Quốc Hội Mỹ, từ Bộ Ngoại Giao, nói với người nhận rằng chúng tôi muốn quý vị hỗ trợ những người này. Chúng tôi có tài liệu cho thấy ông Hoàng Cơ Minh đã gặp gỡ giới chức ngoại giao Hoa Kỳ ở Bangkok. Chúng tôi có điện tín của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia cho thấy rõ những gì nhóm Hoàng Cơ Minh đang làm, và tôi muốn nói đến việc Mặt Trận muốn xâm nhập Việt Nam từ Thái Lan. Vì vậy, việc chính phủ Hoa Kỳ hồi đó hỗ trợ Mặt Trận không có gì là nghi vấn cả.

NV: Trở lại cuốn phim. Trong khi đội ngũ của FBI trong 15 năm điều tra không thể buộc tội ai vì thiếu chứng cớ, vậy thì ông có thể cho biết trong những điều ông đã khám phá ra trong thời gian hai năm điều tra, chứng cớ nào rõ ràng và thuyết phục nhất đã khiến ông có thể khẳng định rằng K9, một bộ phận của Mặt Trận, đã giết chết, ít nhất là ký giả Nguyễn Ðạm Phong?

A.C. Thompson: Có nhiều yếu tố. Tôi không thể nói một cách xác quyết (conclusively) rằng người nào đó chịu trách nhiệm cho tội ác đó. Tôi chỉ có thể nói là tất cả chứng cớ tôi tìm được đều chỉ về một hướng, chứ không trỏ đến một hướng khác. Và tôi đã xem hàng ngàn và hàng ngàn trang tài liệu của FBI, của cảnh sát, nói chuyện với các thân nhân, và đơn giản không thấy có một manh mối nào cho người nào khác ngoài Mặt Trận chịu trách nhiệm cho những tội ác đó. Con của ký giả Nguyễn Ðạm Phong cho biết ông đã nhận được đe dọa thường xuyên, và theo hiểu biết của chúng tôi, một số thành viên của Mặt Trận đã gặp ký giả Nguyễn Ðạm Phong, tìm cách cho tiền ông để đừng viết những bài chỉ trích họ nữa. Chúng tôi biết rằng họ đã gặp gỡ các thành viên của Mặt trận tại một nhà hàng ở đường Highland Street ở Houston, trước khi ông ta bị giết. Trong cuộc điều tra chúng tôi cũng gặp một người, vốn là thành viên cũ của Mặt Trận. Người này khẳng định là Mặt Trận chịu trách nhiệm cho việc giết hai ký giả đó, Dương Trọng Lâm và Nguyễn Ðạm Phong.

NV: Nhân chứng đó là ai? Tôi xem đi xem lại cuốn phim bốn lần mà không thấy. Tôi có bỏ sót chi tiết nào trong phim không?

A.C. Thompson: Không, người này là một người ẩn danh, và ẩn mặt. Người ấy không xuất hiện trên ống kính, và lúc đó, sau khi chúng tôi nói chuyện với người đó, chúng tôi tổng hợp tất cả những chứng cớ mình đã tìm thấy, những điều người khác nói, thì chúng tôi thấy là nhiều phần Mặt Trận là thủ phạm.

NV: Nếu đây là một nhân chứng ẩn mặt dấu tên, như vậy chúng ta không thể xác định thẩm quyền người ấy cũng như sự đáng tin cậy của họ, và dựa vào lời khai của người này, ông cảm thấy mạnh dạn hơn để đi đến kết luận, thì ông có nghĩ là sự đáng tin cậy của cuốn phim bị giảm đi không?

A.C. Thompson: Vâng, chắc chắn là như vậy. Ðối với bất kỳ phóng viên nào, khi phải lấy tin của một người giấu mặt, giấu tên, thì đó không phải là tình huống lý tưởng. Chúng tôi chấp nhận sự hoài nghi của một số độc giả và khán giả. Ðó là bản chất của sự việc. Nhưng sự thật của vấn đề là, khi bạn đang tường trình câu chuyện về những người bị ám sát và bị khủng bố, thì rất ít người muốn liên lụy đến tội ác, hay dính líu vào để làm lụy đến bản thân. Ðó là lý do tại sao FBI đã gặp khó khăn. Vì thế trong trường hợp này, đối với chúng tôi, khi cân nhắc mọi điều, lời khai của người giấu tên được đánh giá cao.

NV: Câu hỏi cuối của tôi: Nhân chứng Nguyễn Xuân Nghĩa, khi tôi phỏng vấn ông ấy, khẳng định rằng mình không hề nói với ông [A.C. Thompson] rằng bản thân “đã tham gia một buổi họp của Mặt Trận, trong đó các thành viên thảo luận việc ám sát một biên tập viên của một nhật báo nổi tiếng ở Quận Cam.” Xin ông cho biết ý kiến về việc này?

