Chủ nhiệm báo Người Việt Dallas, Thái Hóa Lộc - tháng 5/2013 |
- - -
Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" (cuốn 1) của Phạm Hoàng Tùng, ra mắt vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas |
- - -
“Kháng chiến thật hay giả?”
Cuộc phỏng vấn Luật Sư Đinh Thạch Bích (San Diego, Hoa Kỳ) do nhà báo Hồng Phúc thuộc Hệ Thống Truyền Thanh & Truyền Hình Việt Nam Hải Ngoại, Wa DC, thực hiện theo thắc mắc của thính giả quanh vấn đề trên, mang số 172, tháng 8/2006.
- - -
Hồng Phúc: Luật Sư cho rằng kháng chiến Hoàng Cơ Minh là kháng chiến giả, trong khi đó ông Đỗ Thông Minh là người đã cho biết đây là một cuộc kháng chiến có thật, có khu chiến, có người chết, và cụ thể là một ngày gần đây sắp có một tập hồi ký kháng chiến của một cựu kháng chiến quân với cái tên là Phạm Hoàng Tùng cho xuất bản dưới tựa đề là “Hành Trình Người Đi Cứu Nước”. Thưa Luật Sư, xin Luật Sư vui lòng cho biết tôn ý của Luật Sư về vấn đề này?
LS Đinh Thạch Bích |
LS Đinh Thạch Bích: À vâng, tôi không được nghe nội dung bài của anh Đỗ Thông Minh, nhưng mà tôi được biết là trước khi anh Đỗ Thông Minh soạn cái này, hình như anh ấy viết lời giới thiệu cuốn hồi ký đó, thì anh ấy có gọi điện thoại cho tôi và anh ấy hỏi một số thông tin, thì những cái gì tôi biết tôi nói cho anh ấy biết, những cái gì tôi hkông biết thì tôi nói là tôi không biết. Nhưng mà trong khi đó tôi được biết anh ấy đang có nỗ lực là chứng minh là kháng chiến thật chứ không phải kháng chiến giả. Mà tôi thì tôi không có tiện ngăn cản, nhưng mà làm sao ngăn cản được, là vì anh em Người Việt Tự Do ở bên Nhật, người ta có tin cái đó là kháng chiến thật thì người ta mới hợp tác với ông Hoàng Cơ Minh chứ. Vấn đề thật hay giả là sẽ chứng minh và cuốn hồi ký đó tôi không biết là nội dung nó sẽ như thế nào?
Nhưng mà cái vấn đề đặt ra đó, tôi có hỏi anh Đỗ Thông Minh rằng nhóm Người Việt Tự Do có một người trẻ tuổi rất là dũng cảm, rất là yêu nước là anh Ngô Chí Dũng đi theo ông Hoàng Cơ Minh sang Thái Lan, gọi là đi khu chiến, mà rồi anh ấy biến mất, thì cái chết của anh ấy như thế nào và anh ấy biến mất như thế nào, trong nội bộ kháng chiến của các anh có một cái report hay một cuộc điều tra nào không? Thì anh Đỗ Thông Minh nói là không có một cái gì cả, chỉ biết là anh ấy mất tích, thế mà cũng không ai biết tại sao anh ấy mất tích. Trong khi đó thì các phe phản bác Mặt Trận thì cứ nói là anh Ngô Chí Dũng bị thủ tiêu vì bất đồng ý kiến ở trong khu chiến, bị chết như thế này thế kia. Tôi hoàn toàn không tin những giả thuyết đó nhưng mà tôi muốn có một report minh bạch vềcái chết của anh Ngô Chí Dũng, mà không thấy, kể cả anh Đỗ Thông Minh cũng không cho tôi được một cái report đó.
