Cách đây hơn một tháng, báo chí địa phương (DFW) cũng như trên vài diễn đàn Internet, người ta có đề cập đến 2 cuốn sách “Hành Trình Người Ði Cứu Nước” (tài liệu kháng chiến của Mặt Trận), dày hơn 900 trang – do nhà báo Phạm Hoàng Tùng (ở Cao Miên) viết; và được nhà báo Ðỗ Thông Minh (ở Nhật) “lăng-xê”, xuất bản.
Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" (cuốn 1) của Phạm Hoàng Tùng, ra mắt vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas |
Chủ nhiệm báo Người Việt Dallas, Thái Hóa Lộc - tháng 5/2013 |
Buổi ra mắt hai cuốn sách nói trên được ông Thái Hóa Lộc, chủ nhiệm tuần báo Người Việt Dallas tổ chức vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas với khoảng 100 người tham dự.
Sau phần nghi thức thường lệ, ông Ðặng Hiếu Sinh (báo Ca Dao) giới thiệu một số khuôn mặt quen thuộc, từng hoạt động với “Mặt Trận” trước đây nhưng đã rời khỏi tổ chức từ lâu như: GS Ðàm Trung Pháp, nhà văn Ðào Vũ Anh Hùng; đồng thời giới thiệu 2 ông Nguyễn Quốc Ánh, Nguyễn Ðăng Tiến hiện là đảng viên Việt Tân. Báo chí truyền thông có đại diện của Thế Giới Mới, SBTN, Bút Việt, Ca Dao, Người Việt và đài phát thanh Tiếng Nước Tôi.
Ông Thái Hóa Lộc nhân danh ban tổ chức, chào mừng quan khách tham dự: “Chúng tôi nhận lời yểm trợ ra mắt 2 tập “Hành Trình Người Ði Cứu Nước” của cựu kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng là không ngoài mục đích tạo nhịp cầu cho những người từng thao thức vì vận mệnh đất nước và quan tâm tới “kháng chiến” trong quá khứ... nhưng vẫn còn có những hệ lụy hiện tại.”
tác giả Phạm Hoàng Tùng |
Tiếp theo là phần phát biểu, điểm sách của nhà văn Ðào Vũ Anh Hùng. Ông cho rằng tác giả Phạm Hoàng Tùng đã viết tác phẩm “Hành trình người đi cứu nước” bằng cả tấm lòng của ông và hai tập sách này là tư liệu cần thiết trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh chống cộng. Ông Hùng cũng tâm sự khá nhiều về sự đóng góp của mình vào đầu thập niên 80, giai đoạn mà tinh thần đấu tranh kháng chiến của đồng bào hải ngoại lên cao nhất. Thế nhưng, cuối cùng ông phải từ giã “kháng chiến” vì ông đã thất vọng. “Những cái chết oan nghiệt, những bản án tử hình mà không ai có thể giải thích được, trong đó có cái chết đầy nghi vấn của Trung tá Lê Hồng, Tư lệnh lực lượng võ trang thời đó. Tất cả những hành động tàn bạo, vô nhân trong giai đoạn phôi thai đó chắc chắc là không một ai có thể chấp nhận được.” Ðối với phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, ông Hùng cho rằng không xứng đáng với vai trò lãnh tụ kháng chiến cứu nước, nhưng sự tuẫn tiết của ông nơi chiến khu đã làm cho ông khâm phục. Hai tập tài liệu “Hành trình người đi cứu nước”, ít nhiều cũng đã giúp cho ông tìm ra được những thắc mắc, bi phẫn, đớn đau, hy sinh của những tâm hồn yêu nước đã vùi thây nơi núi rừng Lào Thái.
Ông Hùng kết luận: “Mặc dù tôi chỉ đọc qua 300 trang tài liệu do nhà báo Ðỗ Thông Minh gửi trước đây, nhưng cũng đủ để hiểu những lời nói thẳng, rất cần thiết cho Việt Tân cũng như những tổ chức chánh trị khác rằng, nếu có thật tâm vì quốc gia dân tộc, xin đừng lừa dối nữa.”.
Phần chính của buổi ra mắt sách do nhà báo Ðỗ Thông Minh chiếu toàn bộ nhiều hình ảnh từ ngày thành lập Mặt Trận cho đến thời kỳ hoạt động tại chiến khu Ðông Dương. Nhà báo ÐTM cũng trình bày sơ lược về việc thành lập “Mặt Trận” là do ba tổ chức gộp lại gồm: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam (PÐÐ Hoàng Cơ Minh); Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (Ông Trần Văn Sơn) và Tổ Chức Người Việt Tự Do (Ðỗ Thông Minh). Sau đó Tổ Chức Phục Hưng rút lui. Tổ chức Người Việt Tự Do giải thể để gia nhập Mặt Trận. Thế nhưng đầu năm 1983, chán ngán vì sự bất đồng trầm trọng giữa ông Phạm Văn Liễu, Tổng Vụ Trưởng Hải Ngoại và Chủ tịch Hoàng Cơ Minh, nên ông ÐTM đã rời khỏi Mặt Trận.
