Xin chuyển tiếp bài viết mang tính cách tâm tình của anh Vũ Ánh, một ngươì tù A20 đặc biệt, để chúng ta có đôi điều nhận định về sự khác biệt của chế độ nhà tù, dành cho hai lớp người, hai thời điểm của một đất nước.
Biết để hiểu đươc sự việc hơn, để thấy cuộc chiến đấu đã trải qua những cay đắng khôn cùng cho sự tiếp nối được với hôm nay .
A20 Phạm Văn Thành
Suy nghĩ qua vụ ông Trần Huỳnh Duy Thức bị biệt giam trong tù
Người Việt, Friday, June 07, 2013 6:00:21 PM
Tôi xin ghi lại nguyên văn một bản tin dưới đây được loan tải trên một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ ở Hoa Kỳ và một số mạng chống chính quyền trong nước, không thêm, không bớt một chữ:
“Tin từ gia đình người tù lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cho biết trong tháng qua, gia đình đã đến trại giam Xuân Lộc để thăm anh như định kỳ hàng tháng. Nhưng lên đến nơi, các quản trại cho biết gia đình không thể gặp anh Thức và hẹn 10 ngày sau mà không nói lý do, ngày hôm đó phải ra về. Không yên tâm, gia đình lại tiếp tục đi thăm Thức vào hôm Chủ Nhật, và được biết công an trại đã thực hiện hành vi kỷ luật với người tù lương tâm, vì đã phát hiện anh Thức sử dụng một chiếc điện thoại di động. Công an cấm không cho anh Thức ra gặp gia đình như một hình thức trừng phạt. Gia đình anh Thức đã tỏ ra rất bất ngờ khi giám đốc trại cho hay hình thức kỷ luật là biệt giam và kéo dài trong 10 ngày. Gia đình đã cố gắng tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân sự việc, cũng như hỏi thăm về điều kiện ăn uống, sinh hoạt khi biệt giam, nhưng các quản trại không cung cấp thông tin gì thêm và chỉ nói gia đình quay lại sau khi hết kỷ luật. Gia đình có yêu cầu họ lập biên bản ghi nhận việc gia đình không được gặp anh Thức do anh đang chịu kỷ luật, tuy nhiên họ từ chối. Nhưng họ cho phép gia đình viết thư tay theo yêu cầu để chuyển vào cho anh Thức. Mãi đến hôm qua anh mới hết bị biệt giam và được gặp gỡ người thân. Anh đã tỏ ra xanh xao và sụt cân thấy rõ. Anh cho biết bị nhốt trong một phòng rất nhỏ, không có cửa sổ, không được ra ngoài trong suốt 10 ngày, mỗi ngày được ăn 2 bữa với mỗi bữa là 1 chén cơm trắng và được phát 1 chai nước khoảng 1 lít mỗi ngày dùng chung cho mọi nhu cầu sinh hoạt. Anh còn bị cùm chân trong những ngày biệt giam.”
Cá nhân tôi xin mô tả lại kinh nghiệm trải qua thời gian biệt giam trong các trại cải tạo của Cộng Sản sau 30 Tháng Tư 1975. Có thể nói trong suốt hơn 13 năm tù, tôi bị biệt giam tổng cộng 7 năm, một lần 5 năm liên tiếp, những lần kia thì lẻ tẻ, nhưng không lần nào dưới 5 hay 6 tháng. Tôi lại còn bị trong danh sách những phần tử không thể cải tạo được, nghĩa là nếu nói theo đám cán bộ trại giam cách đây 25 năm thì những người bị đưa vào biệt giam lâu dài là những thành phần “không thể giáo dục” được nữa và chỉ còn “đem ra cho dựa cột”. “Dựa cột” là tiếng lóng mà công an Cộng Sản dùng để chỉ những người bị đem ra pháp trường xử bắn. Tôi xin lược qua một vài chi tiết thời gian tôi phải nằm trong thế giới của biệt giam cá nhân lâu dài nhất ở trại tù A-20 Xuân Phước:
Kích thước các biệt giam cá nhân: Chiều rộng của mỗi căn biệt giam từ 2.5 mét đến 3 mét, chiều sâu 3.5 mét và chiều cao 5 mét, trong có xây 2 bệ nằm, tất cả đều xây dựng bằng bê tông cốt sắt, mỗi bệ nằm phía dưới chân người tù có một cùm tự chế có 2 vòng sắt để cùng chặt hai chân tôi vào một hệ thống cùm. Kích thước của hai vòng cùm ống chân có nhiều kích cỡ khác nhau. Tiêu và tiểu tiện chỉ có một thùng nhỏ, một tuần mới được đổ một lần. Cánh cửa các phòng biệt giam bằng gỗ hay sắt rất dày, phòng kín như bưng, không đèn đuốc gì cả và chỉ có một cửa tò vò hình vuông rộng khoảng 1 gang tay để người tù biệt giam thở.
