Tuesday, December 2, 2014

Ra Mắt Sách ‘Thung Lũng Tử Thần’ Của Cố Ký Giả Vũ Ánh Với Nhiều Xúc Động Của Những Người Tham Dự

Việt Báo 23/07/2014 - TV PVT biên tập, thêm các ảnh và chú thích cần thiết


Westminster (Bình Sa)- - Tại Hội trường Nhật Báo Người Việt vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy ngày 19 tháng 7 năm 2014, Nhật Báo Người Việt và Bà qủa phụ Vũ Ánh, nhũ danh Ngô Thị Yến Tuyết đã tổ chức buổi ra mắt sách Thung Lũng Tử Thần của cố ký giả Vũ Ánh. Đây là cuốc sách do Nhà xuấn bản Người Việt thực hiện nhân 100 ngày qua đời của tác giả. Cũng nên nhắc lại nhà báo Vũ Ánh đã đột ngột qua đời tại nhà ông sau khi gởi bản tin cuối cùng đến tòa soạn báo Người Việt.


Tham dự buổi ra mắt sách có một số qúy niên trưởng trong quân đội, qúy vị nhân sĩ, nhà văn, nhà báo cư ngụ tại Quận Cam và qúy đồng hương thân hữu.

Điều hợp chương trình: nhà báo Đinh Quang Anh Thái.
bà Ngô Yến Tuyết (hàng đầu, thứ 2 từ trái), kế bà là nữ tài tử Kiều Chinh (hàng đầu, thứ 3 từ trái)

Mở đầu nhà báo Phạm Phú Thiện Giao, Chủ Bút Nhật Báo Người Việt lên cho biết: “... Nhà báo Vũ Ánh chỉ viết tập hồi ký nầy sau khi được tòa soạn Người Việt “Order” nhiều lần và ông viết chỉ cho một độc giả duy nhất: Cháu nội ông, khi nó hỏi: “Tại sao ông Nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Tập hồi ức được viết theo cách nhìn và trình bày của một nhà báo, không mang lòng thù hận, nhìn những điều đã qua với một tâm trạng bình thản. Chính vì lẽ nầy, lớp con cháu của ông, cũng như con cháu hàng trăm ngàn người tù cải tạo khác-những độc giả của thế hệ tương lai –sẽ được biết về một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời thế hệ ông cha mình, một cách thật nhất. Nhắc lại Khởi viết từ tháng 7 năm 2013, đăng hằng tuần trong 31 kỳ liên tục trên mục sổ tay Nhật Báo Người Việt, tập hồi ức kết thúc vào ngày 21 tháng 2 năm 2014. Hơn một tháng sau, tác giả viết bài nhận định có tựa đề “ Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí. “Đây cũng là bài viết cuối cùng của Nhà báo Vũ Ánh. Ông qua đời cùng ngày gởi bài báo nầy đến các đồng nghiệp tại Người Việt.

Nhân kỷ niệm 100 ngày, ngày mất của tác giả. Nhà Xuất Bản Người Việt thực hiện tập sách nhỏ nầy, để tưởng nhớ đến ông, một nhà báo kỳ cựu, đã cống hiến cả cuộc đời mình cho một nghề mà ông yêu qúy và theo đuổi: Nghề báo.”

nhà báo Phạm Phú Thiện Giao mở đầu buổi ra mắt..

Cũng trong dịp nầy nhà báo Phạm Phú Thiện Giao cho biết: Thung Lũng Tử Thần được xuất bản bằng Việt nên tôi vẫn thấy có điều chưa ổn cho những đứa bé thế hệ sau nầy lớn lên tại Mỹ không đọc được tiếng Việt. Thế hệ thứ hai lớn lên tại Việt Nam thì không có sách nầy để đọc. Liệu chúng ta có cần chuyển ngữ quyển sách nầy ra tiếng Anh hay không và bằng cách nào chúng ta có thể đưa được những tin tức nầy về cho thế hệ thứ hai trong nước? đó là những trăn trở của nhà báo Phạm Phú Thiện Giao.

