From: Fan Anne [beauceron2004 y...]
Date: Sat Mar 12, 2005 2:26 pm
Subject: thu Goi Nha Bao Ly Dinh Phat (goi lan thu 2) (1)
Kính anh Phạm Hoàng Tùng
Những giòng chữ ngắn của anh đã gây cho tôi nhiều ngạc nhiên. Thú thực tôi đã không dám trông đợi được nhận sự nhã nhặn mà anh đang dành cho. Bởi vậy, mấy tuần nay tôi cứ lần khần do dự mãi mỗi khi muốn bấm máy viết kính gởi anh.
Vâng, tôi được nghe nói nhiều về người tù có tên Phạm Hoàng Tùng.
Người nhắc đến nhiều nhất có lẽ là anh Vũ đình Thụy, tức nhà thơ Hướng Dương, người đã bị Tòa án lưu động CSVN xử tăng thêm 10 năm cho bản án trước đang được thi hành, vị chi là anh Thụy sẽ phải bóc hết … 32 cuốn lịch Tam Tông. Án danh đầu xử năm 1983: 20 năm cho tội “tổ chức chống chính quyền nhân dân”. Bản án thứ hai liên quan đến một tập thơ mang tựa “Trước Tòa Nhà Công Lý”. Tập thơ này anh nhờ một cựu sĩ quan đồng binh chủng đem ra ngoài nhà tù. Vị sĩ quan ấy thay vì đem ra ngoài trại… đã ưu ái gởi lại cho ban Giám Thị Trại A20 / Thung Lũng Tử Thần. Anh Thụy vào hàm cùm nhiều tháng, kéo theo nhiều đồng cảnh lâm vòng xiềng xích trường kỳ, trong đó nổi bật có nhà giáo Hoàng Xuân Chinh (Quảng Nam), cựu Hạ sĩ quan Trần Minh Tuấn (Bình Định), cựu sĩ quan nhảy toán Nguyễn Văn Trung (Sài Gòn), cả nhạc sĩ Lê Văn Thụ (Đà Lạt) cũng dính vào vòng oan nghiệt cùm xích đợt này.
Tất cả các vị này đều là những bạn tù cùng chung mâm sinh tử với anh em chúng tôi khi gặp lại nhau tại Đầm Đùn Thanh Hóa năm 1995. Họ là những bậc Thầy đã dạy cho tôi bài học về Nhân Cách sâu sắc nhất.
Cám ơn anh nhiều, khi anh nhắc lại tên của một người hào kiệt hiếm có. Trương Nhật Tân, tức nhà thơ Vũ Bình Nam, lãnh đạo tổ chức “Phục Hồi Nhân Quyền VN” những năm 1979 / 1982 tại Quảng Nam và Bình Thuận. Tác giả của các cuộc đột nhập trại tù Hàm Tân nhằm giải cứu một số các vị sĩ quan đặc biệt. . . . . . . . . .
Tôi có đem được một số bài thơ của anh Trương Nhật Tân ra ngoài. Anh có thể vào trang Web “http://www.dungday.tripod.com” (2) ở phần link, anh sẽ thấy một trang thơ tù chính trị. Ở đó có một số các bài thơ tiêu biểu của anh Thụy và anh Trương Nhật Tân.
Trang thứ hai “htpp://www.Geocities.com/tuchinhtri/” (3) anh sẽ thấy đôi bài thơ anh Trương Nhật Tân làm ngay trong lúc Trại A20 xảy ra cuộc đàn áp dã man tháng 10 năm 1994, trước khi Việt cộng đưa toàn bộ tù chính trị ra Bắc. Có một bài, anh nghĩ rằng chẳng bao giờ còn gặp lại tôi nên làm thơ tặng. Anh sẽ thấy bài ấy với tên « Tango ». Tango là bí danh do Nguyễn Văn Trung đặt cho tôi. Đọc nó, anh sẽ hiểu chúng tôi nhiều hơn. Tất cả các anh dẫu rất khó khăn, vẫn ngang nhiên thách đố bạo quyền. Anh Trung nay sống tất bật ở Pleiku, anh Tân ở Sài Gòn, Trần Minh Tuấn ở Bình Định. Thụy vẫn bóc lịch ở Phủ Lý Nam Hà… Tất cả đều không hề màng đến chuyện đi ra nước ngoài dù rằng nhiều người khuyên nên đi. Ôi, những khí phách cao đẹp vô ngần.
…Kính anh Phạm Hoàng Tùng.
