Thursday, January 16, 2014

Đóm lửa Quê Hương - Phan Thiết Phạm Đình Thừa - 2007

Đóm lửa Quê Hương
- Phan Thiết Phạm Đình Thừa -
Jan. 20, 2007

Nửa đời trước, tôi là lính -một mẫu lính đúng nghĩa gian lao và khổ hạnh. Hầu như suốt hành trình 13 năm, đôi chân bé nhỏ chỉ xử dụng để đo từng tấc đất quê hương. Cũng chính ân sủng này đã cho tôi cơ hội thấy rõ quê hương mình. Hoàng hôn khuất bóng, rút quân về muộn, giữa cánh đồng ngập nước bao la vùng đồng bằng sông Cửu Long, ánh đèn lưa thưa nhạt nhòa trong màn mưa trên Quốc lộ 4 đã trở thành tín hiệu của niềm hạnh phúc hồi sinh -qua hết một ngày chưa ngã xuống. Nửa khuya di quân, sâu trong thôn bản dọc đường 14, giữa núi rừng Cao Nguyên, đóm lửa mờ tỏ của căn nhà sàn tít mù thăm thẳm phía trước như mục tiêu của sự sống giữa trùng trùng nỗi chết không rời. Trên dãy Trường Sơn bạt ngàn cây rừng Lâm Đồng, hàng đèn Sông Mao phía Đông, nơi có biển xanh và chốn chào đời, đã trở thành động lực tự tồn …Đóm lửa quê hương, một nhiệm mầu trong niềm hạnh phúc nhỏ nhoi.

Nửa đời sau, lái xe xuyên bang nước Mỹ, đêm vượt đèo, dãy núi hùng vĩ đen thẩm, sừng sửng nổi bật giữa bầu trời trong vắt đầy ánh sao và thấp thoáng ánh đèn xa xa, tưởng như đang đi vào vùng giông bão quê hương ngày cũ. Nghe như có tiếng quân reo, có tiếng đạn bay và trong một thoáng, ánh đèn khuya đất khách bỗng trở thành trìu mến như đóm lửa quê nhà!

Đã hơn 31 năm biệt xứ, chưa một lần thấy lại đóm lửa quê xưa! Đây là bi kịch của đời sống (cá nhân tôi) và trên phương diện «luật người», đó là bản án do chính tòa án lương tâm tôi phán quyết. Bởi vì, không tòa án nào của bất kỳ một thể chế cai trị nào áp đặt được nó lên thân phận người lính còn cố giữ lại điểm liêm sỉ cuối đời. Thời gian với khả năng bồi đắp và đào thải cao độ đã nung nấu ý chí bao người nhưng cùng lúc, cũng thiêu rụi hết nhiệt tình nóng bỏng thuở ra đi -đóm lửa quê hương tắt lịm tự bao giờ, chỉ hằn đọng trong mắt «đóm lửa quê người» (*)!

«Đèn nhà ai hay đóm lửa quê người…»

Câu hát này, tôi bất chợt đọc được từ bài viết của nhà văn Giao Chỉ, quan sáu Vũ Văn Lộc:
«Này em, anh sẽ về bên kia biên giới. Đèn nhà ai hay đóm lửa quê người.» 

Bài viết với tựa «Đóm Lửa Quê Người» (ĐLQN) giới thiệu quyển hồi ký «Hành Trình Người Đi Cứu Nước» (HTNĐCN) của tác giả, cựu kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng trong đoàn quân Đông Tiến của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh (MT).
Tôi cũng đã có mặt ở cuối gian phòng ra mắt sách tại San José ngày 30 tháng 9 năm 2006 để nhận ra có cái gì đó thiêu thiếu trong lời giới thiệu người và sách của nhà văn Giao Chỉ, trước con số khoảng hai trăm người tham dự. Lời giới thiệu quá ngắn (và có vẽ như hết dầu, thiếu lửa?) so với bài viết được phổ biến trước đó:
«Với tấm lòng chân thành muốn tìm hiểu lịch sử trong đời sống hiện tại, tôi xin giới thiệu tác phẩm giá trị này đến qúy độc giả.»
Và:
«Anh đã dâng hiến tất cả tương lai, hy vọng và tuổi thanh niên cho lý tưởng. Anh đã tìm thấy ở Kháng Chiến cả mộng lẫn thực. Bình tĩnh và công bình, tác giả ghi lại những đau thương dằn vặt của từng chiến binh và người lãnh đạo không phải bằng lời nói mà bằng các hành động.» (trích từ bài viết ĐLQN của Giao Chỉ)

Những câu tán tụng vừa nêu đã mất dấu trong lời phát biểu trước người tham dự. Chỉ có lời cảnh báo cử tọa, đại khái:
«Tác phẩm là một loại dầu thô chưa gạn lọc, độc gỉả phải đóng vai chiếc máy lọc dầu». 
Nếu đã bình tĩnh viết lại (như ông Vũ Văn Lộc trong bài viết) và trung thực (theo ông Đỗ Thông Minh trong buổi ra mắt sách) thì người đọc không phải vất vả -hao dầu, tốn xăng- làm công việc của một «máy lọc».
Tôi đã đọc HTNĐCN và đã là lính đánh giặc, tôi xin được nói lên lời cảm thông sâu xa với tác giả. Tuy nhiên, bài viết này không mang tính chất phê bình tác phẩm, cũng không mang tham vọng thêm vào mớ nhận định về Mặt Trận vốn đã quá dài và cũng quá lâu từ phía đồng bào ta tại hải ngoại. Đối với một số quý vị mà tâm tình còn trĩu nặng với nước non, Mặt Trận đã trở thành vết thương lòng lâu lâu rỉ máu. Người viết xin được nghiêng mình chia xẻ và chỉ muốn nói lên đôi điều suy nghĩ với người «lính» Vũ Văn Lộc và nhà văn Giao Chỉ.