A.C. Thompson: Thật là hay khi ông Nghĩa nói như thế. Chúng tôi nghĩ rằng ông Nghĩa là một người tốt, và là một người rất thông minh, chúng tôi rất thích nói chuyện với ông. Nhưng vấn đề là không chỉ riêng tôi, mà ba người khác, ông Joseph Sexton, ông Cliff Parker, và ông Richard Rowley, đều nghe thấy điều ông ấy nói. Và vì điều ông nói quá quan trọng, nên sau đó, chúng tôi bàn luận với nhau, rồi tôi gọi điện thoại ngay cho sếp của tôi. Ðiều này không phải chỉ một mình tôi nghe thấy.

NV: Lạ thật, ông Nguyễn Xuân Nghĩa nằng nặc nói rằng không hề nói câu đó. Ông khẳng định là không nói câu nào “off the record” cả.

A.C. Thompson: Chúng tôi không bao giờ nói [với ông Nghĩa - NV] là chúng tôi đang “off the record” [thảo luận không ghi xuống và sẽ không được tường trình - NV]. Chúng tôi không nói với ông ấy là chúng tôi sẽ không tường trình những gì ông ấy nói. Chúng tôi chỉ tháo cái microphone ra, tắt đèn của máy ảnh, và rồi câu nói đó bật ra từ ông Nghĩa.

NV: Ông có ghi notes trên giấy không?

A.C. Thompson: Vâng, tôi ghi notes, và tôi nhớ rất rõ vì ngay sau đó chúng tôi thảo luận và gọi điện thoại nói chuyện với cấp trên của tôi, như tôi đã nói lúc nãy. [Ngày hôm sau, cả ba đồng nghiệp của A.C. Thompson, gồm Joseph Sexton, Cliff Parker, và Richard Rowley, đều gửi email cho Người Việt, xác định là ông Nguyễn Xuân Nghĩa có nói với họ như thế. - NV].

NV: Ông còn điều gì muốn trình bày?

A.C. Thompson: Vâng, tôi muốn nhật báo Người Việt chuyển lời xin lỗi của tôi. Tôi thật tình không muốn làm buồn lòng cộng đồng người Việt, không muốn vẽ lên một hình ảnh xấu cho cộng đồng người Việt. Chỉ là chúng tôi rất nóng lòng trong việc tìm công lý cho những ký giả gốc Việt, mà chúng tôi xem là đồng nghiệp, bị giết. Làm việc cùng với chúng tôi còn có những phóng viên người Việt khác, chăm chú đọc scripts, biên tập phim, không phải chỉ có đám phóng viên người Mỹ chúng tôi mà thôi.

NV: Cảm ơn ông.



Bài Liên Quan:

- Tài Liệu của FBI - năm 1992: cáo giác "Hoạt Động Chính Trị và Tội Ác Gia Tăng của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh"

- Bài Tường Thuật Phim “Terror in Little Saigon” by Adam Clay Thompson, ProPublica, November 3, 2015 / Lê Tùng Châu dịch sang Việt ngữ, November 4, 2015

- Loạt bài Hà Giang phỏng vấn (nhân phim Terror In Little Saigon) Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định và A.C. Thompson Người Việt Friday, November 6, 2015

- Việt Tân, chiếc bóng dài 30 năm by Phạm văn Thành, June 9, 2014

- Loạt bài trong chủ đề MT + VT do các tác giả khác viết

$pageOut

Xin đọc các Phần tiếp theo ==>


-

9 comments:

  1. Admin TV PVT: Trong loạt bài đăng tường thuật phỏng vấn Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định và A.C. Thompson, do Hà Giang thực hiện trên báo Người Việt Friday, November 6, 2015, có nổi côm phần 2 tức phần Hoàng Cơ Định.
    Sau 1 ngày tức vào ngày 7 lan qua ngày 8 November 2015, trên trang mạng Facebook của anh Phạm Văn Thành, các friend đã comment sôi nổi quanh chủ đề này (trả lời Hà Giang của Hoàng Cơ Định). Nhận thấy các comment này chứa nhiều dữ liệu cụ thể quý báu vì xuất phát từ nhiều cựu đoàn viên Mặt Trận từ 3 chục năm trước, nay vẫn còn ở Mỹ và châu Âu, chúng tôi đã copy lại các comments ấy và post vào TV PVT này để lưu trữ và cũng để phục vụ nhiều bạn đọc không hoặc ít sinh hoạt Facebook page. Xin quý bạn đọc theo dõi theo các số thứ tự 1 - 2- 3- v.v... (sở dĩ không thể post hết 1 lần vào Comment Box của blogspot vì blogspot khống chế số lượng ký tự cho mỗi commnent)

