Friday, January 11, 2013

Anh Vân, Một Chứng Nhân Lịch Sử Ưu Tư Qua Văn Phẩm ''Ác Mộng Đêm Dài''

Trích chương 8 QUÊ NAM MỘT CÕI của Hồ Trường An



QUÊ NAM MỘT CÕI
Hồ Trường An

Chương Tám
Anh Vân, Một Chứng Nhân Lịch Sử Ưu Tư Qua Văn Phẩm ''Ác Mộng Đêm Dài''


Anh Vân là một cây bút nhiệt tình với thời cuộc trong và ngoài nước, với mỗi biến động của lịch sử. Anh cũng là một cây bút trữ tình, tâm hồn rất bén nhạy với tình yêu đôi lứa, đôi khi tình yêu có lỡ trượt ngã vào tình dục đi nữa, nhưng chẳng những tình yêu không dâm uế mà lại thắm thiết sắc son tươi rực rỡ.

Quyển trường thiên Ác Mộng Đêm Dài là phản ảnh một giai đoạn lịch sử từ những ngày tháng Miền Nam Việt Nam sắp rơi vào tay bạo quyền Cộng Sản cho tới giai đoạn những nhân vật chánh hay một vài nhân vật nòng cốt trong truyện ra hải ngoại. Ở nơi khách địa, kiều bào chúng ta hòa hợp vào cuộc sống xa lạ với người bản xứ đã là khó khăn. Vậy mà còn vì nhiệt thành yêu nước, họ lại bị bọn tổ chức kháng chiến ma với những cái tên Hoàng Cơ Định, Trần Xuân Ninh, Nguyễn Xuân Nghĩa... và tên đầu sỏ Hoàng Cơ Minh đưa những kẻ hăm hở với đại cuộc vào cơn hỏa mù để bọn chúng thu hoạch tiền yểm trợ do kiều bào đóng góp.


Trong War and Peace (Chiến Tranh và Hòa Bình) của Leon Tolstoi, trong cuốn Gone With the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) của nữ sĩ Margaret Mitchell, cuộc chiến chỉ kéo dài chẳng bao lâu, trên một năm hoặc vài năm là cùng. Còn cuộc nội chiến giữa Quốc Cộng chẳng những kéo dài 15 năm (từ 1960 đến 1975) mà còn gây cho những người chiến bại Miền Nam Việt Nam biết bao lầm than oan trái. Người còn kẹt lại trong nước sống trong cảnh nghèo đói, bị bức hiếp, bóc lột, tù đày. Người vượt biên ra hải ngoại còn bị bọn đầu cơ chánh trị lừa đảo và còn bị bọn Cộng Sản len lỏi vào các cộng đồng để phá tan hàng ngũ đoàn kết của kiều bào để đưa họ tới giai đoạn nghi kỵ thù ghét nhau.

Nguyên do nào, động cơ nào thúc đẩy tác giả viết quyển Ác Mộng Đêm Dài? Xin đọc một đoạn trong Lời Tựa:

Tôi là một nhân chứng sống của cuộc chiến, tôi từng cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ quốc gia. Sau 30-4-1975, tôi là tù binh của chế độ lao tù cộng sản. Tôi nghĩ chỉ có những kẻ trực tiếp tham dự cuộc chiến mới cảm nhận được hết nỗi đau đớn đến biến thành căm hận, nỗi sợ hãi đến kinh hoàng của những kẻ trong cuộc.
Là một nhân chứng sống, tôi nghĩ, tôi có bổn phận phản ảnh lại một giai đoạn lịch sử bi thảm của đất nước, cũng để trả món nợ mà tôi đã cưu mang trong đời sống, món nợ đối với quê hương, đối với đồng bào tôi đang sống khắc khoải trong chủ nghĩa cộng sản, món nợ đối với các chiến hữu tôi đã nằm xuống trong cuộc chiến Việt Nam, món nợ đói với các bạn tù tôi đã chết lặng lẽ trong những trại giam được mệnh danh là ''trại cải tạo'', món nợ với đồng bào tôi đã vùi thây trong lòng biển lạnh.
(các trang 9, 10)

Bộ trường thiên Ác Mộng Đêm Dài được trình làng vào năm 2003, sau khi Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch bị lột mặt nạ gian trá, sau khi bọn chóp bu đê tiện của cái gọi là Mặt Trận ấy bị thua kiện tại pháp đình, hết dám sừng sỏ với những kẻ dám vach trần tội lường gạt của chúng đối với kiều bào nhiệt tâm yêu nước.

Nhưng vận sự nhuốc nhơ bỉ ổi đó đâu đã hết. Bọn thành viên gia đình trị và bằng hữu trị của Hoàng Cơ Minh còn gom góp nhóm tàn binh của chúng để lập ra tổ chức khác, với danh xưng khác để bành trướng cái thối thân của cái gọi là mặt trận ấy.

Bây giờ cái tên của nó thun ngắn lại còn có hai chữ Việt Tân cụt ngủn và nhỏ xíu như con đuông. Bọn đầu sỏ của chúng cứ tìm cách củng cố nó hoài hoài để mong nó lớn mạnh như xưa. Nhưng kiều bào dại gì góp tiền mua thuốc tẩm bổ cho nó. Nó chỉ còn là thứ hữu danh vô thực mà thôi.
*
* *

Sau đây là cốt truyện của tác phẩm tâm huyết Ác Mộng Đêm Dài của Anh Vân. Nó chứng minh rằng tác giả là một nhà văn ưu thời mẫn thế trước những khuynh hướng chính trị đảo điên ở hải ngoại.

Câu chuyện bắt đầu vào năm cận kề ngày Miền Nam Việt Nam bị làn sóng đỏ tràn ngập. Lê Quốc Nam vốn là một sĩ quan tác chiến thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh, được một tuần lễ nghỉ phép, từ tiền đồn về tỉnh nhà Bạc Liêu thăm mẹ và thăm luôn Hiền người yêu của chàng. Mẹ Nam là một phụ nữ có kiến thức, ham đọc sách, ưa suy nghĩ về vận nước thăng trầm điên đảo. Bà có 5 người con. Cô Hai đã bỏ mạng trong kỳ Tổng Tấn Công của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân. Cậu Ba là một sĩ quan của ngành Cảnh Sát. Cậu Tư và cậu Năm theo phía bên kia, tập kết ra Bắc sau Hiệp Định Genève; cậu Năm chết dưới trận oanh tạc bom B 52 của Mỹ. Người con út của bà là Trung úy Lê Quốc Nam.

Hiền là con của bà Ngởi và cũng là em của Vinh (bạn chí thân của Nam). Bà Ngởi là quả phụ trẻ đẹp của một sĩ quan cao cấp. Khi chồng qua đời vì viên đạn thù, bà vẫn phây phây giao thiệp phóng túng để móc nối với các sĩ quan cao cấp phe Quốc Gia, để lươn lẹo buôn bán vũ khí cho Việt Cộng.
Còn Vinh là một sĩ quan phòng 1 (phòng Quân Số) của Tiểu Khu. Vinh không hay biết một chút gì về việc làm tác tệ của mẹ. Nhưng Sử, sĩ quan Phòng Tình Báo Tiểu Khu, bạn chung của Nam và Vinh biết đã có lần cho Nam biết đuợc hành tung mờ ám của bà.

Rồi ngày chung cuộc Miền Nam Việt Nam tới. Vinh và Nam phải đi học tập cải tạo. Sử không chịu đăng ký với ban Quân quản để đi học tập như mọi sĩ quan khác vì chàng thừa biết một sĩ quan ngành tình báo như mình là kẻ thù không đội trời chung của Cộng Sản; nếu chàng lọt vào tay chúng thì chàng chỉ có nước bị tù đày tới chết rục xương. Sử móc nối với tên cán bộ trưởng công an tỉnh tên là Tư Thống. Tên này là chồng của người chị họ của Sử. Sử giúp hắn tổ chức các cuộc vượt biên cho bọn Hoa Kiều để nhận vàng của họ. Chẳng nhũng chàng được Tư Thống chia vàng mà còn cấp giấy chứng nhận chàng có công với cách mạng trước năm 1975.

Hiền một lòng chung thủy, đợi ngày Nam được phóng thích. Nhưng bà Ngởi vì muốn bảo vệ tài sản của mình nên giao du với Tư Thống. Bà bắt buộc nàng thành hôn với Bác sĩ Việt Công tên Đức, con trai của Tư Thống. Hiền phản đối mẹ và thường đến nhà mẹ của Nam để chăm sóc cho bà.

Về riêng phần mẹ của Nam thì thằng Ba trưởng nam của bà cũng phải đi học tập cải tạo như Nam. Còn thằng Tư nhất định không giúp Nam được phóng thích. Hắn viện lý do em Năm của hắn bị chết vì bom oanh tạc của Mỹ, cậu út Nam đã làm tay sai cho Mỹ Ngụy thì Nam đắc tội với nhân dân, phải trả nợ máu cho nhân dân. Từ đó tình mẹ con giữa bà mẹ và thằng con bên kia hàng ngũ Quốc Gia coi như đoạn tuyệt.

Bà Ngởi và Hiền đi thăm nuôi Vinh. Bà tỏ ra lạnh nhạt với Nam. Riêng Hiền thì vẫn thiết tha gắn bó với Nam. Rồi Vinh đuợc phóng thích trước Nam vì mẹ của Vinh có công với cách mạng. Hỏi ra, Vinh mới biết việc làm tác tệ của bà Ngởi. Vinh nhục nhã và đau khổ vô cùng.

Khi Nam được phóng thích thì bà Ngởi đổi thái độ tỏ ra niềm nở với Nam và có đến thăm mẹ chàng. Sử rủ Vinh, Nam và Lan (một cựu nữ quân nhân) cũng đã đi học tập cải tạo trở về cùng các bạn đồng chí khác lập một tổ chức kháng chiến chống bạo quyền Cộng Sản.

Lan yêu Nam với mối tình đơn phương. Sử cũng yêu thầm thương trộm Lan nhưng không dám ngỏ lời với Lan tâm sự bí ẩn của mình.
Tổ chức kháng chiến của họ trước hết lập mưu giải vây Hà, một thành viên của tổ cùng vợ con Hà. Gia đình Hà bị bắt trong chuyến vượt biên và hiện giờ họ bị giam ở trạm kiểm soát Sóc Đồn. Cuộc giải vây thành công, chẳng những cứu thoát Hà và vợ con Hà mà còn giết vài tên địch. Nhưng Vinh phải thiệt mạng. Sử ra tay giúp Nam vượt biên để tránh hậu hoạn vì địch đang truy nã Nam gắt gao.

