Wednesday, March 11, 2015

Phố Núi Pleiku Trước Tượng Đài Việt Mỹ Tổ Chức Lễ 40 Năm Tưởng Niệm Quân Dân VNCH Đã Bỏ Mình Trên Tỉnh Lộ 7

Nguồn: Việt Báo 21/03/2015


Westminster (Bình Sa)- -Trưa Thứ Sáu ngày 20 tháng 3 năm 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Hội Phố Núi Pleiku đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Dân, Quân, Cán Chính và đồng bào đã bỏ mình rong cuộc di tản Quân Đoàn II và các Tiểu Khu Pleiku, Kontum trên Liên Tỉnh Lộ 7B vào sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975.

Tham dự Lễ Tưởng Niệm có qúy vị trong Hội Đồng Liên Tôn, Ông Thị Trưởng Thành Phố Westminster Tạ Đức Trí, cựu Đại Tá Lê Khắc Lý, qúy vị quan khách, qúy vị Đại diện Tập Tể Chiến Sĩ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, qúy vị đại diện các Cộng Đồng, Hội Đoàn, Đoàn Thể, qúy hội Đồng Hương và rất đồng đồng hương, đa số là những người trong hội Phố Núi và Tiểu Khu Pleiku có nhiều người về từ Houston TX, Florida, Minnesota, Toronto Canada….

Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7 - ngày 20 tháng 3 năm 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ

Theo Không Quân Võ Ý, Trưởng Ban tổ chức cho biết, đây là lễ tưởng niệm lần Thứ 2 sau 40 năm tại hải ngoại.


Điều hợp chương trình khai mạc ông Trần Vệ. Chương trình tiếp do Không Quân Võ Ý và MC. Ngọc Liên điều khiển chương trình.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, Nhà Văn Phan Nhật Nam lên trình bày về “Giữa Sự Chết, Trên Quê Hương Dọc Tỉnh Lộ 7B” ông cho biết:

“Khổ Đau/Sự Chết nơi chiến trận Đồng Xoài 1965 chỉ là khúc dạo đầu phần bi thảm với những người lính tử trận. Cuộc tàn sát Mậu Thân, 1968 cũng trong giới hạn của ngàn người dân Thành Phố Huế bị đập đầu, chôn sống. Và cho dẫu ngọn lửa Mùa Hè 1972 gớm ghê khốc liệt bao nhiêu cũng chỉ bùng cháy, tiêu hủy các thị xã An Lộc, Kontum, Quảng Trị.. Hóa ra Địa Ngục Miền Nam không chỉ chứng ấy. Khổ đau Miền Nam không chỉ với vài ngàn, vài chục ngàn người chết, những thị xã bị tiêu hủy...

Tai ương Việt Nam/Thảm Họa Miền Nam thăm thẳm vô bờ với mùa xuân uất hận không thể nào quên. dẫu hôm nay 40 năm sau 1975. Đầu xuân năm 1975, cộng sản Hà Nội lập kế hoạch, bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên từ 4 tháng 3 đến 3 tháng 4 năm 1975 mang mật danh là Chiến Dịch 275. Cuộc tiến công xử dụng các đơn vị cấp sư đoàn bộ binh Bắc Việt có chiến xa, đại bác nặng yểm trợ khởi cuộc nổ súng từ ngày ngày 10 Tháng 3 năm 1975 với mục tiêu là Ban Mê Thuột, thành phố cực Nam của vùng cao nguyên.