Tiếp theo Bà Ngộ Thị Yến Tuyết phu nhân của cố nhà báo Vũ Ánh lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự tham dự của tất cả qúy vị,. Trong lời nói ngẹn ngào bà cho biết: "Thung Lũng Tử Thần" cuốn sách nầy chỉ mang nội dung mộc mạc, trung thực như những bản tường trình ngắn có tên là nhà báo Vũ Ánh, nó không bao giờ là một quyển tiểu thuyết của nhà văn, nó cũng không mang hình thức hồi ký vì tác giả không lấy mình làm nhân vật chính kể lại chuyện đời riêng của mình.”

cô Trangđài GlasseyTrầnguyễn

Sau đó cô Trangđài GlasseyTrầnguyễn một diễn giả trẻ, một chuyên gia nghiên cứu về cộng đồng đã lên nói về Thung Lũng Tử Thần của nhà báo Vũ Ánh trong phần nói khá dài trong đó có những đoạn cô đã nói:
“Tôi rất hân hạnh được góp mặt trong chương trình hôm nay vì nhiều lý do:

“Thứ nhất, chúng ta đến đây vì sự quý mến đối với một nhà báo khả kính, yêu nghề đã khuất. Nhà báo Vũ Ánh. Tuy tôi chỉ gặp ông đôi ba lần, nhưng có lẽ như Quý Vị, tôi trân trọng sự chung thuỷ và tận tuỵ của ông đối với vận mệnh dân tộc, với chữ nghĩa, với kinh nghiệm của người Việt hải ngoại, với sinh hoạt báo chí, nhất là của cộng đồng chúng ta tại Quận Cam.

“Thứ hai, và đây là lý do có tầm vóc lớn lao cho dân tộc và đất nước Việt Nam, là chúng ta đến đây để cùng hướng về một đề tài lịch sử quan trọng vẫn còn đang bị bóp méo bởi chính quyền trong nước. Đề tài đó, là ngục tù cải tạo, những hoả lò của chế độ cộng sản được sao chép một cách trung thành từ bản gốc của Cộng Sản Nga Xô. Nhưng quan trọng nhất, có lẽ là vì tất cả chúng ta hiện diện trong chương trình này đều thao thức về công bằng, dân chủ trên quê hương, và thiết tha với một lịch sử còn bị chính quyền chuyên chế vùi dập. Tôi tin là mỗi người trong chúng ta đều muốn các thế hệ tương lai biết và hiểu về sự thật những gì các thế hệ ông bà, cha mẹ đã trãi qua. Một trong những kinh nghiệm đó, chính là trại cải tạo của chế độ Cộng Sản, một chính sách thanh trừng người của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, được thực hiện một cách rốt ráo và có hệ thống tại miền Nam sau tháng Tư 1975...

“Dưới góc nhìn của một người chuyên nghiên cứu bằng phương pháp lịch sử truyền khẩu, tôi cho rằng, "Thung Lũng Tử Thần" là một sử liệu đầy nhân bản, vì nó đi sát với kinh nghiệm con người và phản ánh một cái nhìn cá nhân về một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc...”

Tiếp theo nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh) lên kể cho những người tham dự về những câu chuyện có thật xảy ra đối với người tù kiên giam Vũ Ánh, trong đó có chuyện người tù Vũ Ánh làm báo “Hợp Đoàn” ngay trong trại trừng giới khắc nghiệt của chế độ cộng sản. Ông cũng kể về đức tính lạc quan của Vũ Ánh khi xem chuyện tù đày chỉ là chuyện nhỏ, tinh thần lạc quan đó đã truyền sang mọi người một tâm lý tích cực khi ở tù đến 11-12 năm...

Sách dày 286 trang với 15 bài hồi ức ghi lại Hồi Ức Thung Lũng Tử Thần, “Tôi chỉ có mục đích duy nhất là để con, cháu tôi, con cháu những bạn đồng tù với tôi, cũng như để cho những người nào chưa từng biết, chưa từng trải qua ngày tù nào trong các nhà tù cộng sản sau biến cố 30 tháng 4,1975, dùng nó làm tài liệu tham khảo, đối chiếu và suy nghiệm khi cần thiết sau nầy. Tôi không tham vọng được mọi người coi đây như một sử liệu mà chỉ là một tài liệu và khi xử dụng cần phải đối chiếu với những tài liệu khác trước khi đi đến kkết luận về chế độ lao tù cộng sản trong giai đoạn sau 30 tháng 4 năm 1975 cho tới giai đoạn Việt Nam mở cửa năm 1994. Điều bình an nhất trong lòng là tôi còn nhớ và đã ghi lại được nơi đây nhiều điều chính tôi đã trải qua ở Thung Lũng Tử Thần.”

Để có sách Thung Lũng Tử Thần, xin quý bạn đọc vui lòng liên lạc: Ngô Yến Tuyết yentuyet8@gmail.com / Phone: 714 261 3531.

-


TV PVT: ==> Sách ‘Thung Lũng Tử Thần’ Của Ký Giả Vũ Ánh cựu A20 [trước 1988]


.

0 nhận xét:

Post a Comment