Nam vượt biên vào hải phận Mã Lai và tấp vào Pulau Kapas. Lính Mã Lai vơ vét tiền bạc và nữ trang của bạn đồng hành với chàng. Tại đây họ chờ ngày được đưa đến định cư tại Đệ tam quốc gia. Và cũng tại Pulau Kapas, Nam có quen một cự quân nhân tên Trạc vốn người thẳng thừng ruột ngựa, nhưng rất sáng suốt trong lãnh vực tình hình thời cuộc và mọi biến chuyển tráo trở thuộc vấn đề chính trị đã và đang xảy ra trên đất nước.

Mẹ Nam bệnh nặng, phải vào bệnh viện thì đã có Lan thăm nom chăm sóc. Bà qua đời thì được bà Ngởi và Hiền chôn cất tử tế. Sử giúp Hiền vượt biên. Trên chuyến hải trình, Hiền bị bọn hải tặc Thái Lan cưỡng hiếp tả tơi tới nỗi phải hôn mê bất tỉnh và may mắn được người Tây phương đi trực hăng bay ngang qua đó đưa đến bịnh xá dành cho người tị nạn ở trại Tanjung Unggat thuộc tỉnh Tanjung Pinang (Nam Dương).

Bà Ngởi bị chiếm nhà. Sau cái chết của Vinh, bà căm thù bọn Cộng Sản tận xương tủy nên không muốn tài sản của mình mà bao năm bà đã từng chắt chiu để rồi lọt vào tay chúng. Bà phục rượu bọn chúng cho say rồi rưới xăng châm lửa đốt nhà và tự thiêu trong đám cháy.

Sử bị Tư Thống nghi ngờ về vụ Sóc Đồn. Sau cuộc tranh biện với tên anh rể, chàng trở về nhà thì bị bọn công an áo vàng sát hại. Trong cơn hấp hối, Sử đuợc Lan ôm trong tay. Chàng ngõ lời yêu Lan. Lan mới khám phá ra rằng sau khi Nam đi rồi, nàng cùng Sử hoạt động bên nhau, tấm can trường và sự thông minh quyền biến của Sử đã chinh phục trái tim của nàng. Nàng chỉ kịp bảo rằng nàng cũng yêu Sử thì Sử mỉm cười tắt nghỉ. Chàng chết trong niềm hạnh phúc cuối cùng.

Nam được định cư trên đất nước Hợp Chúng Quốc. Chàng vừa đi làm vừa đi học. Chàng gặp lại Trạc, người bạn tâm đầu mà chàng đã gặp gỡ tại Pulau Kapas. Chàng cũng có nhận thư của Lan báo tin mẹ chàng qua đời, nhận luôn lá thư của Hiền viết từ Nam Dương, trong đó Hiền kể rõ nguồn cơn chuyện tai nạn ô nhục của nàng. Chàng làm giấy bảo lãnh để Hiền qua Mỹ sum họp cùng chàng.

Hiền được tái ngộ cùng Nam, được sống những ngày hạnh phúc diễm ảo với chàng. Trong dịp từ Tanjun Pinang qua Sinapour, để rồi sau cùng đến San Francisco, Hiền gặp Quỳnh, một cô bạn đường cùng đến định cư trên đất Mỹ. Cả hai mến nhau, để rồi sau này cả hai kết làm chị em với nhau. Quỳnh kết hôn với Dương, chủ thầu may quần áo, nên Hiền có việc làm để phụ giúp chồng trong việc chi tiêu.

Trong khi chờ đợi cùng Hiền sum họp, Nam và Trạc nghe được tin cựu Trung Tá An Ninh Quân Đội Lục Phương Ninh thành lập tổ chức kháng chiến với cái tên Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại (về sau đổi lại là Lực Lượng Quân Dân Việt Nam Hải Ngoại) có những khuôn mặt ''vĩ đại'' quen thuộc như Đại Tá Phạm Văn Liễu, Đại Tá Trần Minh Công, Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, Tướng Nguyễn Chánh Thi bên cạnh.
Trạc và Nam đi San Diego dự lễ tuyên thệ và xin gia nhập vào lực lượng. Chưa chi mà đã có sự phân hóa trong hàng ngũ lực lượng. Lục Phương Ninh muốn theo cánh Trương Như Tảng, một tên đầu sỏ trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam bị đá đít ra hải ngoại, muốn tìm sự giúp đỡ của Trung Cộng. Bị Hoàng Cơ Minh phản đối, Lục Phương Ninh ra quyết nghị khai trừ 6 tên đầu não: Phạm Văn Liễu, Trần Minh Công, Hoàng Cơ Minh, Nguyễn Chánh Thi, Lê Hồng, Lê Văn Trực.
Hoàng Cơ Minh cùng nhóm người bị Lục Phương Ninh sa thải nhảy ra thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam có Phạm Văn Liễu nắm vai trò Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại, nhưng tiền bạc kiều bào yểm trợ thì lọt vào tay Hoàng Cơ Định, em ruột của Minh (tên nay giữ chức Vụ Truởng Vụ Tài Chánh kiêm chức vụ Tổng Thư Ký Tổng Vụ Hải Ngoại).
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam phát triển nhanh chóng làm rúng động kiều bào khắp bốn phương trời hải ngoại. Nhưng lần lần nó lộ bộ mặt hư ngụy ra. Cuốn video Đông Tiến(1) trình chiếu cho kiều bào xem tại Nam California đã cho kiều bào nào có óc nhận xét tinh tế như Trạc và Nam thấy các hoạt động của kháng chiến là một sự dàn cảnh cẩu thả vụng về. Cái căn cứ kháng chiến không phải ở trong rừng núi Việt nam mà ở bên này phần đất Thái Lan. Các kháng chiến quân chỉ là người Thái hay người Lào. Tuy vậy mà đa số kiều bào vẫn tin là thật, vẫn tặng tiền yểm trợ xối xả. Từ đó, những ai mà lớn tiếng công kích cái dổm dang, dối láo của tổ chức mặt trận như ký giả Đạm Phong, vợ chồng Lê Triết, Hoài Điệp Tử, Cao Thế Dung đều bị ám sát. Chỉ có Cao Thế Dung không bị thiệt mạng mà thôi.

Trạc biết được cái lươn lẹo bất chánh của gia đình họ Hoàng Cơ. Nhưng Nam không tỏ thái độ bất tín nhiệm mặt trận một cách minh bạch và dứt khoát như Trạc. Nhân dịp cựu Trung Tá Lê Hồng với cái tên mới là tướng Đặng Quốc Hiền và với chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang từ Thái Lan về Cali báo cáo tình trạng kháng chiến thì Nam đi dự cuộc diễn thuyết của tên Đặng Quốc Hiền kia và theo hắn vào chiến khu, sau khi điện thoại từ giã vợ. Hiền không biết chồng mình đi vào ngày nào. Nàng vẫn làm việc cho xưởng may của vợ chồng (Dương), sống ấm áp trong gia đình bạn, theo dõi tin tức mặt trận cho tới lúc nó tan rã thanh bọt thành bèo, ghi vết nhơ nhuốc trên lịch sử định cư của kiều bào khắp bốn phương trời hải ngoại.

Hiền sinh được đứa con trai đặt tên là Lê Quốc Việt. Nàng nhận được lá thư nặc danh mà tác giả bức thư ấy xưng là bạn của Nam, báo tin Nam cùng Hoàng Cơ Minh đã tử trận trong chiến dịch Đồng Tiến II vào ngày 28/08/1987. Nàng nhờ Quỳnh điện thoại tới Văn Phòng Tổng Vụ Hải Ngoại thì bên kia đầu dây điện thoại có người không chịu xưng tên và chức vụ của hắn trong mặt trận cho biết rằng đó la cái tin vịt do Cộng Sản tung ra để phá rối mặt trận, rằng Nam vẫn khỏe mạnh, vẫn chiến đấu bên cạnh Hoàng Cơ Minh.
Hiền tuy ghét Hoàng Cơ Minh và mặt trận của hắn, nhưng vẫn tin Nam vẫn còn sống. Nàng chiều chiều ra bờ biển để ôn lại những ngày sống hạnh phúc bên Nam và kiên quyết đợi chàng trở về sum họp với nàng.

Cái thọ mạng của kế hoạch bòn tiền của kiều bào qua danh xưng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do bè lũ Hoàng Cơ Minh chủ trương đã kết thúc như sau:

Thế rồi sau ngày ký Quyết Định cách chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Phạm Văn Liễu, chỉ mười tám ngày sau, tức là ngày 29 tháng 12 năm 1984, ngày Đại Hội toàn bộ đoàn viên của Mặt Trận do Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công triệu tập tại Santa Ana, trình bày về quỹ kháng chiến cho các đoàn viên. Sau phiên họp, coi như Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam tan vỡ, lòng nhiệt thành của các đoàn viên, những đứa con yêu của tổ quốc tan vỡ, giấc mơ nhìn thấy một nước Việt Nam tự do, hạnh phúc, thoát đuợc tai ách cộng sản của người Việt tị nạn tan vỡ, giấc mơ của những bà mẹ già được nằm xuống trên mảnh đất quê hương yêu quý ngàn đời tan vỡ, chỉ riêng tiền quỹ kháng chiến đã bỏ vào túi gia đình họ Hoàng Cơ còn nguyên.
Người thắng lớn trong trận đánh nầy là Phan Vụ Quang tức Hoàng Cơ Định, em ruột Hoàng Cơ Minh. Người vô tình hay cố ý đã làm lợi cho Việt cộng trong việc phá vỡ Mặt Trận là Nguyễn Xuân Nghĩa. Lòng tin của người Việt tị nạn cộng sản, thêm một lần nữa bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh chà đạp tan tành.
(trang 772)

Nguyễn Xuân Nghĩa là cháu của tên Mười Cúc, tức là Nguyễn Văn Linh. Tên Linh này là Tổng bí thư của đảng Cộng Sản. Dưới chánh thể Đệ Nhị Cộng Hòa, Nghĩa đã từng làm phụ tá cho Tổng truởng kinh tế ngân hàng. Sau ngày miền Nam lọt vào tay bọn Cộng Sản miền Bắc, Nghĩa không đi học tập cải tạo. Y ta cho mọi người quen biết rằng bọn Cộng Sản muốn khai thác kiến thức về ngân hàng của y ta nên tạm dùng y ta, tha cho y ta cảnh tù tội. Trong mặt trận của bè lũ Hoàng Cơ Minh, Nghĩa đứng vào hàng thứ ba.