    ReplyDelete
  2. bạn đọc chú ý, các comment từ trang Facebook dưới đây được sao lại y nguyên và xếp vào đây theo đúng thứ tự thời gian đã post vào FB
    1-
    Phạm Văn Thành:
    A/ có một điều gây ngạc nhiên cho bản thân tôi là lần đầu tiên được đọc và nghe về thứ tự của "8 K" (không kể K9). Tôi là đoàn viên toàn thời gian (Không nhận phụ cấp) của MT (The Front) từ 1984 đên 1988. Tôi hoàn toàn không nghe biết gì về 8K này, dù rằng trong giai đoạn sóng gió nhất của MT (tháng 7/1984 đến tháng 8 /1985) tôi là người trực điện thoại cùng phòng với ông Cao văn Muôn (là nhân lực rường cột của ông Phạm văn Liễu và Phạm ngọc Lũy, đã tình nguyện hoạt động khu chiến và từng cùng cụ Phạm ngọc Lũy vào chiến khu Ubon 1984 và trở ngược lại Pháp vì nhiều lý do tế nhị, mà sau này tôi hiểu là từ vị trí thân tín của ông Cao văn Muôn với ông Phạm văn Liếu ....)
    Giai đoạn 1984 / 1985 là giai đoạn bão tố của MT /VT! Ở giai đoạn này, nếu có sự hiện diện của các cấp bộ (8 K) như ông Định vừa công bố, thì chắc chắn tôi phải biết, vì là người trực tiếp toàn thời gian và có mặt hầu hết trong nhữbg cuộc điện đàm nảy lửa của các phe phái MT. Điều cần ghi nhơ là giai đoạn tháng 12.1984 đến 12.1985 MT gần như TÊ LIỆT TẠI MỸ, tất cả thời giờ và tâm trí của MT đều dành cho việc chia hai đánh chém nhau kịch liệt. Đúng thời điểm này. tôi cùng 3 đoàn viên tại Âu châu tình nguyện xâm nhập chiên khu, là cựu sĩ quan Dù Trần Đặng quốc Hùng (Svenborge Đan Mạch), kỹ sư Nguyễn quảng Văn (Pháp) võ sư Võ Sĩ Hùng (tức Võ Thanh Trúc, Bordeaux, xâm nhập tháng 9.1985 và bị xử tử hình 1990 vì đã cố tình để một nhóm phục quốc quân của căn cứ 84 trốn thoát ra ngoài trại tỵ nạn Panak Nikhom xin định cư. Người thi hành án bắn là Đào Bá Kế ...)...
    Việc 8 K vì thế, với tôi, hoàn toàn là một sự ngạc nhiên. Hơn nũa, Đông Âu giai đoạn 1982 / 1985 ... chỉ có những kẻ .... làm phim mới có thể tượng hình được là Có một Khu Bộ của MT/ VT là K7 ... hoạt động! Riêng K Phi Châu và K Nam Mỹ cũng xin miễn bình luận!...)
    (continue)

    ReplyDelete
  3. 2-
    Phạm Văn Thành:
    B/ K9, như đã trả lời với nhiều người liên quan từ ba tháng trước tới nay, với tôi, K9 là một Con Ma! Con ma ngáo ộp để hù dọa nhau.
    Với tôi, không ngại trình bày là các vụ ám sát xảy ra là từ những hợp đồng thuê mướn. Ai thuê mướn thì đó thẩm quyền của các vị điều tra.
    Vì suôt trong thời kỳ hoạt động 1983 / 1988 (ở vị trí tiền tiêu) và những thời kỳ vào tù ra khám, lang bạt hoạt động khắp Mỹ Âu Úc... tuyệt nhiên tôi không tìm được dấu tích nhân sự nào liên quan xa gần đến K 9, ngoài những " lời đồn như thật " nhưng khi tiếp cận, bằng kinh nghiệm của người liên tục 30 năm hoạt động chống Cộng... tôi chỉ thấy những sự hoang tưởng hoặc tự mãn ảo. Với tôi, nếu có điều tra độc lập từ một tập đoàn tư pháp của đệ tứ quyền, xin hãy nhắm vào từng cá nhân nắm tài chánh của MT thời bấy giờ. Liên hệ của họ ra sao với những giới chức CIA, tương quan của họ thế nào với những nhóm găng-tơ thứ thiệt (vì vụ giết ông Đạm Phong và ông Lê Triết là action của giới rất chuyên nghiệp).

    C/ Ông Nguyễn xuân Nghĩa đầu năm 1985 mới giữ một vai trò trách nhiệm cao của MT. Với vai trò vụ trưởng Vụ Tuyên Vận ông đã dùng tận lực sự thao lược của mình để vực lại MT /VT giai đọan 1985/1987, giai đoạn mà MT ở Hoa Kỳ, các Khu Bộ hầu như hòan toàn tê liệt hoặc chỉ còn là hoạt động cầm chừng, áo nâu quần kaki vàng một thời ồn ào trên các phố người Việt đã gần như mất bóng!
    Nên nói ông Nguyễn xuân Nghĩa là tác giả của những " hoạt động nội địa trên mặt báo Kháng Chiến...) là điều phải nhìn lại.

