Monday, January 13, 2014

Đảng Việt Tân gây thiệt hại lớn cho phong trào dân chủ - Nguyễn Văn Huy

Đảng Việt Tân gây thiệt hại lớn cho phong trào dân chủ

Nguyễn Văn Huy


Nguồn: TL 224 - Đăng ngày 12/04/2008 lúc 06:20:31 EDT - Đề tài: Hoạt Động Dân Chủ

Buổi tham khảo ý kiến (hearing) của Ủy Ban Đông Á - Thái Bình Dương và Thượng Viện Hoa Kỳ ngày 12-3-2008 vừa qua phải được coi là quan trọng. Nó có ảnh hưởng quyết định đến số phận mà Thượng Viện Mỹ sẽ dành cho dự luật về nhân quyền (Vietnam Human Rights Act of 2007) H.R.3096 đã được Hạ Viện biểu quyết với một đa số áp đảo 414 phiếu thuận trên 3 phiếu chống và 15 phiếu trắng. Những gì mà một người Việt Nam nói trong cuộc họp này có giá trị như một sự làm chứng của một người hiểu rõ vấn đề và do đó có trọng lượng đặc biệt.

Nhận định như vậy, người ta có thể ý thức được tai hại to lớn của những gì ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân, đã phát biểu. Nên biết là Thượng Viện Mỹ có thể giết chết dự luật HR 3096 một cách dễ dàng, như họ đã làm với một dự luật tương tự trước đây, bằng cách không đem ra thảo luận trong khóa họp đang diễn ra.

* * *

Ông Điềm đã trả lời hai câu hỏi của thượng nghị sĩ Jim Webb, một người tận tình bảo vệ dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.

Về câu hỏi thứ nhất, ông Điềm đã biện luận rằng chính sách phân biệt đối xử đối với những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây và gia đình họ đã tan biến đi (faded away) từ cuối thập niên 1980 hay đầu thập niên 1990 và hiện nay ông không còn thấy gì đáng nói nữa. Không những chỉ đưa ra quan điểm, ông Điềm còn biện luận (xem phụ chú).

Về câu hỏi thứ hai, ông Điềm nói rằng đang có một xã hội dân sự đâm chồi nảy nụ (budding) tại Việt Nam với sự xuất hiện ngày càng nhiều những tổ chức cơ sở (grassroots organisations) không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước cộng sản, và điều mà Hoa Kỳ nên làm là tiếp tay đẩy mạnh tiến trình này. Điều đáng nói là ông Điềm không hề nói rằng chính quyền cộng sản ngăn cản sự hình thành và phát triển của các tổ chức này. Đối với một người Mỹ nghe những phát biểu này, cảm tưởng tự nhiên là xã hội dân sự Việt Nam đang phát triển một cách tốt đẹp, không hề bị cấm cản. Mỹ cũng như các nước dân chủ không cần phải làm áp lực nào đối với Việt Nam cả. Dự luật HR3096 do đó không cần thiết.

Người đọc biên bản buổi họp có thể nhận thấy sự bực bội của thượng nghị sĩ Jim Webb khi ông cắt lời ông Điềm trong cả hai lần.

Thật khó tưởng tượng một người Việt Nam có thể xuyên tạc sự thật đến mức độ đó. Một đại diện của chính quyền cộng sản cũng khó có thể làm hơn.

Ông Điềm căn cứ vào đâu để nói rằng tình trạng phân biệt đối xử những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa và gia đình họ đã tan biến đi ? Hơn nữa ông nói như một chuyên gia đã quan sát thật chăm chú vấn đề này, ông còn đưa ra thời điểm mà tình trạng phân biệt đối xử đã tan biến : cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990.

Không cần phải là một người hoạt động chính trị, chưa nói chủ tịch một đảng, bất cứ một người thường dân Việt Nam nào cũng thấy rất rõ là chính sách phân biệt đối xử đối với những người thuộc chế độ cũ vẫn còn nguyên vẹn, nó chỉ thay đổi cách thức thể hiện vì cuộc chiến đã chấm dứt từ 33 năm qua, hầu hết những gì chính quyền cộng sản muốn làm họ đã làm rồi. Thí dụ như việc tuyển sinh vào đại học, trước đây chính quyền qui định con cái "ngụy quân ngụy quyền" phải đạt một số điểm cao hơn học sinh thuộc diện "có công với cách mạng" mới trúng tuyển, ngày nay người ta qui định số điểm bằng nhau nhưng diện gia đình cách mạng được hưởng trước một số điểm. Có gì khác biệt về nội dung ?

