Saturday, February 1, 2014

Nguyên Ủy Việc Thành Lập MTQGTNGPVN 1981 [từ Thư Ngỏ của Tổ Chức PHỤC HƯNG VIỆT NAM 2005]

Nguyên Ủy Việc Thành Lập MTQGTNGPVN 1981

[từ Thư Ngỏ của Tổ Chức PHỤC HƯNG VIỆT NAM 2005]

Admin:
Bức thơ bên dưới đây [trích từ phần "Tài Liệu" trong cuốn Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của Phạm Hoàng Tùng] do Tổ Chức PHỤC HƯNG VIỆT NAM gởi ông Phạm Văn Liễu [Tác giả cuốn "Trả Ta Sông Núi - Hồi ký tập 3] vào năm 2005 nhằm minh định một số diễn biến nguyên ủy dẫn đến việc thành lập MTQGTNGPVN vào năm 1981. Nhờ đó công luận mới được biết một cách tường tận và chính thức các tình tiết ban đầu. Những dữ liệu tập trung, ngắn gọn và xác định chủ đề muốn diễn đạt trong Thư Ngỏ này rất quý báu cho việc tái hiện đúng sự kiện lịch sử vào thuở miền Nam Việt Nam vừa mới lọt vào tay phe cộng sản miền Bắc mới chừng 5 năm sau 1975. Người ta có thể nhận thấy cái chết đột tử một cách oan trái của miền Nam quốc gia cũng như khát vọng và hùng tâm của một lớp trí thức quốc gia tiên phong thời ấy trong ý chí quang phục quê hương thoát khỏi gọng kìm phi nhân bạo tàn của cộng sản

Những chữ viết tắt:
- VNCH: Việt Nam Cộng Hòa
- MT/VT = Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam/đảng Việt Tân
- VC: cộng sản Việt Nam

+ Để xem các ảnh rõ hơn, xin bạn đọc mở ảnh trong Tab mới (right click and open in new tab) rồi zoom lớn (nhấn tổ hợp phím Ctrl +) nếu cần

============



Tổ Chức PHỤC HƯNG VIỆT NAM
___________________________________________________________
P.O Box 91601, Pasadena, CA 91109, USA
Website http://www.phvn.org - Email: phvn@phvn.org

Ngày 14 tháng 1 năm 2005

THƯ NGỎ

Kính gởi ông Phạm Văn Liễu, Tác giả cuốn "Trả Ta Sông Núi - Hồi ký tập 3"
1217 Fox Sparrow Trail
Cedar Park, TX 78613

Kính ông,

Chúng tôi đọc được Hồi ký 3 Trả Ta Sông Núi của ông vừa phát hành. Trong hồi ký nói trên ông có đề cập đến một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam (TC/PHVN) với Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) không được chính xác.

Cuốn sách của ông liên quan đến sự hình thành và những vấn đề sau đó của MT là một tài liệu lịch sử cho những ai nghiên cứu lịch sử đấu tranh của người Việt hải ngoại trong công cuộc xây dựng dân chủ và vãn hồi tự do cho dân tộc.


Và vì là một tài liệu lịch sử nên chúng tôi viết cho ông Thư ngỏ này, nêu ra những sự thật để lịch sử có được những dữ kiện chính xác, dành cho những người Việt quan tâm, nhất là các sử gia, và không có mục đích tranh luận gì với ông, cũng như không phải để chứng minh ông Hoàng Cơ Minh sai hay đúng ở chỗ nào.

Mỗi hoàn cảnh có thể cho mỗi người trong chúng ta có một quyết định và phán đoán khác nhau. Dù sao ông Hoàng Cơ Minh cũng đã hy sinh cho đại cuộc, và điều đó nói lên tấm lòng vì nước vì dân của ông ta. Chúng tôi cảm phục sự hy sinh đó.

Thưa ông, cuốn Hồi ký dày 544 trang của ông chứa đựng nhiều điều mà trong phạm vi một Thư ngỏ chúng tôi không thể trích dẫn từng đoạn từng câu để đối chiếu với sự thật. Nhưng bức tranh của sự việc như sau:

Sự thành hình Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam

Sự hình thành MT mà sau này thường được cộng đồng hải ngoại gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh được ghi nhận trong tài liệu lưu trữ của TC/PHVN như sau:

MT hình thành do quyết định của 3 tổ chức: Người Việt Tự Do tại Nhật Bản, TC/PHVN và Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoại (LL/QDHN) vào một ngày tháng 6 năm 1981 tại phi trường San Francisco khi ba đại diện của ba tổ chức nói trên lên đường đi Bangkok để gặp một cựu tướng lãnh của Thái Lan.