    Tôi nghĩ ông Nghĩa cũng một phần như chúng tôi, là nạn nhân của một sự lừa đảo tinh vi mà cho đến khi ông Nghĩa áp lực ông Nguyễn Kim Hườn để thành lập một Vụ mới lấy tên là Vụ Kế Hoạch mà chính ông Nghĩa nắm quyền Vụ Trưởng (1987/1988). Từ cấp Vụ Trưởng này, ông Nghĩa mới ngang quyền được với Vụ Trưởng Vụ Tổ Chức Phan Vụ Quang (tức Hòang cơ Định), mới áp lực để trực tiếp vào được chiến khu Ubon cùng với Vụ trưởng Vụ Tuyên Vận Nguyễn Trường Lưu... giữa năm 1989. Chuyến đi này ông Định gởi ông Trần đức Tường kèm ông Nguyễn xuân Nghĩa, vì ông Định biết rất rõ ông Xuân Nghĩa rất khinh ông Trần đức Tường và bản thân ông Tườbg cũng biết rõ điều ấy.
    Cuộc đi vào khu chiến Ubon năm ấy của ông Nghĩa được một số anh em toàn thời Âu châu đánh giá ngay là cuộc đi sau cùng, khởi đầu cho cuộc chia tay không nhìn lại mặt nhau của ông Nghĩa và ông Nguyễn Trường Lưu, đối với MT/VT.
    Sắc diện và các câu trả lời khi gặp những "câu hỏi đặc biệt " của ông Nghĩa cho tôi hiểu ngay rằng ông Nghĩa đang bị dằn vặt. Sự dằn vặt của một kẻ sĩ trước phát hiện mình là nạn nhân của một cuộc gạt lường vô tiền khóang hậu. Sự gạt lường ấy ông đã là người tích cực tiếp tay trong vai trò chiến lược then chốt! Sự đau đớn tột cùng của ông Nghĩa, với tôi chính là ở điều này.
    (continue)

    ReplyDelete
  4. 3-
    Phạm Văn Thành
    D/ ông Hoàng cơ Định ở vị trí độc quyền tổ chức các cuộc ra vào khu chiến, mà tuyên bố công khai trên Người Việt rằng NHỮNG CÁI CHẾT NẾU CÓ Ở KHU CHIÊN, THÌ ĐỀU LÀ TỪ CÁC HÀNH ĐỘNG CHIẾN ĐẤU XÂM NHẬP..."
    Tôi đã từng không nghĩ rằng ông Định có thể xem thường công luận báo chí chính thức đến như vậy!
    Những ngôi mộ ở Ubon đã đang được đào xới và hai trong những ngôi mộ đó dân chúng quanh vùng đã xác định là " MỘ CỦA CÁC ÔNG VIỆT NAM BỊ TỬ HÌNH ". Một số cốt đang được giữ bí mật và một ngày gần đây sẽ được giảo nghiệm ADN với thân nhân của họ.
    Với tôi, họ là những anh hùng! Và một người anh hùng khi phải chết trước mũi súng của đồng đội mình với cái án phán PHẢN BỘI (!)... là một cái chết uất ức gấp triệu lần một cái chết bình thường.
    CHỈ CÓ NHỮNG HẠNG NGƯỜI KHỐN NẠN MỚI CÓ THỂ DỬNG DƯNG TRƯỚC NHỮNG CÁI CHẾT ẤY.
    chúng tôi sẽ hẹn ông ở một tòa án nghiêm chỉnh.

    = = =

    AnhThu Bui
    Vâng, đây cũng là lần đầu tôi nghe đến 8K. Là một người tham gia trong giai đoạn đầu tiên, xây dựng sơ sở để sửa soạn thành hình MT, đến nhiệm vụ cuối cùng là làm việc toàn thời (không lãnh lương) cho tờ báo Kháng Chiến, tôi chưa bao giờ nghe đến 8K như ông Hoàng Cơ Định đã giải thích với Người Việt. Mà tôi lại nghe đến nhóm K9 (chứ không phải Khu 9) trong thời gian tôi còn sinh hoạt trong MT.

    Tôi rời MT từ sớm, sau khi tham dự buổi họp khoáng đại ngày 29-12-1984 tại miền Nam Cali. Buổi họp này được loan báo chính thức đến tất cả các xứ bộ, chi bộ bằng văn thư (trước ngày hội khoảng 1 tháng) tại miền Nam Cali, trong khi đó, phía ông HCM lại tổ chức buổi họp riêng cùng ngày, cùng giờ tại tòa soạn Báo Kháng Chiến, miền Bắc Cali. Chuyện thay đổi địa điểm họp (từ miền Nam Cali lên miền bắc Cali) trong 2 tuần cuối từ phía ông HCM, đối với tôi là một hành động gian manh, không chính trực tôi sẽ trình bày vào một dịp khác.