-Chế độ ẩm thực: Tiêu chuẩn bị giảm đi tối đa. Ở ngoài trại giam chung, tiêu chuẩn là 12 ký thực phẩm/tháng, trong biệt giam là 6 ký/tháng (khoai mì, khoai lang, rau muống già mà chúng tôi gọi là dây thép gai nấu với nước muối thành canh đại dương, bo bo hay bắp). Gạo hẩm cũng là thứ xa xỉ đối với chúng tôi. Nước uống trên nguyên tắc là nửa ca cho mỗi bữa ăn, nhưng khi nào cần phải “đì” hay “ép cung” một người nào đó trong biệt giam thì nước uống phát chung cho “dân biệt giam” là 1/4 ca nước, muối chan vào khoai mì cho mặn hơn. Nhịn ăn thì còn chịu được nhưng nhịn khát thì rất khó chịu đựng. Vì thế có một số bạn tù biệt giam phải uống nước tiểu của mình và tôi cũng không thoát khỏi tình hình này. Mỗi lần có viên chức từ Bộ Nội Vụ (nay là Bộ Công An) ở Hà Nội hay Cục Trại Giam Miền Nam ở Sài Gòn vào trại để thẩm cung, tôi rất mừng vì được tháo cùm, ra ngoài hít khí trời, được tắm “ngoài tiêu chuẩn”, thay quần áo, được cắt mớ tóc dài của “người rừng, cạo râu thay vì phải đợi đến Tết Nguyên Ðán mới được tắm, hớt tóc, cạo râu. Lý do: Viên chức ở trung ương không thể nào ngồi trước một tù nhân cải tạo mà mùi hôi xông ra nồng nặc. Dĩ nhiên, trước khi bị dẫn vào phòng “làm việc”, chúng tôi đều được cho uống nước và dịp này uống thật nhiều và phải nhịn tiểu để khi được dẫn trở lại biệt giam thì lập tức tiểu ra cho bằng hết, nước tiểu đầu tiên do uống nước nhiều nên amoniac bị hòa loãng ra, nhạt hơn, dễ uống hơn. Tôi học được “mốt” cứu khát này là do một bạn tù với tôi là Phạm Ðức Nhì, người bị vào biệt giam vì tổ chức phong trào hát tù ca, mách bảo trước khi tôi bị đẩy vào cái thế giới kinh khủng này. Nhưng làm sao mà một người tù lại có thể sống sót trong tình trạng như thế? Một phương pháp rất giản dị: Coi cuộc đời mình là “chết chắc” nghĩa là chấp nhận không sớm thì muộn mình sẽ ra nghĩa trang tù gọi là “Ðồi Thông Hai Mộ”. Khi chấp nhận phần xấu nhất dành cho mình thì sẽ thấy thanh thản, bớt khát, bớt đói và bớt khổ về tinh thần. Năm 1987, năm mà vụ lưu hành tờ báo chui trong trại giam A-20 là tờ Hợp Ðoàn bị khám phá, tôi cùng một số anh em như Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp, Trần Bửu Ngọc... bị giải giao về trại số 4 Phan Ðăng Lưu trước chợ Bà Chiểu để bị thẩm cung và chuẩn bị ra tòa. Khi bị đẩy vào khu biệt giam tôi mới thấy biệt giam ở đây là “thiên đường” so với Xuân Phước: Phòng biệt giam cũng là những phòng nhỏ như cái hộp, nhưng không bị cùm, bên trong có cầu tiêu và có một vòi nước, một bệ nằm. Phòng biệt giam ở đây chỉ cách phòng tập thể có một hành lang nên người tù biệt giam có thể nói chuyện với bên kia và không có cảm tưởng bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Tuy vậy, nhà mẹ tôi chỉ cách chỗ tôi nằm không đầy 300 thước, nhưng cụ không hề biết tôi bị chuyển trại về đây. Cơm thì một chén không độn ăn với nước mắm thay vì nước muối. Ấy vậy mà nhiều bạn cùng một dãy biệt giam với tôi