* * *

Qua bài viết ĐLQN, với những đoạn tổng kết về các chiến dịch Đông Tiến của Mặt Trận, người đọc thấy được điều ông Vũ Văn Lộc muốn nêu lên: Thất Bại! -"Một lần Đông Tiến là một lần thương vong.", cùng với nhận định hành quân của một sĩ quan cao cấp thuộc QLVNCH:

«Trận chiến hoàn toàn không cân xứng. Đi vào đất địch với quân số ít ỏi. Không có phương tiện liên lạc. Địch không đánh quân ta cũng chết đói, chết khát. Địch tấn công với quân số gấp 10 lần. Quân ta chết là may mắn, bị thương là không có phương tiện cứu chữa.»

Và:

«Đi như thế không bị địch đánh thì cũng chết. Dù về đến đất Kontum thì cũng không thể mở được đầu cầu. Cho dù mở được đầu cầu thì làm gì có đại binh theo sau.»

Kết quả thất bại của những lần Đông Tiến nói lên một điều nghịch lý trong suy luận chiến thuật và đã đặt ra câu hỏi không những cho quan sáu Lộc mà còn cho nhiều người từ nhiều năm nay. Câu hỏi đã được trả lời theo lập luận và góc nhìn khác nhau.
Riêng ông Vũ Văn Lộc đã tự vấn rồi đưa ra câu trả lời:
«Những cuộc hành quân gian khổ, điên cuồng như thế mang ý nghĩa gì? Ông Minh rõ ràng chỉ muốn tìm về chết tại quê hương.»

Trên phương diện «người lính», đây là điều người viết muốn đề cập

Ông Hoàng Cơ Minh có thể «chỉ muốn tìm về chết tại quê hương» như ông Vũ Văn Lộc cho là vậy; thế nhưng, ngoài ông Hoàng Cơ Minh, trong đoàn quân Động Tiến, còn có những cấp chỉ huy dạn dày chiến trận, những người không chỉ cúi đầu nhận lệnh và dĩ nhiên họ không bao giờ mang ước vọng của Bàng Hồng (đời Tam Quốc mang hòm ra trận) để chỉ được chết trên quê hương. Vả chăng, bảng hiệu của phong trào Hoàng Cơ Minh là «Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia» chứ không phải «Mặt Trận Tìm Chết Trên Quê Hương». Vậy thì, phải chăng đã có một thỏa ước, một đầu cầu bảo đảm khả dĩ an toàn cho một quân số ít ỏi kia?

Sự bảo đảm cho các hoạt động trên đất Thái nhằm vào mục tiêu giải phóng quê hương của cá nhân, tổ chức người Việt vào thập niên 80, tất cả đều đặt vào các thỏa ước bằng mồm với những lãnh chúa Thái (tư lệnh quân khu) thời bấy giờ. Các thỏa ước này chỉ được thực hiện sau khi một khoản tiền thuê đất hằng năm đã nạp đủ. Lãnh cứ to, nhỏ tùy theo mức độ dày mỏng của đô la. Trong các căn cứ «phục quốc» tại biên thùy Thái-Lào-Miên, căn cứ của Mặt Trận được xem là bề thế và to rộng hơn tất cả các căn cứ khác. Điều này không lạ vì quỹ của Mặt Trận trong thời gian này đã rất dồi dào. Sứ mệnh thiêng liêng và cao cả, «quang phục quê hương» (nếu may mắn được quan niệm như vậy), rõ ràng đã đặt căn bản trên những thỏa ước thuê muớn không bảo chứng và vào tay bọn tướng tá đầy tham vọng tiền bạc của vương quốc Thái! Sinh mệnh của những người trẻ muốn quay về nhìn thấy lại đóm lửa quê hương tự do bùng cháy trong an bình như ông Phạm Hoàng Tùng (thời ấy) dĩ nhiên như ngọn đèn trước gió, được đặt vào canh phé tẩy xấc sắp tàn.

Vào những năm của thập niên 80, lo sợ trước thực tế bị xâm lăng như Kampuchia, Thái Lan đã cố gắng bằng mọi phương cách ngăn chận bước Tây tiến của đoàn quân viễn chinh cộng sản Việt Nam. Chính vì vậy, chính quyền Thái đã làm ngơ trước thủ đoạn hối lộ của các tư lệnh vùng, bởi vì các căn cứ biên thùy của người Việt đã trở thành những con chốt, những tiền đồn, điểm báo động, một loại «nhất kiếm trấn ải» mà Thái lan không phải tốn tiền bạc và công sức xây dựng!

Trên phương diện ngoại giao, sự hiện diện của các tổ chức «phục quốc» người Việt đã trở thành món hàng mặc cả đáng giá. Trong cuộc mặc cả, ai ngã giá cao hơn, kẻ ấy sẽ mua được món hàng. Dù tiền bạc của người hải ngoại đổ vào công cuộc «giải phóng» của Mặt Trận dồi dào đến đâu, chắc chắn cũng không qua được số ngân lượng mà cộng sản Việt nam chi ra, Thêm vào đó, cũng không thể bỏ qua yếu tố về một cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ giữaThái Lan và Việt cộng.

Hậu quả bi thảm đã đến qua các cuộc «tế thần» bằng xương máu của người mang ước vọng giải phóng quê hương khỏi xiềng xích đỏ. Việc gì phải đến đã đến cho những cuộc hành quân Động Tiến. Khi sự an toàn của Thái Lan được bảo đảm thì những tiền đồn «phục quốc» không còn lý do tồn tại. Giữa thập niên 90, các căn cứ lớn nhỏ của người Việt trên đất Thái đã biến dạng trong âm thầm, không kèn, không trống, không truyền thanh, truyền hình như lúc khai trương!

Ngoài tác động ngoại tại cũng phải kể đến những chuyển biến nội tại (trên phương diện điều hành, quản trị, và quan niệm) trong tổ chức của Mặt Trận. Hiện tại, chiến trường khét lẹt mùi thuốc súng của các năm Đông Tiến đã được thay bằng «khẩu» trường đầy tranh cải sôi sục nước bọt với một tên mới: Việt Tân.