    Trở về chuyện 8K, các anh chị còn ở lại với MT từ năm 1985 trở đi, có ai biết rõ về cách phân chia 8K (như ông HCĐ trình bày), xin các anh chị cho thêm ánh sáng. Xin đừng dùng bài vở tuyên huấn mà cả quyết mình biết rõ sự thật.
    (continue)

    ReplyDelete
  5. 4-
    Thanh Quach
    Tôi xác nhận là có 9 khu bộ. Trong một buổi học tập tại San Jose, có ông Phạm văn Liễu, Trần Minh Công... Chính ông Trần Minh Công đã công bố tổ chức của Tổng Vụ Hải Ngoại có 9 khu bộ. Đặc biệt khu bộ số 9 là những chiến hữu ở rải rác khắp nơi, chưa thành lập được những chi bộ.
    Trở lại vấn đề thay đổi chỗ họp, phía ông Phạm văn Liệu, cũng họp cùng ngày cùng địa điểm. Nên phía ông Hoàng Cơ Minh phải thay đổi buổi họp đến San Jose. Ông Liễu họp buổi sáng ở Nam Cali, ông Minh họp buổi chiều ở Bắc Cali. Lúc đó tôi cũng đã đang làm việc toàn thời với báo Kháng Chiến.
    Nếu tìm được Nguyen Trong Thuc, Nguyễn văn Ngân và Lê Quốc Việt.... hy vọng anh em còn nhớ có bàn bạc theo trí tưởng tượng của khu bộ đặc biệt K9 nầy.

    = = =

    Phạm Văn Thành
    Tôi còn ở lại những năm tháng đắng cay đó, và hơn thế nữa là tình nguyện xâm nhập, (đơn chấp nhận phục vụ quốc nội do Phan vụ Quang / Hoàng cơ Định, vụ trưởng Vụ Tổ Chức ký, gởi đến Champigny 94500 phòng mạch của bác sĩ Nguyễn Anh Chương. Chi bộ phó chi bộ đặc biệt 316 - chi bộ rường cột của Paris có mặt từ cuối 1982 khai sinh từ Place de Nation Paris 12, tôi và ông Chương cùng Võ sĩ Hùng cùng đọc giấy quyết định này).
    Tôi bị khai trừ đầu năm 1989 sau khi cùng với lãnh đạo của Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Paris đặt trực tiếp các câu hỏi với trung ương về việc sống chết của ông Hoàng cơ Minh và anh em Đông Tiến mà khi đó tôi nắm chắc thông tin là ông Minh đã tử nạn, một người anh em của chúng tôi về khu từ Đan Mạch là cựu thiếu úy Huỳnh văn Tiến cũng đã tử nạn.
    Tôi bị "sa thải" đi kèm với cơ man nào là tội lỗi được xây dựng chung quanh mình...
    Suốt từ 1985 (sau khi ba người tình nguyện từ Âu châu đã về khu, tôi "được" giữ lại để "thử thách" thêm). Các cuộc "thử thách" kéo dài đến 1988 đã dẫn tôi tiếp cận với tất cả các cơ sở MT ở Ạnh quốc, Ý đại lợi, Hòa lan, Đức, Đan Mạch và đương nhiên khắp nước Pháp... trong tất cả các sinh hoạt chìm nổi ở mọi cấp ấy, chưa bao giờ tôi nghe đến "8K", bởi nếu có (đặc biệt là...K7, K Đông Âu...) thì đương nhiên tôi phải biết, vì 1986 / 1988 tôi nhận nhiệm vụ phụ tá ông Nguyễn Công Khảm, đặc trách Hòa Lan và Bắc Âu.

    ReplyDelete
  6. 5-
    AnhThu Bui
    Xin lỗi anh Thanh Quach, nói hãy giữ lời.
    Lần đầu tiên tôi biết anh là cách đây 2 tuần tại San Jose (24/10/15) tại nhà một người chiến hữu cũ. Anh giới thiệu với tôi, anh làm cho tờ báo KC sau khi tôi nghỉ tờ báo và rời MT, nghĩa là anh làm tại tòa báo KC sớm nhất là vào ngày 29/12/1984. Bây giờ anh nói anh làm tờ báo trong thời gian có sự xung đột. Lời nói bất nhất như vậy, thì tin tức anh đưa ra KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ

    Điểm thứ hai, hôm đó anh cũng bảo tôi: ông Liễu kéo đoàn viên đi họp dưới miền Nam. Tôi chưa có dịp trả lời anh về vấn đề này. Anh lại bị tuyên truyền bóp méo sự thật rồi.
    Lá thư mời đoàn viên về miền Nam Cali họp ngày 29/12/1984 do chính tay tôi (tờ báo Kháng Chiến) gửi đến các cơ sở và lưu tại phòng Báo Chí (tòa soạn báo KC) cho cả hai bên tham dự. Đoàn viên lúc ấy vẫn mong muốn một sự giải hòa của hai bên để tiếp tục con đường đấu tranh. Chỉ có một buổi họp duy nhất chính thức triệu tập là buổi họp tại miền Nam Cali vào ngày 29/12/1984.
    Trước ngày họp chính thức khoảng 2 tuần , tôi nhận điện thoại của các đoàn viên ở xa gọi về tòa soạn tới tấp. Họ hoang mang khi địa điểm họp trong thư mời do các cơ sở loan báo là miền Nam Cali, trong khi nghe đồn địa điểm lại là tại tòa soạn Báo KC, San Jose. Thoạt đầu, tôi thực tình giải thích rằng, thư mời gửi ra từ tòa soạn báo KC (San Jose) nhưng địa điểm họp là miền Nam Cali, nhưng khi nhận quá nhiều điện thoại từ mọi người mà tất cả lại có cùng một câu hỏi ... tôi tìm hiểu, thì Lê Quốc Tiến (Nguyễn Nam) lấp lửng ... ừ, có một buổi họp tại tòa báo KC. Tôi hỏi có văn thư không, buổi họp về gì, nếu thay đổi địa điểm tại sao không ra văn thư chính thức để đoàn viên không hoang mang, LQ Tiến ậm ừ và cho qua luôn. Đó là chi tiết sự việc diễn tiến. Anh Thanh Quach nhắm mắt nói mà không phân biệt đâu là sự thật. Bây giờ lại trút tội cho ông Liễu làm bậy.

    Điều thứ ba, khi anh hỏi vì phải từ giã ra về nên tôi hẹn dịp khác gặp nhau sẽ trả lời. Nhân đây tôi trả lời anh luôn.
    Anh hỏi tôi, bao nhiêu tiền đoàn viên đóng góp đi về đâu. Tôi trả lời: về địa chỉ Phan Vụ Quang, hỏi Hoàng CƠ Định. Anh ngắt lời tôi: "Sai, tiền về túi ông Liễu". Tôi bật ngửa, không ngờ anh bị tuyên truyền tẩy não đến độ như vậy. Lên án ông Liễu chuyên quyền, hay lười không chịu làm việc ... thì còn tạm được, chứ nói ông Liễu ôm tiền đóng góp thì quả thật anh mù rồi. Ai đứng tên hệ thống phở Hòa ? ai đứng tên các tàu đánh cá ? Địa chỉ của ai đăng trên tờ báo KC, đăng trên các văn thư gửi các khu, xứ, chi bộ để tiền đóng góp tuôn về ?

    Chỉ chừng ấy thôi, tôi tin lời xác nhận của anh KHÔNG CÓ GIA TRỊ để soi sáng một giai đoạn khổ đau của người yêu nước.

    ReplyDelete
  7. 6-
    Phạm Văn Thành
    Tôi là một trong những người vác những bao cuống thu tiền quỹ cúa Chiến Dich Ký Gạo Cho Kháng Chiến Quân (được phát động khắp Âu châu 1984-1986) đem từ 92... đường National 20 / Antony ra bưu điện để gởi về Vụ Tài Chánh. Tiền bạc của quỹ Yểm Trợ Kháng Chiến Âu Châu, đều gởi về Vụ Tài Chánh, tức ông Hoàng cơ Định. Ông Phạm văn Liễu là người "phổi bò" ông này không biết giữ tiền, gần như là người không biết tiêu tiền. Người như vậy không thể là người tham tiền. Lý do gai góc nhất đã đưa đến tình trạng ông Chương không hòa giải được giữa ông Minh và ông Liễu LÀ ÔNG HOÀNG CƠ ĐỊNH. Ông Liễu đường đường là Tổng Vụ Trưởng mà chuyện thu chi tài chánh ông Định nắm bí mật độc quyền... thì là điều đương nhiên không thể chấp nhận. Ông Liễu đòi hỏi sự giải trình minh bach của ông Định mà ông Định không tuân thủ đưa đến việc giải chức! Ông Minh không đồng ý việc giải chức ông Định... thế là... vong!
    Công trình anh chị em khắp năm châu đổ sông đổ biển, gây ra cảnh hải ngoại lơ láo suôt 30 năm nay! Thật là việc uất hận vô bờ bến!
    Like • Reply • 3 • 7 hrs


    MyLinh Nguyen Anh Thành có đọc báo San Jose Mercury News sẽ thấy ông Liễu khốn nạn tới mức nào. Khi ký giả Ken Mc Laughlin đặt câu hỏi tại sao có sự đổ vỡ của Mặt Trận, ông Liễu đã ví von rằng ông là một người bán xe, ông Minh là người sản xuất xe, nhưng suốt mấy năm ông không có chiếc xe nào để bán, thành ra mới đổ vỡ. Một người năm gai nếm mật trong chiến khu, một người sung sướng ở ngoài lại đòi hỏi quá đáng.
    Like • Reply • 1 • 5 hrs • Edited