Thành ra là anh muốn nói kháng chiến thật hay kháng chiến giả là quyền của anh, thế nhưng mà cái quyền của chúng tôi, vấn đề là, tôi nghĩ rằng Đông Tiến I, II, III đều có hết đó, nhưng mà Đông Tiến ở đâu? Đông Tiến vào đến đâu? Và đã vào được đến nội địa Việt Nam chưa? Trong khi đó tờ Kháng Chiến ở bên này thì nói rằng là nay đánh đồn này, mai đánh đồn kia, rồi chiếm chỗ này, lập Ủy Ban Kháng Quản chỗ kia. Trong khi đó thì tôi chờ xem hồi ký của cái mà anh nói là có kháng chiến thật, anh ấy giải thích thế nào về những bài báo Kháng Chiến ở bên này, nói một đằng, mà anh ấy tả cái cuộc kháng chiến của anh ấy như thế nào? Tôi chờ xem cái đó.
Dĩ nhiên là tôi thông cảm với anh Đỗ Thông Minh, là các anh ấy có tin là kháng chiến thật thì các anh ấy mới tham gia và hợp tác, thế nhưng mà cái quyền chứng minh là quyền của anh ấy, tôi không phản bác gì cả. Nhưng tôi cũng xác nhận là cho tới giờ phút này tôi vẫn rất là quý mến anh Đỗ Thông Minh, tôi cho đó là một người trẻ tuổi, rất là yêu nước, có một trình độ hiểu biết cao, và có lương thiện trí thức tối thiểu. Anh đó là anh ấy có. Tôi chưa biết nội dung cuốn hồi ký thế nào và cái chứng minh của anh Đỗ Thông Minh như thế nào.
- - -
Đỗ Thông Minh Nội dung bộ sách của anh Phạm Hoàng Tùng sẽ làm công việc góp ý với Luật Sư Đinh Thạch Bích ở San Diego, Cali, Hoa Kỳ. Phần Đỗ Thông Minh tôi, thực ra không làm công việc chứng minh mà chỉ cố gắng đưa ra những sự kiện biết được trong phạm vi khả năng hạn hẹp của mình. Trong phần giới thiệu sách, tôi cũng có nói, thật chỗ nào, giả chỗ nào? Theo tôi, hoạt động quân sự ở khu chiến là thật, nhưng những hoạt động quân sự tại Việt Nam mà báo Kháng Chiến ở San Jose đăng sau này, khi tôi đã rời vai trò Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút về lại Nhật năm 1983 (và rút lui đầu năm 1985) là tin tuyên truyền, tin giả.
= = = = = = =
Cảm Nghĩ Bạn Đọc
Cảm Nghĩ Bạn Đọc
Xin giới thiệu cảm nghĩ của một số độc giả đã đọc sách này.
ông Phạm Ngọc Lũy (giữa), ảnh chụp tháng 5/2005 |
Người quốc gia trở về kháng chiến không còn là một huyền thoại, đánh tan đi nỗi chán chường, niềm tuyệt vọng u uất bao trùm đoàn người lớp lớp ra đi vì bạo quyền, ngửa tay xin lòng nhân đạo của người để có chỗ dung thân. Nhưng rồi sự phân hóa trầm trọng đã đánh tan giấc mộng hồi hương của mọi người.
Tôi đã viết trong Hồi Ký Một Đời Người về mấy năm đầu khởi sự cuộc "Trở Về" đầy hào hùng nhưng cũng nhiều khuyết điểm chí mạng. Đây không phải là lúc quy trách nhiệm về một cá nhân nào mà chỉ mong người đi sau học hỏi những nguyên nhân thất bại của người đi trước để tránh lỗi lầm, hầu gắng sức đưa cuộc tranh đấu đến thành công.
Tôi đã chứng kiến buổi họp ngày 29/12/1984 ở Quận Cam (Little Saigon), nhiều cơ sở trưởng MT gục đầu khóc khi biết tin sự gẫy đổ vô phương cứu chữa ở thượng tầng lãnh đạo MT qua buổi họp cùng ngày, giờ ở San Jose.
Nay thì tôi đã nghẹn ngào khi đọc xong trang cuối Hành Trình Người Đi Cứu Nước, những trang tài liệu đẫm máu và nước mắt, có thể coi đó là những ngày lịch sử của những người dấn thân lên đường cũng như của cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung, tôi thấy đau lòng, tủi nhục và tôi nghĩ nhiều người cũng sẽ có tâm trạng tương tự.
