Sách đã dịch xong
Nguyên tác Anh ngữ dày 371 trang gồm 23 Chương và Lời Cảm Tạ [Acknowledgments] ở cuối sách - Bản Việt dịch dày 445 trang - Các chú thích trong bản Việt ngữ là của người dịch
updated Jan. 28, 2019. Sách đã dịch xong. Mời bạn đọc
Nguyên tác Anh ngữ by Viet Thanh Nguyen - Lê Tùng Châu dịch sang Việt ngữ và thêm chú thích
Sách đã dịch xong: ==> KẺ NẰM VÙNG - THE SYMPATHIZER
The Sympathizer
Nguyên tác Anh ngữ by Viet Thanh NguyenGrove Press
New York
2015
an imprint of Grove Atlantic 154 West 14th Street New York, NY 10011
Distributed by Publishers Group West
KẺ NẰM VÙNG
Lê Tùng Châu dịch sang Việt ngữ
Saigon Vietnam – 41th Black April, 2016
bản tin trên BBCVietnamese Apr, 21, 2016 loan tin Tác giả người Mỹ gốc Việt, ông Nguyễn Thanh Việt, người vừa đã được tặng giải thưởng cao quý của Mỹ, Pulitzer, trong hạng mục tiểu thuyết, cho biết đây không phải là một cuốn tiểu thuyết tự sự nhưng là kết quả của một vài chủ đề có tính tự thuật trong cuộc đời ông. Ông cũng cho biết ông luôn có cảm giác sống giữa hai thế giới và bị giằng xé giữa hai thế giới đó. Nó cũng đã hình thành thế giới quan của cuốn tiểu thuyết mang tên The Sympathizer - Cảm tình viên.- screenshot picture by LeTungChau |
updated Jan. 28, 2019. Sách đã dịch xong. Mời bạn đọc
Nguyên tác Anh ngữ by Viet Thanh Nguyen - Lê Tùng Châu dịch sang Việt ngữ và thêm chú thích
==> KẺ NẰM VÙNG - THE SYMPATHIZER
KẺ NẰM VÙNG
tặng Lan và Ellison
Chớ quá sầu đau khi chạm trán với hai chữ "Khổ Nạn", trong hoàn cảnh cá biệt đó có khi ta còn tìm thấy bao điều khả dĩ giảm nhẹ nó, bù trừ cho nó thậm chí cả một nụ cười nở trên môi ... - trích Friedrich Nietzsche, trong Luận Triết On the Genealogy of Morals (1)
CHƯƠNG 1
Tôi là một gián điệp, một kẻ mai phục, một con ma, một kẻ hai mang. Có gì đáng ngạc nhiên khi tôi mang hai tâm trí trong cùng một xác thân. Cũng chẳng đến nỗi xem tôi như một cái gì dị dạng khác thường như những gì người ta thường thấy nơi các cuốn truyện tranh hay trong phim kinh dị, mặc dù nhiều người đã xem tôi như vậy. Giản dị là bởi tôi hay nhận thấy được cả hai mặt của cùng một vấn đề bất kỳ nào.
Có lúc tôi lấy làm tự hào rằng đấy cũng là một cái tài của mình dù phải thú thực rằng nó chẳng đáng gì và hơn nữa có lẽ cái tài của tôi chỉ có thế. Có lúc tôi thấy phân vân sao mà mình lại không ra tay làm cái gì có ích cho đời như bao người vẫn làm thay vì cứ đóng vai trò quan sát viên như thế, và tôi tự hỏi những gì tôi có đó có đáng được gọi là tài năng không. Bởi vì xét cho cùng, tài năng là một cái gì khả dụng mà mình dùng nó chứ không phải để nó dùng mình. Tài năng mà ta không làm chủ được nó lại để nó làm chủ ta thì quả là một tai họa, tôi phải thú thật như thế. Thế nhưng khi những lời thú thật này viết ra về cái tháng đó, dường như cách nhìn đời trong tôi vẫn còn thiên về mối ràng buộc tốt xấu hơn là mất còn, là điều đã khiến bao hiểm họa xảy ra tự thuở đầu.
Cái tháng vẫn còn đầy những dấu hỏi nghi nan đó chính là tháng Tư, tháng Tư nghiệt ngã. Tháng Tư ghi dấu một chiến cuộc dai dẳng kéo dài không ngừng leo thang cường độ bỗng như biến đâu mất, như thể đó là cách thế của bao cuộc chiến tranh khác của nhân loại. Tháng Tư, mọi thứ từ đâu bỗng đổ ập lên đầu tòan thể dân chúng ở một góc nhỏ của thế giới, Tháng Tư không còn chốn dung thân cho ai hết. Đó là một tháng Tư mà nếu bảo là thời điểm kết thúc chiến tranh cũng được mà bảo khởi đầu cho. . . "hòa bình" cũng xong, nhưng, phải chăng chữ "hòa bình" không phải là từ ngữ xác đáng ở đây phải không hỡi ông Sếp yêu quý của tôi?
Tháng Tư, tôi ẩn náu trong một ngôi biệt thự chờ cái kết thúc đến, nơi đây tôi đã sống suốt năm năm trước, vây quanh là các vách ngăn bằng kính nâu tráng lệ bị bể vỡ nham nhở và tòa nhà như thể được người ta quàng vào đầu một chiếc vương miện bằng hàng rào kẽm gai rỉ sét. Giống y như phòng riêng của tôi trong căn cứ của ông ấy Sếp ạ, nơi ngôi biệt thự này tôi cũng có phòng riêng. Nói cho đúng thì nó giống như một phòng "biệt giam" hơn, và thay vì được một quản gia đến lo lau dọn hàng ngày, ông đã phái đến một người tùy phái mặt non choẹt và chẳng hề lau dọn gì cả. Nhưng tôi chẳng phàn nàn gì về chuyện ấy. Không sạch sẽ cũng được nhưng được kín đáo riêng biệt là điều kiện tiên quyết duy nhất tôi cần để viết ra những dòng thú thật này.
Dù là ngày hay đêm tôi cũng được riêng tư kín đáo trọn vẹn trong ngôi biệt thự của vị Tướng. Tôi là người duy nhất trong số các thuộc cấp của Ông được ông cho ở chung nhà, là thuộc cấp còn độc thân duy nhất và là người phụ tá được ông tín cẩn nhất.
Buổi sáng, trước khi lái xe chở ông đi làm ở sở không xa nhà là mấy, chúng tôi cùng ngồi ăn sáng, phân tích các công văn ở một đầu bàn ăn làm bằng gỗ tếch, còn một nơi khác, vợ Ông đang chăm cho bốn đứa trẻ, đứa mười tám, đứa mười sáu, đứa mười bốn và đứa mười hai, cạnh một chiếc ghế bỏ trống vốn là của cô con gái đang du học tại Mỹ.
Không phải ai cũng thấy lo nghĩ tới giây phút kết thúc, nhưng ông Tướng thì đã có linh cảm điều đó. Một người đàn ông mảnh dẻ nhưng có một phong thái đĩnh đạc, ông vốn là một quân nhân kỳ cựu, được nhiều huy chương, và là một điển hình của người liêm khiết. Dù ông chỉ còn có chín ngón tay và tám ngón chân sau khi bị thương vì trúng đạn và lựu đạn, nhưng chỉ người nhà và vài thuộc hạ tâm phúc mới biết. Tham vọng của ông hầu như không bao giờ bị cản trở, thế nhưng ước muốn kiếm một chai vang Bourgogne thật tuyệt, thêm đá cục vào cùng ngồi khề khà với bạn bè … thì Ông chưa làm được. Là một người biết hưởng lạc và cũng là một Kitô hữu, nhưng trong chừng mực nào đó, Ông là người tin sâu vào Thiên Chúa và món ăn ngon; tin vợ tin con; và tin người Pháp tin người Mỹ. Ông quan niệm rằng, tuy họ đặt xứ sở chúng ta dưới một nền bảo hộ nhưng những gì họ đem lại còn tốt hơn nhiều so với những tên Phù Thủy ngoại bang khác, những kẻ đã ru ngủ hầu hết người anh em miền Bắc và một ít người miền Nam, đó là những Karl Marx, V. I. Lênin, và Mao chủ tịch.
Cũng chẳng phải vì ông từng đọc nhiều sách thánh hiền gì cho cam! Vì là việc của tôi nên tôi biết, tôi là tùy viên quân sự thân cận và đồng thời sĩ quan tình báo cấp dưới, nên thường phải cung cấp cho Ông những bản sao chép cóp nhặt được, ví dụ trong đó có Tuyên ngôn Cộng sản (The Communist Manifesto) hay tập “Mao tuyển” (Mao’s Little Red Book). Rồi là tùy Ông vận dụng nó và tìm dịp để chứng minh cho mọi người biết kiến thức của mình về những toan tính của đối phương, ông thích lấy câu hỏi của Lenin, lấy ý tưởng trong câu đó bất cứ khi nào cần, đó là câu hỏi: “Quý ông, ông vừa nói vừa gõ đốt ngón tay vào lòng bàn tay kia, ta đã làm được những gì rồi?” Nếu trả lời viên Tướng là Nikolay Chernyshevsky thực sự đã làm thỏa câu hỏi đó -trong cuốn tiểu thuyết cùng tên- thì có vẻ như Ông không chịu. Bây giờ còn mấy ai nhớ tới Chernyshevsky? Nhưng Lenin thì được, là con người của hành động, người đã biết đặt câu hỏi và lấy đó làm của riêng mình.
Trong những tháng Tư ngày đen tối này, nếu phải đem câu hỏi nên làm gì kia ra đặt lại ắt hẳn viên Tướng sẽ thấy rằng những gì cần làm đã không còn có thể làm được nữa. Một người đặt niềm tin vào sứ mệnh khai hóa và đường lối Mỹ đã âm thầm bị nỗi hoài nghi cắn rứt.
Dịch giả Lê Tùng Châu đang dịch The Sympathizer / KẺ NẰM VÙNG
Vì các lý do:
1- Trong khi đang còn chờ tác giả Viet Thanh Nguyen thuận tình đồng ý cho phép dịch
2- Giữ bản quyền của bản Việt dịch
Do đó tại trang Blog này chúng tôi buộc phải tạm ẩn đi bản dịch và chỉ cho hiển thị một ít mà thôi. Mong bạn đọc thông cảm
Kính Cáo.
TV PVT
Tháng Tư đen thứ 41
Chúng tôi không thể tin rằng Tổng Thống của chúng tôi, ông Thiệu, một cái tên mà tôi mong sao thốt ra khỏi miệng thật nhanh, là, đã không thể giải thích được vì sao ông lại ra lệnh cho lực lượng phòng vệ của chúng tôi phải triệt thoái khỏi Tây Nguyên. Chúng tôi không thể tin rằng Đà Nẵng và Nha Trang đã thất thủ, hay quân đội của chúng tôi lại bắn vào phía sau thường dân để bằng mọi cách vượt thoát bằng sà lan và tàu thuyền, khiến con số người chết khi chạy loạn lên đến hàng ngàn. Trong văn phòng riêng tư bí mật, tôi mẫn cán chụp ảnh hết những báo cáo quân sự ấy, mà tôi biết sẽ vui lòng Man, một cấp trên trực tiếp khác của tôi.
Trong khi những tin tức đó làm tôi hài lòng, cũng như liên tiếp những dấu chỉ suy thoái không thể tránh khỏi của chế độ, thì đồng thời tôi không sao tránh khỏi cám cảnh xao lòng trước tình cảnh của đông đảo quần chúng bần dân. Nếu nói bằng ngôn ngữ chính trị thì khi tôi còn thấy dấy lên trong tâm lòng trắc ẩn xót thương họ, là không đúng, thế nhưng nếu mẹ tôi còn sống thì bà sẽ là một trong số họ. Bà là quần chúng bần dân, tôi cũng là đứa trẻ bần hàn, và chẳng có ai thử hỏi tầng lớp bần dân đông đảo kia xem họ thích chiến tranh không? Cũng chẳng ai hỏi những người nghèo khổ xem họ muốn chết khát hay phơi mình trên bờ biển, hay họ có muốn bị chính những người lính của mình cướp bóc và hãm hiếp không?
Trong hàng ngàn người vẫn còn sống cũng sẽ không sao tin được vì sao bao người đã phải chết, thật là không ai tin được người Mỹ-là bạn bè, là ân nhân và người bảo trợ chúng tôi- lại chối bỏ trọng trách trước tình trạng cấp thiết mà chúng tôi đang cần nhiều tài trợ hơn. Nếu nhận được tài trợ, chúng tôi sẽ làm gì nào? Mua nào là đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng thay thế cho các loại vũ khí, máy bay, xe tăng … những nhu yếu mà người Mỹ vốn đã viện trợ cho chúng tôi trước đây vậy. Kim tiêm thì họ đã đưa rồi mà giờ đây lại không chịu đưa thuốc. (Hóa ra chẳng còn gì hết, vị Tướng lẩm bẩm, quả là cái gì người ta cho không thì rồi ta cũng phải chịu trả với một giá rất đắt)
Có hôm vừa dùng bữa vừa bàn luận với nhau xong, tôi châm cho Ông một điếu Lucky Strike còn Ông cứ mãi đăm đăm vào xa xăm vô định nào tới nỗi để mặc điếu thuốc tự cháy dần đến tận kẽ tay. Đó là vào giữa tháng Tư, một lần khi tàn thuốc cháy vào tận tay bỗng như lay Ông quay về với thực tại đã khiến Ông đã thốt ra một lời không hay, trong khi phu nhân đã vừa kịp nghe ông nói vừa lo ngăn đám trẻ đang nô đùa giữ im lặng vừa đáp, nếu ông cứ ráng chờ thêm nữa, chúng ta sẽ không còn đi thoát kịp, ông nên yêu cầu Claude cho chúng ta một chuyến bay ngay đi. Vị Tướng vờ như không nghe vợ nói gì.
Phu nhân, một phụ nữ có đầu óc của một cái máy tính, tính cách rắn như một nhà mô phạm kỳ cựu, và thân hình của một cô gái thanh tân ngay cả khi họ đã có với nhau năm người con. Tất cả những tính cách đó đã được tổng hợp lại trong một tổng thể nhất quán phong thái của bà và đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ Thuật thực hiện những bức họa màu nước với những nét phác thảo lung linh hãn hữu. Nói cách khác Bà là một mẫu người nữ lý tưởng của Việt Nam. May mắn có được một người vợ như thế cho nên vị Tướng luôn tri ân và kiêng nể Bà. Xoa xoa các ngón tay nám đen vì khói thuốc, Ông nhìn tôi nói, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta ngỏ lời yêu cầu Claude cấp cho ta một chuyến bay là vừa. Ngay khi Ông vẫn còn bận bịu với mấy ngón tay cháy nám, tôi liếc qua nhìn thấy bà khẽ nhướn mày lên. Ý hay đấy thưa ông, tôi đáp.
Claude là người bạn Mỹ tín cẩn của chúng tôi, trong tình thâm giao đó có lần ông đã thổ lộ với tôi ông vốn mang dòng máu da đen đến đời thứ mười sáu. Ah, thế là tôi cũng vừa gõ vào chai Tennessee Whiskey vừa nói luôn, thảo nào tóc ông đen, phơi nắng thật lì, và còn nhảy cha-cha chẳng thua gì bọn tôi. Ông nói tiếp, Beethoven cũng giống như tôi vậy cũng thuộc dòng thứ mười sáu. Tôi đáp, hèn gì ông có thể kéo dài nhạc điệu "Happy Birthday" cứ như không. Chúng tôi đã biết nhau đã hơn hai thập kỷ qua, kể từ cái lần ông chộp tôi trên một chuyến tàu chở người di cư hồi 1954 và mau chóng nhận ra tôi có chút khả năng. Tôi đã sớm phát triển khi mới lên chín và hồi ấy cũng đã trang bị được một số kha khá tiếng Anh tươm tất, nhờ một nhà truyền giáo người Mỹ tiên phong thuở đó dạy cho. Còn Claude lúc ấy có lẽ làm việc trong ủy hội cứu trợ người tị nạn. Hiện Claude đang là một đặc phái viên của tòa đại sứ Mỹ, ngụy trang dưới vai trò công tác thúc đẩy phát triển du lịch nơi xứ sở đang thời chiến của chúng tôi. Một người như thế ta có thể thấy hội tụ những gì điển hình làm nên tinh thần Mỹ quốc. Kỳ thực, Claude đã là một nhân viên CIA từ thời xứ này vẫn còn nằm dưới ách thuộc địa của người Pháp. Dạo đó, khi Hồ Chí Minh có toan tính cậy nhờ Mỹ để chống Pháp thì tiền thân của CIA bấy giờ là OSS (2). Thậm chí ông Hồ còn mượn dẫn lời nhà lập quốc của Hoa Kỳ đưa vào Tuyên ngôn độc lập (3). Đối thủ của bác Hồ quy kết ông là kẻ môi mép nói nước đôi, nhưng Claude thì tin rằng ông Hồ đã nhận ra 2 mặt của vấn đề ngay tức thì.
Từ văn phòng của tôi nằm ở sảnh ngay bên dưới thư phòng của vị Tướng, bằng tiếng Anh, tôi gọi thông báo với cho Claude biết viên Tướng đã thấy tình hình nguy ngập rồi. Tiếng Việt của Claude đã tệ mà tiếng Pháp còn tệ hơn, chỉ có tiếng Anh thì ngon! Sở dĩ tôi phải nêu ra điểm này vì khi nói ra những điều thế này không nên nói tiếng Việt để người Việt nào cũng nghe được.
Đến đoạn kết rồi, tôi bảo vậy, mà quả là khi tôi nói ra điều đó với Claude thì cái kết có vẻ đang đến thực sự. Tôi cứ lo Claude có thể phản đối và sẽ dằng co rằng máy bay Mỹ vẫn còn làm chủ bầu trời, hoặc là kỵ binh không quân Mỹ sẽ sớm phát động trực thăng để cứu hộ chúng tôi nếu cần, nhưng Claude đã không thế, ông không làm chúng tôi thất vọng. Lẫn trong những tạp âm trong ống nói, ông ôn tồn bảo tôi nên thu xếp những gì có thể, và tôi tưởng tượng ra tình trạng lộn xộn trong Tòa Đại Sứ, với hệ thống điện tín bị quá tải bởi bao cuộc kết nối khẩn cấp chằng chịt giữa Sài Gòn và Washington, các nhân viên làm việc không ngơi nghỉ, và nỗi lo sợ giờ phút thất thủ đã khiến cái nóng bức chẳng còn thấm tháp gì.
Cũng có đôi lúc dịu lại, Claude lấy lại bình tĩnh hơn, vì vốn đã quen sống ở đây lâu ngày rồi nên ông không đến nỗi vã mồ hô trong cái hầm hậm ẩm thấp của khí hậu vùng nhiệt đới. Khi vẫn còn ở đây thì dù Claude có thể tạm lánh mặt trong bóng tối, chứ đâu có mất dạng đi đâu được. Tuy là một trí thức, Claude lại là một kiểu người Mỹ khác thường, cơ bắp cuồn cuộn chẳng khác nào vận động viên chèo thuyền và là một tay vật tay đáng gờm. Trong khi xu hướng giới học thuật ở xứ tôi thường là da dẻ xanh tái, mắt cận thị, và thân hình thì gầy gò … thì Claude tới 62 kg, một ngoại hình không chê vào đâu được, và cứ mỗi sáng luyện dáng bằng hai trăm cái hít đất, còn cõng cả trên lưng một cu cậu làm tạp vụ được nữa. Hễ có lúc nào rảnh rỗi là ông đọc sách, lúc nào ông đến thăm biệt thự là thể nào cũng cắp theo một cuốn sách dưới cánh tay. Mới mấy ngày trước ông đến, đem đến mấy cuốn bìa mềm như “Cộng sản Á châu” của Richard Hedd hay cuốn Oriental Mode of Destruction.
Sách là phần tôi, còn phần ông Tướng là một chai Jack Daniel's, loại quà tặng mà tôi rất thích nếu được chọn. Dẫu vậy, tôi vẫn để ý xem kỹ bìa sách, chi chít những lời giới thiệu đến ngộp thở của nhà xuất bản cốt đánh bóng cho cuốn sách mà hẳn là cóp lại đâu đó từ một câu lạc bộ những thiếu nữ hâm mộ, thêm vào đó là cái cười rạng rỡ của một cặp bộ trưởng quốc phòng, một thượng nghị sĩ đã từng đến thăm đất nước chúng tôi hai tuần như một chuyến đi thực địa, và một tay tổ ngành truyền hình nổi tiếng, kẻ hay bắt chước lối nói của đấng tiên tri Moses (4), hay lối diễn xuất của tài tử Charlton Heston (5).
Y cứ vào chủ đề của sách thì dễ hiểu vì sao họ rạng rỡ phần khích: “On Understanding and Defeating the Marxist Threat to Asia” (“Nhận Diện và Chận Đứng Nguy Cơ Mác xít hóa châu Á”). Claude bảo, ai cũng cần nên đọc sách này để biết cách tự vận dụng, tôi đáp chắc chắn tôi sẽ đọc. Ông Tướng, thì khui chai rượu, chẳng còn tâm trí nào để mà bàn luận hay tán gẫu về sách vở, cũng chẳng còn lòng dạ nào khi thủ đô đang bị mười tám sư đoàn địch bao vây. Ông muốn bàn tới chuyến bay đã yêu cầu, trong khi Claude lăn qua lăn lại ly whisky trong lòng bàn tay vừa nói là ông ta nên kiếm một chuyến bay riêng, không giấy tờ kế hoạch gì hết và tốt hơn cả là một chuyến vận tải cơ C-130, loại có thể chở chín mươi hai lính nhảy dù cùng với quân trang quân dụng của quân số đó, là điều vị Tướng chẳng lạ gì vì ông vốn xuất thân từ Không Quân trước khi được Tổng Thống thuyên chuyển qua nắm ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Có điều là, ông giải thích với Claude, đại gia đình của Ông cũng đã lên tới con số năm mươi tám rồi. Trong số đó có người Ông không ưa hoặc có người Ông coi thường, nhưng Ông biết vợ ông sẽ không để Ông yên nếu không giải cứu hết tất cả số thân nhân trong hai bên gia đình.
Thế còn các thuộc cấp của tôi thì sao, Claude? Lần này thì vị Tướng nói rành rẽ trang trọng bằng tiếng Anh. Cả họ nữa ư? Cả hai người, vị Tướng và Claude đều đưa mắt nhìn tôi. Tôi cố lấy vẻ bình thường đối diện với giây phút đó. Trong các viên chức thuộc cấp của Tướng, tuy tôi không phải là sĩ quan cao cấp nhưng với vai trò sĩ quan tùy viên cho Ông, và cũng am hiểu về văn hóa Mỹ hơn mọi người, lại được dự hầu hết các cuộc họp Việt - Mỹ, tôi thấy các đồng nghiệp người Việt cũng như chính tôi hầu như ai cũng nói tiếng Anh bằng một cách hơi màu mè. Thế nhưng lại cũng như tôi, hầu hết chẳng ai có thể tham gia tán chuyện với người Mỹ những chuyện như xếp hạng bóng chày, cái cáu cạnh của Jane Fonda (6), hay Rolling Stones so với The Beatles (7) thì nhóm nào tài nghệ hơn … Nếu một người Mỹ nói chuyện với tôi mà đừng nhìn tôi có khi anh ta sẽ cho rằng tôi là đồng hương. Thật vậy, trên điện thoại, nhiều người đã nhầm tôi là người Mỹ. Những lần họp riêng nhiều người không dấu vẻ ngạc nhiên trước sự xuất hiện của tôi và hầu như lúc nào cũng tò mò muốn biết sao mà tôi đã có được khả năng tiếng Anh tốt thế.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Xứ cộng hòa giả tạm này chẳng qua chỉ để phục dịch cho quyền lợi của Mỹ, nhưng người Mỹ lại cứ đòi tôi lẫn bao người khác đừng nói tiếng Anh, hoặc đừng nói tiếng Mỹ giọng Anh. Tôi bực cái đòi hỏi dó cho nên tôi luôn háo hức tìm dịp để chứng tỏ cho họ thấy tôi thông thạo tiếng họ trong cả cách nói và viết. Vốn từ ngữ của tôi cũng nhiều hơn, văn phạm của tôi cũng chỉnh hơn so với một người Mỹ có học vấn trung bình. Tôi còn có cơ hội kinh qua nhiều công văn ngoại giao từ thấp đến cao, nhờ đó mà tôi chẳng khó gì để hiểu rõ ngài Claude, đặc phái viên của Đại Sứ, chẳng qua chỉ là một loại "NGỐC", một "tên phải gió" "ngớ ngẩn chả biết gì hết", kẻ không chịu thừa nhận thành phố đang lâm nguy.
Claude nói, chính thức thì không có di tản đi đâu hết, bởi chúng tôi không còn chưa rút đi vội.
Ông Tướng nãy giờ im lìm thì giờ mới cất tiếng. Hừ, còn không chính thức gì nữa, các ông đang bỏ chúng tôi! Ông la lên. Biết bao nhiêu chuyến bay đang ngày đêm cất cánh hạ cánh ở phi trường. Những ai từng làm việc với người Mỹ cũng cố kiếm cho được một thị thực xuất cảnh. Họ kéo đến Tòa Đại Sứ quán của ông để làm thị thực chớ đâu. Đàn bà con gái của mấy ông thì mấy ông đã cho rút về trước, rồi dời đi cả trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi nữa. Mấy ông tưởng chỉ có đông đảo dân chúng mới không biết những người đã được mấy ông đưa đi chỉ toàn là người Mỹ không thôi ấy hả?
Bấy giờ Claude mới gượng gạo bối rối giải thích nếu quần chúng biết có các cuộc di tản như thế thì thành phố sẽ dấy loạn và khó tránh khỏi hệ quả là nổ ra phản ứng chống lại người Mỹ. Hẳn chúng ta chưa quên điều lo sợ đó đã xảy ra ở Đà Nẵng và Nha Trang khi người Mỹ đã tìm phương tẩu thoát trước, bỏ mặc cư dân địa phương tự tìm lối thoát thân. Dù việc rành rành mới ngay đó, thế nhưng Sài Gòn vẫn đang một bầu khí yên tĩnh lạ lùng, hết thảy cư dân đô thành Sài Gòn vẫn bám lấy nhau sống chẳng khác nào trong một hôn nhân dẫu đã vỡ rồi nhưng thà chết chùm chứ không bên nào chịu thừa nhận sự thật là mình đã ngoại tình. Thật ra, hiện tại đã có ít nhất một triệu người đang làm việc hoặc đã từng làm việc cho người Mỹ với nhiều cương vị khác nhau, từ hàng thấp như đánh giày cho đến tầng cao như đang nắm cương vị chỉ huy quân đội do người Mỹ hậu thuẫn … mỗi người đều tìm cách của riêng mình để ra đi bằng bất cứ giá nào. Rất đông trong số họ tin chắc rằng nếu người cộng sản thắng cuộc – điều mà với họ là không thể – thì cái chờ đón họ là chốn lao tù hoặc một giá treo cổ, chẳng khác nào các thiếu nữ thanh tân mà bị ép gả cho giống người man rợ. Họ tin chắc thế. Đó cũng là những lời đồn mà CIA đã tuyên truyền .
Khi ông Tướng nói thì chỉ có Claude mới dám ngắt lời. Thưa ông, chuyến bay đã có rồi và cứ coi như ta vẫn còn may. Ông Tướng không nói thêm lời nào nữa. Ông nốc cạn ly whisky và Claude cũng cạn, rồi ông bắt tay Claude và chào tạm biệt, mắt ông vẫn không rời mắt Claude. Người Mỹ thích nhìn thẳng vào mắt người đối diện, có một lần vị Tướng đã nói với tôi như vậy, nhất là khi họ muốn thử xem người kia còn có ẩn ý gì khác không. Thỏa thuận đó không phải là cách mà Claude thừa nhận trong tình thế này. Các Tướng khác chỉ kiếm được vừa đủ chỗ cho thân nhân thôi, Claude nói với chúng tôi lúc chia tay. Ngay cả Thiên Chúa và ngài Noah đi nữa cũng không thể cứu thoát hết tất cả mọi người lúc này. Bằng cách nào cũng chẳng thể được như vậy.
Không được ư? Rồi Cha tôi sẽ nói gì? Ông là một linh mục Công Giáo, vậy mà tôi chẳng nhớ mấy những gì vị tu sĩ khiêm tốn ấy đã rao giảng về Noah, phần cũng do tôi hay lơ đễnh khi đi lễ. Nhưng nay Thiên Chúa hay Noah cũng chẳng cần nữa, vì tôi biết chắc rằng trong tất cả thuộc cấp của ông Tướng, nếu có cơ hội, họ sẽ nhân đó mà giải cứu cho hàng trăm thân bằng quyến thuộc của họ cũng như bất kỳ ai khác có yêu cầu ra đi nếu chịu thỏa thuận một khoản chi trả.
Mối tương quan gia đình của người Việt Nam thường phức tạp và có nhiều chuyện tế nhị, và cho dù tôi cũng có lúc nghĩ tới trường hợp mình, vốn là con trai duy nhất của một người Mẹ bị khước từ, nhưng bây giờ không phải là lúc nghĩ tới điều ấy.
Qua hôm sau, Tổng Thống từ chức. Tôi đã nghĩ rằng lẽ ra ông ta nên từ bỏ quyền hành mấy tuần trước kia là cũng vừa đủ cho cái tham quyền cố vị rồi, và với tôi trường hợp ông ta bây giờ chẳng qua cũng như những người đang lên danh sách ra đi tỵ nạn thế thôi.
Vị Tướng vốn khó tính, khả năng xoay xở chậm, nay tập cho quen dần với các yêu cầu nhanh lẹ, quyết đoán các quyết định nan giải, mà tác vụ này thì ông phải tùy thuộc vào tôi. Ông bị những công vụ văn phòng choán hết thì giờ: đọc các báo cáo thẩm vấn buổi sáng, dự các cuộc họp hỗn hợp ở Tổng Tham Mưu, gọi điện thoại cho những đồng nghiệp thân thiết thảo luận cách vừa giữ vừa bỏ thành phố, một lối điều phối thật khéo như thể một nhạc trưởng điều hợp các cung bậc một khúc nhạc yêu thích nhất.
Âm nhạc là một cái gì không thể thiếu trong tôi, nhất là khi phải bận bịu lên cái danh sách trong đêm yên tĩnh, tôi thường nghe nhạc trên đài Mỹ bằng cái Radio Sony trong biệt phòng của tôi ở dinh thự ông Tướng. Các ca khúc của nhóm Temptations, của Janis Joplin và của Marvin Gaye dễ giúp ta vượt qua những bực dọc, khó chịu và khiến những gì hay, đẹp càng thêm tuyệt vời, nhưng bây giờ không còn được như vậy nữa. Cứ mỗi lần viết duyệt qua một cái tên nó nặng nề chẳng khác nào như xuống một bản án tử. Toàn thể các tên tuổi chúng tôi, từ các sĩ quan cấp thấp nhất cho đến vị Tướng, đã được tìm thấy nguyên một danh sách lúc ấy được nhét vội vào miệng chính người thủ giữ nó khi chúng tôi phá cửa xông vào nhà cô ta ba năm trước. Tôi đã tìm cách gửi báo động cho Man nhưng cô không nhận kịp. Khi viên cảnh sát vật cô ngã xuống đất, không còn cách nào khác, tôi cố đưa tay vào miệng người đặc công cộng sản này và lôi ra một tờ danh sách đẫm nước bọt. Những gì còn lại trên tờ giấy nát nhầu cho thấy đó là danh sách nhân viên của Cục Cảnh sát Đặc biệt , vốn chẳng xa lạ gì, giờ được chính chúng tôi nhìn thấy. Có khi có được một thoáng chỉ có mình tôi và cô, nhưng tôi không dám mạo hiểm hy sinh cái vỏ hiện tại của mình để nói cho cô biết rằng tôi cùng một phe với cô. Tôi biết những tồi tệ gì đang chờ cô. Trong phòng biệt giam thẩm vấn, lấy cung của Cục Cảnh sát Đặc biệt, không có ai không khai cả, và biết đâu cô ấy sẽ khai ra bí mật của tôi. Cô ấy nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng đủ tinh khôn để biết những gì đang chờ mình. Có một giây tôi thoáng nhìn thấy trong mắt cô ánh nhìn chân thực, ánh nhìn đó căm ghét tôi vì cô nghĩ tôi là đặc vụ của một chế độ áp bức. Nhưng rồi, cũng như tôi, như chợt nhớ lại vai đang diễn, cô bật khóc: Ông ơi hãy làm ơn mà! Tôi vô tội! Tôi thề!
Ba năm sau, người đặc công cộng sản này vẫn còn nằm trong biệt giam. Tôi giữ hồ sơ của cô lại nơi bàn làm việc như tự nhắc nhở mình về một phen giải cứu cô thất bại. Nó cũng là lỗi của tôi nữa, Man nói. Ngày giải phóng đến, chính tôi sẽ là người mở khóa cửa phòng giam cho cô. Khi bị bắt cô mới hai mươi hai, trong hồ sơ cô có một tấm ảnh chụp lúc bị bắt, và một tấm khác mới chụp cách đây vài tháng, tấm này cô trông héo hắt với một mái tóc hao gầy. Phòng biệt giam quả là một cỗ máy thời gian, nó làm tù nhân già nhanh hơn nhiều so với bình thường. Nhìn khuôn mặt cô hồi đó và bây giờ, phần nào giúp tôi trong tác vụ lọc lựa chỉ một thiểu số người được ra đi và một số nhiều hơn bị bỏ lại, dù trong đó có người tôi ưa. Trong những ngày tôi lọc đi lọc lại bảng danh sách thì cũng là những ngày đánh dấu thời điểm Xuân Lộc thất thủ, và ở nước láng giềng bên kia, thủ đô Phnom Penh của Cambodia cũng đã rơi vào tay Khmer Đỏ. Mấy đêm sau, cựu Tổng Thống của chúng tôi âm thầm bỏ đi Đài Loan. Claude lái xe đưa ông ra phi trường, có chú ý thấy những hành lý có vẻ nặng quá khổ của Tổng Thống như có tiếng gì đó va chạm như thể kim loại, chẳng biết có phải trong đó có một số lớn vàng của quốc gia hay không. Sáng hôm sau ông kể lại tôi nghe điều này khi gọi điện đàm để thông báo chuyến bay của chúng tôi sẽ cất cánh trong hai ngày nữa. Vào đầu hôm, tôi đã hoàn thành bảng danh sách và gọi cho vị Tướng nói cho ông hay rằng quyết định của tôi dựa trên nguyên tắc dân chủ và tiêu biểu, chọn các sĩ quan cao cấp nhất mà ai cũng thấy là trung thực nhất, những người có tinh thần đồng đội là điều mà tôi đánh giá cao nhất, và đại loại như vậy. Ông đồng ý lý giải của tôi và việc quyết định như thế ắt phải không tránh khỏi bỏ lại một số không nhỏ sĩ quan cao cấp vừa lỗi lạc vừa có mắc lỗi lầm. Tôi thấy trong lòng dậy lên mối cảm thương đến một vị Đại tá, một Thiếu tá, một Đại úy, và hai Trung úy. Về phần mình, tôi dành riêng cho tôi một chỗ và ba chỗ nữa dành cho Bon, vợ anh, và con anh cũng là con đỡ đầu của tôi.
Đêm đó khi vị Tướng đem nửa chai whisky tới gặp tôi như để tỏ nỗi lòng, tôi đã tỏ ý với ông là cần ưu tiên đem Bon theo cùng. Dù Bon không phải anh em ruột của tôi, nhưng anh là một trong hai người huynh đệ chí cốt của tôi từ thời học sinh. Man lại là một trường hợp khác, và cả ba chúng tôi đã cắt máu ăn thề. Trong ví tôi có một bức ảnh trắng đen chụp Bon với vợ con. Bon có dáng vóc của một người đàn ông đẹp nét phong trần, lại thêm được khuôn mặt diển trai trời cho. Anh chỉ vận mỗi bộ quân phục lính dù rằn ri oai vệ được ủi hồ thẳng nếp, thiếu chiếc mũ Beret nhảy dù vốn vẫn thường đội trên đầu, chiếc cằm anh như muốn che hết cổ, và mũi cao cương nghị như chính kiến của anh vậy. Còn vợ anh, Linh, thì đã có một nhà thơ từng ví dung nhan cô đẹp như trăng tròn, không chỉ tròn đầy mà còn ngầm tả như một tuyệt cảnh với bao đường nét, núi đồi thanh nhã trên cung Hằng. Thật là một hòa hợp diệu kỳ để cho ra đời một cu Duc dễ thương, phải chăng đó là sự nhiệm mầu của lưỡng cực Âm Dương kết hợp lại mà thành. Vị Tướng trả lại tôi bức ảnh và nói: Ít nhất ta phải nên ưu tiên cho Bon. Anh ấy Cánh Dù đầu đàn. Nếu quân ta gồm toàn những cánh chim đầu đàn như thế thì ta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này rồi.
Nếu . . . nhưng không có nếu gì nữa mà giờ chỉ có một thực tế không thể chối cãi đó là vị Tướng đang thẫn thờ ngồi trên ghế còn tôi đang tựa cửa nhấm nháp từng ngụm whisky. Dưới sân, theo lệnh vị Tướng, mấy mật vụ đang thảy từng nắm tài liệu, giấy tờ mật vào ngọn lửa đang cháy bùng trong một thùng phuy (cỡ 200 lit), làm đêm đã nóng càng nóng thêm. Ông Tướng đứng dậy rảo bước vô buồng tôi, ly rượu vẫn trong tay, trên người chỉ khoác giản dị một chiếc áo maillot, quần short của dân đánh bốc, râu trên cằm tua tủa, vò võ một bóng trong đêm thâu. Chỉ có người quản gia, thân nhân ông, và tôi mới có thể thấy ông trong bộ dạng như vầy. Còn bất cứ lúc nào khác trong ngày, những khi khách khứa đến nhà, lúc nào ông cũng chỉnh tề với mái tóc bóng dầu thơm, vận bộ kaki nhà binh hồ cứng thẳng nếp, ngực đeo đầy huy chương chiến công nom còn rực hơn một bà Hoàng. Nhưng đêm nay, trong cái im lìm bao trùm dinh thự, thỉnh thoảng cái tịch mịch đó như được nổi rõ hơn mỗi khi có tiếng đạn pháo vọng về, và ông như tự buông thả nỗi lòng khi oán thán người Mỹ, kẻ đã hứa không để đất nước rơi vào họa cộng sản, nếu chúng ta quyết tâm giữ lời, nói sao làm vậy. Họ đã khởi nên cuộc chiến này, rồi giờ đây thấm mệt và bán đứng chúng ta, vừa nói ông vừa rót cho tôi ly nữa. Nhưng bây giờ còn biết đổ lỗi cho ai ngoài chính chúng ta? Vì ta đã cả tin rằng người Mỹ họ sẽ giữ lời. Giờ biết bỏ xứ đi đâu ngoài nước Mỹ? Có nơi còn tồi tệ hơn, tôi nói. Chắc thế, ông đáp. Ít nhất ta phải sống để chiến đấu tiếp. Cho đến giờ này, chúng ta vẫn có chính nghĩa dù đang thực sự lâm nguy. Còn chính nghĩa nào cao cả hơn ?
Phải một lúc sau tôi mới cất tiếng. Tôi thấy cả một quyết tâm trong ông, tôi nói. Quá đúng.
Rồi tôi quên bẵng đi người đã nêu cao chính nghĩa đó, hoặc việc đó có ý nghĩa gì đối với mình ngoài việc nhờ nó mà tôi đã thu lượm được ít nhiều suốt những năm tháng ở Mỹ. Cũng thế, Ông Tướng đến Mỹ, chẳng qua mất vài tháng như một sĩ quan cấp thấp cùng qua khóa huấn luyện với một đơn vị đồng binh chủng tại Fort Benning hồi 1958, nơi cùng với binh đoàn Lực lượng Đặc biệt (green berets-mũ nồi xanh) ông đã thừa hưởng tính miễn nhiễm cộng sản vĩnh viễn. Trường hợp tôi thì tính miễn nhiễm đó lại không nhắm tới. Tôi đã có sẵn một vỏ bọc, một mặt là sinh viên du học học bổng quốc gia, một mặt đã qua khóa đào tạo gián điệp trẻ vị thành niên, lại là khuôn mặt đại diện duy nhất của quốc gia tại một trường cao đẳng tỉnh lẻ có tên gọi là Occidental, với phương châm Tây sát nách Đông. Nơi đây tôi đã trải qua sáu năm nơi một miền điền dã thơ mộng, vùng trời ắng ấm của Nam California trong những năm sáu mươi. Tôi chẳng phải nghiên cứu về đường cao tốc, hệ thống nước thải, hay các đề tài hữu ích tương tự. Thay vào đó, nhiệm vụ được Man –người đồng chí cùng tổ chức- giao cho tôi là tìm hiểu cách thức suy nghĩ của người Mỹ. Cuộc chiến của tôi là chiến tranh tâm lý. Đến cuối khóa, tôi đã có chút vốn về sử Mỹ, văn học Mỹ, vững vàng văn phạm và am hiểu tiếng lóng Mỹ, đã thử khói cần sa và nếm mùi đàn bà. Tóm lại, tôi không chỉ kiếm chứng chỉ cử nhân mà còn đạt được trình độ Giáo sư, trở thành một chuyên gia trong tất cả các loại đề tài nghiên cứu của Mỹ. Cho đến giờ, tôi vẫn con nhớ rõ bãi cỏ phản chiếu những tia mặt trời long lanh dưới lùm cây Jacaranda, nơi tôi đọc lần đầu những dòng văn của triết gia vĩ đại nhất Mỹ quốc, Emerson . Tôi còn nhớ mình bị phân tâm giữa một bên là những cô nàng bạn học đồng khóa người ngoại quốc da nâu phong thanh với áo mỏng thắt dây và quần short hồn nhiên phơi mình dưới nắng ấm trên thảm cỏ xanh rờn tháng Sáu, và một bên là những dòng chữ rành rành trên giấy trắng mực đen: "Tính kiên định chẳng qua chỉ là một ảo cảnh không thực của những cái tâm nhỏ nhoi". Vẫn biết những gì Emerson đã viết chưa bao giờ thật hơn đối với nước Mỹ, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để tôi cứ phải gạch đít lời nói đó của ông tới một, hai, ba lần. Cái gì đã hằn mạnh lên tôi hồi đó cũng chính là cái đập lại vào tôi bây giờ, đó là những gì tương tự mà ta thường về tổ quốc ta, nơi ta sẽ chẳng là gì hết nếu ta không gắn liền làm một.
Vào buổi sáng cuối cùng, tôi lái xe chở ông Tướng đến phòng làm việc trong Tổng Nha Cảnh Sát. Phòng làm việc của tôi cũng trong Tổng Nha thì đã dời xuống đất ngay trước phòng ông Tướng. Tại đây tôi cho vời năm sĩ quan đã được tuyển lựa trước cho cuộc gặp riêng từng người một. Đêm nay chúng ta đi hả? Viên Đại tá với hai mắt mở to hoang mang và bồn chồn hỏi. Vâng. Thế còn Cha mẹ tôi? Cha mẹ vợ tôi nữa thì sao? Người hỏi là một Thiếu tá, một tay chuyên la cà khu trà đình tửu điếm người Hoa bên Chợ Lớn. Không. Thế còn anh, chị em tôi, các cháu tôi? Không. Người quản gia và người giúp việc? Không. Thế còn vali áo quần, giường tủ với bộ đồ Tàu cổ? Không. Viên Đại úy dáng đi kém tự nhiên của người mắc bệnh hoa liễu, còn dọa là sẽ tự tử nếu không được xếp thêm chỗ. Tôi liền đưa khẩu súng lục của tôi ra thách thì ông ta lại lơ đi. Ngược lại, viên Trung úy trẻ thì dễ thương hơn. Dẫu nhờ những mối quan hệ đắt giá mới kiếm được chỗ trong chuyến đi, thế nhưng ai cũng bất an căng thẳng.
Tiếp xong người chót, tôi đóng cửa phòng lại. Khi nghe có tiếng nổ từ xa lớn như bom làm rung chuyển cả nhà cửa, tôi nhìn lên và thấy lửa và khói bốc lên từ hướng đông. Địch quân đã pháo kích làm cháy kho đạn Long Bình.
Tự nhiên thấy trong lòng nổi lên cả hai cảm giác vừa tiếc nuối vừa mừng vui lẫn lộn, tôi bèn quay sang tủ rượu nhỏ lấy chai Jim Beam thứ năm mà giờ còn lại có một ít. Nếu Mẹ hiền của tôi còn sống, bà sẽ bảo, đừng uống nhiều, con ạ, chẳng tốt lành gì cho con đâu. Dạ Mẹ, con tự liệu được mà? Bất cứ ai phải tự mình rơi vào tình thế khó xử như tôi hiện tại, là một gián điệp nhị trùng, vừa là thuộc cấp thân cận của ông Tướng, mới hiểu cái cảm giác không sao bỏ lỡ cơ hội nào nếu tự tìm được cho mình chút thư giãn thoải mái dù chỉ là một khoảnh khắc. Uống xong chỗ whisky còn lại, tôi lái xe chở ông Tướng về nhà băng qua một cơn mưa như trút, nước ngập tràn khắp các ngả đường thành phố như thể báo biểu một sự chuyển mùa. Có người hy vọng mưa gió chuyển mùa sẽ làm chậm chậm lại đường tiến của Bắc quân, nhưng tôi không nghĩ vậy. Về nhà, tôi bỏ bữa ăn tối để đóng gói ba lô hành lý của tôi với ít tư trang cần thiết, một cặp quần kaki chinos, một chiếc áo sơ mi madras mua ở cửa hiệu J. C. Penney ở Los Angeles, giày đi dạo, ít đồ lót, một bàn chải đánh răng điện mua ở chợ trời, một khung kiếng ảnh Mẹ tôi, ít phong bì của hình lưu niệm ở đây và ở Mỹ, chiếc máy ảnh Kodak và cuốn Asian Communism and the Oriental Mode of Destruction.
Chiếc ba lô là quà của Claude mừng tặng tôi trong dịp tôi tốt nghiệp đại học. Đó là vật quý đáng kể với tôi, nó có thể mang trên lưng tôi hay với đám dây đeo đa năng ta có thể dể dàng chuyển đổi thành một valise đựng quần áo cầm tay. Được chế tạo bởi loại da nâu dẻo bền của nhà sản xuất New England được nhiều người ưa chuộng, chiếc ba lô có mùi đặc biế của hàng hạng sang, một pha trộn bí ẩn của hương mùa thu, với tôm hùm nướng thậm chí pha vẻ gì như mùi mồ hôi tinh anh của đám thiếu niên học sinh nội trú. Một dòng chữ kiểu viết tắt mấy chữ đầu của tên tôi được kèm theo làm nhãn hiệu ở một góc, và điểm độc đáo của ba lô là có 2 đáy với đáy ẩn nằm bên dưới. Claude từng bảo tôi mỗi anh đàn ông lúc nào cũng nên có một ba lô 2 đáy. Anh không biết được lúc nào sẽ cần tới nó. Có điều mà Claude không hề hay rằng tôi đã dùng đáy ẩn của ba lô để dấu chiếc máy quay phim mini hiệu Minox. Nó là một món quà của Man tặng tôi, có giá khá đắt gấp, trị giá gấp mấy lần lương năm của tôi. Nó chính là vật tôi dùng để chụp ảnh những tài liệu mật bất chợt nào đó mà tôi đã lục được dẫu chỉ cảm giác là chúng có hữu ích. Sau cùng, tôi mó tới phần còn lại sau chót là đám sách, các đĩa nhạc vốn đã mua phần nhiều ở Mỹ và tất cả những liên quan đến bộ lưu trữ dấu vân tay. Tôi cứ đổi tới đổi lui các thứ dù chẳng còn chỗ cho các đĩa nhạc Elvis hay Dylan, sách của Faulkner hay Twain, và khi nhìn thấy tên Man mà tôi đã ghi vào một góc trên giá đựng sách, nhạc, tôi thấy lòng mình bỗng đọng lại một chút gì lưu luyến. Quả là quá đa mang, còn cây đàn guitar nữa đang nằm phơi trên giường như thầm hờn trách thất vọng khi tôi bỏ nó mà đi.
Đóng gói các thứ xong tôi mượn chiếc Citroën để di bốc Bon. Quân cảnh ở các trạm kiểm soát vẫy tay chào tôi khi họ nhìn thấy huy hiệu sao của ông Tướng dán trước xe. Nơi tôi đến phải đi qua sông, một đường thủy tệ hại dọc theo những dãy nhà tạm tồi tàn của đồng bào tị nạn từ các vùng quê, bởi nhà cửa và ruộng nương của họ đã bị xóa sổ bởi các toán quân cực đoan chuyên đốt sạch mọi thứ bằng cách gọi máy bay đến oanh tạc. Băng qua một khu rộng lớn những dãy nhà tồi tàn tạp nham, đi sâu vào quận Tư, là một quán bia lộ thiên có Bon và Man ngồi chờ sẵn, nơi đây ba chúng tôi đã từng nhiều phen cùng nhau thù tạc không sao nhớ hết… Bộ binh và thủy quân lục chiến ngồi đông nghịt, súng gác dưới ghế, tóc tại nham nhở do các tay thợ cắt tóc nhà binh tinh quái như muốn phô bày một vẻ gì dữ dằn nơi những cái đầu lính trận. Bon rót cho tôi một ly bia liền khi tôi vừa đặt đít ngồi, nhưng bảo tôi khoan uống cho tới khi một phần bánh mì nướng được mang ra. Mừng hội ngộ, vừa nói anh vừa nâng ly. Chúng ta sẽ gặp lại ở Phi Luật Tân! Nhưng tôi thì biết là thực ra phải ở Guam mới đúng, bởi tay độc tài Marcos đã ngao ngán và không còn chấp nhận người tị nạn đến Phi nữa. Vẻ cằn nhằn, Bon vừa day day kính mát lên trán vừa nói Thật không tin là có thứ gì tệ hơn thế. Hóa ra giờ đây chúng ta đã bị người Phi nhìn với ánh mắt của kẻ bề trên à? Vậy thì dẹp Phi Luật Tân, Man nói. Không Phi thì Guam, ta sẽ uống mừng ở đó! Người ta nói Guam là nơi ngày của nước Mỹ bắt đầu. Và lại là ngày kết thúc của chúng ta, Bon lẩm bẩm.