Công tác này có được do sáng kiến của TC/NVTD. TC/NVTD là một tổ chức gồm những sinh viên từ miền Nam Việt Nam du học Nhật Bản. Năm 1975 khi miền Nam Việt Nam sụp đổ những sinh viên trẻ này thành lập TC/NVTD không chấp nhận sự quản lý của tòa đại sứ Hà Nội. Bốn thành viên sáng lập TC/NVTD gồm các ông Ngô Chí Dũng, Đỗ Thông Minh, Phạm Thanh Linh và Huỳnh Lương Thiện.

Ông Phạm Thanh Linh qua nhiều chuyến công tác giúp người tị nạn tại các trại tị nạn Thái Lan đã thiết lập được quan hệ với chính quyền Thái Lan qua ông Nguyễn Chí Trung, một người Việt định cư ở Thái Lan và có nhiều quan hệ với chính quyền Thái Lan.

Ông Nguyễn Chí Trung biết Thái Lan có nhu cầu giúp đỡ người Việt chống Cộng (thời gian đó Thái Lan rất lo ngại cho biên giới Thái Lào có thể bị các đơn vị cộng sản Việt Nam thâm nhập) và đã giới thiệu TC/NVTD liên lạc với Thái lan qua tướng hồi hưu Sutsai, lúc đó đang giữ chức vụ Bộ trưởng phủ Thủ tướng Thái Lan.

Thời điểm đó là vào đầu năm 1981. Lúc đó TC/PHVN đã được thành lập (tháng 12/1978) và làm việc chặt chẽ với TC/NVTD vì trong thời gian tị nạn tại Nhật Bản (từ tháng 3/77 cho đến 10/77) hai cựu dân biểu (VNCH) Trần Văn Sơn và Trần Văn Thung (hai trong 11 thành viên sáng lập TC/PHVN) đã được TC/NVTD giúp đỡ mọi mặt.

TC/NVTD thấy cần phối hợp các đoàn thể hải ngoại cho công tác quan trọng này nên đã liên lạc với ông Trần Văn Sơn lúc đó là chủ tịch TC/PHVN yêu cầu hợp tác. TC/NVTD cho biết người Thái muốn có một cựu tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa trong phái đoàn và ủy thác cho TC/PHVN kiếm người.

Thoạt tiên TC/PHVN mời cựu đại tá Lê Khắc Lý. Đại tá Lý đã đồng ý tham dự, nhưng vài tháng sau cho biết vì vấn đề gia đình không thể tham dự vào phái đoàn được. TC/PHVN tham khảo ý kiến với TC/NVTD và đồng ý mời Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh tham dự phái đoàn. Đại tá Lý hay Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đều được mời với tính cách cá nhân.

Ông Hoàng Cơ Minh sốt sắng nhận lời và cho biết ông ta đang là một thành viên của Lực lượng Quân Dân Hải Ngoại (LL/QDHN) do trung tá Lục Phương Ninh làm chủ tịch và yêu cầu TC/PHVN không thông báo gì về công tác này với ông Lục Phương Ninh. Ông Hoàng Cơ Minh nói ông có nhiệm vụ thông báo nội bộ.

Đại diện của ba tổ chức đã đồng ý thành lập một phái đoàn 3 người gồm, ông Trần Văn Sơn (TC/PHVN- trưởng phái đoàn), ông Đỗ Thông Minh (TC/NVTD) và ông Hoàng Cơ Minh (LL/QDHN) để đi Thái Lan. Ngày đi phải hoãn nhiều lần chờ ông Hoàng Cơ Minh xin Re-entry Permit (lúc đó ông Hoàng Cơ Minh chưa có thông hành Hoa Kỳ).

Vào một ngày tháng 6 năm 1981, phái đoàn rời phi trường San Francisco đáp máy bay của hãng Singapore Airlines đi Bangkok. Ông Đỗ Thông Minh từ Nhật bay qua cùng đi. Ra tiễn tại phi trường có một mình ông Huỳnh Lương Thiện thuộc TC/NVTD.