Đưa ra những nhận xét thô thiển vừa nêu, người viết muốn nói đến sự bào chữa tiêu cực của một sĩ quan đã từng đảm trách những vai trò quan trọng cỡ «pathfinder»:

«Hơn 20 năm trước, Giao Chỉ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với Võ Đại Tôn, Trân Văn Bá và Hoàng Cơ Minh. Thân hữu nói rằng, ông quá cả tin nên dễ bị lừa. Đã xin thưa rằng, tôi muốn ngày nào cũng có người đến lừa tôi về chuyện xây dựng lại non sông.
Hai mươi năm sau, thân hữu lại nói rằng, ông đã yêu lầm tướng cướp. Bèn trả lời rằng: Tình yêu vốn mù quáng. Bây giờ đã già rồi, không thể thay đổi được nữa. Đành xin chịu mù loà để giữ lấy tình yêu.»
(ĐLQN)

Tôi không nghĩ rằng khả năng và suy luận quân sự của quan sáu Vũ Văn Lộc đã cạn láng sau cuộc đổi đời bi thảm. Cũng không tin, kiến thức và chữ nghĩa ông Vũ Văn Lộc đã trả lại cho thầy, cho những lớp Tham mưu Trung cấp và Cao cấp để không còn có thể gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thân hữu mình, đồng đội và đồng bào mình về thủ đoạn bịp bợm của đám con buôn trên mồ hôi, nước mắt và máu xương, thậm chí ngay cả ước vọng thiêng liêng của người khác?

Nếu không đúng vậy, trên phương diện là người lính cấp cao, ông Vũ Văn Lộc đã phạm vào tội đồng loã (vô tình hay cố ý) qua mớ ngôn từ kêu-gọi-nước-mắt xót thương nêu trên.
Niềm tin (rất) mãnh liệt của đồng bào hải ngoại về một ngày quang phục quê hương, sau khi bỏ nước ra đi vào tháng 4 năm 1975, đã bị phá sản vì tổ chức của ông Hoàng Cơ Minh -một hệ lụy thê thảm mà bất cứ ai cũng nhận rõ.
Nhóm từ «giải phóng đất nước», «quang phục quê hương» có lúc được người ta đem ra chế diễu, nguyền rủa -bởi vì đâu?! Đành rằng, bất cứ hy sinh nào trên lối về quê hương để mưu tìm sự giải thoát dân tộc khỏi móng vuốt bầy quỷ đỏ cũng đều phải được tôn kính và ngưỡng mộ như trường hợp của vị tướng can đảm, ông Hoàng Cơ Minh. Thế nhưng điều cần nói lên là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết này vẫn là sự sai lầm nghiêm trọng về chiến lược từ tổ chức do chính ông tạo ra. Đây là sự kiện cần được những người lính có tầm cỡ như ông Vũ Văn Lộc phân tích để cảnh báo cùng đồng bào hải ngoại. Chẳng những đã không làm vậy, ông Lộc lại bước xuống, đóng vai người lính đa đoan, đóng đồn xa «nếu mai không nở, anh không biết Xuân về hay chưa» qua mớ mỵ ngữ tình cảm! «Non sông dễ đổi, bản tính khó chừa», 20 năm trước hay 20 năm sau, người lính Vũ Văn Lộc vẫn không bao giờ thay đổi trong niềm hãnh diện mãnh liệt về công tác hiếm hoi «pathfinder» vào những ngày gần cuối cuộc chiến.

Điểm quan trọng nhất của toàn bài viết nằm trong quan niệm về đấu tranh của ông Vũ Văn Lộc:
«Trong công cuộc đấu tranh cho Việt nam bây giờ và sau này. Dù bằng chính trị hay bằng những phương thức khác. Dù giải phóng rồi canh tân hay dù canh tân rồi giải phóng. Dù đúng hướng chính thống hay chệch hướng hòa giải thì điều quan trọng là phải tồn tại. Bất cứ với giải pháp nào ta không thể cứu nước nếu ta không tồn tại và tiếp tục hoạt động.» (ĐLQN)
Đoạn văn vừa trích gợi cho người viết nhớ lại câu nói của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: Làm chính trị là phải lì. 
Qua chủ từ «ta», ông Vũ Văn Lộc nêu lên lời nhắn nhủ và dạy dỗ những phong trào, tổ chức đấu tranh với cộng sản Việt Nam: phải lì, phải bất chấp mọi thủ đoạn, gạt qua một bên ước nguyện của những người mà mình vỗ ngực đại diện -phải tồn tại dù bị nguyền rủa, tẩy chay! 
- Phải chăng để giải phóng cái giải rút, mớ gia sản cuối cùng còn sót lại của người đàn bà cùng đinh đói lạnh nằm co ro qua đêm Đông miền Bắc, trong công viên Mai Xuân Thưởng? Một tổ chức gọi là đấu tranh chống cộng lại đi ngược chủ trương khởi xướng ban đầu, bất chấp nguyện vọng của bao người thì sự tồn tại có còn cần thiết không và phải được hình dung như thế nào đây? Đó chẳng qua chỉ là tập họp một đám sơn đông mãi võ, trưng đầu Dê bán thịt Chó. 
- Một tổ chức đấu tranh, với trường hợp Việt Nam hiện tại, lại đi bắt tay với cộng sản để canh tân, rồi giải phóng thì giải phóng kí gì đây Đại tá Vũ Văn Lộc? «Chệch hướng hòa giải» -đã mặc nhiên thừa nhận việc hòa giải với khỉ là chệch hướng thì tại sao không điều chỉnh để đi vào «hướng chính thống» trước khi nghĩ đến việc cố bám để tồn tại? Đây lại là một điểm nghịch lý mà chỉ có những kẻ muối mặt, khư khư với quyền lợi và tham vọng cá nhân mới đủ can đảm thực hiện. Bài học hòa giải với cộng sản dẫy đầy trong lịch sử đấu tranh Quốc, Cộng và hiển hiện trước mắt là hậu quả thê thảm đến với một số người, vì tham lam mà trở thành cô bé choàng khăn đỏ, ngây thơ đi vào miệng sói, trong những năm qua. 
Phải chăng Đại tá Vũ Văn Lộc đã đánh giá quá thấp trình độ hiểu biết của người Việt hải ngoại khi lên giọng «quân sư» kêu gọi kéo dài sự lường gạt?