còn chê cơm tù không nuốt được. Người nhà của họ biết được số phòng biệt giam của người thân đã đến trước chợ Bà Chiểu đưa tiền mua cơm rồi những người này tìm cách mua chuộc cán bộ trại giam đem vào cho tù. Hoặc có khi người nhà gởi sẵn tiền cho cán bộ và tới bữa họ ra trước chợ mua cơm đưa vào. Nhưng ưu tiên này chỉ được dành cho những tù thường tội như mua bán vàng lậu, tổ chức vượt biển, lừa đảo, buôn lậu, trộm cắp lớn... Còn tù chính trị và tù cải tạo như chúng tôi thì không làm gì có chuyện này. Tuy nhiên, chỉ nhìn vào tiêu chuẩn cơm tù ở đây không thôi nó cũng đã là “thiên đường” so với biệt giam A-20 rồi. Nhưng thời gian đó, chúng tôi lẽ ra phải ra tòa sau khi họ xử vụ các nhà văn Doãn Quốc Sĩ và Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càn. Nhưng sau đó, có lẽ tin tức các vụ này đã làm thành dư luận ở hải ngoại đúng lúc Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh thực hiện kế hoạch “Ðổi Mới Tư Duy,” nên dường như họ không muốn làm ồn ào thêm dẫn tới quyết định là đưa chúng tôi về trại Z-30 A ở Xuân Lộc để chúng tôi tiếp tục “nghỉ mát” tại khu biệt giam ở đây.
Môi trường và tình trạng vệ sinh: Trại A-20 Xuân Phước nằm cạnh đường mòn Hồ Chí Minh mà Việt Cộng gọi là Trường Sơn Tây, song song với Trường Sơn Ðông, dưới một lòng chảo mà chúng tôi gọi là “Thung Lũng Tử Thần” gồm tới 4 phân trại, phân trại E là nơi tôi bị giam ở ngoài cùng. Trại tù này do nhóm người di tản đến Guam biểu tình đòi trở lại Việt Nam trên chiếc thương thuyền Việt Nam Thương Tín bị đẩy vào thung lũng này và bị buộc phải xây dựng trại. Trại E rất đẹp, sạch với hàng dừa và vườn rau áo cá, nhìn vào người ngoài có thể lầm tưởng đó là một điểm du lịch, nhưng đằng sau cái vẻ đẹp ấy là cả một địa ngục trần gian: Người tù bị cho ăn đói, làm việc nặng, ốm không có thuốc và bị hành hạ về tinh thần. Chỉ cần bị kiết lỵ là cầm chắc cái chết trong tay, kỷ luật rất nghiêm khắc, chẳng hạn như chỉ cần bị khám phá giấu một cái lưỡi câu thôi là người tù bị lôi vào trong sân khu biệt giam đánh hội đồng, nếu không chết mà còn sống được thì cũng khó nuôi. Giấu lưỡi câu thường bị nghi là âm mưu trốn trại. Lao động quần quật suốt ngày, buổi chiều nhận phần cơm một con mèo ăn cũng không đủ no, tối “ngồi đồng bình bầu tù nhân nào lao động xuất sắc, anh nào chây lười”, để cuối tháng xếp hạng mức ăn A, B, C, D, khẩu phần ăn của người có mức ăn B, C, D bị cắt để cho người A, thế là họ gây được sự chia rẽ tù nhân cải tạo. Trong hoàn cảnh đói cùng cực như vậy, bị bớt đi vài miếng khoai mì để đưa sang cho người khác là điều rất quan trọng và trong trường hợp này nếu ai không vững tinh thần sẽ để lòng thù hận chính những bạn tù của mình, những người được bình bầu mức ăn hạng A. Trò tra tấn tinh thần này lúc đầu hữu hiệu, nhưng chỉ vài tháng sau, chúng tôi biểu lộ sự đoàn kết bằng cách vận động anh nào được bình bầu mức ăn hạng A trả lại cho những bạn bị cắt.