Không như Man và tôi, Bon là một người yêu nước chân chính, mang lý tưởng cộng hòa mà dốc lòng chiến đấu, Bon căm ghét người cộng sản kể từ khi các cán bộ địa phương chiêu dụ cha anh, một Lý trưởng, quỳ trước làng mà nói lời thú tội của ông trước khi bị chúng tộng một viên đạn vào gáy. Bỏ mặc mọi vấn vương, Bon quyết chí lên đường sang Nhật Bản chiến đấu đến cùng dẫu thế nào đi nữa thậm chí nếu có phải bắn vào đầu cũng cam, vì vậy Man và tôi khuyên anh hãy nghĩ tới vợ con cho nó dịu lại. Bỏ nước mà đi Mỹ chứ đâu phải đào ngũ, chúng tôi đã khẳng định như vậy. Đây chỉ là một hình thức di tản chiến thuật. Tôi có cho Bon hay trước rằng ngày mai Man cũng sẽ di tản cùng chuyến với gia đình Bon, trong khi thực ra Man ở lại để tận mắt chứng kiến cảnh giải phóng miền Nam của những người cộng sản miền Bắc, điều mà Bon khinh ghét. Còn bây giờ những ngón tay dài và tinh tế của Man đang bấu chặt vai anh, cô nói: Chúng ta là anh em máu thịt, cả ba chúng ta. Chúng ta vẫn mãi là huynh đệ chí cốt như vậy dù cho cuộc chiến này tàn, dù cho chúng ta không còn tổ quốc. Anh nhìn tôi qua đôi mắt ướt. Với ba chúng tôi không có gì gọi là kết thúc.
Các bạn nói đúng, Bon cất tiếng, rồi lắc đầu với vẻ cương quyết để giấu đi những giọt nước mắt chực trào. Buồn rầu sầu bi như vậy đủ rồi. Hãy uống cho hy vọng. Chúng ta sẽ quay về lấy lại non sông. Đúng không? Anh quay nhìn tôi. Còn tôi không kìm được những giọt nước mắt đang ứa ra không chút ngại ngùng. Những người bạn này quá tuyệt so với bất kỳ anh em thật sự nào của tôi, vì chúng ta đã tự nguyện tìm đến nhau. Tôi nâng ly bia lên. Đây là để chúc cho ngày trở về, tôi nói. Và mừng một tình huynh đệ đời đời. Chúng tôi cùng cạn ly rồi lại kêu một vòng bia khác, cả ba vòng tay choàng qua nhau như cùng chìm vào tình huynh đệ thắm thiết cả giờ đồng hồ với lời ca tiếng nhạc do một cặp song ca ở một góc quán. Tay chơi guitar là một gã trốn quân dịch tóc dài, da dẻ xanh xao ốm yếu bởi sống nhiều năm giữa bốn bức tường, ru rú cả ngày trong nhà chủ quán bar, chỉ về đêm mới ra mặt. Người bạn diễn của anh là một phụ nữ tóc dài không kém, cô có giọng ca ngọt ngào, dáng người thanh mảnh nấp dưới tà lụa áo dài có màu hồng phớt như màu má trinh nữ mỗi khi đỏ mặt thẹn thùng. Cô hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn, một người nhạc sĩ du ca được công chúng yêu thích ngay cả các anh lính dù. Ngày mai em đi, . . . Tiếng hát của cô bỗng nổi lên giữa bao tiếng huyên náo với cơn mưa. Biển nhớ tên em gọi về. . . Tôi nghe tận lòng mình như bỗng run lên. Chúng tôi không phải là những người bị lôi vào cuộc chiến do mệnh lênh người khác với trống kèn thúc dục. Không, chúng tôi chiến đấu cho cung bậc của những bài tình ca, vì chúng tôi là những người Ý của châu Á.
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng. . . Nếu Bon biết đây là lần cuối gặp Man sau bao năm tháng, hẳn anh sẽ không bao giờ bước lên máy bay. Từ những ngày còn đi học, bọn tôi hay tưởng tượng ba đứa là Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ , cả ba vì một và một vì cả ba. Man là người đã giới thiệu chúng tôi đọc Dumas: thứ nhất, bởi vì ông là một tiểu thuyết gia vĩ đại, thứ hai, vì ông là một người lai da đen thế hệ 2. Cho nên ông với chúng tôi có cùng hoàn cảnh bị đô hộ như nhau, cũng bị cùng một nước Pháp xúc phạm giống nòi. Là người ham đọc sách và có khiếu kể chuyện, Man có nhiều triển vọng trở thành một giáo sư văn chương trung học nếu chúng tôi được sống trong thời bình. Cô còn dịch sang tiếng mẹ đẻ ba trong số nhiều tiểu thuyết trinh thám có nhân vật Luật sư Perry Mason của nhà văn Mỹ Erle Stanley Gardner, cô cũng đã viết một cuốn tiểu thuyết ít ai biết mang phong cách Emile Zola bằng một bút danh khác. Cô từng du học ở Mỹ, nhưng không chìm sâu vào đời sống Mỹ như trường hợp của Bon, người vừa gọi thêm một vòng bia nữa rồi anh hỏi không biết ở Mỹ có những quán bia lộ thiên như vầy không. Tôi đáp, có quán bar và các siêu thị, những nơi mà anh muốn uống bia lúc nào cũng có. Anh hỏi tiếp, có những cô nàng xinh tươi hát những ca khúc như vầy không? Vừa cụng ly với anh tôi vừa nói bên đó có nhiều em xinh đẹp nhưng họ không hát những bài hát như thế này.
Sau đó, tay guitar bắt đầu dạo mấy hợp âm để qua một bản nhạc khác. Những bản nhạc này thường được nhiều người hát lắm, Man nói. Đó là bản “Yesterday” của The Beatles. Khi ba đứa tôi nhập vào không khí hát ca này, tôi bỗng nghe mắt mình chực khóc. Thật thích làm sao khi được sống trong những thời khắc không bị ám hãm vì chiến tranh, tương lai không bị những kẻ tham nhũng, bất tài định đoạt, đất nước không phải chờ chực viện trợ Mỹ nhỏ giọt để kéo dài thọ mạng? Tôi biết, trừ mấy huynh đệ chí cốt của tôi, còn chẳng có ai trong số những người lính trẻ quanh đây sẽ thèm đếm xỉa tới tôi nếu tôi thú thật với họ rằng họ đâu biết chỉ trong vòng vài ngày nữa thôi họ sẽ chết, hoặc bị thương, hoặc bị bỏ tù, hoặc bị lăng nhục, hoặc bị bỏ rơi, hoặc bị quên lãng. Hiện họ là kẻ thù của tôi, nhưng họ cũng lại là anh em huynh đệ như thủ túc với tôi. Với họ thì thành phố thân yêu này sắp mất, còn với tôi thì lại mang nghĩa sắp được giải phóng. Thời của họ sắp kết liễu và đấy lại là lúc khởi đầu thời của tôi. Vì vậy, có một khoảnh khắc ngắn ngủi cả bọn đã cùng nhau ca hát thật lòng, hát với lòng thương cảm cho chuỗi ngày đã qua và tỉnh táo nhìn thẳng vào những ngày sắp tới, như một vận động viên bơi lội làm một cuộc bơi ngửa hướng mặt thẳng tiến về dòng thác cuộn.
Trận mưa rồi cũng dứt ngay lúc chúng tôi ra về. Ba đứa tôi đốt một điếu thuốc cuối cùng trên lối ra còn đẫm ướt những giọt mưa rả rích trong khi một bộ ba chàng thủy quân lục chiến đầu phình to bắt đầu lảo đảo trong màn đêm vây dần. Họ hát Saigon đẹp lắm Saigon ơi Saigon ơi … Chỉ mới sáu giờ mà họ đã say khướt, bia thấm cả trên quân phục. Chàng nào cũng đeo vai một khẩu M16 và bên dưới phô ra lủng lẳng một cặp quả tròn mà nhìn kỹ thì hóa ra là hai quả lựu đạn kẹp vào hai bên dây thắt lưng. Dù với quân phục, vũ khí, nón sắt họ mang thảy đều do Mỹ sản xuất nhưng họ là người đồng chủng với tôi chứ không sao nhầm lẫn họ với người Mỹ được, các nón sắt bị bóp lõm cho nhỏ lại, vì kích thước của vòng nón vốn được sản xuất cho vừa với khổ đầu của người Mỹ thì quá lớn đối với bất kỳ người Việt nào. Đầu chàng lính thứ nhất bỗng lúc lắc lảo đảo trước khi đâm sầm vào tôi, miệng văng tục, vành nón sắt của anh trễ xuống tận mũi. Khi anh ta cố đẩy vành nón lên lại, tôi thấy anh đã lờ đờ lắm rồi, hai mắt mở không ra. Xin chào! Hơi thở bốc mùi nồng nặc, tiếng miền Nam đặc sệt rất khó nghe với tôi. Cái gì đây? Cảnh sát à? Cảnh sát thì làm gì được những người lính vào sinh ra tử cơ chứ?
Man búng tàn thuốc vào anh ta và nói đây là một Đại úy cảnh sát. Trung úy phải chào cấp trên đi.
Người lính thứ nhì kế đó, cũng là một Trung úy, liền nói nếu vậy thì đây là Thiếu tá, anh vừa chỉ vào người thứ ba vừa nói, quả là đồ tướng tá chết tiệt! Tổng Thống thì bỏ chạy! Tướng lĩnh thì lừa phỉnh. Bốc hơi hết! Cuốn đi mất hết! Lúc nào mà họ chẳng lo thoát thân trước. Đúng không nào? Họ lén rút quân bỏ mặc chúng ta như họ vẫn thường làm. Mà rút quân là rút cái gì? Viên Trung úy nói. Còn chỗ nào để đi nữa mà rút. Một người biểu đồng tình, chúng ta đang chết. Đành chết thôi, người thứ nhất nói. Giờ bọn ta chỉ còn chờ chết.
Tôi búng tàn thuốc lá văng ra xa, các anh chưa chết mà hãy nên trở lại với vị trí chiến đấu.
Người thứ nhất một lần nữa nhìn chằm chằm vào mặt tôi, bước một bước lại gần cho tới khi mũi anh gần như chạm vào mũi tôi. Anh là cái gì?
Tránh ra ngay Trung úy! Bon quát lớn.
Tôi sẽ nói cho anh biết anh là cái giống gì. Người lính khẽ chọc tay vào ngực tôi. Đừng nói gì tới nó cả, tôi bảo.
Đồ con hoang! anh ta gào lên. Hai người kia cười phá lên phụ họa. Một con hoang!
Tôi rút khẩu súng lục ra và dí vào giữa trán người lính. Đồng đội phía sau anh ta bất giác đặt tay vào cò súng nhưng chẳng thể được. Họ đã say hết rồi nên không còn trí suy nghĩ để biết rằng hai người bạn tôi đang tỉnh hơn họ và sẽ khai hỏa trước.
Anh say rồi, phải không nào, Trung úy? Dằn cơn giận nói với y nhưng tôi nhận thấy giọng mình vẫn run. Dạ thưa vâng, hắn đáp.
Vậy thì tôi không bắn anh đâu.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thế rồi một cứu tinh tuyệt vời của tôi bỗng tới, tất cả mọi người đều nghe rõ loạt bom nổ đầu tiên. Mọi cái đầu đều xoay về hướng tiếng nổ, tiếng sau nối tiếng trước ở mạn tây bắc. Đó là phi trường, Bon nói. Bom hạng nặng năm trăm pound. Bon nói đúng hết cả hai chi tiết. Ở độ cao lợi thế chúng tôi đang đứng, ai cũng có thể thấy mọi thứ không bị cản chút nào, chỉ một chút xíu sau đó là luồng khói đen cuồn cuộn bốc lên. Liền đó, có vẻ như các tay súng trong thành phố đều rời khỏi khu trung tâm để đổ dồn về phi trường, tiếng súng hạng nhẹ tạch tạch hòa lẫn trong tiếng nổ lớn ầm ầm của vũ khí hạng nặng, và những cơn mưa pháo đỏ rực đan kín cả bầu trời. Tiếng đạn pháo ầm vang như muốn dựng hết đám thị dân tội nghiệp quay ra cửa sổ cửa lớn mà nhìn, còn tôi cho lại khẩu súng vào bao. Có lẽ chứng kiến cảnh tượng vừa rồi đã khiến những người lính thủy quân lục chiến choàng tỉnh cơn say, không nói một lời nào, họ cùng leo lên chiếc xe jeep và lái đi, len lỏi qua mấy dòng xe gắn máy máy trên đường rồi đến một ngã tư. Sau đó, chiếc jeep phanh lại và các thủy quân lục chiến nhảy bổ ra khỏi xe lăm lăm khẩu M16 trong tay, ngay khi những tiếng nổ vẫn tiếp tục ầm vang và bao nhiêu thường dân đang túm tụm quanh các vỉa hè. Qua ánh đèn đường vàng vọt, tim tôi bỗng đập nhanh hơn khi thấy những người lính thủy nhìn chằm chằm vào mình, nhưng không, cả bọn họ chỉ hướng súng lên trời, gào thét và la hét rồi bắn hàng tràng cho đến khi hết đạn mới thôi. Tim tôi đập thình thịch, còn mồ hôi nhỏ giọt ướt đẫm lưng áo, nhưng hài lòng vì mình và đồng đội đang thắng thế, tôi châm một điếu thuốc khác.
Bọn ngốc! Bon hét lên cùng với những thường dân đang nấp sau cửa. Các lính thủy ném về phía chúng tôi cái hỗn danh vừa lúc nãy rồi quay lại chiếc xe jeep lái chạy tới một góc đường và quẹo mất. Bon và tôi chia tay Man, và khi Bon như quên bẵng chiếc xe jeep riêng của anh, tôi liền ném cho anh chiếc chìa khóa xe. Tiếng bom đạn đã dừng, trong khi lái chiếc Citroën về nhà, Bon thề sẽ tàn sát hết lữ đoàn thủy quân lục chiến. Tôi giữ im lặng. Một người chả liên can gì tới việc tốt xấu của thủy quân lục chiến. Người kia thì cảm thấy một mối liên đới với họ về bản năng lẽ phải khi chạm trán với chuyện sinh tử. Ngay cả với cái hỗn danh mà họ đã ném vào tôi cũng làm tôi buồn một ít thôi chứ không phản ứng lại nó. Bởi lẽ ra ngay giờ tôi phải dùng chính cái tên đó chứ, không hiểu vì sao tôi lại không dùng. Mẹ tôi là người bản xứ, cha tôi là người ngoại quốc, rất nhiều người lạ cũng như quen không hề buông tha tôi về khoản này ngay từ thời tôi còn niên thiếu, có khi họ nhổ nước bọt vào tôi và gọi tôi là con hoang, có khi họ mắng tôi như thế rồi mới nhổ vào tôi.
(hết Chương 1)
Chú Thích của người dịch:
1: "On the Genealogy of Morals" [tạm dịch: Mạch Nguồn Đạo Đức] là một Luận Triết/Luận Chiến phát hành khoảng 1888 của Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900). Luận Chiến này có nhiều Chương Đoạn (Essay, Section). Đoạn trích trên đầu sách The Sympathizer by Viet Thanh Nguyen là ở đầu Section 7 trong Third Essay của On the Genealogy of Morals.
2: Viết tắt của Office of Strategic Services: cơ quan tình báo Mỹ thời Đệ nhị Thế chiến.
3: Tuyên ngôn Độc lập do ông Hồ đọc ở Bãi Cột Cờ Hà Nội Sep. 2, 1945
4: Thánh Moses (1393-1273 trước Công nguyên). Theo Kinh Thánh Hebrew, ông là một cựu hoàng Ai Cập, về sau trở thành một lãnh tụ tôn giáo và được truyền tụng là có tài tiên tri.
5: Charlton Heston (1923 - 2008): tài tử điện ảnh người Mỹ, nổi tiếng với các film như The Ten Commandments (1956), Ben-Hur (1959)
6: Cô đào điện ảnh Mỹ thời 1970’s, nổi tiếng với nhiều cảnh và ảnh thoát y
7: The Rolling Stones, ban nhạc Rock lừng danh của Anh khởi từ khoảng 1962
The Beatles, ban nhạc Pop & Rock huyền thoại của Anh khởi từ khoảng 1960
==> Bạn đọc cũng có thể đọc bản Việt dịch của The Sympathizer ở đây
Vài Trang Nguyên Văn:
For Lan and Ellison
Let us not become gloomy as soon as we hear the word “torture”: in this particular case there is plenty to offset and mitigate that word—even something to laugh at. —Friedrich Nietzsche, On the Genealogy of Morals
CHAPTER 1
I AM A SPY, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds. I am not some misunderstood mutant from a comic book or a horror movie, although some have treated me as such. I am simply able to see any issue from both sides. Sometimes I flatter myself that this is a talent, and although it is admittedly one of a minor nature, it is perhaps also the sole talent I possess. At other times, when I reflect on how I cannot help but observe the world in such a fashion, I wonder if what I have should even be called talent. After all, a talent is something you use, not something that uses you. The talent you cannot not use, the talent that possesses you—that is a hazard, I must confess. But in the month when this confession begins, my way of seeing the world still seemed more of a virtue than a danger, which is how some dangers first appear.
The month in question was April, the cruelest month. It was the month in which a war that had run on for a very long time would lose its limbs, as is the way of wars. It was a month that meant everything to all the people in our small part of the world and nothing to most people in the rest of the world. It was a month that was both an end of a war and the beginning of . . . well, “peace” is not the right word, is it, my dear Commandant? It was a month when I awaited the end behind the walls of a villa where I had lived for the previous five years, the villa’s walls glittering with broken brown glass and crowned with rusted barbed wire. I had my own room at the villa, much like I have my own room in your camp, Commandant. Of course, the proper term for my room is an “isolation cell,” and instead of a housekeeper who comes to clean every day, you have provided me with a baby-faced guard who does not clean at all. But I am not complaining. Privacy, not cleanliness, is my only prerequisite for writing this confession.
While I had sufficient privacy in the General’s villa at night, I had little during the day. I was the only one of the General’s officers to live in his home, the sole bachelor on his staff and his most reliable aide. In the mornings, before I chauffeured him the short distance to his office, we would breakfast together, parsing dispatches at one end of the teak dining table while his wife oversaw a well-disciplined quartet of children at the other, ages eighteen, sixteen, fourteen, and twelve, with one seat empty for the daughter studying in America. Not everyone may have feared the end, but the General sensibly did. A thin man of excellent posture, he was a veteran campaigner whose many medals had been, in his case, genuinely earned. Although he possessed but nine fingers and eight toes, having lost three digits to bullets and shrapnel, only his family and confidants knew about the condition of his left foot. His ambitions had hardly ever been thwarted, except in his desire to procure an excellent bottle of Bourgogne and to drink it with companions who knew better than to put ice cubes in their wine. He was an epicurean and a Christian, in that order, a man of faith who believed in gastronomy and God; his wife and his children; and the French and the Americans. In his view, they offered us far better tutelage than those other foreign Svengalis who had hypnotized our northern brethren and some of our southern ones: Karl Marx, V. I. Lenin, and Chairman Mao. Not that he ever read any of those sages! That was my job as his aide-de-camp and junior officer of intelligence, to provide him with cribbed notes on, say, The Communist Manifesto or Mao’s Little Red Book. It was up to him to find occasions to demonstrate his knowledge of the enemy’s thinking, his favorite being Lenin’s question, plagiarized whenever the need arose: Gentlemen, he would say, rapping the relevant table with adamantine knuckles, what is to be done? To tell the General that Nikolay Chernyshevsky actually came up with the question in his novel of the same title seemed irrelevant. How many remember Chernyshevsky now? It was Lenin who counted, the man of action who took the question and made it his own.
In this gloomiest of Aprils, faced with this question of what should be done, the general who always found something to do could no longer do so. A man who had faith in the mission civilisatrice and the American Way was at last bitten by the bug of disbelief. Suddenly insomniac, he took to wandering his villa with the greenish pallor of a malarial patient. Ever since our northern front had collapsed a few weeks before in March, he would materialize at my office door or at my room in the villa to hand off a snatch of news, always gloomy. Can you believe it? he would demand, to which I said one of two things: No, sir! or Unbelievable! We could not believe that the pleasant, scenic coffee town of Ban Me Thuot, my Highlands hometown, had been sacked in early March. We could not believe that our president, Thieu, whose name begged to be spit out of the mouth, had inexplicably ordered our forces defending the Highlands to retreat. We could not believe that Da Nang and Nha Trang had fallen, or that our troops had shot civilians in the back as they all fought madly to escape on barges and boats, the death toll running to the thousands. In the secret privacy of my office, I dutifully snapped pictures of these reports, which would please Man, my handler. While they pleased me, too, as signs of the regime’s inevitable erosion, I could not help but feel moved by the plight of these poor people. Perhaps it was not correct, politically speaking, for me to feel sympathy for them, but my mother would have been one of them if she were alive. She was a poor person, I was her poor child, and no one asks poor people if they want war. Nor had anyone asked these poor people if they wanted to die of thirst and exposure on the coastal sea, or if they wanted to be robbed and raped by their own soldiers. If those thousands still lived, they would not have believed how they had died, just as we could not believe that the Americans—our friends, our benefactors, our protectors—had spurned our request to send more money. And what would we have done with that money? Buy the ammunition, gas, and spare parts for the weapons, planes, and tanks the same Americans had bestowed on us for free. Having given us the needles, they now perversely no longer supplied the dope. (Nothing, the General muttered, is ever so expensive as what is offered for free.)
At the end of our discussions and meals, I lit the General’s cigarette and he stared into space, forgetting to smoke the Lucky Strike as it slowly consumed itself in his fingers. In the middle of April, when the ash stung him awake from his reverie and he uttered a word he should not have, Madame silenced the tittering children and said, If you wait much longer, we won’t be able to get out. You should ask Claude for a plane now. The General pretended not to hear Madame. She had a mind like an abacus, the spine of a drill instructor, and the body of a virgin even after five children. All of this was wrapped up in one of those exteriors that inspired our Beaux Arts–trained painters to use the most pastel of watercolors and the fuzziest of brushstrokes. She was, in short, the ideal Vietnamese woman. For this good fortune, the General was eternally grateful and terrified. Kneading the tip of his scorched finger, he looked at me and said, I think it’s time to ask Claude for a plane. Only when he resumed studying his damaged finger did I glance at Madame, who merely raised an eyebrow. Good idea, sir, I said.
Claude was our most trusted American friend, our relationship so intimate he once confided in me to being one-sixteenth Negro. Ah, I had said, equally smashed on Tennessee bourbon, that explains why your hair is black, and why you tan well, and why you can dance the cha-cha like one of us. Beethoven, he said, was likewise of hexadecimal descent. Then, I said, that explains why you can carry the tune of “Happy Birthday” like no one’s business. We had known each other for more than two decades, ever since he had spotted me on a refugee barge in ’54 and recognized my talents. I was a precocious nine-year-old who had already learned a decent amount of English, taught to me by a pioneering American missionary. Claude supposedly worked in refugee relief. Now his desk was in the American embassy, his assignment ostensibly to promote the development of tourism in our war- stricken country. This, as you might imagine, required every drop he could squeeze from a handkerchief soaked with the sweat of the can-do American spirit. In reality, Claude was a CIA man whose time in this country dated back to the days when the French still ruled an empire. In those days, when the CIA was the OSS, Ho Chi Minh looked to them for help in fighting the French. He even quoted America’s Founding Fathers in his declaration of our country’s independence. Uncle Ho’s enemies say he spoke out of both sides of his mouth at the same time, but Claude believed he saw both sides at once.
I rang Claude from my office, down the hall from the General’s study, and informed him in English that the General had lost all hope. Claude’s Vietnamese was bad and his French worse, but his English was excellent. I point this out only because the same thing could not be said of all his countrymen.
It’s over, I said, and when I said it to Claude it finally seemed real. I thought Claude might protest and argue that American bombers might yet fill our skies, or that American air cavalry might soon ride on gunships to our rescue, but Claude did not disappoint. I’ll see what I can arrange, he said, a murmur of voices audible in the background. I imagined the embassy in disarray, teletypes overheating, urgent cables crisscrossing between Saigon and Washington, the staff working without respite, and the funk of defeat so pungent it overwhelmed the air conditioners. Amid short tempers, Claude stayed cool, having lived here so long he barely perspired in the tropical humidity. He could sneak up on you in the dark, but he could never be invisible in our country. Although an intellectual, he was of a peculiarly American breed, the muscular kind who rowed crew and who flexed substantial biceps. Whereas our scholarly types tended to be pale, myopic, and stunted, Claude was six-two, had perfect vision, and kept himself in shape by performing two hundred push-ups each morning, his Nung houseboy squatting on his back. During his free time, he read, and whenever he visited the villa, a book was tucked under his arm. When he arrived a few days later, Richard Hedd’s Asian Communism and the Oriental Mode of Destruction was the paperback he carried.
The book was for me, while the General received a bottle of Jack Daniel’s—a gift I would have preferred if given the choice. Nevertheless, I took care to peruse the book’s cover, crowded with blurbs so breathless they might have been lifted from the transcript of a teenage girls’ fan club, except that the excited giggling came from a pair of secretaries of defense, a senator who had visited our country for two weeks to find facts, and a renowned television anchor who modeled his enunciation on Moses, as played by Charlton Heston. The reason for their excitement was found in the significant type of the subtitle, On Understanding and Defeating the Marxist Threat to Asia. When Claude said everyone was reading this how-to manual, I said I would read it as well. The General, who had cracked open the bottle, was in no mood to discuss books or chitchat, not with eighteen enemy divisions encircling the capital. He wanted to discuss the plane, and Claude, rolling his glass of whiskey between his palms, said the best he could do was a black flight, off the books, on a C-130. It could hold ninety-two paratroopers and their gear, as the General well knew, having served in the Airborne before being called on by the president himself to lead the National Police. The problem, as he explained to Claude, was that his extended family alone amounted to fifty-eight. While he did not like some of them, and in fact despised a few, Madame would never forgive him if he did not rescue all of her relations.
And my staff, Claude? The General spoke in his precise, formal English. What of them? Both the General and Claude glanced at me. I tried to look brave. I was not the senior officer on the staff, but as the aide-de-camp and the officer most fluent in American culture, I attended all the General’s meetings with Americans. Some of my countrymen spoke English as well as I, although most had a tinge of an accent. But almost none could discuss, like I, baseball standings, the awfulness of Jane Fonda, or the merits of the Rolling Stones versus the Beatles. If an American closed his eyes to hear me speak, he would think I was one of his kind. Indeed, on the phone, I was easily mistaken for an American. On meeting in person, my interlocutor was invariably astonished at my appearance and would almost always inquire as to how I had learned to speak English so well. In this jackfruit republic that served as a franchise of the United States, Americans expected me to be like those millions who spoke no English, pidgin English, or accented English. I resented their expectation. That was why I was always eager to demonstrate, in both spoken and written word, my mastery of their language. My vocabulary was broader, my grammar more precise than the average educated American. I could hit the high notes as well as the low, and thus had no difficulty in understanding Claude’s characterization of the ambassador as a “putz,” a “jerkoff” with “his head up his ass” who was in denial about the city’s imminent fall. Officially, there’s no evacuation, said Claude, because we’re not pulling out any time soon.
The General, who hardly ever raised his voice, now did. Unofficially, you are abandoning us, he shouted. All day and night planes depart from the airport. Everyone who works with Americans wants an exit visa. They go to your embassy for these visas. You have evacuated your own women. You have evacuated babies and orphans. Why is it that the only people who do not know the Americans are pulling out are the Americans? Claude had the decency to look embarrassed as he explained how the city would erupt in riots if an evacuation was declared, and perhaps then turn against the Americans who remained. This had happened in Da Nang and Nha Trang, where the Americans had fled for their lives and left the residents to turn on one another. But despite this precedent, the atmosphere was strangely quiet in Saigon, most of the Saigonese citizenry behaving like people in a scuppered marriage, willing to cling gamely to each other and drown so long as nobody declared the adulterous truth. The truth, in this case, was that at least a million people were working or had worked for the Americans in one capacity or another, from shining their shoes to running the army designed by the Americans in their own image to performing fellatio on them for the price, in Peoria or Poughkeepsie, of a hamburger. A good portion of these people believed that if the communists won— which they refused to believe would happen—what awaited them was prison or a garrote, and, for the virgins, forced marriage with the barbarians. Why wouldn’t they? These were the rumors the CIA was propagating.
So— the General began, only to have Claude interrupt him. You have one plane and you should consider yourself lucky, sir. The General was not one to beg. He finished his whiskey, as did Claude, then shook Claude’s hand and bid him good-bye, never once letting his gaze fall away from Claude’s own. Americans liked seeing people eye to eye, the General had once told me, especially as they screwed them from behind. This was not how Claude saw the situation. Other generals were only getting seats for their immediate families, Claude said to us in parting. Even God and Noah couldn’t save everyone. Or wouldn’t, anyway.
Could they not? What would my father say? He had been a Catholic priest, but I could not remember this poor man of the cloth ever sermonizing about Noah, although admittedly I went to Mass only to daydream. But regardless of what God or Noah could do, there was little doubt that every man on the General’s staff, if given the chance, would rescue a hundred blood relatives as well as any paper ones who could afford the bribe. Vietnamese families were complicated, delicate affairs, and while sometimes I longed for one, being the only son of an ostracized mother, now was not one of those times.
Later that day, the president resigned. I had expected the president to abandon the country weeks ago in the manner befitting a dictator, and I spared him barely a thought as I worked on the list of evacuees. The General was fastidious and detail-oriented, habituated to making quick, hard decisions, but this was one task that he deferred to me. He was preoccupied with the matters of his office: reading the morning’s interrogation reports, attending meetings at the Joint General Staff compound, phoning his confidants as they discussed how to hold the city and yet be ready to abandon it at the same time, a maneuver as tricky as playing musical chairs to the tune of one’s most beloved song.
Music was on my mind, for as I worked on the list in the nocturnal hours, I listened to American Radio Service on a Sony in my room at the villa. The songs of the Temptations and Janis Joplin and Marvin Gaye usually always made bad things bearable and good things wonderful, but not in times like these. Every stroke of my pen through a name felt like a death sentence. All of our names, from the lowest officer to the General, had been found on a list being crammed into its owner’s mouth as we broke down her door three years ago. The warning I had sent to Man had not gotten to her in time. As the policemen wrestled her to the ground, I had no choice but to reach into this communist agent’s mouth and pull from it that saliva-soaked list. Its papier-mâché existence proved that members of the Special Branch, accustomed to watching, were ourselves watched. Even had I a moment alone with her, I could not have risked my cover by telling her that I was on her side. I knew what fate awaited her. Everyone talked in the Special Branch’s interrogation cells, and she would have told my secret despite herself. She was younger than me, but she was wise enough to know what awaited her, too. For just a moment I saw the truth in her eyes, and the truth was that she hated me for what she thought I was, the agent of an oppressive regime. Then, like me, she remembered the role she had to play. Please, sirs! she cried. I’m innocent! I swear!
Three years later, this communist agent was still in a cell. I kept her folder on my desk, a reminder of my failure to save her. It was my fault, too, Man had said. When the day of liberation comes, I’ll be the one unlocking her cell. She was twenty-two when arrested, and in the folder was a picture of her at her capture, and another one of her from a few months ago, her eyes faded and her hair thinning. Our prison cells were time machines, the inmates aging much faster than they normally would. Looking at her faces, then and now, helped me with the task of selecting a few men for salvation and condemning many more, including some I liked. For several days I worked and reworked the list while the defenders of Xuan Loc were annihilated and, across our border, Phnom Penh fell to the Khmer Rouge. A few nights later, our ex-president secretly fled for Taiwan. Claude, who drove him to the airport, noticed how the president’s inordinately heavy suitcases clanked with something metallic, presumably a hefty share of our nation’s gold. He told me this the next morning, when he called to say that our plane was leaving in two days. I finished my list early that evening, telling the General that I had decided to be democratic and representative, choosing the highest-ranking officer, the officer everyone thought the most honest, the one whose company I liked the most, and so on. He accepted my reasoning and its inevitable consequence, that a good number of the senior officers with the most knowledge and culpability in the work of the Special Branch would be left behind. I wound up with a colonel, a major, another captain, and two lieutenants. As for myself, I reserved one seat and three more for Bon, his wife, and his child, my godson.
When the General visited me that night to commiserate, bearing the now half-empty bottle of whiskey, I asked for the favor of taking Bon with us. Although not my real brother, he was one of my two blood brothers since our school days. Man was the other, the three of us having sworn undying loyalty to one another by slicing our adolescent palms and mingling our blood in ritual handshakes. In my wallet was a black-and-white photograph of Bon and his family. Bon had the appearance of a good-looking man beaten to a pulp, except that was simply his God-given face. Not even his paratrooper’s beret and crisply ironed tiger stripe fatigues could distract from his parachute-like ears, his chin perpetually tucked into the folds of his neck, and his flat nose bent hard right, the same as his politics. As for his wife, Linh, a poet might compare her face to the harvest moon, insinuating not only its fullness and roundness but also how it was mottled and cratered, dappled with acne scars. How those two concocted a child as cute as Duc was a mystery, or perhaps simply as logical as how two negatives when multiplied together yield a positive. The General handed me the photo and said, It’s the least I could do. He’s Airborne. If our army was just Airborne men, we’d have won this war.
If . . . but there was no if, only the incontrovertible fact of the General sitting on the edge of my
chair while I stood by the window, sipping my whiskey. In the courtyard, the General’s orderly fed fistfuls of secrets into a fire blazing in a fifty-five-gallon drum, making the hot night hotter. The General got up and paced my small chamber, glass in hand, clad only in his boxer shorts and a sleeveless undershirt, a midnight shadow of stubble across his chin. Only his housekeepers, his family, and myself ever saw him like this. At any hour of the day when visitors came to the villa, he would pomade his hair and don his starched khakis, the breast festooned with more ribbons than could be found in a beauty queen’s hair. But this evening, with the villa’s hush punctuated only by occasional shouts of gunfire, he allowed himself to be querulous about how the Americans had promised us salvation from communism if we only did as we were told. They started this war, and now that they’re tired of it, they’ve sold us out, he said, pouring me another drink. But who is there to blame but ourselves? We were foolish enough to think they would keep their word. Now there’s nowhere to go but America. There are worse places, I said. Perhaps, he said. At least we’ll live to fight again. But for now, we are well and truly fucked. What kind of toast is right for that?
The words came to me after a moment. Here’s blood in your eye, I said.
Damn right.
I forget from whom I learned this toast, or even what it meant, except that I had acquired it sometime during my years in America. The General had been to America, too, if only for a few months as a junior officer, training with a platoon of his fellows at Fort Benning in ’58, where the Green Berets inoculated him permanently against communism. In my case, the inoculation did not take. I was already undercover, part scholarship student, part spy-in-training, the lone representative of our people at a sylvan little college called Occidental, its motto Occidens Proximus Orienti. There I passed six idyllic years in the dreamy, sun-besotted world of Southern California during the sixties. Not for me the study of highways, sewage systems, or other such useful enterprises. Instead, the mission assigned to me by Man, my fellow conspirator, was to learn American ways of thinking. My war was psychological. To that end, I read American history and literature, perfected my grammar and absorbed the slang, smoked pot and lost my virginity. In short, I earned not only my bachelor’s but my master’s degree, becoming expert in all manner of American studies. Even now I can see quite clearly where I first read the words of that greatest of American philosophers, Emerson, on a lawn by an iridescent grove of jacaranda trees. My attention was divided between the exotic, tawny co-eds in halter tops and shorts, sunning themselves on beds of June grass, and the words so stark and black on a bare white page—“consistency is the hobgoblin of little minds.” Nothing Emerson wrote was ever truer of America, but that was not the only reason I underlined his words once, twice, thrice. What had smitten me then, and strikes me now, was that the same thing could be said of our motherland, where we are nothing if not inconsistent.
On our last morning, I drove the General to his office at the National Police compound. My office was down the hallway from the General’s, and from there I summoned the five chosen officers for a private meeting, one by one. We leave tonight? asked the very nervous colonel, his eyes big and wet. Yes. My parents? The parents of my wife? asked the major, a crapulent devotee of the Chinese restaurants in Cholon. No. Brothers, sisters, nieces and nephews? No. Housekeepers and nannies? No. Suitcases, wardrobes, collections of china? No. The captain, who hobbled a bit because of venereal disease, threatened to commit suicide unless I found more seats. I offered him my revolver and he skulked off. In contrast, the young lieutenants were grateful. Having earned their precious positions via parental connections, they bore themselves with the herky-jerky nervousness of marionettes.
I closed the door on the last of them. When distant booms rattled the windows, I saw fire and smoke boiling from the east. Enemy artillery had ignited the Long Binh ammunition depot. Feeling a need both to mourn and to celebrate, I turned to my drawer, where I kept a fifth of Jim Beam with several ounces remaining. If my poor mother were alive, she would say, Don’t drink so much, son. It can’t be good for you. But can’t it, Mama? When one finds oneself in as difficult a situation as I did, a mole in the General’s staff, one looked for comfort wherever one could find it. I finished the whiskey, then drove the General home through a storm, the amniotic water bursting over the city a hint of the forthcoming season. Some hoped the monsoon might slow down the advancing northern divisions, but I thought that unlikely. I skipped dinner and packed my rucksack with my toiletries, a pair of chinos and a madras shirt bought at a J. C. Penney in Los Angeles, loafers, three changes of underwear, an electric toothbrush from the thieves’ market, a framed photograph of my mother, envelopes of photographs from here and America, my Kodak camera, and Asian Communism and the Oriental Mode of Destruction.
The rucksack was a gift from Claude, given in honor of my college graduation. It was the handsomest thing I owned, capable of being worn on my back or, with a tuck of a strap here and there, converted to a hand-carried valise. Fabricated of supple brown leather by an esteemed New England manufacturer, the rucksack smelled richly, mysteriously of autumn leaves, grilled lobster, and the sweat and sperm of boys’ boarding schools. A monogram of my initials was branded on the side, but the most special feature was the false bottom. Every man should have a false bottom in his luggage, Claude had said. You never know when you’ll need it. Unbeknownst to him, I used it to hide my Minox mini-camera. The cost of the Minox, a present from Man, was a few times my annual salary. It was this I had used to photograph certain classified documents to which I had access, and I thought perhaps it would be useful again. Lastly, I sorted through the rest of my books and my records, most purchased in the States and all bearing the fingerprints of memory. I had no room for Elvis or Dylan, Faulkner or Twain, and while I could replace them, my spirit was still heavy when I wrote Man’s name on the box of books and records. They were too much to bear, as was my guitar, displaying its full, reproachful hips on my bed as I left.
I finished packing and borrowed the Citroën to retrieve Bon. The military police at the checkpoints waved me by when they saw the General’s stars on the automobile. My destination was across the river, a wretched waterway lined with the shanties of refugees from the countryside, their homes and farms obliterated by pyromaniacal soldiers and clean-cut arsonists who had found their true calling as bombardiers. Past this haphazard expanse of hovels, deep in District Four, Bon and Man waited at a beer garden where the three of us had passed more drunken hours than I could recall. Soldiers and marines crowded the tables, rifles under their stools, hair cropped close by sadistic military barbers intent on revealing the contours of their skulls for some nefarious phrenological purpose. Bon poured me a glass of beer as soon as I sat down, but would not allow me to drink until he offered a toast. Here’s to reunion, he said, lifting his own glass. We’ll meet again in the Philippines! I said it was actually Guam, for the dictator Marcos was fed up with refugees and no longer accepting any more. Groaning, Bon rubbed his glass against his forehead. I didn’t think it could get any worse, he said. But now we’ve got Filipinos looking down on us? Forget the Philippines, Man said. Let’s drink to Guam instead. They say it’s where America’s day begins. And our day ends, Bon muttered.
Unlike Man and I, Bon was a genuine patriot, a republican who had volunteered to fight, having hated the communists ever since the local cadre encouraged his father, the village chief, to kneel in the village square and make his confession before forcefully inserting a bullet behind his ear. Left to his own devices, Bon was sure to go Japanese and fight to the end or even put a gun to his own head, so Man and I had persuaded him to think of his wife and child. Leaving for America was not desertion, we claimed. This was strategic retreat. We had told Bon that Man would also flee with his family tomorrow, whereas the truth was that Man would stay to witness the liberation of the south by the northern communists Bon so despised. Now Man squeezed him on the shoulder with fingers long and delicate and said, We’re blood brothers, us three. We’ll be blood brothers even if we lose this war, even if we lose our country. He looked at me and his eyes were damp. For us there is no end.
You’re right, Bon said, shaking his head vigorously to disguise the tears in his eyes. So enough sadness and gloom. Let’s drink to hope. We’ll return to take our country back. Right? He, too, looked at me. I was not ashamed of the tears in my own eyes. These men were better than any real brothers I could have had, for we had chosen each other. I raised my beer glass. Here’s to coming back, I said. And to a brotherhood that never ends. We drained our glasses, shouted for another round, threw our arms around one another’s shoulders, and settled into an hour of brotherly love and song, the music provided by a duo at the other end of the garden. The guitarist was a long-haired draft dodger, sickly pale from having lived for the last ten years in between the walls of the bar owner’s house during the day, emerging only at night. His singing partner was an equally long-haired woman of dulcet voice, her slim figure outlined by a silk ao dai the same shade as a virgin’s blush. She was singing the lyrics of Trinh Cong Son, the folk singer beloved even by the paratroopers. Tomorrow I’m going, dear . . . Her voice rose above the chatter and rain. Remember to call me home . . . My heart trembled. We were not a people who charged into war at the beck and call of bugle or trumpet. No, we fought to the tunes of love songs, for we were the Italians of Asia.
Tomorrow I’m going, dear. The city’s nights are no longer beautiful . . . If Bon knew this was the last time he would see Man for years, perhaps ever, he would never step on the airplane. Ever since our lycée days, we had fancied ourselves the Three Musketeers, all for one and one for all. Man had introduced us to Dumas: first, because he was a great novelist, and second, because he was a quadroon. Hence he was a model for us, colonized by the same French who despised him for his ancestry. An avid reader and storyteller, Man would have likely become a teacher of literature at our lycée if we had lived in a time of peace. Besides translating three of the Perry Mason mysteries of Erle Stanley Gardner into our native tongue, he had also written a forgettable Zolaesque novel under a pen name. He had studied America but never been there himself, as was the case with Bon, who called for another round and asked if America had beer gardens. They have bars and supermarkets where you can always get a beer, I said. But are there beautiful women who sing songs like these? he asked. I refilled his glass and said, They have beautiful women but they do not sing songs like these.
Then the guitarist began strumming the chords of another song. They do sing songs like this, Man said. It was Yesterday by the Beatles. As the three of us joined in singing, my eyes grew moist. What was it like to live in a time when one’s fate was not war, when one was not led by the craven and the corrupt, when one’s country was not a basket case kept alive only through the intravenous drip of American aid? I knew none of these young soldiers around me except for my blood brothers and yet I confess that I felt for them all, lost in their sense that within days they would be dead, or wounded, or imprisoned, or humiliated, or abandoned, or forgotten. They were my enemies, and yet they were also brothers-in-arms. Their beloved city was about to fall, but mine was soon to be liberated. It was the end of their world, but only a shifting of worlds for me. So it was that for two minutes we sang with all our hearts, feeling only for the past and turning our gaze from the future, swimmers doing the backstroke toward a waterfall.
The rain finally ceased by the time we left. We were smoking a final cigarette at the mouth of the dank, dripping alley that was the beer garden’s exit when a trio of hydrocephalic marines stumbled out of the vaginal darkness. Beautiful Saigon! they sang. Oh, Saigon! Oh, Saigon! Although it was only six, they were inebriated, fatigues stained with beer. Each had an M16 hanging from a shoulder strap, and each showed off a spare pair of testicles. These, on closer inspection, turned out to be two grenades clamped to either side of their belt buckles. Although their uniforms, weapons, and helmets were all of American manufacture, as were ours, it was impossible to mistake them for Americans, the dented helmets being the giveaway, steel pots sized for American heads that were too big for any of us. The first marine’s head swung this way and that before he bumped into me and cursed, the brim of his helmet falling all the way to his nose. When he pushed up the brim, I saw bleary eyes trying to focus. Hello! he said, breath reeking, his southern accent so thick I had some trouble understanding him. What’s this? A policeman? What’re you doing with the real soldiers?
Man flicked ashes at him. This policeman’s a captain. Salute your superior, Lieutenant.
The second marine, also a lieutenant, said, If you say so, Major, to which the third marine, a lieutenant as well, said, The hell with majors and colonels and generals. The president’s run off. The generals—poof! Like smoke. Gone. Saving their own asses like they always do. Guess what? That leaves us to cover the retreat. Like we always do. What retreat? the second marine said. There’s nowhere to go. The third agreed: We’re dead. As good as dead, the first said. Our job is to be dead.
I tossed away my cigarette. You’re not dead yet. You should get back to your posts.
The first marine focused once more on my face, taking a step closer until his nose nearly touched mine. What are you?
You are out of line, Lieutenant! Bon shouted.
I’ll tell you what you are. The marine poked his finger in my chest. Don’t say it, I said.
A bastard! he cried. The two other marines laughed and chimed in. A bastard!
I drew my revolver and placed the muzzle between the marine’s eyes. Behind him, his friends fingered their rifles nervously but did no more. They were impaired, but not enough to think they could be faster on the draw than my more sober friends.
You’re drunk, aren’t you, Lieutenant? Despite myself, my voice trembled. Yes, the marine said. Sir.
Then I won’t shoot you.
It was then, to my great relief, that we heard the first of the bombs. Everybody’s head swiveled in the direction of the explosion, which was followed by another and another, to the northwest. It’s the airport, Bon said. Five-hundred-pound bombs. He would turn out to be correct in both cases. From our vantage point, we could see nothing except, after a few moments, billowing plumes of black smoke. Then it seemed as if every gun in the city went off from downtown to the airport, light weaponry going clack-clack-clack and heavy weaponry going chug-chug-chug, flurries of orange tracers swirling into the sky. The racket drew all the residents of the pitiful street to their windows and into the doorways, and I holstered my revolver. Likewise sobered by the presence of witnesses, the marine lieutenants clambered into their jeep without another word and drove off, weaving through the handful of motorbikes on the street until they reached the intersection. Then the jeep braked to a halt and the marines stumbled out with M16s in hand, even as the explosions continued and civilians thronged the sidewalks. My pulse quickened when the marines glared at us from under the jaundiced light of a streetlamp, but all they did was aim skyward, howling and screaming as they fired their weapons until the magazines were empty. My heart was beating fast and the sweat was trickling down my back, but I smiled for the sake of my friends and lit another cigarette.
Idiots! Bon shouted as the civilians crouched in doorways. The marines called us a few choice names before they got back into the jeep, turned the corner, and vanished. Bon and I said good-bye to Man, and after he left in his own jeep I tossed Bon the keys. The bombing and the gunfire had ceased, and as he drove the Citroën to his apartment he swore bloody murder at the Marine Corps the entire way. I kept my silence. One did not depend on marines for good table manners. One depended on them to have the right instincts when it came to matters of life and death. As for the name they had called me, it upset me less than my reaction to it. I should have been used to that misbegotten name by now, but somehow I was not. My mother was native, my father was foreign, and strangers and acquaintances had enjoyed reminding me of this ever since my childhood, spitting on me and calling me bastard, although sometimes, for variety, they called me bastard before they spit on me.
(end of Chapter 1 - continue Chapter 2)$pageOut$pageIn
Dù cũng có những khi cao hứng, cậu tùy phái có khuôn mặt non choẹt hay đến trông chừng tôi hằng ngày vẫn gọi tôi là con hoang. Hầu như không làm tôi ngạc nhiên khi bị gọi như thế dù thực lòng tôi vẫn mong một cách gọi coi khá hơn trong những người của ta, Sếp yêu quý ạ. Phải thú nhận rằng cái tên gọi đó vẫn làm tôi đau. Có lẽ đa số người ta vẫn gọi tôi là con lai hoặc con hai giòng, như cách vẫn thường quen nói từ trước? Còn chữ Metis nữa, đó là cách người Pháp có khi gọi tôi thay vì Eurasian ? Chữ sau thì nhuốm vẻ ngoài lãng mạn với người Mỹ nhưng với chính người Pháp thì nó chả ra làm sao cả. Những người Pháp đó tôi vẫn gặp ở Sài Gòn đều đều, họ đúng là những kẻ thực dân cố cựu cứ khăng khăng bướng bỉnh bám lại đất nước này ngay cả sau khi quyền thực dân của họ đã bị truất phế. Lê Cercle Sportif là nơi họ ưa tụ tập, nhấm nháp Pernod mồm nhai bít tết tartare mà hồi tưởng quá khứ của họ trên đường phố Sài Gòn mà họ vẫn cứ gọi bằng tên Pháp cũ: Đại lộ Norodom , Rue Chasseloup-Laubat, Quai de l'Argonne . Họ sắm cái vẻ mẫu quốc cùng với thói kiêu căng của kẻ mới phất, mỗi khi tôi đến gần, họ hay nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ của lính canh biên giới cứ chực kiểm tra thông hành.
Tuy vậy cũng chẳng phải là họ đã nghĩ ra chữ Eurasian. Lối nói đó là do người Anh ở Ấn Độ, những người rất khoái nhấm nhá chocolate đen. Cũng như những người Mỹ gốc Anh ưa đội mũ bện bằng cây, hay lính viễn chinh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, họ thường không thể cưỡng lại sự cám dỗ hấp dẫn của người địa phương. Họ cũng chế chữ ghép để đặt cho tôi, chữ Amerasian (con lai Mỹ). Thật là một cách dùng chữ không đúng cho trường hợp tôi, nhưng quả cũng khó quy lỗi cho những người Mỹ cứ lầm tưởng tôi cũng y như những trường hợp của riêng họ, từ khi quốc gia nhỏ bé này nhờ có họ đến bảo bọc mới cho ra đời những đứa trẻ con của người lính Mỹ ở cái miền nhiệt đới xa xôi này. Nó chính là bộ mặt của lính Mỹ và cũng nhờ đó mà thân phận của những đứa trẻ lai mới được xác định. Đồng bào tôi thì ưa dùng lối nói lái hoặc ghép chữ, và gọi loại như tôi là bụi đời. Về mặt kỹ thuật, tôi tra tự điển Oxford mục chữ Occidental thì thấy rằng trường hợp tôi thì người ta gọi là "con ngoài giá thú", còn pháp luật hầu hết ở các nước mà tôi biết thì kêu tôi là đứa con bất hợp pháp. Mẹ tôi thì gọi tôi là con yêu của Mẹ, nhưng tôi không muốn chỉ có vậy là đủ. Rốt lại quả là Cha tôi đã đúng thật. Ông chẳng gọi tôi bằng ngôn từ gì cả.