Ngày 10 Tháng 3 năm 1975, quân đoàn Tây Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đến từ Hà Nội đồng loạt tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột với sư đoàn F10 làm mũi nhọn được hai sư đoàn 320, 316 tăng cường, và sư 341 làm tổng trừ bị, lực lượng cộng sản có khoảng 25,000 người được pháo binh, chiến xa nặng yểm trợ phối hợp. Đối lại tại thị xã Ban Mê Thuột phía VNCH chỉ có khoản 1,200 lính chiến đấu trong tổng số lính hậu cứ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lực lượng Địa phương quân TiểuKhu Đắc-lắc, và Liên Đoàn 22 Biệt động quân. Thế nên từ hai giờ sáng ngày 10 tháng Ba, giờ mở lệnh tấn công đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày, thị xã Ban Mê Thuột hầu như thuộc về phần kiểm soát của quân Bắc Việt cho dù Biệt Động Quân và bộ binh vẫn tiếp tục chiến đấu. Văn Tiến Dũng đã đi từ giấc mơ sang một vùng ảo giác vào những ngày sau khi được báo cáo: Quân Đoàn II tháo chạy! Dũng ra lệnh cho Sư Đoàn 320 băng rừng truy kích đoàn di tản và Sư Đoàn 968 từ Lào về trên đường bôn tập về hướng Pleiku cũng được lệnh đâm ngang từ ngã ba Thanh An chuyển hướng hành quân dài theo Tỉnh Lộ 7 xuống đồng bằng vùng duyên hải miền Trung.
Cuộc di tản dọc Tỉnh Lộ 7 theo lộ trình Pleiku-Phú Bổn xuống Tuy Hòa quá lớn với mối đau thương dài đặt trên hơn hai trăm cây số đường núi với hai trăm ngàn dân thường đi từ hai thành phố Kontum, Pleiku. Trời cao nguyên buổi tàn xuân gây gây rét vào sáng, càng về trưa nắng cao và nóng khô khan, đường bụi mù tung đỏ bám vào thành xe, nòng pháo, khí cụ, tóc và da mặt ngưi, vạn tròng mắt đỏ rực. Những tròng mắt mệt mỏi lo âu, tuyệt vọng. Phía sau lưng, thị xã Pleiku bốc lửa ngọn, khói đen đặc ngật ngật bay lên cao hơn đỉnh núi Hàm Rồng. Lửa lóng lánh ánh sáng kinh dị trong đôi ngươi những người lính Liên Đoàn 7 Biệt động quân, thành phần hậu vệ đoàn di tản.

Ngày 16 tháng Ba, Một Chúa Nhật điêu linh tan nát dọc con đường đỏ sẫm đất núi và máu rây. Đoàn di tản bị chận ở phía đông Củng Sơn, bị cắt rời ở quận Phú Túc, bị đuổi dập từ tây quận lỵ Phú Bổn. Xe tăng cán ngang lên GMC, xe GMC hất xe đò chở thường dân xuống vực thẳm, cũng hất luôn những xe jeep nhỏ, cán qua những chiếc xe Dodge 4 của địa phương quân chở những người già và trẻ em tan tác. Và cộng sản nổ súng.. 130 ly, 122 ly, B40, B41 cùng hòa vào nhau thành một luồng hỗn âm tan tác làm rung rinh sắc núi mờ nhòa ánh nắng. Mặt trời bị chìm khuất trong khói xám. Có xác bà già ngồi dựa bờ đất bên lề đường, người khô quắt không vết thương. Dấu hiệu sự chết chỉ được nhận biết nơi ổ mắt, mũi, miệng... Đám kiến rừng bò lúc nhúc quay quắt đánh hơi. Ba đứa trẻ mắt lạc thần ngồi nhìn đoạn đường hỗn loạn không cảm giác. Bé trai nhỏ nhất gục đầu trên gối chị ngủ lay lắt.
Bao trùm tiếng la khóc khản đặc của người có âm thanh của đạn súng sơn pháo nổ thật gần. Sư đoàn 320 Điện Biên bắn thẳng xuống đoàn di tản. Cái chết không đơn giản, mau chóng bởi súng đạn. Chết còn bị nhận chìm từ từ trong lòng chiến xa khi chiếc xe tăng chúc đầu xuống đầu cầu nổi bắc qua sông Ba. Chiếc cầu bắc vội mỏng manh không thể nào chứa nỗi sức nặng vạn con người, vạn chiếc xe.. Chiếc tăng M48 như khối đá ấn mạnh xuống lòng chén nứt vỡ. Trong lòng xe có tiếng người hét nghẹn, trên pháo tháp có đám người ngoi ngóp, người đạp lên đầu, lưng, vai người để được thở được sống thêm vài giây ngắn. Chiếc xe chìm xuống im lặng, kéo theo, mang theo, đè xuống rất nhiều thây xác. Xích sắt điên cuồng đào xoáy giòng sông máu sẫm làm quẫy lên, tung tóe những tay chân người kẹp dính đâu dưới lưn xe.