Những tài sản, đặc biệt là nhà đất, của các quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa bị tịch thu để trao cho cán bộ, đảng viên sau năm 1975 có được hoàn trả không ? Các cựu công chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa có được hưởng một hưu bổng nào không ? Các thương phế binh, cô nhi, quả phụ Việt Nam Cộng Hòa có được cấp dưỡng gì không? Các nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa có được tôn trọng không ? Sau 1975 chính quyền cộng sản đã đập phá nhiều nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, họ đang dự định phá nghĩa trang Biên Hòa để "phát triển kinh tế". Đảng cộng sản có làm như vậy với các nghĩa trang liệt sĩ của họ không?

Cũng nên biết rằng cho tới nay những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa và con em họ không được vượt quá cấp bậc hạ sĩ quan trong quân đội và không được tuyển dụng vào ngành công an, điều này ông Đỗ Hoàng Điềm và đảng Việt Tân có nghĩ là một phân biệt đối xử không ? Từ năm 1975 đến nay đã có một viên chức hay cựu quân nhân nào của Việt Nam Cộng Hòa, hay con em họ, lên được tới cấp xã trưởng, phường trưởng (chưa nói tới cấp quận, huyện) chưa? Nếu có thì yêu cầu đảng Việt Tân nêu vài thí dụ.

Chính sách lý lịch vẫn còn tiếp tục, dù là khi xin việc làm, xin hộ khẩu hay khi kiện cáo. Lý lịch phải khai ba đời và cũng phải khai cả các quan hệ bạn bè. Điều này ông Đỗ Hoàng Điềm và đảng Việt Tân không thể không biết.

Một câu hỏi khác: miền Nam không thiếu những gia đình có cha anh bỏ mình trong quân ngũ Việt Nam Cộng Hòa. Trên bàn thờ của họ, gia đình họ có được phép trương lá cờ dưới đó họ đã bỏ mình không ?

Vả lại, một người có chút tư tưởng chính trị phải hiểu rằng phân biệt đối xử nằm ngay trong triết lý Mác-Lênin. Đấu tranh giai cấp là gì nếu không phải là phân biệt đối xử ? Đảng Cộng Sản Việt Nam còn thực hiện một loại phân biệt đối xử kỳ lạ khác : phân biệt đối xử với những nạn nhân của những sai lầm do chính họ gây ra. Đặt sự ổn vững quyền lực của đảng lên trên hết, họ cho rằng những người đã bị oan ức tất nhiên phải thù ghét đảng và do đó phải bị loại khỏi những địa vị có khả năng gây thiệt hại cho đảng. Những điều này một người hoạt động chính trị không thể không biết.

Lời tuyên bố của ông Đỗ Hoàng Điềm là một xúc phạm lớn đối với các nạn nhân và là một thách đố đối với lập trường hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mọi người đều biết là đảng cộng sản chỉ kêu gọi hòa hợp dân tộc thôi chứ không chấp nhận hòa giải dân tộc. Tại sao ? Tại vì một chính sách hòa giải dân tộc bắt buộc phải sòng phẳng đối với quá khứ, phải trả công lý, phục hồi danh dự và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới ; phải thành khẩn nhìn nhận những sai lầm đã có của mình và xin lỗi. Đảng cộng sản không thể chấp nhận hòa giải dân tộc bởi vì trong quan điểm này một sự đỗ vỡ, thí dụ như đổ vỡ do phân biệt đối xử, chỉ thực sự được giải quyết khi những chính sách gây ra đổ vỡ đã chấm dứt và hậu quả của nó cũng đã được khắc phục. Đảng cộng sản tự coi là hoàn toàn không có lỗi gì với những người thuộc chế độ cũ. Ngày 30-4-1975 vẫn là ngày đại thắng vinh quang, cuộc tàn sát Tết Mậu Thân không có. Chưa bao giờ đảng cộng sản nhìn nhận chính sách tập trung cải tạo các quân nhân và viên chức miền Nam là sai lầm. Điều mà đảng cộng sản kêu gọi là hòa hợp dân tộc, nghĩa là phục tùng đảng và chấp nhận sự lãnh đạo vô thời hạn và không phân chia của đảng, để đổi lấy ơn huệ được phục vụ đảng.

Ông Đỗ Hoàng Điềm cũng có cùng một lập trường với đảng cộng sản khi nói rằng tình trạng phân biệt đối xử đối với những người thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã "tan biến". Tan biến (fade away) có nghĩa là chính sách phân biệt đối xử đã chấm dứt, những hậu quả của nó cũng không còn nhìn thấy nữa, do đó không có nhu cầu hòa giải dân tộc. Nhưng sự thật thì chính sách phân biệt đối xử vẫn tiếp tục và chưa một hậu quả nào của nó đã được khắc phục hay sửa chữa.