Phạm Ngọc Lũy, 88 tuổi, Virginia, Hoa Kỳ
Cựu Thuyền Trưởng tàu Trường Xuân
Cựu Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến Trung Ương
- - -
Tôi phải cám ơn tác giả Phạm Hoàng Tùng đã trung thực trình bày một giai đoạn lịch sử của những người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại đã từ bỏ đời sống ấm no, quyết tâm lên đường đi tìm tự do cho đồng bào và đất nước.
Hồi Ký Kháng Chiến giải tỏa và chấm dứt nhiều thắc mắc về một người con Việt có tên là Hoàng Cơ Minh đã hy sinh tính mạng cho một mục tiêu cao cả.
Tôi thường bênh vực anh Hoàng Cơ Minh vì tôi đã biết anh từ hồi biến cố 11/11/1960, và trong những cơ hội thăng trầm khác. Chúng tôi gặp nhau lại là 2 kẻ tị nạn ở Fairfax, Virginia, ngoại ô Hoa Thịnh Ðốn vào đầu hè 1976. Và từ đó đã liên lạc kết hợp lại một số anh em từng cùng tranh đấu từ hồi 1960.
Nhưng nếu cần phê bình hay trách cứ anh thì phải nói tới việc anh đã vội vã tự ý quyết định về nhân sự đặt trọng tâm vào gia đình. Ðó chính là yếu tố đưa tới sự tan rã. Tôi là người đầu tiên cầm tay anh, xin lỗi anh, không thể tiếp tục với anh được, sau một đêm nằm ở nhà tôi trước khi anh lên đường qua Thái Lan vào trung tuần tháng 8/1981. Chúng tôi chảy nước mắt chia tay nhau, tôi nói thêm một câu "Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ cũng vì vậy.", và anh chỉ gật đầu im lặng lái chiếc Volkswagen về phía Long Beach.
Ðó là bài học, nhưng nó không thể hạ giá tinh thần và quyết tâm của con người Hoàng Cơ Minh. Tôi bênh vực anh, vì anh đã quên mình vì nước. Tôi bênh vực anh, vì anh có rất nhiều cơ hội bỏ cuộc, trở lại với vợ con, trở lại với đời sống đầy đủ, nhưng anh đã không làm như vậy.
Cuốn Hồi Ký Kháng Chiến là một tác phẩm thấm thía vì người viết đã cùng kinh nghiệm, đã phải chứng kiến chiến hữu của mình, người thì tử trận, người thì bị địch bắt. Một lần nữa, xin cám ơn tác giả.
Trần Đức Thanh Phong, 79 tuổi, Little Saigon, Hoa Kỳ
- - -
Sau khi từ Nhật Bản sang tham dự Đại Hội Chính Nghĩa tháng 4/1983 tại Hoa Thịnh Đốn, tôi có ngỏ ý với Tổng Vụ Hải Ngoại xin được về khu chiến một thời gian vài tuần hay vài tháng để có cơ hội nghe tận tai, thấy tận mắt các sinh hoạt rất gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của các kháng chiến quân mà tôi rất cảm phục. Cho đến đầu năm 1984 tôi nhận được văn thư của ông Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Phạm Văn Liễu gửi sang Tokyo điều động tôi ra khỏi Nhật Bản, nhưng không phải về khu chiến mà là sang Hoa Kỳ để điều hành tờ Kháng Chiến của Mặt Trận. Tôi thầm nghĩ phải chi mình được về khu chiến vài tháng rồi sang Hoa Kỳ làm báo Kháng Chiến thì hay biết mấy. Tha hồ đăng tải những ký sự sống động về khu chiến. Thật đáng tiếc!
Nhưng điều đáng tiếc hơn nữa là ngay từ những phút đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ vào tháng 4/1984, tôi đã chứng kiến và bị cuốn hút vào trận tranh chấp ngày càng gay gắt trầm trọng giữa Chủ Tịch Mặt Trận Hoàng Cơ Minh và Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại Phạm Văn Liễu mà hậu quả là đưa đến sự phân hóa, rạn vỡ trong Mặt Trận cũng như mất mát niềm tin trong đồng bào. Và sau cùng, cũng như rất nhiều đoàn viên khác, tôi đã rút ra khỏi Mặt Trận vào cuối năm 1984 vì thất vọng về những điều này.