Trong khi chờ đợi tại phi trường ông Hoàng Cơ Minh đưa ý kiến nên lấy một cái tên chung để ba người cùng đại diện (chứ chẳng lẽ - theo lời ông Hoàng Cơ Minh- chúng ta ba người đại diện cho ba tổ chức). Đến vấn đề chọn tên bàn qua bàn lại sau cùng ba vị đồng ý lấy tên tạm là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) do ông Hoàng Cơ Minh đề nghị. Chúng tôi đồng ý. Đối với TC/PHVN và TC/NVTD thì đây là một danh xưng hoàn toàn mới mẻ nẩy sinh do nhu cầu công tác.

TC/PHVN đã đề nghị một phương pháp làm việc là nếu có vấn đề gì cần giải quyết thì lấy ý kiến đa số. Trưởng phái đoàn không có ưu tiên. Ba người đại diện ba tổ chức đồng ý nguyên tắc làm việc này.

Chuyến công tác Thái Lan thành công tốt đẹp. Người Thái đồng ý để MT đưa người vào Thái Lan. Họ đề nghị việc đưa người nên tiến hành từ từ từng đợt, con số đầu tiên là 30 người. Và trước khi nhập cảnh Thái Lan cần thông báo danh sách 10 ngày trước.

Từ Thái Lan phái đoàn qua Tokyo và cùng với nhiều thành viên khác của TC/NVTD (gồm ông Ngô Chí Dũng, Huỳnh Lương Thiện, Phạm Thành Linh, Vũ Đăng Khuê) thảo luận phương thức làm việc và đã ghi nhận trên một văn bản.

Nội dung bản văn đồng ý duy trì tên MT như là một thực thể chính trị do ba tổ chức TC/PHVN, TC/NVTD và LL/QDHN thành hình để tiến hành cục đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và tự do.

MT tạm thời được lãnh đạo bởi một Hội Đồng Chỉ Đạo (HĐCĐ) gồm 6 ủy viên, mỗi tổ chức chỉ định 2 ủy viên. HĐCĐ sẽ qua Thái Lan để làm việc. Cơ cấu của MT gồm Tổng vụ Quốc nội và Tổng vụ Hải ngoại. Tổng vụ Quốc nội có nhiệm vụ lập khu chiến. Tổng vụ Hải ngoại có nhiệm vụ huy động sự yểm trợ của cộng đồng hải ngoại.

Do nhu cầu quân sự, ông Trần Văn Sơn, đại diện TC/PHVN, đề nghị cử ông Hoàng Cơ Minh làm chủ tịch HĐCĐ, và TC/NVTD đồng ý. HĐCĐ sẽ làm việc theo nguyên tắc thảo luận và lấy ý kiến đa số, ủy viên HĐCĐ mỗi người một phiếu. Buổi họp cũng đồng ý sẽ không công bố bất cứ hoạt động nào của MT cho đến khi HĐCĐ ra mắt tại khu chiến. HĐCĐ sẽ được thành hình sau, chờ đợi sự bổ nhiệm của mỗi tổ chức và sẽ là cái nhân của Tổng vụ Quốc nội.

Vấn đề phải giải quyết ngay là Tổng vụ Hải ngoại. Trên đường về khi dừng chân tại Hồng Kông (khách sạn Miramar) phái đoàn họp bàn tìm người giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại. Có hai nhân vật được nêu ra. Cụ Phạm Ngọc Lũy chủ tịch hội Trường Xuân, một nhân vật khả kính trong cộng đồng người Việt hải ngoại, và cựu đại tá Phạm Văn Liễu. Sau khi cân nhắc phái đoàn đồng ý chọn đại tá Liễu, một người cứng rắn hơn, theo đề nghị của ông Hoàng Cơ Minh.

Phái đoàn cũng đồng ý TC/NVTD chọn Tổng vụ phó (TC/NVTD chỉ định ông Huỳnh Lương Thiện, nguyên ủy viên trung ương của TC/NVTD) và TC/PHVN chọn Tổng thư ký (TC/PHVN chỉ định ông Ngô Đức Diễm, nguyên ủy viên trung ương của TC/PHVN). Trở về Hoa Kỳ ông Hoàng Cơ Minh đưa ông đến thăm ông Trần Văn Sơn, chủ tịch TC/PHVN, và - theo lời của ông Hoàng Cơ Minh - để chính thức hóa chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hải ngoại của ông. TC/PHVN được biết ông từ lúc đó.