*
* *

Ác Mộng Đêm Dài là một tác phẩm lớn cũng như quyển trường thiên tiểu thuyết Chuyển Mùa của nữ sĩ Trương Anh Thụy. Tiếc thay, tác giả không có đội kèn trống quân nhạc để khua chiêng gióng trống ầm ỹ trong chiến dịch quảng cáo nên nó cam phận mặc áo gấm đi đêm. Vả lại, nó chào đời trong giai đoạn suy thoái của nền văn chương hải ngoại nên nó chịu số phận hẩm hiu, bị rẻ rúng của lớp độc giả quen coi phim tập Hồng Kông và phim tập Đại Hàn hoặc các chương trình ca nhạc Paris By Night, Asia, Vân Sơn v.v... Nhưng với thức giả thì khác. Nó sẽ mãi mãi là một pho phương cảo để họ suy nghiệm cái sân khấu chính trị do phường hám lợi ở Hoa Kỳ dựng nên.

Về kỹ thuật dựng truyện, Anh Vân tỏ ra khéo léo trong việc dàn xếp mọi chi tiết để tác phẩm có một bố cục chặt chẽ. Mọi tình tiết được xỏ khoen vào nhau một cách tinh tế như những khoen của sợi dây lòi tói (sợi xích sắt). Mọi diễn biến tuần tự được trình bày một cách trơn tru óng ả như dòng mật rót vào chén sứ mỏng tanh, dù đôi lúc có xen vài đoạn hồi ức đi nữa. Độc giả có thể lao từ trang đầu tới trang cuối thoăn thoắt như con thoi mà không cảm thấy mệt nhọc vì đầu óc họ khỏi phải đánh đô vật với chữ nghĩa. Nhưng thật ra, để có được mạch diễn tả dễ gây thống khoái cho người đọc như thế, tác giả phải ra tay chăm sóc từng cách sắp xếp mọi chi tiết một cách tỉ mẩn chi ly. Anh làm cho chúng ta nghĩ đến người chơi hoa lan sành điệu như bà Thục Nhân, một cung tần của Hoàng Đế Minh Mạng. Chẳng những bà chăm bón, tỉa đẹp cho khóm lá mà còn dùng bút cọ mềm mại để phủi bụi bám trong lòng đóa hoa. Lại nữa bút pháp của anh đơn giản và trong sáng như nước sông thu chiếu lấp lánh ánh nắng. Sự diễn tả của anh dạt dào tình cảm mà không ướt sũng cảm tính đến mức cường điệu và thái thậm. Cái đơn giản, cái trong suốt, cái điềm đạm của anh trong văn phong làm chúng ta nghĩ đến văn chương của Thạch Lam trong các tập truyện Gió Đầu Mùa, Nắng Trong Vườn vào thuở tiền chiến, hoặc văn chương của Nguyễn Thị Vinh trong truyện dài Thuơng Yêu, Cô Mai, Nổi Sóng, Vết Chàm trước năm 1975 hay văn chương của Trương Anh Thụy trong bộ trường thiên tiểu thuyết (le roman fleuve) Chuyển Mùa vào tân niên kỷ ở hải ngoại.

Quyển Ác Mộng Đêm Dài đầy ăm ắp những biến cố, những chất liệu cần thiết để xây dựng nên một giai đoạn lịch sử máu xương trong văn chương. Tác giả không dùng một nhúm gạo nhỏ để nấu một nồi cháo to. Anh viết quyển Ác Mộng Đêm Dài như làm một cái bánh bao với nhân to bột mỏng, rất ngon miệng. Thường những kẻ có vốn sống ít ỏi, một khi cầm bút viết văn thường kể lể chuyện dạy đời xoàng xĩnh chẳng có chút giá trị gì cho nhu cầu kiến thức của độc giả. Hoặc gặp những tay khéo léo hơn là độc giả mệt ngất ngư truớc lối diễn tả cảm xúc theo kiểu một anh thợ chạm điêu khắc khúc gỗ bé tí những hình thù vô vị vô duyên. Cho nên muốn đưa hết những vận hành của thời cuộc, những khúc quanh của lịch sử vào tác phẩm, tác giả hy sinh một phần cách dựng hoạt cảnh (tả người, tả vật, tả tâm trạng nhân vật). Anh nghiêng về thuyết thoại (la narration) hơn. Tuy nhiên, anh vẫn không quên công việc miêu tả, dù đôi lúc chỉ bằng vài nét phác thảo, vài nét khái quát, Nhưng những đoạn ấy được diễn tả bằng lối văn đôn hậu, thuần phác và ngập tràn sinh lực như cây dừa tơ, khóm chuối xanh tươi đang sức lớn nên dễ khắc ghi vào cảm quan lẫn ấn tượng độc giả những dấu ấn tuyệt vời.

Xin cùng đọc một đoạn đời thơ mộng trong hồi ức của Nam được chàng ghi vào lá thư gửi cho Hiền. Đây là đoạn tác giả đem nghệ thuật tả cảnh nhập vào lối kể truyện, chứ không phải chỉ là đoạn miêu tả, hay chỉ là đoạn kể truyện suông trơn mà thôi.

Có những đêm trăng, nằm trên chiếc võng nhà binh, nhìn bầu trời đầy sao, xanh mát, nhìn ánh trăng nhuộm vàng những ngọn dừa, những mái lá, những ngọn trâm bầu, anh nhớ vô cùng những đám cỏ dại xanh um điểm hoa vàng, viền theo hai bên lề con đưòng đất đỏ dẫn tới căn nhà lá nhỏ, chung quanh được bao bọc bằng hàng giậu cây me tây, nơi đó có một bà mẹ già sống trong lo âu, sợ hãi hằng ngày cho sự bình yên của anh. Anh nhớ cái ao súng sau nhà, sóng sánh ánh trăng nghiêng với những con cá chép vàng rực rỡ lượn vòng quanh. Và anh cũng nhớ rất rõ, nơi đó một thời anh đã lớn lên và cắp sách đến trường trong tình thương yêu của bà mẹ hiền lành. Anh cũng nhớ vô cùng ngôi nhà ngói đỏ khang trang ở ngay góc một ngả tư đường, nơi đó anh đã sống và lớn lên, nơi đó chúng ta đã gặp nhau, yêu nhau và cũng nơi đó có những buổi trưa hè chúng ta ngồi dưới gốc cây mít Tố Nữ, nhìn bầu trời xanh ngắt mơ ước chuyện mai sau. Những hình ảnh đó sáng ngời trong anh vào những đêm trăng sáng vằng vặc trên chiến trường, chỉ riêng một mình anh thao thức nhớ em...
(trang 112)

Cõi Quê Nam chúng ta đáng yêu như thế, bút pháp Anh Vân diễn tả những hình ảnh thân thương như thế nhất định là phải xứng hợp với nhau. Nhưng khi quê hương rơi vào tay bọn xâm lược Bắc phương thì nó đổi khác. Bút pháp của Anh Vân cũng đổi khác. Bút pháp đó trở thành u trầm buồn bã hơn, tiếng thở dài của anh trên những dòng diễn tả tuy nhẹ mà thấm sâu vào mọi hẻm hóc của nội tâm chúng ta.

Cảnh bờ sông bến phà Mỹ Thuận sau ngày Việt Cộng cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam ít lâu cũng được trình bày vài nét tạo hình chung chung, nhưng cũng đủ gieo vào tâm hồn người đọc biết bao se sắt ngậm ngùi:
... Những cái cầu tiêu công cộng cất bằng gỗ và ván dọc theo bờ sông từ trước 1975, nay đã xiêu vẹo, đổ nát nhưng không được cất lại, không có chỗ tiêu tiểu cho phụ nữ khiến họ phải tiểu bên vệ đường. Mỗi lần có chuyến xe qua bắc là có cả chục người đàn bà, con gái vén quần tiểu tiện, cạnh những lùm cây, trông thật tội nghiệp! Một luồng gió thoảng qua khiến Nam nhăn mũi. Mọi người mải mê làm việc như quên mùi hôi hám đến muốn nín thở, bốc ra từ những đống rác đổ vất bên lề đường và những đàn ruồi xanh đánh ầm ầm trên những đống xác mía bên cạnh những xe nước mía. Nam lắc đầu thở dài trước cảnh đất nước hoang tàn khác hẳn thời kỳ còn chiến tranh. Bao nhiêu máu xương đã đổ ra để đổi lấy một đất nước nghèo khổ đến tận cùng. Những kẻ chiến thắng tự hào đã giựt sập ngôi nhà cũ, vẫn còn ở được nhưng họ không xây được ngôi nhà mới khiến toàn dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Nam nhìn quang cảnh nhộn nhịp chung quanh, mọi người tất bật làm việc mà trên người chỉ có manh áo tả tơi, vài cụ già đang xin ăn gần đó, những đứa trẻ ở lứa tuổi đến trường đang mang những thùng cà-rem, những bọc nước mía, những ly trà đá chạy tới chạy lui, rã họng mời gọi khách. Sự tàn phá của chiến tranh vẫn còn để lại trong ánh mắt mọi người dấu vết mệt mỏi, chán nản và tuyệt vọng.
(các trang 299, 300)

Cảnh phụ nữ vượt biên bị bọn hải tặc Thái Lan cưỡng bức mới ghê tởm thế nào! Chăng hiểu tác giả Anh Vân có chứng kiến cái thảm nạn đau lòng đó hay không? Hay là anh nghe các nạn nhân kể lại rồi dùng óc tưởng tượng tinh nhuệ vẽ vời thêm? Sao sao cũng được. Sao sao đều không quan hệ. Anh đã viết theo lối tường thuật trộn lẫn lối miêu tả thật linh động, như vậy cũng đã đưa đoạn văn này vào nghệ thuật văn chương, cũng đủ thuyết phục độc giả đang theo dõi từng bước diễn tả của anh rồi.