Nay, có cơ hội đọc lại những giòng chữ đầy máu và nước mắt trong cuốn hồi ký kháng chiến “Hành Trình Người Đi Cứu Nước” của kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng, tôi rất xúc động và cảm thấy rất gần gũi như chính những dòng chữ của mình, như nhìn thấy cái ước muốn không thành của mình nay đã có người thay thế hoàn tất. Hoàn tất còn hơn mình cả đến bội phần, bởi vì anh là kháng chiến quân thật với hơn 14 năm thể nghiệm trong khu chiến và cả lao tù Việt Cộng.
Tôi tin là các kháng chiến quân đã vì quê hương chấp nhận dấn thân vào chốn bi hùng, nhưng những điều anh viết về cuộc “Hành Trình Người Đi Cứu Nước”, đã nói lên sự gian khổ, hào hùng của các kháng chiến quân hơn tôi tưởng bội phần và số phận của họ còn bi thương, nghiệt ngã hơn sự suy đoán của mọi người.
Điều đó không có nghĩa là tôi tán thành tất cả những gì anh viết, vì nhiều lúc tôi thấy anh đã để dòng tư tưởng tuôn chảy hơi mông lung, phải chăng có lúc đã quá xúc động mà suy đoán chủ quan hay phê bình khá gay gắt?
Tuy nhiên, tôi tin là anh đã viết với tất cả tấm lòng cùng nỗi ẩn ức của mình, nên cũng xin cám ơn tác giả Phạm Hoàng Tùng đã để lại cho chúng ta một tài liệu lịch sử quý giá, vừa ghi dấu lại một chặng đường đấu tranh hào hùng và bất khuất của con dân Việt chống lại bạo quyền Việt Cộng, vừa thẳng thắn nêu ra những ưu khuyết điểm trong lúc vận hành cuộc tranh đấu của tổ chức để có thể giúp cho những người đi sau lấy đó làm kinh nghiệm hầu có thể điều hướng cuộc tranh đấu giành tự do, dân chủ cho dân Việt đến chỗ thành công.
Huỳnh Lương Thiện
Cựu Chủ Nhiệm báo Kháng Chiến
Chủ Nhiệm báo Mõ San Francisco - Oakland, Hoa Kỳ
- - -
Phản ứng của người nghe, đúng như tôi dự đoán: Ngay sau buổi phát thanh, thính giả gọi vào đài tới tấp, ca ngợi anh là người ăn nói chừng mực, công bằng, phê phán nghiêm túc, và là người nắm giữ nhiều sự thật, ít ai biết. Đã có người đặt mua CD với đài ngay để gửi cho bạn bè!
Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại - Thế Giới Ngày Nay số 151, phỏng vấn Đỗ Thông Minh ngày 12/3/2006, dài 53 phút.
- - -
Trong sinh hoạt chính trị, đấu tranh của người Việt ở hải ngoại hơn 30 năm qua, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng VN (hay Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh) là tập họp lớn nhất, gây hứng khởi nhất và cũng là thất bại lớn nhất, để lại nhiều bí mật nhất mà đến nay vẫn chưa được soi sáng.
Một số người ở thượng tầng của tổ chức đã viết hồi ký, nhưng chỉ là những cái nhìn thiếu khách quan, thiếu thành thật, viết với mục đích tự biện minh, tự đề cao, hay đổ tội cho người khác, và che giấu sự thật.
Trong những cuộc phỏng vấn do chúng tôi thực hiện gần đây với các nhân vật liên hệ ở mọi phía, những câu hỏi lớn nhất vẫn chưa được trả lời sáng tỏ, hay có “nhiều sự thật khác nhau”.