Tại sao tôi gọi khu biệt giam này là một thế giới riêng? Dễ hiểu thôi. Chỉ cách một vườn rau cải, nhưng một người bạn học từ hồi còn lớp nhì, lớp nhất ở trường tiểu học Văn Trinh, Hải Phòng, trước khi di cư vào Nam năm 1954, là Hoàng Vũ Duyên chuyển trại đến A-20 Xuân Phước sau ngày tôi bị biệt giam, và được thả trước ngày tôi bị chuyển vào biệt giam trại trong tức trại B mà mấy chục năm sau khi sang tới Mỹ rồi anh mới biết tôi nằm biệt giam ở cách nhà bếp nơi anh lao động chỉ khoảng 5 hay 6 thước!
Thăm nuôi và thăm gặp: Thăm nuôi là từ ngữ dành cho việc thân nhân tù cải tạo được gởi quà cho người thân qua đường bưu điện với tiêu chuẩn 3 tháng một lần và không quá 3 kí lô. Thăm gặp là từ ngữ chỉ thân nhân được phép đến gặp mặt tù cải tạo với thời gian được ấn định là 15 phút, ân huệ thì 30 phút, có công với ban quản trại thì từ 2 giờ đồng hồ cho tới 6 giờ. Nhưng có công với ban quản trại là thành tích của một tù nhân cải tạo tích cực cộng tác với ban quản trại để đi ngược lại quyền sống của anh em đồng tù. Nhưng tất cả hai loại thăm nuôi thăm gặp là thứ ân huệ dành riêng cho những người tù nào không bị kỷ luật, không bị liệt vào danh sách đen. Cá nhân tôi gặp mặt mẹ và con trai tôi lần đầu vào cuối năm 1976 và lần thứ nhì vào cuối 1987. Một tháng sau, tức trước Tết Nguyên Ðán 1988, mẹ tôi lên thăm một lần nữa chỉ để đưa cho tôi hai bộ quần áo bằng vải thô vì lần gặp trước thấy tôi mặc bộ đồ trận thời còn làm phóng viên mặt trận mà mẹ tôi mang vào cho tôi trong chuyến thăm cuối 1976 nay đã rách nát vá chằng vá đụp bằng những vải bao cát. Nhưng lần này tôi chỉ được nhận hai bộ đồ mà không được gặp mẹ tôi nữa cho tới khi được thả.
Tôi khái quát về chuyện “ở biệt giam, hay nói đúng hơn là ở chuồng cọp” tại một trong những trại giam mà tôi đi qua. Trước đây, tôi có đọc bản tin nói về chuyện bà Nguyễn Thị Dương Hà đi thăm chồng là ông Cù Huy Hà Vũ kể lại thì ông Cù Huy Hà Vũ bị “đì” ghê lắm và vẫn theo lời kể của bà viên cán bộ trại trưởng lại có ý định hãm hại ông Vũ. Tuy nhiên, khi được gặp vợ, ông Vũ còn có thể đọc một tuyên bố chống chính phủ cho vợ chép lại và mang ra khỏi trại thì là nhất ông rồi còn gì nữa. Riêng ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng bị án nặng và bị “đì” mà trong trại ông lại sử dụng điện thoại di động mà đến ngay tù nhân ở Mỹ cũng không thể nào được phép sử dụng. Vậy mà ông chỉ bị 10 ngày biệt giam cùm một chân thì kể là nhẹ lắm đấy. Tôi không so sánh chế độ biệt giam trong lao tù Cộng Sản, vì nó có những điểm khác biệt về đối tượng. Chúng tôi thuộc vào bên thua cuộc và là đối tượng trả thù của những người thắng cuộc, còn Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ, Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần... đều là sản phẩm của bên thắng cuộc nhưng họ cũng vẫn bị trả thù chỉ vì họ muốn sống cho ra một con người.