Đêm xuống dần, nỗi kinh hoàng phủ trùm lên hòn đảo nhỏ. Mọi người im thin thít, chỉ còn nghe tiếng u u của muỗi rừng và tiếng oang oác của loài chim ăn đêm, tiếng sóng gào ngoài xa. Địa ngục trần gian là đây! Trong lúc những người đàn bà bất hạnh đang sợ hãi giấu mình trong bóng đêm thì những tiếng reo hò man rợ thình lình nổi lên từ bờ biển. Ánh sáng của những ngọn đèn măng-sông chói lòa trên trên những chiếc tàu đánh cá, cho thấy rõ những tên cướp biển đã trở lại, đang từ trên tàu nhảy xuống. Bọn chúng, mình trần trùng trục, miệng ngậm dao găm, một số, tay cầm dao dài, cầm búa vừa chạy vừa rú lên từng hồi man rợ. Chúng chạy cùng khắp, tìm những nhánh chà, những cành khô, chất lại thành nhiều đống rồi nổi lửa lên. Lửa thắp sáng một vùng hoang dã.
Cuộc săn ngưòi bắt đầu. Chúng đưa tay lên che miệng, hú từng tràng dài man rợ, vừa chạy đến những bụi cây, những hốc đá kéo những nguời đàn bà bất hạnh ra gần đống lửa. Chúng lột trần truồng những người đàn bà ra, thi nhau hãm hiếp. Trong cảnh hỗn mang đó, Hiền cũng bị lôi đến gần đống lửa. Nàng chỉ muốn lao người vào đống lửa, chết đi cho khỏi tủi nhục, nhưng cơ thể nàng đã rũ liệt, không sao cất nhấc nổi tay chân. Những tên Thái Lan lại bắt đầu thay phiên nhau thỏa mãn trên thân xác nàng đến lúc Hiền chỉ còn thoi thóp, không kêu la nổi nữa. Dưới những ánh lửa bập bùng, bọn cướp la hét, chạy tới chạy lui, nói năng bi bô những tràng dài bằng ngôn ngữ lạ tai, những tràng cười khoái trá hòa lẫn với tiếng khóc van xin tạo nên một khung cảnh man rợ chưa từng thấy.
Đến khuya, bọn chúng bỏ đi thì mỗi người đàn bà phải qua tay năm ba tên mọi rợ trong đó có cả những đứa bé gái mới mười hai, mười ba tuổi.
Hai ngày trôi qua trong kinh hoàng. Những người đàn bà bất hạnh đã mất hết sinh lực. Họ tiều tụy một cách đáng sợ với đôi mắt trũng sâu, thâm quầng, trên gương mặt nhợt nhạt xanh xao như người chết. Vài người không quần áo mặc, ngồi co ro hai tay ôm ngực vừa khóc lóc tỉ tê. Họ chỉ biết khóc nhưng một phần lớn, im lặng không khóc, cố nuốt nỗi đau đớn tủi nhục vào lòng.
Buổi trưa một người đàn bà nổi cơn điên, cổi hết quần áo đi lang thang dọc theo bờ biển vừa đi vừa ca hát. Một chiếc trực thăng vô tình bay qua, nhìn thấy cảnh đó, lập tức quay lại, bay quanh nhiều vòng. Nhiều người trên đảo còn tỉnh trí, vội vàng chạy ra vừa kêu gào la hét. Chiếc trực thăng từ từ hạ xuống. Ba người Tây phương mặc thường phục, gồm hai người đàn ông, một người đàn bà tức tốc nhảy xuống. Họ mang lên trực thăng những người bị thương nặng chở về chuyến đầu tiên. Người đàn ông tay cầm súng trường ở lai để săn sóc những người bị thương nặng và cũng để cho người đi chuyến sau yên lòng. Hiền may mắn được đi chuyến đầu tiên trong lúc còn mê man, bất tỉnh và được đưa ngay vào bịnh xá dành cho người tị nạn ở trai Tanjung Unggat thuộc tỉnh Tanjung Pinang, Nam Dương.
(các trang 461, 462, 463)

*
* *

Những nhân vật chính diện trong Ác Mộng Đêm Dài như Nam, Vinh, Sử, Trạc, Lan, Hiền đều có mẫu số chung: tình yêu nước và niềm tôn thờ chính nghĩa. Nam yêu nước một cách trong sáng và nhiệt thành với nhiệm vụ một sĩ quan tác chiến, anh cầm súng đứng bên hàng ngũ Quốc Gia để chống Cộng cứu nước một cách hồn nhiên, không coi đó là bổn phận mà là muốn bảo vệ chính nghĩa và thắp sáng tình yêu nước trong chí tang bồng hồ thỉ của mình để xứng đáng là một công dân thời loạn.
Sau ngày mất nước, chàng lao vao tổ chức kháng địch nhỏ nhoi dù biết đó chỉ là việc làm châu chấu chống xe, nắm chắc phần thua thiệt trong tay, biết đâu mình phải chịu thiệt mạng. Nhưng chàng muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh cáo bạo quyền rằng mầm mống phản kháng chính sách hà khắc của họ không thể trường tồn vững chãi vì trong dân chúng sự chống đối vẫn là ngọn lửa tiềm sinh cháy âm ỉ ở những tấm can trường giống như hòn than vùi dưới lớp tro mỏng.

Độc giả tức đến nghẹt thở trước hành trạng và sự chọn lựa của Nam. Có kẻ sẽ tự hỏi: ''Có phải Nam cuồng tín và nhiệt thành tới độ ngu si đần độn không? Chàng há chẳng biết cái mặt thật của tổ chức kháng chiến ma qua lời nhận định và phân tích của Trạc hay sao? Nếu chàng không biết cái trí trá của bọn Hoàng Cơ Minh thì cũng đã xem cuốn video Đồng Tâm(1), cũng đã tỏ rõ tiền yểm trợ của kiều bào đang nằm trong tay Hoàng Cơ Định hay sao?''. Duy có một điều đáng chú ý: trước khi bỏ Hiền theo mặt trận, Nam chưa kịp nghe thấy sự chia rẽ, tranh đoạt quyền lực trong mặt trận mà con mãng xà hung hăng Phạm Văn Liễu đang kình chống với bầy lang sói có cái họ Hoàng Cơ.

Nam được tác giả cấu trúc bằng nét ngoại hình khôi vĩ, bảnh bao. Cách cư xử mềm mỏng của chàng đối với mọi người, cách chìu chuộng phụ nữ của chàng tạo cho chàng một hấp lực say sưa lôi cuốn họ. Nhưng Nam không phải là hạng sở khanh xỏ lá, thích ve gái, thích hưởng thụ, lánh trốn trách nhiệm khi nước nhà đang lúc ngửa nghiêng. Chàng có một trái tim nhân ái, một tấm lòng yêu nước thương nhà thật đậm đà, thật kỳ diệu và đơn giản. Chàng là một chiến sĩ dũng cảm nhưng không thể nào có sự bén nhạy và quyền biến để lao vào lãnh vực trí trá, uyển chuyển và phức tạp của chính trị được.
Chính Sử là cái đầu óc trong nhóm kháng chiến chống Cộng, còn Nam là ngưòi thừa lệnh để hoàn thành sứ mạng mà Sử giao phó một cách vuông tròn. Chàng tư duy về tình hình thời cuộc theo một chiều xuôi, không hề đặt vấn đề trước mọi biến chuyển, mọi ngả rẽ của sự việc. Chàng khi trở thành một thành viên vận động cho mặt trận, dám bỏ công ăn việc làm, bỏ việc học ngành kỹ sư cơ khí, chỉ còn hơn một năm nữa là tốt nghiệp. Trái tim mẫn cảm của chàng, tài văn chương tiềm tàng ở chàng chỉ giúp chàng trở thành một nhà văn có địa vị trên văn đàn. Chàng không thể là một cây bút viết những tác phẩm văn chương pha trộn chính trị đuợc. Vả lại, trong lãnh vực văn chương, một khi có chính trị len lỏi theo cách rón rén bước vào, tác giả đừng nên để nó bành trướng để khỏi hy sinh ít nhiều tính chất nghệ thuật. Đương sự phải dùng chính trị như một phương tiện để khai thác tâm tình, nhân sinh quan, niềm khao khát của nhân vật, chứ không nên dùng chính trị như mục đích huy hoàng để nhắm tới.

Khi dựng lên nhân vật Nam, tác giả đã in cái phóng ảnh của mình vào Nam: Nam tức là hình ảnh của Anh Vân qua một khía cạnh nào đó. Anh Vân dùng mặt trận của bè lũ Hoàng Cơ Minh để đào sâu nhân vật Lê Quốc Nam của mình, chứ không phải nhắm vào mặt trận để làm đề tài chánh cho quyển Ác Mộng Đêm Dài. Do đó, quyển trường thiên tiểu thuyết này không bị giảm sút tinh thần văn chương đúng nghĩa.

Những người có đầu óc tôn thờ lý tưởng thường là những kẻ nhiệt tâm nhiệt huyết; nhưng bầu nhiệt huyết nhiều khi che mờ óc phán đoán của họ. Cho nên họ thường bị kẻ gian tà lợi dụng hoặc bị đưa vào cạm bẫy của chúng.
Duới cặp mắt nhận xét của Hiền, Nam là một nhân vật đáng yêu. Nàng không cho cái lý tưởng của chàng thấp thoáng đôi chút mầm mống cuồng tín, mà đó là sự hy sinh thuần khiết phát xuất từ cái căn tính bất vụ lợi:
Nhìn Nam cắm cúi làm việc, Hiền thấy Nam là một con người nhiều nghị lực. Duờng như trong mỗi con nguời có những thao thức riêng tư được ấp ủ và giấu kín dưới gương mặt bình thản như lòng ham muốn giàu sang, danh vọng, địa vi, khát vọng tình yêu hoặc đeo đuổi theo một lý tưởng nào đó. Trong tình yêu, Hiền biết rõ Nam là kẻ đam mê. Trong những lần làm tình với nàng, Nam như một ngọn lửa đốt cháy nàng, như muốn lột da nàng để nhìn rõ tường tận trong cõi sâu thẳm của nàng. Ngoài ra Nam còn ấp ủ một hoài bão là được góp công và nhìn thấy quê hương an bình, trong đó đồng bào anh được sống hạnh phúc. Với Nam, dưòng như tiền tài không quyến rũ được anh. Nam say sưa viết lách, dàn trải tâm tình, ước vọng của anh lên trang giấy. Anh kết tội chủ nghĩa cộng sản đã làm kiệt quệ đất nước, đã vắt cạn sinh lực và tinh hoa của người dân, làm thui chột mấy thế hệ tuổi thơ. Nam viết say sưa, viết bằng tất cả sự rung cảm chân thành và tấm lòng yêu nước của anh. Đọc Nam, Hiền cảm nhận được hết những điều đó.
(các trang 702, 703)