Cuốn hồi ký “Hành Trình Người Đi Cứu Nước” của cựu kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng là một đóng góp rất có giá trị để soi sáng vào những bí mật của Mặt Trận, nhất là những hoạt động thật sự tại các “khu chiến” ở biên thùy Đông Dương. Người sống sót trở về này đã ghi lại những sự thật bi thảm và hào hùng của những con người đã quên thân mình vì lòng yêu nước thương dân, tham gia vào một cuộc kháng chiến không tưởng của những người lãnh đạo thiếu tầm vóc, nặng đầu óc phe cánh và mưu tìm tư lợi.
Nhà Báo Hồng Phúc - Lê Hồng Long, Hoa Kỳ
Chương trình Thế Giới Ngày Nay Hệ Thống Truyền Thanh
& Truyền Hình Việt Nam Hải Ngoại Wa DC, Hoa Kỳ
- - -
Tôi đọc qua mục lục cuốn sách của ông Phạm Hoàng Tùng thấy rất nhiều chi tiết thuộc loại sử liệu, người đời sau có thể dựa vào đó để tra cứu khoảng thời gian MT làm cuộc Đông Tiến chống lại cộng sản. Tài liệu về Niên Biểu MT rất quý giá đối với tôi, vì tôi hiểu biết rất ít về MT cùng những hoạt động.
Thêm một điểm nữa, đến nay tôi mới biết anh (Đỗ Thông Minh) là một trong những sáng lập viên MT, là một nhà hoạt động cách mạng rất đáng trân trọng. Hy vọng trong thời gian sôi bỏng hiện nay và sắp tới, anh cũng sẽ tìm ra một con đường nào đó đúng đắn nhất để quang phục đất nước.
Nhà Văn - Nhà Báo Phạm Phong Dinh, Canada
- - -
Tôi công nhận đây là một công trình rất cần thiết cho công cuộc phục quốc sau này. Sau cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, tất cả bị bưng bít không hiểu với mục đích gì... Tất cả phải được bạch hoá, phải cho đồng hương tị nạn hiểu rõ SỰ THẬT hầu lấy lại NIỀM TIN đã bị mất.
Ngũ Lang - Đài phát thanh Oklahoma, Hoa Kỳ
- - -
Tôi quen biết cựu Trung Tá Lục Phương Ninh, người thành lập Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại và có cơ hội tham dự Đại Hội Kỳ 2 của Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại được tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn năm 1980, và cũng từ Đại Hội này đổi tên thành Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoại. Sau đó tôi có nhiều dịp gặp cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và cựu Trung Tá Lê Hồng tại nhà anh Lục Phương Tiến, con anh Lục Phương Ninh.
Alpha Thủ Đức San Diego tổ chức cuộc thăm viếng niên trưởng Trung Tá Lục Phương Ninh (ngồi). Trung Tá Lục Phương Ninh đã từ trần ngày 19/01/2011 tại San Diego - ảnh & chú thích by Admin |
Mùa hè 1981, tôi gia nhập Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam là một trong ba lực luợng thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng. Nhưng không bao lâu sau, Tổ Chức Phục Hưng tổ chức một đại hội bất thường quyết định rút lui khỏi Mặt Trận vì sự lạm quyền của cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và nhóm tham mưu của ông.
Mặt Trận như hoa nở rộ khắp nơi, tại Dallas, nhiều khuôn mặt quen thuộc năng động tham gia hay yểm trợ như ông Đào Vũ Anh Hùng, Đàm Trung Pháp, Lê Hoàng Minh, bà Đỗ Trang Phúc… Mặt Trận từ đó cũng thăng trầm, ai cũng nể phục sự chịu đựng và hy sinh của các thành viên Mặt Trận nhưng cũng rất ít người tin tưởng hướng đi của Mặt Trận sẽ đưa cuộc đấu tranh thay đổi chế độ hiện tại ở Việt Nam thành công. Tôi cũng không cảm thấy được thuyết phục về cách giải thích cái chết của cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, mặc dù tôi được mời phát biểu trong buổi lễ truy điệu ông tại địa phương Dallas.
Cựu Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ra đi mang theo sự hào hùng lúc ban đầu của Mặt Trận. Sự thất bại, chia rẽ đã đưa đến sự hy sinh của người đứng đầu Mặt Trận. Một thoáng hiện về trong ký ức để tưởng nhớ những người đã khuất vì Quốc Gia Dân Tộc chứ không vì nghĩa hẹp mang tên Mặt Trận.