    Phạm Văn Thành Với tính cách bỗ bã đậm màu quân đội, tôi nghĩ trong một chừng mực nhất định, với tôi tôi thông cảm được cách ví von ấy. Vì cũng đã đến lúc ngay chúng ta cũng cần thẳng thắn với nhau về việc ông Minh nằm gai nếm mật như thế nào ở Ubon. Cách đây 15 năm, chúng ta còn choảng nhau cật lực được để cố bảo vệ việc ông Minh đã chết hay chưa chết..
    Ngày hôm nay, những người còn sống sót của đoàn quân Đông Tiến 1, 2 và 3 đều đã về với xã hội và ta có thể kiểm chứng được rõ ràng việc Ông Minh có bao nhiêu thời gian trong một năm có mặt nơi rừng núi Ubon ấy.
    Thời gian không bao giờ ủng hộ cho những sự gỉa dối chị Mỹ Linh ạ.
    Like • Reply • 1 • 5 hrs • Edited


    MyLinh Nguyen Phạm Văn Thành Tôi cũng như anh, rất căm tức những sự giả dối, nhưng cá nhân tôi vẫn thông cảm cho họ. Có những lý do dẫn đến sự giả dối mà cá nhân tôi và anh đều không hiểu được. Đôi khi có những trường hợp rất đặc biệt, chính cá nhân chúng ta không muốn giả dối, cũng phải giả dối. Có lẽ cấp lãnh đạo của MT hay VT đã vướng vào hoàn cảnh này.

    ReplyDelete
  8. 7-
    Hieu Van Ngo Chuyện quản trị và quản lý vốn rất đơn giản nếu làm việc theo bài bản nhưng xem ra với MT thì vô cùng phức tạp. Thiếu check and balance, oversight, critics, transparency, v.v… thì còn làm được trò trống gì.
    Like • Reply • 1 • 6 hrs



    Thanh Quach Đúng vậy, tôi nói tôi giữ lời, Tôi nói trong tinh thần trách nhiệm và ý thức của người hiểu biết. Tôi không bị tuyên truyền, tẩy não... Tôi xin nhắc lại, tôi đã có nói trong buổi gặp gỡ Anh Thư bất ngờ tại nhà Chi Mai. Tôi tham gia Mặt Trận, sau đại hội chính nghĩa 30/4/1983 tại Washington DC và bắt đầu làm toàn thời gian cho Vụ Tài Chánh và vụ Tuyên Vận bao gồm cả báo Kháng Chiến vào tháng 8/2013. Khi nơi nào có công tác thì tôi đến.
    Tiền của đoàn viên đóng góp qua nguyệt liêm, nien liêm được gởi về cho ông Phạm văn Liệu, để điều hành Tổng vụ Hải Ngoại, ông chi tiêu tiền điện thoại, mua nhà ở, tiền vé máy bay mỗi tháng hơn 10 ngàn đô (tiền thời 1983 và 1984).
    Tiền của đồng bào đóng góp qua Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến, kể cả tiền kinh tài, được gọi về Vụ Tài Chánh lo cho Tổng Vụ Quốc Nội. Ông Liễu muốn nắm số tiền này, đó là nguyên nhân thành ra cớ sự, Mặt Trận bể 2. Hãy nhớ lời chiến hữu Lê Hồng Đặng Quốc Hiền, trong lần công tác hải ngoại, trong bài diễn văn trước đoàn viên Mặt Trận đã dõng dạc nói "Có Thi Quý Không Có Thì Thôi".
    Không ai biết tất cả về Mặt Trận, Anh Thư có biết tất cả không? hay chỉ một mảnh vụn, rồi suy diễn xé ra to. Hãy nghĩ lại mình đúng hay sai, hay vì một sự hiểu lầm, nóng vội, quá khích mà trở nên thù hận. Ngày hôm nầy, nhân vụ "Terror in Little Sài Gòn" mà Chi Mai post lên trang nhà của tôi, chúng ta bơi dõng tro tàn, cũng không làm nên tích sự gì, một đàng nắm một số vấn đề và vẫn là hai đàng khác nhau, chúng ta không có một mẫu số chung, để soi sáng vấn đề.
    Con đường đấu tranh vẫn còn đang tiếp diễn trước mặt.
    Đối với tôi: luôn luôn đặt: "Tổ Quốc Dân Tộc Trên Hết". Tất cả các phe phái, tổ chức (chỉ là những phương tiện) nào đấu tranh cho một Việt Nam không cộng sản, Việt Nam thật sự Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền và đấu tranh bảo vệ Chủ Quyền Việt Nam, tôi đồng thuận, đồng hành.
    Xin Anh Thư đừng vội kết luận người khác, khi chính mình cũng không biết hết sự thật của vấn đề: Tôi xin copy lại những gì Anh Thu kết luận và phê phán tôi và xin đóng hồ sơ.
    1/ Lời nói bất nhất như vậy, thì tin tức anh đưa ra KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ
    2/ Anh lại bị tuyên truyền bóp méo sự thật.
    3/ Anh Thanh Quach nhắm mắt nói mà không phân biệt đâu là sự thật. Bây giờ lại trút tội cho ông Liễu làm bậy.
    4/ Chỉ chừng ấy thôi, tôi tin lời xác nhận của anh KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ để soi sáng một giai đoạn khổ đau của người yêu nước.
    Cảm ơn Chị Mai, đã lôi tôi vào vụ này.
    Unlike • Reply • 2 • 5 hrs • Edited