Trạc nhận định Nam cũng qua một khía cạnh bao dung khoan hồng, không gán cho Nam cái tật cuồng tín:
Nhìn khuôn mặt trầm ngâm của Nam, Trạc thở dài. Anh hiểu Nam lắm. Nam, bạn anh, con sư tử lãng mạn đâu chịu nằm yên trong cũi. Anh đâu còn lạ gì về đức tính hy sinh của Nam, khó ai bì kịp. Bỏ nước, bỏ mẹ già ra đi trong nhục nhã, cái chết của Vinh, của Sử, những ngày tháng đen tối trong tù, cảnh nô lệ của người dân vẫn còn là một vết thương rướm máu trong lòng Nam. Mối hận này chưa rửa được, Nam sẽ sống những ngày khắc khoải không yên; nhưng về chiến khu trong lúc nầy, theo Trạc nghĩ là một hành động vội vã, thiếu cân nhắc. Một tổ chức đấu tranh mà hầu hết anh em gia đình ho Hoàng đều giữ chức vụ quan trọng, trong đó tiền bạc giao trọn cho Hoàng Cơ Định, một tay tham nhũng khi còn giữ chức Giám Đốc trường Cao Đẳng Hóa Học ở Việt Nam. Sau đó bị đưa ra Giám Sát Viện xét xử và bị cách chức. Hoàng Cơ Định đi đến đâu cũng thúc giục các trưởng cơ sở mặt trận phải tận dung khả năng quyên tiền đồng bào bằng mọi cách.
(trang 738)

Việc bỏ chốn định cư để vào chiến khu của Nam phải có thêm một động cơ nào khác nữa thôi thúc, chớ không phải chỉ vì yêu nước bồng bột. Cái đó, tác giả Anh Vân không nói ra, độc giả cũng không đoán ra. Nhưng cái bí ẩn vẫn thấp thoáng sau lưng sự việc mà tác giả cùng Hiền và Trạc đã trình bày. Cái chết của Nam lại càng kỳ bí hơn. Chuyến ra đi cùng cái chung cuộc thê thảm của chàng bị gói trọn trong lớp màn tối đen huyền bí. Lịch sử trong vòng 10 năm hay 20 năm có thể sẽ trả lời chúng ta đâu là sự thật hay một bóng dáng hoặc một khía cạnh của sự thật. Nhưng Nam thì vẫn là một cái bóng thấp thoáng trong huyền sử mờ mờ nhân ảnh từ khi chàng sửa soạn vào khu chiến cho tới cái chết của Hoàng Cơ Minh đã bị tiết lộ. Về phương diện nghệ thuật, Nam làm cho chúng ta nghĩ ngợi nhiều hơn các nhân vật khác. Chàng hiển thánh trong ánh sáng nghệ thuật trong khi tông tích về sau của chàng trở thành bóng chim tăm cá giữa cái thế giới u hiển mập mờ.
*
* *

Những nhân vật phản diện như Tư Thống và một vài tên quản giáo trong Ác Mộng Đêm Dài xuất hiện trên diễn tiến quyển sách quá ít. Còn những nhân vật trong mặt trận kháng chiến ma của bọn Hoàng Cơ Minh chỉ được xuất hiện trong lời tường thuật của tác giả qua đống tài liệu đăng rải rác trên các sách báo ở hải ngoại mà anh thu thập được. Trái lại, bên cạnh Nam hoặc bên cạnh hay chung quanh Hiền, nhân vật chính diện xuất hiện nườm nượp. Xin được lần lượt kê khai:

*
Vinh là con một viên sĩ quan cao cấp chỉ biết ăn chơi và một người đàn bà phóng đãng hám lợi. Chàng yêu nước với tấm lòng ngay dạ thẳng và niềm son sắt thiết tha như tấm lòng dũng tưóng Triệu Tử Long thờ chúa của mình là Tây Thục Tiên Chúa Lưu Huyền Đức (tức là Lưu Bị). Chàng đau khổ và cảm thấy nhục nhã khi biết mẹ buôn lậu vũ khí cho địch. Và chàng còn ân hận sao mình trước kia với tinh thần yêu nước cao độ mà không đi tác chiến mà lại chịu làm việc Phòng 1 của Tiểu Khu Bạc Liêu. Cho nên muốn chuộc lại lỗi lầm của mẹ và sự chọn lựa cầu an của mình, dù không có kinh nghiệm về chiến trường mà chàng vẫn tham gia vào tổ chức kháng chiến do Sử và các bạn đồng tâm chung hướng của chàng tổ chức. Chàng hy sinh cản địch vào hôm tấn công căn cứ Sóc Đồn nên phải bỏ mạng.
Trại tù vắng vẻ đến lạnh lẽo, chỉ một mình Vinh và một anh tù binh đang đau nằm ở cuối trại. Vinh nằm dài xuống chiếu hút thuốc, nghĩ vẩn vơ, chờ đợi tới giờ lên ban giảng huấn. Vinh rùng mình. Trời nầy mà ngâm mình dưới nước, móc đất là một khổ hình. Cuộc chiến nầy đã mang đến những gì tốt đẹp, chưa thấy, chỉ thấy toàn quân dân mình Nam đang trả một cái giá quá đắt. Vinh nuối tiếc những ngày tháng cũ và có cảm tưởng những gì tốt đẹp đã đổ nát, hoang tàn trong tim anh. Vinh thấy phục Nam. Nam đã sống hết mình với cuộc đời, hi sinh và chịu đựng gian khổ ngoài chiến trường một cách can đảm và bây giờ Nam chấp nhận một cách thản nhiên kiếp sống đọa đày của một tù binh. Vinh biết, Nam đã hết sức cố gắng luyện tập Yoga hằng đêm để giữ vững tinh thần, không tỏ ra hèn yếu trước kẻ thù. Không bao giờ Vinh nhìn thấy Nam khúm núm trước mặt những tên bộ đội hay cán bộ giảng huấn như một vài tù binh khác. Anh phục thái độ sống của Nam, muốn được như Nam. Anh thèm khát được cầm súng chiến đấu nhưng tất cả đã muộn màng.
(các trang 213, 214)

Sử khi còn làm việc ở Phòng Tình Báo Tiểu Khu là một kẻ mặt sắt, một hung thần với bọn địch trà trộn vào dân chúng hay địch nằm vùng. Chàng thâm trầm nhiều mưu mẹo và có óc quyền biến tinh nhuệ. Nhưng chàng không phải là hạng người dùng cái lợi khí thiên bẩm của mình để kiếm tư lợi hay để phụng sự cho cái Ác, cho bạo quyền. Chàng là một kẻ ái quốc chân chính. Cái tổ kháng chiến của chàng do chàng coi sóc mọi việc quan trọng đòi hỏi sự thông tuệ lẫn kiến thức. Chính việc tấn công Sóc Đồn do chàng đặt kế hoạch và chỉ huy. Giúp Nam và Hiền vượt biên cũng do chàng chớ do ai? Chàng yêu thầm kín Lan mà không dám thố lộ, để tới phút lâm chung mới bày tỏ nỗi lòng với Lan. Chàng tuy là vai phụ trong Ác Mộng Đêm Dài, nhưng chói sáng có phần hơn Nam.
*
... Âm thầm yêu Lan nhưng Sử không chịu ngỏ lời. Anh biết tỏ tình trong lúc tâm hồn Lan đầy ắp hình ảnh Nam, chỉ chuốc lấy sự bẽ bàng. Tỏ tình không đúng lúc, anh sẽ mất Lan vĩnh viễn vì tình yêu không thể ngỏ lần thứ hai. Sử biết Nam có những điều hơn hẳn anh. Nam có dáng dấp cao ráo, guơng mặt dễ nhìn và nhất là Nam lúc nào cũng dịu dàng và tỏ ra săn sóc đàn bà. Những yếu tố đó anh không thể có được. Bây giờ Nam bỏ đi, Sử định một thời gian sau khi tình cảm của Lan dành cho Nam nhạt dần, anh sẽ tỏ tình cùng Lan và hi vọng sẽ thành công.
(trang 495)

Nắng hôm nay như vàng hơn, rực rỡ hơn. Cuộc đời bỗng dưng rực rỡ dưới mắt Sử. Từ ngày Nam bỏ đi cho tới giờ, Sử mất đi một cánh tay đắc lực, gánh nặng của tổ chức sẽ đè nặng hơn trên vai Sử. Tất cả vấn đề quan trọng Sử chỉ biết thảo luận với Lan. Hoạt động bên nhau, cùng gánh vác một việc và cùng chia sẻ hiểm nguy với nhau, tình cảm giữa anh và Lan càng ngày càng khắng khít.
(trang 496)

Nhân vật Trạc, một nhân vật xương sống, một chứng nhân sáng suốt trong tác phẩm Ác Mộng Đêm Dài. Khi Lục Phưong Ninh đuổi bọn Hoàng Cơ, Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công ra khỏi Lực Lượng Quân Dân Việt Nam hải ngoại, anh có nhận xét như sau:
*
Trạc thở dài, một lúc rồi nối tiếp :
-- Nghe nói tổ chức đang rạn nứt. Lục Phương Ninh theo Đinh Thạch Bích, sắp kéo lực lượng ủng hộ Trương Như Tảng, tìm sự yểm trợ của Trung Cộng. Cánh thứ hai gồm có Hoàng Cơ Minh, Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công. Mẹ! Chưa làm việc gì đã chia năm xẻ bảy. Nóng lòng nhập cuộc rồi mình chỉ làm viên gạch lót đường cho tham vọng của họ.
Nam nhìn Trạc một giây, anh thấy trong mắt người bạn thân một chút bơ vơ, lạc lỏng. Nam biết trái tim Trạc bắt đầu nguội lạnh. Một con người giàu nhiệt tình với đất nước như Trạc đã bắt đầu mất hết niềm tin. Dường như Trạc nhập cuộc để khỏi bị lương tâm cắn rứt, để được yên lòng sống những ngày còn lại trên xứ người...
(các trang 611, 612)

Sau khi xem cuốn phim video Đồng Tâm(1) trình chiếu ở nhà một chiến hữu tại Santa Ana (Nam California), Trạc không tin căn cứ khu chiến đặt tại quốc nội. Xin cùng đọc:
*
Trạc nhìn ra ngoài xe, chửi thề :
-- Đ.m! Chưa gì Mặt Trận đã lừa gạt anh em và buộc mình lừa gạt đồng bào.
Tao lặn lội khắp nơi, tao cá với mầy đó không phải là rừng Việt Nam.
Nam yên lặng lái xe, một lúc sau mới lên tiếng:
-- Thôi, để trình chiếu cuốn video(1) xong, xem phản ứng của đồng bào ra sao.
Việc tạo niềm tin trong đồng bào để tìm sự yểm trợ là điều cần thiết trong giai đoạn đầu.
Trạc lớn tiếng:
-- Tại sao không dám nói thẳng với đồng bào là khu chiến đặt tại Thái Lan? Việc giải phóng đất nước trong tay giặc là chuyện đội đá vá trời có phải như lấy đồ trong túi ra đâu. Giai đoạn đầu tìm được một nơi để lập khu chiến đã là hay lắm rồi. Tại sao phải nói láo? Nói láo được một lần, họ sẽ không dừng lại ở đó đâu. Chưa gì đã lọt về Việt Nam và lập chiến khu. Làm như tụi Việt cộng đã chết hết và họ đã coi tụi mình như những đứa con nít.
(trang 624)