Phụ Chú
Nhà báo Vũ Ánh, cựu chủ bút Nhật báo Người Việt, qua đời
Người Việt, Friday, March 14, 2014 7:40:50 PM
QUẬN CAM 14-3 (NV) - Nhà báo Vũ Ánh, cựu chủ bút Nhật báo Người Việt, vừa đột ngột qua đời tại tư gia ở quận Cam, California, vào trưa ngày Thứ Sáu, 14 tháng Ba, 2014, thọ 73 tuổi.
Hiền thê của ông, bà Yến Tuyết, xác nhận tin này.
Nhà báo Vũ Ánh sinh ngày 5 tháng Năm, 1941 tại Hải Phòng. Ông là nhà báo kỳ cựu của làng báo Việt Nam trước 1975 cũng như tại Quận Cam từ khi ông sang Mỹ theo diện H.O. vào năm 1992 sau 13 năm bị giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam.
Nhà báo Vũ Ánh. (Hình: Triết Trần/Người Việt) |
Thời Việt Nam Cộng Hòa, ông tham gia hệ thống truyền thanh quốc gia vào năm 1964, lúc 23 tuổi.
Ông đi lên từ vai trò phóng viên chiến trường, làm trưởng Phòng Bình Luận, và trở thành Chánh Sở Thời Sự, bộ phận quan trọng bậc nhất của Đài phát thanh Sài Gòn.
Vũ Ánh là một trong số ít các nhà báo chứng kiến những giây phút cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa vào trưa ngày 30 tháng Tư, 1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.
Ông là người viết tin nhanh, gọn, dễ hiểu - những yếu tố quan trọng của truyền thông đại chúng. Ông cũng có tài viết bình luận và nhận định thời sự nhờ theo dõi sát các diễn biến thời cuộc hàng ngày.
Sau khi miền Nam sụp đổ, ông bị bắt đi tù “cải tạo” 13 năm. Trong lúc ở tù, ông làm tờ báo “chui” có tên Hợp Đoàn. Vì hoạt động này, ông bị cùm biệt giam với tổng thời gian đến sáu năm.
Ra tù, ông làm nhiều nghề khác nhau tại Sài Gòn, từ xẻ gỗ, dạy Anh Văn, cho đến đạp xích lô.
Ông sang Mỹ định cư theo diện H.O. vào năm 1992.
Định cư tại Hoa Kỳ, ông làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông khác nhau. Ông từng là Chủ Bút Nhật Báo Viễn Đông do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng lập.
Khi làm việc tại nhật báo Người Việt, ông đảm nhiệm vị trí Tổng Thư Ký, sau đó là Chủ Bút, trong nhiều năm. Ngoài ra, ông từng cộng tác và là trụ cột của nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Quận Cam, trong đó có nhật báo Việt Herald, đài phát thanh VNCR, đài truyền hình SBTN.
Những năm cuối đời, ông cộng tác và đặc biệt nâng đỡ tuần báo “Sống,” do một số nhà báo trẻ chủ trương. Cuộc hẹn hàng tuần của ông để ăn trưa cùng các đồng sự tại “Sống” đã không thể diễn ra.
Vũ Ánh là một nhà báo yêu nghề và say mê với công việc. Ông qua đời tại phòng làm việc tại tư gia; bài báo cuối cùng của ông mang tựa đề "Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí," được gởi đến Nhật Báo Người Việt lúc 11:37 phút sáng của ngày cuối cùng trong cuộc sống ông. Bài báo được đăng trong trang A1 của số báo hôm nay, trên mục “Sổ Tay” hàng tuần.
Nhà báo Vũ Ánh là người cương trực nhưng rất thân thiện với đồng nghiệp, bằng hữu, và có tinh thần nâng đỡ đồng nghiệp trẻ tuổi.
Ông cũng là một nhà báo chống Cộng triệt để theo cách suy nghĩ và quan điểm độc lập của riêng mình. (N.T. & Đ.B.)
-
0 nhận xét:
Post a Comment