Theo dòng đời, tôi bị cuốn vào vòng thân cận với vị Tướng, ông cũng giống như Man và Bon, không bao giờ đụng chạm gì tới xuất xứ dễ gây tổn thương kia của tôi. Khi tuyển tôi vào hàng ngũ thuộc cấp, ông nói, điều ông duy nhất quan tâm nơi tôi là có thừa hành thật tốt công vụ hay không, kể cả ngộ nhỡ có những việc tôi không hoàn thành tốt như mong đợi cũng được. Và đâu chỉ một lần, tôi từng lắm lần chứng tỏ năng lực mình; cuộc di tản này lại là một minh chứng mới năng lực đó, tôi đã dùng nhiều kế sách dù là hợp lệ hay ngoại lệ cốt sao dành cho được chuyến bay tốt nhất. Nào là chọn ai, sắp xếp các chuyến xe buýt thế nào, và, quan trọng nhất, là các khoản tiền phải chi để chắc chắn có được chuyến đi. Tôi đã chi các khoản lót tay đó từ tiền trong xắc của ông Tướng trong đó đựng 10,000 đô la thu được nơi những người ghi danh ra đi với phu nhân. Đó là khoản tiền tự dưng ập tới, bà nói khi nâng tách trà ô long với tôi ở tiệm của bà. Tôi đáp thì có ai ngờ là sẽ có lúc này. Nhưng quả đó là một món hời lớn với số lượng chín mươi hai người di tản. Có thể bà không đồng tình với ý đó, nhưng trong thành phố này bất cứ ai hóng hớt biết bao đồn đại quanh sự vụ đều nói thế. Kèm theo đó còn kể thêm giá của thị thực, thông hành, để có một chỗ ngồi trên chuyến bay di tản phải lên đến nhiều ngàn đô la cho một người, tùy vào gói đã chọn và mức độ hoảng loạn của từng trường hợp. Thậm chí để được trả tiền lót tay đi nữa thì người muốn đi còn phải có cơ hội tiếp cận với những người tổ chức đường dây trước đã. Trường hợp chúng tôi thì tôi chọn giải pháp thông qua một tay tổ mà tôi đã làm quen từ trước tại phòng trà Đêm Màu Hồng trên đường Nguyễn Huệ. Vừa nói như gào trong tiếng nhạc dội như sấm của ban nhạc CBC lẫn trong nhịp điệu những bản nhạc thời thượng đang trỗi lên trong hộp đêm, tôi mới biết anh là sĩ quan trực của phi trường. Với một tốn phí tương đối chấp nhận được, chừng một ngàn đô la, anh đã cho tôi hay những ai trong đội cảnh vệ phi trường vào ngay hôm hành trình của chúng tôi, và tôi có thể tìm viên Trung úy chỉ huy đội cảnh vệ ấy ở đâu.
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Sau khi xếp đặt mọi thứ, chính tôi và Bon đi rước vợ con anh để cùng tập hợp với mọi người cho hành trình lúc 7 giờ. Đợi bên ngoài cổng dinh thự là hai xe buýt màu xanh, với lưới sắt dày bọc quanh cửa sổ cốt để chống lựu đạn khủng bố, trên lý thuyết các lưới này có công dụng làm nẩy bật ngược lại các quả lựu đạn ném vào, ngoại trừ với loại súng phóng lựu thì đành thua, trường hợp nầy thì chỉ còn biết cầu nguyện.
Các gia đình chờ đi đứng lẫn trong sân biệt thự với vẻ lo âu, còn phu nhân thì đứng cùng với các nhân viên cảnh vệ trên bậc tam cấp. Các con bà ngồi ở băng ghế sau của chiếc Citroën, vẻ mặt trống rỗng và dè dặt quan sát Claude và vị Tướng đang hút thuốc đàng trước xe. Cầm danh sách hành khách trong tay, tôi bắt đầu gọi tên đàn ông kèm gia đình họ theo thứ tự, kiểm tra tên từng người và chỉ họ vào xe. Như đã báo trước, mỗi người lớn và thiếu niên chỉ được mang theo không quá một chiếc vali nhỏ hoặc một túi xách hành lý, còn đám trẻ con đứa nào cũng ôm một tấm chăn mỏng hoặc bế một búp bê có nét mặt Tây với nụ cười hết cỡ. Bon ở chót danh sách, anh đang đỡ tay Linh lên xe còn cô luôn nắm giữ tay Duc dù nay đã đủ lớn để có thể tự đi rảo bộ, hai tay cứ mân mê món đồ chơi màu vàng mà trước đây tôi đã mua làm quà lưu niệm cho nó khi đi Mỹ về. Tôi chào cậu bé, còn cu cậu nhìn sững tôi vẻ không hài lòng, rồi chựng lại rút tay khỏi tay mẹ và chào lại tôi. Mọi người đã hiện diện đủ, tôi nói với vị Tướng. Dí tàn thuốc dưới gót giày, ông bảo, vậy thì ta đi thôi.
Việc sau cùng của vị Tướng là chào chia tay với người giúp việc, đầu bếp, quản gia, và ba người vú em ở độ tuổi mới lớn. Trong số họ có người đã cố xin được mang theo cùng, nhưng phu nhân đã chắc nịch từ chối, bởi bà tin là mình đã trả công rất hậu cho họ rồi. Dĩ nhiên bà đã hành xử đúng. Bởi tôi biết ít nhất có một trường hợp một người quản gia đã được xếp một chỗ trong chuyến đi, rồi đem bán lại cho ai trả giá cao nhất.
Bây giờ phu nhân và hết cả người làm trong nhà đang sụt sùi khóc, trừ lão quản gia cao niên với cà vạt tím quấn quanh chiếc cổ bị bứu. Ông là người có mặt ngay từ những ngày đầu với vị Tướng lúc ấy mới là một trung úy còn ông là lính chạy giấy, cả hai đều trong quân ngũ dưới thời Pháp sắp bại trận ở Điện Biên Phủ.
Đứng ở bậc tam cấp chót, nên ông Tướng không thể chạm ánh mắt ông già. Đầu để trần, mũ trong tay, ông Tướng vừa nói vừa cúi đầu, xin mọi người thứ lỗi. Đó là lần duy nhất tôi nghe ông nói lời xin lỗi khi có phu nhân bên cạnh. Các bạn đã làm việc cho chúng tôi thật tốt nhưng nay chúng tôi không tốt lại với các bạn được vì các bạn sẽ không phải gặp nguy hiểm như chúng tôi. Các bạn muốn lấy vật gì cứ việc lấy từ biệt thự này và sau đó hãy bỏ đi. Sau này nếu có ai tra hỏi, thì hãy đừng nhận có quen biết tôi hoặc đã từng làm việc cho tôi. Còn tôi, tôi thề với bạn là tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc chiến đấu cho xứ sở của chúng ta!
Khi ông Tướng bắt đầu khóc, tôi liền đưa khăn tay cho ông. Một thoáng lặng im, rồi một người quản gia nói, xin ông cho tôi một điều được không thưa ông. Ông bạn, hãy nói đi, là cái gì? Xin ông khẩu súng lục, để tôi tự sát! Vị Tướng lắc đầu và lau nước mắt bằng chiếc khăn tay của tôi. Bạn chớ làm thế. Hãy về nhà và yên tâm chờ tôi quay trở lại. Lúc đó, tôi sẽ cấp súng cho bạn. Khi người quản gia cố nén để nói lời giã biệt, vị Tướng liền bắt tay ông.
Dù người ta có thêu dệt gì về ông Tướng trong ngày hôm nay, tôi vẫn có thể xác quyết rằng ông là một con người chân thành, thành tín vào mọi điều đã nói ra ngay cả đó là một lời không thật đi nữa, để thấy rằng ông có khác chi bao người người trong thiên hạ.
Phu nhân phân phát cho mỗi người quản gia, giúp việc ở lại một phong bì chứa đô la, độ dày của phong bì tùy vào vị trí công việc của từng người. Rồi ông Tướng trả lại tôi khăn tay và hộ tống bà đến chiếc Citroën.
Trong lần lái xe sau chót này, ông mới có cơ hội đặt tay lên vô lăng bọc da của xe mình và dẫn đường cho hai xe buýt chạy ra phi trường. Để tôi chạy chiếc bus thứ hai, Claude lên tiếng. Còn anh lên chiếc đầu và phải kềm chắc để tay tài xế không bị lạc.
Trước khi lên xe, tôi tần ngần ở cửa để nhìn lần cuối ngôi biệt thự, một căn nhà gợi lại hình ảnh những tên chủ đồn điền cao su người Corsica . Kìa là cây me già như huyền thoại giờ đây cành nhánh đã vươn dài vào mái hiên, những quả me chua dài, vỏ muốn bong ra đang lơ lửng như những khớp ngón tay của người chết. Những người quản gia trung thành vẫn đứng trên hàng hiên nhà. Khi tôi vẫy tay chào tạm biệt, họ vẫy tay lại chân thành, tay kia vẫn nắm chiếc phong bì màu trắng, mà qua ánh trăng, tôi tưởng đó là những chiếc vé đưa họ đi vào một nơi vô định.
Dọc đường từ biệt thự ra phi trường không có biểu hiện gì khác thường như những gì vốn dĩ của Sài Gòn, một nơi phải nói là với đủ thứ rắc rối phức tạp. Xe bắt đầu ra khỏi cổng để xuống đường Bùi Thị Xuân, rẽ trái để vào Lê Văn Duyệt, rẽ phải đến Hồng Thập Tự hướng thẳng đến khu có nhiều Tòa Đại Sứ, rẽ trái qua Pasteur, rẽ trái vào Phan Đình Phùng , rồi rẽ phải vào Công Lý, và cứ thế thẳng tiến đến phi trường. Nhưng thay vì rẽ trái khi đến đường Lê Văn Duyệt, ông Tướng lại rẽ phải. Ông đi sai đường rồi, tài xế xe tôi nói. Móng mấy ngón tay anh sắc nhọn bịnh hoạn nám vàng vì khói thuốc lá ám nhựa nicotine. Cứ việc chạy theo, tôi bảo.
Tôi đứng ngay ở lối lên xuống xe, mở cửa ra cho khí trời ban đêm mát mẻ tràn vào. Trên băng ghế đầu ngay sau lưng tôi là Bon và Linh, trên đùi mẹ, Duc nhoài mình ra trước để với tay qua vai tôi. Đường phố vắng tanh; Đài phát thanh liên tục phát lệnh giới nghiêm hăm mươi bốn giờ, vốn được ban bố từ khi có các cuộc tấn công của địch quân vào phi trường. Những vỉa hè gần như trống trơn không một bóng người, thỉnh thoảng nhác thấy như ma trơi các bộ quân phục do những người lính bỏ ngũ cởi ra bỏ mặc đó. Trong những lúc khác, nếu mớ đồ nhỏ gọn với mũ nón giầy áo như vậy, chỉ cần một tên trộm nhanh như chớp là sẽ dọn sạch biến mất dạng. Nhưng thành phố bây giờ gần như nguyên vẹn mọi thứ, không một ai thèm đụng vào những bộ đồ lính đó nữa.
Thể nào trong xe tôi cũng có lẫn vài người lính cải trang dân sự, dù đây là phần dành riêng cho những người con cháu bà con với ông Tướng vốn chỉ gồm toàn phụ nữ, trẻ em. Nhiều người xì xầm phàn nàn nọ kia thầm thì với nhau trong xe, nhưng tôi cứ giả lơ. Ít ra khi tìm tới thiên đường, đồng bào tôi cũng sẽ có dịp mà thấy rằng chưa chắc ở đó đã ấm được như khi còn ở địa ngục.
Sao ông ấy lại chạy vào đường này nhỉ? người tài xế nói. Vì đang giới nghiêm! Tất cả chúng ta rất dễ bị bắn hoặc bị bắt. Bon lắc đầu thở dài. Vì ổng là Tướng mà, anh nói, cho nên bắt buộc mọi chuyện phải theo vậy thôi. Tuy vậy anh tài xế vẫn không ngớt phàn nàn khi chúng tôi băng qua chợ Bến Thành rồi rẽ vào đường Lê Lợi, tiếp tục chạy theo cho đến cuối cùng thì ông Tướng dừng xe lại ở công trường Lam Sơn.
Trước mặt chúng tôi là tiền đình tòa nhà Quốc Hội kiến trúc theo lối Hy Lạp, vốn trước kia là nhà hát thành phố. Tại nơi đây việc quốc sự được các chính trị gia của chúng tôi bàn định như những vở diễn tồi, có khi còn là một trò hề lạc điệu với đủ cân đai áo mão. Nhoài ra ngoài nhìn lên, tôi thấy các cửa sổ sáng đèn của bar trên tầng thượng Caravelle Hotel, nơi mà tôi hay phụ tá vị Tướng lo rượu khai vị hoặc cùng ông trong các cuộc họp báo. Các ban công sẽ cho ta một cái nhìn không đâu có được về Sài Gòn với những gì vây quanh nó, từ trên ấy tôi nghe một tràng cười gượng buông xuôi vang lên. Hẳn là ở trển đang đầy những ký giả ngoại quốc, luôn sẵn sàng những bài tường thuật gây sốt thêm giờ phút hấp hối cận kề, họ cùng các tùy viên của các quốc gia trung lập dõi mắt về hướng kho đạn Long Bình đang ì ầm những lằn đạn nổ vút sáng trong bầu trời đêm.
Trong tôi bỗng trỗi dậy một thôi thúc dõi theo hướng của tiếng cười có lẽ chỉ là để làm buổi tối trên kia thêm sinh khí. Lúc vị Tướng ra khỏi xe, tôi cứ nghĩ ông cũng có cùng nỗi thôi thúc như mình, nhưng không, ông lại quay đi một hướng khác, từ Quốc hội ông hướng tới pho tượng đài chẳng mấy cảm tình nằm giữa một nội cỏ trên đường Lê Lợi. Giờ tôi mới thấy tiếc khi lại để cái máy ảnh Kodak trong ba lô chứ không đem theo trong túi, nếu không tôi đã có thể chụp được một bức ảnh khi vị Tướng đứng nghiêm chào tượng hai người lính thủy quân lục chiến to lớn đang trong tư thế xung phong, họ là hình ảnh những người hùng đang ở ngoài mặt trận được người ở hậu phương yêu mến ngưỡng mộ. Khi Bon cùng với những người đàn ông khác trên xe nghiêm chào tượng đài, tôi thấy mình băn khoăn suy nghĩ là không biết những người lính thủy với ánh nhìn chằm chằm kia đang bảo vệ người qua kẻ lại trong một ngày nắng đẹp thường hay lơ đễnh bách bộ dưới lòng đường, hay biết đâu họ tay bồng súng đang trong tư thế tấn công nhắm vào Quốc Hội. Tới khi trên xe có người bỗng khóc nức nở, bất giác tôi cũng nghiêm chào, một cái gì như đánh thức tôi không còn mơ hồ gì về nghĩa cả ấy nữa.
Không quân của chúng tôi đã từng ném bom dinh Tổng Thống, quân đội thì đã bắn và đâm chết hai anh em vị Tổng Thống của nền cộng hòa đầu, và các tướng lãnh vốn chẳng thuận hòa nhau tiếp tục xướng xuất thêm nhiều cuộc đảo chánh sau đó. Sau cuộc chính biến thứ mười, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa về tình trạng bất tường của đất nước, nó như một kết hợp của điều gì thất vọng và căm hờn, pha với một chút gì khôi hài, một thứ hỗn hợp đã có tầm ảnh hưởng khiến tôi quay lại với chí nguyện chính trị của mình.
Hài lòng vì xong việc, ông Tướng quay lại leo vào chiếc Citroën và đoàn xe tiếp tục hành trình, băng qua ngã tư giao với đường một chiều Tự Do y như lúc đi vào và băng ra khỏi công trường Lam Sơn.
Tôi có dịp nhìn lần chót Café Givral, nơi tôi đã từng thưởng thức kem vani Pháp trong những dịp hẹn với nhiều cô nàng Sài Gòn đích thực hay những lần đi với với các dì sơ bảo hộ nghiêm khắc và cứng nhắc.
Quá Givral là Café Brodard, nơi có lần tôi chỉ biết ngồi chăm chú dùng bữa với bánh mặn và cố hết sức để làm lơ hàng đàn người hành khất nghèo khổ đang thất thểu xung quanh, có người chìa tay để khất thực, có người cụt tay dùng miệng ngậm chiếc mũ bóng chày, có người tàn tật vỗ tay vào chiếc túi rỗng phơ phất như những cánh chim bay, có người ăn xin già nua nín lặng kiên trì nhìm chằm vào bạn, những trẻ bụi đời già dặn hơn lứa tuổi kể lể hoàn cảnh đáng thương, những góa phụ trẻ lê la theo những đứa bé thơ bị đau bụng mà có thể họ đã thuê đâu đó, có những người què cùng nhau đi, bày ra đủ thứ bệnh tật sầu đau tưởng tượng.
Xa hơn về mạn bắc đường Tự Do là một hộp đêm, nơi tôi từng nhiều đêm nhảy cha-cha-cha với nhiều cô nàng mặc mini jupe với những bước nhảy phá cách tân kỳ. Đây là con phố mà xưa kia người Pháp hống hách đã một thời đóng đô với những quý bà lắm của, theo sau là những người Mỹ thất cơ lỡ vận tung hô họ trong những quán bar phóng đãng như ở San Francisco, New York, và Tennessee, tên họ được ghi lên bóng đèn neon, còn dàn máy hát tự động thì luôn chạy dòng nhạc đồng quê. Sau một đêm trác táng những thân hình mang mặc cảm tội lỗi lảo đảo ngả nghiêng lần mò về mạn bắc đến Vương cung Thánh đường gạch đỏ ở cuối đường Tự Do, là nơi ông Tướng đang dẫn dắt chúng tôi đi ra đường Hai Bà Trưng.
Sừng sững trước Thánh đường là pho tượng Đức Mẹ trắng tinh, ánh mắt ngài sầu bi nhìn xuống, đôi tay rộng mở ban phát hòa bình và thứ tha. Trong khi Mẹ và con trai ngài, đấng Jesus Kitô luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những con chiên tội lỗi trên phố Tự Do, thì những vị đã khấn trọng thể cũng như những Cha cố -mà cha tôi là một- lại nhất mực chối bỏ tôi. Cho nên nhà thờ luôn là nơi tôi hẹn Man gặp để trao đổi những việc bí mật, nơi hai chúng tôi như nếm trải một vẻ gì khôi hài giữa lòng các tín hữu. Dù vẫn quỳ xin như bao người khác, nhưng kỳ thực chúng tôi là những kẻ vô thần, chọn cộng sản chứ không chọn Thiên Chúa.
Chúng tôi gặp nhau vào các buổi chiều thứ Tư, lúc Thánh đường rất vắng, chỉ lác đác một vài mệnh phụ khắc khổ, khăn ren trùm đầu hay quàng cổ, lâm râm cầu Kinh, Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. . .
Tôi không còn cầu nguyện nữa, mà miệng lưỡi tôi cũng không sao bắt nhịp kịp với quý bà. Họ rất kiên trì, vẫn thản nhiên ngồi nguyện cho đến ngày Thánh Lễ cuối tuần đông nghịt người mà có lần đã có người già yếu đã phải ngất xỉu vì hơi nóng tỏa ra. Xứ sở chúng tôi còn nghèo lấy đâu sắm được máy điều hòa không khí, thế nhưng bị quỵ ngã vì hơi nóng trong Thánh lễ cũng là một cách giản dị thể hiện đức tin kiên trì. Thật khó tìm nơi đâu có người Công giáo sùng đạo hơn người Công giáo Sài Gòn, hầu hết trong số họ, giống như chính mẹ con tôi đã một lần bỏ chạy khỏi cộng sản hồi 1954 (lúc tôi mới lên chín và chưa có ý thức gì về chuyện này).
Điểm hẹn là Thánh đường khiến Man -một cựu giáo dân như tôi- lấy làm thích. Trong khi chúng tôi vờ trong vai những công chức mộ đạo mà Thánh lễ mỗi tuần một lần không đủ, tôi thổ lộ anh nghe về tình hình thua trận cũng như tình thế cá nhân tôi. Anh, đến lượt anh, trong vai người giải tội cho tôi, lâm râm chẳng phải cầu nguyện gì cả mà là thì thầm xếp đặt công tác cho tôi.
Mỹ quốc à? Tôi hỏi. Ừ, Mỹ, anh khẳng định.
Sau khi tôi biết được kế hoạch di tản của ông Tướng, tôi đã cho anh hay ngay, và hôm thứ Tư trước cũng tại Vương cung Thánh đường này, anh đã thông báo tôi biết về công việc mới. Nhiệm vụ này đã được cấp trên giao cho tôi, nhưng họ là ai thì tôi không biết. Như thế thì an toàn hơn. Cung cách này đã hiện diện trong tổ chức từ những ngày còn trung học khi chúng tôi bí mật đi theo một chí hướng riêng trong vai một nhóm nghiên cứu trong khi Bon thì vẫn công khai bình thường.
Nhóm nghiên cứu là ý tưởng của Man, một chi bộ ba người gồm chính anh, tôi và một bạn cùng lớp khác. Man là thủ lĩnh, hướng dẫn chúng tôi đọc các tác phẩm cách mạng kinh điển, dạy chúng tôi những điều luật và ý thức hệ của Đảng. Lúc đó, tôi biết Man là đảng viên trong chi bộ khác mà anh chỉ ở vào thứ hạng thấp trong đó thôi dù danh tính của các đảng viên khác thì với tôi vẫn còn bí mật.
Man từng bảo tôi bí mật và hệ thống phân cấp là cả hai điều then chốt thiết yếu của cách mạng. Đó là lý do tại sao có một cấp khác ở trên anh có quyền quyết định cao hơn, và bên trên cấp đó lại là một cấp cao hơn khác cho quyết định quan yếu khác nữa, và cứ thế cho đến khi có lẽ chạm đến chính Bác Hồ, ít ra khi còn sống là người có quyền quyết định hơn hết, là người từng nêu tiêu ngữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà chúng tôi sẵn sàng bỏ mình vì nó. Ngôn phong này, cũng như các bài giảng cho nhóm nghiên cứu, cho các chi bộ, các đảng viên … với Man quá quen thuộc. Anh thừa hưởng hạt giống cách mạng từ một người chú cừ khôi, từng bị Pháp lùa đi châu Âu làm phu trong đệ nhất thế chiến. Ông là phu đào huyệt, chẳng biết làm gì hơn để vùng thoát thân phận dân thuộc địa khi nhìn thấy những người đàn ông da trắng chết trần truồng, ông chú kể, hoặc có khi Man kể tôi nghe. Có khi ông thò tay vào nội tạng nhầy máu của họ, giải khuây nghịch đùa các bộ phận sinh dục nhũn nhão, và buồn nôn khi nhìn thấy các bộ óc người chết như một nồi trứng vữa. Ông đã chôn họ có đến hàng ngàn, những nam thanh niên gan dạ cả tin vào những lời xách động tâng bốc cuồng quay từ mồm mép những tay chính trị gia lươn lẹo, đã dần thấm vào tận ngõ ngách ý thức họ niềm tin rằng họ đang phụng sự nước Pháp bảo toàn lãnh thổ tốt nhất.
Các tầng lớp hạ dân được phái đến Đông Dương, từ đây người ta thấy nước Pháp có những viên quan thực dân quan liêu ngớ ngẩn, những kẻ phách lối nơi học đường, hoặc người chẳng biết gì mà ngồi vào các câu lạc bộ đánh cờ, những kế toán viên tự phát … mà ông chú của Man đã phát hiện ra họ xuất thân từ những thành phần bị ruồng bỏ và thua thiệt nơi chính quốc. Ông nổi giận bảo loại người vứt đi đó mà lên mặt dạy chúng ta tôn chúng như một thứ á thánh da trắng ư?
Lập trường chống thực dân triệt để của ông càng tăng cao khi ông yêu một cô nàng y tá người Pháp, có khuynh hướng Trotskyist đã thuyết phục ông gia nhập đảng cộng sản Pháp như phương sách đấu tranh hay ho duy nhất giải thoát Đông Dương khỏi ách thực dân Pháp. Nghe lời cô, ông nuốt hận mà lưu vong. Cuối cùng, hai người có với nhau một con gái, khi đưa cho tôi một mẩu giấy, Man thổ lộ với tôi rằng bà -người Man phải gọi bằng Cô- vẫn còn ở đây, trên mẩu giấy ghi tên và địa chỉ của cô ở quận mười ba, Paris, thế nhưng người bạn đời đồng chí này lại không hề gia nhập đảng cộng sản, nên hẳn là không bị ghi vào sổ đen. Không biết anh có thể gửi thư về nhà bằng cách nhờ cô làm trung gian được không. Cô nay là một cô thợ may, trong nhà có ba con mèo Xiêm, không có trẻ con và không có manh mối nào gây nghi ngờ cả. Tôi nghĩ đó là nơi anh sẽ gửi thư được.
Đưa tay sờ lại mẩu giấy, tôi nhớ lại kịch bản mình đã định lúc từ chối đi cùng chuyến bay với Claude trong khi ông Tướng cứ khẩn khoản tôi đi cùng anh ta. Tôi muốn ở lại, tôi nói.
Cờ đã đến nước tàn. Thầm siết chặt tay lại, Man thở dài. Thật tàn không? Nước Cha được đến, Ý Cha thể hiện … Ông Tướng của anh đâu chỉ tính có một đường chiến đấu tiếp. Quân nhân kỳ cựu mà, họ không bao giờ chịu nguôi đâu. Cuộc chiến đã diễn ra quá lâu nên làm gì có chuyện đơn giản tin là họ dễ dàng dừng lại. Chúng ta cần duy trì một tai mắt dõi theo họ và phải nắm chắc là họ không sinh chuyện không hay.
Nếu tôi không đi thì sao? Tôi hỏi. Man ngước mắt nhìn lên Thánh xác rêu phủ mờ trên ngôi cao Thánh giá như thấy lại truyền thuyết rằng Ngài chết chỉ với một mảnh khố rách quấn quanh thân lõa lồ là sống thực. Man cười toe để lòi nguyên hàm răng trắng lạ! Nếu ở lại đây, anh sẽ làm được nhiều có ích hơn, người con trai của nha sĩ đáp. Và nếu anh không chịu ở lại là vì Bon. Anh ấy sẽ không đi nếu chúng ta ở lại. Nhưng bất luận thế nào, anh cũng muốn đi đúng không. Thừa nhận đi!
Tôi dám thừa nhận điều đó? Dám thú thật thế sao? Mỹ, miền đất phúc của siêu thị và siêu xa lộ, của phản lực cơ siêu thanh và Superman , của hàng không mẫu hạm và Super Bowl ! Mỹ, một quốc gia đâu chỉ một tên gọi đơn giản là thế trong hành trình xương máu khai quốc và dựng xây, mà là một khẳng định không tiền khoáng hậu bộ tam ký tự viết tắt bí nhiệm USA, trong một ván bài sinh tử mà nhiên hậu phải dám chắc phần thắng trước bộ tứ USSR (Liên bang Xô viết). Vẫn biết nước nào cũng có quyền cho mình là tối ưu, nhưng từng có nước nào biết cách làm giàu bằng cách đặt rất nhiều "siêu" hạn mức từ ngân hàng liên bang đầy tự tôn của xứ sở, một nước đâu chỉ được tôn là siêu tín nhiệm mà còn là một siêu cường đích thực, chưa chịu hài lòng bao lâu chưa khuất phục hoàn toàn đối thủ trên võ đài quốc tế và làm nó phát khóc vì Chú Sam … hay chưa?
Được rồi, tôi thừa nhận nó! Tôi đáp. Tôi thú nhận.
Anh cười khúc khích, coi như anh gặp may. Còn tôi, tôi không bao giờ bỏ quê hương thân yêu này. Thế tôi có may mắn không? Tối thiểu, quê hương chính là nhà. Tổ quốc trên hết, anh nói.
Nói vậy thì dễ khi anh có bố mẹ đồng tình cùng anh, nhưng còn các anh em trong nhà đâu phải ai có cùng quan điểm với lập trường theo cách mạng của anh. Tình trạng này đầy dẫy, nhiều gia đình đã chia rẽ vì lập trường đối kháng nhau, người thì theo phe miền Bắc chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, người thì theo phe miền Nam trung thành với lý tưởng quốc gia. Tuy vậy có một thứ không chia rẽ đó là lòng ái quốc, tất cả đều hết lòng chiến đấu cho xứ sở trong hàng ngũ mà mình tin theo. Tôi gặng lại anh rằng tôi không thuộc về nơi này, anh đáp: thì anh cũng đâu có thuộc về nước Mỹ. Có lẽ vậy, tôi nhận. Nhưng tôi đâu có sinh ra bên đó. Tôi sinh ra ở đây mà.
Ra khỏi thánh đường chúng tôi chia tay như thể là lần tiễn biệt thực sự chứ không phải là vì Bon. Tôi để lại cho anh nhiều tài liệu, sách vở mà tôi biết lúc nào anh cũng luôn cần đến, tôi bảo. Cảm ơn nhé, anh siết chặt tay tôi, và chúc may mắn nhé, anh đáp. Tôi hỏi, chừng nào thì tôi mới có thể quay về đây? Nhìn tôi thân thương, anh nói, bạn của tôi ơi, tôi chỉ là một đứa chọc trời khuấy nước chứ đâu phải là nhà tiên tri. Thời khắc anh có thể trở lại còn tùy thuộc vào những gì ông Tướng định làm.
Và lúc ông Tướng lái xe qua nhà thờ, tôi chẳng dám chắc kế hoạch gì ông đang tính cùng việc đào thoát ra khỏi nước trước đã. Tôi chỉ đồ chừng ông đã có ý tưởng thiết thực hơn nhiều những khẩu hiệu sáo rỗng đang giăng mắc hai bên đại lộ dẫn tới dinh Tổng Thống, nơi vốn bị một phi công phản nghịch ném bom trước đó trong tháng. Miền Nam Không Chấp Nhận Cộng Sản! Không Thỏa Hiệp Với Cộng Sản! Tôi nhác thấy người lính phòng vệ dinh đang bình thản đứng trong bót gác chợt chuyển sang tư thế nghiêm, thế nhưng trước khi xe đến dinh thì cuối cùng ông Tướng lại nhân từ chuyển hướng xe ra phi trường bằng cách rẽ phải qua đường Pasteur.
Tiếng súng máy hạng nặng bắn lẻ tẻ, tiếng đạn nổ khật khùng ngắt quãng. Khi đạn cối ầm lên một tiếng từ xa, Duc thút thít khóc trong vòng tay mẹ. Yên nào con yêu, Linh dỗ. Chúng ta chỉ đi chơi thôi mà. Đưa tay vuốt mái tóc lưa thưa của con trai, Bon hỏi, rồi chúng ta sẽ về lại với những con phố này chứ? Tôi đáp, tin chắc rằng chúng ta sẽ quay về, sao lại không?
Bon choàng tay qua vai tôi, nép chặt vào nhau ngay lối lên xuống xe, hai đứa tôi bám chặt tay và thò đầu ra khỏi cửa nhìn đường phố lùi dần phía sau, những tòa chung cư nhợt nhạt dưới ánh đèn đường, những cặp mắt thẫn thờ sau những rèm thưa cửa chớp. Trong gió lộng, mũi chúng tôi tha hồ hít thở bao thứ mùi tạp nham: nào mùi than củi lẫn với hoa nhài, mùi cây trái, bạc hà, lẫn với cả mùi xăng dầu và cống rãnh thành phố. Khi chúng tôi đến gần phi trường, chỉ thấy hình dáng lờ mờ như một chữ thập của một chiếc máy bay đang gầm rú trên không, dưới đất không một ánh đèn. Ở các cổng giăng mắc những cuộn kẽm gai hàng rào chùng xuống trông như nỗi tàn tạ của một kiếp người chưa đã già nua. Đứng sau cổng rào là một tổ quân cảnh nom mặt chẳng mấy thân thiện.
Ngực tôi đập thình thịch khi viên Trung úy quân cảnh trẻ kè kè khẩu súng và gậy ma trắc lủng lẳng ở thắt lưng tiến gần chiếc Citroën của vị Tướng, anh ta cúi xuống cửa tài xế trao đổi vài câu rồi liếc nhìn lại phía tôi, lúc ấy tôi đang nhoài người ra khỏi cửa xe buýt.
Tôi đã nắm bắt được thông tin cần thiết về anh bằng ngã sau từ một tay Thiếu Tá, nên tôi biết anh sống với một vợ ba con cùng cha mẹ hai bên trong một khu dân cư tồi tàn ven kênh, đời sống chừng đó con người phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của anh vốn không đủ kham nổi dù chỉ một nửa số đó. Hoàn cảnh nầy là điển hình của rất nhiều sĩ quan trẻ, mà một chiều đến thăm nhà anh hồi cuối tuần trước, tôi mới biết rõ kiểu mẫu điển hình của những cuộc sống khó khăn đó như thế nào. Chỉ mặc áo với quần cộc ngồi trên mép giường gỗ cùng với vợ con, viên Trung úy bán khỏa thân có cái vẻ như một mãnh thú bị dồn vào chân tường hay như một tù nhân chính trị mới bị tống vào chuồng cọp, anh thận trọng và bất an, nhưng thể trạng vẫn còn tươi nguyên. Anh xui tôi đâm sau lưng chiến sĩ sao, giọng trầm buồn, anh nói khẽ, điếu thuốc lá tôi vừa mời vẫn cứ cầm trên tay, chưa châm. Anh muốn trả tiền để tôi tiếp tay cho những kẻ hèn nhát và phản bội chạy trốn ư? Anh muốn tôi bảo thuộc cấp tôi cùng đồng lõa vậy sao.
Không, tôi đâu dám coi thường anh bằng cách giả vờ nọ kia, tôi đáp. Tôi muốn bàn việc này chủ yếu là vì những hữu ích thiết thực liên quan đến số đông những người hiện diện -quanh anh là vợ con, và song thân của cả hai vợ chồng, người đứng người ngồi, trong chu vi nhỏ bé ngột ngạt của căn nhà mái lợp tole. Cái thiếu đói đã khiến họ gầy gò hốc hác, điều mà tôi quá thấu hiểu từ hoàn cảnh của chính mẹ mình trong những chuỗi ngày chịu đựng chống chọi nuôi tôi.
Tôi phục anh, thưa Trung úy, tôi nói tiếp, tôi phục thật! Anh là người trung thực, rất khó tìm một người đàn ông trung thực khi phải cưu mang cả gia đình. Trong khả năng, tôi xin gởi anh ba ngàn đô la. Đây là cả tháng lương của toàn đội quân cảnh của anh. Đến lượt vợ anh lên tiếng và yêu cầu mười. Cuối cùng hai bên thỏa thuận năm, một nửa trao ngay, còn một nửa trao tại phi trường.
Khi xe buýt của tôi trờ tới, anh chụp lấy từ tay tôi phong bì tiền mặt, và trong mắt anh, tôi gặp lại cùng ánh nhìn của người nữ đặc công cộng sản lúc tôi cố lôi ra bản danh sách từ miệng cô năm nào.
Vẫn biết anh có thể bắn tôi hoặc lôi chúng tôi quay lại, nhưng rồi anh đã làm điều mà tôi yêu cầu hôm trước một cách mạo hiểm khi dám tìm đến ép con người đáng kính ấy phải nhận khoản hối lộ. Anh cho tất cả xe chúng tôi qua, trên tay vẫn nắm món tiền như một khoản được bạc bọt bèo tháu cáy cho phẩm giá của chính mình. Tôi ngoảnh mặt đi không dám chứng kiến vẻ bẽ bàng khó xử của anh. Phải chi-nếu tôi có được một điều ước- phải chi quân đội miền Nam gồm toàn những người như anh thì họ đã chiến thắng. Tôi phải thú thực rằng tôi phục anh, mặc dù anh là kẻ địch. Thà thán phục cái ưu của kẻ thù còn hơn phải chịu những cái tồi của phe mình. Hẳn là ông cũng đồng ý với tôi chứ Sếp?
Lúc đó khoảng chín giờ, phi trường chúng tôi đến sau một vòng xe dạo qua thủ đô, là một phi trường phức hợp, đường sá bên trong phẳng phiu, xe băng qua những khu nhà tiền chế, những trại lính vòm cong, qua đủ loại phòng ban, kho vận, chẳng khác nào chui sâu vào một Saigon thu nhỏ sát ngay bên vòng đai đô thành. Nơi đây như một lãnh thổ bán tự trị, đã từng là một trong những phi trường sôi động nhất thế giới, trung tâm xuất phát tất cả các loại phi vụ quân sự sinh tử lẫn những chuyến bay dân sự thông thường, nơi thường xuyên lui tới của hãng hàng không Hoa Kỳ Air America và các phi vụ của cơ quan tình báo trung ương CIA. Cũng là nơi Tướng tá người Việt mượn làm chỗ lánh nạn tạm cho thân nhân, còn trong các văn phòng với đồ nội thất bằng kim loại ngoại nhập là nơi các Tướng tá người Mỹ ngồi hoạch định chiến thuật hành quân.
Đích đến của chúng tôi là Văn phòng Tùy viên Quân sự. Với cá tính táo bạo vốn có, nơi nào người Mỹ đóng đô cũng hay có biệt danh là Thành phố Dodge , một thị trấn nơi súng lục ngự trị và các gái nhảy Cancan thường trực trong quán rượu, mà nay kiểu này cũng xuất hiện nhiều tại Sài Gòn. Nhưng trong khi thời đó, các Sheriff (cảnh sát trưởng) thì giữ an ninh cho Dodge City, còn nay ở phi trường dùng làm nơi trung chuyển người tị nạn này thì lính thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ.
Từ sau năm 1973 đã không còn thấy nhiều cảnh lính thủy gây rối hoặc làm hỏng nhiều vụ cất cánh của phi cơ từ phi trường này. Chẳng ai thấy những thủy quân lục chiến tuổi đời còn rất trẻ này xung trận một ngày nào, thường họ có mặt tại đất nước này chỉ vài tuần rồi đi.
Những người lính mắt sáng, mày râu nhẵn nhụi, không có hình xăm trên cánh tay cũng không cần sa hay xì gà, lãnh đạm nhìn hàng đoàn người xuống bãi đậu xe vốn có sẵn số đông hàng trăm người tị nạn khác đứng chờ trong bồn chồn lo lắng.
Tôi tiến lại chổ ông Tướng với Claude đang cạnh chiếc Citroën, Claude cầm chìa khóa xe trao lại cho ông Tướng và nói nếu ở Mỹ thì tôi đã cứ để nguyên chỗ cũ, thưa ông. Vị Tướng từ chối, không, cứ để chìa vào ổ. Tôi không muốn bất cứ ai làm hỏng xe khi lấy cắp nó, vì thể nào nó cũng bị đánh cắp. Vâng tùy ông, Claude làm theo.
Khi ông Tướng lang thang đi tìm vợ con, tôi nói với Claude, cái gì thế này hở trời, dúng là một mớ hỗn độn. Claude thở dài, chuyện như vầy là thường thôi, tất cả đã trở nên hỗn loạn, ai cũng cố tìm cách đi thoát, với thân nhân, với bạn gái cả với đầu bếp nữa. Hãy coi như mình may mắn. Tôi biết, tôi đáp. Hẹn gặp lại tại Mỹ nhé? Ông thân mật vỗ vai tôi. Chẳng khác nào hồi 1954 khi những người cộng sản lên cầm quyền, ông nói. Chẳng ai tưởng nổi chúng ta lại tị nạn một lần nữa? Nhớ hồi tôi đem anh đi thoát miền bắc và rồi nay tôi lại đem anh đi khỏi miền nam nữa, số anh quả là hay.
Khi Claude rời khỏi, tôi quay về chỗ đoàn người tị nạn. Một lính thủy cầm loa phóng thanh lầm bầm yêu cầu mọi người xếp hàng thứ tự, nhưng đồng hương tôi chẳng hề quen xếp hàng nhất là những lúc cần kíp, cấp bách, họ dùng mọi cách chen lấn, hối hả tranh dành, và, nếu vận dụng hết cách mà không được thì dùng cách hối lộ, nịnh bợ, kể lể phóng đại, nói dối. Không biết những thứ đó có phải là căn tính di truyền ăn sâu thành nếp văn hóa hay chỉ đơn giản là do sự phát triển quá mau lẹ mà ra. Trong mười năm, chúng tôi buộc phải thích nghi với một nền kinh tế thịnh phát ảo nhờ vào lượng hàng hóa nhập cảng của Mỹ; ba thập kỷ trước nữa thì chiến tranh cứ tái đi tái lại, để rồi đất nước phải chịu chia cắt tạm thời hồi 1954 bởi quyền phép can thiệp của ngoại bang, có một thoáng chịu sự kiểm soát của Nhật Bản thời Đệ nhị Thế chiến; và thêm cả trăm năm trước bị Pháp đô hộ.
Tuy nhiên, các lính thủy chẳng màng đến tình trạng vô trật tự kia do đâu, họ cứng rắn ép đoàn người tị nạn sau rốt phải chịu xếp hàng.
Đến màn khám xét vũ khí, thì vì là những quân nhân hữu trách, nên chúng tôi dù không vui cũng phải trưng súng ra. Của tôi chỉ là một khẩu súng lục 38 li, thích hợp cho hoạt động bí mật, hoặc tự sát, còn Bon giữ khẩu Colt 45 bán tự động dành cho đàn ông. Súng vốn được thiết kế cho cuộc tương xung với chiến binh Moro ở Phi Luật Tân để có thể bắn hạ mục tiêu với chỉ một phát duy nhất, tôi nói với Duc. Tôi đã học bí quyết bắn súng từ ngón nghề của Claude.
Giấy tờ! Sau khi kiểm tra vũ khí xong, một viên chức đại sứ quán ngồi tại bàn làm việc còn trẻ, để kiểu tóc mai thời thế kỷ mười chín trong bộ Safari (áo 4 túi) màu be với cặp mắt kính hồng nhạt, thốt lên.
Người dẫn đầu gia đình nào cũng đều có sẵn giấy thông hành của Bộ Nội Vụ, phần tôi, tôi đã tìm mua với giá đã giảm nhiều, cùng với các khẩu lệnh của Tổng Thống ban cho Claude, đã được các nhân viên Đại sứ quán đóng dấu thị thực. Dù vẫn ngoan ngoãn đứng xếp hàng, Khẩu lệnh có giá trị bảo đảm cho chúng tôi điều quan trọng: đó là sẽ được cắt ngang để chuyển vào đầu hàng người chờ đi tị nạn, hòa vào với dòng hàng triệu người tề tựu, hy vọng từ khắp nơi trên thế giới hằng khao khát chờ tới lượt được hít thở không khí tự do. Cả bọn vẫn nuôi hy vọng ưu tiên như thế khi đứng xếp hàng trên mặt sân tennis, còn các chỗ ngồi nơi khán đài lộ thiên của sân thì đã có người tới trước chiếm hết rồi.
Bọn tôi hòa vào dòng sinh linh bị thụt lại ở đàng sau, cố tìm một giấc ngủ vùi trên mặt sân bê tông rêu nhạt. Bỗng trong đám đông có một luồng sáng kỳ lạ màu đỏ do những người Mỹ lia qua. Hình như bọn họ là chồng của mấy phụ nữ Việt Nam, và nhiều gia đình Việt liền vây quanh họ, có người nữ Việt còn bấu được tay vào tay họ nữa.
Tôi ngồi xuống với Bon, Linh và Duc ở một chỗ trống. Bên cạnh là một đàn gái hoang, thân hình đóng chặt trong mớ mini jupe cực ngắn và vớ lưới. Chỗ khác là một người Mỹ với vợ con, một cậu trai và một bé gái chừng năm sáu tuổi. Người chồng nằm dài lưng lấy cánh tay lực lưỡng che mắt, chỉ còn nom thấy hai chân của hàng ria mép hình hải mã, đôi môi hồng nhạt với hai hàm răng thò thụt. Người vợ ngồi ôm con vào lòng, tay vuốt mái tóc nâu của hai trẻ. Chị chờ ở đây lâu chưa? Vừa ôm Duc đang thiu thiu ngủ trong tay, Linh hỏi. Cả ngày rồi, người phụ nữ đáp. Thật quá ghê, trời quá nóng. Chẳng có gì để ăn uống cả. Người ta tiếp tục xướng lên những số hiệu của những chuyến bay nhưng không phải cho chúng ta. Linh chặt lưỡi đồng cảm còn Bon và tôi nằm xuống tiếp tục chờ trong nôn nóng, như từng đã quen chờ đợi của đời quân ngũ.
Chẳng biết làm gì, hai đứa tôi châm thuốc hút và ngó lên bầu trời đêm, thỉnh thoảng lại được chiếu sáng bởi một ngọn hỏa châu được bắn lên rừng sao trên trời, đầu quả hỏa châu sáng lòe rơi xuống dần với phần đuôi lắc lư cánh dù nhỏ tỏa khói. Sẵn lòng một lời thú nhận chứ? Bon nói. Anh dùng cách nói như cách anh dùng đạn, ngắn gọn, chính xác. Tôi biết thể nào ngày này cũng đến. Có điều không la to lên được thôi. Chứ không phải vậy sao? Tôi gật đầu và đáp: Anh mang mặc cảm có tội cũng như bao người khác ở Sài Gòn vậy thôi. Chúng ta đều biết mọi chuyện mà không thể làm gì, nghĩ gì hơn được. Nhưng chuyện gì trên đời này cũng có thể xảy ra cả. Đó là hy vọng ngày ta quay về. Anh nhún vai, trầm ngâm ngó mẩu tàn thuốc trên tay, hy vọng thì mỏng manh, anh bảo, còn nỗi thất vọng thì quá dày. Giống như máu. Anh chỉ vào vết sẹo trong lòng bàn tay đang cầm thuốc lá, xăm theo hình vòng cung của đường sinh đạo của những đường chỉ tay. Nhớ chứ?
. . . . . . . . . . . . . .Các gia đình chờ đi đứng lẫn trong sân biệt thự với vẻ lo âu, còn phu nhân thì đứng cùng với các nhân viên cảnh vệ trên bậc tam cấp. Các con bà ngồi ở băng ghế sau của chiếc Citroën, vẻ mặt trống rỗng và dè dặt quan sát Claude và vị Tướng đang hút thuốc đàng trước xe. Cầm danh sách hành khách trong tay, tôi bắt đầu gọi tên đàn ông kèm gia đình họ theo thứ tự, kiểm tra tên từng người và chỉ họ vào xe. Như đã báo trước, mỗi người lớn và thiếu niên chỉ được mang theo không quá một chiếc vali nhỏ hoặc một túi xách hành lý, còn đám trẻ con đứa nào cũng ôm một tấm chăn mỏng hoặc bế một búp bê có nét mặt Tây với nụ cười hết cỡ. Bon ở chót danh sách, anh đang đỡ tay Linh lên xe còn cô luôn nắm giữ tay Duc dù nay đã đủ lớn để có thể tự đi rảo bộ, hai tay cứ mân mê món đồ chơi màu vàng mà trước đây tôi đã mua làm quà lưu niệm cho nó khi đi Mỹ về. Tôi chào cậu bé, còn cu cậu nhìn sững tôi vẻ không hài lòng, rồi chựng lại rút tay khỏi tay mẹ và chào lại tôi. Mọi người đã hiện diện đủ, tôi nói với vị Tướng. Dí tàn thuốc dưới gót giày, ông bảo, vậy thì ta đi thôi.
Việc sau cùng của vị Tướng là chào chia tay với người giúp việc, đầu bếp, quản gia, và ba người vú em ở độ tuổi mới lớn. Trong số họ có người đã cố xin được mang theo cùng, nhưng phu nhân đã chắc nịch từ chối, bởi bà tin là mình đã trả công rất hậu cho họ rồi. Dĩ nhiên bà đã hành xử đúng. Bởi tôi biết ít nhất có một trường hợp một người quản gia đã được xếp một chỗ trong chuyến đi, rồi đem bán lại cho ai trả giá cao nhất.
Bây giờ phu nhân và hết cả người làm trong nhà đang sụt sùi khóc, trừ lão quản gia cao niên với cà vạt tím quấn quanh chiếc cổ bị bứu. Ông là người có mặt ngay từ những ngày đầu với vị Tướng lúc ấy mới là một trung úy còn ông là lính chạy giấy, cả hai đều trong quân ngũ dưới thời Pháp sắp bại trận ở Điện Biên Phủ.
Đứng ở bậc tam cấp chót, nên ông Tướng không thể chạm ánh mắt ông già. Đầu để trần, mũ trong tay, ông Tướng vừa nói vừa cúi đầu, xin mọi người thứ lỗi. Đó là lần duy nhất tôi nghe ông nói lời xin lỗi khi có phu nhân bên cạnh. Các bạn đã làm việc cho chúng tôi thật tốt nhưng nay chúng tôi không tốt lại với các bạn được vì các bạn sẽ không phải gặp nguy hiểm như chúng tôi. Các bạn muốn lấy vật gì cứ việc lấy từ biệt thự này và sau đó hãy bỏ đi. Sau này nếu có ai tra hỏi, thì hãy đừng nhận có quen biết tôi hoặc đã từng làm việc cho tôi. Còn tôi, tôi thề với bạn là tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc chiến đấu cho xứ sở của chúng ta!