Viết dông dài như vậy để muốn nói cùng anh rằng chúng ta không xa lạ gì nhau. Tôi vì cần nhận được sự lên tiếng trực tiếp của anh nên buộc lòng phải kéo anh Tâm và các anh em bên Việt Tân cũ hiện đang lưu lạc bên xứ Chùa Tháp vào vòng thảo luận.
Tôi biết đến tên anh từ trại tù A20 Xuân Phước, nhưng khi có cơ hội thu thập chi tiết về những anh em đã chết (cũng như còn sống sót).. mà đã từng ở căn cứ 81 / 84 Ubon…tôi không gặp được tên anh, ngoại trừ tên một người có âm và họ tương đồng: « Phạm Hoàng Lê », mà Phạm Hoàng Lê thì đang ở Mỹ sau khi vượt thoát cứ Ubon. Nghi vấn về anh nảy sinh một phần là từ ở đây. Vậy nếu anh đúng là người về từ Thái thì anh bắt buộc phải là đảng viên Việt Tân, tuyên thệ cùng thời gian với Đỗ Bạch Thố, Đinh Văn Bé, Lý Hổ, Lý Savret, Lý Viên v.v…tức anh là người xâm nhập VN dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Lộc (4), Khánh (Trần Thiện Khải) v.v…
Ở thư này, tôi rất muốn được nghe anh nói thẳng, nói thật về câu chuyện xâm nhập của anh. Bởi nó đã không còn là chuyện của riêng tư nữa; vì nó đã sinh ra biết bao sự hao tốn giấy mực và thời giờ quí báu của nhiều con người. Nó cũng đã dẫn quá nhiều người vào vòng nguy hiểm, chết chóc, tù tội.
Tôi trộm nghĩ, nếu những người trong cuộc như anh sớm thẳng thắn nói ra sự thật … thì có lẽ đã không có những cuộc cãi vã chày cối vô bổ kéo dài suốt hơn 10 năm nay, kéo đổ hầu như tất cả các nỗ lực đoàn ngũ hóa cộng đồng dân Việt tại hải ngoại.
Là một nhà báo chính danh chính diện không cho phép anh giữ Sự Im Lặng Nguy Hiểm ấy lâu như thế.
Đất Cam Bốt là đất máu, tôi hiểu được những khó khăn vây quanh các anh nên chưa bao giờ muốn làm kinh động đến đời sống vốn đang cám cảnh bão táp của các anh. Tuy nhiên, những thư vừa rồi của anh phóng lên mạng đã và đang trở thành mũi tên tẩm nọc rất độc, nhắm bắn vào một phương tiện quí hiếm của cộng đồng dân tộc đang gồng sức tấn công vào cung đình cộng sản Hà Nội.
Tôi không biết anh có bị áp lực nào không? Nhưng vì ân tình của người đã cùng chung cảnh đớn đau nghiệt ngã, tôi chân thành xin anh đừng Im Lặng nữa.
Cuộc đời chúng ta đã mất mát quá nhiều. Nay mất thêm đôi chút … tôi nghĩ cũng … có thể chịu đựng được anh ạ.
Các thư của anh đã được nghiên cứu rất cẩn thận bởi Tổng cục An Ninh và A15 Việt cộng. (Nhắc đến A15, PA15 / PA16 chắc chắn tôi nghĩ anh đã có khá nhiều kinh nghiệm với họ). Thư anh lại được chính Bà "Golden Pen" (5) chăm sóc cẩn thận trên các Web và diễn đàn của bà.
Tôi dẫu có quí anh đến mấy cũng phải động tâm nghi ngại Anh biết quá rõ, các diễn đàn do Bà Thuấn nắm đều là những diễn đàn ngoại vi của Mặt Trận / Việt Tân. Từ Nghị Luận cho tới Hội Nghị, quy tụ chung quanh Bà là những cây bút “quyết tử để MT quyết sinh” bất cần lý luận, bất cần nhân nghĩa. Họ đã làm được khá nhiều các cuộc dư luận và đã dẫn truyền thông hải ngoại đến « ngã ba lơ láo » khá nhiều năm trong chuyện MT và chuyện sống chết của mấy trăm anh em trên đất Nam Lào năm 1987. Họ nói như Thánh Phán. Họ viết như Phật dạy. Một người viết chưa đủ làm cho người đọc hoang mang, họ huy động 10 người, trăm người viết … Đến khi cả ngàn bài viết ngắn dài được « phủ sóng truyền thông hải ngoại »… thì người có vững vàng đến mấy cũng phải chao đảo. Tôi đã từng là nạn nhân của họ và cho tới giờ này vẫn còn thấy “tanh tanh” khi đọc phải những bài viết của họ.