Trong lãnh vực báo chí, truyền thông Mỹ có câu: We Report, You Decide -Chúng tôi tường trình, Quý vị quyết định (kết luận). Đây cũng là câu nói cần được xét lại. Bởi vì, chúng tôi «report» nhưng chỉ «report» những điều chúng tôi muốn «report». Những điều chúng tôi không muốn «report» dầu là sự thật sờ sờ trước mắt đi nữa, chúng tôi vẫn không «report». Trường hợp này đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam với đạo quân báo chí hùng hậu của thế giới. Điển hình nhất là bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử quyết thằng du kích sát nhân. Tướng Loan nửa đời, nửa đoạn vì bức hình này. Tên nhiếp ảnh viên Adams, đến phút cuối đời, mới thốt lên lời xám hối muộn màng: "hình ảnh chỉ là một phần của sự thật. Một phần sự thật không phải là sự thật!"

Trên phương diện văn học, xã hội Việt Nam, từ rất lâu, đã dành cho người cầm viết một vị trí thật tôn quý vì họ được quan niệm như lớp người góp phần vào sứ nhiệm khai phóng trí tuệ quần chúng -(Văn Dĩ Tải Đạo). Đáp lại, người cầm viết phải có dũng khí để nói lên sự thật và cùng lúc hướng dẫn dư luận bước đi trong dòng «chính thống» về nẻo Chân, Thiện, Mỹ -cứu cánh của văn chương và nghệ thuật. Dĩ nhiên đòi hỏi này trở thành quá khó khăn đối với kẻ dùng chữ nghĩa để đat tham vọng bất chính hay chỉ để thỏa mãn cái hứng khởi nhất thời của chính mình.

Hai điểm vừa nêu, người viết chỉ muốn ghi lại như một nhắc nhở cho nhà văn Giao Chỉ trong buổi hoàng hôn của cuộc đời như ông đã tự thán: «Bây giờ đã già rồi, không thể thay đổi được nữa.»

Không biết nhà văn có thành thật khi đặt bút viết: «Đã xin thưa rằng, tôi muốn ngày nào cũng có người đến lừa tôi về chuyện xây dựng lại non sông.» Bởi vì, mong ngày nào cũng có người đến nhà lừa gạt thì còn làm ăn được gì? Đọc giữa mớ chữ, câu hỏi dấy lên, tại sao không là «tôi muốn ngày nào cũng bị lừa về chuyện xây dựng lại non sông» mà phải là «cũng có người đến lừa tôi về chuyện xây dựng lại non sông»?
Tôi lại lan man nhớ đến câu chuyện cá nhân gần hai thập niên trước. Tôi đến gõ cửa nhà người bạn để xin yểm trợ cho các hoạt động tại một quốc gia ngoài Hoa Kỳ (và cũng trong ước vọng quang phục quê hương) của một tổ chức mà tôi và bạn đã xuất thân đi vào cuộc chiến. Bạn đưa tôi 5 tì, trong một bữa nhậu có rượu ngon và đồ nhắm tốt. Hôm sau gặp người bạn khác, ông này cho hay người bạn «bị» quyên góp đã dùng Đức Mã để than phiền rằng, bỏ ra 5 tì cho lương tâm khỏi cắn rứt! Không biết trường hợp này có gần xa trùng hợp với câu văn của nhà văn Giao Chỉ không nhỉ?

Cũng xin được lưu ý, ông Giao Chỉ chỉ muốn bị lừa hằng ngày «về việc xây dựng lại non sông» chứ không phải để đánh bật 3 thằng Việt cộng thổi ống đu đủ ra khỏi quê hương. Trộm chưa bị rượt khỏi nhà, giặc chưa bị đuổi khỏi nước thì việc «xây dựng lại non sông» là hành động đầu hàng nhục nhã mà bất kỳ người nào đã từng cầm súng và còn liêm sỉ không bao giờ có thể chấp nhận. Phải chăng vì vậy mà Chú Nguyễn Hữu Chánh không «lừa» được Đại tá Vũ Văn Lộc? Chú Chánh -ghê bỏ mẹ- cứ ồn ào lu loa những vụ đặt chất nổ tùm lum tại Việt Nam, không cách chi chiếm được tình yêu (dầu mù lòa) của nhà văn Giao Chỉ: "Đành chịu mù lòa để giữ lấy tình yêu"

Với cách nhìn và lối suy luận như vậy của một nhà văn, một cựu sĩ quan cao cấp của quân lực miền Nam, ước vọng nhìn lại đóm lửa quê hương thân yêu của tôi chắc còn khá lâu mới trở thành sự thực. Vậy thì, chỉ còn nhìn đèn nhà ai để thi vị hóa thành đóm lửa quê mình.

Phan Thiết Phạm Đình Thừa

Nguồn: http://www.vietnamdaily.com/?c=article&p=33611 Jan. 20, 2007

===================

Giao Chỉ Vũ Văn Lộc tại phòng tranh của họa sĩ Đào Hải Triều ở San Jose (chụp cùng nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng). Ảnh do Bùi Văn Phú - không đề năm, nhưng dựa theo bài "Nguyễn-Xuân Hoàng: Văn và Người" của Bùi Văn Phú đăng ở Viet Tribune Magazine Jul 12, 2014 ta có thể phỏng chừng ảnh này được chụp trong khoảng 2010 - 2014 - ảnh làm lại và chú thích by Admin

(*):
Lời Bạt cuốn Hồi Ký Hành Trình Người Đi Cứu Nước

(Bài viết về cuốn Hồi Ký của một kháng chiến quân)

Ghi chú của nhà xuất bản Hồi Ký "Hành Trình Người Đi Cứu Nước" của Phạm Hoàng Tùng:
Giao Chỉ là bút hiệu của cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc,
hiện là Giám Đốc Trung Tâm Định Cư IRCC, Inc. tại San Jose, USA.

Bài này đã được phổ biến rộng rãi trước khi phát hành sách, chúng tôi xin phép tác giả in vào đây như ghi nhận từ một độc giả thay Lời Bạt
* * *

"ĐỐM LỬA QUÊ NGƯỜI…"
Giao Chỉ - San Jose, 2006

“Này em, anh sẽ về bên kia biên giới.
Đèn nhà ai hay đốm lửa quê người...”