Khi ông Tướng bắt đầu khóc, tôi liền đưa khăn tay cho ông. Một thoáng lặng im, rồi một người quản gia nói, xin ông cho tôi một điều được không thưa ông. Ông bạn, hãy nói đi, là cái gì? Xin ông khẩu súng lục, để tôi tự sát! Vị Tướng lắc đầu và lau nước mắt bằng chiếc khăn tay của tôi. Bạn chớ làm thế. Hãy về nhà và yên tâm chờ tôi quay trở lại. Lúc đó, tôi sẽ cấp súng cho bạn. Khi người quản gia cố nén để nói lời giã biệt, vị Tướng liền bắt tay ông.
Dù người ta có thêu dệt gì về ông Tướng trong ngày hôm nay, tôi vẫn có thể xác quyết rằng ông là một con người chân thành, thành tín vào mọi điều đã nói ra ngay cả đó là một lời không thật đi nữa, để thấy rằng ông có khác chi bao người người trong thiên hạ.
Phu nhân phân phát cho mỗi người quản gia, giúp việc ở lại một phong bì chứa đô la, độ dày của phong bì tùy vào vị trí công việc của từng người. Rồi ông Tướng trả lại tôi khăn tay và hộ tống bà đến chiếc Citroën.
Trong lần lái xe sau chót này, ông mới có cơ hội đặt tay lên vô lăng bọc da của xe mình và dẫn đường cho hai xe buýt chạy ra phi trường. Để tôi chạy chiếc bus thứ hai, Claude lên tiếng. Còn anh lên chiếc đầu và phải kềm chắc để tay tài xế không bị lạc.
Trước khi lên xe, tôi tần ngần ở cửa để nhìn lần cuối ngôi biệt thự, một căn nhà gợi lại hình ảnh những tên chủ đồn điền cao su người Corsica . Kìa là cây me già như huyền thoại giờ đây cành nhánh đã vươn dài vào mái hiên, những quả me chua dài, vỏ muốn bong ra đang lơ lửng như những khớp ngón tay của người chết. Những người quản gia trung thành vẫn đứng trên hàng hiên nhà. Khi tôi vẫy tay chào tạm biệt, họ vẫy tay lại chân thành, tay kia vẫn nắm chiếc phong bì màu trắng, mà qua ánh trăng, tôi tưởng đó là những chiếc vé đưa họ đi vào một nơi vô định.
Dọc đường từ biệt thự ra phi trường không có biểu hiện gì khác thường như những gì vốn dĩ của Sài Gòn, một nơi phải nói là với đủ thứ rắc rối phức tạp. Xe bắt đầu ra khỏi cổng để xuống đường Bùi Thị Xuân, rẽ trái để vào Lê Văn Duyệt, rẽ phải đến Hồng Thập Tự hướng thẳng đến khu có nhiều Tòa Đại Sứ, rẽ trái qua Pasteur, rẽ trái vào Phan Đình Phùng , rồi rẽ phải vào Công Lý, và cứ thế thẳng tiến đến phi trường. Nhưng thay vì rẽ trái khi đến đường Lê Văn Duyệt, ông Tướng lại rẽ phải. Ông đi sai đường rồi, tài xế xe tôi nói. Móng mấy ngón tay anh sắc nhọn bịnh hoạn nám vàng vì khói thuốc lá ám nhựa nicotine. Cứ việc chạy theo, tôi bảo.
Tôi đứng ngay ở lối lên xuống xe, mở cửa ra cho khí trời ban đêm mát mẻ tràn vào. Trên băng ghế đầu ngay sau lưng tôi là Bon và Linh, trên đùi mẹ, Duc nhoài mình ra trước để với tay qua vai tôi. Đường phố vắng tanh; Đài phát thanh liên tục phát lệnh giới nghiêm hăm mươi bốn giờ, vốn được ban bố từ khi có các cuộc tấn công của địch quân vào phi trường. Những vỉa hè gần như trống trơn không một bóng người, thỉnh thoảng nhác thấy như ma trơi các bộ quân phục do những người lính bỏ ngũ cởi ra bỏ mặc đó. Trong những lúc khác, nếu mớ đồ nhỏ gọn với mũ nón giầy áo như vậy, chỉ cần một tên trộm nhanh như chớp là sẽ dọn sạch biến mất dạng. Nhưng thành phố bây giờ gần như nguyên vẹn mọi thứ, không một ai thèm đụng vào những bộ đồ lính đó nữa.
Thể nào trong xe tôi cũng có lẫn vài người lính cải trang dân sự, dù đây là phần dành riêng cho những người con cháu bà con với ông Tướng vốn chỉ gồm toàn phụ nữ, trẻ em. Nhiều người xì xầm phàn nàn nọ kia thầm thì với nhau trong xe, nhưng tôi cứ giả lơ. Ít ra khi tìm tới thiên đường, đồng bào tôi cũng sẽ có dịp mà thấy rằng chưa chắc ở đó đã ấm được như khi còn ở địa ngục.
Sao ông ấy lại chạy vào đường này nhỉ? người tài xế nói. Vì đang giới nghiêm! Tất cả chúng ta rất dễ bị bắn hoặc bị bắt. Bon lắc đầu thở dài. Vì ổng là Tướng mà, anh nói, cho nên bắt buộc mọi chuyện phải theo vậy thôi. Tuy vậy anh tài xế vẫn không ngớt phàn nàn khi chúng tôi băng qua chợ Bến Thành rồi rẽ vào đường Lê Lợi, tiếp tục chạy theo cho đến cuối cùng thì ông Tướng dừng xe lại ở công trường Lam Sơn.
Trước mặt chúng tôi là tiền đình tòa nhà Quốc Hội kiến trúc theo lối Hy Lạp, vốn trước kia là nhà hát thành phố. Tại nơi đây việc quốc sự được các chính trị gia của chúng tôi bàn định như những vở diễn tồi, có khi còn là một trò hề lạc điệu với đủ cân đai áo mão. Nhoài ra ngoài nhìn lên, tôi thấy các cửa sổ sáng đèn của bar trên tầng thượng Caravelle Hotel, nơi mà tôi hay phụ tá vị Tướng lo rượu khai vị hoặc cùng ông trong các cuộc họp báo. Các ban công sẽ cho ta một cái nhìn không đâu có được về Sài Gòn với những gì vây quanh nó, từ trên ấy tôi nghe một tràng cười gượng buông xuôi vang lên. Hẳn là ở trển đang đầy những ký giả ngoại quốc, luôn sẵn sàng những bài tường thuật gây sốt thêm giờ phút hấp hối cận kề, họ cùng các tùy viên của các quốc gia trung lập dõi mắt về hướng kho đạn Long Bình đang ì ầm những lằn đạn nổ vút sáng trong bầu trời đêm.
Trong tôi bỗng trỗi dậy một thôi thúc dõi theo hướng của tiếng cười có lẽ chỉ là để làm buổi tối trên kia thêm sinh khí. Lúc vị Tướng ra khỏi xe, tôi cứ nghĩ ông cũng có cùng nỗi thôi thúc như mình, nhưng không, ông lại quay đi một hướng khác, từ Quốc hội ông hướng tới pho tượng đài chẳng mấy cảm tình nằm giữa một nội cỏ trên đường Lê Lợi. Giờ tôi mới thấy tiếc khi lại để cái máy ảnh Kodak trong ba lô chứ không đem theo trong túi, nếu không tôi đã có thể chụp được một bức ảnh khi vị Tướng đứng nghiêm chào tượng hai người lính thủy quân lục chiến to lớn đang trong tư thế xung phong, họ là hình ảnh những người hùng đang ở ngoài mặt trận được người ở hậu phương yêu mến ngưỡng mộ. Khi Bon cùng với những người đàn ông khác trên xe nghiêm chào tượng đài, tôi thấy mình băn khoăn suy nghĩ là không biết những người lính thủy với ánh nhìn chằm chằm kia đang bảo vệ người qua kẻ lại trong một ngày nắng đẹp thường hay lơ đễnh bách bộ dưới lòng đường, hay biết đâu họ tay bồng súng đang trong tư thế tấn công nhắm vào Quốc Hội. Tới khi trên xe có người bỗng khóc nức nở, bất giác tôi cũng nghiêm chào, một cái gì như đánh thức tôi không còn mơ hồ gì về nghĩa cả ấy nữa.
Không quân của chúng tôi đã từng ném bom dinh Tổng Thống, quân đội thì đã bắn và đâm chết hai anh em vị Tổng Thống của nền cộng hòa đầu, và các tướng lãnh vốn chẳng thuận hòa nhau tiếp tục xướng xuất thêm nhiều cuộc đảo chánh sau đó. Sau cuộc chính biến thứ mười, tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa về tình trạng bất tường của đất nước, nó như một kết hợp của điều gì thất vọng và căm hờn, pha với một chút gì khôi hài, một thứ hỗn hợp đã có tầm ảnh hưởng khiến tôi quay lại với chí nguyện chính trị của mình.
Hài lòng vì xong việc, ông Tướng quay lại leo vào chiếc Citroën và đoàn xe tiếp tục hành trình, băng qua ngã tư giao với đường một chiều Tự Do y như lúc đi vào và băng ra khỏi công trường Lam Sơn.
Tôi có dịp nhìn lần chót Café Givral, nơi tôi đã từng thưởng thức kem vani Pháp trong những dịp hẹn với nhiều cô nàng Sài Gòn đích thực hay những lần đi với với các dì sơ bảo hộ nghiêm khắc và cứng nhắc.
Quá Givral là Café Brodard, nơi có lần tôi chỉ biết ngồi chăm chú dùng bữa với bánh mặn và cố hết sức để làm lơ hàng đàn người hành khất nghèo khổ đang thất thểu xung quanh, có người chìa tay để khất thực, có người cụt tay dùng miệng ngậm chiếc mũ bóng chày, có người tàn tật vỗ tay vào chiếc túi rỗng phơ phất như những cánh chim bay, có người ăn xin già nua nín lặng kiên trì nhìm chằm vào bạn, những trẻ bụi đời già dặn hơn lứa tuổi kể lể hoàn cảnh đáng thương, những góa phụ trẻ lê la theo những đứa bé thơ bị đau bụng mà có thể họ đã thuê đâu đó, có những người què cùng nhau đi, bày ra đủ thứ bệnh tật sầu đau tưởng tượng.
Xa hơn về mạn bắc đường Tự Do là một hộp đêm, nơi tôi từng nhiều đêm nhảy cha-cha-cha với nhiều cô nàng mặc mini jupe với những bước nhảy phá cách tân kỳ. Đây là con phố mà xưa kia người Pháp hống hách đã một thời đóng đô với những quý bà lắm của, theo sau là những người Mỹ thất cơ lỡ vận tung hô họ trong những quán bar phóng đãng như ở San Francisco, New York, và Tennessee, tên họ được ghi lên bóng đèn neon, còn dàn máy hát tự động thì luôn chạy dòng nhạc đồng quê. Sau một đêm trác táng những thân hình mang mặc cảm tội lỗi lảo đảo ngả nghiêng lần mò về mạn bắc đến Vương cung Thánh đường gạch đỏ ở cuối đường Tự Do, là nơi ông Tướng đang dẫn dắt chúng tôi đi ra đường Hai Bà Trưng.
Sừng sững trước Thánh đường là pho tượng Đức Mẹ trắng tinh, ánh mắt ngài sầu bi nhìn xuống, đôi tay rộng mở ban phát hòa bình và thứ tha. Trong khi Mẹ và con trai ngài, đấng Jesus Kitô luôn sẵn sàng đón nhận tất cả những con chiên tội lỗi trên phố Tự Do, thì những vị đã khấn trọng thể cũng như những Cha cố -mà cha tôi là một- lại nhất mực chối bỏ tôi. Cho nên nhà thờ luôn là nơi tôi hẹn Man gặp để trao đổi những việc bí mật, nơi hai chúng tôi như nếm trải một vẻ gì khôi hài giữa lòng các tín hữu. Dù vẫn quỳ xin như bao người khác, nhưng kỳ thực chúng tôi là những kẻ vô thần, chọn cộng sản chứ không chọn Thiên Chúa.
Chúng tôi gặp nhau vào các buổi chiều thứ Tư, lúc Thánh đường rất vắng, chỉ lác đác một vài mệnh phụ khắc khổ, khăn ren trùm đầu hay quàng cổ, lâm râm cầu Kinh, Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng. . .
Tôi không còn cầu nguyện nữa, mà miệng lưỡi tôi cũng không sao bắt nhịp kịp với quý bà. Họ rất kiên trì, vẫn thản nhiên ngồi nguyện cho đến ngày Thánh Lễ cuối tuần đông nghịt người mà có lần đã có người già yếu đã phải ngất xỉu vì hơi nóng tỏa ra. Xứ sở chúng tôi còn nghèo lấy đâu sắm được máy điều hòa không khí, thế nhưng bị quỵ ngã vì hơi nóng trong Thánh lễ cũng là một cách giản dị thể hiện đức tin kiên trì. Thật khó tìm nơi đâu có người Công giáo sùng đạo hơn người Công giáo Sài Gòn, hầu hết trong số họ, giống như chính mẹ con tôi đã một lần bỏ chạy khỏi cộng sản hồi 1954 (lúc tôi mới lên chín và chưa có ý thức gì về chuyện này).
Điểm hẹn là Thánh đường khiến Man -một cựu giáo dân như tôi- lấy làm thích. Trong khi chúng tôi vờ trong vai những công chức mộ đạo mà Thánh lễ mỗi tuần một lần không đủ, tôi thổ lộ anh nghe về tình hình thua trận cũng như tình thế cá nhân tôi. Anh, đến lượt anh, trong vai người giải tội cho tôi, lâm râm chẳng phải cầu nguyện gì cả mà là thì thầm xếp đặt công tác cho tôi.
Mỹ quốc à? Tôi hỏi. Ừ, Mỹ, anh khẳng định.
Sau khi tôi biết được kế hoạch di tản của ông Tướng, tôi đã cho anh hay ngay, và hôm thứ Tư trước cũng tại Vương cung Thánh đường này, anh đã thông báo tôi biết về công việc mới. Nhiệm vụ này đã được cấp trên giao cho tôi, nhưng họ là ai thì tôi không biết. Như thế thì an toàn hơn. Cung cách này đã hiện diện trong tổ chức từ những ngày còn trung học khi chúng tôi bí mật đi theo một chí hướng riêng trong vai một nhóm nghiên cứu trong khi Bon thì vẫn công khai bình thường.
Nhóm nghiên cứu là ý tưởng của Man, một chi bộ ba người gồm chính anh, tôi và một bạn cùng lớp khác. Man là thủ lĩnh, hướng dẫn chúng tôi đọc các tác phẩm cách mạng kinh điển, dạy chúng tôi những điều luật và ý thức hệ của Đảng. Lúc đó, tôi biết Man là đảng viên trong chi bộ khác mà anh chỉ ở vào thứ hạng thấp trong đó thôi dù danh tính của các đảng viên khác thì với tôi vẫn còn bí mật.
Man từng bảo tôi bí mật và hệ thống phân cấp là cả hai điều then chốt thiết yếu của cách mạng. Đó là lý do tại sao có một cấp khác ở trên anh có quyền quyết định cao hơn, và bên trên cấp đó lại là một cấp cao hơn khác cho quyết định quan yếu khác nữa, và cứ thế cho đến khi có lẽ chạm đến chính Bác Hồ, ít ra khi còn sống là người có quyền quyết định hơn hết, là người từng nêu tiêu ngữ "Không có gì quý hơn độc lập tự do” mà chúng tôi sẵn sàng bỏ mình vì nó. Ngôn phong này, cũng như các bài giảng cho nhóm nghiên cứu, cho các chi bộ, các đảng viên … với Man quá quen thuộc. Anh thừa hưởng hạt giống cách mạng từ một người chú cừ khôi, từng bị Pháp lùa đi châu Âu làm phu trong đệ nhất thế chiến. Ông là phu đào huyệt, chẳng biết làm gì hơn để vùng thoát thân phận dân thuộc địa khi nhìn thấy những người đàn ông da trắng chết trần truồng, ông chú kể, hoặc có khi Man kể tôi nghe. Có khi ông thò tay vào nội tạng nhầy máu của họ, giải khuây nghịch đùa các bộ phận sinh dục nhũn nhão, và buồn nôn khi nhìn thấy các bộ óc người chết như một nồi trứng vữa. Ông đã chôn họ có đến hàng ngàn, những nam thanh niên gan dạ cả tin vào những lời xách động tâng bốc cuồng quay từ mồm mép những tay chính trị gia lươn lẹo, đã dần thấm vào tận ngõ ngách ý thức họ niềm tin rằng họ đang phụng sự nước Pháp bảo toàn lãnh thổ tốt nhất.
Các tầng lớp hạ dân được phái đến Đông Dương, từ đây người ta thấy nước Pháp có những viên quan thực dân quan liêu ngớ ngẩn, những kẻ phách lối nơi học đường, hoặc người chẳng biết gì mà ngồi vào các câu lạc bộ đánh cờ, những kế toán viên tự phát … mà ông chú của Man đã phát hiện ra họ xuất thân từ những thành phần bị ruồng bỏ và thua thiệt nơi chính quốc. Ông nổi giận bảo loại người vứt đi đó mà lên mặt dạy chúng ta tôn chúng như một thứ á thánh da trắng ư?
Lập trường chống thực dân triệt để của ông càng tăng cao khi ông yêu một cô nàng y tá người Pháp, có khuynh hướng Trotskyist đã thuyết phục ông gia nhập đảng cộng sản Pháp như phương sách đấu tranh hay ho duy nhất giải thoát Đông Dương khỏi ách thực dân Pháp. Nghe lời cô, ông nuốt hận mà lưu vong. Cuối cùng, hai người có với nhau một con gái, khi đưa cho tôi một mẩu giấy, Man thổ lộ với tôi rằng bà -người Man phải gọi bằng Cô- vẫn còn ở đây, trên mẩu giấy ghi tên và địa chỉ của cô ở quận mười ba, Paris, thế nhưng người bạn đời đồng chí này lại không hề gia nhập đảng cộng sản, nên hẳn là không bị ghi vào sổ đen. Không biết anh có thể gửi thư về nhà bằng cách nhờ cô làm trung gian được không. Cô nay là một cô thợ may, trong nhà có ba con mèo Xiêm, không có trẻ con và không có manh mối nào gây nghi ngờ cả. Tôi nghĩ đó là nơi anh sẽ gửi thư được.
Đưa tay sờ lại mẩu giấy, tôi nhớ lại kịch bản mình đã định lúc từ chối đi cùng chuyến bay với Claude trong khi ông Tướng cứ khẩn khoản tôi đi cùng anh ta. Tôi muốn ở lại, tôi nói.
Cờ đã đến nước tàn. Thầm siết chặt tay lại, Man thở dài. Thật tàn không? Nước Cha được đến, Ý Cha thể hiện … Ông Tướng của anh đâu chỉ tính có một đường chiến đấu tiếp. Quân nhân kỳ cựu mà, họ không bao giờ chịu nguôi đâu. Cuộc chiến đã diễn ra quá lâu nên làm gì có chuyện đơn giản tin là họ dễ dàng dừng lại. Chúng ta cần duy trì một tai mắt dõi theo họ và phải nắm chắc là họ không sinh chuyện không hay.
Nếu tôi không đi thì sao? Tôi hỏi. Man ngước mắt nhìn lên Thánh xác rêu phủ mờ trên ngôi cao Thánh giá như thấy lại truyền thuyết rằng Ngài chết chỉ với một mảnh khố rách quấn quanh thân lõa lồ là sống thực. Man cười toe để lòi nguyên hàm răng trắng lạ! Nếu ở lại đây, anh sẽ làm được nhiều có ích hơn, người con trai của nha sĩ đáp. Và nếu anh không chịu ở lại là vì Bon. Anh ấy sẽ không đi nếu chúng ta ở lại. Nhưng bất luận thế nào, anh cũng muốn đi đúng không. Thừa nhận đi!
Tôi dám thừa nhận điều đó? Dám thú thật thế sao? Mỹ, miền đất phúc của siêu thị và siêu xa lộ, của phản lực cơ siêu thanh và Superman , của hàng không mẫu hạm và Super Bowl ! Mỹ, một quốc gia đâu chỉ một tên gọi đơn giản là thế trong hành trình xương máu khai quốc và dựng xây, mà là một khẳng định không tiền khoáng hậu bộ tam ký tự viết tắt bí nhiệm USA, trong một ván bài sinh tử mà nhiên hậu phải dám chắc phần thắng trước bộ tứ USSR (Liên bang Xô viết). Vẫn biết nước nào cũng có quyền cho mình là tối ưu, nhưng từng có nước nào biết cách làm giàu bằng cách đặt rất nhiều "siêu" hạn mức từ ngân hàng liên bang đầy tự tôn của xứ sở, một nước đâu chỉ được tôn là siêu tín nhiệm mà còn là một siêu cường đích thực, chưa chịu hài lòng bao lâu chưa khuất phục hoàn toàn đối thủ trên võ đài quốc tế và làm nó phát khóc vì Chú Sam … hay chưa?
Được rồi, tôi thừa nhận nó! Tôi đáp. Tôi thú nhận.
Anh cười khúc khích, coi như anh gặp may. Còn tôi, tôi không bao giờ bỏ quê hương thân yêu này. Thế tôi có may mắn không? Tối thiểu, quê hương chính là nhà. Tổ quốc trên hết, anh nói.
Nói vậy thì dễ khi anh có bố mẹ đồng tình cùng anh, nhưng còn các anh em trong nhà đâu phải ai có cùng quan điểm với lập trường theo cách mạng của anh. Tình trạng này đầy dẫy, nhiều gia đình đã chia rẽ vì lập trường đối kháng nhau, người thì theo phe miền Bắc chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, người thì theo phe miền Nam trung thành với lý tưởng quốc gia. Tuy vậy có một thứ không chia rẽ đó là lòng ái quốc, tất cả đều hết lòng chiến đấu cho xứ sở trong hàng ngũ mà mình tin theo. Tôi gặng lại anh rằng tôi không thuộc về nơi này, anh đáp: thì anh cũng đâu có thuộc về nước Mỹ. Có lẽ vậy, tôi nhận. Nhưng tôi đâu có sinh ra bên đó. Tôi sinh ra ở đây mà.
Ra khỏi thánh đường chúng tôi chia tay như thể là lần tiễn biệt thực sự chứ không phải là vì Bon. Tôi để lại cho anh nhiều tài liệu, sách vở mà tôi biết lúc nào anh cũng luôn cần đến, tôi bảo. Cảm ơn nhé, anh siết chặt tay tôi, và chúc may mắn nhé, anh đáp. Tôi hỏi, chừng nào thì tôi mới có thể quay về đây? Nhìn tôi thân thương, anh nói, bạn của tôi ơi, tôi chỉ là một đứa chọc trời khuấy nước chứ đâu phải là nhà tiên tri. Thời khắc anh có thể trở lại còn tùy thuộc vào những gì ông Tướng định làm.
Và lúc ông Tướng lái xe qua nhà thờ, tôi chẳng dám chắc kế hoạch gì ông đang tính cùng việc đào thoát ra khỏi nước trước đã. Tôi chỉ đồ chừng ông đã có ý tưởng thiết thực hơn nhiều những khẩu hiệu sáo rỗng đang giăng mắc hai bên đại lộ dẫn tới dinh Tổng Thống, nơi vốn bị một phi công phản nghịch ném bom trước đó trong tháng. Miền Nam Không Chấp Nhận Cộng Sản! Không Thỏa Hiệp Với Cộng Sản! Tôi nhác thấy người lính phòng vệ dinh đang bình thản đứng trong bót gác chợt chuyển sang tư thế nghiêm, thế nhưng trước khi xe đến dinh thì cuối cùng ông Tướng lại nhân từ chuyển hướng xe ra phi trường bằng cách rẽ phải qua đường Pasteur.
Tiếng súng máy hạng nặng bắn lẻ tẻ, tiếng đạn nổ khật khùng ngắt quãng. Khi đạn cối ầm lên một tiếng từ xa, Duc thút thít khóc trong vòng tay mẹ. Yên nào con yêu, Linh dỗ. Chúng ta chỉ đi chơi thôi mà. Đưa tay vuốt mái tóc lưa thưa của con trai, Bon hỏi, rồi chúng ta sẽ về lại với những con phố này chứ? Tôi đáp, tin chắc rằng chúng ta sẽ quay về, sao lại không?
Bon choàng tay qua vai tôi, nép chặt vào nhau ngay lối lên xuống xe, hai đứa tôi bám chặt tay và thò đầu ra khỏi cửa nhìn đường phố lùi dần phía sau, những tòa chung cư nhợt nhạt dưới ánh đèn đường, những cặp mắt thẫn thờ sau những rèm thưa cửa chớp. Trong gió lộng, mũi chúng tôi tha hồ hít thở bao thứ mùi tạp nham: nào mùi than củi lẫn với hoa nhài, mùi cây trái, bạc hà, lẫn với cả mùi xăng dầu và cống rãnh thành phố. Khi chúng tôi đến gần phi trường, chỉ thấy hình dáng lờ mờ như một chữ thập của một chiếc máy bay đang gầm rú trên không, dưới đất không một ánh đèn. Ở các cổng giăng mắc những cuộn kẽm gai hàng rào chùng xuống trông như nỗi tàn tạ của một kiếp người chưa đã già nua. Đứng sau cổng rào là một tổ quân cảnh nom mặt chẳng mấy thân thiện.
Ngực tôi đập thình thịch khi viên Trung úy quân cảnh trẻ kè kè khẩu súng và gậy ma trắc lủng lẳng ở thắt lưng tiến gần chiếc Citroën của vị Tướng, anh ta cúi xuống cửa tài xế trao đổi vài câu rồi liếc nhìn lại phía tôi, lúc ấy tôi đang nhoài người ra khỏi cửa xe buýt.
Tôi đã nắm bắt được thông tin cần thiết về anh bằng ngã sau từ một tay Thiếu Tá, nên tôi biết anh sống với một vợ ba con cùng cha mẹ hai bên trong một khu dân cư tồi tàn ven kênh, đời sống chừng đó con người phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của anh vốn không đủ kham nổi dù chỉ một nửa số đó. Hoàn cảnh nầy là điển hình của rất nhiều sĩ quan trẻ, mà một chiều đến thăm nhà anh hồi cuối tuần trước, tôi mới biết rõ kiểu mẫu điển hình của những cuộc sống khó khăn đó như thế nào. Chỉ mặc áo với quần cộc ngồi trên mép giường gỗ cùng với vợ con, viên Trung úy bán khỏa thân có cái vẻ như một mãnh thú bị dồn vào chân tường hay như một tù nhân chính trị mới bị tống vào chuồng cọp, anh thận trọng và bất an, nhưng thể trạng vẫn còn tươi nguyên. Anh xui tôi đâm sau lưng chiến sĩ sao, giọng trầm buồn, anh nói khẽ, điếu thuốc lá tôi vừa mời vẫn cứ cầm trên tay, chưa châm. Anh muốn trả tiền để tôi tiếp tay cho những kẻ hèn nhát và phản bội chạy trốn ư? Anh muốn tôi bảo thuộc cấp tôi cùng đồng lõa vậy sao.
Không, tôi đâu dám coi thường anh bằng cách giả vờ nọ kia, tôi đáp. Tôi muốn bàn việc này chủ yếu là vì những hữu ích thiết thực liên quan đến số đông những người hiện diện -quanh anh là vợ con, và song thân của cả hai vợ chồng, người đứng người ngồi, trong chu vi nhỏ bé ngột ngạt của căn nhà mái lợp tole. Cái thiếu đói đã khiến họ gầy gò hốc hác, điều mà tôi quá thấu hiểu từ hoàn cảnh của chính mẹ mình trong những chuỗi ngày chịu đựng chống chọi nuôi tôi.
Tôi phục anh, thưa Trung úy, tôi nói tiếp, tôi phục thật! Anh là người trung thực, rất khó tìm một người đàn ông trung thực khi phải cưu mang cả gia đình. Trong khả năng, tôi xin gởi anh ba ngàn đô la. Đây là cả tháng lương của toàn đội quân cảnh của anh. Đến lượt vợ anh lên tiếng và yêu cầu mười. Cuối cùng hai bên thỏa thuận năm, một nửa trao ngay, còn một nửa trao tại phi trường.
Khi xe buýt của tôi trờ tới, anh chụp lấy từ tay tôi phong bì tiền mặt, và trong mắt anh, tôi gặp lại cùng ánh nhìn của người nữ đặc công cộng sản lúc tôi cố lôi ra bản danh sách từ miệng cô năm nào.
Vẫn biết anh có thể bắn tôi hoặc lôi chúng tôi quay lại, nhưng rồi anh đã làm điều mà tôi yêu cầu hôm trước một cách mạo hiểm khi dám tìm đến ép con người đáng kính ấy phải nhận khoản hối lộ. Anh cho tất cả xe chúng tôi qua, trên tay vẫn nắm món tiền như một khoản được bạc bọt bèo tháu cáy cho phẩm giá của chính mình. Tôi ngoảnh mặt đi không dám chứng kiến vẻ bẽ bàng khó xử của anh. Phải chi-nếu tôi có được một điều ước- phải chi quân đội miền Nam gồm toàn những người như anh thì họ đã chiến thắng. Tôi phải thú thực rằng tôi phục anh, mặc dù anh là kẻ địch. Thà thán phục cái ưu của kẻ thù còn hơn phải chịu những cái tồi của phe mình. Hẳn là ông cũng đồng ý với tôi chứ Sếp?
Lúc đó khoảng chín giờ, phi trường chúng tôi đến sau một vòng xe dạo qua thủ đô, là một phi trường phức hợp, đường sá bên trong phẳng phiu, xe băng qua những khu nhà tiền chế, những trại lính vòm cong, qua đủ loại phòng ban, kho vận, chẳng khác nào chui sâu vào một Saigon thu nhỏ sát ngay bên vòng đai đô thành. Nơi đây như một lãnh thổ bán tự trị, đã từng là một trong những phi trường sôi động nhất thế giới, trung tâm xuất phát tất cả các loại phi vụ quân sự sinh tử lẫn những chuyến bay dân sự thông thường, nơi thường xuyên lui tới của hãng hàng không Hoa Kỳ Air America và các phi vụ của cơ quan tình báo trung ương CIA. Cũng là nơi Tướng tá người Việt mượn làm chỗ lánh nạn tạm cho thân nhân, còn trong các văn phòng với đồ nội thất bằng kim loại ngoại nhập là nơi các Tướng tá người Mỹ ngồi hoạch định chiến thuật hành quân.
Đích đến của chúng tôi là Văn phòng Tùy viên Quân sự. Với cá tính táo bạo vốn có, nơi nào người Mỹ đóng đô cũng hay có biệt danh là Thành phố Dodge , một thị trấn nơi súng lục ngự trị và các gái nhảy Cancan thường trực trong quán rượu, mà nay kiểu này cũng xuất hiện nhiều tại Sài Gòn. Nhưng trong khi thời đó, các Sheriff (cảnh sát trưởng) thì giữ an ninh cho Dodge City, còn nay ở phi trường dùng làm nơi trung chuyển người tị nạn này thì lính thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ.
Từ sau năm 1973 đã không còn thấy nhiều cảnh lính thủy gây rối hoặc làm hỏng nhiều vụ cất cánh của phi cơ từ phi trường này. Chẳng ai thấy những thủy quân lục chiến tuổi đời còn rất trẻ này xung trận một ngày nào, thường họ có mặt tại đất nước này chỉ vài tuần rồi đi.
Những người lính mắt sáng, mày râu nhẵn nhụi, không có hình xăm trên cánh tay cũng không cần sa hay xì gà, lãnh đạm nhìn hàng đoàn người xuống bãi đậu xe vốn có sẵn số đông hàng trăm người tị nạn khác đứng chờ trong bồn chồn lo lắng.
Tôi tiến lại chổ ông Tướng với Claude đang cạnh chiếc Citroën, Claude cầm chìa khóa xe trao lại cho ông Tướng và nói nếu ở Mỹ thì tôi đã cứ để nguyên chỗ cũ, thưa ông. Vị Tướng từ chối, không, cứ để chìa vào ổ. Tôi không muốn bất cứ ai làm hỏng xe khi lấy cắp nó, vì thể nào nó cũng bị đánh cắp. Vâng tùy ông, Claude làm theo.
Khi ông Tướng lang thang đi tìm vợ con, tôi nói với Claude, cái gì thế này hở trời, dúng là một mớ hỗn độn. Claude thở dài, chuyện như vầy là thường thôi, tất cả đã trở nên hỗn loạn, ai cũng cố tìm cách đi thoát, với thân nhân, với bạn gái cả với đầu bếp nữa. Hãy coi như mình may mắn. Tôi biết, tôi đáp. Hẹn gặp lại tại Mỹ nhé? Ông thân mật vỗ vai tôi. Chẳng khác nào hồi 1954 khi những người cộng sản lên cầm quyền, ông nói. Chẳng ai tưởng nổi chúng ta lại tị nạn một lần nữa? Nhớ hồi tôi đem anh đi thoát miền bắc và rồi nay tôi lại đem anh đi khỏi miền nam nữa, số anh quả là hay.
Khi Claude rời khỏi, tôi quay về chỗ đoàn người tị nạn. Một lính thủy cầm loa phóng thanh lầm bầm yêu cầu mọi người xếp hàng thứ tự, nhưng đồng hương tôi chẳng hề quen xếp hàng nhất là những lúc cần kíp, cấp bách, họ dùng mọi cách chen lấn, hối hả tranh dành, và, nếu vận dụng hết cách mà không được thì dùng cách hối lộ, nịnh bợ, kể lể phóng đại, nói dối. Không biết những thứ đó có phải là căn tính di truyền ăn sâu thành nếp văn hóa hay chỉ đơn giản là do sự phát triển quá mau lẹ mà ra. Trong mười năm, chúng tôi buộc phải thích nghi với một nền kinh tế thịnh phát ảo nhờ vào lượng hàng hóa nhập cảng của Mỹ; ba thập kỷ trước nữa thì chiến tranh cứ tái đi tái lại, để rồi đất nước phải chịu chia cắt tạm thời hồi 1954 bởi quyền phép can thiệp của ngoại bang, có một thoáng chịu sự kiểm soát của Nhật Bản thời Đệ nhị Thế chiến; và thêm cả trăm năm trước bị Pháp đô hộ.
Tuy nhiên, các lính thủy chẳng màng đến tình trạng vô trật tự kia do đâu, họ cứng rắn ép đoàn người tị nạn sau rốt phải chịu xếp hàng.
Đến màn khám xét vũ khí, thì vì là những quân nhân hữu trách, nên chúng tôi dù không vui cũng phải trưng súng ra. Của tôi chỉ là một khẩu súng lục 38 li, thích hợp cho hoạt động bí mật, hoặc tự sát, còn Bon giữ khẩu Colt 45 bán tự động dành cho đàn ông. Súng vốn được thiết kế cho cuộc tương xung với chiến binh Moro ở Phi Luật Tân để có thể bắn hạ mục tiêu với chỉ một phát duy nhất, tôi nói với Duc. Tôi đã học bí quyết bắn súng từ ngón nghề của Claude.
Giấy tờ! Sau khi kiểm tra vũ khí xong, một viên chức đại sứ quán ngồi tại bàn làm việc còn trẻ, để kiểu tóc mai thời thế kỷ mười chín trong bộ Safari (áo 4 túi) màu be với cặp mắt kính hồng nhạt, thốt lên.
Người dẫn đầu gia đình nào cũng đều có sẵn giấy thông hành của Bộ Nội Vụ, phần tôi, tôi đã tìm mua với giá đã giảm nhiều, cùng với các khẩu lệnh của Tổng Thống ban cho Claude, đã được các nhân viên Đại sứ quán đóng dấu thị thực. Dù vẫn ngoan ngoãn đứng xếp hàng, Khẩu lệnh có giá trị bảo đảm cho chúng tôi điều quan trọng: đó là sẽ được cắt ngang để chuyển vào đầu hàng người chờ đi tị nạn, hòa vào với dòng hàng triệu người tề tựu, hy vọng từ khắp nơi trên thế giới hằng khao khát chờ tới lượt được hít thở không khí tự do. Cả bọn vẫn nuôi hy vọng ưu tiên như thế khi đứng xếp hàng trên mặt sân tennis, còn các chỗ ngồi nơi khán đài lộ thiên của sân thì đã có người tới trước chiếm hết rồi.
Bọn tôi hòa vào dòng sinh linh bị thụt lại ở đàng sau, cố tìm một giấc ngủ vùi trên mặt sân bê tông rêu nhạt. Bỗng trong đám đông có một luồng sáng kỳ lạ màu đỏ do những người Mỹ lia qua. Hình như bọn họ là chồng của mấy phụ nữ Việt Nam, và nhiều gia đình Việt liền vây quanh họ, có người nữ Việt còn bấu được tay vào tay họ nữa.
Tôi ngồi xuống với Bon, Linh và Duc ở một chỗ trống. Bên cạnh là một đàn gái hoang, thân hình đóng chặt trong mớ mini jupe cực ngắn và vớ lưới. Chỗ khác là một người Mỹ với vợ con, một cậu trai và một bé gái chừng năm sáu tuổi. Người chồng nằm dài lưng lấy cánh tay lực lưỡng che mắt, chỉ còn nom thấy hai chân của hàng ria mép hình hải mã, đôi môi hồng nhạt với hai hàm răng thò thụt. Người vợ ngồi ôm con vào lòng, tay vuốt mái tóc nâu của hai trẻ. Chị chờ ở đây lâu chưa? Vừa ôm Duc đang thiu thiu ngủ trong tay, Linh hỏi. Cả ngày rồi, người phụ nữ đáp. Thật quá ghê, trời quá nóng. Chẳng có gì để ăn uống cả. Người ta tiếp tục xướng lên những số hiệu của những chuyến bay nhưng không phải cho chúng ta. Linh chặt lưỡi đồng cảm còn Bon và tôi nằm xuống tiếp tục chờ trong nôn nóng, như từng đã quen chờ đợi của đời quân ngũ.
Chẳng biết làm gì, hai đứa tôi châm thuốc hút và ngó lên bầu trời đêm, thỉnh thoảng lại được chiếu sáng bởi một ngọn hỏa châu được bắn lên rừng sao trên trời, đầu quả hỏa châu sáng lòe rơi xuống dần với phần đuôi lắc lư cánh dù nhỏ tỏa khói. Sẵn lòng một lời thú nhận chứ? Bon nói. Anh dùng cách nói như cách anh dùng đạn, ngắn gọn, chính xác. Tôi biết thể nào ngày này cũng đến. Có điều không la to lên được thôi. Chứ không phải vậy sao? Tôi gật đầu và đáp: Anh mang mặc cảm có tội cũng như bao người khác ở Sài Gòn vậy thôi. Chúng ta đều biết mọi chuyện mà không thể làm gì, nghĩ gì hơn được. Nhưng chuyện gì trên đời này cũng có thể xảy ra cả. Đó là hy vọng ngày ta quay về. Anh nhún vai, trầm ngâm ngó mẩu tàn thuốc trên tay, hy vọng thì mỏng manh, anh bảo, còn nỗi thất vọng thì quá dày. Giống như máu. Anh chỉ vào vết sẹo trong lòng bàn tay đang cầm thuốc lá, xăm theo hình vòng cung của đường sinh đạo của những đường chỉ tay. Nhớ chứ?
Tôi giơ lòng bàn tay phải của tôi lên với vết sẹo phù hợp tương ứng cùng do Man làm. Đứa nào trong bọn cũng có thể nhìn thấy vết sẹo làm dấu ấy bất cứ lúc nào mở tay ra cầm chai, cầm thuốc lá, cầm súng, hay ngay cả ôm một người đàn bà. Tựa những chiến binh huyền thoại, chúng tôi đã ăn thề sống chết có nhau, son sắt với tình bạn êm đềm thuở ấu thơ, sát cánh không rời cho những giá trị vĩnh cửu trong nhau: trung thành, trung thực, tin cậy, sẵn sàng bên bạn và tin tưởng một lòng. Thuở mười bốn, chúng ta tin những gì? Tình bằng hữu, tình huynh đệ, xác tín nền độc lập của xứ sở. Tin rằng nếu được hô hào, ta sẽ sẵn sàng bỏ mình vì nước, vì đồng bào ruột thịt, nhưng ta không biết đích xác phải làm gì để cống hiến và sẽ đạt được gì. Tôi đâu thể ngờ có ngày Bon sẽ tham gia Chiến dịch Phượng Hoàng nhằm báo thù cho Cha đã bị sát hại, anh mang nhiệm vụ trừ khử những người mà Man và tôi coi là đồng chí. Và Bon tốt bụng, chân thành đâu biết rằng Man và tôi đã âm thầm tin rằng cách duy nhất để cứu đất nước là theo về phe cộng sản làm cách mạng. Cả ba chúng tôi đều theo đuổi chính kiến riêng, mà cũng chính vì chính kiến mà chúng tôi cắt máu ăn thề khi xưa. Nếu có một hoàn cảnh đẩy bọn tôi vào một tình huống đem cái chết để trả giá cho tình huynh đệ này, tôi tin chắc Man và tôi sẽ không từ nan. Thệ nguyện đó đã được ghi lên tay ba đứa dưới ánh lửa lập lòe của ngọn đèn magiê tầm xa, tôi mở lòng bàn tay mình ra và đưa ngón tay dò tìm các dòng khắc. Máu của bạn là máu của tôi và máu của tôi là máu của bạn, tôi đã nói lên lời tuyên thệ thuở vị thành niên đó với các bạn khi cùng nhau tuyên thệ. Nhưng còn một điều nữa anh biết không? Bon nói. Thất vọng đã dày, nhưng tình bạn còn dày hơn. Sau câu anh nói, tình bạn thiết không còn cần phải thêm gì nữa, thì một hỏa tiễn Katyusha như đem 2 đứa về với thực tại, tiếng nó rít lên từ xa như giọng ông thủ thư trong thư viện nhắc người đọc không được làm ồn.
(hết Chương 2)
CHAPTER 2
EVEN NOW, the baby-faced guard who comes to check on me every day calls me a bastard when he feels like it. This hardly surprises me, although I had hoped for better from your men, my dear Commandant. I confess that the name still hurts. Perhaps, for variety, he could call me mongrel or half-breed, as some have in the past? How about métis, which is what the French called me when not calling me Eurasian? The latter word lent me a romantic varnish with Americans but got me nowhere with the French themselves. I still encountered them periodically in Saigon, nostalgic colonizers who stubbornly insisted on staying in this country even after their empire’s foreclosure. Le Cercle Sportif was where they congregated, sipping Pernod while chewing on the steak tartare of memories that had happened on Saigonese streets they called by their old French names: Boulevard Norodom, Rue Chasseloup-Laubat, Quai de l’Argonne. They bossed the native help with nouveau riche arrogance and, when I came around, regarded me with the suspicious eyes of border guards checking passports.
It was not they who invented the Eurasian, however. That claim belongs to the English in India, who also found it impossible not to nibble on dark chocolate. Like those pith-helmeted Anglos, the American Expeditionary Forces in the Pacific could not resist the temptations of the locals. They, too, fabricated a portmanteau word to describe my kind, the Amerasian. Although a misnomer when applied to me, I could hardly blame Americans for mistaking me as one of their own, since a small nation could be founded from the tropical offspring of the American GI. This stood for Government Issue, which is also what the Amerasians are. Our countrymen preferred euphemisms to acronyms, calling people like me the dust of life. More technically, the Oxford English Dictionary I consulted at Occidental revealed that I could be called a “natural child,” while the law in all countries I know of hails me as its illegitimate son. My mother called me her love child, but I do not like to dwell on that. In the end, my father had it right. He called me nothing at all.
No wonder, then, that I was drawn to the General, who, like my friends Man and Bon, never sneered about my muddled heritage. Upon selecting me for his staff, the General said, The only thing I’m interested in is how good you are at what you do, even if the things I ask you to do may not be so good. I proved my competence more than once; the evacuation was merely the latest demonstration of my ability to finesse the fine line between the legal and the illegal. The men had been picked, the buses arranged, and, most important, the bribes for safe passage bestowed. I had paid the bribes from a satchel of $10,000 requisitioned from the General, who had submitted the request to Madame. It’s an extraordinary sum, she said to me over a cup of oolong in her salon. It’s an extraordinary time, I said. But it’s a wholesale bargain for ninety-two evacuees. She could not disagree, as anyone who placed their ears to the railroad tracks of gossip in the city could report. The rumble was that the price of visas, passports, and seats on evacuation airplanes ran to many thousands of dollars, depending on the package one chose and the level of one’s hysteria. But before one could even pay a bribe, one needed to have access to willing conspirators. In our case, my solution was a louche major whom I had befriended at the Pink Nightclub on Nguyen Hue. Shouting to be heard over the psychedelic thunder of CBC or the pop beats of the Uptight, I learned that he was the airport’s duty officer. For a relatively modest fee of a thousand dollars, he informed me who the guards at the airport would be for our departure, and where I might find their lieutenant.
All this arranged, and myself and Bon having retrieved his wife and child, we assembled for our departure at seven o’clock. Two blue buses waited outside the villa’s gates, windows encased in wire grilles off which terrorist grenades would theoretically bounce, unless they were rocket-propelled, in which case one relied on the armor of prayers. The anxious families waited in the villa’s courtyard while Madame stood on the villa’s steps with the household staff. Her somber children sat in the Citroën’s backseat, a blank, diplomatic mien on their faces as they observed Claude and the General smoking in front of the car’s headlights. Passenger manifest in hand, I called the men and their families forward, checking off their names and directing them to their buses. As instructed, each adult and teenager carried no more than a small suitcase or valise, with some of the children clutching thin blankets or alabaster dolls, their Western faces plastered with fanatical grins. Bon was last, steering Linh by her elbow, she in turn holding Duc’s hand. He was just old enough to walk confidently, his other hand balled around a yellow yo-yo I had given him as a souvenir from the States. I saluted the boy, and he, frowning in concentration, stopped to detach his hand from his mother’s and saluted me in return. Everyone’s here, I said to the General. Then it’s time to go, he said, grinding his cigarette under his heel.
The General’s last duty was bidding farewell to the butler, the cook, the housekeeper, and a trio of pubescent nannies. Some of them had made entreaties to be taken along, but Madame was firm in saying no, already convinced of her excessive generosity in paying for the General’s officers. She was correct, of course. I knew of at least one general who, having been offered seats for his staff, sold them to the highest bidder. Now Madame and all the help were weeping, except for the geriatric butler, a purple ascot tied around his goitered neck. He had begun his days with the General as an orderly when the General was only a lieutenant, both of them serving under the French during their season of hell at Dien Bien Phu. Standing at the bottom of the steps, the General could not meet the old man’s eyes. I’m sorry, he said, head bowed and bared, cap in hand. It was the only time I had heard him apologize to anyone besides Madame. You’ve served us well, and we’re not serving you well. But none of you will come to harm. Take what you want from the villa and then leave. If anyone asks, deny that you know me or that you ever worked for me. But as for me, I swear to you now, I will not give up fighting for our country! When the General began weeping, I handed him my handkerchief. In the ensuing silence, the butler said, I ask for one thing, sir. What is that, my friend? Your pistol, so I can shoot myself! The General shook his head and wiped his eyes with my handkerchief. You will do no such thing. Go home and wait for me to return. Then I will give you a pistol. When the butler tried to salute, the General offered him his hand instead. Whatever people say about the General today, I can only testify that he was a sincere man who believed in everything he said, even if it was a lie, which makes him not so different from most.
Madame distributed to each of the staff an envelope of dollars, its thickness appropriate to his or her rank. The General returned my handkerchief and escorted Madame to the Citroën. For this last drive, the General would take the leather-wrapped steering wheel himself and lead the two buses to the airport. I’ve got the second bus, Claude said. You take the first one and make sure that driver doesn’t get lost. Before boarding, I paused at the gates for one last look at the villa, conjured into being for the Corsican owners of a rubber plantation. An epic tamarind tree towered over the eaves, the long, knuckled pods of its sour fruit dangling like the fingers of dead men. The constant staff still stood at the proscenium atop the stairs. When I waved good-bye to them, they dutifully waved back, holding in their other hands those white envelopes that had become, in the moonlight, tickets to nowhere.
The route from villa to airport was as uncomplicated as anything could be in Saigon, which is to say not uncomplicated at all. One made a right out of the gates down Thi Xuan, left on Le Van Quyet, right on Hong Thap Tu in the direction of the embassies, left on Pasteur, another left on Nguyen Dinh Chieu, right on Cong Ly, then straight to the airport. But instead of taking a left on Le Van Quyet, the General turned right. He’s going in the wrong direction, my driver said. He had fingers stained yellow with nicotine and dangerously sharp toenails. Just follow, I said. I stood in the entry well, doors swung open to let in the cool night air. On the first bench behind me were Bon and Linh, Duc leaning forward on his mother’s lap to peer over my shoulder. The streets were empty; according to the radio, a twenty-four-hour curfew had been declared because of the strike on the airport. Nearly as vacant were the sidewalks, haunted only by the occasional set of uniforms shed by deserters. In some cases, the gear was in such a neat little heap, with helmet on top of blouse and boots beneath trousers, that a ray gun appeared to have vaporized the owner. In a city where nothing went to waste, no one touched these uniforms.
My bus carried at least a few soldiers in civilian disguise, although the rest of the General’s in-laws and cousins were mostly women and children. These passengers murmured among themselves, complaining of this or that, which I ignored. Even if they found themselves in Heaven, our countrymen would find occasion to remark that it was not as warm as Hell. Why’s he taking this route? the driver said. The curfew! We’re all going to get shot, or at least arrested. Bon sighed and shook his head. He’s the General, he said, as if that explained everything, which it did. Nevertheless, the driver continued to complain as we passed the central market and turned onto Le Loi, not ceasing until the General finally stopped at Lam Son Square. Before us was the Grecian facade of the National Assembly, formerly the city’s opera house. From here our politicians managed the shabby comic operetta of our country, an off-key travesty starring plump divas in white suits and mustachioed prima donnas in custom-tailored military uniforms. Leaning out and looking up, I saw the glowing windows of the Caravelle Hotel’s rooftop bar, where I had often escorted the General for aperitifs and interviews with journalists. The balconies provided an unparalleled view of Saigon and its environs, and from them a faint laughter drifted. It must have been the foreign newsmen, ready to take the city’s temperature in its death rattle, as well as the attachés of nonaligned nations, watching the Long Binh ammunition dump glow over the horizon while tracers sputtered in the night.