Cuối cùng, không khí buổi ra mắt sách có vẻ “căng”, nhất là phần tiếp xúc với tác giả Phạm Hoàng Tùng ở (Cam-bốt) qua đường dây điện thoại viễn liên. Chúng tôi xin ghi lại tóm lược qua băng thâu âm.
Mở đầu là ông Nguyễn Ðăng Tiến (Việt Tân) nói với tác giả Phạm Hoàng Tùng (PHT) qua điện thoại, cám ơn tác giả đã nói lên sự thật: “Mặt trận kháng chiến” là có thật và công cuộc đấu tranh này vẫn còn tiếp diễn. Nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Ông Tiến muốn nói những gì tác giả PHT viết chưa phải là hoàn toàn sự thật.
Ông Nguyễn Văn Tu, một tham dự viên đóng góp ý kiến: “Tôi là người dân, nghĩ rằng làm chính trị việc đầu tiên là phải nhìn vào lòng người, đừng có làm gì cho người dân chán nản. Thế mà mới đây, chính tai tôi nghe được trên đài TNT Dallas, BS Trần Xuân Ninh nói rằng ông Ðỗ Hoàng Ðiềm làm chính trị nửa mùa. Tôi biết cả hai vị này đều là Việt Tân. Như vậy thì làm chính trị cái gì?” (Nguyên văn).
Qua điện thoại viễn liên, được khuếch đại âm thanh, với lời nói từ tốn, nhưng không kém phần lý luận sắc bén, tác giả PHT đã gửi lời thăm hỏi đến cử tọa và ông Tiến.
Ông Cao Tiến Dũng hỏi: “Theo dư luận chung chung thì tác giả tham dự các chiến dịch Ðông Tiến chỉ có 5 ngày, hoặc 20, như vậy tác giả làm sao có thể viết một cách chính xác được. Ðiều này xin được hỏi nhà báo Ðỗ Thông Minh”?
Trước khi trả lời, ông ÐTM đã nhờ tác giả PHT trả lời trước:
PHT: “Tôi tham dự trong hầu hết thời gian có chiến dịch Ðông Tiến. Ðó là những điều mắt thấy tai nghe. Còn những vấn đề khác, một số tôi nghe anh em kháng chiến kể lại. Như vậy tin hay không là ở nhận xét của độc giả. Riêng tôi, đó là sự thật.”
Ông Ðỗ Thông Minh tiếp lời tác giả PHT, rằng theo sự nhận xét của ông và nhà văn Giao Chỉ thì tất cả được ghi nhận ở mức độ chính xác có thể từ 90 đến 95%.
Tiếp đến là ông Nguyễn Quốc Ánh, tự giới thiệu là đảng viên Việt Tân tại DFW. Ông Ánh cám ơn tác giả đã viết lên ít nhiều sự thật: “Nghĩa là... mặt trận kháng chiến là có thật, chứ không phải như vài tờ báo cho rằng kháng chiến là giả. Tuy nhiên, nếu là đảng viên khi chưa được phép của tổ chức mà ra sách như vậy thì chỉ làm lợi cho CSVN.”
PHT trả lời: “Dân tộc Việt Nam đang bị tập đoàn CS độc tài cai trị, tất cả chỉ nói theo một chiều... Tôi đã nói rõ trong sách, ngoài kẻ thù chính của dân tộc là CSVN thì kẻ thù không kém nguy hiểm là kẻ đội lốt quốc gia, đội lốt dân chủ, phá vỡ niềm tin. Do đó, dân tộc chúng ta muốn đi lên thì phải chống luôn độc tài và những kẻ phản dân chủ. Ðối với tôi, Dân Tộc là trên hết. Mặt trận hay là gì đi nữa cũng chỉ là phương tiện. Tổ chức có chính nghĩa hay không, có thu hút được lòng người hay không thì tôi tin rằng chính trong lòng ông Ánh cũng biết.”
Một câu hỏi khác của một phụ nữ viết trên mảnh giấy, được ông Sinh đọc: “Xin nhà báo Ðỗ Thông Minh cho biết hồi đó Mặt Trận thu được bao nhiêu tiền? Hiện nay số tiền đó còn hay không và ai đang giữ tiền đó?”