Vào ngày 30/4/1983, tại Washington D.C, chủ tịch Hoàng Cơ Minh của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã tuyên bố: từ khi thành lập mặt trận vào ngày 30/4/1980 cho đến ngày 8/3/1982 mặt trận đã liên lạc và kết hợp 36 tổ chức kháng chiến khác nhau trên toàn quốc, Trạc chì chiết liền :
-- Mẹ! Nội cái chiến khu quốc nội nghe đã không ổn rồi, nay lại kết hợp được 36 tổ chức kháng chiến với số kháng quân khoảng hơn mười ngàn người, ngồi đó vẽ cũng còn không kịp. Bọn nó coi chúng mình như lũ con nít. Chắc tao sẽ ra khỏi Mặt Trận một ngày gần đây. Đời tao, không thằng nào có thể coi tao như con nít được. Mẹ! Thằng anh thì làm Chủ Tịch, thằng em thì làm thủ quỹ, toàn quyền trong việc chi thu. Có tổ chức nào lạ đời như tổ chức nầy không? Tao sẽ không thu tiền của đồng bào và anh em trong chi bộ nữa để khỏi hối hận sau nầy. Nếu cần tao sẽ giải tán chi bộ luôn. Tổ chức nầy không đổ vỡ vì chuyện tiền bạc, tao thề sẽ đi bằng hai tay. Cả Liễu, Công cũng chỉ là hai thằng ngu. Tên nào cũng nói là mình phục vụ Tổ Quốc nhưng khi nhìn thấy thái độ hống hách và chuyện tiền bạc thiếu minh bạch của Hoàng Cơ Định, không tên nào dám lên tiếng. Con c...tao không làm gì cho cá nhân tao, tao cóc ngán thằng nào.
(các trang 747, 748)


Hiền là cô gái mới lớn chỉ biết yêu Nam, chỉ biết chung thủy với Nam, chỉ biết cầu nguyện Chúa Ki-tô phù hộ mình thoát khỏi hoạn nạn tai ương để hưởng hạnh phúc vuông tròn. Ngoài ra, nàng chẳng hề biết những chuyện trọng đại khác. Tai nạn trong chuyến vượt biên càng làm nàng gần gũi Chúa hơn. Linh mục Antonio là kim chỉ nam cho nàng tìm về sự cứu rỗi của Chúa, soi rọi tâm hồn bình an và tìm gặp hạnh phúc ẩn núp sau tai ương. Nhưng khi Nam bỏ đi theo mặt trận, Hiền bắt đầu tìm hiểu về thời cuộc và về diễn biến hoạt động của họ. Đó cũng chỉ là động lực do tình yêu thôi thúc mà thôi. Hiền là hiện thân của một thiên thần, sống trong tuân phục ý Chúa. Nàng hoàn toàn quá, thuần khiết quá nên không có cá tính mãnh liệt nào ngoài niềm chung thủy đối với mối tình đầu và Đức Tin. Ánh sáng thiên lương không hướng dẫn nàng theo chuyện nào khác hơn là vấn đề tâm linh hướng về Chúa để noi gương Chúa vác cây Thánh Giá khi nàng phải gồng mình gánh vác hệ lụy:
*
Kính lạy Chúa! Cha nhân từ của con. Chúa ôi! Kính xin Chúa thương xót, tha thứ cho con mọi tội lỗi. Xin Chúa cứu vớt con, đừng rơi bỏ con, nhất là trong lúc nầy. Xin Chúa ở cùng con luôn, giúp con vượt qua những cảnh đời mà sức con không còn kham nổi. Cả tháng nay, con đã và đang sống trong bóng tối sâu thẳm của địa ngục, giữa lằn ranh của sự sống và nỗi chết. Con đã nhận lãnh bao ngọn roi đời tàn bạo trên thân xác yếu đuối và tâm hồn đã rướm máu của con. Hiện con đang chết dần mòn và sự sống như sắp rời khỏi con. Con không xin Chúa cất chén đắng ra khỏi môi miệng con. Tát cả đã muộn màng vì con đã uống chén đắng đó. Con chỉ xin Chúa giúp con nếm giọt đắng cuối cùng một cách can đảm, không lúc nào bằng lúc nầy, con đến để cầu nguyện cho những vết thương trên thánh thể Chúa cũng như những vết thương trong tâm hồn và thể xác con. Những vết thương đau đớn trên thân thể con đã giúp con cảm nhận đuợc nỗi đau tột cùng mà Chúa đã phải chịu đựng trên thập tự giá vì tội lỗi của nhân loại và cũng vì tội lỗi của riêng con. Chúa nhân từ của con ôi! Trên con đường khổ nạn của dân tộc mà con đang đi, một điều mà con nhất thiết van xin Chúa, cho con gặp lại Nam. Xin Chúa mở rộng tấm lòng Nam, đừng để Nam khinh ghét con vì những đau đớn tủi nhục đó đâu phải do con gây ra mà nó đến từ những tấm lòng độc ác của loài người.
(các trang 466, 467)

Lan là một nữ quân nhân có tâm huyết. Không phải chỉ có tình yêu của nàng dành cho Nam thúc đẩy nàng tham gia vào tổ chức chống Cộng mà nàng cần phải làm một cái gì đó cho tổ quốc, cho công bằng, chính nghĩa. Lý tuởng nàng rất sâu sắc và hào hùng hiếm có ở một phụ nữ chân yếu tay mềm.
Xin đọc đoạn nói về ý kiến của Lan trong dự định tổ chức kháng chiến, trong đó Lan sẽ tham gia :
*
Nam hỏi :
-- Lan nghĩ gì về việc làm của chúng mình ?
Lan đáp với giọng bùi ngùi :
-- Lan chỉ nói ý nghĩ của Lan với anh thôi. Làm thì làm, làm cho thỏa mãn con người phản kháng bên trong tâm hồn mình nhưng Lan thấy nản lòng lắm. Vài chục tay súng thì làm được gì trong lúc nầy nhưng anh em đã góp phần chẳng lẽ mình đứng ngoài. Bây giờ có anh nhập cuộc. Lan thấy như được khích lệ hơn. Thôi thì một kiếp người, sống thế nào để không phải hổ thẹn với mình là đuợc.
Nam nhìn Lan với ánh mắt trìu mến. Anh thấy thương Lan, thương Sử, thương mến những chiến hữu của anh đã can đảm, coi nhẹ mạng sống, coi thường hạnh phúc riêng tư của đời mình, kết hợp để gầy lại cuộc chơi với hai bàn tay trắng. Cuộc chơi mà mọi ngưòi gần như biết trước, khó mà thắng được, nhưng ở đời người ta làm những việc xét ra phải làm và chấp nhận chết cho những điều mình tin tưởng.
Nam hỏi:
-- Lan không nghĩ rằng, ở nhiều nơi khác cũng có những anh em đang âm thầm chiến đấu như chúng mình sao? Việc gom anh em lại để làm một cái gì cho đất nước trong lúc nầy, giống như mình đốt lên một ngọn lửa và cố gắng giữ cho nó đừng tắt. Biết đâu sau đó sẽ có nhiều người tiếp tay với mình.
-- Lan có nghĩ đến điều đó nên còn nấn ná ở lại, bằng không em đã tìm đường ra đi rồi.
(các trang 286, 287)

Tâm lý của Lan được tác giả diễn đạt theo một tiến trình rất lớp lang, rất hợp lý. Nàng yêu Nam ở cái lý tưởng sáng ngời chính nghĩa lẫn cái phong cách hào hoa của chàng. Nhưng đó chỉ là tình yêu đơn phương tuyệt vọng. Nhưng rồi xa Nam, không hy vọng sẽ có ngày gặp lại Nam, mà dù gặp lại Nam thì chàng vẫn thuộc về Hiền, cho nên nàng nhìn lại Sử thường xuyên ở cạnh nàng, cùng nàng hoạt động cho đại cuộc. Cái quyền biến, cái tài đứng vững ở đầu sóng ngọn gió, lẫn cái tâm địa rộng rãi và phong độ hào hùng của Sử dần dà chiếm đoạt trái tim nàng bằng từng bước tuy chậm chạp mà vững chắc. Ôi, cái tình yêu đó lúc Sử còn sinh tiền âm thầm đến Lan bằng những bước chân nhẹ quá, rón rén và mong manh quá nên nàng chưa cảm nhận rõ rệt. Nhưng đến giây phút chàng chết trong tay nàng, mối tình ấy như một bông hoa ánh ánh nở tung ra, soi rọi khắp nội giới nàng.