An urge seized me to fire a round in the direction of the laughter, just to enliven their evening. When the General got out of the car, I thought he was following the same impulse, but he turned in the other direction, away from the National Assembly and toward the hideous monument on Le Loi’s grassy median. I regretted keeping my Kodak in my rucksack rather than my pocket, for I would have liked a photograph of the General saluting the two massive marines charging forward, the hero in the rear taking a rather close interest in his comrade’s posterior. As Bon saluted the memorial, along with the other men on the bus, all I could ponder was whether these marines were protecting the people who strolled beneath their gaze on a sunny day, or, just as likely, were attacking the National Assembly at which their machine guns aimed. But as one of the men on the bus sobbed, and as I, too, saluted, it struck me that the meaning was not so ambiguous. Our air force had bombed the presidential palace, our army had shot and stabbed to death our first president and his brother, and our bickering generals had fomented more coups d’état than I could count. After the tenth putsch, I accepted the absurd state of our state with a mix of despair and anger, along with a dash of humor, a cocktail under whose influence I renewed my revolutionary vows.
Satisfied, the General climbed back into the Citroën and the convoy proceeded once more, crossing the intersection of one-way Tu Do as it entered and exited the square. I had a last glimpse of the Givral Café, where I had enjoyed French vanilla ice cream on my dates with proper Saigonese girls and their mummified chaperone aunts. Past the Givral was Brodard Café, where I cultivated my taste for savory crepes while doing my best to ignore the parade of paupers hopping and hobbling by. Those with hands cupped them for alms, those lacking in hands clenched the bill of a baseball cap in their teeth. Military amputees flapped empty sleeves like flightless birds, mute elderly beggars fixed cobra eyes on you, street urchins told tales taller than themselves about their pitiable conditions, young widows rocked colicky babies whom they might have rented, and assorted cripples displayed every imaginable, unappetizing illness known to man. Farther north on Tu Do was the nightclub where I had spent many evenings doing the cha-cha with young ladies in miniskirts and the latest in arch-breaking heels. This was the street where the imperious French once stabled their gilded mistresses, followed by the more déclassé Americans whooping it up in lurid bars like the San Francisco, the New York, and the Tennessee, their names inscribed in neon, their jukeboxes loaded with country music. Those who felt guilty at a debauched evening’s end could totter north to the brick basilica at the end of Tu Do, which was where the General led us by way of Hai Ba Trung. In front of the basilica stood the white statue of Our Lady, her hands open in peace and forgiveness, her gaze downcast. While she and her son Jesus Christ were ready to welcome all the sinners of Tu Do, their prim penitents and priests—my father among them—spurned me more often than not. So it was always at the basilica that I asked Man to meet me for our clandestine business, both of us savoring the farce of being counted among the faithful. We genuflected, but in actuality we were atheists who had chosen communism over God.
We met on Wednesday afternoons, the basilica empty except for a handful of austere dowagers, heads shrouded in lace mantillas or black scarves as they chanted, Our Father, who art in Heaven, hallowed be Thy name . . . I no longer prayed, but my tongue could not help wagging along with these old women. They were as tough as foot soldiers, sitting impassively through crowded weekend Masses where the infirm and the elderly sometimes swooned from the heat. We were too poor for air- conditioning, but heat stroke was simply another way of expressing religious fortitude. It would be hard to find more pious Catholics than those in Saigon, most of whom, like my mother and myself, had already run once from the communists in ’54 (my nine-year-old self having no say in the matter). To rendezvous in the church amused Man, a former Catholic like me. While we pretended to be devout officers for whom Mass once a week did not suffice, I would confess my political and personal failures to him. He, in turn, would play my confessor, whispering to me absolutions in the shape of assignments rather than prayers.
America? I said. America, he confirmed.
I had told him of the General’s evacuation plan as soon as I learned of it, and that past Wednesday in the basilica I was informed of my new task. This mission was given to me by his superiors, but who they were, I did not know. It was safer that way. This had been our system since our lycée days, when we secretly pursued one road via a study group while Bon openly continued on a more conventional path. The study group had been Man’s idea, a three-man cell consisting of himself, me, and another classmate. Man was the leader, guiding us in the reading of revolutionary classics and teaching us the tenets of Party ideology. At the time, I knew that Man was part of another cell where he was the junior member, although the identities of the others were a mystery to me. Both secrecy and hierarchy were key to revolution, Man told me. That was why there was another committee above him for the more committed, and above that another committee for the even more committed, and on and on until we presumably reached Uncle Ho himself, at least when he was alive, the most committed man ever, the one who had asserted that “Nothing is more precious than independence and freedom.” These were words we were willing to die for. This language, as well as the discourse of study groups, committees, and parties, came easily to Man. He had inherited the revolutionary gene from a great- uncle, dragooned by the French to serve in Europe during World War I. He was a gravedigger, and nothing will do more to bestir a colonized subject than seeing white men naked and dead, the great- uncle said, or so Man told me. This great-uncle had stuck his hands in their slimy pink viscera, examined at leisure their funny, flaccid willies, and retched on seeing the putrefying scrambled eggs of their brains. He buried them by the thousands, brave young men enmeshed in the cobwebbed eulogies spun by spidery politicians, and the understanding that France had kept its best for its own soil slowly seeped into the capillaries of his consciousness. The mediocrities had been dispatched to Indochina, allowing France to staff its colonial bureaucracies with the schoolyard bully, the chess club misfit, the natural-born accountant, and the diffident wallflower, whom the great-uncle now spotted in their original habitat as the outcasts and losers they were. And these castoffs, he fumed, were the people who taught us to think of them as white demigods? His radical anticolonialism was enhanced when he fell in love with a French nurse, a Trotskyist who persuaded him to enlist with the French communists, the only ones offering a suitable answer to the Indochina Question. For her, he swallowed the black tea of exile. Eventually he and the nurse had a daughter, and handing me a slip of paper, Man whispered that she was still there, his aunt. On the slip of paper was her name and address in the thirteenth arrondissement of Paris, this fellow traveler who had never joined the Communist Party, and thus was unlikely to be surveilled. I doubt you’ll be able to send letters home, so she’ll be the go-between. She’s a seamstress with three Siamese cats, no children, and no suspicious credentials. That’s where you’ll send the letters.
Fingering that slip of paper, I recalled the cinematic scenario I had prepared, the one where I refused to board Claude’s plane while the General pleaded hopelessly with me to leave with him. I want to stay, I said. It’s almost over. Behind clasped hands, Man sighed. Is it almost over? Thy kingdom come, Thy will be done. Your general isn’t the only one planning to keep on fighting. Old soldiers don’t fade away. The war’s been going on too long for them to simply stop. We need someone to keep an eye on them and make sure they’re not going to get into too much trouble. What happens if I don’t go? I asked. Man raised his eyes to the bruised, greenish Christ with his European features, suspended on a crucifix high above the altar, the lie of a loincloth draped around his groin when in all likelihood he died naked. The grin on Man’s face revealed startlingly white teeth. You’ll do more good there than you will here, this dentist’s son said. And if you won’t do it for yourself, do it for Bon. He won’t go if he thinks we’re staying. But in any case, you want to go. Admit it!
Dare I admit it? Dare I confess? America, land of supermarkets and superhighways, of supersonic jets and Superman, of supercarriers and the Super Bowl! America, a country not content simply to give itself a name on its bloody birth, but one that insisted for the first time in history on a mysterious acronym, USA, a trifecta of letters outdone later only by the quartet of the USSR. Although every country thought itself superior in its own way, was there ever a country that coined so many “super” terms from the federal bank of its narcissism, was not only superconfident but also truly superpowerful, that would not be satisfied until it locked every nation of the world into a full nelson and made it cry Uncle Sam?
All right, I admit it! I said. I confess.
He chuckled and said, Consider yourself lucky. I’ve never left our wonderful homeland. Lucky, am I? At least you feel at home here.
Home is overrated, he said.
Easy for him to say when his father and mother got along reasonably well, while his siblings looked the other way when it came to his revolutionary sympathies. This was common enough when many a family was divided against itself, some fighting for the north and some for the south, some fighting for communism and some for nationalism. Still, no matter how divided, all saw themselves as patriots fighting for a country to which they belonged. When I reminded him that I did not belong here, he said, You don’t belong in America, either. Perhaps, I said. But I wasn’t born there. I was born here.
Outside the basilica, we said good-bye, our real farewell, not the one staged later for Bon. I’m leaving you my records and my books, I said. I know you’ve always wanted them. Thanks, he said, squeezing my hand hard. And good luck. When do I get to come home? I asked. Giving me a look of great sympathy, he said, My friend, I’m a subversive, not a seer. The timetable for your return will depend on what your General plans. And as the General drove by the basilica, I could not say what his plans were besides escaping the country. I only assumed that he had more in mind than the futile words emblazoned on the banners flanking the boulevard leading to the presidential palace, which a dissident pilot had strafed earlier in the month. NO LAND TO THE COMMUNISTS! NO COMMUNISTS IN THE SOUTH! NO COALITION GOVERNMENT! NO NEGOTIATION! I could see an impassive guardsman standing impaled at attention under his roofed post, but before we reached the palace the General finally, mercifully set a course for the airport by turning right on Pasteur. Somewhere far away, a heavy machine gun fired in uneven, staccato bursts. When a dull mortar grunted, Duc whimpered in his mother’s arms. Hush, darling, she said. We’re only going on a trip. Bon stroked his son’s wispy hair and said, Will we ever see these streets again? I said, We have to believe we’ll see them again, don’t we?
Bon draped his arm over my shoulders and we squeezed together in the stairwell, hanging our heads out the door and holding hands as the glum apartments rolled by, lights and eyes peeking from behind curtains and shutters. Noses to the wind, we inhaled a farrago of scents: charcoal and jasmine, rotting fruit and eucalyptus, gasoline and ammonia, a swirling belch from the city’s poorly irrigated gut. As we approached the airport, the shadowy cross of an airplane roared overhead, all lights extinguished. At the gates, prickly rolls of barbed wire sagged with middle-aged disappointment. Behind the wire waited a squad of sullen military policemen and their young lieutenant, rifles in hand and truncheons swinging from belts. My chest thumped as the lieutenant approached the General’s Citroën, leaned down by the driver’s window to exchange a few words, then glanced in my direction where I stood leaning out the door of the bus. I had tracked him down on the louche major’s information, to the canal-side slum he lived in with his wife, three children, parents, and in-laws, all of whom were dependent on a salary that was not enough to feed half of them. This was the typical lot of the young officer, but my task on the afternoon I visited last week was to discover what kind of man had been molded from this poor clay. In his skivvies, sitting on the edge of the wooden bed he shared with his wife and children, the half-naked lieutenant had the cornered look of a political prisoner freshly dropped into a tiger cage, wary and a bit frightened but not yet physically broken. You want me to stab my country in the back, he said tonelessly, the unlit cigarette I had given him in his hand. You want to pay me to let cowards and traitors escape. You want me to encourage my men to do the same.
I’m not going to insult your intelligence by pretending otherwise, I said. I spoke mostly for the benefit of the jury—his wife, parents, and in-laws, who sat, squatted, or stood in the tight confines of the sweltering, tin-roofed shack. Hunger had lent them emaciated cheekbones, the kind I knew from my own mother, who had suffered so much for me. I admire you, Lieutenant, I said, and I did. You’re an honest man, and it’s hard to find honest men when men have families to feed. The least I can do to reward you is to offer you three thousand dollars. This was a month’s salary for his entire platoon. His wife did her duty and demanded ten. Eventually we agreed on five, half paid then, half due at the airport. As my bus rolled by, he snatched from my hand the envelope with the cash, and in his eyes I saw the same look the communist agent had given me when I had pulled that list of names from her mouth. Although he could have shot me or turned us back, he did what I gambled every honorable man forced to take a bribe would do. He let us all pass, holding up his end of the bargain as the last fig leaf of his dignity. I averted my eyes from his humiliation. If—let me indulge in the conditional for a moment—if the southern army comprised only men like him, it would have won. I confess that I admired him, even though he was my enemy. It is always better to admire the best among our foes rather than the worst among our friends. Wouldn’t you agree, Commandant?
It was nearly nine as we drove through the metropolis that was the airport complex, on well-paved streets past Quonset huts, gabled barracks, nondescript offices, and tubular warehouses, deep into a miniature city in Saigon yet outside of it. This semiautonomous territory was once one of the world’s busiest airports, a hub for all kinds of lethal and nonlethal sorties and missions, including those flown by Air America, the CIA’s airline. Our generals stashed their families here, while American generals crafted their stratagems in offices stocked with imported steel furniture. Our destination was the compound of the Defense Attaché Office. With typical cheekiness, the Americans had nicknamed it Dodge City, the town where six-shooters ruled and where saloon girls danced the cancan, as was much the case here in Saigon. But while sheriffs kept the peace in the real Dodge City, American marines guarded this evacuation center. I had not seen so many since ’73, when they were a ragged, defeated lot departing from this airfield. But these young marines had never seen combat and had been in this country only a few weeks. Bright-eyed and clean-shaven, with not a hint of a needle track in the crooks of their arms or a whiff of marijuana in their pressed, jungle-free fatigues, they watched impassively as our passengers disembarked into a parking lot already crowded with hundreds of other nervous evacuees. I joined the General and Claude by the Citroën, where the General was handing over his keys. I’ll return them in the States, sir, Claude said. No, leave them in the ignition, the General said. I would not want anyone to damage the car while they steal it, since it will be stolen anyway. Enjoy her while you can, Claude.
When the General wandered off to find Madame and the children, I said, What’s going on here? It’s a mess. Claude sighed. Situation normal, all fucked up. Everybody’s trying to get their relatives and cooks and girlfriends out of here. Just consider yourself lucky. I know, I said. See you in the States? He clapped me on the shoulder with affection. Just like when the communists took over in ’54, he said. Who would have thought we’d be here again? But I got you out of the north then, and I’m getting you out of the south now. You’ll be all right.
After Claude left, I returned to the evacuees. A marine on the bullhorn mumbled at them to form into lines, but queuing was unnatural for our countrymen. Our proper mode in situations where demand was high and supply low was to elbow, jostle, crowd, and hustle, and, if all that failed, to bribe, flatter, exaggerate, and lie. I was uncertain whether these traits were genetic, deeply cultural, or simply a rapid evolutionary development. We had been forced to adapt to ten years of living in a bubble economy pumped up purely by American imports; three decades of on-again, off-again war, including the sawing in half of the country in ’54 by foreign magicians and the brief Japanese interregnum of World War II; and the previous century of avuncular French molestation. The marines, however, cared not a whit for such excuses, and their intimidating presence eventually coerced the refugees into lines. When the marines checked us for weapons, we officers dutifully, sadly turned over our guns. Mine was just a snub-nosed .38 revolver, good for covert activities, Russian roulette, and suicide, whereas Bon wielded the manly .45 Colt semiautomatic. The gun was designed to knock down Moro warriors in the Philippines with a single shot, I said to Duc. I had learned this from Claude; it was the kind of arcana he knew.
Papers! said the embassy bureaucrat at the desk after the weapons check, a young man with nineteenth-century sideburns, decked out in a beige safari suit and rose-tinted glasses. Each of the family heads had the laissez-passer documents from the Ministry of the Interior I had bought at a hefty discount, as well as the presidential parole delivered by Claude, stamped by the relevant embassy clerk. The parole assured us, even as we stood obediently in line, of the important thing: that we had cut to the head of the immigration queue in front of the huddled, hopeful millions from all over the world yearning to breathe free. We carried that small solace with us to the staging ground of the tennis courts, where earlier evacuees already occupied all the bleacher seats. We joined the tardier souls attempting a numb slumber on the green concrete of the courts. Red blackout lamps cast an eerie glow over the crowds, among which was a scattering of Americans. All of them appeared to be husbands of Vietnamese women, given how a Vietnamese family besieged each of them, or how a Vietnamese woman had practically handcuffed herself to his arm. I settled down with Bon, Linh, and Duc on an unoccupied plot. On one side was a covey of call girls, vacuum-packed into micro-miniskirts and fishnet stockings. On the other was an American, his wife, and their children, a boy and a girl of perhaps five and six. The husband sprawled on his back with his beefy forearm over his eyes, the only parts of his face visible the two furry limbs of his walrus mustache, his pink lips, and his slightly crooked teeth. His wife sat with her children’s heads in her lap, stroking their brown hair. How long have you been here? Linh asked, cradling a drowsy Duc in her arms. The whole day, the woman said. It’s been awful, so hot. There’s nothing to eat or drink. They keep calling out the numbers of planes but not ours. Linh made sympathetic noises while Bon and I settled down to the waiting part of hurry up and wait, the tedious custom of militaries the world over.
We lit cigarettes and turned our attention to the dark sky, every now and again illuminated by a parachute flare sputtering into spermatic existence, its bright head of light trailing a long, wiggling tail of smoke as it drifted downward. Ready for a confession? Bon said. He used words the way he used bullets, in short, controlled bursts. I knew today was coming. Just never said so aloud. That’s denial, right? I nodded and said, You’re only guilty of the same thing that everyone else in Saigon is. We all knew and we couldn’t do a thing about it, or so we thought, anyway. But anything can always happen. That’s what hope is all about. He shrugged, contemplating the end of his burning cigarette. Hope’s thin, he said. Despair’s thick. Like blood. He pointed to the scar in the palm of the hand holding the cigarette, carved to follow the lifeline’s arc. Remember?
I held up the palm of my right hand with its matching scar, the same one carried by Man. We saw this mark whenever we opened our hands for a bottle, a cigarette, a gun, or a woman. Like warriors of legend, we had sworn to die for one another, snared by the romance of schoolboy friendship, united by the eternal things we saw in each other: fidelity, honesty, conviction, the willingness to stand by friends and uphold beliefs. But what did we believe in at fourteen? Our friendship and our brotherhood, our country and our independence. We believed we could, if called upon, sacrifice ourselves for our blood brothers and our nation, but we did not know exactly how we would be called upon and what we would become. I could not predict that Bon would one day join the Phoenix Program to avenge his murdered father, his task to assassinate the people whom Man and I considered comrades. And good-hearted, sincere Bon did not know that Man and I would secretly come to believe that the only way to rescue our country was to become revolutionaries. All three of us followed our political beliefs, but only because of the reasons that led us to swear blood brotherhood in the first place. If ever circumstances forced us into a situation where death was the price of our brotherhood, I had no doubt that Man and I would pay. Our commitment was written on our hands, and under the wavering light cast by a distant magnesium flare, I held up my palm with its scar and traced the line with my finger. Your blood is mine and mine is yours, I said, which was the adolescent oath we had sworn to one another. You know what else? Bon said. Despair may be thick, but friendship’s thicker. After that, nothing more needed to be said, our camaraderie enough as we heeded the call of the Katyusha rockets, hissing in the distance like librarians demanding silence.$pageOut$pageIn
Sếp thân mến, Cám ơn những quan tâm mà ông cũng như người chính trị viên đã dành cho tôi về những dòng thú nhận này. Ông đã thắc mắc tôi có ý gì khi dùng chữ "chúng tôi" hay "chúng ta", khi có lúc tôi xem mình như cùng phe với những người lính miền Nam và dòng người tị nạn trong khi tôi là kẻ được phái đến nhập trong hàng ngũ họ để làm nội gián. Phải chăng tôi đừng nên nói về họ -là kẻ thù của tôi- bằng chữ “bọn chúng”? Tôi phải thú thực là sau khi đã dành gần như cả đời mình nhập vào hàng ngũ họ, tôi không sao ngăn được một tình cảm phát sinh trong lòng, bằng chứng là tôi đã biểu tỏ như thế với nhiều người. Nhược điểm của tính đồng cảm đó là tôi phải ra tay nhiều việc, vốn rất dễ xảy ra trong tâm thế một đứa con bị ruồng bỏ, có điều không thể nói rằng cứ hễ là một kẻ vô thừa nhận thì tự nhiên biến hắn thành một kẻ dễ cảm thông với tha nhân.
Có lắm con hoang đã ứng xử đúng như là con hoang mà thôi, và tôi không sao quên được bà mẹ hiền đã dạy mình ý tưởng rằng nên cố xóa nhòa ranh giới giữa mình với bao người khác. Bởi rốt cùng nếu bà đã không làm lơ đi mối cách biệt giữa thân phận một người giúp việc với một Linh mục, hoặc chấp nhận rằng mối cách biệt đó là không đáng thì hẳn đã không có tôi sinh ra đời.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ra đời trong hoàn cảnh ngoài giá thú như thế đã khiến tôi phải thừa nhận là cảm thấy rất khó chịu mỗi khi nghĩ đến việc lập gia đình. Hóa ra lợi thế ngoài ý muốn của một đứa con hoang là sống độc thân mà tôi đã nếm biết khi nhiều gia đình đã gạt tôi ra khỏi lựa chọn của họ, thậm chí chẳng có một cô con gái nào dù là con lai đi nữa chịu tôi, bởi các cô hay cuồng nhiệt làm sao chen cho được vào các nấc thang dần cao hơn của xã hội bằng cách kết hôn với một người nào thuộc vào hàng dòng dõi.
Trong khi bạn thân cũng như sơ cám cảnh cho tình trạng độc thân của tôi như thể là một bi kịch của phận con hoang, thì tôi lại thấy rằng độc thân không những được tự do mà còn phù hợp với cuộc sống bí mật của một gián điệp hai mang như mình, người cứ tự lầm lũi một mình là hay hơn cả. Là người còn độc thân cũng có nghĩa là tôi có thể bắt chuyện thoải mái với các nàng gái làm tiền đang trơ tráo phơi bày đùi chân hấp dẫn giữa dòng người chờ di tản và lấy các xấp giấy báo cũ làm quạt mát cho các khe núi ướt đẫm mồ hôi đang được các áo ngực của thời đại tân kỳ này nâng lên quá đáng cốt sao để lồ lộ cái nào ra cái nấy.
Các nàng tự xưng tên là Mimi, Phi Phi, và Ti Ti, những cái tên nghe qua đủ biết họ thuộc giới gái ăn sương, thế nhưng bộ ba này dư sức phả một luồng sinh khí vào tim tôi. Có lẽ họ chợt nghĩ ra những cái tên đó ngay tại chỗ, bởi tên thì dễ thay xoành xoạch như khách hàng vậy thôi. Nếu vậy, quả là họ đã diễn vai thật là phản xạ lành nghề dày dạn sau bao năm kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi vốn dành cho các nàng gái giang hồ một sự tôn trọng nhất định, họ quen gian giảo nhưng dẫu sao cũng còn rộng rãi hơn giới luật sư dù cả hai đều tính thù lao theo giờ. Tuy nhiên nếu chỉ nói về mặt tài chính không thôi là còn phiến diện. Tốt hơn, để tiếp cận một cô gái điếm thì phải lấy thái độ của một khán giả đi coi kịch, cứ ngồi yên đó mà xem và đừng mất công đoán già đoán non gì trong suốt vở diễn. Bậy nhất là những anh chàng ngờ nghệch cứ khăng khăng rằng gái chơi chỉ là một lũ người làm bộ ngây thơ cho xong khoản tiền đã được thuận trả, hay ngược lại, cứ tin hết vào những gì đang diễn rồi cứ theo đó mà lấy ảo cảnh làm thật. Tỉ như, những chàng trai trưởng thành sẽ cười nhạo nếu nghe ai nói con kỳ lân cũng khóc như muốn chứng tỏ có một loài thậm quý hiếm huyền nhiệm vẫn còn tồn tại. Chỉ nơi những góc khuất, hay nơi tối tăm sâu thẳm nhất của những trà đình tửu điếm ăn chơi mới có nàng gái điếm mà trong ngực luôn đập rộn một trái tim vàng. Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu có một phần thân thể của gái ăn sương được làm bằng vàng, thì đó không phải là trái tim nàng mà là một chút gì ta tin vẫn còn sót lại nơi một khía cạnh khác của nàng đó là dấu chỉ của một người diễn tuồng vẫn còn giữ cái tâm sòng phẳng.
Đến cấp độ này, ba cô gái quả đã là những người nhập vai diễn dày dạn, khó mà nói được rằng nếu làm một nghiên cứu đàng hoàng, với chứng lý tiêu biểu, lấy mẫu ngẫu nhiên tính trong số 70 hoặc 80 phần trăm gái mại dâm ở thủ đô và các tỉnh, dám có đến hàng chục và có lẽ hàng trăm ngàn cô như thế. Hầu hết các cô xuất thân nghèo khó, những cô gái quê ít học không có phương tiện kiếm sống ngoại trừ việc sống bám vào các chú lính Mỹ tuổi đời mới mười chín đôi mươi. Ống quần anh lính gồ lên cuộn đô la căng phồng còn trí não mới lớn kia thì căng ra khi anh lên cơn sốt rét vàng da, một thứ bịnh đã tấn công rất nhiều người phương Tây khi mới đến xứ châu Á, lúc đó anh lính Mỹ cảm thấy như đã tìm ra điều gì bất ngờ và lấy làm thỏa thích rằng trong thế giới xanh màu cây rừng chập chùng này anh đâu chỉ là Clark Kent mà là Superman, chí ít cũng có liên quan đến đàn bà. Những Superman đã xâm chiếm (hay bị xâm chiếm?) xứ sở nhỏ bé mầu mỡ này khiến chúng tôi không còn tiếp tục sản xuất ra một lượng đáng kể lúa gạo, cao su, thiếc, và trồng trọt như xưa. Thay vào đó là một vụ mùa bội thu hàng năm gái mại dâm, những cô gái đã không sao biết nhảy theo một bản nhạc rock mà phải đợi đến khi mấy tên ma cô, chúng tôi gọi là du đãng, vỗ sỗ sàng lên bộ ngực đang run rẩy kia và giục họ tiến lên sàn nhảy ở một vũ trường trên đường Tự Do.
Chẳng phải như vậy nghĩa là tôi lớn tiếng buộc tội các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã cố tình xóa bỏ làng quê để phát tán các cô gái ra khỏi làng, rồi các cô chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là phục vụ tình dục cho cũng chính các chàng trai đã oanh tạc, nã đạn pháo, đốt phá và buộc dân làng tản cư? Thật ra tôi chỉ nêu rõ rằng việc sản sinh gái mại dâm bản địa phục vụ các binh sĩ ngoại quốc là hệ quả tất yếu của cuộc chiến tranh chiếm đóng, một trong những tác động ô trọc cục bộ của hành trình bảo vệ tự do mà tất cả những người Mẹ, người vợ, người chị, em gái, bạn gái, cả những mục sư và các chính trị gia trong Thị trấn Smallville , trong nước Mỹ, thảy đều giả lơ nấp sau vẻ mặt ca tụng hiệu quả kiên cường thô ráp và hào nhoáng khi đón đoàn quân viễn chinh hồi hương, hầu hết là những người đang chờ được chữa trị bao thứ bệnh khó nói bằng thuốc penicillin từ lòng bao dung nơi đất mẹ.
Bộ ba minh tinh này cũng lại đang hứa hẹn một thứ bao dung khác mà tựu trung cũng chẳng vừa gì. Họ trơ trẽn ve vãn tôi và trêu chọc Bon và anh chồng người Mỹ có bộ ria hải mã, giờ đã thức dậy. Cả hai chỉ nhăn mặt như thể vẫn còn ngây thơ nhưng vẫn biết hết hai bà vợ đang im lặng giận dữ bên cạnh. Tôi thì khác, tôi vui vẻ ve vãn lại và cũng biết rõ rằng ả giang hồ lúc nào cũng thủ sẵn một cốt chuyện hoàn toàn có thể làm mình mủi lòng, thậm chí còn có thể sờ tới cả tài khoản ngân hàng của mình nữa. Nhưng chẳng lẽ tôi không có một câu chuyện lòng cùng như họ chăng? Người diễn tuồng khi diễn thì chí ít cũng có thể vơi quên phần nào nỗi buồn trong tâm, điều mà tôi đang nếm trải.
Trong tình thế hiện tại còn biết làm gì hơn là đùa chơi và tán gái, một tình huống cho tất cả mọi người một cơ hội gắng gượng làm vui bao lâu có thể còn cảm thấy vui được với những niềm vui như vậy. Và để vui thì chỉ việc nhìn ngắm các nàng!
Mimi người cao lớn, mái tóc suông dài, móng tay chân sơn màu hồng, đầu móng bóng loáng như những hạt đậu bằng thạch nhũ. Cô có giọng nói hơi khàn khàn với tiếng Huế huyền mơ, nghe cô nói các mạch máu của tôi như thắt lại, thấy mình như bị du vào một cơn mê mơ hồ nào. Ti Ti thì mảnh mai nhỏ nhắn, với kiểu tóc uốn dợn sóng tuyệt vời làm cô trông cao hơn, nước da cô trắng ngà, hai hàng mi run rẩy khói sương. Tôi ước gì được ôm nàng trong vòng tay và sà mi, mắt mình lên nàng với một nụ phong tình. Phi Phi là cánh nhạn đầu đàn, những đường cong uốn lượn trên tấm thân ấy như gợi lại trong tôi những cồn cát nhấp nhô của Phan Thiết, nơi có lần mẹ tôi đã đem tôi theo trong một kỳ đi nghỉ mát. Hồi đó Mẹ mặc đồ không còn gì kín hơn nữa khi trùm hết từ đầu đến chân, còn tôi say sưa nghịch cát trên biển vàng cát trắng. Chút ký ức thần tiên của thời tuổi dại say mê và hạnh phúc nay như được Phi Phi làm sống dậy bởi mùi thơm nơi người nàng, mùi cũng y như thế, hương thơm cũng gần như thế, hay bởi tôi quá liên tưởng đến mùi nước hoa màu mật ong từ một lọ nhỏ của mẹ tôi còn nhớ thuở xưa, là món quà tặng của cha tôi mà bà chỉ xức có một lần trong năm. Thế là, tôi cảm thấy động lòng với Phi Phi, như một cảm xúc chừng mực và lành mạnh. Tôi thường nổi sóng lòng như thế vài ba lần trong năm và nay như được dịp tốt để bù lại cho những lúc trước.
Trong khi đoàn người tị nạn toàn là những người giàu có, có thế lực, thì làm sao các cô lại xoay xở cách lọt được vào căn cứ không quân này, làm sao các cô móc nối được, hóa ra tất cả là nhờ ở Sarge. Tôi mường tượng ra một mẫu lính thủy vâm đô với đôi chân vạm vỡ đầu đội mũ trắng. Sarge là lính thủy phòng vệ tòa Đại sứ và hết mực thương bọn con gái chúng em, Phi Phi nói. Anh ấy là một con búp bê đa tình, anh không quên ai hết, anh giữ đúng lời đã nói là không quên chúng em thật. Hai cô kia nghe vậy cùng gật đầu phụ họa, Mimi thì búng tanh tách kẹo cao su trong miệng còn Ti Ti thì bẻ khớp ngón tay. Sarge kiếm được một xe buýt và lái lòng vòng trên đường Tự Do để cứu hết bọn gái chúng em quẩn quanh ở đó đang nóng lòng được đi thoát. Rồi anh chở bọn em vào căn cứ không quân này, khai với hàng rào quân cảnh là đưa cả bọn đến buổi dạ tiệc để giúp vui cho các anh lính trẻ đang tẻ nhạt ở đây. Các ả đào tơ của lòng tôi quả là khôn khéo như tôi liên tưởng đến Sarge của họ, anh lính Mỹ này bảnh thật, đã giữ đúng lời hứa, tên anh là Ed còn họ là chữ gì đó mà các cô không phát âm rõ ra được. Tôi hỏi sao các cô lại muốn đi, thì Mimi đáp, vì khi người cộng sản đến thì nhất định các cô sẽ bị bỏ tù vì đã từng cộng tác, làm việc cho người Mỹ. Họ gọi bọn em là gái điếm, cô nói. Còn Sài Gòn thì họ bảo là thành phố ăn chơi, đúng không? Ôi cưng, tôi biết còn hơn thế nữa kìa. Ti Ti tiếp lời, thêm nữa, thậm chí nếu bọn em không bị tống vào tù thì cũng chẳng còn hành nghề được nữa. Trong xứ cộng sản, không ai còn mua bán được bất cứ thứ gì hết, phải không? Không còn lợi lộc gì nữa đâu bé yêu, dù gì tôi cũng sẽ chẳng để ai muốn ngồi không mà hưởng cho dù là người cộng sản hay không cộng sản. Lúc này cả ba vừa vỗ tay vừa reo lên. Tuy họ dung tục như thủy thủ Nga đang kỳ nghỉ trên đất liền, nhưng quả là họ cũng nắm vững lý thuyết về giá trị đổi trao. Những gì sẽ thực sự xảy tới cho các cô gái như họ một khi phe cách mạng chiến thắng? Vấn đề này thú thật tôi đã không hề suy nghĩ tới.
Tính cách sung mãn nồng nhiệt của các cô đã làm thời giờ trôi qua thật nhanh, rồi một chiếc C-130 nhấp nháy đèn trên cao, và rồi thậm chí họ và tôi đều thấm mệt khi chờ hàng giờ làm thủ tục mà rồi số thứ tự của chúng tôi cũng chưa được gọi. Các lính thủy cầm loa phóng thanh lẩm bẩm nhắc nhở nghe như tiếng của người bịnh ung thư vòm họng với một thanh quản cứng đờ, trong khi đoàn người tị nạn nay đã mệt nhừ đang thu gom mớ hành lý đáng thương, liêu xiêu vấp ngã khi lên những chiếc xe buýt sẽ chở họ ra phi đạo.
Mười giờ đồng hồ trôi qua, rồi mười một giờ. Tôi nằm xuống và không sao ngủ được, người lính thực thụ trong tôi vẫn nhớ thường quen dí dỏm gọi như vầy là khách sạn ngàn sao. Lúc này tôi chỉ biết ngắm sao trời và tự nhắc mình đang may mắn. Tôi lại ngồi và đốt một điếu thuốc với Bon. Rồi nằm xuống, lại cũng không sao dỗ giấc được, có lẽ do trời nóng quá. Đến nửa đêm, tôi đi rảo quanh một vòng, thử ghé nhà vệ sinh và quả đấy là một ý tồi. Nơi đây chỉ được chuẩn bị cho lượng vừa phải chỉ vài tá quân nhân văn phòng và các loại lính ở thứ bậc thấp, không đủ chịu tải sôi bỏng của cả đoàn gồm hàng ngàn người đang chờ đi tị nạn ngoài kia. Cảnh ở hồ bơi cũng không khá hơn. Trong bao năm hiện diện ở đây, các hồ bơi này là một khu dành riêng cho người Mỹ, giấy vào cửa về sau được cấp cho người da trắng của các nước khác và cho người Nam Dương, Ba Tư, Hung Gia Lợi, Ba Lan thuộc Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát [ICCS]. Đất nước tràn ngập lắm thứ chữ viết tắt, ICCS hay còn bị nhại là "I Can’t Control Shit", có vai trò giám sát việc ngừng bắn giữa phe Bắc Việt và Nam Việt Nam sau khi quân đội Mỹ triệt thoái . Đó là một cuộc ngừng bắn thành công, vì trong hai năm qua chỉ có 150.000 binh sĩ tử trận, kèm thêm một số lượng thương vong nhất định của thường dân nữa. Thử tưởng tượng có biết bao người đã chết mà không đạt được một thỏa thuận hưu chiến nào! Không biết có phải đoàn người tị nạn phẫn nộ bởi tính phân biệt da trắng da màu độc đoán nơi hồ bơi này, hay chỉ vì kẹt quá mà đành tiểu tiện vào hồ.
Tôi đưa tay nắm hàng dây kêu leng keng đang giăng cạnh hồ rồi quay lại sân quần vợt. Bon và Linh ngủ gà ngủ gật, tay che cằm, duy chỉ có Đức là ngon giấc, người cuộn trọn trong lòng mẹ. Tôi ngồi, rồi lại nằm, rồi châm một điếu thuốc, và cứ lơ mơ như vậy cho đến gần bốn giờ sáng thì nghe danh số của bọn tôi được điểm. Tôi chào giã biệt các cô gái, các nàng bĩu môi và hẹn gặp lại ở Guam.
Cả bọn lũ lượt ra khỏi sân tennis và tiến về bãi đậu xe, nơi có một cặp xe buýt chờ sẵn có thể chở nhiều người hơn chứ không chỉ đoàn chín mươi hai người chúng tôi. Đám đông đứng quanh hiện có khoảng hai trăm, nên khi vị Tướng hỏi tôi có biết những ai là người ngoài đoàn, tôi đành hỏi anh lính thủy đứng gần. Anh ta nhún vai. Lượng người trong bọn các ông đâu phải là quá nhiều, hay là tôi đưa hai ông sung vào bọn tôi luôn nhỉ? Một phần tôi đã phát bực khi bước lên xe buýt theo sau ông Sếp cũng đang ủ dột, một phần tôi cũng tự xét thấy chúng tôi vẫn thường xử sự như thế đấy thôi? Xét cho cùng, chúng tôi đã xử với nhau cùng một kiểu, cũng chen chúc những xe máy, xe buýt, xe tải, chan lấn trên thang máy, và rồi là trên máy bay trực thăng với cách tải nặng chết người, tải cả đống “hàng người”, bất chấp các nguyên tắc và khuyến cáo an toàn của hãng máy bay. Vậy thì còn lạ gì khi người ngoài nhìn vào cứ cho vậy là chúng tôi đã hài lòng trong những tình thế mà thực ra chúng tôi đã phải cam chịu? Họ không dám đối xử với một vị Tướng Mỹ như vầy, ông Tướng vừa phàn nàn vừa lấn ép chặt tôi vào thành xe. Thưa vâng, tôi đáp, họ sẽ không hề dám như vầy thật. Trên xe mùi hôi hám và hơi nóng bốc ra thật nhanh từ đám hành khách vừa bị nung ngoài trời cả ngày lẫn đêm, nhưng nơi chiếc C-130 Hercules đang đỗ cũng không mấy xa. Chiếc máy bay quả là một xe tải chở rác có thêm cặp cánh, nó giống như một xe tải rác được chế tạo ở đằng đuôi một tấm nối lớn, phẳng làm một cầu thang dốc để nhận hàng, giờ nó hạ xuống để đón chúng tôi. Cái bụng của vận tải cơ C-130 to bự hào phóng, bên trong sáng mờ một làn ánh đèn xanh ma quái. Bước xuống xe buýt, ông Tướng liền đứng né sang một bên của cầu thang và tôi cũng tiến lại cùng ông xem chừng thân nhân, các thuộc cấp và người đi kèm với họ, có tới hàng trăm người không biết cách leo lên tàu, họ lấy tay tay vẫy với mấy nhân viên phi hành đoàn đang đứng trên cầu thang. Lên nào, đừng ngại, anh nói với Phu nhân, đầu anh bọc kín trong chiếc mũ phi hành to như một quả bóng rổ. Nào thứ tự nào quý bà, cứ từ từ .
Phu nhân khá bối rối nên hơi bị động tâm. Trán bà nhíu lại khi dắt con cái đi qua và như đang cố gắng hiểu nghĩa của cái điệp khúc quán tính thốt ra từ anh nhân viên phi hành. Rồi tôi phát hiện ra một người đàn ông tiến lên thang, có vẻ đang làm ra vẻ tự nhiên để tránh nhìn vào mắt tôi, tay ôm chặt một túi du lịch Pan Am màu xanh áp vào lồng ngực cong vòng. Tôi đã gặp người này mấy ngày trước tại nhà anh ở quận Ba. Một hàng nhân viên hạng trung của Bộ Nội Vụ, anh không cao quá cũng không thấp quá, không quá gầy cũng không quá bự, nước da cũng không xanh xao quá cũng không ngăm đen quá, thuộc loại chẳng quá thông minh hay quá ngốc. Một hạng Vụ trưởng hay Phụ tá Thứ trưởng gì đấy, có lẽ anh cũng chẳng màng tới danh phận lành dữ gì, phận sự của anh trong Bộ có lẽ cũng rỗng tuếch như nhiệm sở của anh thôi. Tôi có nghĩ tới người Vụ trưởng này mấy lần trong ngày kể từ sau cuộc gặp mà không sao nhớ ra khuôn mặt khó nhớ đó, nhưng giờ thì tôi nhận ra ngay khi anh ta leo lên thang. Khi tôi đưa tay vỗ vai, anh hơi rụt lại và cuối cùng cũng quay cặp mắt bỡ ngỡ nhìn lại tôi, vờ như nãy giờ không thấy. Thật là một sự trùng hợp! Tôi nói, không ngờ lại gặp anh trên chuyến bay này. Sếp ạ, phần ghế của chúng ta trên chuyến đi này sẽ không kiếm được nếu không có sự giúp đỡ của loại người này. Ông Tướng gượng gật đầu và hơi nhếch mép như thể tỏ vẻ ông chả bao giờ tính tới chuyện đền đáp lại. Tôi thấy vui, anh Vụ trưởng thì nói lí nhí, rồi một thân hình mảnh khảnh run rẩy và là vợ tiến tới giật tay anh lôi đi. Nhìn bề ngoài thì có vẻ nhỏ yếu nhưng cô ta dư sức kẹp cổ tôi bỏ túi. Rồi đám đông đùn đẩy họ đi qua. Vị Tướng liếc nhìn tôi hỏi: Vui lắm à? Cũng tạm vậy, tôi đáp.
Khi hành khách đã lên máy bay hết, ông Tướng bảo tôi lên trước rồi ông lên theo. Ông là người cuối cùng bước lên cầu thang máy bay dẫn vào khoang hàng hóa không có ghế ngồi. Người lớn ngồi bừa trên sàn hoặc ngồi trên túi hành lý cho trẻ con ngồi lên đầu gối. Đoàn người cũng may mắn có một chỗ tựa như tấm vách, có thể bám vào mấy đoạn dây đeo hàng. Cái khoảng biên địa của thịt da cá nhân giữa người này với người kia giờ đây không còn nữa mà tất cả như hòa vào làm một, tất cả bị buộc phải chấp nhận sự thân mật ngoài ý muốn trong một chuyến bay đào thoát khỏi đất nước chứ không phải trong một hành trình với vé đặt trước. Bon, Linh, và Đức hiện đâu đó ở khu giữa cùng với Phu nhân và đám trẻ. Cầu thang từ từ nâng lên và đóng chặt như thể đóng hộp đoàn người trong khoang tàu. Ông Tướng và tôi cùng các nhân viên phi hành đứng tựa vào mặt thang, giờ đây đầu gối chúng tôi ngang tầm mũi của đám hành khách phía trước. Tiếng của bốn động cơ phản lực cánh quạt đồng loạt khởi động chát cả tai, rung lắc cầu thang ầm ầm. Khi phi cơ bắt đầu dấm dẳn chạy ra phi đạo, cả đoàn người bị nhồi lắc đủ mọi hướng trong văng vẳng nhỏ to những lời cầu kinh. Khi phi cơ tăng tốc tôi bị ép lùi lại sau còn người phụ nữ phía trước cố chống tay tì vào đầu gối tôi, cằm cắm vào ba lô trước bụng tôi. Khi nhiệt độ trong phi cơ tăng quá bốn mươi độ C, thì cả đoàn hành khách càng bốc mùi tợn, mùi của mồ hôi, quần áo bẩn pha lẫn với bao mối lo âu nữa, may đâu có một lối thoát là chút gió thổi qua cánh cửa mở nơi chỗ một nhân viên phi hành đang đứng trong tư thế dạng chân như một tay guitar rock. Nhưng thay vì sáu dây đàn guitar điện thì bên hông anh là một khẩu M16 với ổ đạn 20 vòng. Chẳng khác nào đang trong một chuyến taxi dọc theo phi đạo, tôi thoáng thấy những hàng kè bê tông, những mái nhà vòm khổng lồ, một bãi hoang tàn những phi cơ, chiến đấu cơ bị thiêu hủy mới bùng lên trong một hoạt động bắn phá của địch quân lúc chiều, cánh và thân tàu tơi tả như đàn ruồi thảm hại. Một sự im lặng bao trùm các hành khách, họ như bị thôi miên bởi bao chấn động thân tâm đang xảy ra. Họ, không còn nghi ngờ gì nữa, đang tự hỏi mình là ai. Good-bye, Việt Nam. Au revoir, Sài Gòn.
Một tiếng nổ ầm lên ù cả tai, chấn động của nó mạnh tới nỗi đẩy nhân viên phi hành ngã dúi vào đám hành khách, trong khoảnh khắc tôi còn thấy một ánh chớp sáng qua khe cửa mở trước khi không còn thấy gì hết. Vị Tướng ngã nhào vào tôi đẩy tôi ngã sát vào bức vách, rồi ngã vào những thân người đang hốt hoảng la hét, những thường dân đang cuồng loạn phun cả nước bọt vào mặt tôi. Khi quay sang phải, các bánh xe của phi cơ rít lên trên đường băng, và qua cửa tôi lại thấy những chùm lửa lóe sáng lên. Bản thân tôi chẳng sợ gì hơn là bị chết cháy, hay bị cánh quạt máy bay bằm nát hay bị phân thây bởi hỏa tiễn Katyusha, một cái tên thậm chí nghe qua tưởng như tên của một nhà khoa học Siberia bị điên đã để mất mũi và mấy ngón chân vì lạnh giá.
Lúc trước, tôi đã nhìn thấy cảnh chết chóc hoang tàn đổ nát ở ngọai thành cố đô Huế, những thây người cháy thành than dính chặt vào mớ sắt thép của một chiếc trực thăng Chinook bị bắn rơi bên các thùng xăng cháy đã đốt thiêu luôn cả trung đội quân chiếm đóng, da thịt mặt mũi tử thi bị đốt cháy hết chỉ còn trơ hai hàm răng, như những pho tượng đen cháy đẹp ngời, tất cả đều đã chết lạnh lùng thản nhiên, tóc tai hóa thành tro bụi, không sao còn nhận ra có phải là đồng bào mình hay ai khác trong loài người. Tôi không muốn chết theo kiểu đó; Tôi cũng không hề muốn chết dù bất cứ kiểu nào, ít nhất cũng đừng chết bởi những trận pháo kích của các đồng chí cộng sản phe tôi, thường nã vào Saigon từ mấy vùng ven đô mới chiếm được. Một tay tôi bóp ngực như tự nhắc mình vẫn còn sống. Một ai khác lại bấu vào tai tôi khi những người gào thét phía dưới chân tôi đang ra sức kéo tôi đi. Chỏi ngược lại để cố xoay sang phải, tôi mới biết tay mình đang đặt trên một cái đầu dính dầu nhớt của một ai đó còn chính mình thì lại lấn chặt lên mình ông Tướng. Lại thêm một tiếng nổ ở đâu đó trên phi đạo càng làm điên thêm cơn cuồng loạn này. Đàn ông, đàn bà và trẻ em la lối om sòm thêm một mực độ còn cao hơn nữa. Thình lình động cơ máy bay như ngừng quay và trong một góc độ, tôi kịp nhìn ra cửa thì bên ngoài chẳng còn thấy mà lửa nữa mà toàn một màn đêm đen, có tiếng một người đàn ông gào to, Tất cả chúng ta sắp chết hết bây giờ! Phi hành đoàn, có cách phản ứng thật khéo, họ bắt đầu cho hạ thấp cầu thang xuống, thế là dòng người tị nạn theo phản xạ tự nhiên tràn ngược lại phía mở, dâng về phía trong khoang và lùa tôi về đàng sau họ. Cách duy nhất để sống còn mà không bị dẫm đạp đến chết là lấy ba lô che đầu, lăn cuộn theo mặt thang và ép mạnh vào người bên dưới như tôi đã làm. Một hỏa tiễn khác lại phát nổ trên phi đạo ở đằng sau chúng tôi có vài trăm mét, làm bừng sáng lên cả một dải phi đạo rộng lớn và lộ ra một nơi có thể trú ẩn được gần với dải phân cách bê tông lở lói cách phi đạo chừng có năm chục mét. Ngay sau khi vụ nổ vừa lắng, thì cái đêm tai ương này cũng chẳng còn tối thui nữa. Động cơ ở mạn phải của phi cơ bắt đầu phát cháy, hai ngọn đuốc đỏ rực phun tràn những tia lửa và khói.
Tôi đang trụ bằng tay và đầu gối thì Bon kẹp cổ tôi, một tay anh lôi tôi ra còn một tay lôi Linh. Linh thì vừa ẵm cu Đức đang khóc vừa vòng chặt tay quanh ngực. Một trận mưa hỏa tiễn và đạn pháo trút xuống đường băng chói lòa như một pha diễn sáng lóa nhiệm mầu chỉ chỗ cho đoàn người tị nạn biết mà xông tới chỗ dải phân cách bê tông, người nọ người kia ngã chúi trên mặt đường, bỏ mặc cả những va li hành lý, rồi các cánh quạt quay tít như sấm gào văng ra từ hai động cơ máy bay còn lại thổi bay như nhấc bổng bọn trẻ nhỏ lên và thổi văng đám người lớn đang kinh hoàng. Những ai đến được chỗ dải phân cách liền dúi đầu vào nấp dưới các tảng bê tông, và khi nghe một cái gì đó rít trên không –như một miểng đạn pháo hay một viên đạn- tôi liền rạp người xuống đất và bắt đầu bò. Bon với Linh cũng làm y như vậy, gương mặt ai nấy lộ rõ vẻ căng thẳng nhưng can đảm. Lúc bọn tôi đang dò dẫm tiến đến một chỗ chưa có ai sát một gốc cây thì tôi nghe phi hành đoàn cho tắt hết động cơ. Tiếng ồn động cơ không còn nữa bắt đầu làm lộ rõ tiếng súng như thể có ai đó đã bắn vào chúng tôi. Đạn bay vèo vèo trên không hoặc chạm vào đám bê tông rồi dội ra lại, các tay súng đang nhắm bắn đống lửa của máy bay đang cháy. Ôi con trai ơi, Bon nói, đầu gối thu lên ngực còn một cánh tay ôm choàng lấy quanh Đức đang chen giữa anh và Linh. Họ đang tức giận. Họ muốn có một chỗ ngồi trên chuyến đi thoát khỏi đây. Không đâu, tôi đáp, đó là quân Bắc Việt, họ đã chiếm được khuôn viên này rồi. Và dù tôi mong sao có thể lạc quan mà nghĩ rằng đây chỉ là do người của chúng ta trút nỗi thất vọng của họ. Rồi bình nhiên liệu máy bay thổi tung lên và cháy bùng những quả cầu lửa chiếu sáng cả một trảng rộng lớn của phi trường, khi tôi quay mặt đi tránh khỏi vùng lửa cháy kia, mới thấy cạnh mình là anh chàng Vụ trưởng ban nãy, một viên chức dân sự ngoại hạng, mặt anh gần như ép sát vào lưng tôi và trong đôi mắt bỡ ngỡ kia giờ đây nói lên một điều gì còn rõ hơn cái tựa phim to tướng trên mặt tiền các rạp ciné thường thấy. Ánh mắt làm tôi nhớ lại y như người đặc công cộng sản năm nào hay viên Trung úy Quân cảnh ngoài cổng, phải chăng anh ta đang rất muốn thấy tôi chết lắm.