Kèm theo thư này, tôi chuyển cho anh xem những lời vàng ngọc của Bà Bút Vàng Golden Pen, tôi sẽ để ở phần cuối của email để tránh làm lợn cợn những điều chúng ta đang trao đổi.
Đài RFA chừng 1 năm nay đã có những bước tiến phải được đánh giá là hữu hiệu hơn những năm trước khá nhiều. Không còn hình thức chung chung. Đặc biệt các bài phỏng vấn của ông Việt Long đã có nhiều tác dụng tích cực. Những câu hỏi “chọc ngoáy” đúng trọng huyệt của đối phương đã được rất nhiều người bàn tán và nó đã chiếm vị trí quan trọng vượt hơn hẳn các đài ngoại quốc khác.
Phương tiện chiến đấu của chúng ta thiếu thốn trăm bề… Nên RFA trở thành tài sản vô cùng quí báu của cộng đồng dân tộc. Người trưởng đài đang gây rất nhiều sự khó chịu cho đám cung đình tại Hà Nội, ta nỡ nào dùng truyền thông toàn cầu để mạt sát rằng ông ta là phường gian ác? Điều ấy có lợi cho ai nhất và bất lợi cho ai nhất??? Câu hỏi này chúng ta hãy cùng nhau nghiền ngẫm. Tôi mong được như vậy anh Tùng ạ.
giáo sư Nguyễn Ngọc Bích 2013 |
Người có chút kiến thức đấu tranh hải ngoại, khi thấy sự liên hệ mật thiết giữa anh (là đảng viên Việt Tân tuyên thệ những năm 1985/1986), tham gia trực tiếp cuộc xâm nhập VN, bị bắt, bị tù, rồi 1993 ra tù và ra hải ngoại đã có công với MT/ Việt Tân như thế nào, thì việc giữ im lặng tuyệt đối không hé môi cho công luận biết về những sự thật mà anh là nhân chứng trong vụ xâm nhập Nam Lào / Đông Tiến 1987 … là một hệ quả nhân quả đương nhiên.
Sự im lặng ấy (anh đã giữ suốt hơn 10 năm qua) với giáo sư Bích, là người chung lưng đấu cật với MT/Việt Tân từ hơn 10 năm nay. Nay lại đến Bà Bút Vàng, một danh gia vọng tộc lúc nào cũng hăng hái, sẵn sàng xoè quạt tung chiêu để bảo vệ MT / Việt Tân.
Có thể cá nhân anh không thấy sự “đan kết thần kỳ” này. Nhưng những người quan tâm thì họ có thể liên tưởng đến nhiều điều xa xôi hơn. Thậm chí, họ có thể giả thuyết rằng, để đáp lại công im lặng của ông, MT đã nói qua cho ông Nguyễn Ngọc Bích thâu nạp ông vào đội ngũ phóng viên thường trực của RFA tại đất Cam Bốt, dẫu rằng thừa biết việc ông Không Thể Có Được Qui Chế Hành Nghề; đơn giản chỉ vì ông không phải là một công dân bình thường trên xứ Chùa Tháp; mà đã là tỵ nạn chính trị cộng sản trên xứ Chùa Tháp thì đương nhiên là ông sẽ gặp vô vàn hạn chế khi di chuyển. Nhà báo mà di chuyển khó khăn thì còn gì là nhà báo, là phóng viên; nhất nữa lại là phóng viên của một đài mang đặc chất chính trị và mục tiêu chống Cộng rõ ràng từ ngay trên văn bản hình thành.
Vậy điều bất bình thường ở đây không phải là do ông Việt Long chấm dứt hợp đồng, mà là do vị tiền nhiệm ký kết hợp đồng. Điều gì đã khiến vị tiền nhiệm tạo nên điều bất bình thường đó. Chắc chắn không thể vì tài năng của anh.