Tháng 3/1975, tôi gặp tướng Hoàng Cơ Minh lần đầu tiên tại Cam Ranh, một vị Phó Đề Đốc Hải Quân nóng nảy, bồn chồn vừa nhận toàn bộ trách nhiệm tư lệnh cuộc triệt thoái từ duyên hải.
Sau lễ chào cờ lần cuối, hạm đội chở phần còn lại của hai quân đoàn suôi Nam. “Trùng khơi vạn lý, như chưa vừa ý, lắc lư con tàu đi.” Bài ca vui tươi ngày nào bây giờ chuyên chở biết bao nhiêu cay đắng.
Tháng 5/1975, gặp lại ông Hoàng Cơ Minh trong trại Barrigada trên đảo Guam. Gần 30 vị tướng tá của một đạo quân tan hàng nằm chờ phi vụ vào Mỹ. Ông Nguyễn Cao Kỳ được đem đi trước, rồi đến ông Ngô Quang Trưởng. Tôi nằm bên tướng Đồng Văn Khuyên, mặt dài như chiều đông.
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III xuống sân đánh bóng chuyền cho quên ngày tháng. Tướng Không Quân Phan Phụng Tiên lâu lâu lại buông lời cay đắng. Riêng ông Hoàng Cơ Minh là người duy nhất nói đến chuyện trở về.
Những ý kiến rời rạc, mơ hồ dường như đã bắt đầu hình thành. Con đường trở về sẽ vô cùng khốc liệt và ý ông Hoàng Cơ Minh nói là phải dùng tất cả các phương pháp của cộng sản để đánh cộng sản. Chuyện đó sau này thành sự thật.
Sau cùng, chuyến bay cuối tháng 5/1975 từ hải đảo đã đưa vào lục địa Hoa Kỳ một vị tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa duy nhất quyết tâm trở về với tấm lòng hết sức sắt đá. Đó là Phó Đề Đốc Hải Quân Hoàng Cơ Minh.
Mười hai năm sau, vào ngày 28/8/1987, vị Phó Đề Đốc một thời Tư Lệnh hành quân biển của Hải Quân VNCH đã nằm chết bên bờ suối, giữa rừng già miền Nam Lào.
Người lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, Đảng Trưởng đảng Việt Tân với 110 kháng chiến quân vượt sông Mekong trong chiến dịch Đông Tiến tìm đường về Việt Nam. Đến vùng Xalavang trên đất Lào, đạo quân kháng chiến bị săn đuổi bởi số địch quân đông đảo nên đã hoàn toàn tan rã. Các kháng chiến quân bị bắt đã kể lại với nhau trong tù về những cái chết đau thương và hào hùng. Vị Tư Lệnh và các cấp chỉ huy Kháng Chiến đều tử thương hay tự sát sau khi bị thương.
Vào đầu thập niên 80, cộng sản Hà Nội và thế giới Mác Xít đang ở trên đỉnh cao của chiến thắng. Không thể có con đường nào khác gọi là đấu tranh chính trị. Chỉ còn giấc mơ trở về gây dựng cơ sở chiến đấu trong lòng địch. Cả một ước mơ dù đội đá vá trời nhưng vẫn có người cố thực hiện.
Từ Úc châu, Võ Đại Tôn lập Chí Nguyện Đoàn Phục Quốc và tìm đường về vào năm 1981. Ông đã bị bắt và xuất hiện trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 13/7/1982.
Từ Paris, Pháp, Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam thuộc nhóm Lê Quốc Túy phát động, với Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và hàng chục người… đã xâm nhập bằng đường biển Cà Mau, bị bắt và xử ngày 18/12/1984. Trong Chí Hòa, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị xử bắn ngày 8/1/1985, máu đỏ bức tường khám lớn. Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy là các cựu sĩ quan Không Quân VNCH.
Và sau cùng, từ M ỹ, Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đã tìm đường về suốt 10 năm từ 1981 đến 1990 qua 4 giai đoạn. Tất cả đều lấy đất Thái Lan làm bàn đạp. Năm 1985, hai nhóm cán bộ chính trị Tiền Phương Kháng Chiến đã đi xuyên qua Cam Bốt để về nước nhưng đều bị bắt tại Nam Vang.
Cũng năm 1985, Đông Tiến I, vượt sông Mekong, qua Nam Lào do Đại Tá Dương Văn Tư chỉ huy đến gần biên giới Việt Nam phía Bắc Kontum thì bị Pathet Lào và Việt Cộng đánh đuổi và tan rã, 20 kháng chiến quân hy sinh.
Năm 1986, Đông tiến II lần 1 với 130 kháng chiến quân tiến về phía Đông - Nam nhưng vượt sông Mekong tại Pác Xế bất thành nên đành phải rút. Trước khi lên đường, Mặt Trận đã triệt tiêu toàn thể căn cứ trên đất Thái, nên khi rút về lại phải sống tạm ngoài trời gần 1 năm chờ tái xuất quân.
Năm 1987, với 110 kháng chiến quân cuộc Đông Tiến II lần 2 khởi sự, vượt sông Mekong và bị quân địch quá mạnh đánh tan. Toàn bộ chỉ huy và Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh tự sát, một số lớn tử trận và bị bắt.
Đặc biệt là sau khi Đông Tiến II lần 2 hoàn toàn thất bại, thành phần còn lại tại hậu cứ Thái Lan và Tổng Vụ Hải Ngoại tại San Jose, Cali, Mỹ cũng không biết rõ tin tức. Nên chiến dịch Đông Tiến III vẫn tiếp diễn với người chỉ huy hậu cứ là một sĩ quan Dù, ông Đào Bá Kế đi vào đất chết muộn màng năm 1990 với số thành phần khỏe mạnh còn lại, những tân kháng chiến quân mới tuyển từ trại tị nạn... đều chấp nhận lên đường chuyến chót. Tất cả xóa xổ căn cứ tại Thái Lan tiếp tục đi theo con đường Đông Tiến I, vượt sông Mekong tìm về biên giới Lào - Việt ở phía Bắc Kontum.
Trong giai đoạn này thật sự không còn sự hiện diện của Tướng Minh và vòng đai kỷ luật sắt đá. Nhưng lạ lùng thay, những phần tử còn lại của Kháng Chiến không tan hàng mà lại đồng lòng lên đường. Không ai thật sự biết rõ tâm tư của anh em, nhưng có thể họ đi tìm “ông thầy”.
Thêm một lần sau cùng, toán quân này cũng bị chặn đánh, bị giết, bị bắt. Người chỉ huy Đông Tiến III là Đào Bá Kế bị án tù chung thân, hiện còn bị giam tại nhà tù miền Bắc.
Tất cả các anh hùng kháng chiến suốt 10 năm (1981 - 1990), tuy hoàn cảnh mỗi người một khác và đôi khi việc tuyên truyền quá cường điệu phóng lên con số hàng ngàn tay súng nhưng sự gian khổ và khốc liệt hoàn toàn có thật.
Vào những năm 80, bài hát bất hủ được ban hợp ca Thùy Dương cất lên vừa hùng tráng vừa bi thảm: “Này em, anh sẽ về bên kia biên giới, đèn nhà ai hay đốm lửa quê người.”.
Hơn 100 kháng chiến quân đã hy sinh trên đường tìm về bên kia biên giới. Vượt con sông Mekong, thấy ánh sáng leo lắt đêm khuya, tưởng là ánh đèn của thôn xóm trên đất nước thân yêu, ngờ đâu vẫn chỉ là đốm lửa quê người. Chiến hữu chung quanh Tướng Hoàng Cơ Minh chẳng còn được mấy người, sức cùng lực kiệt, trải qua bao nhiêu gian khổ và cô đơn, ông đã tự chọn cái chết, nằm lại bên bờ suối.
Bên kia bờ đại dương, cả một Tổng Vụ Hải Ngoại đang trầm kha xâu xé làm cho lòng tin tan vỡ! Khi lên như sóng trào dâng, khi xuống như nước vỡ bờ. Bên này tiền tuyến chỉ có trên dưới 200 tay súng bị săn đuổi suốt những năm tháng dài. Thái Lan bắt đầu đổi thái độ, không còn muốn cho đóng quân, Lào Cộng hợp lực với Việt Cộng truy kích. Kháng chiến quân bị thương phải tự sát hoặc đã bị các chiến hữu hạ sát để khỏi rơi vào tay địch. Không còn đường nào khác.
Con đường giải phóng là con đường một chiều: “Giải phóng hay là chết”. Những người thân tín của ông Minh trong hàng ngũ lãnh đạo không còn nữa, Đại Tá Dương Văn Tư đã hy sinh, Trung Tá Lê Hồng đã qua đời. Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh với một đời hành quân biển đã bỏ quân phục đại lễ mầu trắng và biển cả màu xanh, để tìm về bộ quần áo đen, khăn rằn Nam Bộ nằm chờ đợi giây phút cuối cùng ở giữa rừng núi Hạ Lào. Ông đã dùng chiêu thức của cộng sản để đánh cộng sản và đường lối này cũng đã tạo ra bao nhiêu sóng gió. Sau cùng, giải phóng hay là chết, khi không thành công thì chết là giải thoát. Và một phát súng cuối cùng đã nổ, Tướng Hoàng Cơ Minh đã chết. Nhưng tiếng súng của ông tự sát phải chờ đến 14 năm sau mới chính thức nghe được tại San Jose vào tháng 7/2001.