Quả là tôi đáng bị anh trút hận. Bởi rốt cuộc, tôi đã từ chối anh ta một món khá hời qua lần tôi đến nhà anh không báo trước, địa chỉ nhà tôi biết là nhờ chạy chọt được từ một tay Thiếu tá háu ăn. Đúng là tôi đang có một số thị thực, anh xác nhận khi chúng tôi gặp nhau trong phòng khách nhà anh. Tôi với mấy đồng nghiệp đã làm sẵn cho những ai cần thủ tục hợp thức. Không bất công chăng khi chỉ có những kẻ đặc quyền nhất hoặc ưu tiên nhất mới có cơ hội để đi thoát? Tôi ậm ừ biểu đồng tình. Anh tiếp, nếu có công bằng thật sự thì những ai cần đi đều phải đi được, nhưng đây không phải vậy. Tình thế đó đặt một người như tôi vào một hoàn cảnh khá khó xử. Tôi có tư cách gì mà phán định ai đi ai ở? Xét cho cùng, bất quá tôi chỉ đơn thuần là một thư lại bù nhìn mà thôi. Đại úy, nếu ở trong hoàn cảnh tôi, anh sẽ làm gì?
Tôi hiểu, tôi rất thông cảm tình thế đó thưa ông.
Tôi cố mỉm cười, tôi không đủ kiên nhẫn chờ cho đến cái kết thúc không sao tránh khỏi, nhưng việc phải làm lúc giao thời đã khiến tôi gìm giữ cho mình cái vỏ đạo đức đã thành nếp xưa nay mà anh ta đã mạnh dạn phơi ra trước rồi.
Ông quả là một con người đáng kính từng trải và nguyên tắc. Nói tới đây tôi quay đầu nhìn khắp nhà với biểu tỏ nhà cửa gọn gàng ngăn nắp ắt phải không ít tốn kém. Bốn vách tường tươm tất điểm xuyết mấy con tắc kè với vài đồ trang trí: đồng hồ, lịch, một tranh liễn Tàu, và một ảnh màu Ngô Đình Diệm lúc thịnh thời khi ông chưa bị ám sát vì vẫn tin rằng mình chính là Tổng Thống chứ không phải là một hình nộm của người Mỹ. Giờ đây người đàn ông nhỏ vóc trong bộ complet trắng kia là một vị Thánh của lớp tín đồ Công giáo với ông, người đã phải chịu chết như một kẻ tử đạo tay bị trói, mặt đầy máu trong một tấm ảnh ma quái như một loại hình trắc nghiệm muôn mặt của Rorschach, bức ảnh chụp ông nằm chết trong xe bọc thép kia đã lan truyền trên khắp thế giới. Phải chăng nó mang một thông điệp phảng phất mùi Al Capone: Đừng có gây sự với Hoa Kỳ.
Đúng là bất công thật, tôi nói, với vẻ nổi nóng, là người trung thực mà phải sống một cuộc sống thanh đạm như vậy ở xứ này. Vậy nên, cho phép tôi gửi ông một món quà nhỏ thay lòng cảm kích của sếp tôi mong ông giúp cho. Hiện ông có đủ visa cho chín mươi hai người không? Tôi không chắc anh ta có đủ số, và nếu vậy tôi đã tính là đặt cọc một khoản tiền rồi hẹn ngày quay lại thanh toán phần còn lại. Nhưng khi anh ta trả lời có, tôi liền chìa ra phong bì với khoản tiền mặt tôi còn, $ 4,000, chỉ vừa đủ cho hai thị thực nếu anh ta cảm thấy chấp nhận được. Anh Vụ trưởng mở phong bì đưa ngón tay cái, đầy kinh nghiệm, sờ qua bó giấy bạc. Anh biết ngay trong phong bì chứa bao nhiêu tiền, và số đó không đủ! Anh vỗ phong bì lên mặt bàn, rồi làm như vẫn còn tỏ vẻ bực dọc, anh lại vỗ lần nữa. Này ông, sao ông dám hối lộ tôi!
Tôi ra hiệu cho anh ngồi xuống. Tôi có khác gì ông, cũng là người bị mắc kẹt trong những tình thế khó khăn, bị buộc làm những phải làm. Chuyện chỉ là ông bán đi những thị thực mà ông chẳng phải tốn gì cho nó như ban đầu ông đã chẳng bảo vậy sao? Tôi hỏi anh ta. Và không lẽ vậy là tôi kêu sếp cảnh sát tới bắt cả hai chúng ta luôn sao? Để rồi để hắn chiếm lấy mớ thị thực của ông làm của riêng còn lại đem bán bớt đi cho người khác? Vậy nên chỉ có giải pháp tốt nhất giản dị là chúng ta hãy trở lại với thực tế, tôi gởi ông bốn ngàn đô la cho chín mươi hai thị thực, cứ xem như ông chẳng có chín mươi hai thị thực này cũng chẳng có bốn ngàn đô la như ban đầu vậy. Rồi ngày mai ông lại quay lại nhiệm sở và xoay ra chín mươi hai thị thực khác chẳng khó gì. Xét cho cùng chúng chỉ là giấy thôi mà phải không nào? Nhưng giấy tờ thủ tục không hề chỉ là giấy lộn, nó là cả cuộc sống đấy!
Hồi đó anh căm tôi vì tôi đã lấy hết mớ giấy đó và bây giờ cũng còn căm, mà tôi nào có làm điều gì tệ hại cho anh. Như tôi bây giờ mới thực là tệ hại, chen chúc chui đầu vào mấy tảng bê tông đây mà ẩn nấp mà chẳng biết số phận rồi sẽ ra sao.
Ánh bình minh bắt đầu ló dạng làm mọi sự khá hơn nhưng qua những tia sáng nhợt nhạt đầu ngày tôi thấy đường băng lộ ra một tình trạng khủng khiếp, lổ chỗ lở lói do hỏa tiễn và đạn pháo, chình ình một đống tro tàn của chiếc C-130 còn âm ỉ cháy toát lên mùi hăng hắc của xăng dầu bị cháy. Giữa chỗ tôi với chỗ máy bay cháy là một đống gì đen đen về sau mới tỏ dần thì ra là mớ vali hành lý quăng bừa trong cơn hoảng loạn hồi đêm, có cái bị bật nắp và đồ đạc bên trong vung vãi ra tứ tán. Những tia mặt trời lên cao dần, làm tan mây dần, mỗi lúc mỗi sáng hơn chói chang hơn cho đến khi đạt tới mức làm chói mắt như thể ngọn đèn tra tấn của một cuộc thẩm vấn, sáng rõ cả bóng râm. Bám sát ở mé đông của dải bê tông, mọi người héo úa như những chiếc lá bắt đầu quăn lại, bắt đầu trước tiên với người già và trẻ em. Nước, mẹ ơi, nước, Duc kêu lên. Nhưng Linh chỉ biết nói không, con yêu, chúng ta chẳng có tí nước nào, nhưng rồi sẽ có mau thôi con.
Đúng lúc, một chiếc Hercules xuất hiện trên bầu trời, nhanh chóng áp gần như thể một phi đội cảm tử đang lái. Chiếc C-130 đáp xuống một đoạn phi đạo đằng xa cùng tiếng rít của bánh xe dưới càng phi cơ lẫn trong tiếng rì rào chợt rộ lên từ đám người tị nạn. Ngay khi Hercules quay về hướng chúng tôi để tiến gần lại một cách liều lĩnh chạy băng qua phần giữa phi đạo thì bấy giờ những tiếng rì rào kia biến thành một trận hò reo hân hoan. Thế rồi, tôi nghe thêm một tiếng gì đó khác nữa. Thận trọng thò đầu ra xem, tôi thấy họ, phóng như tên bắn ra khỏi khoang nhà máy bay đậu cùng lúc từ bên trong các dãy tường ngăn làm nơi trú ẩn tuôn ra hàng chục, có khi hàng trăm người nào là thủy quân lục chiến, binh lính, quân cảnh, phi công, nhân viên phi hành, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên hậu cứ của căn cứ không quân, những người không muốn ở lại làm người hùng hay hy sinh. Nhận ra cuộc đua tranh này, đoàn người tị nạn chạy tán loạn về phía C-130, cách chừng năm mươi mét đang trụ tại chỗ trên phi đạo và mặt cầu thang đang hạ dốc xuống như một ra hiệu mời mọc không khách sáo. Ông Tướng và cả nhà chạy trước rồi tới tôi và theo sau là Bon với vợ con anh, chúng tôi dắt díu nhau chạy theo đuôi của đám đông cùng tìm phương đào tẩu.
Khi những người tị nạn đầu tiên chạy lên mặt cầu thang thì tôi nghe thấy tiếng rít của Katyushas, chỉ một giây sau là tiếng nổ ầm của trái hỏa tiễn đầu tiên khi rơi xuống ngoài xa phi đạo. Đạn rít vèo vèo trên đầu, và lần này chúng tôi nghe ra tiếng khạc đạn khác lạ như là tiếng của súng trường AK-47 lẫn trong tiếng súng M16. Chúng đang ở ngay trong căn cứ! Bon hét lên.
Rõ ràng đoàn người chạy nạn hiểu rằng chiếc Hercules này sẽ là chiếc máy bay cuối cùng bay khỏi phi trường, thậm chí nó cất cánh trong khi các đơn vị cộng quân đang khép vòng vây, và thế là một lần nữa đám đông bắt đầu gào la trong sợ hãi. Người người chạy lên mặt dốc cầu thang nhanh chưa từng thấy, ở phía xa của dải phân cách bê tông có tiếng một phi cơ nhỏ, nhanh nhẹn rít lên vào không khí, hẳn là một chiến đấu cơ Tiger nhọn mũi, tiếp đó là tiếng vỗ cánh phành phạch của trực thăng Huey cửa mở tung để lộ cả tá lính đang chen chúc bên trong.
Những đơn vị không quân còn tại sân bay bắt đầu tự di tản chiến thuật bằng bất cứ phương tiện bay nào đang có trong tay. Khi ông Tướng chạm vào lưng của những người trước mặt để đẩy họ leo lên thang, còn tôi đẩy lưng ông, thì một trực thăng chiến đấu thân kép Shadow bay vút lên từ phi đạo ở bên trái tôi. Tôi nhìn theo nó tới khi khuất tầm mắt. Shadow là một loại trực thăng chiến đấu có hình dạng thật vui mắt, bụng máy to bự treo lửng giữa hai thân, nhưng vẻ buồn cười về Shadow bỗng chết lặng khi vệt khói của một hỏa tiễn tầm nhiệt chạy theo cả ngàn dặm vẽ nguệch ngoạc những nét khói kỳ dị trên bầu trời cho đến khi đầu lửa của nó chạm đúng mục tiêu Shadow. Hai nửa của chiếc máy bay và thân tàu cùng với phi hành đoàn rơi lả tả trông như như những mảnh vỡ của một chiếc đĩa tập bắn trên không rơi xuống đất khi bị trúng tác xạ. Thấy cảnh đó dòng người rên la kinh hoàng và càng xô đẩy nhau hơn làm cả bọn khó leo được lên khỏi cầu thang hơn.
Khi ông Tướng đặt chân được lên thang thì tôi dừng lại cốt để cho Linh và Đức qua trước. Nhưng không thấy họ đâu, quay lại tôi mới biết không có ai sau tôi cả. Lên tàu lên tàu, anh nhân viên phi hành hét lên bên cạnh tôi, miệng anh mở to đến nỗi lòi cả thanh quản đang rung lên. Bạn bè của ông lên hết rồi ông ơi!
Cách tôi chừng hai mươi mét là Bon đang quỳ trên phi đạo, tay ôm Linh vào ngực. Một màu đỏ trên ngực từ từ loang rộng trên áo khoác trắng cô đang mặc. Một đám bụi bê tông bay phù lên khi một viên đạn vèo qua đường băng ở khoảng giữa chúng tôi, tôi bỗng nghe miệng môi mình khô khốc. Ném balô tôi lại cho anh nhân viên phi hành, tôi chạy mau thẳng tiến về phía họ, nhảy băng qua 1 túi hành lý vô chủ. Tôi trượt hai mét cuối cùng, mặc chân tay trầy da sướt thịt. Bon gừ lên một tiếng ai oán đớn đau mà tôi chưa từng nghe nơi anh bao giờ. Dức nằm giữa anh và Linh, đôi mắt Duc trợn ngược, và khi tôi đưa tay gỡ hai vợ chồng ra, tôi thấy chỗ vết thương nhầy máu nơi ngực Duc như thể bị cái gì đó xé toạc rồi xuyên qua người mẹ Duc. Ông Tướng và anh nhân viên phi hành la hét cái gì đó tôi không nghe được trong tiếng rền ngày càng ồn lên của cánh quạt máy bay. Cứ đi đi, tôi la lên. Họ đang sắp bay! Tôi kéo vai áo Bon nhưng anh bất động, chìm sâu trong đau khổ. Không còn cách nào khác, tôi quại anh ta một đấm ở hàm chỉ vừa đủ để anh ngừng khóc và nới lỏng tay ra. Rồi khi tôi lấy tay kéo mạnh để gỡ Linh ra khỏi tay Bon thì Dức liền ngã nhào xuống đường băng, đầu vẹo qua một bên. Bon rú lên một tiếng thất thanh khi tôi chạy lại máy bay, trên vai là Linh nảy xốc lên mà chẳng nghe cô la lấy một tiếng, máu cô nóng hổi và ướt đẫm trên vai và cổ tôi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Trong khi bạn thân cũng như sơ cám cảnh cho tình trạng độc thân của tôi như thể là một bi kịch của phận con hoang, thì tôi lại thấy rằng độc thân không những được tự do mà còn phù hợp với cuộc sống bí mật của một gián điệp hai mang như mình, người cứ tự lầm lũi một mình là hay hơn cả. Là người còn độc thân cũng có nghĩa là tôi có thể bắt chuyện thoải mái với các nàng gái làm tiền đang trơ tráo phơi bày đùi chân hấp dẫn giữa dòng người chờ di tản và lấy các xấp giấy báo cũ làm quạt mát cho các khe núi ướt đẫm mồ hôi đang được các áo ngực của thời đại tân kỳ này nâng lên quá đáng cốt sao để lồ lộ cái nào ra cái nấy.
Các nàng tự xưng tên là Mimi, Phi Phi, và Ti Ti, những cái tên nghe qua đủ biết họ thuộc giới gái ăn sương, thế nhưng bộ ba này dư sức phả một luồng sinh khí vào tim tôi. Có lẽ họ chợt nghĩ ra những cái tên đó ngay tại chỗ, bởi tên thì dễ thay xoành xoạch như khách hàng vậy thôi. Nếu vậy, quả là họ đã diễn vai thật là phản xạ lành nghề dày dạn sau bao năm kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi vốn dành cho các nàng gái giang hồ một sự tôn trọng nhất định, họ quen gian giảo nhưng dẫu sao cũng còn rộng rãi hơn giới luật sư dù cả hai đều tính thù lao theo giờ. Tuy nhiên nếu chỉ nói về mặt tài chính không thôi là còn phiến diện. Tốt hơn, để tiếp cận một cô gái điếm thì phải lấy thái độ của một khán giả đi coi kịch, cứ ngồi yên đó mà xem và đừng mất công đoán già đoán non gì trong suốt vở diễn. Bậy nhất là những anh chàng ngờ nghệch cứ khăng khăng rằng gái chơi chỉ là một lũ người làm bộ ngây thơ cho xong khoản tiền đã được thuận trả, hay ngược lại, cứ tin hết vào những gì đang diễn rồi cứ theo đó mà lấy ảo cảnh làm thật. Tỉ như, những chàng trai trưởng thành sẽ cười nhạo nếu nghe ai nói con kỳ lân cũng khóc như muốn chứng tỏ có một loài thậm quý hiếm huyền nhiệm vẫn còn tồn tại. Chỉ nơi những góc khuất, hay nơi tối tăm sâu thẳm nhất của những trà đình tửu điếm ăn chơi mới có nàng gái điếm mà trong ngực luôn đập rộn một trái tim vàng. Tôi bảo đảm với bạn rằng nếu có một phần thân thể của gái ăn sương được làm bằng vàng, thì đó không phải là trái tim nàng mà là một chút gì ta tin vẫn còn sót lại nơi một khía cạnh khác của nàng đó là dấu chỉ của một người diễn tuồng vẫn còn giữ cái tâm sòng phẳng.
Đến cấp độ này, ba cô gái quả đã là những người nhập vai diễn dày dạn, khó mà nói được rằng nếu làm một nghiên cứu đàng hoàng, với chứng lý tiêu biểu, lấy mẫu ngẫu nhiên tính trong số 70 hoặc 80 phần trăm gái mại dâm ở thủ đô và các tỉnh, dám có đến hàng chục và có lẽ hàng trăm ngàn cô như thế. Hầu hết các cô xuất thân nghèo khó, những cô gái quê ít học không có phương tiện kiếm sống ngoại trừ việc sống bám vào các chú lính Mỹ tuổi đời mới mười chín đôi mươi. Ống quần anh lính gồ lên cuộn đô la căng phồng còn trí não mới lớn kia thì căng ra khi anh lên cơn sốt rét vàng da, một thứ bịnh đã tấn công rất nhiều người phương Tây khi mới đến xứ châu Á, lúc đó anh lính Mỹ cảm thấy như đã tìm ra điều gì bất ngờ và lấy làm thỏa thích rằng trong thế giới xanh màu cây rừng chập chùng này anh đâu chỉ là Clark Kent mà là Superman, chí ít cũng có liên quan đến đàn bà. Những Superman đã xâm chiếm (hay bị xâm chiếm?) xứ sở nhỏ bé mầu mỡ này khiến chúng tôi không còn tiếp tục sản xuất ra một lượng đáng kể lúa gạo, cao su, thiếc, và trồng trọt như xưa. Thay vào đó là một vụ mùa bội thu hàng năm gái mại dâm, những cô gái đã không sao biết nhảy theo một bản nhạc rock mà phải đợi đến khi mấy tên ma cô, chúng tôi gọi là du đãng, vỗ sỗ sàng lên bộ ngực đang run rẩy kia và giục họ tiến lên sàn nhảy ở một vũ trường trên đường Tự Do.
Chẳng phải như vậy nghĩa là tôi lớn tiếng buộc tội các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã cố tình xóa bỏ làng quê để phát tán các cô gái ra khỏi làng, rồi các cô chẳng còn lựa chọn nào khác hơn là phục vụ tình dục cho cũng chính các chàng trai đã oanh tạc, nã đạn pháo, đốt phá và buộc dân làng tản cư? Thật ra tôi chỉ nêu rõ rằng việc sản sinh gái mại dâm bản địa phục vụ các binh sĩ ngoại quốc là hệ quả tất yếu của cuộc chiến tranh chiếm đóng, một trong những tác động ô trọc cục bộ của hành trình bảo vệ tự do mà tất cả những người Mẹ, người vợ, người chị, em gái, bạn gái, cả những mục sư và các chính trị gia trong Thị trấn Smallville , trong nước Mỹ, thảy đều giả lơ nấp sau vẻ mặt ca tụng hiệu quả kiên cường thô ráp và hào nhoáng khi đón đoàn quân viễn chinh hồi hương, hầu hết là những người đang chờ được chữa trị bao thứ bệnh khó nói bằng thuốc penicillin từ lòng bao dung nơi đất mẹ.
Bộ ba minh tinh này cũng lại đang hứa hẹn một thứ bao dung khác mà tựu trung cũng chẳng vừa gì. Họ trơ trẽn ve vãn tôi và trêu chọc Bon và anh chồng người Mỹ có bộ ria hải mã, giờ đã thức dậy. Cả hai chỉ nhăn mặt như thể vẫn còn ngây thơ nhưng vẫn biết hết hai bà vợ đang im lặng giận dữ bên cạnh. Tôi thì khác, tôi vui vẻ ve vãn lại và cũng biết rõ rằng ả giang hồ lúc nào cũng thủ sẵn một cốt chuyện hoàn toàn có thể làm mình mủi lòng, thậm chí còn có thể sờ tới cả tài khoản ngân hàng của mình nữa. Nhưng chẳng lẽ tôi không có một câu chuyện lòng cùng như họ chăng? Người diễn tuồng khi diễn thì chí ít cũng có thể vơi quên phần nào nỗi buồn trong tâm, điều mà tôi đang nếm trải.
Trong tình thế hiện tại còn biết làm gì hơn là đùa chơi và tán gái, một tình huống cho tất cả mọi người một cơ hội gắng gượng làm vui bao lâu có thể còn cảm thấy vui được với những niềm vui như vậy. Và để vui thì chỉ việc nhìn ngắm các nàng!
Mimi người cao lớn, mái tóc suông dài, móng tay chân sơn màu hồng, đầu móng bóng loáng như những hạt đậu bằng thạch nhũ. Cô có giọng nói hơi khàn khàn với tiếng Huế huyền mơ, nghe cô nói các mạch máu của tôi như thắt lại, thấy mình như bị du vào một cơn mê mơ hồ nào. Ti Ti thì mảnh mai nhỏ nhắn, với kiểu tóc uốn dợn sóng tuyệt vời làm cô trông cao hơn, nước da cô trắng ngà, hai hàng mi run rẩy khói sương. Tôi ước gì được ôm nàng trong vòng tay và sà mi, mắt mình lên nàng với một nụ phong tình. Phi Phi là cánh nhạn đầu đàn, những đường cong uốn lượn trên tấm thân ấy như gợi lại trong tôi những cồn cát nhấp nhô của Phan Thiết, nơi có lần mẹ tôi đã đem tôi theo trong một kỳ đi nghỉ mát. Hồi đó Mẹ mặc đồ không còn gì kín hơn nữa khi trùm hết từ đầu đến chân, còn tôi say sưa nghịch cát trên biển vàng cát trắng. Chút ký ức thần tiên của thời tuổi dại say mê và hạnh phúc nay như được Phi Phi làm sống dậy bởi mùi thơm nơi người nàng, mùi cũng y như thế, hương thơm cũng gần như thế, hay bởi tôi quá liên tưởng đến mùi nước hoa màu mật ong từ một lọ nhỏ của mẹ tôi còn nhớ thuở xưa, là món quà tặng của cha tôi mà bà chỉ xức có một lần trong năm. Thế là, tôi cảm thấy động lòng với Phi Phi, như một cảm xúc chừng mực và lành mạnh. Tôi thường nổi sóng lòng như thế vài ba lần trong năm và nay như được dịp tốt để bù lại cho những lúc trước.
Trong khi đoàn người tị nạn toàn là những người giàu có, có thế lực, thì làm sao các cô lại xoay xở cách lọt được vào căn cứ không quân này, làm sao các cô móc nối được, hóa ra tất cả là nhờ ở Sarge. Tôi mường tượng ra một mẫu lính thủy vâm đô với đôi chân vạm vỡ đầu đội mũ trắng. Sarge là lính thủy phòng vệ tòa Đại sứ và hết mực thương bọn con gái chúng em, Phi Phi nói. Anh ấy là một con búp bê đa tình, anh không quên ai hết, anh giữ đúng lời đã nói là không quên chúng em thật. Hai cô kia nghe vậy cùng gật đầu phụ họa, Mimi thì búng tanh tách kẹo cao su trong miệng còn Ti Ti thì bẻ khớp ngón tay. Sarge kiếm được một xe buýt và lái lòng vòng trên đường Tự Do để cứu hết bọn gái chúng em quẩn quanh ở đó đang nóng lòng được đi thoát. Rồi anh chở bọn em vào căn cứ không quân này, khai với hàng rào quân cảnh là đưa cả bọn đến buổi dạ tiệc để giúp vui cho các anh lính trẻ đang tẻ nhạt ở đây. Các ả đào tơ của lòng tôi quả là khôn khéo như tôi liên tưởng đến Sarge của họ, anh lính Mỹ này bảnh thật, đã giữ đúng lời hứa, tên anh là Ed còn họ là chữ gì đó mà các cô không phát âm rõ ra được. Tôi hỏi sao các cô lại muốn đi, thì Mimi đáp, vì khi người cộng sản đến thì nhất định các cô sẽ bị bỏ tù vì đã từng cộng tác, làm việc cho người Mỹ. Họ gọi bọn em là gái điếm, cô nói. Còn Sài Gòn thì họ bảo là thành phố ăn chơi, đúng không? Ôi cưng, tôi biết còn hơn thế nữa kìa. Ti Ti tiếp lời, thêm nữa, thậm chí nếu bọn em không bị tống vào tù thì cũng chẳng còn hành nghề được nữa. Trong xứ cộng sản, không ai còn mua bán được bất cứ thứ gì hết, phải không? Không còn lợi lộc gì nữa đâu bé yêu, dù gì tôi cũng sẽ chẳng để ai muốn ngồi không mà hưởng cho dù là người cộng sản hay không cộng sản. Lúc này cả ba vừa vỗ tay vừa reo lên. Tuy họ dung tục như thủy thủ Nga đang kỳ nghỉ trên đất liền, nhưng quả là họ cũng nắm vững lý thuyết về giá trị đổi trao. Những gì sẽ thực sự xảy tới cho các cô gái như họ một khi phe cách mạng chiến thắng? Vấn đề này thú thật tôi đã không hề suy nghĩ tới.
Tính cách sung mãn nồng nhiệt của các cô đã làm thời giờ trôi qua thật nhanh, rồi một chiếc C-130 nhấp nháy đèn trên cao, và rồi thậm chí họ và tôi đều thấm mệt khi chờ hàng giờ làm thủ tục mà rồi số thứ tự của chúng tôi cũng chưa được gọi. Các lính thủy cầm loa phóng thanh lẩm bẩm nhắc nhở nghe như tiếng của người bịnh ung thư vòm họng với một thanh quản cứng đờ, trong khi đoàn người tị nạn nay đã mệt nhừ đang thu gom mớ hành lý đáng thương, liêu xiêu vấp ngã khi lên những chiếc xe buýt sẽ chở họ ra phi đạo.
Mười giờ đồng hồ trôi qua, rồi mười một giờ. Tôi nằm xuống và không sao ngủ được, người lính thực thụ trong tôi vẫn nhớ thường quen dí dỏm gọi như vầy là khách sạn ngàn sao. Lúc này tôi chỉ biết ngắm sao trời và tự nhắc mình đang may mắn. Tôi lại ngồi và đốt một điếu thuốc với Bon. Rồi nằm xuống, lại cũng không sao dỗ giấc được, có lẽ do trời nóng quá. Đến nửa đêm, tôi đi rảo quanh một vòng, thử ghé nhà vệ sinh và quả đấy là một ý tồi. Nơi đây chỉ được chuẩn bị cho lượng vừa phải chỉ vài tá quân nhân văn phòng và các loại lính ở thứ bậc thấp, không đủ chịu tải sôi bỏng của cả đoàn gồm hàng ngàn người đang chờ đi tị nạn ngoài kia. Cảnh ở hồ bơi cũng không khá hơn. Trong bao năm hiện diện ở đây, các hồ bơi này là một khu dành riêng cho người Mỹ, giấy vào cửa về sau được cấp cho người da trắng của các nước khác và cho người Nam Dương, Ba Tư, Hung Gia Lợi, Ba Lan thuộc Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát [ICCS]. Đất nước tràn ngập lắm thứ chữ viết tắt, ICCS hay còn bị nhại là "I Can’t Control Shit", có vai trò giám sát việc ngừng bắn giữa phe Bắc Việt và Nam Việt Nam sau khi quân đội Mỹ triệt thoái . Đó là một cuộc ngừng bắn thành công, vì trong hai năm qua chỉ có 150.000 binh sĩ tử trận, kèm thêm một số lượng thương vong nhất định của thường dân nữa. Thử tưởng tượng có biết bao người đã chết mà không đạt được một thỏa thuận hưu chiến nào! Không biết có phải đoàn người tị nạn phẫn nộ bởi tính phân biệt da trắng da màu độc đoán nơi hồ bơi này, hay chỉ vì kẹt quá mà đành tiểu tiện vào hồ.
Tôi đưa tay nắm hàng dây kêu leng keng đang giăng cạnh hồ rồi quay lại sân quần vợt. Bon và Linh ngủ gà ngủ gật, tay che cằm, duy chỉ có Đức là ngon giấc, người cuộn trọn trong lòng mẹ. Tôi ngồi, rồi lại nằm, rồi châm một điếu thuốc, và cứ lơ mơ như vậy cho đến gần bốn giờ sáng thì nghe danh số của bọn tôi được điểm. Tôi chào giã biệt các cô gái, các nàng bĩu môi và hẹn gặp lại ở Guam.
Cả bọn lũ lượt ra khỏi sân tennis và tiến về bãi đậu xe, nơi có một cặp xe buýt chờ sẵn có thể chở nhiều người hơn chứ không chỉ đoàn chín mươi hai người chúng tôi. Đám đông đứng quanh hiện có khoảng hai trăm, nên khi vị Tướng hỏi tôi có biết những ai là người ngoài đoàn, tôi đành hỏi anh lính thủy đứng gần. Anh ta nhún vai. Lượng người trong bọn các ông đâu phải là quá nhiều, hay là tôi đưa hai ông sung vào bọn tôi luôn nhỉ? Một phần tôi đã phát bực khi bước lên xe buýt theo sau ông Sếp cũng đang ủ dột, một phần tôi cũng tự xét thấy chúng tôi vẫn thường xử sự như thế đấy thôi? Xét cho cùng, chúng tôi đã xử với nhau cùng một kiểu, cũng chen chúc những xe máy, xe buýt, xe tải, chan lấn trên thang máy, và rồi là trên máy bay trực thăng với cách tải nặng chết người, tải cả đống “hàng người”, bất chấp các nguyên tắc và khuyến cáo an toàn của hãng máy bay. Vậy thì còn lạ gì khi người ngoài nhìn vào cứ cho vậy là chúng tôi đã hài lòng trong những tình thế mà thực ra chúng tôi đã phải cam chịu? Họ không dám đối xử với một vị Tướng Mỹ như vầy, ông Tướng vừa phàn nàn vừa lấn ép chặt tôi vào thành xe. Thưa vâng, tôi đáp, họ sẽ không hề dám như vầy thật. Trên xe mùi hôi hám và hơi nóng bốc ra thật nhanh từ đám hành khách vừa bị nung ngoài trời cả ngày lẫn đêm, nhưng nơi chiếc C-130 Hercules đang đỗ cũng không mấy xa. Chiếc máy bay quả là một xe tải chở rác có thêm cặp cánh, nó giống như một xe tải rác được chế tạo ở đằng đuôi một tấm nối lớn, phẳng làm một cầu thang dốc để nhận hàng, giờ nó hạ xuống để đón chúng tôi. Cái bụng của vận tải cơ C-130 to bự hào phóng, bên trong sáng mờ một làn ánh đèn xanh ma quái. Bước xuống xe buýt, ông Tướng liền đứng né sang một bên của cầu thang và tôi cũng tiến lại cùng ông xem chừng thân nhân, các thuộc cấp và người đi kèm với họ, có tới hàng trăm người không biết cách leo lên tàu, họ lấy tay tay vẫy với mấy nhân viên phi hành đoàn đang đứng trên cầu thang. Lên nào, đừng ngại, anh nói với Phu nhân, đầu anh bọc kín trong chiếc mũ phi hành to như một quả bóng rổ. Nào thứ tự nào quý bà, cứ từ từ .
Phu nhân khá bối rối nên hơi bị động tâm. Trán bà nhíu lại khi dắt con cái đi qua và như đang cố gắng hiểu nghĩa của cái điệp khúc quán tính thốt ra từ anh nhân viên phi hành. Rồi tôi phát hiện ra một người đàn ông tiến lên thang, có vẻ đang làm ra vẻ tự nhiên để tránh nhìn vào mắt tôi, tay ôm chặt một túi du lịch Pan Am màu xanh áp vào lồng ngực cong vòng. Tôi đã gặp người này mấy ngày trước tại nhà anh ở quận Ba. Một hàng nhân viên hạng trung của Bộ Nội Vụ, anh không cao quá cũng không thấp quá, không quá gầy cũng không quá bự, nước da cũng không xanh xao quá cũng không ngăm đen quá, thuộc loại chẳng quá thông minh hay quá ngốc. Một hạng Vụ trưởng hay Phụ tá Thứ trưởng gì đấy, có lẽ anh cũng chẳng màng tới danh phận lành dữ gì, phận sự của anh trong Bộ có lẽ cũng rỗng tuếch như nhiệm sở của anh thôi. Tôi có nghĩ tới người Vụ trưởng này mấy lần trong ngày kể từ sau cuộc gặp mà không sao nhớ ra khuôn mặt khó nhớ đó, nhưng giờ thì tôi nhận ra ngay khi anh ta leo lên thang. Khi tôi đưa tay vỗ vai, anh hơi rụt lại và cuối cùng cũng quay cặp mắt bỡ ngỡ nhìn lại tôi, vờ như nãy giờ không thấy. Thật là một sự trùng hợp! Tôi nói, không ngờ lại gặp anh trên chuyến bay này. Sếp ạ, phần ghế của chúng ta trên chuyến đi này sẽ không kiếm được nếu không có sự giúp đỡ của loại người này. Ông Tướng gượng gật đầu và hơi nhếch mép như thể tỏ vẻ ông chả bao giờ tính tới chuyện đền đáp lại. Tôi thấy vui, anh Vụ trưởng thì nói lí nhí, rồi một thân hình mảnh khảnh run rẩy và là vợ tiến tới giật tay anh lôi đi. Nhìn bề ngoài thì có vẻ nhỏ yếu nhưng cô ta dư sức kẹp cổ tôi bỏ túi. Rồi đám đông đùn đẩy họ đi qua. Vị Tướng liếc nhìn tôi hỏi: Vui lắm à? Cũng tạm vậy, tôi đáp.
Khi hành khách đã lên máy bay hết, ông Tướng bảo tôi lên trước rồi ông lên theo. Ông là người cuối cùng bước lên cầu thang máy bay dẫn vào khoang hàng hóa không có ghế ngồi. Người lớn ngồi bừa trên sàn hoặc ngồi trên túi hành lý cho trẻ con ngồi lên đầu gối. Đoàn người cũng may mắn có một chỗ tựa như tấm vách, có thể bám vào mấy đoạn dây đeo hàng. Cái khoảng biên địa của thịt da cá nhân giữa người này với người kia giờ đây không còn nữa mà tất cả như hòa vào làm một, tất cả bị buộc phải chấp nhận sự thân mật ngoài ý muốn trong một chuyến bay đào thoát khỏi đất nước chứ không phải trong một hành trình với vé đặt trước. Bon, Linh, và Đức hiện đâu đó ở khu giữa cùng với Phu nhân và đám trẻ. Cầu thang từ từ nâng lên và đóng chặt như thể đóng hộp đoàn người trong khoang tàu. Ông Tướng và tôi cùng các nhân viên phi hành đứng tựa vào mặt thang, giờ đây đầu gối chúng tôi ngang tầm mũi của đám hành khách phía trước. Tiếng của bốn động cơ phản lực cánh quạt đồng loạt khởi động chát cả tai, rung lắc cầu thang ầm ầm. Khi phi cơ bắt đầu dấm dẳn chạy ra phi đạo, cả đoàn người bị nhồi lắc đủ mọi hướng trong văng vẳng nhỏ to những lời cầu kinh. Khi phi cơ tăng tốc tôi bị ép lùi lại sau còn người phụ nữ phía trước cố chống tay tì vào đầu gối tôi, cằm cắm vào ba lô trước bụng tôi. Khi nhiệt độ trong phi cơ tăng quá bốn mươi độ C, thì cả đoàn hành khách càng bốc mùi tợn, mùi của mồ hôi, quần áo bẩn pha lẫn với bao mối lo âu nữa, may đâu có một lối thoát là chút gió thổi qua cánh cửa mở nơi chỗ một nhân viên phi hành đang đứng trong tư thế dạng chân như một tay guitar rock. Nhưng thay vì sáu dây đàn guitar điện thì bên hông anh là một khẩu M16 với ổ đạn 20 vòng. Chẳng khác nào đang trong một chuyến taxi dọc theo phi đạo, tôi thoáng thấy những hàng kè bê tông, những mái nhà vòm khổng lồ, một bãi hoang tàn những phi cơ, chiến đấu cơ bị thiêu hủy mới bùng lên trong một hoạt động bắn phá của địch quân lúc chiều, cánh và thân tàu tơi tả như đàn ruồi thảm hại. Một sự im lặng bao trùm các hành khách, họ như bị thôi miên bởi bao chấn động thân tâm đang xảy ra. Họ, không còn nghi ngờ gì nữa, đang tự hỏi mình là ai. Good-bye, Việt Nam. Au revoir, Sài Gòn.
Một tiếng nổ ầm lên ù cả tai, chấn động của nó mạnh tới nỗi đẩy nhân viên phi hành ngã dúi vào đám hành khách, trong khoảnh khắc tôi còn thấy một ánh chớp sáng qua khe cửa mở trước khi không còn thấy gì hết. Vị Tướng ngã nhào vào tôi đẩy tôi ngã sát vào bức vách, rồi ngã vào những thân người đang hốt hoảng la hét, những thường dân đang cuồng loạn phun cả nước bọt vào mặt tôi. Khi quay sang phải, các bánh xe của phi cơ rít lên trên đường băng, và qua cửa tôi lại thấy những chùm lửa lóe sáng lên. Bản thân tôi chẳng sợ gì hơn là bị chết cháy, hay bị cánh quạt máy bay bằm nát hay bị phân thây bởi hỏa tiễn Katyusha, một cái tên thậm chí nghe qua tưởng như tên của một nhà khoa học Siberia bị điên đã để mất mũi và mấy ngón chân vì lạnh giá.
Lúc trước, tôi đã nhìn thấy cảnh chết chóc hoang tàn đổ nát ở ngọai thành cố đô Huế, những thây người cháy thành than dính chặt vào mớ sắt thép của một chiếc trực thăng Chinook bị bắn rơi bên các thùng xăng cháy đã đốt thiêu luôn cả trung đội quân chiếm đóng, da thịt mặt mũi tử thi bị đốt cháy hết chỉ còn trơ hai hàm răng, như những pho tượng đen cháy đẹp ngời, tất cả đều đã chết lạnh lùng thản nhiên, tóc tai hóa thành tro bụi, không sao còn nhận ra có phải là đồng bào mình hay ai khác trong loài người. Tôi không muốn chết theo kiểu đó; Tôi cũng không hề muốn chết dù bất cứ kiểu nào, ít nhất cũng đừng chết bởi những trận pháo kích của các đồng chí cộng sản phe tôi, thường nã vào Saigon từ mấy vùng ven đô mới chiếm được. Một tay tôi bóp ngực như tự nhắc mình vẫn còn sống. Một ai khác lại bấu vào tai tôi khi những người gào thét phía dưới chân tôi đang ra sức kéo tôi đi. Chỏi ngược lại để cố xoay sang phải, tôi mới biết tay mình đang đặt trên một cái đầu dính dầu nhớt của một ai đó còn chính mình thì lại lấn chặt lên mình ông Tướng. Lại thêm một tiếng nổ ở đâu đó trên phi đạo càng làm điên thêm cơn cuồng loạn này. Đàn ông, đàn bà và trẻ em la lối om sòm thêm một mực độ còn cao hơn nữa. Thình lình động cơ máy bay như ngừng quay và trong một góc độ, tôi kịp nhìn ra cửa thì bên ngoài chẳng còn thấy mà lửa nữa mà toàn một màn đêm đen, có tiếng một người đàn ông gào to, Tất cả chúng ta sắp chết hết bây giờ! Phi hành đoàn, có cách phản ứng thật khéo, họ bắt đầu cho hạ thấp cầu thang xuống, thế là dòng người tị nạn theo phản xạ tự nhiên tràn ngược lại phía mở, dâng về phía trong khoang và lùa tôi về đàng sau họ. Cách duy nhất để sống còn mà không bị dẫm đạp đến chết là lấy ba lô che đầu, lăn cuộn theo mặt thang và ép mạnh vào người bên dưới như tôi đã làm. Một hỏa tiễn khác lại phát nổ trên phi đạo ở đằng sau chúng tôi có vài trăm mét, làm bừng sáng lên cả một dải phi đạo rộng lớn và lộ ra một nơi có thể trú ẩn được gần với dải phân cách bê tông lở lói cách phi đạo chừng có năm chục mét. Ngay sau khi vụ nổ vừa lắng, thì cái đêm tai ương này cũng chẳng còn tối thui nữa. Động cơ ở mạn phải của phi cơ bắt đầu phát cháy, hai ngọn đuốc đỏ rực phun tràn những tia lửa và khói.
Tôi đang trụ bằng tay và đầu gối thì Bon kẹp cổ tôi, một tay anh lôi tôi ra còn một tay lôi Linh. Linh thì vừa ẵm cu Đức đang khóc vừa vòng chặt tay quanh ngực. Một trận mưa hỏa tiễn và đạn pháo trút xuống đường băng chói lòa như một pha diễn sáng lóa nhiệm mầu chỉ chỗ cho đoàn người tị nạn biết mà xông tới chỗ dải phân cách bê tông, người nọ người kia ngã chúi trên mặt đường, bỏ mặc cả những va li hành lý, rồi các cánh quạt quay tít như sấm gào văng ra từ hai động cơ máy bay còn lại thổi bay như nhấc bổng bọn trẻ nhỏ lên và thổi văng đám người lớn đang kinh hoàng. Những ai đến được chỗ dải phân cách liền dúi đầu vào nấp dưới các tảng bê tông, và khi nghe một cái gì đó rít trên không –như một miểng đạn pháo hay một viên đạn- tôi liền rạp người xuống đất và bắt đầu bò. Bon với Linh cũng làm y như vậy, gương mặt ai nấy lộ rõ vẻ căng thẳng nhưng can đảm. Lúc bọn tôi đang dò dẫm tiến đến một chỗ chưa có ai sát một gốc cây thì tôi nghe phi hành đoàn cho tắt hết động cơ. Tiếng ồn động cơ không còn nữa bắt đầu làm lộ rõ tiếng súng như thể có ai đó đã bắn vào chúng tôi. Đạn bay vèo vèo trên không hoặc chạm vào đám bê tông rồi dội ra lại, các tay súng đang nhắm bắn đống lửa của máy bay đang cháy. Ôi con trai ơi, Bon nói, đầu gối thu lên ngực còn một cánh tay ôm choàng lấy quanh Đức đang chen giữa anh và Linh. Họ đang tức giận. Họ muốn có một chỗ ngồi trên chuyến đi thoát khỏi đây. Không đâu, tôi đáp, đó là quân Bắc Việt, họ đã chiếm được khuôn viên này rồi. Và dù tôi mong sao có thể lạc quan mà nghĩ rằng đây chỉ là do người của chúng ta trút nỗi thất vọng của họ. Rồi bình nhiên liệu máy bay thổi tung lên và cháy bùng những quả cầu lửa chiếu sáng cả một trảng rộng lớn của phi trường, khi tôi quay mặt đi tránh khỏi vùng lửa cháy kia, mới thấy cạnh mình là anh chàng Vụ trưởng ban nãy, một viên chức dân sự ngoại hạng, mặt anh gần như ép sát vào lưng tôi và trong đôi mắt bỡ ngỡ kia giờ đây nói lên một điều gì còn rõ hơn cái tựa phim to tướng trên mặt tiền các rạp ciné thường thấy. Ánh mắt làm tôi nhớ lại y như người đặc công cộng sản năm nào hay viên Trung úy Quân cảnh ngoài cổng, phải chăng anh ta đang rất muốn thấy tôi chết lắm.
Quả là tôi đáng bị anh trút hận. Bởi rốt cuộc, tôi đã từ chối anh ta một món khá hời qua lần tôi đến nhà anh không báo trước, địa chỉ nhà tôi biết là nhờ chạy chọt được từ một tay Thiếu tá háu ăn. Đúng là tôi đang có một số thị thực, anh xác nhận khi chúng tôi gặp nhau trong phòng khách nhà anh. Tôi với mấy đồng nghiệp đã làm sẵn cho những ai cần thủ tục hợp thức. Không bất công chăng khi chỉ có những kẻ đặc quyền nhất hoặc ưu tiên nhất mới có cơ hội để đi thoát? Tôi ậm ừ biểu đồng tình. Anh tiếp, nếu có công bằng thật sự thì những ai cần đi đều phải đi được, nhưng đây không phải vậy. Tình thế đó đặt một người như tôi vào một hoàn cảnh khá khó xử. Tôi có tư cách gì mà phán định ai đi ai ở? Xét cho cùng, bất quá tôi chỉ đơn thuần là một thư lại bù nhìn mà thôi. Đại úy, nếu ở trong hoàn cảnh tôi, anh sẽ làm gì?
Tôi hiểu, tôi rất thông cảm tình thế đó thưa ông.
Tôi cố mỉm cười, tôi không đủ kiên nhẫn chờ cho đến cái kết thúc không sao tránh khỏi, nhưng việc phải làm lúc giao thời đã khiến tôi gìm giữ cho mình cái vỏ đạo đức đã thành nếp xưa nay mà anh ta đã mạnh dạn phơi ra trước rồi.
Ông quả là một con người đáng kính từng trải và nguyên tắc. Nói tới đây tôi quay đầu nhìn khắp nhà với biểu tỏ nhà cửa gọn gàng ngăn nắp ắt phải không ít tốn kém. Bốn vách tường tươm tất điểm xuyết mấy con tắc kè với vài đồ trang trí: đồng hồ, lịch, một tranh liễn Tàu, và một ảnh màu Ngô Đình Diệm lúc thịnh thời khi ông chưa bị ám sát vì vẫn tin rằng mình chính là Tổng Thống chứ không phải là một hình nộm của người Mỹ. Giờ đây người đàn ông nhỏ vóc trong bộ complet trắng kia là một vị Thánh của lớp tín đồ Công giáo với ông, người đã phải chịu chết như một kẻ tử đạo tay bị trói, mặt đầy máu trong một tấm ảnh ma quái như một loại hình trắc nghiệm muôn mặt của Rorschach, bức ảnh chụp ông nằm chết trong xe bọc thép kia đã lan truyền trên khắp thế giới. Phải chăng nó mang một thông điệp phảng phất mùi Al Capone: Đừng có gây sự với Hoa Kỳ.
Đúng là bất công thật, tôi nói, với vẻ nổi nóng, là người trung thực mà phải sống một cuộc sống thanh đạm như vậy ở xứ này. Vậy nên, cho phép tôi gửi ông một món quà nhỏ thay lòng cảm kích của sếp tôi mong ông giúp cho. Hiện ông có đủ visa cho chín mươi hai người không? Tôi không chắc anh ta có đủ số, và nếu vậy tôi đã tính là đặt cọc một khoản tiền rồi hẹn ngày quay lại thanh toán phần còn lại. Nhưng khi anh ta trả lời có, tôi liền chìa ra phong bì với khoản tiền mặt tôi còn, $ 4,000, chỉ vừa đủ cho hai thị thực nếu anh ta cảm thấy chấp nhận được. Anh Vụ trưởng mở phong bì đưa ngón tay cái, đầy kinh nghiệm, sờ qua bó giấy bạc. Anh biết ngay trong phong bì chứa bao nhiêu tiền, và số đó không đủ! Anh vỗ phong bì lên mặt bàn, rồi làm như vẫn còn tỏ vẻ bực dọc, anh lại vỗ lần nữa. Này ông, sao ông dám hối lộ tôi!
Tôi ra hiệu cho anh ngồi xuống. Tôi có khác gì ông, cũng là người bị mắc kẹt trong những tình thế khó khăn, bị buộc làm những phải làm. Chuyện chỉ là ông bán đi những thị thực mà ông chẳng phải tốn gì cho nó như ban đầu ông đã chẳng bảo vậy sao? Tôi hỏi anh ta. Và không lẽ vậy là tôi kêu sếp cảnh sát tới bắt cả hai chúng ta luôn sao? Để rồi để hắn chiếm lấy mớ thị thực của ông làm của riêng còn lại đem bán bớt đi cho người khác? Vậy nên chỉ có giải pháp tốt nhất giản dị là chúng ta hãy trở lại với thực tế, tôi gởi ông bốn ngàn đô la cho chín mươi hai thị thực, cứ xem như ông chẳng có chín mươi hai thị thực này cũng chẳng có bốn ngàn đô la như ban đầu vậy. Rồi ngày mai ông lại quay lại nhiệm sở và xoay ra chín mươi hai thị thực khác chẳng khó gì. Xét cho cùng chúng chỉ là giấy thôi mà phải không nào? Nhưng giấy tờ thủ tục không hề chỉ là giấy lộn, nó là cả cuộc sống đấy!
Hồi đó anh căm tôi vì tôi đã lấy hết mớ giấy đó và bây giờ cũng còn căm, mà tôi nào có làm điều gì tệ hại cho anh. Như tôi bây giờ mới thực là tệ hại, chen chúc chui đầu vào mấy tảng bê tông đây mà ẩn nấp mà chẳng biết số phận rồi sẽ ra sao.