Cuối cùng đoàn di tản cũng về đến Tuy Hòa vào ngày 25 tháng Ba do Tiểu Đoàn 58 Biệt Động dẫn đầu. Hai-trăm ngàn dân theo lính chạy loạn từ Kontum, Pleiku nay còn khoảng sáu chục ngàn người. 200,000 trừ đi 60,000 vậy đã chết bao nhiêu? Không ai có thể tính chính xác được số dân thiệt mạng. Người chỉ biết và đau với trường hợp của từng người thân, của mỗi gia đình, của chính thịt da mình. Trong lòng người di tản từ cao nguyên đồng bằng trong tháng Ba năm 1975 hầu như ai cũng đọng khối máu uất nghẹn đau thương. Khối máu oan hờn của một dân tộc điêu linh chỉ khác người dân miền Trung chịu sớm nhất. Đau nhất.

Mùa Chúa chịu nạn giải cứu thế gian diễn ra cùng lần bức tử miền Trung. Khởi đầu buổi Đồng Tế tàn cuộc miền Nam. Bắt đầu từ Ngày 10 Tháng Ba ở Ban Mê Thuột, dọc TỈnh Lộ 7 B, con lộ máu dẫn về miền duyên hải. Hóa ra không cần đủ hết tháng Ba, để tiếp theo tháng Tư thấm máu toàn miền Nam sụp vỡ.”
Tưởng niệm quân dân cán chính VNCH hy sinh ở tỉnh lộ 7 - ngày 20 tháng 3 năm 2015, tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ
Sau đó là lễ đặt vòng hoa tưởng niệm, trong nghi thức trang nghiêm đầy xúc động những vòng hoa được lần lượt đưa lên trước bàn thờ tổ quốc trong khói nhang nghi ngút. Những đơn vị đặt vòng hoa gồm có: Vòng Hoa của Hội Phố Núi Pleiku, vòng hoa của Sư Đoàn 6 Không Quân, vòng hoa Liên Trường Trung Học Pleiku, vòng hoa của Tổng Hội Biệt Động Quân và Tập san Biệt Động Quân, vòng hoa Tiểu Khu Pleiku, vòng hoa của Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị. Tiếp theo Ban tổ chức mời Hội Đồng Liên Tôn lên làm lễ cầu nguyện cho các vong linh đã tử nạn trên Tỉnh Lộ 7B. Tiếp theo qúy vị trong Hội Phố Núi lên niệm hương, trong phần văn tế cựu Thiếu Tá Nguyễn Đình Tuy đến từ Minnesota cùng gia đình để tham dự Lễ tưởng niệm, trong lời văn tế ông xướng lên thật cảm động đã làm cho mọi người phải ngậm ngùi nhớ về những ngày tang thương cũ. (Mặc dù năm nay đã 85 tuổi nhưng ông chưa bỏ sót một kỳ họp mặt nào của Tiểu Khu Pleiku và Phố Núi, ông là con chim đầu đàn để thắt chặt tình huynh đệ chi binh của Pleiku và Phố Núi.)

Tiếp theo các đơn vị tham dự cùng thân nhân những người có người thân bỏ mình trên Tỉnh Lộ 7B lên niệm hương.

Trong lời phát biểu của quan khách, ông Tạ Đức Trí, Thị Trưởng Thành Phố Westminster đã nói: “Cảm ơn hội Phố Núi đã cho ông có cơ hội để nói lên tâm tư của mình, ông tiếp Những người tử nạn trên Tỉnh Lộ 7B đã nói lên tội ác của cộng sản, mặc dù cuộc chiến khép lại sau 40 năm chúng ta mới thấy tập thể cộng đồng luôn luôn nêu cao chính nghĩa để tiếp tục tranh đấu cho Việt Nam sớm có tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng...”

Cuối cùng ban Văn Nghệ Hồn Việt và Ban Hợp Ca Phố Núi lên cùng hát bản “Chiến Sĩ Vô Danh” để tiễn đưa mọi người ra về.

Trong lúc nầy Hội Phố Núi cũng đã mời đồng hương thân hữu Pleiku tham dự đêm Hội Ngộ Phố Núi Lần III được tổ chức vào lúc 6:00 PM đến 12 giờ PM ngày Thứ Sáu, 16 tháng 3 năm 2015 tại nhà hàng P&N Restaurant.

Mọi chi tiết liên lạc về Phố Núi: Thu Đào (661)312-0660. hoặc vào trang Web: http://www.phonuipleiku.org

Email: pleikupn@gmail.com

-

0 nhận xét:

Post a Comment