Tất cả các câu chuyện kể trên và còn nhiều chi tiết hết sức đặc biệt, hầu hết đều được giải bày trong cuốn Hồi Ký của Kháng Chiến Quân Phạm Hoàng Tùng trong tác phẩm là 1 bộ 2 cuốn tựa đề “Hành Trình Người Đi Cứu Nước”.
Tôi hân hạnh được học giả Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh gửi riêng cho đọc bản in thử từ máy điện toán. Tập hồ sơ tổng cộng 900 trang là một tài liệu hết sức quan trọng để các nhà nghiên cứu và toàn thể thế hệ Việt Nam sau này hiểu rõ câu chuyện tìm đường về của những năm 80.
Với bản danh sách khá đầy đủ các kháng chiến quân đã hy sinh, đã bị tù đày và cả những người hiện còn sống xót đều là nhân chứng của một giai đoạn anh hùng và cũng hết sức bi thảm.
Riêng câu chuyện về cuộc đời của tác giả Phạm Hoàng Tùng năm nay trên dưới 50 tuổi đã trải qua 14 năm (1984 - 1997) đi kháng chiến và chịu rất nhiều hệ lụy.
Phạm Hoàng Tùng cũng như hàng trăm ngàn thuyền nhân khác đã lên đường tìm tự do vào đầu năm 1982, từ Sài Gòn đi thuyền rồi qua đường bộ đến Nam Vang lần thứ 1.
Năm 1983, lại vượt biển vào Thái, được đưa tới trại tị nạn Sikhiu. Anh trở thành 1 trong số 964.000 thuyền nhân mà thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận tổng số 5 đợt trong 20 năm từ 1975 đến 1995. Phạm Hoàng Tùng đã không chết trên biển Đông, anh cũng không đi Mỹ định cư. Nếu Phạm Hoàng Tùng đi Mỹ vào khoảng 1984 - 85, thì bây giờ cũng đã thành người Mỹ trên 20 năm ở San Jose… trong số 100.000 dân Việt tại Thung Lũng Điện Tử.
Nhưng phần số con người đã thay đổi khi anh chấp nhận trả hết giấy tờ tị nạn để đi theo Kháng Chiến. Vào khu chiến năm 1984, làm việc trong đài phát thanh. Tháng 9/1986, tham dự Đông tiến II lần 1, tháng 7/1987, tham dự Đông tiến II lần 2, rồi bị bắt giải về Sài Gòn. Năm 1990, cải tạo lao động ở Phú Yên. Năm 1993, trốn trại về Sài Gòn rồi vượt biên đến Nam Vang lần thứ 2.
Bây giờ Phạm Hoàng Tùng cô thế, ở lại làm người Việt lưu vong trên đất Cam Bốt, lập gia đình, có vợ và đã trải qua hơn 18 năm (1982 - 1987 và từ 1993 tới nay) trên đất khách quê người. Lấy tin tức từ chiến hữu kháng chiến khi gặp lại nhau trong trại giam và từ kinh nghiệm bản thân, tác giả viết lại hành trình của một người đi cứu nước.
Anh đã dâng hiến tất cả tương lai, hy vọng và tuổi thanh niên cho lý tưởng. Anh tìm thấy ở Kháng Chiến cả mộng lẫn thực. Bình tĩnh và công bình, tác giả ghi lại những đau thương dằn vặt của từng chiến binh và người lãnh đạo không phải bằng lời nói mà bằng các hành động.
Đặc biệt chỉ cần sơ lược về hoàn cảnh hết sức tuyệt vọng hàng ngày, hết sức khó khăn, căng thẳng mỗi ngày, ta có thể hình dung được tâm trạng của người lãnh tụ Kháng Chiến ra sao. Tướng Hoàng Cơ Minh dưới ngòi bút của tác giả hiện thân của sự quyết đoán, cao ngạo, không tin người và hết sức tàn nhẫn. Nhưng rõ ràng là không có đường lối nào khác, ít nhất là vào thời điểm của các cuộc Đông Tiến.
“Một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là hết lối quay về.”
Tác giả đã kể lại những vụ xử tử kháng chiến quân muốn đào ngũ, những vụ thi hành kỷ luật sắt đá trong khu chiến. Toán cận vệ trung thành của lãnh đạo xuống tay hết sức lạnh lùng, tàn nhẫn và dứt khoát không tha thứ bất cứ ai. Ngay cả với ông Nguyễn Hữu Nhiều, vị bác sĩ duy nhất của khu chiến.
Xem ra trước sau chỉ có trên dưới 200 tay súng, đủ mọi thành phần, có thể nói là một toán quân ô hợp. Với kỷ luật sắt đá, lãnh đạo đã tôi luyện thành các du kích quân bắt đắc dĩ, ngày đêm học tập. Người từ hải ngoại về rất ít, đa số từ trại tỵ nạn.Quân đội VNCH có, mà bộ đội đào ngũ cũng có. Người vì lý tưởng, người căm thù cộng sản và có cả những thành phần ảo tưởng, chỉ muốn thoát ra khỏi trại tỵ nạn vì chờ đợi mòn mỏi không thấy tương lai. Tất cả đều được đưa vào vòng cương tỏa chặt chẽ để dứt khoát không thể thoát ra được. Chỉ cần một người trốn về là tất cả huyền thoại vỡ lở và những câu chuyện khắc nghiệt đau thương ở khu chiến sẽ làm đổ vỡ tổ chức toàn thế giới.
Tác giả kể lại nhưng không một chút oán hận, đôi khi còn có vẻ phân trần cho hoàn cảnh.
Toàn thể tác phẩm là một bản liệt kê những cái chết. Bắt đầu là những vụ lên án và xử tử các âm mưu đào ngũ... Tiếp theo là những nhu cầu đôn đốc bừng bừng lửa dậy tại hải ngoại đòi hỏi tiền tuyến phải làm một cái gì.
Cuộc Đông Tiến bắt đầu mặc dù chỉ có vài trăm tay súng. Chỉ biết tìm cách vượt sông Mekong đi mãi về phía Đông, không có một lệnh hành quân rõ ràng. Lần đầu bị thất bại. Lần sau trước khi lên đường phá sạch trại để hết đường về, nhưng rồi chưa đi được, lại phải trở về sống bờ sống bụi chờ chuyến sau.
Mỗi lần Đông Tiến là một lần thương vong. Trận chiến hoàn toàn không cân xứng. Đi vào đất địch với quân số ít ỏi, không có phương tiện liên lạc. Địch không đánh quân ta cũng có thể chết đói, chết khát. Địch tấn công với quân số gấp 10 lần. Quân ta chết là may mắn, bị thương là không có phương tiện cứu chữa. Không thể để lọt vào tay địch, bị tra tấn lộ tin tức rồi cũng bị giết chết.
Vì vậy quân bạn ra tay trước, Kháng Chiến giết hết thương binh của ta, hoặc là thương binh phải tự sát. Kháng chiến quân tài hoa là nhạc sĩ Trần Thiện Khải, người sáng tác bài Trăng Khu chiến… đã tự sát sau khi bị thương trên đường Đông Tiến lần 2.