Ông Trần Văn Sơn (trái) và Hoàng Cơ Minh (phải) cùng Đỗ Thông Minh trong chuyến đi Thái đầu tiên, thời gian từ 15 - 21/6/1981, đang nghiên cứu bản đồ đặt khu chiến - Ảnh nguồn: Hồi Ký Kháng Chiến "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của Phạm Hoàng Tùng

Công tác Thái Lan

Để chuẩn bị lên đường mỗi tổ chức cần bổ nhiệm hai ủy viên Hội đồng Chỉ đạo. LL/QDHN bổ nhiệm ông Hoàng Cơ Minh và trung tá Lê Hồng. TC/NVTD bổ nhiệm hai ông Ngô Chí Dũng và Phạm Thanh Linh, TC/PHVN bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn và ông Đỗ Hùng. TC/PHVN làm trung gian liên lạc và phối hợp hoạt động giữa ba tổ chức.

Về nhân sự công tác Thái Lan LL/QDHN chuẩn bị sớm nhất, và với sự đồng ý của HĐCĐ, anh em LL/QDHN sẽ lên đường trước để chuẩn bị cơ sở vật chất. TC/PHVN và TC/NVTD sẽ lên đường sau.

Tháng 8 năm 1981 phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh cùng trung tá Hồng dẫn một số chừng 5 thành viên khác lên đường đi Thái Lan. Vì lên đường không kịp thông báo trước nên Thái Lan từ chối không nhận, các anh em thuộc LL/QDHN phải bay sang tạm trú tại Tokyo chờ đợi can thiệp.

Trong thời gian ở Tokyo ông Hoàng Cơ Minh nhiều lần điện thoại về yêu cầu TC/PHVN hoãn lên đường chờ cho đoàn của ông sang Thái Lan đã.

Nhờ sự can thiệp của ông Nguyễn Chí Trung bên cạnh chính phủ Thái Lan, cuối tháng 8 ông Hoàng Cơ Minh và anh em LL/QDHN rời Tokyo đi Thái Lan. Hai tuần sau ông Trần Văn Sơn và ông Đỗ Hùng cũng đến Bangkok.

Có một số công việc phải làm và một số vấn đề phải giải quyết, và cần thảo luận. Mỗi lần TC/PHVN đề nghị giải quyết bằng cách họp HĐCĐ (lúc đó có 4 người hiện diện) ông Hoàng Cơ Minh đều gạt đi cho rằng chưa có đại diện của TC/NVTD. Mỗi việc ông chỉ tham khảo ý kiến hình thức với ông Trần Văn Sơn rồi lấy quyết định. TC/PHVN có cảm tưởng ông Hoàng Cơ Minh không xem ông Lê Hồng và ông Đỗ Hùng có tư cách ủy viên HĐCĐ ngang hàng với ông.

Tháng 9 năm 1981 do sự sắp xếp của Thái Lan, HĐCĐ cùng với số anh em LL/QDHN hiện diện đi thăm nơi sẽ làm khu chiến, cách thủ đô Bangkok 570 km nằm trên biên giới Thái-Lào. Bên kia biên giới là thành phố Pakse của Lào. Tại chỗ phái đoàn đã gặp một số đơn vị người Lào (Lào quốc gia, từ Lào bỏ chạy sang Thái Lan sau khi Pathet Lào chiếm Lào năm 1975) được người Thái cho đóng rải rác dọc biên giới Thái-Lào để báo động các xâm nhập của cộng sản Việt Nam.

Trở về Bangkok, anh Phạm Thanh Linh thuộc TC/NVTD vừa sang. TC/PHVN đề nghị phân định trách nhiệm của mỗi ủy viên HĐCĐ, mặt quân sự, mặt chính trị, mặt ngoại giao, mặt tiếp vận và làm việc theo nguyên tắc đã đồng ý tại Tokyo.

Nhưng ông Hoàng Cơ Minh cho rằng chưa cần phân nhiệm vì chưa có công việc gì quan trọng, và tình trạng ở khu chiến không thích hợp với lề lối sinh hoạt dân chủ (nghĩa là bàn thảo và biểu quyết). Đến đây TC/PHVN cảm thấy có dấu hiệu bất thường, nhưng vẫn tiếp tục làm việc với ông Hoàng Cơ Minh.