Thái Hóa Lộc - Báo Người Việt Dallas, Hoa Kỳ
- - -
Đào Vũ Anh Hùng Tên thật: ĐÀO BÁ HÙNG / Viết văn từ năm 1960 Gia nhập làng báo năm 1964. Đầu tiên cộng tác với tờ Ngày Nay của nhà văn Hiếu Chân. Viết thường xuyên cho cho các báo Sóng Thần, Hòa Bình, Kịch Ảnh, Truyện Hay Thứ Tư và Lý Tưởng Không Quân. Biên tập viên, phóng viên các báo Tương Lai, Tiền Tuyến, Thân Dân, Tranh Đấu, Bến Nghé, Sống và tuần báo Đời. Tại hải ngoại, cộng tác với nhiều báo và tạp chí ở Hoa kỳ và Âu châu. Quản trị và điều hành ĐPT Tiếng Nói Việt Nam tại Dallas, TX. (1983 - 1985). Chủ biên Đặc san Đường Mây và Lý Tưởng Không Quân (1990-2000). Hiện cư ngụ tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ-Admin chú thích theo trang http://www.ninh-hoa.com/ |
Đặc biệt mấy chương sách đã cho tôi hiểu rõ một cách tường tận, sâu xa hơn, thu nhặt được nhiều chi tiết cùng những câu trả lời về bao điều nghi vấn mà tôi đã ôm mang từ nhiều năm qua về số phận những kháng chiến quân đi theo ông Hoàng Cơ Minh về đất Thái lập chiến khu, thí thân làm cuộc Đông Tiến, bị địch tiêu diệt, âm vang hiu hắt đáng tủi buồn!
Biết thêm để lòng thắt quặn khổ đau, sôi bừng tiếc hận về những cái chết bi thương lẫm liệt, hùng tráng và cao cả của những anh em dấn thân trở về chiến đấu giành lại quê hương. Cũng như đau sót thương cảm cho những cái chết hẩm hiu đầy oan khiên tội nghiệp của 10 đoàn viên Mặt Trận mà tác giả ghi nhận được, bị ông Minh lạnh lùng sắt máu dành cho 10 bản án tử hình - không ai lý giải được hành vi tàn bạo, vô nhân, hiếu sát này - trong bước phôi thai kháng chiến. Và cái chết đầy nghi vấn của cựu Trung Tá Lê Hồng, Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến, người lính Nhảy Dù mà tôi đã từng sát cánh ngày xưa trên những mặt trận lừng danh ở quê nhà. Cũng như sự biệt tích khó hiểu của anh Ngô Chí Dũng từ Nhật về tham gia Mặt Trận, hoàn toàn biệt vô âm tín sau ngày ông Minh chết. Người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và khả năng, nắm giữ quá nhiều, hiểu biết quá nhiều bí mật của Mặt Trận, của Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh đã chết hay còn sống, hiện ở đâu, không ai biết.
Tôi lại thêm một lần nặng mang cảm xúc bàng hoàng của 19 năm xưa khi cầm trong tay tấm ảnh thi hài Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh và tập tài liệu, đọc những trang Nhật Ký Hành Quân của KCQ Nguyễn Trọng Hùng, xem vài mảnh giấy nhỏ chưa bằng nửa bàn tay đóng con mộc đỏ huy hiệu Mặt Trận. Đó là những “Lệnh Tử Hình” không ký tên ai, trong đó có án hành quyết Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, gọn gàng, khô, sắc, lạnh lùng, khiến tôi rúng động, ngơ ngẩn vì kinh hãi!