Đoàn quân Đông Tiến như Hốt Tất Liệt ngày xưa dẫn quân Thát Đát tiến về phía mặt trời. Cứ phương Đông mà đi cho đến khi ngựa hết nước, người hết sức, nhưng rồi quân Mông Cổ còn có đường về. Kháng Chiến thì tan hàng ngay tại Hạ Lào. Đi như thế không bị địch đánh thì cũng chết. Dù về đến đất Kontum thì cũng không thể mở được đầu cầu. Cho dù mở được đầu cầu thì làm gì có đại binh theo sau.
Những cuộc hành quân gian khổ, điên cuồng như thế mang ý nghĩa gì? Ông Minh rõ ràng chỉ muốn tìm về chết tại quê hương!
Ba trăm tám tư năm trước, con tàu Mayflower của Âu Châu nhổ neo đi về phương Tây với 102 người. Một nửa là di dân và một nửa là thủy thủ đoàn, cũng là một hành trình vô vọng. Con tàu tả tơi đến miền Đông Hoa Kỳ năm 1620, mùa Xuân đầu tiên chết 52 người vì đói khát và bệnh tật. Còn lại 50 người sống xót và các dòng họ hậu duệ của con tàu “Hoa Tháng Năm” ngày xưa trải qua 4 thế hệ bây giờ đã có đến 35 triệu người trong số 300 triệu dân Hiệp Chúng Quốc. Một cuốn sách biên khảo vừa xuất bản đã ghi lại vào ngày Lễ Độc Lập năm nay.
Trên chuyến khởi hành đến Mỹ và sau khi sống những năm đầu đầy thử thách ở Tân Thế Giới, di dân đã có lúc hung bạo, tàn nhẫn với nhau. Sử sách đều có ghi lại. Tuy nhiên, Mayflower đã thành công, nhưng con tàu Đông Tiến của Hoàng Cơ Minh đã không nở hoa “Kháng Chiến”.
Khi Tướng Minh tổ chức đại hội tại San Jose để khai trừ người phụ tá số một là Đại Tá Phạm Văn Liễu, thì tại Nam California cũng có đại hội của ông Trần Minh Công tổ chức để đặt vấn đề với ông Minh.
Đó là vào ngày 29/12/1984.
Cùng vào thời gian đó, tiền đồn Hải Vân của Kháng Chiến trên đất Thái bị địch vượt sông Mekong qua tấn công. Sau đó, đơn vị Kháng Chiến tiền tuyến phải triệt thoái.
Sau khi Mặt Trận bể làm đôi, Tướng Hoàng Cơ Minh trở lại khu chiến chuẩn bị và đích thân tổ chức, chỉ huy Đông Tiến II lần 1, rồi lần 2. Ông ra đi để tìm bằng được ngọn đèn đêm hiu hắt trong thôn xóm Việt Nam, nhưng khi nằm chết bên con suối Hạ Lào, ông chỉ thấy xa xa đốm lửa quê người.
Khi xuất bản tác phẩm của Phạm Hoàng Tùng, ông Đỗ Thông Minh có lẽ chỉ muốn cho tác phẩm có cơ hội trình bày sự thật. Khi người Kháng Chiến viết về 14 năm oan nghiệt, tác giả cũng chỉ đơn giản kể lại những gì đã trải qua.
Độc giả đọc tác phẩm chắc có thể mang nhiều suy tư. Kẻ chống đối hận thù Kháng Chiến sẽ tìm thấy nhiều chứng cớ để buộc tội.
Nhưng riêng phần tôi, với tình cảm dành cho người đi cứu nước, tôi hết sức đau thương và trân trọng cái chết của Tướng Hoàng Cơ Minh. Tấm lòng thương cảm của tôi không phải chỉ dành cho chủ tướng mà cho tất cả đoàn viên của ông. Những người ông tuyên án xử tử, những người theo ông đi vào chỗ chết, hay những người vì theo ông mà suốt một đời tù đày cho đến ngày nay vẫn còn chưa được tự do.
Xem ra, tác giả đi một vòng tròn trên 4 xứ Đông Nam Á khoảng thời gian vừa đúng một con giáp (1982 - 1993), Phạm Hoàng Tùng lại là người Kháng Chiến hưởng hạnh phúc sau cùng.
Tướng Hoàng Cơ Minh với cái chết của chính ông, ông đã làm trọn lời thề nguyền từ khi xuống tàu bỏ nước ra đi. Ông đã giữ vẹn lời thề, khi đứng trên khán đài hô hào kháng chiến phục quốc ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ở Orange County và ở San Jose…
Cái chết của Tướng Hải Quân Hoàng Cơ Minh, của Đại Tá Bộ Binh Dương Văn Tư, của Trung Tá Nhảy Dù Lê Hồng… và ngay cả các kháng chiến quân đào ngũ bị xử tử hình đều góp phần cho Kháng Chiến và Việt Tân tồn tại. Đông Tiến là chuỗi dài của những thất bại nhưng học được bài học thất bại là lấy được chìa khóa của thành công.
Trong công cuộc đấu tranh cho Việt Nam bây giờ và sau này, dù bằng chính trị hay bằng những phương thức khác, dù giải phóng rồi canh tân hay dù canh tân rồi giải phóng, dù đúng hướng chính thống hay chệch hướng hòa giải thì điều quan trọng là phải tồn tại. Bất cứ với giải pháp nào, ta không thể cứu nước nếu ta không tồn tại và tiếp tục hoạt động.
Cái chết của một lãnh tụ chỉ có thể mang ý nghĩa để cho thế hệ đấu tranh tiếp nối tồn tại. Với ý nghĩa đó, một đóa “Hoa Tháng Năm”, một Mayflower mới của người Việt sẽ nở hoa trong cộng đồng của chúng ta.
Đối với những dư luận về công cuộc kháng chiến phục quốc, chúng tôi xin có đôi lời hơn thiệt.
Hơn 20 năm trước, Giao Chỉ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Võ Đại Tôn, Trần Văn Bá và Hoàng Cơ Minh. Thân hữu nói rằng, ông quá cả tin nên dễ bị lừa. Đã xin thưa rằng, tôi muốn ngày nào cũng có người đến lừa tôi về chuyện xây dựng lại non sông.
Hai mươi năm sau, thân hữu lại nói rằng, ông đã yêu lầm tướng cướp. Bèn trả lời rằng: “Tình yêu vốn mù quáng. Bây giờ đã già rồi, không thể thay đổi được nữa, đành xin chịu mù lòa để giữ lấy tình yêu.”.
Đối với riêng tôi, mọi công cuộc kháng chiến phục quốc từ Lực Lượng Đặc Biệt Võ Đại Tôn, đến Không Quân Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh và của Hải Quân Hoàng Cơ Minh đều là những nỗ lực thần thánh, chúng tôi có tràn đầy đức tin tuyệt đối.
Ngày xưa, cụ Nguyễn Bá Trác lưu lạc bên Tàu, mang nặng mối sầu phục quốc bất thành đã viết nên vần thơ bất hủ trong bài Hồ Trường:

“Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.”

Bây giờ lòng dạ đó vẫn là tâm can của các đoàn viên cách mạng, chắc chắn rằng tôi hiểu tấm lòng các bạn. Khi thiên hạ sắp ném đá người đàn bà tội lỗi, Chúa nói rằng, ai không có tội thì ném trước, tất cả đều bỏ đi. Ngày nay, người lương thiện bỏ đi, người tội lỗi đứng lại lấy chuyện ném đá để mua vui đời luân lạc. Từ “Võ Đại Bịp” đến “Kháng Chiến Phở Bò”... còn chữ nghĩa nào tàn nhẫn hơn để làm đau đớn người đi cứu nước.

Đã đọc bộ Hồi Ký Một Đời Người của cụ Phạm Ngọc Lũy do nhà xuất bản Tân Văn ở Đông Kinh, Nhật Bản phát hành nói về cuộc công yểm trợ của hải ngoại, thì hãy đọc bộ Hành Trình Người Đi Cứu Nước cũng của nhà xuất bản này về khu chiến do kháng chiến quân Phạm Hoàng Tùng viết để cùng suy nghĩ lại.

Với tấm lòng chân thành muốn tìm hiểu lịch sử trong đời sống hiện tại, tôi xin có mấy lời về tác phẩm giá trị này gửi đến quý độc giả.

Giao Chỉ - San Jose, 2006

-

0 nhận xét:

Post a Comment