Quyết định rút ra khỏi MT

Sự việc làm tràn ly nước là đại diện của TC/PHVN trong HĐCĐ nhận được báo cáo từ miền Nam California rằng báo chí tại đó đăng tải tin MT do ông Hoàng Cơ Minh lãnh đạo đã thành lập khu chiến, khu chiến lúc này chưa được thành lập (vì chưa có người), và sự việc này trái với nguyên tắc "chỉ công bố sự hiện hữu của MT tại buổi lễ ra mắt".

Ông Trần Văn Sơn chất vấn ông Hoàng Cơ Minh về việc tiết lộ tin tức không chính xác cho báo chí thì ông Hoàng Cơ Minh nói cần tung tin để động viên tinh thần đồng bào hải ngoại và tạo điều kiện cho Tổng vụ Hải ngoại gây dựng cơ sở.

Đến đây TC/PHVN nhận định rằng, từ lúc đầu các giao ước căn bản giữa ba tổ chức sáng lập đã không được tôn trọng, thì nhìn xa, cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ không thể thành công, và nếu thành công thì đất nước cũng sẽ rơi vào một thứ độc tài khác, nên trong Đại Hội III của TC/PHVN cuối năm 1981 sau khi nghe hai ông Trần Văn Sơn và Đỗ Hùng vừa từ Thái Lan trở về dự đại hội) tường trình, Đại hội đã biểu quyết rút ra khỏi MT.

Đại hội cũng biểu quyết chỉ thông báo quyết định rút lui cho ông Hoàng Cơ Minh và TC/NVTD và không công bố bất cứ điều gì với báo chí vào thời điểm đó để giữ vững tinh thần đấu tranh của cộng đồng hải ngoại.

Đây là quyết định khó khăn nhất của TC/PHVN, bởi lẽ, với vai trò của một thành viên sáng lập, sự rút lui của TC/PHVN khỏi Mặt Trận có thể tạo dư luận không mấy thuận lợi cho nỗ lực đoàn kết đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản.

Sau đại hội III TC/PHVN thông báo ông Hoàng Cơ Minh quyết định rút lui. Ông Hoàng Cơ Minh không thắc mắc gì. Khó khăn nhất là thông báo cho TC/NVTD, vì rút lui là TC/PHVN đã phụ lòng ủy thác của TC/NVTD.

Tuy nhiên TC/PHVN chỉ thông báo rút lui và không khuyến khích TC/NVTD cùng rút. Nhưng khi TC/NVTD cho biết sẽ giải thể để gia nhập vào MT, TC/PHVN mới góp ý nên duy trì TC/NVTD để nếu công tác MT không mang lại kết quả thì anh em vẫn còn một cơ sở để tiếp tục cục đấu tranh.

Anh em TC/NVTD vẫn quyết định giải thể, và ngưng ấn hành tờ Người Việt Tự Do (phát hành tại Tokyo) rất được yêu chuộng vào thời điểm đó để dồn nỗ lực làm tờ Kháng Chiến, một cơ sở thông tin và vận dụng quần chúng của MT.

Sau này khi MT phân thành hai vì bất hòa nội bộ, ông Đỗ Thông Minh và ông Huỳnh Lương Thiện rút ra khỏi MT, một số anh em khác vẫn tiếp tục sinh hoạt với MT, trong đó có ông Ngô Chí Dũng, một Ủy viên của Hội đồng Chỉ đạọ Ông Ngô Chí Dũng sau này qua Thái Lan làm việc với ông Hoàng Cơ Minh và biệt tăm. MT chưa bao giờ giải thích sự biệt tăm của ông Ngô Chí Dũng.
Admin thêm ảnh minh họa
Kính thưa ông,

Trong 24 năm qua TC/PHVN đã tự chế trong việc tiết lộ những điều trên. Hôm nay chúng tôi viết Thư ngỏ này gởi đến ông, và như đã thưa với ông, TC/PHVN không có mục đích gì khác hơn là làm sáng tỏ một số sự kiện lịch sử. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của ông cũng như vẫn hằng tôn trọng các tổ chức đấu tranh đứng đắn khác.Trân trọng kính chào ông

T.M. Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam,
Ngô Đức Diễm
Phát Ngôn Nhân

-

0 nhận xét:

Post a Comment