Không thể nói là ông Đỗ Hoàng Điềm đã sai lầm. Tham dự một buổi họp quan trọng như thế chắc chắn là đảng Việt Tân đã chuẩn bị kỹ cho ông, cũng như trước đó họ đã rất tốn kém vận động để được mời tham dự. Vả lại những gì ông Đỗ Hoàng Điềm nói ra, và cố gắng biện luận, quá trái ngược với sự thật hiển nhiên để có thể coi là một sai lầm.

* * *

Lần phát biểu thứ hai của ông Điềm cũng nghiêm trọng không kém, dù có thể nhiều người không lưu ý vì không trực tiếp đụng chạm đến một thành phần xã hội nào. Ông nói rằng xã hội dân sự Việt Nam đang phát triển mạnh, đang dâm chồi nẩy lộc, và càng ngày càng có nhiều tổ chức quần chúng không nằm trong vòng kiểm soát của chính quyền. Ông kết luận rằng nước Mỹ nên yểm trợ cho tiến trình này, nhưng ông không hề nói là chính quyền cộng sản Việt Nam ngăn cản những kết hợp của người dân. Tóm lại, theo ông Điềm, những gì đang xảy ra tại Việt Nam rất tốt, chỉ cần đẩy mạnh thêm. Không cần phải có áp lực.

Trên điểm này, phải nói thẳng là ông Đỗ Hoàng Điềm đã bịa đặt trắng trợn để làm đẹp hiện trạng tại Việt Nam. Ông Đỗ Hoàng Điềm và đảng Việt Tân thử nêu tên những tổ chức quần chúng nào không thuộc quyền kiểm soát của đảng cộng sản ? Căn cứ vào đâu ông Điềm nói rằng càng ngày càng có nhiều tổ chức không thuộc quyền kiểm soát của chính quyền ?

Phát triển xã hội dân sự đã luôn luôn là mục tiêu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập, ngay cả cụm từ "xã hội dân sự" cũng là một cống hiến của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho ngữ vựng Việt Nam, vì vậy chúng tôi theo dõi rất sát những biến chuyển trong xã hội dân sự. Ông Nguyễn Gia Kiểng đã từng phát biểu nhiều lần qua các bài báo, cũng như bài nói, bài phỏng vấn rằng trong vòng hơn 30 năm qua đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là xã hội dân sự Việt Nam cố vùng vẫy để cố tự cởi trói, và một bên là đảng cộng sản cố hết sức để duy trì chế độ kềm kẹp. Dưới sức mạnh của thực tại Việt Nam cũng như thế giới, cán cân lực lượng ngày càng có lợi hơn cho xã hội dân sự, tuy nhiên cho tới nay chưa có một tổ chức nào của xã hội dân sự Việt Nam được hoạt động công khai mà không chịu sự kiểm soát của chính quyền. Xã hội Việt Nam đang vùng vẫy để tự cởi trói và rất cần sự yểm trợ của dư luận thế giới và của các chính quyền dân chủ. Xã hội dân sự Việt Nam rất cần những đạo luật như dự luật nhân quyền HR3096.

Đối với những người dân chủ chân chính bịa đặt ra những điều mà chính quyền cộng sản không làm để lên án họ là điều không xứng đáng và cũng không cần thiết, nhưng dựng đứng ra những chuyện không hề có để bào chữa cho họ là điều rất khác. Ông Đỗ Hoàng Điềm đã nói dối về xã hội dân sự, cũng như ông nói dối về tình trạng phân biệt đối xử đối với những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ, để đánh lừa các thượng nghị sĩ Mỹ, để họ đừng ủng hộ dự luật nhân quyền HR3096. Với mục đích gì ?

* * *

Một sự kiện cần được nêu ra: một tuần sau ông Điềm đã gởi thư cho thượng nghị sĩ Jim Webb nhìn nhận rằng những điều ông nói về tình trạng phân biệt đối xử đối với những người thuộc chế độ cũ là không chính xác, sau đó ông cũng gởi một thư ngỏ cáo lỗi với dư luận; ông xin lỗi nếu những phát biểu của ông có gây ra ngộ nhận và phiền lòng cho một số người. Cả hai lá thư này đều không chấp nhận được. Ông Điềm đã nói trong một ủy ban gồm 10 thượng nghị sĩ và thứ trưởng ngoại giao Christopher Hill. Những điều ông nói đã được ghi vào biên bản và hồ sơ dự luật HR 3096. Ông phải gởi thư đính chính cho tất cả các vị này, đặc biệt là bà Barbara Boxer, chứ không phải cho một mình ông Webb. Và thư của ông cũng phải nhìn nhận một cách rõ ràng minh bạch là ông đã nói rất sai sự thật chứ không phải đính chính một cách mập mờ như trong thư ông đã gởi thượng nghị sĩ Webb. Còn thứ cáo lỗi của ông đối với dư luận thì đúng là một cách nói của lưỡi gỗ. Ông nói rằng nếu những phát biểu của ông có gây ngộ nhận và phiền lòng thì ông xin lỗi. Tại sao lại nếu ? và ngộ nhận cái gì ? Hơn nữa ông cũng không "đính chính" những gì ông đã nói về xã hội dân sự.