ÐTM trả lời: “Tôi đi khắp mọi nơi và hầu như nơi nào cũng đặt vấn đề đó. Tôi chỉ làm chủ nhiệm, chủ bút tờ báo Kháng Chiến. Chúng tôi không biết rõ vì cả hai ông Hoàng Cơ Long và Hoàng Cơ Ðịnh đều nắm hết tiền quỹ. Chỉ biết sơ sơ vào lúc bị họ ra tòa tranh tụng, người ta cho biết thời đó Mặt Trận có trên dưới 10 triệu. Số tiền đó còn hay không, ai đang giữ thì tôi không biết.”.
Khi đề cập đến tiền, ông Nguyễn Quốc Ánh (VT) lên bục nói ngay: “Tôi nghĩ mọi chi tiêu đều có sổ sách, nhưng hiện thời chưa có thể công bố vì chúng tôi còn đấu tranh nên chưa tiện đưa ra. Thế nhưng, với cuộc kháng chiến như thế, với những hy sinh của kháng chiến quân như thế trên chiến trường, tôi nghĩ chừng đó triệu cũng không thấm vào đâu, 10 triệu, 100 triệu cũng chưa đủ! Nếu quý bà con hồi đó có đóng góp mỗi người vài chục, vài trăm... thì có đáng cho sự hy sinh đó không? Thế mà còn có người viết báo “Vàng rơi không tiếc” này nọ...”
Khi nghe đến vấn đề tiền bạc, bà Lê Lam Ngọc, một cựu đoàn viên Mặt Trận phản bác rằng: “Từ khi Mặt Trận đổ vỡ thì 2 năm sau mới có các chiến dịch Ðông Tiến. Tôi đã đọc rất kỹ hai tập sách tài liệu này, tôi thấy tiền bạc thì thu nhiều, nhưng kháng chiến quân nơi chiến khu thì đói khổ túng thiếu, phải tự kiếm cây cỏ mà ăn! Tại sao? Ðói khổ, thiếu thốn mọi bề như thế thì làm sao mà chiến đấu? Ðó là chưa nói tới tinh thần bị khủng bố, thủ tiêu như lời kể của tác giả PHT!”
Nhà văn Ðào Bá Hùng cũng góp ý ngắn gọn: “Xin ca ngợi tinh thần của quý vị. Tôi chính là tác giả của bài viết “Vàng rơi không tiếc”. Khi đăng báo, có người sợ cho sự an ninh của tôi. Nhưng khi tôi đã đặt bút xuống và nói lên sự thật thì có là Mỹ đen, Mỹ trắng hay Mỹ vàng hành thích tôi... thì tôi cũng coi như lái máy bay và bị rớt nơi chiến trường. Tuy nhiên, xin được nói thêm một lời, hồi đó nếu tôi bằng lòng với đề nghị của ông Hoàng Cơ Ðịnh để khai thác kinh tài như tiệm giặt, tiệm phở, cắt cỏ, xưởng may, tàu đánh cá... thì giờ này chắc là tôi... vẫn còn là đoàn viên của “Mặt trận”.
Trước khi chấm dứt phần giải đáp, nhà báo ÐTM có vài lời: “Ở đây chúng ta chỉ mổ xẻ trong tinh thần tương kính. Vấn đề nào cũng có hai mặt, nó như tờ giấy 2 mặt, mặt tích cực và có thể mặt kia là tiêu cực. Nếu chỉ nói mặt tích cực thôi thì nó rất xa rời thực tế. Cho nên, chúng ta cần phải chấp nhận bàn thảo cả hai mặt của một vấn đề.”
Trước khi chia tay, bà Nguyễn Hữu Ðoan Trang, một cựu thành viên yểm trợ kháng chiến, có thời gian dài sinh hoạt với Mặt Trận, đã ngỏ lời phê bình một đảng viên VT hiện diện trong buổi hội thảo là: “hơi thiếu tinh thần hòa nhã khi tranh luận”; và là “đi làm chính trị ở ngoài công cộng cần phải bình tĩnh hơn nữa mới thu phục được nhân tâm”.
Buổi ra mắt sách kết thúc vào lúc 4:30 chiều cùng ngày.
Xin trang trọng giới thiệu 2 tập sách “Hành trình người đi cứu nước” của tác giả Phạm Hoàng Tùng, với lời tựa ngắn gọn, nhưng rất súc tích: “Vì sự hưng thịnh của dân tộc Việt, nhìn nhận, tôn trong sự thật sẽ giúp mọi người Việt ngồi lại với nhau, cùng nhau xây dựng lại đất nước, thúc đẩy Việt Nam vượt lên, thoát tệ trạng chậm tiến, phi dân chủ như hiện nay.”.
LÃO GÀ TRE (Trương Sĩ Lương) - 12/2006
-
Bài được sao lại từ Blog của Phạm Hoàng Tùng, thêm ảnh minh họa và chú thích by Admin
0 nhận xét:
Post a Comment