    ReplyDelete
  9. 8-
    AnhThu Bui
    Thanh Quach, mong anh nói rõ anh làm trong tờ báo Kháng Chiến vào lúc nào ? Lúc ai làm Vụ Trưởng Vụ Tuyên Vận và ai chịu trách nhiệm Phòng Báo Chí ?
    Báo KC trực thuộc Vụ Tuyên Vận, anh nằm trong vụ Tuyên Vận không có nghĩa là anh làm trong Tòa Soạn Báo KC, biết từng chi tiết xảy ra trong tờ báo KC trước ngày 29/12/1984. Ví vậy chi tiết anh làm trong tờ báo KC, vẫn không thuyết phục được tôi. Chính ngay hôm tại nhà Chi Mai, anh cũng xác nhận anh làm tại tòa báo sau khi tôi đã rời tờ báo.

    Tôi không biết, một đoàn viên gia nhập MT, sau Đại Hội Chính Nghĩa, (hè 1983) làm việc cho Vụ Tài Chánh lại KIÊM THIÊM làm việc cho Vụ Tuyên Vận vào năm 1984. MT thiếu người ?

    Dĩ nhiên là tôi không biết hết những toan tính bên trong của Vụ Tài Chánh, Vụ Tuyên Vận, hoặc các câu chuyện chiến khu. Vì vậy tôi chưa bao giờ "suy diễn", và không bao giờ "suy diễn" những điều tôi "nghe". Tôi cũng không là người "ba hoa chích chòe", thích khoe khoang.

    Ngày hôm nay tôi lên tiếng vì có nhiều điều bị bóp méo. Tôi thuật lại những điều chính tôi CHỨNG KIẾN và những chuyện đã xảy ra mà chính tôi là NẠN NHÂN của sự hăm dọa từ MT (anh Hieu Van Ngo đọc đoạn này).

    Tôi không biết chuyện CHÍNH ANH gửi tiền cho ông Liễu, vì tôi không nằm trong vụ tài chánh. Nhưng chính tôi đã gửi tiền mà tờ báo KC nhận được từ đồng bào đóng góp cho MT về địa chỉ của Vụ Tài Chánh.

    Cũng vì nỗ lực đấu tranh mà tôi giữ im lặng cho đến bây giờ. Khi người trong nước đã bật dậy được, thì cũng là lúc những dối trá cần phải đưa ra ánh sáng, để đem công lý lại cho những người vì yêu nước mà phải chịu những oan sai nghiệt ngã từ chính đồng đội của mình gieo rắc.

    Tôi cũng không muốn mất thì giờ. Chấm hết..
    Like • Reply • 2 • 3 hrs • Edited


    Thanh Quach Vụ Trưởng vụ Tuyên Vận là Nguyễn Xuân Nghĩa.
    Phụ trách báo Kháng Chiến, sau khi Lê Thiệp thôi việc là Huỳnh Lương Thiện. Sau đó thì Huỳnh Lương Thiện cũng rút lui, Trùng Dương thay thế. Xin đọc kỹ đoạn văn tôi viết, tôi bắt đầu làm toàn thời gian cho vụ tài chánh và vụ tuyên vận, kể cả tờ báo Kháng Chiến, tôi không có nói chữ Kiêm Nhiệm. Tôi đã được lịnh từ vụ Tài Chánh đến căn nhà làm báo Kháng Chiến ăn ngủ làm việc ở đó, nếu tôi nhớ không lầm, trước ngày 29/12/1984 ít nhất một tuần. Tôi cũng không gặp Bùi Anh Thư. Tôi Gặp Nguyễn Xuân Nghĩa, Trùng Dương, Huỳnh Lương Thiện, Nguyễn Nam, Trường Giang, Nguyễn Thiện Minh. Những người làm việc toàn thời gian cho Mặt Trận. Tôi đã được làm việc với vụ Tuyển Vận từ đó, đi theo Nguyễn Xuân Nghĩa làm những công tác Tuyên Vận, bỏ dấu cho báo Kháng Chiến, đem đi in, lấy báo về, đóng gói, đi bưu điện gởi báo.... Làm tờ báo Lá Thư Quốc Nội in trên khổ giấy 8 x 11, gởi đến nhà quý chiến hữu còn lại của Mặt Trận. Trước ngày 29/12/1984 Chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã họp với Tổng Vụ Hải Ngoại và Xứ Bộ Bắc California tại căn nhà làm báo Kháng Chiến. Tôi cũng không gặp Bùi Anh Thư. Những chỉ tiết trên đây Anh Thư co biết không? Chấm hết.

    ReplyDelete