Lý do khiến ông Đỗ Hoàng Điềm viết những "thư đính chính" này có lẽ chỉ giản dị là ông thấy sự bực bội của thượng nghị sĩ Jim Webb và không muốn mất lòng ông này. Và khi đã viết thư cho ông Webb thì cũng phải viết thư cho cộng đồng vì thượng nghị sĩ Webb có nhiều liên hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ. Nếu ông Đỗ Hoàng Điềm muốn thực sự đính chính và cứu dự luật HR 3096 thì ông phải thay thế bản điều trần và gởi thư đính chính đến tất cả ủy ban và phải đính chính một cách thẳng thắn và triệt để về cả hai vấn đề phân biệt đối xử và xã hội dân sự.

* * *

Câu hỏi quan trọng hơn là tại sao ông Đỗ Hoàng Điềm, và đảng Việt Tân, lại nói những điều hoàn toàn trái ngược với sự thật với hậu quả là giết chết dự luật nhân quyền HR 3096 ?

Quan sát đảng Việt Tân, một người có chút khả năng nhận định phải thấy rằng đảng này không có tư tưởng chính trị và cũng không có đạo lý. Họ chỉ có thủ đoạn. Họ luôn luôn đặt ra các mục tiêu sai, nghĩa là những mục tiêu vừa không thực hiện được vừa chẳng có lợi ích gì mà còn có hại nếu được thực hiện, và sau đó dùng mọi phương tiện để đạt mục tiêu.

Trước đây mục tiêu của Việt Tân là giành độc quyền chống cộng trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Để đạt mục tiêu này họ không ngần ngại bịa đặt ra những chiến khu giả để quyên tiền và gây thanh thế cho mình, làm tan vỡ lòng tin của người Việt hải ngoại. Họ đã vu cáo, xuyên tạc, bôi bẩn những người tranh đấu đứng đắn. Họ cũng đã không ngần ngại bạo hành, kể cả phạm tội ác. Ngày nay mục tiêu của họ là được đảng cộng sản rút tên khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Để đạt mục tiêu này, họ sẵn sàng lập công với chính quyền cộng sản bằng cách đóng góp thủ tiêu dự luật HR 3096. Đảng Việt Tân sẽ không đạt mục tiêu bởi vì chính quyền cộng sản có một lý do khác để xếp họ vào danh sách các tổ chức khủng bố chứ không phải vì họ chống đối lại chính quyền cộng sản một cách quyết liệt. Nhưng đây là một vấn đề ngoài khuôn khổ của bài này. Mặc dầu vậy, đảng Việt Tân cũng đã góp phần quyết định bóp chết dự luật HR 3096. Đây là một tai hại tất lớn cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Công bình mà nói dự luật HR 3096 không có nhiều hy vọng. Những tổ chức đã vận động cho nó đã biết trước điều này. Trong nhiệm kỳ trước của quốc hội Mỹ, một dự luật tương tự đã bị thượng viện Mỹ thủ tiêu một cách êm thấm bằng cách không đem ra thảo luận và biểu quyết. Khóa họp này của thượng viện Mỹ đã bắt đầu từ đầu năm nay và dự luật vẫn chưa được thảo luận. Buổi tham khảo này là cơ hội cuối cùng để cứu dự luật nếu, qua các phát biểu, các thượng nghị sĩ ý thức rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam cần được đặc biệt yểm trợ. Cơ hội này đã lỡ như chính bà Barbara Boxer đã nói một cách chua chát trong lời kết luận. Tuy hy vọng thông qua của dự luật HR 3096 không nhiều nhưng không phải vì thế mà giáng cho nó một đòn ân huệ. Những lời nói của ông Đỗ Hoàng Điềm đã có tác dụng của một đòn ân huệ. Dự luật HR 3096 đã chết !

Câu hỏi sau cùng xin được đặt cho những người lương thiện và có thiện chí còn ở trong đảng Việt Tân: các bạn nghĩ gì về những phát biểu của ông chủ tịch đảng Việt Tân ? Không quan trọng ?