Khác với Hiền, Lan tuy không phải là kẻ vô thần, vô tín ngưỡng, nhưng nàng hoài nghi về linh hồn, về cõi chết. Bình thường nàng không đặt nặng vấn đề này. Nhưng trong lần đi viếng mộ Sử, ánh sáng tâm linh dù bạc nhược vẫn len lỏi vào nội giới nàng, để nàng đối diện với nó, đặt vấn đề về nó. Có lẽ nàng đã gặp một vài biến cố thần bí không sao giải thích trên con đường hành hương tìm những kẻ tuẩn đạo cho chính nghĩa, trong đó có sự hiện diện của Sử. Xin cùng đọc những giờ phút hoài niệm cùng những dòng tư duy thuộc lãnh vực tâm linh của Lan trong lần nàng đi viếng mộ Sử :
Đến nơi, Lan ngồi cạnh nấm mộ nghỉ mệt, mắt nhìn chăm chăm vào tấm mộ bia. ''Tạ Thành Sủ'' sinh năm 1948, mất năm 1979''. Sử chết vào năm 31 tuổi, cái tuổi mà người Việt Nam cho là xui xẻo. Lan lấy trong cái giỏ xách miếng vải nhỏ, lau chùi tấm mộ bia. Lau xong, Lan ngồi thừ bên cạnh mộ, mắt nhìn về phía trời xa. Một con chim lẻ loi, kiếm ăn về muộn đang mệt mỏi vỗ cánh bay về tổ. Chung quanh Lan giờ nầy hoang vắng quá, chỉ mình Lan với nấm mộ cô đơn. Tự nhiên Lan cảm thấy mình già đi, tâm hồn cằn cỗi, tràn ngập nỗi buồn, như vạt nắng chiều đang hấp hối ở cuối trời xa thẳm. Lan tự hỏi : ''Con người thật sự có linh hồn chăng ?''. Sử vẫn quan niệm rằng ''chết là hết''. Thật sự có phải chết là hết không ? Nếu có linh hồn thì thân xác đã về với cát bụi rồi, linh hồn nương tựa vào đâu ? Khi còn sống Sử lúc nào cũng nóng nảy bồn chồn. Dường như Sử không có một giây phút an bình, những âu lo thay phiên xuất hiện trong đời sống. Và bây giờ Sử đã chết, tấm thân đã vùi xuống lòng đất lạnh, liệu ở thế giới bên kia, linh hồn Sử có được bình an không ? Một thứ bình an vĩnh cửu hay còn vướng mắc với những vay trả cuộc đời mà lúc sống, Sử chưa thanh toán được. Quốc gia, cộng sản, dân chủ, độc tài, tự do, nô lệ, những thứ đó có làm bận lòng Sử không? Nếu linh hồn còn đó, liệu Sử có nhìn thấy những giọt nước long lanh niềm khổ hận dưới mắt nàng không? Giọt nước mắt của một cuộc tình mà khi nhận ra đã quá muộn màng để khổ hận cho người sống cũng như kẻ chết...
(các trang 572, 573)

*
* *

Trong Ác Mộng Đêm Dài còn có hai nhân vật đáng chú ý. Đó là mẹ của Nam và bà Ngởi (mẹ của Vinh và Hiền).
Mẹ của Nam là người đàn bà thuộc hạng trí tuệ, hiểu rõ tình hình và thời cuộc. Tác giả không nói rõ do đâu mà bà có được một kiến thức viễn thâm ấy, ngoài sự ham mê đọc sách. Trong những ngày Nam và Vinh vừa rã ngũ tan hàng, bà nhận định như sau:
-- Các con rồi sẽ không yên với họ đâu. Mẹ lo lắm! Nếu giết được hết thành phần như các con mà không mang đến hậu quả xấu nào, họ sẽ làm ngay. Họ không nhân đạo mà nghĩ ''cùng là người Việt với nhau'' như các con nghĩ đâu. Các con còn nhớ các mồ chôn tập thể ở Huế tết Mậu Thân, những lần họ ném lựu đạn vào các chợ hay rạp hát. Đó là những việc làm có chủ trương cả. Họ đâu có nghĩ đến sinh mạng của những người dân vô tội kể cả đàn bà và trẻ thơ. Họ tự phong cho họ cái quyền giết người vì hạnh phúc con người, giết người để cứu người. Họ được dạy dỗ như vậy, giết một số người nhỏ để cứu một số người khác đông hơn. Vì vậy mà họ giết người không gớm tay đâu, nhưng họ giết người mà có cứu được nguời không? Đó là chuyện khác. Họ cần đạt được mục đích, cướp được miền Nam và bằng mọi giá phải giữ được miền Nam. Giết các con thì họ không làm vì vì thành phần tập kết khá đông. Đem con cháu của của những người tập kết ra giết hết, sẽ có loạn ngay và kéo theo sự nổi loạn dây chuyền của những gia đình có con em là sĩ quan. Thời phong trào Việt Minh, nhiều người ra thành, chỉ mua một hộp sữa đặc cho thân nhân đang bịnh uống mà chúng khám xét gặp, chúng tra khảo đến chết rôi quăng vào bao bố, cột miệng lại, ném xuống sông mà họ gọi là ''cho đi mò tôm''. Vì vậy mà mẹ lo cho các con lắm! Chuyện tàn ác nào mà họ không dám làm. Cái chiến thắng nầy vẫn còn làm họ ngỡ ngàng như đang sống trong mơ như các con. Cái mà họ phải làm ngay bây giờ là gom các con lại để ổn định tình thế. Ngày bắt giữ các con sẽ gần đây thôi, còn ngày về của các con thì không ai có thể đoán được. Sau lần chiến thắng ở Trung Quốc một số sĩ quan cao cấp của Trung Hoa quốc gia bị giết, một số vẫn còn bị giam giữ cho tới giờ nầy. Họ sẽ không giết các con ngay, nhưng họ sẽ giết dần mòn các con ở trong tù. Việc làm nầy còn tàn ác hơn nhưng đối với người ngoại quốc, họ vẫn được tiếng nhân đạo vì không có cảnh tắm máu ở miền Nam như nhiều người dự đoán.
(các trang 129, 130)

Trong văn chương Việt Nam của chúng ta, hình ảnh bà mẹ của các nhân vật chính diện thường đuợc lồng trong các bà lão nếu không quê mùa thì cũng không có vốn liếng kiến thức và không có trình độ học vấn bao nhiêu. Bà mẹ của Nam là một nhân vật đặc biệt mà ngay phần đầu câu chuyện tác giả Anh Vân đã giới thiệu là bà thích đọc sách. Cho nên gặp một bà già như thế trong Ác Mộng Đêm Dài chúng ta không bỡ ngỡ. Kiến thức của bà không phải chỉ nhặt nhạnh ở sách vở mà còn ở kinh nghiệm sống dồi dào của bà nữa. Bà còn làm cho chúng ta lạnh xương sống hơn nữa khi khuyên Nam trước khi đi học tập cải tạo:
Nam hỏi:
-- Sao mẹ lo lắng như vậy? Thông cáo đã nói rõ ràng là chuẩn bị đồ ăn trong mười ngày.
Mẹ Nam thở dài:
-- Nếu được như vậy là điều may mắn.
-- Mẹ có vẻ không tin.
Mẹ Nam nghiêm mặt :
-- Mẹ đã dặn các con bao nhiều lần, những gì người cộng sản nói thì không nên tin. Con lại quên lời mẹ dặn rồi.
-- Họ đã ra thông cáo và người dân đã nghe rõ thông cáo đó. Chẳng lẽ, họ dám nói láo hay sao?
-- Chuyện gì họ cũng dám làm miễn có lợi cho họ.
Nhìn sắc mặt có nét giận của mẹ, Nam không dám nói thêm.
Giọng mẹ Nam dịu dàng hơn:
-- Dù không tin thì mình không biết phải làm sao nhưng nhớ, trong tù, họ sẽ kêu con khai lý lịch và những việc làm của con trong quân đội. Con đã khai gì, phải nhớ ghi lại để khai lần sau cho giống. Nhớ khai trong bản lý lịch, hai người anh của con đi tập kết vào năm 1954. Họ sẽ bắt các con khai đi khai lại nhiều lần để xem những lời khai có mâu thuẫn không. Phải dùng cái khôn ngoan của mình đối phó với kẻ thù. Phải nhớ lần đầu tiên, con khai những gì thì lần thứ hai cũng chỉ có thế. Nếu mỗi lần khai, con thêm một số chi tiết thì họ cứ bắt con phải khai hoài để tìm hiểu thêm những việc con đã làm. Chuyện gì giấu được thì cứ giấu. Thà họ chụp tay mình còng chớ đừng tự ý đua tay cho kẻ thù còng. Con nhớ chưa?
(các trang 161, 162)

Có thể mẹ của Nam nhờ đọc hồi ký của các tù nhân chánh trị dưới chế độ Cộng Sản nên có sự hiểu biết sâu rộng như thế. Nam quả thật có một bà mẹ tuyệt vời. Bà là ngọn đuốc soi sáng cho Nam đi trên con đường yêu nước, soi cho Nam nhận diện bộ mặt tàn ác nhưng luôn giả nhân giả nghĩa của Cộng Sản. Nhưng tiếc thay vì còn ở trong vòng phong tỏa của Cộng Sản nên bà không soi được cái trí trá của bè lũ con buôn chính trị bên phía Quốc Gia của chúng ta ở hải ngoại.