Anh Tùng. Mong anh đừng vội giận. Quả thực, chúng ta là những người đã quá nhiều mất mát. Dù anh có hơn tôi đôi ba năm tuổi để học hết chương trình Tú Tài ở thời VNCH. Nhưng anh ơi, cuộc đời lồng lộng thênh thang. Sở học ở những người như chúng ta nào tích cóp được bao nhiêu. Lửa đạn, hận thù, đói khát, trốn tránh, lưu đày, bội phản… không cho chúng ta có được những cơ hội ấm yên … thì làm sao ta có thể có khả năng hơn người cho được. Các bài của anh trên RFA, RFI … cho chúng tôi đủ can đảm để viết những lời bộc trực này. Xin cho tôi được giữ lòng kính trọng anh, như luôn kính trọng Trần quốc Hùng, Ngô Tỷ, Nguyễn Quảng Văn, Đỗ Bạch Thố, Trần Đế, Lý Sarin v.v…
Có thể tôi và anh có những quan điểm khác nhau, thí dụ như tôi không coi ông Minh là tuyệt đối, là duy nhất. Tôi không coi cương lĩnh MT/ Việt Tân là một thứ gì đó hay nhất đúng nhất (dù cũng như anh, tôi là người từng thuộc lòng Cương Lĩnh, viết đến đây, có lẽ anh đã hiểu Thụy Trung Chinh Tân … đã nói với tôi những gì về anh).… Và tôi kính trọng được, yêu mến được cả những người như Lý Sarin, Dương Mễn... dù họ nghèo kiệt xác xơ, dù họ « nhà quê » hơn tôi vài ba bực. Tôi đã kính trọng họ và sẽ giữ mãi lòng kính trọng này cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay…
Anh Tùng
Việt Tân đã chứng tỏ được sự yếu kém về khả năng lãnh đạo của mình một cách “hết sức tận tụy”. Từ các vụ Xâm nhập VN qua đường Bactambang, đến các cuộc xâm nhập Đông Tiến 1 / 2 / và 3. Điều này tôi cảm thấy không cần thiết phải chi tiết cùng anh. Anh đã từng ở chung với Lý Savret. Anh đã biết rất rõ Lâm Thành Tông, Dương Thanh, Lý Viên, Trầm Vi Thiện v.v… Và tôi biết, anh có thể còn biết nhiều hơn tôi nhiều lần về những rối rắm của đường dây do Lê Phú Sơn dàn dựng. Lê Phú Sơn, Lê Đình Bảy … Những tên tuổi này chắc chắn sẽ còn làm nhiều bậc thức giả phải bận tâm.
Đầu não MT/ Việt Tân đã chết cùng với Võ Hoàng. Tất cả những vỏ MT/ Việt Tân sau này đều do A15 của cộng sản Hà Nội dàn dựng. “Cơ Sở Nội Địa” cũng là do A15 dàn dựng.
Kháng Chiến Quân Trần Hướng Việt |
Tôi viết đến đây, lòng bỗng chùng xuống. Anh em ta bao người đã chết, có những cái chết không nhắm được mắt như cái chết của Trần Hướng Việt. Không biết lúc Trần Hướng Việt tắt thở anh có chứng kiến hay không? Và nếu chứng kiến … cảm giác bây giờ nhớ lại anh như thế nào?!
Tàn nhẫn với nhau đến như vậy được thì khi cầm quyền, người thủ lĩnh sẽ coi sinh mạng dân đen như thế nào?! Tôi có gặp chị của Trần Hướng Việt trên điện thoại. Tôi lặng người khi xác nhận những điều mình được ủy thác phát ngôn. Nhưng, quả thực, tôi không đủ can đảm để mô tả về cái chết bi thảm ấy. Tôi thương Bạch Thố như anh em cùng cha mẹ. Nhiều đêm Thố hét dựng ngược người trên chiếu tù. Những lúc ấy tôi biết tức khắc là Thố vừa gặp Trần Hướng Việt.
Kháng Chiến Quân (KCQ) Trần thiện Khải - ảnh tư liệu của Phạm văn Thành |
Tôi biết, ở cứ, Trần Hướng Việt và Đỗ Bạch Thố rất quí nhau. Vậy mà nỡ lòng nào Khánh (Trần Thiện Khải) bắt Thố phải cởi giây giày để xiết cổ Trần Hướng Việt cho tới chết!!! Hành động này nó “tiền sử” một cách vô tiền khoáng hậu. Vẫn biết trên đường chạy trốn, ta cần bảo vệ lấy thân mạng chỉ huy là điều ưu tiên nhất. Nhưng không chuẩn bị được một cái nòng hãm thanh để bắn viên đạn ngọt lịm vào đầu anh em khi anh em không còn sức lết sao? Trái lại, bắt buộc thuộc hạ phải cởi dây giày để xiết cổ anh em (lại là hai người thân nhau nhất) …thì quả là bất nhân vô cùng. Trần Hướng Việt xin được phát súng sau cùng nhưng Khánh nhất định bắt Thố phải xiết cổ bằng giây giày, xác ném lại bên bờ suối …
Thố mới xong hạn tù 18 năm… và không biết sẽ còn bao nhiêu đêm nữa, người lính rừng chỉ huy đội cận vệ Hoàng Cơ Minh cùng với Trần Đế mới có được những giấc ngủ yên lành. Rồi cái chết của Lâm Thao trong Đông Tiến 1! Thật là một điều đớn đau vô tận.