Giờ đây Phạm Hoàng Tùng đã giúp tôi tìm ra được những câu trả lời, đón bắt được tất cả những điều anh muốn nói ra. Cái thông điệp đau thương bi phẫn của một người có lòng rất thành, có tâm rất thật dâng hiến cho đất nước khiến tôi xúc động bồi hồi... Tôi mang cùng tâm cảm với anh, cúi đầu tri ơn và ngưỡng phục những kháng chiến quân anh hùng, đã chiến đấu quả cảm với quyết tâm giành lại đất nước nhưng chiến đấu trong tuyệt vọng, bỏ thân nơi đầu rừng góc núi một cách cao cả và lẫm liệt. Hồi ký nhắc đến vài tên tuổi những người còn sống đã ly khai Mặt Trận, hiện lẩn lút trốn tránh ở một nơi nào đó, hay tại một quốc gia nào đó vì không muốn chung mang số phận của anh Ngô Chí Dũng? Có người quá sợ vì bị theo đuổi, đe dọa, phải chạy trốn sang tận Đông Âu như anh Võ Tuấn, và sau này xin vào làm việc trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc để được sống yên trong bóng tối.
Còn ông Hoàng Cơ Minh, trước đây và cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng ông không xứng đáng với vai trò lãnh tụ mặt trận kháng chiến cứu nước. Nhưng cái chết của ông vẫn là một cái chết đáng ngưỡng phục. Phạm Hoàng Tùng đã rưới cho tôi tình cảm đó. Tôi hoe nước mắt khi biết đích xác ông tuẫn tiết qua lời kể của anh. Tôi nghiêng mình kính phục cái chết của ông và chép miệng thở dài, tiếc cho ông không biết thương quý sinh mạng con người, nhất là những người ông gọi là “chiến hữu”, mà lại thi hành kỷ luật sắt máu quá độ, thẳng tay chu diệt họ tàn độc nhường ấy. Những người thanh niên yêu nước nồng nàn và dũng cảm đã chết dưới tay ông, hẩm hiu oan khuất…
Tôi tin như anh Đỗ Thông Minh tin, tác phẩm này của Phạm Hoàng Tùng sẽ được đón nhận nồng nhiệt và tạo tiếng vang sâu rộng trong cộng đồng người Việt quan tâm đến tiền đồ đất nước. Tác phẩm là lời nói thẳng cho những người hiện đang lèo lái đảng Việt Tân cùng những tổ chức chính trị khác, rằng thôi đừng dối lừa, thủ đoạn nữa, nếu có thực tâm vì lý tưởng quốc gia, dân tộc.
Phạm Hoàng Tùng viết trung thực bằng cả tấm lòng của anh. Tôi quý trọng sự chân thực này và cám ơn anh đã nói ra sự thật, đóng góp tư liệu cho lịch sử.
Đào Vũ Anh Hùng, Dallas, Hoa Kỳ
Tác giả các bài báo gây chấn động: Đường Dây Phục Quốc, Giữ Lửa, Vàng Rơi Không Tiếc
- - -
Một trong những tổ chức lớn nhất là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam mà người hải ngoại thường gọi tắt là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Đây là một tổ chức phát triển nhanh nhất, đáp ứng đúng lúc nỗi khát khao của người Việt đã phải liều lĩnh ra đi vì những đối xử khắc nghiệt của chế độ cộng sản. Nhưng kể từ lúc thành lập cho đến nay, tổ chức này vẫn là điều gây xôn xao dư luận với những điều bí ẩn mà rất nhiều người cho đến nay vẫn rất muốn biết và cần phải biết.
Nhưng có một điều không ai có thể phủ nhận được là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đã quy tụ được những con người khí phách và hào hùng. Họ đã có những cuộc giao chiến đầy hào hùng với quân đội CSVN. Đã có hàng trăm kháng chiến quân gục ngã trong các chiến dịch Đông Tiến. Hàng trăm người khác đã và đang bị giam cầm trong các nhà tù công sản sau khi bị bắt trong các cuộc xâm nhập trở về. Họ là những con người tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân Việt trước quốc nạn cộng sản.
Những gì của lịch sử cần phải trả lại cho lịch sử.
Báo Việt Luận, Úc
Khởi đăng hầu như toàn bộ từ tháng 7/2006.
Nguồn: Blog Phạm Hoàng Tùng
Thêm các hình ảnh minh chứng và chú thích khác by Admin
-
0 nhận xét:
Post a Comment