Nguyễn Văn Huy

===============

Phụ chú:

Trích biên bản hai đoạn đối đáp giữa thượng nghị sĩ Jim Webb và ông Đỗ Hoàng Điềm ngày 12-3-2008

1. Về tình trạng phân biệt đối xử với những người thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa

Thượng nghị sĩ Webb: [...] Ông Điềm, liệu ông có khả năng khảo sát tình hình Việt Nam trong đó những người đã hợp tác với chế độ cũ và gia đình họ đặc biệt bị phân biệt đối xử hay không ?

Ông Đỗ Hoàng Điềm: Ông nói chế độ cũ, nghĩa là chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước đây ?

Webb: Đúng thế.

Đỗ Hoàng Điềm: Sau chiến tranh, trong một thời gian dài, tình hình đã như thế. Điển hình là bà giám sát viên Janet Nguyen cũng đã nói trong bản điều trần của bà là gia đình bà đã rất đau khổ như thế. Tệ phân biệt đối xử đã diễn ra trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, theo sự hiểu biết của tôi thì từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, tình trạng phân biệt đối xử có vẻ đã tan biến đi rồi, thưa ông. Bởi vậy, lúc này, vào thời điểm này không có sự cố đặc biệt nào mà tôi biết được.

Tình trạng phân biệt đối xử còn tiếp tục trong lúc này không ? Tôi không thể nói chắc chắn 100%, tôi chỉ biết rằng nó đã xảy ra trong quá khứ và tôi đã gặp nhiều người bị tổn thương lớn, nhưng như tôi đã nói, từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90...

Webb (cắt lời) : Cá nhân tôi biết rõ là nó vẫn kéo dài sau thập niên 90. [...]

Tiếng Anh trong biên bản:

WEBB : [...] Mr. Diem, have you been able to examine situations inside Vietnam where the people who are family members and close associates with the former government are still suffering a special type of discrimination?
DIEM : When you say former government, are you referring to the former Republic of South Vietnam ?
WEBB : Right.
DIEM : For a long while, after the end of the war, that was and had been the situation. Actually, Supervisor Janet Nguyen - in her testimony, she did refer to the fact that her family suffered greatly, and that lasted a long time.
However, my understanding is that by the late ’80s into the ’90s, the situation seems to have faded away, if you will. So, right now, at this point, there’s no particular incident that I am aware of.
Now is that still going on ? I have to say that I’m not 100 percent certain, but I do know that it did go on, and I have talked to people who have suffered that greatly, but, like I said, until the late ’80s, early ’90s, that...
WEBB: Well, I’m personally aware that it went on well into the ’90s [...]


2. Về những gì Hoa Kỳ có thể làm cho Việt Nam

Thượng nghị sĩ Webb : Vấn đề là chúng ta phải làm như thế nào để mở cửa xã hội Việt Nam mà không gây xáo trộn trong vùng. [...] Vậy chúng ta phải làm gì theo ý ông ?

Ông Đỗ Hoàng Hoàng Điềm : Trong bản điều trần của tôi, tôi đã đưa ra một số đề nghị. Theo quan điểm của tôi, trong tình trạng hiện nay ở Việt Nam, con đường đúng nhất để tiếp tay cho cuộc chuyển đổi về một xã hội dân chủ và cởi mở là thực sự giúp dân tộc Việt Nam gia tăng sức mạnh bằng cách xây dựng một xã hội dân sự tại Việt Nam.

Một xã hội dân sự đang lớn lên. Vào lúc này nó đang nẩy chồi đâm nụ. Trong những năm vừa qua càng ngày càng bộc phát nhiều tổ chức quần chúng không thuộc quyền kiểm soát của chính quyền. Đó là cơ bản, tôi nghĩ điều Hoa Kỳ có thể làm rất nhiều để thúc đẩy tiến trình này. [...]

Tiếng Anh trong biên bản:

WEBB : [...] So then the question becomes how do we proceed in a way that will open up the society and at the same time, you know, not destabilize the region ? So the question, again, is what do you think we should do ?

DIEM : Well, in my testimony, I did offer a number of specific recommendations, but let me say this. In my viewpoint, given the current situation in Vietnam right now, the most appropriate way to assist transition over to a more democratic and open society is to really help the Vietnamese people to empower them through building a civil society in Vietnam.

A civil society in Vietnam is growing. It’s a budding civil society in Vietnam right now. More and more in recent years, we have autonomous grassroots organizations that do not fall under control of the government beginning to spring up. That is the base, and I think the U.S. can do a lot to assist that process. [...]

0 nhận xét:

Post a Comment