Anh Tùng, anh biết rất rõ về những chi tiết này. Nhưng anh đã im lặng. Tôi không biết có thể có quyền giận anh được dăm ba phút hay không?
Tôi viết lại đây để chúng ta cùng nhìn ra một vấn đề quan trọng. Đó là vấn đề nghiên huấn, huấn luyện.
Nếu người của Việt Tân được trang bị tư tưởng đến nơi đến chốn thì không có cảnh giết lẫn nhau, giành giật vàng rồi mạnh ai nấy tìm đường trốn. Khi bị bắt thì lại rất dễ dàng dẫn công an lại chỉ điểm nơi đồng đội ẩn trốn. Lâm Thao đã bị đồng đội đập bể sọ bằng lựu đạn. Chết tức tưởi khi đang nằm ngủ trên võng. Lâm Thao về từ Nhật, thay Trọng Hà làm trưởng toán sau khi Trọng Hà mất tích trên sông Sa Thầy (Kon Tum)
Đông Tiến 3 không hơn gì Đông Tiến 1. Vào tù cộng sản lại đâm chém nhau để đến nỗi công an VC phải tách ra làm hai. Một nửa ở Thanh Liệt Hà Nội, một nửa vào Đầm Đùn, trong đó có Đào Bá Kế, trưởng toán.
Cái đạo của người trưởng toán nó phải như thế nào. Không biết trước khi dắt quân đi, ông Đào Bá Kế đã nhập tâm được điều gì? Mà đến nỗi anh em chung vụ không thèm nhìn mặt ông...
Viết chi tiết các sự kiện này để chúng ta kiểm điểm lại chính mình và để nhìn ra chân tướng của lãnh đạo.
Một tổ chức hổ lốn! Chính là tổ chức mà chúng ta đã quyết tâm bảo vệ một thời.
Một tổ chức phình ra thật lớn ở hải ngoại, nhưng hoàn toàn rỗng tuếch ở bên trong.
Như đứa trẻ cầm thanh kiếm sắc chém xa xả vào mặt nước mong giết được thuồng luồng. Thuồng luồng không thấy chết, chỉ thấy máu me chảy đầy mặt ấu nhi.
Ra là chém vào cái biến ảo trong khi mình chưa đủ khả năng biết được lẽ biến ảo, tác dụng ngược xảy ra.
Trong đấu tranh chống lại một kẻ thù vốn đã có hàng nửa thế kỷ kinh nghiệm thống trị, thủ đoạn, dối gạt…thì sự khôn ngoan và tỉnh táo trong lãnh vưc tình báo là điều cần thiết vô cùng. Tiếc thay, ta mê vào cái hay cái giỏi của lòng kiêu ngạo. Nên trở thành thứ phương tiện cho kẻ thù giật giây làm trò múa rối ….
Anh Phạm Hoàng Tùng
Thư tôi dừng ở đây.
Kính mong anh và gia đình vạn an.
Phạm Văn Thành / Paris
=====================
Admin: "Thư gởi Nhà Báo LÝ ĐỊNH PHÁT" được Phạm Văn Thành viết (2004) và gởi đi 2 năm trước khi Hồi Ký "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của Phạm Hoàng Tùng ra mắt (2006)
Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" (cuốn 1) của Phạm Hoàng Tùng, ra mắt vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas |
Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" (cuốn 2) của Phạm Hoàng Tùng ra mắt vào trưa thứ Bảy, ngày 28-10-2006 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Dallas |
1: Bút danh của Phạm Hoàng Tùng
2 & 3: xin đọc ở đây ==>Trầm K - Tuyển Tập Thơ Tù 1999
4: Nguyễn văn Lộc: Trương Tấn Lạc, hiện sống tại Hoa Kỳ
5: Tức bà Bút Vàng Đỗ thị Thuấn, một người Cô của Đỗ hoàng Điềm, chủ Diễn Đàn Hội Nghị, Nghị Luận v.v... tức 2 Diễn Đàn ngoại vi của Việt Tân thời 1999/2003
-
0 nhận xét:
Post a Comment