Riêng bà Ngởi, mẹ của Vinh và Hiền có học lực cao hơn mẹ của Nam, nhưng không có nhận định sâu sắc như mẹ của Nam. Hoàn cảnh và tâm sự của bà lại có chỗ ngắc ngoéo, éo le. Bà có người yêu tên Ngân theo phe Việt Minh chống Tây. Đương sự hoạt động ở thành phố, bị Tây bắt đưa về bót Catinat tra khảo cho đến chết. Do đó bà ghét Tây, ghét luôn Mỹ và phe Quóc Gia. Bà nghiêng cảm tình về phe Việt Cộng vốn là thối thân của phe Việt Minh. Bà kết hôn với Thiếu Tá Nghiêm (thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa), cha của Vinh và Hiền để có chỗ che chở. Hôn nhân không có tình yêu làm bà thất vọng. Cho nên bà ham tiền, làm đủ mọi cách để có tiền, dù phải lén lút làm ăn với bọn Cộng Sản để bán đứng Miền Nam Việt Nam đi nữa. Lỗ hổng tâm lý của bà phải có tiền trám đầy mới tạo cho bà sự thăng bằng. Sau ngày 30/4/1975, lúc đầu bà chạy theo chánh thể mới để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng sau bao lần chứng kiến cái cách cướp nhà đoạt của do các cán bộ miền Bắc lộng hành, bà bắt đầu suy nghĩ và đặt lại vấn đề. Cái chết của Vinh làm cho bà khám phá một sự thật đau lòng: người con trai yêu quý của bà muốn chuộc lại lỗi lầm của bà nên hy sinh dấn thân vào tổ chức kháng chiến chống bạo quyền, không ngại hiểm nguy đến sinh mệnh.
Với hành động đốt nhà của mình rồi tự thiêu luôn, bà Ngởi chứng tỏ sự phản kháng của mình là cách phản kháng song đôi, tiêu cực và tích cực, chủ động lẫn thụ động. Trong truyện, sau khi phục rượu cho bọn công an say như chết, bà nổi lửa tự thiêu, nhưng tác giả không nói rõ bọn công an có thoát khỏi biển lửa hay không? Nhưng người đọc tin rằng, men rượu cực mạnh làm cho tứ chi bọn chúng rũ liệt, nếu chúng không biến thành tro than thì cũng bị quay bị nướng như lợn như gà.
Sau đây là tâm sự của bà Ngởi vào đêm cuối đời của bà:
Cái chết của đứa con thương yêu vẫn còn rỉ máu trong tim bà. Nhu cầu tình cảm hiện giờ của bà là hai đứa con, nay chúng đã bỏ ra đi thì bà cần gì nữa? Sợ gì nữa? Trong đời sống, điều làm nguời ta sợ hãi là sự chết, nhưng với bà bây giờ cái chết không còn làm bà sợ thì bà sợ gì mấy thằng trong Ủy Ban Hành Chánh. Cái chết đối với bà là lối thoát êm đẹp nhứt, một mơ ước quái đản mà bà đã nghĩ ngợi tới luôn và bà đã chuẩn bị tất cả cho bà. Sở dĩ bà vẫn còn nấn ná đến ngày hôm nay cũng chỉ để chờ tin tức Hiền, xem con bà đã đến bến bờ tự do chưa để bà yên tâm ra đi. Bây giờ tình thế bắt buộc phải đi sớm hơn dự định thì đi, có gì mà sợ. Biết đâu trong cõi thiên thu đó, bà sẽ gặp lại Vinh, đứa con trai thương yêu của bà và biết đâu trong cõi sống không thù hận đó, con bà sẽ tha thứ cho bà.
Đến lúc tuổi già, bao nhiêu bất hạnh xảy đến, bà mới hối hận là trong quá khứ, bà đã sống với quan niệm sai lầm, coi tiền bạc mới là điều đáng kể. Bà đã không ngần ngại gây ra bao tội lỗi với chồng con, với đất nước. Những ngày tháng cuối đời, bà đã ý thức được điều đó nên chẳng còn tha thiết gì đến sản nghiệp nầy và cũng lần đầu tiên trong đời bà cảm thấy hối tiếc về những chuyện đã làm. Bà muốn quay về với Chúa một lần nữa, nhưng chiếc cầu liên lạc giữa bà và Chúa đã gãy.
Thuở trẻ, nhiều lần bà đứng cầu nguyện trong Hội Thánh, xưng mọi tội lỗi ra với Cha để được thảnh thơi vì tin rằng tội lỗi đã được tha. Bà muốn được trong sạch, không một vết nhơ tội lỗi nào để được giống như Chúa, nhưng đồng tiền đã đẩy bà xa cách Chúa. Bà đã có một thứ thần tượng khác để tôn thờ. Đó là tiền! Là Tiền! Đồng tiền là tất cả. Bà đã không ngần ngại tiếp tay với kẻ thù để đặt một thứ chủ nghĩa phi nhân lên đầu lên cổ đồng bào bà, cái thứ chủ nghĩa coi mạng sống con người như rơm rác và đang biến đồng bào bà thành những con người không có trái tim. Bà từng chuyển vũ khí, thuốc tây trên đường thủy bằng những chiếc thuyền bán hàng bông trên sông. Bà đã từng tổ chức những đám tang mà trong quan tài không có người chết, chỉ chứa vũ khí và thuốc tây rồi ban đêm kẻ thù đến đào mang lấy về. Trong lúc tiền bạc tuôn vào như nước, bà say tiền, không nhìn thấy tội lỗi. Càng ngày bà càng đi sâu vào tội lỗi hơn.
(các trang 479, 480, 481)
*
* *

Có thể bảo ngòi bút của Anh Vân làm một cuộc viễn du hào hứng qua bốn giai đoạn lịch sử: ngày tàn của Miền Nam Việt Nam, giai đoạn đầu của nền cai trị độc ác của bọn giặc đỏ sau khi cưỡng chiếm miền Nam, giai đoạn nhục nhằn khốn khổ của những kẻ vượt biên phải trả giá tự do rất đắt. Và sau hết là sinh hoạt của lũ mị dân và của những kiều bào nhiệt tâm yêu nước ở hải ngoại.

Đa số những nhà văn có tâm huyết thường đem tâm tình viết lịch sử. Sử gia thì chỉ có việc ghi chép mọi lớp sóng phế hưng của lịch sử dân tộc sao cho trung thực, cho chính xác. Thỉnh thoảng, họ phê phán các chính sách của các triều đại, của các chế độ, phê phán hành động của các nhân vật lịch sử, chứ không dám đả động tới nhân sinh quan, cảm nghĩ của các nhân vật lịch sử đó. Còn nhà văn thì dùng một giai đoạn lịch sử nào đó để làm đề tài cho tác phẩm của mình. Họ có quyền sửa đổi chút ít hành động của các nhân vật lịch sử mà họ dùng làm nhân vật cho tác phẩm mình. Họ có quyền thêm thắt vai nhân vật giả tưởng có liên quan tới các nhân vật lịch sử để đôi bên cùng hoạt động hay tương tranh trên các ván cờ lịch sử.

Và để tác phẩm tươi mát hoặc ướt át sương mưa trữ tình lãng mạn, tác giả lịch sử tiểu thuyết có thể nặn ra những giai nhân tưởng tượng để cho họ bắt liên hệ cùng nhân vật anh hùng dân tộc. Đó là trường hợp Lan Khai đã cấu tạo cô nàng nữ hiệp giả trai mặc áo xanh để bắt tình với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trong quyển Chàng Áo Xanh. Nữ sĩ Kathleen Windsor trong quyển Ambre đã tạo ra nàng Ambre sắc nước hương trời để dan díu với vua George Đệ Nhị nước Anh. Tác giả cuốn Phản Đường hay tác giả quyển dâm thư Như Ý Quân đã tạo ra chàng Tiết Ngao Tào với tài sành điệu trong thú gối chăn để làm thỏa mãn tình dục cho Nữ Hoàng Vũ Tắc Thiên...

Ác Mộng Đêm Dài nếu trình làng trước đây 15 năm là một cuốn tiểu thuyết hiện thực phản ảnh sinh hoạt các cộng động kiều bào ở hải ngoại. Bây giờ nó trở thành một cuốn dã sử tiểu thuyết với các nhân vật hư cấu chường mặt ra sân khấu cuộc đời, còn những nhân vật có thật như Hoàng Cơ Minh và bè lũ của mặt trận chỉ được xuất hiện trên những dòng thuyết thoại đơn sơ và gẫy gọn... Hay đúng ra đây là quyển tiểu thuyết hiện thực lấy bốn giai đoạn lịch sử khác nhau để dựng nên bối cảnh khác nhau trong bốn giai đoạn thời gian kế tiếp nhau.

Tác giả Anh Vân viết tác phẩm Ác Mộng Đêm Dài bằng nước mắt, bằng trái tim thành khẩn. Anh như nhập vào mỗi nhân vật và đồng hóa với họ để cảm xúc, để tư duy theo mệnh nước nổi trôi, theo sự tráo trở của bọn người giả danh đi làm lịch sử bằng cách buôn người ái quốc, bằng cách hủy diệt truyền thống tin yêu của dân tộc.
Đây cũng là bản cáo trạng đen, một bản tường trình đẫm máu để chúng ta suy gẫm, để những thế hệ mai sau nắm vững sự thật đau lòng về những kẻ trưởng thành từ cuộc nội chiến Quốc Cộng cho đến khi họ thoát ly địa ngục Cộng Sản để định cư ở hải ngoại.
Và tác phẩm còn cho chúng ta thấy tác giả là một kẻ yêu đương nồng nhiệt thiết thành khi anh hóa thân nhập cuộc vào các nhân vật xương sống trong tác phẩm như Nam, Sử, Hiền và Lan, làm cho tác phẩm đa dạng tình người và tươi mát mạch sống. Ngoài ra, anh còn chứng tỏ mình là một tác giả ưu tư với căn phần thê thảm của tổ quốc qua hành động và nếp tư duy của các nhân vật ấy.

Trích chương 8 QUÊ NAM MỘT CÕI của Hồ Trường An (Hoa Ô Môi xuất bản 2007)



1: Chú Thích của Phạm Văn Thành (được trích từ bài này):

Một số người Mỹ đã cố vấn để Việt Tân làm cuốn băng video “Đường Về Khu Chiến”. Cuốn phim của đài truyền hình CBS thực hiện có sự vỗ tay phụ họa kèm theo của loạt bài nhiều kỳ đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong do ký giả Hoàng Xuyên (Hoàng xuân Yến) thực hiện.
Sau này (khoảng năm 2000) Ông Yến có một bài trả lời phòng vấn tố cáo MT/VT nặng nề. Với tôi, những tình tiết ông nêu ra trong bài phỏng vấn, sau khi đối chiếu kiểm chứng với những tiết lộ của những người sống sót trong đoàn quân phục quốc lúc bấy giờ, tôi nhận thấy là bản thân ông Yến không biết được nhiều, nên những chi tiết nhận định nhiều phần là đã chỉ là do luận đoán. Thêm nữa, thời điểm cần ông lên tiếng đã trôi qua rất lâu … nên sự lên tiếng của ông Yến, chỉ còn có một nửa giá trị về những tình tiết lúc diễn ra hoạt cảnh làm cuộn phim. Giá trị nhân cách của nhân chứng gần như không còn hiện hữu.

Cuốn phim ấy có nhiều tình tiết không thực, lực lượng có mặt trong cuốn phim 1/3 đến gần phân nửa là ngươì Lào / H' Mông, mượn từ lực lượng kháng cự của tướng Vàng Pao, thủ lĩnh những đơn vị ngươì H' mông chống cộng sản tại Đông Nam Á. Phim làm tại rừng Ubon nhưng được thổi khống là nội địa Việt nam.
Ðây là đoạn phim ghi hình Lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thời gian ghi hình là tháng Ba năm 1982.

Cuốn phim với sự trình chiếu của CBS Hoa Kỳ đã được nhân bản rất nhiều và ghép với video Ðại Hội Ðồng Tâm 30/4 /1983 tại Nam Cali qui hội gần 10 ngàn người đón ộng Minh về từ “chiến khu” … làm thành tài liệu tuyên vận gây thành hiệu ứng náo nức mong muốn đóng góp tài lực yểm trợ cho “kháng chiến” của hầu hết đồng bào thuyền nhân tỵ nạn cộng sản đang ở những năm đầu lưu vong.
Hiện nay, VT hầu như không muốn nhắc về cuộn phim ấy nữa, nếu không muốn nói là phủ nhận để cố gắng chứng minh lòng chân thành của mình về chủ trương “Tuyệt đối tiến hành đấu tranh bất bạo động để … chuyển hóa đất nước”.

Chú Thích của Admin: Bài này được sao lại (chữa lỗi typing, thêm ảnh và chú thích) từ trang này



-

0 nhận xét:

Post a Comment