Ánh bình minh bắt đầu ló dạng làm mọi sự khá hơn nhưng qua những tia sáng nhợt nhạt đầu ngày tôi thấy đường băng lộ ra một tình trạng khủng khiếp, lổ chỗ lở lói do hỏa tiễn và đạn pháo, chình ình một đống tro tàn của chiếc C-130 còn âm ỉ cháy toát lên mùi hăng hắc của xăng dầu bị cháy. Giữa chỗ tôi với chỗ máy bay cháy là một đống gì đen đen về sau mới tỏ dần thì ra là mớ vali hành lý quăng bừa trong cơn hoảng loạn hồi đêm, có cái bị bật nắp và đồ đạc bên trong vung vãi ra tứ tán. Những tia mặt trời lên cao dần, làm tan mây dần, mỗi lúc mỗi sáng hơn chói chang hơn cho đến khi đạt tới mức làm chói mắt như thể ngọn đèn tra tấn của một cuộc thẩm vấn, sáng rõ cả bóng râm. Bám sát ở mé đông của dải bê tông, mọi người héo úa như những chiếc lá bắt đầu quăn lại, bắt đầu trước tiên với người già và trẻ em. Nước, mẹ ơi, nước, Duc kêu lên. Nhưng Linh chỉ biết nói không, con yêu, chúng ta chẳng có tí nước nào, nhưng rồi sẽ có mau thôi con.
Đúng lúc, một chiếc Hercules xuất hiện trên bầu trời, nhanh chóng áp gần như thể một phi đội cảm tử đang lái. Chiếc C-130 đáp xuống một đoạn phi đạo đằng xa cùng tiếng rít của bánh xe dưới càng phi cơ lẫn trong tiếng rì rào chợt rộ lên từ đám người tị nạn. Ngay khi Hercules quay về hướng chúng tôi để tiến gần lại một cách liều lĩnh chạy băng qua phần giữa phi đạo thì bấy giờ những tiếng rì rào kia biến thành một trận hò reo hân hoan. Thế rồi, tôi nghe thêm một tiếng gì đó khác nữa. Thận trọng thò đầu ra xem, tôi thấy họ, phóng như tên bắn ra khỏi khoang nhà máy bay đậu cùng lúc từ bên trong các dãy tường ngăn làm nơi trú ẩn tuôn ra hàng chục, có khi hàng trăm người nào là thủy quân lục chiến, binh lính, quân cảnh, phi công, nhân viên phi hành, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên hậu cứ của căn cứ không quân, những người không muốn ở lại làm người hùng hay hy sinh. Nhận ra cuộc đua tranh này, đoàn người tị nạn chạy tán loạn về phía C-130, cách chừng năm mươi mét đang trụ tại chỗ trên phi đạo và mặt cầu thang đang hạ dốc xuống như một ra hiệu mời mọc không khách sáo. Ông Tướng và cả nhà chạy trước rồi tới tôi và theo sau là Bon với vợ con anh, chúng tôi dắt díu nhau chạy theo đuôi của đám đông cùng tìm phương đào tẩu.
Khi những người tị nạn đầu tiên chạy lên mặt cầu thang thì tôi nghe thấy tiếng rít của Katyushas, chỉ một giây sau là tiếng nổ ầm của trái hỏa tiễn đầu tiên khi rơi xuống ngoài xa phi đạo. Đạn rít vèo vèo trên đầu, và lần này chúng tôi nghe ra tiếng khạc đạn khác lạ như là tiếng của súng trường AK-47 lẫn trong tiếng súng M16. Chúng đang ở ngay trong căn cứ! Bon hét lên.
Rõ ràng đoàn người chạy nạn hiểu rằng chiếc Hercules này sẽ là chiếc máy bay cuối cùng bay khỏi phi trường, thậm chí nó cất cánh trong khi các đơn vị cộng quân đang khép vòng vây, và thế là một lần nữa đám đông bắt đầu gào la trong sợ hãi. Người người chạy lên mặt dốc cầu thang nhanh chưa từng thấy, ở phía xa của dải phân cách bê tông có tiếng một phi cơ nhỏ, nhanh nhẹn rít lên vào không khí, hẳn là một chiến đấu cơ Tiger nhọn mũi, tiếp đó là tiếng vỗ cánh phành phạch của trực thăng Huey cửa mở tung để lộ cả tá lính đang chen chúc bên trong.
Những đơn vị không quân còn tại sân bay bắt đầu tự di tản chiến thuật bằng bất cứ phương tiện bay nào đang có trong tay. Khi ông Tướng chạm vào lưng của những người trước mặt để đẩy họ leo lên thang, còn tôi đẩy lưng ông, thì một trực thăng chiến đấu thân kép Shadow bay vút lên từ phi đạo ở bên trái tôi. Tôi nhìn theo nó tới khi khuất tầm mắt. Shadow là một loại trực thăng chiến đấu có hình dạng thật vui mắt, bụng máy to bự treo lửng giữa hai thân, nhưng vẻ buồn cười về Shadow bỗng chết lặng khi vệt khói của một hỏa tiễn tầm nhiệt chạy theo cả ngàn dặm vẽ nguệch ngoạc những nét khói kỳ dị trên bầu trời cho đến khi đầu lửa của nó chạm đúng mục tiêu Shadow. Hai nửa của chiếc máy bay và thân tàu cùng với phi hành đoàn rơi lả tả trông như như những mảnh vỡ của một chiếc đĩa tập bắn trên không rơi xuống đất khi bị trúng tác xạ. Thấy cảnh đó dòng người rên la kinh hoàng và càng xô đẩy nhau hơn làm cả bọn khó leo được lên khỏi cầu thang hơn.
Khi ông Tướng đặt chân được lên thang thì tôi dừng lại cốt để cho Linh và Đức qua trước. Nhưng không thấy họ đâu, quay lại tôi mới biết không có ai sau tôi cả. Lên tàu lên tàu, anh nhân viên phi hành hét lên bên cạnh tôi, miệng anh mở to đến nỗi lòi cả thanh quản đang rung lên. Bạn bè của ông lên hết rồi ông ơi!
Cách tôi chừng hai mươi mét là Bon đang quỳ trên phi đạo, tay ôm Linh vào ngực. Một màu đỏ trên ngực từ từ loang rộng trên áo khoác trắng cô đang mặc. Một đám bụi bê tông bay phù lên khi một viên đạn vèo qua đường băng ở khoảng giữa chúng tôi, tôi bỗng nghe miệng môi mình khô khốc. Ném balô tôi lại cho anh nhân viên phi hành, tôi chạy mau thẳng tiến về phía họ, nhảy băng qua 1 túi hành lý vô chủ. Tôi trượt hai mét cuối cùng, mặc chân tay trầy da sướt thịt. Bon gừ lên một tiếng ai oán đớn đau mà tôi chưa từng nghe nơi anh bao giờ. Dức nằm giữa anh và Linh, đôi mắt Duc trợn ngược, và khi tôi đưa tay gỡ hai vợ chồng ra, tôi thấy chỗ vết thương nhầy máu nơi ngực Duc như thể bị cái gì đó xé toạc rồi xuyên qua người mẹ Duc. Ông Tướng và anh nhân viên phi hành la hét cái gì đó tôi không nghe được trong tiếng rền ngày càng ồn lên của cánh quạt máy bay. Cứ đi đi, tôi la lên. Họ đang sắp bay! Tôi kéo vai áo Bon nhưng anh bất động, chìm sâu trong đau khổ. Không còn cách nào khác, tôi quại anh ta một đấm ở hàm chỉ vừa đủ để anh ngừng khóc và nới lỏng tay ra. Rồi khi tôi lấy tay kéo mạnh để gỡ Linh ra khỏi tay Bon thì Dức liền ngã nhào xuống đường băng, đầu vẹo qua một bên. Bon rú lên một tiếng thất thanh khi tôi chạy lại máy bay, trên vai là Linh nảy xốc lên mà chẳng nghe cô la lấy một tiếng, máu cô nóng hổi và ướt đẫm trên vai và cổ tôi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Viên Tướng và nhân viên phi hành vẫn đứng trên thang huơ tay ra hiệu cho tôi biết phi cơ khởi sự dịch chuyển cốt để xê dịch tọa độ trên phi đạo trong khi hỏa tiễn Katyushas vẫn tiếp tục pháo đến từng trái, từng đợt. Tôi chạy nhanh chưa từng có, phổi tôi muốn thắt lại, vừa đến cầu thang tôi liền ném Linh cho ông Tướng, ông đưa tay chụp lấy cô. Còn Bon chạy bên tôi, anh duỗi người Đức với cả hai tay để chuyền cho các nhân viên phi hành, họ cũng nhẹ nhàng đón lấy dù biết là không còn ý nghĩa gì nữa khi đầu của Đức đã ngoẹo qua ngoẹo lại. Khi trao con trai rồi, Bon không nhanh nữa, vẫn còn thổn thức, đầu anh cúi xuống trong đau đớn. Tôi túm tay móc vào khuỷu tay anh và đẩy một cú chót tống anh quay lên cầu thang, nơi có nhân viên phi hành chờ sẵn nắm lấy cổ áo anh lôi lên hết thang. Tôi lao lên thang, giang rộng hai tay chuồi trọn người lên đó, mặt mũi sườn bụng chà trên sàn, bụi bẩn đất cát đầy mặt bê bết còn hai chân bay phần phật trong gió. Khi phi cơ tăng tốc chuẩn bị rời phi đạo, ông Tướng nắm đầu gối tôi kéo vào trong khoang tàu, mặt thang sau lưng tôi đang được khép dần lên. Tôi bị ép chặt vào một bên là ông Tướng một bên là cơ thể bất động của Đức và Linh, rồi một bức tường dày của đoàn người tị nạn đẩy ngược chúng tôi ra trước. Khi phi cơ bắt đầu tăng cao độ, thì có tiếng ồn khủng khiếp cũng tăng theo, có thể nghe được không chỉ qua tiếng thân tàu đang căng ra mà qua tiếng ồn ào từ phía chỗ cửa bên đang mở, nơi các thành viên phi hành đoàn đang dương khẩu M16 khạc ba vòng hỏa lực từ hông phi cơ. Nhìn qua cửa mở, cảnh quan loang lổ của ruộng đồng nhà cửa quay vòng như thể phi công đưa chúng tôi vào một vòng xoáy ốc, và rồi tôi nhận ra rằng tiếng ồn khủng khiếp kia không chỉ do động cơ máy bay mà là từ Bon, đúng như vậy, anh đang đập đầu xuống mặt thang và gào thét, không phải vì đây là ngày tận thế, mà là như có ai đã khoét mắt anh vậy.
(hết Chương 3)
THANK YOU, DEAR COMMANDANT, for the notes that you and the commissar have given me on my confession. You have asked me what I mean when I say “we” or “us,” as in those moments when I identify with the southern soldiers and evacuees on whom I was sent to spy. Should I not refer to those people, my enemies, as “them”? I confess that after having spent almost my whole life in their company I cannot help but sympathize with them, as I do with many others. My weakness for sympathizing with others has much to do with my status as a bastard, which is not to say that being a bastard naturally predisposes one to sympathy. Many bastards behave like bastards, and I credit my gentle mother with teaching me the idea that blurring the lines between us and them can be a worthy behavior. After all, if she had not blurred the lines between maid and priest, or allowed them to be blurred, I would not exist.
Having been thus produced outside of marriage, I confess to feeling very uncomfortable at the thought of being married myself. Bachelorhood is one of the unexpected benefits of being a bastard, as I was not considered much of a catch to most families. Not even families with a daughter of mixed ancestry welcomed me, for the daughter was herself usually frantic to squeeze into the elevator of social mobility through marriage to someone of a pure pedigree. While friends and strangers sigh over my bachelorhood as part of the tragedy of being a bastard, I find that bachelorhood not only means freedom but also suits my subterranean life as a mole, who burrows better alone. Being a bachelor also meant I could chat without consequence with the call girls, brazenly displaying their shapely shanks among the evacuees while using yesterday’s tabloid paper to fan the sweaty ravines of their cleavage, artificially enhanced by atomic age bras. The girls called themselves Mimi, Phi Phi, and Ti Ti, common enough names in the demimonde, but as a triumvirate powerful enough to inject joy into my heart. Perhaps they invented those names on the spot, names changed as easily as customers. If so, their playacting was simply a professional reflex acquired through years of diligent study and dedicated practice. I had an abiding respect for the professionalism of career prostitutes, who wore their dishonesty more openly than lawyers, both of whom bill by the hour. But to speak only of the financial side misses the point. The proper way to approach a prostitute is to adapt the attitude of a theatergoer, sitting back and suspending disbelief for the duration of the show. The improper way is to doltishly insist that the play is just a bunch of people putting on charades because you have paid the price of the ticket, or, conversely, to believe utterly in what you are watching and hence succumb to a mirage. For example, grown men who sneer at the idea of unicorns will tearfully testify to the existence of an even rarer, more mythical species. Found only in remote ports of call and the darkest, deepest reaches of the most insalubrious taverns, this is the prostitute in whose chest beats the proverbial heart of gold. Let me assure you, if there is one part of a prostitute that is made of gold, it is not her heart. That some believe otherwise is a tribute to the conscientious performer.
By this degree, the three call girls were troupers, which could not be said of 70 or 80 percent of the prostitutes in the capital and outlying cities, of whom sober studies, anecdotal evidence, and random sampling indicate the existence of tens and perhaps hundreds of thousands. Most were poor, illiterate country girls with no means of making a living except to live as ticks on the fur of the nineteen-year- old American GI. His pants bulging with an inflationary roll of dollars and his adolescent brain swollen with the yellow fever that afflicts so many Western men who come to an Asian country, this American GI discovered to his surprise and delight that in this green-breasted world he was no longer Clark Kent but Superman, at least in regards to women. Aided (or was it invaded?) by Superman, our fecund little country no longer produced significant amounts of rice, rubber, and tin, cultivating instead an annual bumper crop of prostitutes, girls who had never so much as danced to a rock song before the pimps we called cowboys slapped pasties on their quivering country breasts and prodded them onto the catwalk of a Tu Do bar. Now am I daring to accuse American strategic planners of deliberately eradicating peasant villages in order to smoke out the girls who would have little choice but to sexually service the same boys who bombed, shelled, strafed, torched, pillaged, or merely forcibly evacuated said villages? I am merely noting that the creation of native prostitutes to service foreign privates is an inevitable outcome of a war of occupation, one of those nasty little side effects of defending freedom that all the wives, sisters, girlfriends, mothers, pastors, and politicians in Smallville, USA, pretend to ignore behind waxed and buffed walls of teeth as they welcome their soldiers home, ready to treat any unmentionable afflictions with the penicillin of American goodness. This trio of talented stars promised another kind of goodness altogether, the bad kind. They flirted shamelessly with me and teased Bon and the American husband with the walrus mustache, now awake. Both merely grimaced and made themselves as still and small as they could, quite aware of the grim silence of their wives. I, on the other hand, flirted happily in return, perfectly mindful that each of these demimondaines had a backstory capable of breaking my heart and, most likely, my bank account. Did I not have one of these same backstories? But performers perform at least partially to forget their sadness, a trait I am well acquainted with. In these situations it is better to flirt and play, allowing everyone the opportunity to pretend to be happy for so long that they might actually feel such happiness. And it was a pleasure just to look at them! Mimi was tall, with long straight hair and pink nail polish on all twenty digits, their tips as glossy as jelly beans. Her throaty voice with its mysterious Hue dialect compelled all my blood vessels to constrict, making me a touch light-headed. Ti Ti was fragile and petite, a fabulous beehive hairdo adding height. Her pale skin evoked eggshells, her eyelashes trembled with a hint of dew. I wanted to wrap her in my arms and brush my eyelashes against hers in butterfly kisses. Phi Phi was the leader, her body’s curves reminding me of the dunes of Phan Thiet, where my mother had taken me for the one vacation of her life. While Mama covered herself from head to toe so she would not get any darker, I grubbed in the sunbaked sand ecstatically. That blissful memory of a ten-year-old’s warmth and happiness was aroused by Phi Phi’s fragrance, the same, nearly, or so I imagined, as from the one tiny vial of honey-colored perfume my mother owned, a present from my father with which she anointed herself once a year. So I fell in love with Phi Phi, a harmless enough emotion. I was wont to fall in love two or three times a year and was now well past due.
As to how they had managed to infiltrate this airbase, when evacuations were meant for the rich, the powerful, and/or the connected, it was all because of Sarge. I imagined a slab of beefcake on two legs with a white marine’s cap perched on top. Sarge guards the embassy and just loves us girls, Phi Phi said. He’s a sweetheart, a doll, he didn’t forget us at all, just like he said he would never forget us. The other two nodded vigorously, Mimi cracking her gum and Ti Ti cracking her knuckles. Sarge got a bus and drove up and down Tu Do, rescuing as many of us girls as were around who wanted to leave. Then he got us on the airbase by telling the cops he was bringing us for a party with the poor boys here. The hard peach of my heart ripened and softened as I thought of their Sarge, this swell American who actually kept his promises, first name Ed and last name something none of the girls could pronounce. I asked them why they wanted to leave, and Mimi said because the communists were sure to imprison them as collaborators. They call us whores, she said. And they call Saigon the whore city, don’t they? Honey, I can connect the dots. Plus, Ti Ti said, even if we’re not tossed in jail, we couldn’t do our work. You can’t buy or sell anything in a communist country, right? Not for a profit, anyway, and darling, I’m not letting anyone eat this mango for free, communism or no communism. At this all three hooted and clapped. They were as ribald as Russian sailors on shore leave, but they also had a firm grasp of the theory of exchange value. What indeed would happen to girls like them once the revolution was victorious? To this matter I confess that I had not devoted much thought.
Their spirited élan made the time fly by as quickly as the C-130s flashing overhead, but even they and I got tired as the hours progressed and our numbers were not called. The marine with the bullhorn would mumble like a throat cancer victim with a mechanical larynx, and an exhausted company of evacuees would gather their pitiful belongings and stumble for the buses that would deliver them to the tarmac. Ten o’clock passed, then eleven. I lay down and could not sleep, even though I was in what soldiers, with their usual wit, called a thousand-star hotel. All I need do was look up to the galaxy to remind myself of my good luck. I squatted and smoked another cigarette with Bon. I lay down and again could not sleep, bothered by the heat. At midnight, I took a walk around the compound and poked my head in the toilets. This was a bad idea. They had been meant to handle only the normal flow of a few dozen office workers and rear-echelon military types, not the hot waste of thousands of evacuees. The scene at the swimming pool was no better. For all the years of its existence, the swimming pool was an American-only area, with passes for the whites of other countries and for the Indonesians, Iranians, Hungarians, and Poles of the International Committee of Control and Supervision. Our country was overrun by acronyms, with the ICCS otherwise known as “I Can’t Control Shit,” its role to oversee the cease-fire between north and south after the American armed forces strategically relocated. It was a smashingly successful cease-fire, for in the last two years only 150,000 soldiers had died, in addition to the requisite number of civilians. Imagine how many would have died without a truce! Perhaps the evacuees resented the exclusion of locals from this pool, but more likely they were just desperate when they turned it into a urinal. I joined the tinkling line standing at the pool’s edge, then returned to the tennis courts. Bon and Linh dozed with their hands cupping their chins, Duc the only one getting any sleep at all in his mother’s lap. I squatted, I lay down, I smoked a cigarette, and so on until, at nearly four in the morning, our number was at last called and I bid farewell to the girls, who pouted and promised we would see each other again on Guam.
We marched forth from the tennis court toward the parking lot, where a pair of buses waited to take on more than our group of ninety-two evacuees. The crowd was around two hundred, and when the General asked me who these other people were, I asked the nearest marine. He shrugged. Y’all ain’t too big, so we puttin’ two of you on for every one of us. Part of me was irritated as I boarded the bus after my unhappy General, while part of me reasoned that we were used to such treatment. After all, we treated each other in the same way, cramming our motorbikes, buses, trucks, elevators, and helicopters with suicidal loads of human cargo, disregarding all regulations and manufacturer recommendations. Was it any surprise that other people thought we were happy with conditions to which we were merely resigned? They wouldn’t treat an American general this way, the General complained, pressed against me in the tight confines. No, sir, they wouldn’t, I said, and it was most likely true. Our bus was immediately fetid and hot from the passengers who had been simmering outdoors all day and night, but it was only a short way to our parked C-130 Hercules. The plane was a garbage truck with wings attached, and like a garbage truck deposits were made from the rear, where its big flat cargo ramp dropped down to receive us. This maw led into a generous alimentary canal, its membrane illuminated by a ghostly green blackout light. Disembarked from the bus, the General stood to one side of the ramp and I joined him to watch as his family, his staff, their dependents, and a hundred people we did not know climbed aboard, waved on by a loadmaster standing on the ramp. Come on, don’t be shy, he said to Madame, his head encased in a helmet the size and shape of a basketball. Nut to butt, lady. Nut to butt.
Madame was too puzzled to be shocked. Her forehead wrinkled as she passed with her children, attempting to translate the loadmaster’s mindless refrain. Then I spotted a man coming to the ramp doing his best to avoid eye contact, a blue Pan Am travel bag clutched to his incurvate chest. I had seen him a few days prior, at his house in District Three. A mid-ranking apparatchik in the Ministry of the Interior, he was neither too tall nor too short, too thin nor too wide, too pale nor too dark, too smart nor too dumb. Some species of sub-undersecretary, he probably had neither dreams nor nightmares, his own interior as hollow as his office. I had thought of the sub-undersecretary a few times in the days since our meeting and could not recall his elusive face, but I recognized him now as he ascended the ramp. When I clapped my hand on his shoulder, he twitched and finally turned his Chihuahua eyes toward me, pretending not to have seen me. What a coincidence! I said. I didn’t expect to see you on this flight. General, our seats would not have been possible without the help of this kind gentleman. The General nodded stiffly, baring his teeth just enough to indicate that he should never be expected to reciprocate. My pleasure, the sub-undersecretary whispered, slight frame quivering and wife tugging at his arm. If looks could emasculate, she would have walked off with my sac in her purse. After the crowd pushed them by, the General glanced at me and said, Was it a pleasure? Of a sort, I said.
When all the passengers had boarded, the General motioned for me to go before him. He was the last to walk up the ramp into a cargo hold with no seats. Adults squatted on the floor or sat on bags, children perched on their knees. Lucky passengers had a bulkhead berth where they could cling to a cargo strap. The contours of skin and flesh separating one individual from another merged, everyone forced into the mandatory intimacy required of those less human than the ones leaving the country in reserved seating. Bon, Linh, and Duc were somewhere in the middle, as were Madame and her children. The ramp slowly rose and clamped shut, sealing us worms into our can. Along with the loadmaster, the General and I leaned against the ramp, our knees in the noses of the passengers before us. The quartet of turboprop engines turned over with a deafening racket, the vibrations rattling the ramp. As the plane grumbled its way along the tarmac, the whole population rocked back and forth with every motion, a congregation swaying to inaudible prayers. The acceleration pressed me backward while the woman in front of me braced her arm against my knees, her jaw pressed to the rucksack on my lap. As the heat in the plane climbed over forty degrees Celcius, so did the intensity of our odor. We exuded the stink of sweat, of unwashed clothing, and of anxiety, with the only succor being the breeze through the open door where a crewman stood in a rock guitarist’s wide-legged pose. Instead of a six-string electric guitar slung low across his hips, he carried an M16 with a twenty- round magazine. As we taxied along the runway, I caught glimpses of concrete revetments, giant cans sliced in half lengthwise, and a desolate row of incinerated warbirds, demolished jets blown up in a strafing run earlier this evening, wings plucked and scattered like those of abused flies. A hush blanketed the passengers, hypnotized by trepidation and anticipation. They were, no doubt, thinking what I was. Good-bye, Vietnam. Au revoir, Saigon—
The explosion was deafening, the force of it launching the crewman onto the passengers, the last thing I saw for several moments as the flash of light through the open door washed the sight from my eyes. The General tumbled into me and I fell onto the bulkhead, then onto screaming bodies, hysterical civilians spraying my face with sour saliva. The tires of the plane squealed on the runway as it spun to the right, and when my sight returned a blaze of fire shone through the door. I feared nothing more than burning to death, nothing more than being pureed by a propeller, nothing more than being quartered by a Katyusha, which even sounded like the name of a demented Siberian scientist who had lost a few toes and a nose to frostbite. I had seen roasted remains before, in a desolate field outside of Hue, carbonized corpses fused into the metal of a downed Chinook, the fuel tanks having incinerated the three dozen occupants, their teeth exposed in a permanent, simian rictus; the flesh of their lips and faces burned off; the skin a finely charred obsidian, smooth and alien, all the hair converted to ash, no longer recognizable as my countrymen or as human beings. I did not want to die that way; I did not want to die in any way, least of all in a long-range bombardment from the artillery of my communist comrades, launched from the suburbs they had captured outside Saigon. A hand squeezed my chest and reminded me I was still alive. Another clawed my ear as the howling people beneath me struggled to heave me off. Pushing back to try to right myself, I found my hand on someone’s oily head and myself pressed against the General. Another explosion somewhere on the runway heightened the frenzy. Men, women, and children caterwauled at an even higher pitch. All of a sudden the plane halted its gyrations at such an angle where the eye of the door did not look out onto fire but only onto the darkness, and a man screamed, We’re all going to die! The loadmaster, cursing inventively, began the lowering of the ramp, and when the refugees surged forward against the opening, they bore me backward with them. The only way to survive being trampled to death was to cover my head with my rucksack and roll down the ramp, knocking people down as I did so. Another rocket exploded on the runway a few hundred meters behind us, lighting up an acre of tarmac and revealing the nearest shelter to be a battered concrete divider fifty meters from the runway. Even after the explosion faded, the disturbed night was no longer dark. The plane’s starboard engines were aflame, two blazing torches spewing gusts of spark and smoke.
I was on my hands and knees when Bon seized me by the elbow, dragging me with one hand and Linh with the other. She in turn carried a wailing Duc, her arm wrapped around his chest. A meteorite shower of rockets and artillery shells was falling on the runways, an apocalyptic light show that revealed the evacuees dashing for the concrete divider, stumbling and tripping along the way, suitcases forgotten, the thundering prop wash from the two remaining engines blowing little children off their feet and staggering adults. Those who had reached the divider kept their whimpering heads below the concrete, and when something whizzed overhead—a fragment or a bullet—I fell to the earth and began crawling. Bon did likewise with Linh, her face tense but determined. By the time we fumbled our way to an unoccupied space at the divider, the crew had turned off the engines. The relief from the noise only made audible that someone was shooting at us. Bullets zipped overhead or ricocheted off the concrete, the gunners zeroing in on the bonfire of the burning plane. Our guys, Bon said, knees drawn up to his chest and one arm thrown around Duc, huddled between him and Linh. They’re pissed. They want a seat out of here. No way, I said, that’s NVA, they’ve taken the perimeter, even though I thought there was a fairly good chance it was our own men venting their frustrations. Then the plane’s gas tanks blew, the fireball illuminating a vast stretch of the airfield, and when I turned my face away from the bonfire I found that I was next to the sub-undersecretary, civil servant unextraordinaire, his face nearly pressed against my back and the message in his Chihuahua eyes as clear as the title on a cinema marquee. Like the communist agent and the lieutenant at the gate, he would have been happy to see me dead.
I deserved his hatred. After all, I had denied him a considerable fortune as a result of my unannounced visit to his house, the address procured for me by the louche major. It is true I have some visas, the sub-undersecretary had said as we sat in his living room. I and some colleagues are making them available in the interests of justice. Isn’t it unjust that only the most privileged or fortunate have the opportunity to escape? I made some sympathetic noises. If there was true justice, he went on, everyone would leave who needed to. That is clearly not the case. But this puts someone like me in rather difficult circumstances. Why should I be the judge of who gets to leave and who does not? I am, after all, merely a glorified secretary. If you were in my situation, Captain, what would you do?
I can appreciate the situation you find yourself in, sir. My dimples hurt from smiling, and I was impatient to arrive at the inevitable end game, but the middle had to be played, to provide me with the same moth-eaten moral covers he had already pulled up to his chin. You are clearly a respectable man of taste and values. Here I nodded to the left and right, gesturing at the tidy house that had to be paid for. Plastered walls were dotted with a few geckos and some decorative objects: clock, calendar, Chinese scroll, and colorized photograph of Ngo Dinh Diem in better days, when he had not yet been assassinated for believing he was a president and not an American puppet. Now the little man in a white suit was a saint to his fellow Vietnamese Catholics, having suffered an appropriately martyred death with hands hogtied, face masked in blood, a Rorschach blot of his cerebral tissue decorating the interior of an American armored personnel carrier, his humiliation captured in a photograph circulated worldwide. Its subtext was as subtle as Al Capone: Do not fuck with the United States of America.
The real injustice, I said, beginning to get heated, is that an honest man must live a penurious life in our country. Therefore, please allow me to extend to you a small token of the appreciation of my patron for the favor that he is requesting. You do have enough visas on hand for ninety-two people, do you not? I was not certain he would, in which case my plan was to put down a deposit and promise to return with the remainder. But when the sub-undersecretary replied affirmatively, I produced the envelope of remaining cash, $4,000, enough for two visas if he was feeling generous. The sub- undersecretary unsealed the envelope and ran his thumb, callused by experience, over the sheaf of bills. He knew immediately how much money was in the envelope—not enough! He slapped the cheek of the coffee table with the white glove of the envelope, and as if that were an insufficient expression of his outrage he slapped the cheek again. How dare you attempt to bribe me, sir!
I motioned to him to sit down. Like him, I, too, was a man trapped by difficult circumstances, forced to do what I must do. Is it just for you to sell these visas when they cost you nothing and were not yours to begin with? I asked him. And would it not be just for me to call the local police commander and have him arrest us both? And would it not be just for him to appropriate your visas and engage in some just redistribution of his own? So the most just solution is simply for us to return to the situation where I offer you four thousand dollars for ninety-two visas, since you should not even have ninety-two visas or four thousand dollars to begin with. After all, you can return to your desk tomorrow and procure another ninety-two visas easily enough. They’re only paper, aren’t they?
But to a bureaucrat paper was never just paper. Paper was life! He hated me then for taking his paper and he hated me now, but I was bothered not in the least. What bothered me as I huddled at the concrete divider was yet another miserable wait, only this time one with no clear resolution. The glimmer of a rising sun brought a measure of comfort, but the soothing bluish light showed the tarmac to be in an awful state, chipped and pitted by rocket and artillery explosions. In the middle of it all was the smoldering slag heap of the C-130, exuding the pungent stink of burning fuel. Between us and the embers of the plane were little dark heaps that gradually took shape, becoming suitcases and valises abandoned in the mad rush, some of them burst open and spilling their entrails hither and thither. The sun continued rising notch by notch on its rack, the light becoming harsher and brighter until it achieved the retina-numbing quality generated by an interrogator’s lamp, stripping away every vestige of shade. Pinned down on the east side of the divider, people began to wilt and shrivel, beginning with the elderly and the children. Water, Mama, Duc said. All Linh could say was, No, darling, we don’t have any water, but we’ll get some soon.
On cue, another Hercules appeared in the sky, approaching so fast and steep a kamikaze pilot might have been at the controls. The C-130 landed with a screech of tires on a distant runway and a murmur rose from the evacuees. Only when the Hercules turned in our direction to approach haphazardly across intervening runways did that murmur turn into a cheer. Then I heard something else. When I poked my head over the divider cautiously, I saw them, darting out of the shadows of hangars and between revetments where they must have been hiding, dozens, maybe hundreds of marines and soldiers and military cops and air force pilots and crewmen and mechanics, the air base’s staff and rear guard, refusing to be heroes or sacrificial goats. Spotting this competition, the evacuees stampeded toward the C-130, which had pivoted on the runway fifty meters away and lowered its ramp in a not-so-coy gesture of invitation. The General and his family ran ahead of me, Bon and his family ran behind me, and together we brought up the rear of the fleeing masses.
The first of the evacuees was running up the ramp when I heard the hiss of the Katyushas, followed a second later by an explosion as the first of the rockets detonated on a far runway. Bullets whizzed overhead, and this time we heard the distinct bark of the AK-47 along with the M16. They’re at the perimeter! Bon shouted. It was clear to the evacuees that this Hercules would be the last plane out of the airport, if it could even take off with communist units closing in, and they once more began screaming with fear. As they rushed up the ramp as fast as they could, a slick little airplane on the far side of the divider shrieked into the air, a needle-nosed Tiger fighter, followed by a Huey helicopter thumping by with its doors flung wide open, revealing more than a dozen soldiers squeezed inside. What remained of the armed forces at the airport was evacuating itself with whatever air mobile vehicle was at hand. As the General pushed on the backs of the evacuees in front of him to propel them toward the ramp, and as I pushed the General, a dual-hulled Shadow gunship soared from the tarmac to my left. I watched it out of the corner of my eye. The Shadow was a funny-looking plane, the fat fuselage suspended between two hulls, but there was nothing funny about the smoke trail of the heat-seeking missile scribbling its way across the sky until its flaming tip kissed the Shadow at less than a thousand feet. When the two halves of the airplane and the bits and pieces of its crew fell to the earth like the shattered fragments of a clay pigeon, the evacuees groaned and shoved even harder to make the final climb up the ramp.
As the General set foot on the ramp, I paused to let Linh and Duc pass by. When they did not appear, I turned and saw that they were no longer behind me. Get on the plane, our loadmaster shouted beside me, his mouth open so wide I swear I saw his tonsils vibrating. Your friends are gone, man! Twenty meters away, Bon was kneeling on the tarmac, clutching Linh to his breast. A red heart slowly expanded on her white blouse. A puff of concrete dust rose when a bullet pinged off the runway between us, and every last drop of moisture in my mouth evaporated. I tossed my rucksack at the loadmaster and ran straight and fast toward them, hurdling abandoned suitcases. I slid the last two meters, feet first and shaving the skin off my left hand and elbow. Bon was making sounds I had never heard from him before, deep guttural bellows of pain. Between him and Linh was Duc, his eyes rolled back in his head, and when I pried husband and wife apart I saw the wet bloody mess of Duc’s chest where something had torn through it and through his mother. The General and the loadmaster were yelling something I could not understand over the increasing whine of the propellers. Let’s go, I shouted. They’re leaving! I pulled at his sleeve but Bon would not move, rooted by grief. I had no choice but to punch him in the jaw, just hard enough to shut him up and loosen his grip. Then with one tug I pried Linh from his arms, and when I did so Duc tumbled onto the tarmac, his head limp. Bon screamed something inarticulate as I ran for the airplane, Linh thrown over my shoulder and making no noise as her body bumped against me, her blood hot and wet on my shoulder and neck.
The General and the loadmaster stood on the ramp beckoning me as the plane taxied away, aiming for any clear stretch of runway as the Katyushas kept arriving, singly and in salvos. I was running as fast as I could, my lungs in a knot, and when I reached the ramp I threw Linh at the General, who caught her by the arms. Then Bon was at my side running with me, extending Duc with both hands to the loadmaster, who took him as gently as he could even though it did not matter, not with the way Duc’s head flopped from side to side. With his son handed off, Bon began to slow down, head bowed in agony and still sobbing. I grabbed him by the crook of his elbow and with one last push I shoved him face forward onto the ramp, where the loadmaster seized him by the collar and pulled him up the rest of the way. I leaped for the ramp, arms extended, landing on it with the side of my face and all of my rib cage, the grit of dirt and dust against my cheek while my legs flailed in open air. With the plane barreling down the runway, the General pulled me to my knees and dragged me into the hold, the ramp rising behind me. I was squeezed against the General on one side and the prostrate bodies of Duc and Linh on the other, a wall of evacuees pushing against us from the front. As the airplane ascended steeply, a terrible noise rose with it, audible not only through the straining metal but through the clamor from the open side door, where the crewman stood with his M16, firing three-round bursts from the hip. Through that open door, the patchy landscape of fields and tenements tilted and wheeled as the pilot took us into a corkscrew, and I realized that the terrible noise was not only coming from the engines but from Bon, too, pounding his head against the ramp and howling, not as if the world had ended, but as if someone had gouged out his eyes.$pageOut$pageIn
Ngay sau khi chúng tôi hạ cánh xuống đảo Guam, một xe cứu thương màu xanh lá cây đến nhận thi thể. Tôi hạ Đức xuống cáng. Tấm thân nhỏ bé của Duc cứ như trĩu nặng hơn trên tay tôi lúc còn trên tàu nhưng tôi không nỡ đặt xuống trên mặt sàn bẩn thỉu. Nhân viên y tế quấn Duc bằng một tấm vải trắng rồi họ gỡ nhẹ Linh ra khỏi vòng tay Bon để phủ cô cũng bằng vải trắng như vậy trước khi chuyển hai mẹ con lên xe cứu thương. Tôi bật khóc, nhưng chả thấm gì so với Bon, rồi anh sẽ phải khóc cả một đời. Chúng tôi cứ khóc khi được chở đến trại Asan, một nơi mà nhờ vào ông Tướng mới được cho vào ở trong doanh trại sang trọng này so với dãy nhà lều đang chờ bao người đến sau.
Đờ đẫn vô thức nằm trên giường, Bon chẳng còn nhớ gì bi kịch chạy loạn được chiếu trên tivi lúc chiều và qua cả ngày hôm sau nữa. Anh cũng chẳng màng vì sao trong các doanh trại và nhà lều của thành phố tạm này, hàng ngàn người tị nạn than khóc như đưa tang, một quốc tang, tiếc thương cho một quốc gia chết yểu mà ai cũng biết chỉ mới vừa tròn hai mươi mốt tuổi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi cùng xem với cả nhà vị Tướng và hàng trăm người trong trại những hình ảnh không lấy gì làm vinh dự ghi lại cảnh máy bay trực thăng đáp trên mái nhà ở Sài Gòn, dòng người chạy loạn ùn ùn trên các mẫu hạm. Qua hôm sau, khi xe tăng cộng sản phá đổ cổng dinh Tổng Thống thì các toán cộng quân treo cờ của Mặt trận Giải phóng lên nóc dinh. Trước cảnh sụp đổ phơi bày lộ liễu, ký ức về những ngày cuối cùng của một nền cộng hòa bại trận như những mảnh trầm tích giờ đây tôi nghe bắt đầu lắng xuống và chìm sâu vào mạch não. Sự thể còn đậm nét hơn vào cuối ngày, sau bữa tối với thịt gà nướng và món đậu hầm mà chỉ duy đám trẻ con là vẫn thích ăn còn nhiều người lớn không ăn được vì khẩu vị lạ quá, cảnh người người lần lượt mang mâm bát đến chỗ máy rửa chén như một cú ân huệ báo biểu rằng chúng tôi chẳng còn là công dân trưởng thành của một quốc gia có chủ quyền mà chỉ là thân phận kẻ tị nạn không quốc tịch, giờ đây, được quân đội Mỹ bảo trợ tạm.
Sau khi đổ bỏ món đậu hầm không hề đụng tới vào thùng rác, ông Tướng nhìn tôi nói, Đai úy, đồng bào cần tôi. Tôi sẽ hòa nhập cùng họ để khích lệ tinh thần họ, cùng làm với tôi chứ. Tôi thưa vâng, tuy không lạc quan lắm cũng như chưa nghĩ đến những gian nan sắp tới. Vẫn biết chẳng khó gì lắm khi cứ chăm bón đều dưỡng chất cho tinh thần hăng hái nơi những người lính vốn đã chịu đủ thứ ô nhục, nhưng thực tế ở đây là hầu hết người tị nạn là thường dân.
Hồi tưởng lại, tôi thấy may làm sao mình đã không mặc quân phục vốn bị dính máu của Linh. Tôi đã tọng hết nó với phù hiệu cùng bộ ka ki vào ba lô, còn ông Tướng vì bị mất hết hành lý ở phi trường nên vẫn mang ngôi sao trên cổ áo đang mặc. Bên ngoài khu trại của và dãy phố lều bạt này, chẳng mấy ai biết mặt ông. Họ chỉ thấy bộ quân phục và cấp bậc ông đang mang, mỗi khi ông chào hỏi những thường dân hay thăm hỏi tình trạng, họ đáp lại ông với vẻ dỗi lẫy bất hợp tác. Mắt ông nhíu lại và cái cười nhạt của ông cho tôi hay tôi rằng ông đang bẽ bàng. Cảm giác khó chịu của tôi tăng lên mỗi khi phải đi qua lối đi hẹp, bất trắc giữa các khu lều, những lúc ấy bao cặp mắt cứ như đổ dồn vào chúng tôi trong một im lặng nặng nề. Chưa kịp đi hết một trăm mét dãy lều thì vụ công kích đầu tiên đến, một chiếc dép xinh xắn ném ra từ mé hông chúng tôi và đập vào thái dương ông Tướng. Ông đanh mặt lại. Tôi đanh mặt lại. Một giọng phụ nữ đứng tuổi cất giọng khàn khàn ra. Nhìn các người hùng kìa! Quay sang trái chúng tôi chứng kiến một cảnh buộc tội mình mà không sao tự vệ lại được, đó là một công dân già đang phẫn nộ mà chúng tôi không sao nổi nóng được hay tránh họ được. Chồng tôi đâu? Bà hét lên, chân trần, tay lăm lăm chiếc dép còn lại. Sao ông có mặt ở đây còn anh ấy đâu rồi? Lẽ ra ông phải lấy thân mạng ra mà bảo vệ đất nước chứ?
Bà cầm dép tát sợt qua cằm vị Tướng, và phía sau bà, từ các hướng khác đằng sau chúng tôi, ùa ra nào là phụ nữ, già có trẻ có, người khỏe người gầy, nào giày nào dép, ô dù gậy cây mũ nón. Con trai tôi đâu? Cha tôi? Anh tôi đâu? Ông Tướng hụp xuống và vòng tay quanh đầu khi đám đông giận dữ xông vào đánh, xé áo, cào cấu da thịt ông. Tôi hầu như không bị việc gì, nhưng hứng chịu nhiều đợt giày dép bay tới và gạt đỡ nhiều cú đánh bằng gậy, ô dù. Phụ nữ lấn sát quanh tôi để cố chụp ông Tướng đang thụp xuống thấp tránh sự tấn công của họ.
Sao họ có thể lấy cớ giận dữ bệnh hoạn như thế được trong khi ngày hôm trước người đứng đầu chính phủ đã khoác lác phát trên đài phát thanh một hiệu lệnh kêu gọi toàn thể quân và dân hãy chiến đấu đến sinh mạng cuối cùng. Thật lạc lõng khi nại tới Thủ tướng nhưng trên danh nghĩa ông cũng là một chủ soái và chẳng thể nhập nhằng vai trò đó với Tổng Thống, còn phải kể tới thói hám lợi, viễn vông của ông nữa, chính ông đã bỏ đi bằng máy bay trực thăng ngay sau khi phát trên đài phát thanh lời kêu gọi hào hùng kia. Cũng chẳng thể biện minh cho ông Tướng đây là không chịu trách nhiệm như những người lính tuy là ngành Cảnh sát mật vụ vốn rất ít khi được lòng dân chúng. Dù sao mặc lòng đám đàn bà không thích nghe ngẫm cho cạn lý mà chỉ thích la hét chửi rủa. Tôi tìm cách đẩy ra khỏi vòng vây của đám phụ nữ giữa tôi và ông Tướng, lấy thân mình che ông khỏi những cú đánh và khạc nhổ cho đến khi tôi lôi ông chạy thoát. Đi thôi! Tôi hét vào tai ông, đẩy ông chạy.
Qua các ngày kế, mọi sự vẫn bình thường nhưng ít nhất giờ dây đám người phố lều tạm bợ này cô lập chúng tôi, họ không động vào chúng tôi nữa ngoại trừ những ánh mắt khinh thường hay buông lời chế nhạo. Đúng là đồ vô dụng! Đồ quỷ sứ! Đồ hèn nhát! Đồ con hoang! Trong khi tôi quá quen đối phó trước những nghịch cảnh và bất trắc như vậy, thì ông Tướng lại không.
Cuối cùng khi cả hai dừng lại bên ngoài doanh trại tôi thấy biểu hiện trên mặt ông là cả một nỗi căm hận. Ông rối bời, mấy cái lon sao Tướng trên cổ áo bị rách bươm, ống tay áo bị xé, hết một nửa nút áo văng mất và có máu chảy từ vết trầy xước trên má và cổ ông. Tôi không thể đi vô trong bộ dạng thế này, ông thì thầm. Chịu khó đợi trong phòng tắm, thưa ông, tôi nói. Tôi đi kiếm quần áo cho. Tôi xin vội các sĩ quan trong trại một chiếc áo sơ mi và quần tây xoàng xĩnh, giải thích với họ có người bị té sây sướt và rách áo khi tranh chạy về đích với đối thủ chạy đua trong khu An ninh Quân đội. Khi tôi đem tới phòng tắm, ông Tướng đang đứng trước bồn rửa, mặt mũi đã rửa sạch tất cả mọi thứ trừ vẻ tủi hổ.
Thưa Tướng quân! Hãy im lặng nhé! Chỉ mình ông đang thấy chính mình trong gương thôi. Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện này nhé. Và quả vậy, chúng tôi không bao giờ nhắc tới nó nữa.
Qua hôm sau, chúng tôi an táng Linh và Đức. Thi thể giá lạnh của hai người đã nằm một đêm trong nhà xác hải quân, nguyên nhân cái chết được báo chính thức là: một viên đạn nhỏ, chủng loại chưa biết. Viên đạn sẽ mãi còn quay tít oán hờn và ám ảnh tâm trí Bon cả đời dẫu nó đến từ bạn hay thù. Lấy vải trải giường, Bon làm một chiếc khăn tang trắng chít lên đầu. Rồi chiếc quan tài nhỏ của Đức được hạ huyệt và đặt trên quan tài mẹ, trước thực tại hai mẹ con giờ đây đã yên nằm dưới mộ sâu trong nhà vĩnh biệt, Bon nằm vật ra trên huyệt mộ còn chưa lấp. Tại sao? Anh rú lên đau đớn, má áp vào thanh gỗ áo quan. Tại sao là họ mà không phải là tôi? Tai sao vậy trời? Tôi khóc và leo xuống mộ để xoa dịu Bon. Rồi tôi đỡ anh bước lên, và lấp đất lên quan tài trong khi ông Tướng, Phu nhân, và các giáo sĩ đã làm xong phận sự đang lặng im mặc niệm.
Hai mẹ con này, hai con người này là những người vô tội, nhất là cậu con trai đỡ đầu của tôi, có lẽ thiết thân với tôi chẳng khác nào con đẻ. Cứ mỗi nhát xẻng sắt xúc những tảng đất để chờ lấp trở lại huyệt sâu mà vốn nó vừa mới được đào lên, trong thâm tâm tôi cứ thầm tin rằng hai thể xác kia đã không thực chết mà chỉ đơn giản như là những lớp vỏ thân người đã bị hư hoại cần được thay mới để du vào một hành trình đi tới một vùng đất vượt thoát khỏi cõi biên địa của loài người, nơi các thiên thần đang ngự trị. Đó là tín điều trong thiên chức truyền giáo của cha tôi; nhưng tôi thì không tin thế.
Trong mấy ngày kế, chúng tôi khóc và chờ đợi. Cũng có lúc mặc cho nhiều chuyện xung quanh, chúng tôi lại chờ và khóc. Tới khi mặc cảm tự kỷ bắt đầu gặm nhấm nặng nề thì chúng tôi được bốc đi, những chuyến chuyển người như con thoi diễn ra từ trại Pendleton sang San Diego, California, lần này là bằng lối hàng không dân sự, tôi mới có một chỗ ngồi đúng nghĩa bên một cửa sổ thực sự. Chốn mới đang chờ đón chúng tôi cũng là trại tị nạn nhưng cao cấp hơn mang dấu ấn hấp dẫn mà chúng tôi phần nào cũng đã biết sẽ được hưởng lợi thế nào nếu tiến cao hơn được tới miền hứa hẹn của giấc mơ Mỹ. Còn ở Guam tất cả nạn dân phải sống dưới những mái lều do thủy quân lục chiến dựng vội, lúc ở trại Pendleton mọi người chỉ biết đó là trại tị nạn, một khu trại khép kín vây đám người tị nạn lại trong một vòng đai mang vẻ đặc trưng nghiêm ngặt của sinh hoạt Mỹ. Nơi đây, vào mùa hè năm '75, tôi đã viết lá thư đầu để gởi cho dì của Man ở Paris. Dĩ nhiên là tôi thảo thư đó và viết là viết cho Man. Hễ tôi bắt đầu thư với vài ám hiệu đã thống nhất trước với nhau rồi –về thời tiết, sức khỏe của tôi, sức khỏe của cô, về nền chính trị nước Pháp- thì Man hiểu rằng giữa các dòng chữ là các thông tin được viết bằng loại mực không hiện chữ. Với cách viết ẩn như vậy thì người ta chỉ đọc được những gì đang hiện trên thư thôi. Trong năm đầu ở Mỹ, chẳng cần gì nhiều phải dùng lối viết ám tự như thế, vì những người lính lưu vong hầu như chưa có dấu hiệu phát động một chuyến xuất kích trở về nào. Dù đây cũng là thông tin tình báo hữu ích, nhưng chả cần gì phải bí mật.
Thưa Dì, tôi viết, vờ như viết cho Dì của chính mình, cháu rất áy náy khi phải kể Dì nghe những chuyện khủng khiếp trong thư đầu tiên sau một thời gian dài vắng bặt. Tình trạng Bon hiện không tốt. Có đêm, khi tôi nằm thao thức trên giường thì ở tầng giường bê trên, anh trằn trọc trở qua trở lại mãi, những hồi ức vẫn chưa nguôi hành hạ anh. Tôi như thấy được không sai chút nào lãng đãng bập bềnh trong óc anh là khuôn mặt của Man, người chiến hữu cật ruột mà anh phải chịu chấp nhận bỏ lại, của Linh và Đức, máu vương trên tay tay tôi. Bon sẽ chết đói nếu tôi không lôi anh ra khỏi giường mà tới nhà ăn, dù dùng bữa với những thức vô vị trên một dãy bàn tập thể.
Mùa hè năm đó, cùng với hàng ngàn người khác, chúng tôi chẳng khác gì họ, cũng tắm chung trong nhà tắm không có vách ngăn và đành tắm chung với những người lạ ở cùng trong trại tị nạn. Ông Tướng cũng chẳng có ngoại lệ, và tôi đã cùng ông trải qua hầu hết thời khắc trú tạm mà ông với bà và bốn đứa con chiếm một phần nơi một tiểu trại cùng với ba gia đình khác. Một lần, ông nói thầm với tôi, đó là những thuộc cấp cũ với một bọn trẻ con ngổ ngáo. Kể sơ ra như vầy là vẫn còn chưa nói hết đấy! Những tấm bạt căng trên mớ dây phơi chia trại tị nạn thành những tiểu khu gia đình, nên không đủ để ngăn đôi tai thính nhạy của Phu nhân và con cái. Những con thú hoang này làm tình bất kể ngày hay đêm, ông giận dữ rít lên khi ngồi với tôi trên mặt vòm xi măng. Ông với tôi cùng hút thuốc và nhấm nháp nước trà dùng thay cho ngay cả những thứ rượu rẻ mạt. Chúng không biết xấu hổ! Trước mặt con cái chúng và con cái mình. Anh biết không, có hôm đứa lớn của tôi đã hỏi Bố ơi, gái mại dâm là gì hả Bố? Con bé có thấy mấy gái bán thân hành sự dưới khu nhà vệ sinh nữ!
Trên khắp ngõ ngách từ chỗ chúng tôi lẫn các khu trại khác, những cãi vã giữa vợ chồng đã bắt đầu khởi sự với những lời lẽ cộc cằn thô tục rồi đột biến thành những trận đánh nhau. Dù không thấy, nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ không nhầm vào đâu được tiếng thượng cẳng tay hạ cẳng chân, theo sau là tiếng đàn bà la hét. Một đám đông nạn dân mau chóng có mặt ngay ngoài cửa trại. Ông Tướng thở dài ngao ngán. Thú vật!
Nhưng trong mớ hổ lốn đó, có một tin hay. Ông Tướng lấy trong túi ra một bài báo cắt ra từ báo giấy và đưa nó cho tôi. Nhớ ông ấy không? Tự sát bằng súng. Tin giá trị à? Tôi hỏi, đưa tay theo dõi bài viết. Đúng là một người hùng, ông nói, và tôi cũng viết kể cho Dì như vậy. Đó là một bài báo cũ, xuất bản mấy ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ và do một người bạn vẫn còn giữ nghiệp bút và là dân tị nạn ở Arkansas gửi qua đường thư tín đến ông Tướng. Ở giữa bài viết là bức ảnh người đàn ông đã chết, nằm dài trên nền chỗ pho tượng đài tưởng niệm mà ông Tướng đã đến chào tiễn biệt. Trông như người nằm đó nghỉ ngơi vào một ngày nóng bức, ngước mặt lên bầu trời xanh như một ca sĩ nhạc jazz, nếu không có chú thích ảnh cho hay ông tự tử. Trong khi chúng tôi bay tới Guam, thì xe tăng vào thành phố, và vị Trung tá tìm đến đài tưởng niệm, rút súng lục ra và kê vào đầu bóp cò.
Sau khi đổ bỏ món đậu hầm không hề đụng tới vào thùng rác, ông Tướng nhìn tôi nói, Đai úy, đồng bào cần tôi. Tôi sẽ hòa nhập cùng họ để khích lệ tinh thần họ, cùng làm với tôi chứ. Tôi thưa vâng, tuy không lạc quan lắm cũng như chưa nghĩ đến những gian nan sắp tới. Vẫn biết chẳng khó gì lắm khi cứ chăm bón đều dưỡng chất cho tinh thần hăng hái nơi những người lính vốn đã chịu đủ thứ ô nhục, nhưng thực tế ở đây là hầu hết người tị nạn là thường dân.
Hồi tưởng lại, tôi thấy may làm sao mình đã không mặc quân phục vốn bị dính máu của Linh. Tôi đã tọng hết nó với phù hiệu cùng bộ ka ki vào ba lô, còn ông Tướng vì bị mất hết hành lý ở phi trường nên vẫn mang ngôi sao trên cổ áo đang mặc. Bên ngoài khu trại của và dãy phố lều bạt này, chẳng mấy ai biết mặt ông. Họ chỉ thấy bộ quân phục và cấp bậc ông đang mang, mỗi khi ông chào hỏi những thường dân hay thăm hỏi tình trạng, họ đáp lại ông với vẻ dỗi lẫy bất hợp tác. Mắt ông nhíu lại và cái cười nhạt của ông cho tôi hay tôi rằng ông đang bẽ bàng. Cảm giác khó chịu của tôi tăng lên mỗi khi phải đi qua lối đi hẹp, bất trắc giữa các khu lều, những lúc ấy bao cặp mắt cứ như đổ dồn vào chúng tôi trong một im lặng nặng nề. Chưa kịp đi hết một trăm mét dãy lều thì vụ công kích đầu tiên đến, một chiếc dép xinh xắn ném ra từ mé hông chúng tôi và đập vào thái dương ông Tướng. Ông đanh mặt lại. Tôi đanh mặt lại. Một giọng phụ nữ đứng tuổi cất giọng khàn khàn ra. Nhìn các người hùng kìa! Quay sang trái chúng tôi chứng kiến một cảnh buộc tội mình mà không sao tự vệ lại được, đó là một công dân già đang phẫn nộ mà chúng tôi không sao nổi nóng được hay tránh họ được. Chồng tôi đâu? Bà hét lên, chân trần, tay lăm lăm chiếc dép còn lại. Sao ông có mặt ở đây còn anh ấy đâu rồi? Lẽ ra ông phải lấy thân mạng ra mà bảo vệ đất nước chứ?
Bà cầm dép tát sợt qua cằm vị Tướng, và phía sau bà, từ các hướng khác đằng sau chúng tôi, ùa ra nào là phụ nữ, già có trẻ có, người khỏe người gầy, nào giày nào dép, ô dù gậy cây mũ nón. Con trai tôi đâu? Cha tôi? Anh tôi đâu? Ông Tướng hụp xuống và vòng tay quanh đầu khi đám đông giận dữ xông vào đánh, xé áo, cào cấu da thịt ông. Tôi hầu như không bị việc gì, nhưng hứng chịu nhiều đợt giày dép bay tới và gạt đỡ nhiều cú đánh bằng gậy, ô dù. Phụ nữ lấn sát quanh tôi để cố chụp ông Tướng đang thụp xuống thấp tránh sự tấn công của họ.
Sao họ có thể lấy cớ giận dữ bệnh hoạn như thế được trong khi ngày hôm trước người đứng đầu chính phủ đã khoác lác phát trên đài phát thanh một hiệu lệnh kêu gọi toàn thể quân và dân hãy chiến đấu đến sinh mạng cuối cùng. Thật lạc lõng khi nại tới Thủ tướng nhưng trên danh nghĩa ông cũng là một chủ soái và chẳng thể nhập nhằng vai trò đó với Tổng Thống, còn phải kể tới thói hám lợi, viễn vông của ông nữa, chính ông đã bỏ đi bằng máy bay trực thăng ngay sau khi phát trên đài phát thanh lời kêu gọi hào hùng kia. Cũng chẳng thể biện minh cho ông Tướng đây là không chịu trách nhiệm như những người lính tuy là ngành Cảnh sát mật vụ vốn rất ít khi được lòng dân chúng. Dù sao mặc lòng đám đàn bà không thích nghe ngẫm cho cạn lý mà chỉ thích la hét chửi rủa. Tôi tìm cách đẩy ra khỏi vòng vây của đám phụ nữ giữa tôi và ông Tướng, lấy thân mình che ông khỏi những cú đánh và khạc nhổ cho đến khi tôi lôi ông chạy thoát. Đi thôi! Tôi hét vào tai ông, đẩy ông chạy.
Qua các ngày kế, mọi sự vẫn bình thường nhưng ít nhất giờ dây đám người phố lều tạm bợ này cô lập chúng tôi, họ không động vào chúng tôi nữa ngoại trừ những ánh mắt khinh thường hay buông lời chế nhạo. Đúng là đồ vô dụng! Đồ quỷ sứ! Đồ hèn nhát! Đồ con hoang! Trong khi tôi quá quen đối phó trước những nghịch cảnh và bất trắc như vậy, thì ông Tướng lại không.
Cuối cùng khi cả hai dừng lại bên ngoài doanh trại tôi thấy biểu hiện trên mặt ông là cả một nỗi căm hận. Ông rối bời, mấy cái lon sao Tướng trên cổ áo bị rách bươm, ống tay áo bị xé, hết một nửa nút áo văng mất và có máu chảy từ vết trầy xước trên má và cổ ông. Tôi không thể đi vô trong bộ dạng thế này, ông thì thầm. Chịu khó đợi trong phòng tắm, thưa ông, tôi nói. Tôi đi kiếm quần áo cho. Tôi xin vội các sĩ quan trong trại một chiếc áo sơ mi và quần tây xoàng xĩnh, giải thích với họ có người bị té sây sướt và rách áo khi tranh chạy về đích với đối thủ chạy đua trong khu An ninh Quân đội. Khi tôi đem tới phòng tắm, ông Tướng đang đứng trước bồn rửa, mặt mũi đã rửa sạch tất cả mọi thứ trừ vẻ tủi hổ.
Thưa Tướng quân! Hãy im lặng nhé! Chỉ mình ông đang thấy chính mình trong gương thôi. Chúng ta sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện này nhé. Và quả vậy, chúng tôi không bao giờ nhắc tới nó nữa.
Qua hôm sau, chúng tôi an táng Linh và Đức. Thi thể giá lạnh của hai người đã nằm một đêm trong nhà xác hải quân, nguyên nhân cái chết được báo chính thức là: một viên đạn nhỏ, chủng loại chưa biết. Viên đạn sẽ mãi còn quay tít oán hờn và ám ảnh tâm trí Bon cả đời dẫu nó đến từ bạn hay thù. Lấy vải trải giường, Bon làm một chiếc khăn tang trắng chít lên đầu. Rồi chiếc quan tài nhỏ của Đức được hạ huyệt và đặt trên quan tài mẹ, trước thực tại hai mẹ con giờ đây đã yên nằm dưới mộ sâu trong nhà vĩnh biệt, Bon nằm vật ra trên huyệt mộ còn chưa lấp. Tại sao? Anh rú lên đau đớn, má áp vào thanh gỗ áo quan. Tại sao là họ mà không phải là tôi? Tai sao vậy trời? Tôi khóc và leo xuống mộ để xoa dịu Bon. Rồi tôi đỡ anh bước lên, và lấp đất lên quan tài trong khi ông Tướng, Phu nhân, và các giáo sĩ đã làm xong phận sự đang lặng im mặc niệm.
Hai mẹ con này, hai con người này là những người vô tội, nhất là cậu con trai đỡ đầu của tôi, có lẽ thiết thân với tôi chẳng khác nào con đẻ. Cứ mỗi nhát xẻng sắt xúc những tảng đất để chờ lấp trở lại huyệt sâu mà vốn nó vừa mới được đào lên, trong thâm tâm tôi cứ thầm tin rằng hai thể xác kia đã không thực chết mà chỉ đơn giản như là những lớp vỏ thân người đã bị hư hoại cần được thay mới để du vào một hành trình đi tới một vùng đất vượt thoát khỏi cõi biên địa của loài người, nơi các thiên thần đang ngự trị. Đó là tín điều trong thiên chức truyền giáo của cha tôi; nhưng tôi thì không tin thế.
Trong mấy ngày kế, chúng tôi khóc và chờ đợi. Cũng có lúc mặc cho nhiều chuyện xung quanh, chúng tôi lại chờ và khóc. Tới khi mặc cảm tự kỷ bắt đầu gặm nhấm nặng nề thì chúng tôi được bốc đi, những chuyến chuyển người như con thoi diễn ra từ trại Pendleton sang San Diego, California, lần này là bằng lối hàng không dân sự, tôi mới có một chỗ ngồi đúng nghĩa bên một cửa sổ thực sự. Chốn mới đang chờ đón chúng tôi cũng là trại tị nạn nhưng cao cấp hơn mang dấu ấn hấp dẫn mà chúng tôi phần nào cũng đã biết sẽ được hưởng lợi thế nào nếu tiến cao hơn được tới miền hứa hẹn của giấc mơ Mỹ. Còn ở Guam tất cả nạn dân phải sống dưới những mái lều do thủy quân lục chiến dựng vội, lúc ở trại Pendleton mọi người chỉ biết đó là trại tị nạn, một khu trại khép kín vây đám người tị nạn lại trong một vòng đai mang vẻ đặc trưng nghiêm ngặt của sinh hoạt Mỹ. Nơi đây, vào mùa hè năm '75, tôi đã viết lá thư đầu để gởi cho dì của Man ở Paris. Dĩ nhiên là tôi thảo thư đó và viết là viết cho Man. Hễ tôi bắt đầu thư với vài ám hiệu đã thống nhất trước với nhau rồi –về thời tiết, sức khỏe của tôi, sức khỏe của cô, về nền chính trị nước Pháp- thì Man hiểu rằng giữa các dòng chữ là các thông tin được viết bằng loại mực không hiện chữ. Với cách viết ẩn như vậy thì người ta chỉ đọc được những gì đang hiện trên thư thôi. Trong năm đầu ở Mỹ, chẳng cần gì nhiều phải dùng lối viết ám tự như thế, vì những người lính lưu vong hầu như chưa có dấu hiệu phát động một chuyến xuất kích trở về nào. Dù đây cũng là thông tin tình báo hữu ích, nhưng chả cần gì phải bí mật.
Thưa Dì, tôi viết, vờ như viết cho Dì của chính mình, cháu rất áy náy khi phải kể Dì nghe những chuyện khủng khiếp trong thư đầu tiên sau một thời gian dài vắng bặt. Tình trạng Bon hiện không tốt. Có đêm, khi tôi nằm thao thức trên giường thì ở tầng giường bê trên, anh trằn trọc trở qua trở lại mãi, những hồi ức vẫn chưa nguôi hành hạ anh. Tôi như thấy được không sai chút nào lãng đãng bập bềnh trong óc anh là khuôn mặt của Man, người chiến hữu cật ruột mà anh phải chịu chấp nhận bỏ lại, của Linh và Đức, máu vương trên tay tay tôi. Bon sẽ chết đói nếu tôi không lôi anh ra khỏi giường mà tới nhà ăn, dù dùng bữa với những thức vô vị trên một dãy bàn tập thể.
Mùa hè năm đó, cùng với hàng ngàn người khác, chúng tôi chẳng khác gì họ, cũng tắm chung trong nhà tắm không có vách ngăn và đành tắm chung với những người lạ ở cùng trong trại tị nạn. Ông Tướng cũng chẳng có ngoại lệ, và tôi đã cùng ông trải qua hầu hết thời khắc trú tạm mà ông với bà và bốn đứa con chiếm một phần nơi một tiểu trại cùng với ba gia đình khác. Một lần, ông nói thầm với tôi, đó là những thuộc cấp cũ với một bọn trẻ con ngổ ngáo. Kể sơ ra như vầy là vẫn còn chưa nói hết đấy! Những tấm bạt căng trên mớ dây phơi chia trại tị nạn thành những tiểu khu gia đình, nên không đủ để ngăn đôi tai thính nhạy của Phu nhân và con cái. Những con thú hoang này làm tình bất kể ngày hay đêm, ông giận dữ rít lên khi ngồi với tôi trên mặt vòm xi măng. Ông với tôi cùng hút thuốc và nhấm nháp nước trà dùng thay cho ngay cả những thứ rượu rẻ mạt. Chúng không biết xấu hổ! Trước mặt con cái chúng và con cái mình. Anh biết không, có hôm đứa lớn của tôi đã hỏi Bố ơi, gái mại dâm là gì hả Bố? Con bé có thấy mấy gái bán thân hành sự dưới khu nhà vệ sinh nữ!
Trên khắp ngõ ngách từ chỗ chúng tôi lẫn các khu trại khác, những cãi vã giữa vợ chồng đã bắt đầu khởi sự với những lời lẽ cộc cằn thô tục rồi đột biến thành những trận đánh nhau. Dù không thấy, nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ không nhầm vào đâu được tiếng thượng cẳng tay hạ cẳng chân, theo sau là tiếng đàn bà la hét. Một đám đông nạn dân mau chóng có mặt ngay ngoài cửa trại. Ông Tướng thở dài ngao ngán. Thú vật!
Nhưng trong mớ hổ lốn đó, có một tin hay. Ông Tướng lấy trong túi ra một bài báo cắt ra từ báo giấy và đưa nó cho tôi. Nhớ ông ấy không? Tự sát bằng súng. Tin giá trị à? Tôi hỏi, đưa tay theo dõi bài viết. Đúng là một người hùng, ông nói, và tôi cũng viết kể cho Dì như vậy. Đó là một bài báo cũ, xuất bản mấy ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ và do một người bạn vẫn còn giữ nghiệp bút và là dân tị nạn ở Arkansas gửi qua đường thư tín đến ông Tướng. Ở giữa bài viết là bức ảnh người đàn ông đã chết, nằm dài trên nền chỗ pho tượng đài tưởng niệm mà ông Tướng đã đến chào tiễn biệt. Trông như người nằm đó nghỉ ngơi vào một ngày nóng bức, ngước mặt lên bầu trời xanh như một ca sĩ nhạc jazz, nếu không có chú thích ảnh cho hay ông tự tử. Trong khi chúng tôi bay tới Guam, thì xe tăng vào thành phố, và vị Trung tá tìm đến đài tưởng niệm, rút súng lục ra và kê vào đầu bóp cò.
Shortly after we landed on Guam, a green ambulance arrived to take the bodies. I lowered Duc onto a stretcher. His little body had grown heavier in my arms with each passing minute, but I could not lay him down on the grubby tarmac. After the medics draped him with a white sheet, they eased Linh from Bon’s arms and likewise covered her before loading mother and son into the ambulance. I wept, but I was no match for Bon, who had a lifetime’s worth of unused tears to spend. We continued to weep as we were trucked to Camp Asan, where, thanks to the General, we were given barracks that were luxurious compared to the tents waiting for the other late arrivals. Catatonic on his bunk, Bon would remember nothing of the evacuation playing on television that afternoon and through the next day. Nor would he remember how, in the barracks and tents of our temporary city, thousands of refugees wailed as if attending a funeral, the burial of their nation, dead too soon, as so many were, at a tender twenty-one years of age.
Along with the General’s family and a hundred others in the barracks, I watched inglorious images of helicopters landing on Saigon’s roofs, evacuating refugees to the decks of airplane carriers. The next day, after communist tanks crashed through the gates of the presidential palace, communist troops raised the flag of the National Liberation Front from the palace roof. As the debacle unfolded, the calcium and lime deposits of memory from the last days of the damned republic encrusted themselves in the pipes of my brain. Just a little more would be added late that night, after a dinner of baked chicken and green beans many of the refugees found exotically inedible, the children the only ones in the cafeteria with any appetite. Joining a line to turn in our trays to the dishwashers was the coup de grâce, pronouncing us no longer adult citizens of a sovereign country but stateless refugees, protected, for the moment, by the American military. After scraping his untouched green beans into the garbage, the General looked at me and said, Captain, our people need me. I’m going to walk among them and boost their morale. Let’s go. Yes, sir, I said, not optimistic about his chances but also not thinking of possible complications. While it was easy enough to spread the manure of encouragement among soldiers drilled into accepting all kinds of abuse, we had forgotten that most of the refugees were civilians.
In retrospect, I was fortunate not to be wearing my uniform, stained with Linh’s blood. I had shed it in favor of the madras shirt and chinos in my rucksack, but the General, having lost his luggage at the airport, still wore his stars on his collar. Outside our barracks and in the tent city, few knew who he was by face. What they saw was his uniform and rank, and when he said hello to the civilians and asked how they were faring, they met him with sullen silence. The slight crinkle between his eyes and his hesitant chuckling told me he was confused. My sense of unease increased with every step down the dirt lane between the tents, civilian eyes on us and the silence unbroken. We had barely walked a hundred meters into the tent city when the first assault came, a dainty slipper sailing from our flank and striking the General on his temple. He froze. I froze. An old woman’s voice croaked out, Look at the hero! We swiveled to the left and saw the one thing charging us that could not be defended against, an enraged elderly citizen we could neither beat down nor back away from. Where’s my husband? she screamed, barefoot, her other slipper in her hand. Why are you here when he’s not? Aren’t you supposed to be defending our country with your life like he is?
She smacked the General across the chin with her slipper, and from behind her, from the other side, from behind us, the women, young and old, firm and infirm, came with their shoes and slippers, their umbrellas and canes, their sun hats and conical hats. Where’s my son? Where’s my father? Where’s my brother? The General ducked and flung his arms over his head as the furies beat him, tearing at his uniform and his flesh. I was hardly unscathed, suffering several blows from flying footwear and intercepting several strokes from canes and umbrellas. The ladies pressed around me to get at the General, who had sunk to his knees under their onslaught. They could hardly be blamed for their ill temper, since our vaunted premier had gone on the radio the day before to ask all soldiers and citizens to fight to the last man. It was pointless to point out that the premier, who was also the air marshal and who should not be confused with the president except in his venality and vanity, had himself left on a helicopter shortly after broadcasting his heroic message. Nor would it have helped to explain that this general was not in charge of soldiers but the secret police, which would hardly have endeared him to civilians. In any case, the ladies were not listening, preferring to scream and curse. I pushed my way through the women who had come between the General and myself, shielding him with my body and absorbing many more whacks and globs of spit until I could drag him free. Go! I shouted in his ear, propelling him in the correct direction. For the second straight day we ran for our lives, but at least the rest of the people in the tent city left us alone, touching us with nothing except contemptuous gazes and catcalls. Good for nothings! Villains! Cowards! Bastards!
While I was used to such slings and arrows, the General was not. When we finally stopped outside our barracks, the expression on his face was one of horror. He was disheveled, the stars torn from his collar, his sleeves ripped, half his buttons gone, and bleeding from scratches on his cheek and neck. I can’t go in there like this, he whispered. Wait in the showers, sir, I said. I’ll find you some new clothes. I requisitioned a spare shirt and pants from officers in the barracks, explaining my own bruised and tattered condition as being the result of a run-in with our ill-humored competitors in the Military Security Service. When I went to the showers, the General was standing at a sink, his face rinsed clean of everything except the shame.
General—
Shut up! The only person he was looking at was himself in the mirror. We will never speak of this again.
And we never did.
The next day we buried Linh and Duc. Their cold bodies had lain in a naval morgue overnight, cause of death now official: a single slug, type unknown. The bullet would forever spin in Bon’s mind on a perpetual axis, taunting and haunting him with the even chance of coming from friend or foe. He wore a white scarf of mourning around his head, ripped from his bedsheet. After we had lowered Duc’s small coffin on top of his mother’s, both to share the one home for eternity, Bon threw himself into their open grave. Why? he howled, cheek against the wooden crate. Why them? Why not me? Why, God? Weeping myself, I climbed in the grave to calm him down. After I helped him out, we heaped the earth onto the coffins while the General, the Madame, and the exhausted priest watched silently. They were innocents, these two, especially my godson, who was probably the closest I would get to having a real son. With every strike of the iron shovel against the small mound of loamy earth, waiting to be poured back into the cavity from which it had been extracted, I tried believing that those two bodies were not truly dead but simply rags, shed by emigrants journeying to a land beyond human cartography where angels dwelled. Thus my sacerdotal father believed; but thus I could not.
Over the next few days, we wept and we waited. Sometimes, for variety, we waited and we wept. Just when the self-flagellation was beginning to wear me down, we were picked up and shuttled on to Camp Pendleton in San Diego, California, this time via an airliner where I sat in a real seat with a real window. Awaiting us was another refugee camp, its higher grade of amenities evidence that we were already profiting from the upward mobility of the American Dream. Whereas on Guam most of the refugees had lived under tents hastily erected by the marines, in Camp Pendleton we all had barracks, a boot camp to gird us for the rigors of learning Americana. It was here, during the summer of ’75, that I wrote the first of my letters to Man’s aunt in Paris. Of course, as I composed my letters, I was writing to Man. If I started a letter with a few tropes we had agreed on—the weather, my health, the aunt’s health, French politics—then he would know that written in between the lines was another message in invisible ink. If such a trope was absent, then what he saw was all there was to see. But that first year in America, there was not much need for steganography, the exiled soldiers hardly in any condition to foment a counterstrike. This was useful intelligence, but not one needing secrecy.
Dear Aunt, I wrote, pretending she was mine, I regret having to tell you something horrible as my first words to you in so long. Bon was not in a good state. At night, as I lay sleepless in my bunk, he tossed and turned in the rack above, his memories grilling him alive. I could see what flickered on the interior of his skull, the face of Man, our blood brother whom he was convinced we had abandoned, and the faces of Linh and Duc, their blood on his hands and mine, literally. Bon would have starved to death if I had not dragged him from his bunk to the mess hall, where we ate tasteless chow at communal tables. Along with thousands of others that summer, we also bathed in showers that lacked stalls and lived with strangers in barracks. The General was not exempted from these experiences, and I passed a great deal of time with him in the quarters he shared with Madame and their four children, along with three other families. Junior officers and brats, he muttered to me on one visit. This is what I’ve been reduced to! Sheets strung up on clotheslines divided the barracks into family quarters, but they did little to shield the delicate ears of Madame and the children. These animals are having sex day and night, he growled as he sat with me on the cement stoop. Each of us was smoking a cigarette and sipping from a mug of tea, which was what we had instead of even the cheapest liquor. They have no shame! In front of their own children and mine. You know what my eldest asked me the other day? Daddy, what’s a prostitute? She saw some woman selling herself down by the latrines!
Across the lane from us, in another barracks, a spat between a husband and wife that had started with the usual name-calling suddenly erupted into a full-blown fight. We saw none of it but heard the unmistakable sound of flesh being slapped, followed by the woman screaming. A small crowd of people soon gathered outside the doorway of the barracks. The General sighed. Animals! But among all this, some good news. He extracted a newspaper clipping from his pocket and handed it to me. Remember him? Shot himself. That’s good news? I asked, fingering the article. He was a hero, the General said, or so I wrote my aunt. It was an old article, published a few days after the fall of Saigon and mailed to the General by a friend in another refugee holding pen in Arkansas. The centerpiece was a photograph of the dead man, flat on his back at the base of the memorial the General had saluted. He could have been resting on a hot day, looking up at a sky as blue as a jazz singer, except the caption said he had committed suicide. While we were flying to Guam, with tanks entering the city, the lieutenant colonel had come to the memorial, drawn his service pistol, and drilled a hole in his balding head.
A real hero, I said. He had a wife and a number of children, how many I could not recall. I had neither liked him nor disliked him, and while I had considered his name for evacuation, I had passed him over. A feather of guilt tickled the back of my neck. I didn’t know he was capable of doing that, I said. If I had known . . .
If any one of us could have known. But who could have? Don’t blame yourself. I’ve had many men die under my watch. I’ve felt bad for each one, but death is a part of our business. It may very well be our turn one day. Let’s just remember him as the martyr he is.
We toasted with tea to the lieutenant colonel’s memory. Except for this one act, he was not a hero, so far as I knew. Perhaps the General also sensed this, for the next thing he said was, We could certainly have used him alive.
For what?
Keeping an eye on what the communists are doing. Just as they’re probably keeping an eye on what
we’re doing. Have you done any thinking about that?
About how they’re keeping an eye on us?
Exactly. Sympathizers. Spies in our ranks. Sleeper agents.
It’s possible, I said, palms damp. They’re devious and smart enough to do it.
So who’s a likely candidate? The General looked at me intently, or perhaps he was staring at me in suspicion. He had his mug in hand and I kept it in my peripheral vision as I met his gaze. If he tried to crack me over the head with it, I’d have half a second to react. The Viet Cong had agents everywhere, he continued. It just makes sense there would be one of them with us.
You really think one of our own men could be a spy? By now the only part of me not sweating were my eyeballs. What about military intelligence? Or the general staff?
You can’t think of anybody? His eyes never left my own cool ones, while his hand still gripped the mug. I had a sip of cold tea left in mine and I took it now. An X-ray of my skull would have shown a hamster running furiously in an exercise wheel, trying to generate ideas. If I said I did not suspect anyone, when he clearly did, it would look bad for me. In a paranoid imagination, only spies denied the existence of spies. So I had to name a suspect, someone who would sidetrack him but who would not be an actual spy. The first person who came to mind was the crapulent major, whose name had the desired effect.
Him? The General frowned and at last stopped looking at me. He studied his knuckles instead, distracted by my unlikely suggestion. He’s so fat he needs a mirror to see his own belly button. I think your instincts are off for once, Captain.
Perhaps they are, I said, pretending to be embarrassed. I gave him my pack of cigarettes to divert him and returned to my barracks to report the gist of our conversation to my aunt, minus the uninteresting parts about my fear, trembling, sweating, etc. Fortunately, we were not much longer for the camp, where little existed to alleviate the General’s rage. Shortly after arriving in San Diego, I had written to my former professor, Avery Wright Hammer, seeking his help in leaving the camp. He was Claude’s college roommate and the person Claude had told about a promising young Vietnamese student who needed a scholarship to come study in America. Not only did Professor Hammer find that scholarship for me, he also became my most important teacher after Claude and Man. It was the professor who had guided my American studies and who had agreed to venture out of his field to supervise my senior thesis, “Myth and Symbol in the Literature of Graham Greene.” Now that good man leaped to action once again on my behalf, volunteering to be my sponsor and, by the middle of the summer, arranging a clerical position for me in the Department of Oriental Studies. He even took up a collection on my behalf among my former teachers, a grand gesture that moved me deeply. That sum, I wrote to my aunt at summer’s end, paid for my bus ticket to Los Angeles, a few nights in a motel, the deposit on an apartment near Chinatown, and a used ’64 Ford. Once situated, I canvassed my neighborhood churches for anyone who would sponsor Bon, religious and charitable organizations having proven sympathetic to the refugee plight. I came across the Everlasting Church of Prophets, which, despite its impressive name, plied its spiritual wares out of a humble storefront flanked by a bottom-feeding auto body shop and a vacant blacktop lot inhabited by heroin zealots. With minimal persuasion and a modest cash donation, the rotund Reverend Ramon, or R-r-r-r-amon as he introduced himself, agreed to be Bon’s sponsor and nominal employer. By September and just in time for the academic year, Bon and I were reunited in genteel poverty in our apartment. Then, with what remained of my sponsor’s money, I went to a downtown pawnshop and bought the last of life’s necessities, a radio and a television.
As for the General and Madame, they, too, ended up in Los Angeles, sponsored by the sister-in-law of an American colonel who had once been the General’s adviser. Instead of a villa, they rented a bungalow in a slightly less tony part of Los Angeles, the city’s flabby midriff, Hollywood adjacent.
Every time I dropped by for the next several months, as I wrote to my aunt, I found him still mired in a profound funk. He was unemployed and no longer a general, although his former officers all hailed him as such. During our visits, he consumed an embarrassingly varied assortment of cheap beer and wine, vacillating between fury and melancholy as one might imagine Richard Nixon to be doing not far away. Sometimes he choked on his emotions so badly I feared I would have to perform the Heimlich maneuver on him. It was not that there was nothing for him to do with his time. It was that Madame was the one who found schools for the children, wrote the rent check, shopped for groceries, cooked the meals, washed the dishes, cleaned the bathrooms, found a church—in short, undertook all the menial tasks of household drudgery that, for her entire cocooned existence, someone else had managed. She attended to these tasks with a grim grace, in short order becoming the house’s resident dictator, the General merely a figurehead who occasionally bellowed at his children like one of those dusty lions in the zoo undergoing a midlife crisis. They lived in this fashion for most of the year before the credit line of her patience finally reached its limit. I was not privy to the conversations they must have had, but one day at the beginning of April I received an invitation to the grand opening of his new business on Hollywood Boulevard, a liquor store whose existence in the Cyclopean eye of the IRS meant that the General had finally conceded to a basic tenet of the American Dream. Not only must he make a living, he must also pay for it, as I myself was already doing as the dour face of the Department of Oriental Studies.
My job was to serve as the first line of defense against students who sought audiences with the secretary or the Department Chair, some addressing me by name though we had never met. I was a moderate celebrity on campus because of the feature the student newspaper had run on me, a graduate of the college, member of the dean’s list and honor roll, sole Vietnamese student in the history of my alma mater, and now rescued refugee. The article also mentioned my soldiering experience, although it was not quite accurate. What did you do? the budding journalist had asked. He was a skittish sophomore with braces on his teeth and teeth marks on his yellow no. 2 pencil. I was a quartermaster, I said. A boring job. Tracking supplies and rations, making sure the troops had uniforms and boots. So you never killed anyone? Never. And that, indeed, was the truth, even if the rest of my interview was not. A college campus was a bad place to acknowledge my service record. First, I was an infantry officer in the Army of the Republic of Vietnam, where I had begun serving the General when he was a colonel. Then, when he became a general and took charge of the National Police, which was in need of some military discipline, I, too, moved with him. To say that one saw combat, much less was involved with the Special Branch, was a delicate topic on most college campuses even now. The campus had not been exempt from the antiwar fervor that had blazed like a religious revival through collegiate life when I was a student. On many college campuses including my own, Ho Ho Ho was not the signature call of Santa Claus, but was instead the beginning of a popular chant that went Ho Ho Ho Chi Minh, the NLF is gonna win! I envied the students their naked political passion, for I had to submerge my own in order to play the role of a good citizen from the Republic of Vietnam. By the time I returned to campus, however, the students were of a new breed, not interested in politics or the world like the previous generation. Their tender eyes were no longer exposed daily to stories and pictures of atrocity and terror for which they might have felt responsible, given that they were citizens of a democracy destroying another country in order to save it. Most important, their lives were no longer at stake because of the draft. The campus had, as a result, returned to its peaceful and quiet nature, its optimistic disposition marred only by the occasional spring shower thrumming on my office window. My hodgepodge of tasks, for which I was paid minimum wage, involved answering the phone, typing professorial manuscripts, filing documents, and fetching books, as well as helping the secretary, Ms. Sofia Mori of the rhinestoned, horn-rimmed glasses. These things, perfectly suitable for a student, amounted to death by a thousand paper cuts for me. To compound matters, Ms. Mori did not seem to like me.
It’s nice to know you never killed anybody, she said not long after we met. Her sympathies were obvious, a peace symbol dangling from her key chain. Not for the first time, I longed to tell someone that I was one of them, a sympathizer with the Left, a revolutionary fighting for peace, equality, democracy, freedom, and independence, all the noble things my people had died for and I had hid for. But if you had killed someone, she said, you wouldn’t tell anybody, would you?
Would you, Ms. Mori?
I don’t know. She swiveled her chair with a twist of her womanly hips, turning her back to me. My small desk was tucked into a corner, and from here I shuffled papers and notes in a pretense of labor, the tasks not enough to fill my eight-hour days. As expected, I had smiled dutifully at my desk when the student journalist photographed me, aware I would be on the front page, yellow teeth appearing white in the black-and-white photograph. I was doing my best imitation of a Third World child on one of those milk cartons passed around elementary schools for American children to deposit their pennies and dimes in order to help poor Alejandro, Abdullah, or Ah Sing have a hot lunch and an immunization. And I was thankful, truly! But I was also one of those unfortunate cases who could not help but wonder whether my need for American charity was due to my having first been the recipient of American aid. Fearful of being seen as an ingrate, I focused on making enough subtle noise to please but not distract Ms. Mori of the avocado-green polyester slacks, my pseudo-work interrupted periodically by the need to run errands or to come to the adjoining office of the Department Chair.
As no one on the faculty possessed any knowledge of our country, the Chair enjoyed engaging me in long discussions of our culture and language. Hovering somewhere between seventy and eighty years old, the Chair nestled in an office feathered with the books, papers, notes, and tchotchkes accumulated over a lifetime career devoted to the study of the Orient. He had hung an elaborate Oriental rug on his wall, in lieu, I suppose, of an actual Oriental. On his desk facing anyone who entered was a gilt-framed picture of his family, a brown-haired cherub and an Asian wife somewhere between one-half and two-thirds his age. She was not exactly beautiful but could hardly help but look beautiful next to the bow-tied Chair, the tight neck of her scarlet cheongsam squeezing the bubble of a smile to her frosted lips.
Her name is Ling Ling, he said, seeing my gaze rest on the picture. Decades of hunching over a desk had bent the great Orientalist’s back into the shape of a horseshoe, thrusting his head forward in the inquisitorial fashion of a dragon. I met my wife in Taiwan where her family had fled from Mao. Our son is considerably bigger now than in that picture. As you can see, his mother’s genes are more resilient, which is not to be unexpected. Blond hair fades when mixed with black. He said all this during our fifth or sixth conversation, when we had achieved a certain degree of intimacy. As usual, he reclined in an overstuffed leather club chair that enfolded him like the generous lap of a black mammy. I was equally enveloped in the chair’s twin, sucked backward by the slope and softness of the leather, my arms on the rests like Lincoln on his memorial throne. A metaphor to explain the situation is available in our own Californian landscape, he continued, where foreign weeds choke to death much of our native foliage. Mixing native flora with a foreign plant oftentimes has tragic consequences, as your own experience may have taught you.
Yes, it has, I said, reminding myself that I needed my minimum wage.
Ah, the Amerasian, forever caught between worlds and never knowing where he belongs! Imagine if you did not suffer from the confusion you must constantly experience, feeling the constant tug-of- war inside you and over you, between Orient and Occident. “East is East and West is West, and never the twain shall meet,” as Kipling so accurately diagnosed. This was one of his favorite themes, and he had even concluded one of our meetings by giving me a homework assignment to test Kipling’s point. I was to take a sheet of paper and fold it in half vertically. On the top, I was to write Orient on the left and Occident on the right. Then I was to write down my Oriental and Occidental qualities. Imagine this exercise as an indexing of yourself, the Chair had said. My students of Oriental ancestry inevitably find this beneficial.
At first I thought he was playing a joke on me, since the day he gave me the task was the first of April, the occasion for that funny Western custom called April Fools’ Day. But he was looking at me quite seriously and I remembered that he did not have a sense of humor. So I went home and after some thought came up with this:
ORIENT self-effacing respectful of authority worried about others’ opinions usually quiet always trying to please teacup is half empty say yes when I mean no almost always look to the past prefer to follow comfortable in a crowd deferential to elders self-sacrificial follow my ancestors straight black hair short (for an Occidental) somewhat yellowish white | OCCIDENT occasionally opinionated sometimes independent now and then carefree talkative (with a drink or two) once or twice have not given a damn glass is half full say what I mean, do what I say once in a while look to the future yet yearn to lead but ready to take the stage value my youth live to fight another day forget my ancestors! limpid brown eyes tall (for an Oriental) somewhat palish yellow |
When I shared this exercise with him the next day, he said, Splendid! A fine beginning. You are a good student, as all Orientals are. Despite myself, I felt a small surge of pride. Like all good students, I yearned for nothing but approval, even from fools. But there is a drawback, he continued. See how so many of the Oriental qualities diametrically oppose the Occidental? In the West, many Oriental qualities unfortunately take on a negative cast. This leads to the severe problems of identity suffered by Americans of Oriental ancestry, at least those born or raised here. They feel themselves out of place. They are not so different from yourself, also split down the middle. What, then, is the cure? Is the Oriental in the West to feel forever homeless, a stranger, a foreigner, no matter how many generations lived on the soil of Judeo-Christian culture, never able to do away with the Confucian residue of his ancient, noble heritage? This is where you, as the Amerasian, offer hope.
I knew he meant to be kind, so I did my best to keep a straight face. Me?
Yes, you! You embody the symbiosis of Orient and Occident, the possibility that out of two can come one. We can no more separate the physical Oriental from you than we can separate the physical Occidental. Likewise with your psychic components. But while you are out of place today, in the future you will be the average! Look at my Amerasian child. A hundred years ago, he would have been seen as a monstrosity, whether in China or in America. Today, the Chinese would still see him as anomalous, but here we have made steady progress forward, not as fast as you or I would like, yet enough to hope that when he reaches your age no opportunity will be denied him. Born on this soil, he could even be president! There are more of you and he than you can probably imagine, but most are ashamed and seek to disappear in the foliage of American life. But your numbers are growing, and democracy gives you the best chance of finding your voice. Here you can learn how not to be torn apart by your opposing sides, but rather to balance them and benefit from both. Reconcile your divided allegiances and you will be the ideal translator between two sides, a goodwill ambassador to bring opposing nations to peace!
Me?
Yes, you! You must assiduously cultivate those reflexes that Americans have learned innately, in order to counterweigh your Oriental instincts.
I couldn’t help myself any longer. Like yin and yang? Exactly!
I cleared my throat of a sour taste, the gastric reflux of my confused Oriental and Occidental insides. Professor?
Hmm?
Would it make any difference if I told you I was actually Eurasian, not Amerasian? The Chair regarded me kindly and took out his pipe.
No, dear boy, absolutely not.
On the way home, I stopped off at the grocery store and bought white bread, salami, a plastic liter of vodka, cornstarch, and iodine. I would have preferred rice starch for sentiment’s sake, but cornstarch was easier to obtain. Once home, I put away the groceries and stuck the paper with my divided self to the refrigerator. Even poor people in America had refrigerators, not to mention running water, flush toilets, and twenty-four-hour electricity, amenities that even some of the middle class did not have back home. Why, then, did I feel poor? Perhaps it had something to do with my living situation. Home was a dismal one-bedroom, first-floor apartment whose most characteristic feature was the pervasive odor of belly lint, or so I wrote to my aunt. On that day as on every day previously, I found Bon listless with grief on the long tongue of our red velour sofa. The only time he left was to tend to his part-time night job as janitor for the Reverend R-r-r-r-amon’s church, which aimed to save money while saving souls. To that end, and proving that one could serve God and Mammon at the same time, the church paid Bon his wages in untaxable cash. With no reportable income, Bon was eligible for welfare, which he received with only a marginal degree of shame and a considerable sense of entitlement. Having served his country for a pittance, fighting an American-determined war, he sensibly concluded that welfare was a better reward than a medal. He had no choice but to accept his lot, for no one had a need for a man who could jump out of airplanes, hump thirty miles with eighty pounds of kit, nail a bull’s-eye with pistol and rifle, and absorb more punishment than one of those masked and oiled professional wrestlers on television.
On days when Bon collected the government handout, days like today, he spent the cash on a case of beer and the food stamps on a week’s supply of frozen meals. I opened the refrigerator to collect my beer ration and joined Bon in the living room, where he had already machine-gunned himself with a half-dozen cans, the empty shells scattered on the carpet. He was on his back on the couch, holding another cold can to his forehead. I dropped into the nicest piece of furniture we had, a patched but serviceable La-Z-Boy recliner, and switched on the television. The beer had the color and taste of baby’s pee, but we followed our usual routine and drank with joyless discipline until we both passed out. I woke up in the perineum of time between the very late hours of the evening and the very early hours of the morning, grotty sponge in my mouth, frightened by the severed head of a gigantic insect gaping its jaws at me until I realized it was only the wood-paneled television, its twin antennae drooping. The national anthem blared as the Stars and Stripes waved and blended with sweeping shots of majestic purple mountains and soaring fighter jets. When the curtain of static and snow finally fell on the screen, I dragged myself to the mossy, toothless mouth of the toilet, then to the lower rack of the bunk beds in the narrow bedroom. Bon had already found his way to the upper rack. I lay down and imagined we slumbered like soldiers even though the only place near Chinatown where one could buy bunk beds was the children’s section of gaudy furniture stores, overseen by Mexicans or people who looked like Mexicans. I could not tell anyone from the Southern Hemisphere apart but assumed they would take no offense, given that they themselves called me Chino to my face.
An hour passed but I was unable to return to sleep. I went to the kitchen and ate a salami sandwich while I reread the letter from my aunt that had arrived yesterday. Dear nephew, she wrote, thanks so much for your last letter. The weather has been terrible recently, very chilly and windy. The letter detailed her struggles with her roses, the customers at her shop, the positive outcome of her doctor’s visit, but nothing was as important as the signal about the weather, telling me that between the lines was a message from Man in an invisible ink concocted from rice starch. Tomorrow, when Bon was gone for his few hours to clean the reverend’s church, I would make a solution of iodine in water that I would brush onto the letter to reveal a series of numbers in purple ink. They referred to page, line, and word of Richard Hedd’s Asian Communism and the Oriental Mode of Destruction, the cipher Man had so artfully chosen and now the most important book in my life. From Man’s invisible messages, I had learned that the spirits of the people were high, that the rebuilding of the country was progressing slowly but surely, and that his superiors were pleased with my reporting. Why would they not be? Nothing was happening among the exiles except tearing of hair and gnashing of teeth. I hardly needed to write that in the invisible ink I would make from cornstarch and water.
Somewhat hungover and somewhat sentimental, this month being the first anniversary of Saigon’s fall, or liberation, or both, I wrote my aunt a letter to commemorate a year’s worth of tribulation. Although I left as much by choice as by circumstance, I confess that I could not help but feel pity for my sorry countrymen, their germs of loss passed back and forth until I, too, walked around light- headed in the fog bank of memory. My dear aunt, so much has happened. The letter was a rambling history of the exiles since their departure from camp, told from their teary-eyed point of view, the telling of which stirred tears in me as well. I wrote about how none of us was released without the helping hand of a sponsor, whose job it was to guarantee that we would not become dependent on the welfare state. Those among us without immediate benefactors wrote pleading letters to companies that once employed us, to soldiers who once advised us, to lovers who once slept with us, to churches that might take pity, even to the merest of acquaintances, hoping for sponsorship. Some of us left alone, some of us left as families, some of our families were divvied up and parceled out, some of us got to stay in warm western climes that reminded us of home, but most were dispatched far away to states whose names we could not wrap our tongues around: Alabama, Arkansas, Georgia, Kentucky, Missouri, Montana, South Carolina, and so on. We spoke of our new geography in our own version of English, each syllable stressed, Chicago becoming Chick-ah-go, New York pronounced closer to New-ark, Texas broken down to Tex-ass, California now Ca-li. Before leaving camp, we exchanged the phone numbers and addresses of our new destinations, knowing we would need the refugee telegraph system to discover which city had the best jobs, which state had the lowest taxes, where the best welfare benefits were, where the least racism was, where the most people who looked like us and ate like us lived.
If allowed to stay together, I told my aunt, we could have incorporated ourselves into a respectably sized, self-sufficient colony, a pimple on the buttocks of the American body politic, with ready-made politicians, police officers, and soldiers, with our own bankers, salesmen, and engineers, with doctors, lawyers, and accountants, with cooks, cleaners, and maids, with factory owners, mechanics, and clerks, with thieves, prostitutes, and murderers, with writers, singers, and actors, with geniuses, teachers, and the insane, with priests, nuns, and monks, with Buddhists, Catholics, and the Cao Dai, with people from the north, the center, and the south, with the talented, the mediocre, and the stupid, with patriots, traitors, and neutralists, with the honest, the corrupt, and the indifferent, sufficiently collective to elect our own representative to the Congress and have a voice in our America, a Little Saigon as delightful, delirious, and dysfunctional as the original, which was exactly why we were not allowed to stay together but were instead dispersed by bureaucratic fiat to all the longitudes and latitudes of our new world. Wherever we found ourselves, we found each other, small clans gathering in basements, in churches, in backyards on the weekends, at beaches where we brought our own food and drink in grocery bags rather than buying from the more expensive concessions. We did our best to conjure up the culinary staples of our culture, but since we were dependent on Chinese markets our food had an unacceptably Chinese tinge, another blow in the gauntlet of our humiliation that left us with the sweet-and-sour taste of unreliable memories, just correct enough to evoke the past, just wrong enough to remind us that the past was forever gone, missing along with the proper variety, subtlety, and complexity of our universal solvent, fish sauce. Oh, fish sauce! How we missed it, dear Aunt, how nothing tasted right without it, how we longed for the grand cru of Phu Quoc Island and its vats brimming with the finest vintage of pressed anchovies! This pungent liquid condiment of the darkest sepia hue was much denigrated by foreigners for its supposedly horrendous reek, lending new meaning to the phrase “there’s something fishy around here,” for we were the fishy ones. We used fish sauce the way Transylvanian villagers wore cloves of garlic to ward off vampires, in our case to establish a perimeter with those Westerners who could never understand that what was truly fishy was the nauseating stench of cheese. What was fermented fish compared to curdled milk?
But out of deference to our hosts we kept our feelings to ourselves, sitting close to one another on prickly sofas and scratchy carpets, our knees touching under crowded kitchen tables on which sat crenellated ashtrays measuring time’s passage with the accumulation of ashes, chewing on dried squid and the cud of remembrance until our jaws ached, trading stories heard second- and thirdhand about our scattered countrymen. This was the way we learned of the clan turned into slave labor by a farmer in Modesto, and the naive girl who flew to Spokane to marry her GI sweetheart and was sold to a brothel, and the widower with nine children who went out into a Minnesotan winter and lay down in the snow on his back with mouth open until he was buried and frozen, and the ex-Ranger who bought a gun and dispatched his wife and two children before killing himself in Cleveland, and the regretful refugees on Guam who petitioned to go back to our homeland, never to be heard from again, and the spoiled girl seduced by heroin who disappeared into the Baltimore streets, and the politician’s wife demoted to cleaning bedpans in a nursing home who one day snapped, attacked her husband with a kitchen knife, then was committed to a mental ward, and the quartet of teenagers who arrived without families and fell in together in Queens, robbing two liquor stores and killing a clerk before being imprisoned for twenty years to life, and the devout Buddhist who spanked his young son and was arrested for child abuse in Houston, and the proprietor who accepted food stamps for chopsticks and was fined for breaking the law in San Jose, and the husband who slapped his wife and was jailed for domestic violence in Raleigh, and the men who had escaped but left wives behind in the chaos, and the women who had escaped but left husbands behind, and the children who had escaped without parents and grandparents, and the families missing one, two, three, or more children, and the half dozen who went to sleep in a crowded, freezing room in Terre Haute with a charcoal brazier for heat and never woke up, borne to permanent darkness on an invisible cloud of carbon monoxide. Sifting through the dirt, we panned for gold, the story of the baby orphan adopted by a Kansas billionaire, or the mechanic who bought a lottery ticket in Arlington and became a multimillionaire, or the girl elected president of her high school class in Baton Rouge, or the boy accepted by Harvard from Fond du Lac, the soil of Camp Pendleton still in the tracks of his sneakers, or the movie star you love so much, dear Aunt, who circled the world from airport to airport, no country letting her in after the fall of Saigon, none of her American movie star friends returning her desperate phone calls until with her last dime she snagged Tippi Hedren, who flew her to Hollywood. So it was that we soaped ourselves in sadness and we rinsed ourselves with hope, and for all that we believed almost every rumor we heard, almost all of us refused to believe that our nation was dead.$pageOut
Tiếng việt sơ đẳng thời Hồ Biểu Chánh. Dịch như vậy hư hết tác phẩm.
ReplyDeleteCó lẽ người dịch đã cao tuổi
Delete