Thursday, January 23, 2014

Bài Phát Biểu của Nguyễn Kim (Hườn) Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại MTQGTNGPVN, 28/7/2001, tại San Jose




Admin: Ngày 20/7/2001, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam mới chính thức ra Thông Cáo Báo Chí xác nhận các chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Lê Hồng, Trần Thiện Khải và Võ Hoàng đã “anh dũng hy sinh trên bước đường tranh đấu giải phóng Tổ Quốc” vào ngày 28 tháng 8 năm 1987 tại Nam Lào, sau 14 năm cố tình không chấp nhận sự thật đó.

Sau bản Thông Cáo Báo Chí ấy một tuần, ngày 28/7/2001, tại San Jose, Bắc California, Mặt Trận đã tổ chức một cuộc Họp Báo tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Trong buổi này, ông Nguyễn Kim đã đọc một bài phát biểu nêu lên những lý do tại sao Mặt Trận đã giữ kín tin tức hy sinh của ông Hoàng Cơ Minh cho đến nay.

Toàn văn như sau:


Kính thưa Quý Vị đại diện giới truyền thông,

Kính thưa Quý Vị thân hữu,
Kính thưa quý chiến hữu,
Kính thưa toàn thể Quý Vị,

Ngày 20 tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã thay mặt toàn thể Ban Chấp Hành và Ðoàn Viên thuộc Tổng Vụ Hải Ngoại, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam gửi đến Quý Vị bản thông báo về sự anh dũng hy sinh trên bước đường tranh đấu giải phóng Tổ Quốc của bốn chiến hữu lãnh đạo Mặt Trận là Chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Chiến hữu Lê Hồng, Chiến hữu Trần Thiện Khải và Chiến hữu Võ Hoàng. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư phân ưu và chia buồn của đồng bào, đại diện các tổ chức và các cơ quan truyền thông trước sự mất mát to lớn này. Chúng tôi xin thay mặt gia đình các chiến hữu hy sinh và toàn thể đoàn viên Mặt Trận tri ân những lời phân ưu của toàn thể Quý Vị.

Vào cuối năm 1983, nhân buổi lễ chấm dứt giai đoạn đấu tranh Ðông Tiến tại khu chiến, chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã nhắn nhủ toàn thể cán bộ và đoàn viên Mặt Trận rằng: "Ðường chúng ta đi có hai cái đích. Cả hai cái đích đều vô cùng vinh quang và ý nghĩa. Một là giải phóng Tổ Quốc Việt Nam. Hai là được anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Tổ Quốc Việt Nam ". Nhắc lại lời nói này, chúng tôi muốn xin thưa đến Quý Vị là toàn thể cán bộ và đoàn viên Mặt Trận đều tâm nguyện rằng, chúng tôi tham gia vào Mặt Trận là để phục vụ đại cuộc đấu tranh và nếu phải hy sinh, thì sự hy sinh này cũng chỉ là để góp phần tô thắm con đường kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Kính thưa Quý Vị,

Trong 21 năm qua kể từ ngày thành lập, Mặt Trận đã trải qua nhiều đoạn đường đấu tranh vô cùng cam go; trong đó sự hy sinh mất mát của một số chiến hữu lãnh đạo và một số đoàn viên ưu tú của Mặt Trận trong giai đoạn khởi đầu công cuộc kháng chiến vào thập niên 80, đã làm suy giảm tiềm lực của Mặt Trận mà chúng tôi đã cần nhiều thời gian để gầy dựng lại.

Chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam đã hy sinh vào ngày 28 tháng 8 năm 1987 tại Nam Lào. Trong vụ đụng độ tại Nam Lào vào năm 1987, ngoài chiến hữu Hoàng Cơ Minh, Mặt Trận còn mất một số chiến hữu lãnh đạo khác như chiến hữu Trần Thiện Khải, Chiến hữu Võ Hoàng và một số Kháng Chiến Quân.

Riêng về chiến hữu Lê Hồng, Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến đã qua đời vào ngày 1 tháng 5 năm 1985, sau một cơn bạo bệnh tại khu chiến.

Kính thưa Quý Vị,

Trong số những chiến hữu lãnh đạo của Mặt Trận đã hy sinh, vụ đụng độ tại Nam Lào dẫn đến sự hy sinh của chiến hữu Chủ tịch Mặt Trận vào năm 1987 đã đặt Mặt Trận ở vào hoàn cảnh không thể công bố ngay mà phải giữ kín cho đến nay. Chúng tôi xin chia sẻ đến Quý Vị một vài lý do như sau:

Thứ nhất là từ năm 1985, Mặt Trận đã tiến hành kế hoạch nhằm mở rộng các an toàn khu tại quốc nội, phát triển hệ thống Ủy Ban Kháng Quản và tìm cách đưa một số chiến hữu lãnh đạo vào sâu trong nội địa Việt Nam. Nhiều chuyến xâm nhập đã được Mặt Trận tiến hành từ năm 1983 và đến giữa tháng 7 năm 1987, chiến hữu Hoàng Cơ Minh quyết định dẫn một đoàn Kháng Chiến Quân băng qua lãnh thổ Lào trở về Việt Nam để hoàn chỉnh cơ cấu chỉ đạo và vận hành các cơ sở đã phát triển được. Trong thời gian đầu của chuyến đi, đoàn quân đã không gặp nhiều khó khăn dù có xảy ra một vài trận giao tranh với lực lượng Lào cộng và Việt cộng trú đóng trên đất Lào. Nhưng bắt đầu từ tuần lễ đầu tháng 8, khi đoàn quân tiến gần đến biên giới Lào Việt, nằm về phía Ðông của tỉnh Attopeu thì bắt đầu đụng độ khá nặng với lực lượng biên phòng của Việt cộng. Trong những trận đụng độ này, một số Kháng Chiến Quân bị bắt; do sự cung khai của một vài Kháng Chiến Quân, Việt cộng biết được sự hiện diện của chiến hữu Hoàng Cơ Minh trong đoàn quân, nên Việt cộng đã tăng cường viện binh để bủa vây với âm mưu là bắt sống chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt, nhiều Kháng Chiến Quân bị hy sinh và chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã bị thương. Ðến ngày 27 tháng 8, đoàn quân có chiến hữu Chủ Tịch bị vây trên một ngọn đồi.

Tất cả các Kháng Chiến Quân đã chiến đấu anh dũng nhưng đến rạng sáng ngày 28 tháng 8 thì phòng tuyến bị vỡ, thêm nhiều Kháng Chiến Quân bị hy sinh và bị bắt, nhưng cũng có những Kháng Chiến Quân thoát được về các an toàn khu của Mặt Trận trong nội địa. Nhưng những Kháng Chiến Quân chạy thoát này đã không báo cáo thống nhất về tính mệnh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Trước những dữ kiện không rõ này, Trung Ương Mặt Trận đã ra lệnh cho các cơ sở tại quốc nội nỗ lực tìm kiếm tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và các chiến hữu lãnh đạo khác đi trong đoàn này. Tuy nhiên từ sau vụ đụng độ tại Nam Lào, Việt cộng tăng cường kiểm soát gay gắt nên sự di chuyển tìm kiếm tại khu vực giao tranh vô cùng khó khăn, đặc biệt là những dữ kiện thu thập trong thời gian này rất mù mờ, không đủ bằng chứng xác thực là chiến hữu Hoàng Cơ Minh còn sống hay đã hy sinh.

Hai tuần sau khi trận đụng độ xảy ra, đài phát thanh Lào Cộng loan một bản tin ngắn về vụ Nam Lào nhưng không nói chi tiết. Mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1987, Việt cộng mới thổi phồng vụ Nam Lào bằng việc đưa một số Kháng Chiến Quân của Mặt Trận ra tòa và nói đó là những người bị bắt trong vụ Nam Lào. Việt cộng đã mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ vụ Nam Lào như một chiến thắng to lớn là đã tiêu diệt toàn bộ lãnh đạo Mặt Trận, trong đó có chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Ðòn tuyên truyền này của Việt cộng nhằm gây hoang mang trong đồng bào và tiêu diệt tinh thần đấu tranh của các Kháng Chiến Quân trong nước và đoàn viên Mặt Trận ở hải ngoại. Ðiều cần nói thêm là trong thời gian này, Mặt Trận vẫn tiếp tục kế hoạch bành trướng hoạt động tại Việt Nam, với những đoàn Kháng Chiến Quân xâm nhập nội địa, với những nỗ lực mở rộng các an toàn khu và các hệ thống Ủy Ban Kháng Quản. Vì thế, đứng trước nguồn tin của Việt Cộng, Mặt Trận phải chọn một trong ba quyết định : một là im lặng; hai là thừa nhận; và ba là phủ nhận.

Sự im lặng không bình luận của Mặt Trận trước nguồn tin quan trọng về người lãnh đạo cao nhất chỉ kéo dài tình trạng hoang mang và không đủ để hàng ngũ đoàn viên của Mặt Trận an tâm, tập trung vào những công tác đấu tranh lúc bấy giờ, cho dù đã được chuẩn bị tinh thần chấp nhận mọi hy sinh. Sự hoang mang sẽ gây ra những bất lợi và những tổn thất mới trong hàng ngũ đấu tranh, nhất là tại quốc nội.

Mặt Trận cũng không thể thừa nhận nguồn tin của Việt Cộng khi vào thời điểm đó vẫn chưa có đủ bằng chứng để khẳng định là chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã hy sinh.

Do đó, Trung Ương Mặt Trận nhận thấy ưu tiên trước mắt là bảo vệ cơ sở và tiếp tục đấu tranh, nên đã ra lệnh cho Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận lên tiếng phủ nhận nguồn tin của Việt Cộng, trong khi đó, ở quốc nội vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh.

Thứ hai là vụ đụng độ tại Nam Lào đã gây cho Mặt Trận một số thiệt hại đáng kể mà quan trọng nhất là một số chiến hữu lãnh đạo đã hy sinh, khiến kế hoạch hoàn chỉnh cơ cấu chỉ đạo và kiện toàn các cơ sở bị ngưng trệ. Chính vì vậy mà ưu tiên của Mặt Trận vào lúc đó là phải dồn nhiều thời giờ cho việc bảo vệ cơ sở và gầy dựng lại bộ phận lãnh đạo để tiếp tục đấu tranh đường dài. Do đó mà dù sau một thời gian kiểm chứng, Mặt Trận đã xác định được chiến hữu Hoàng Cơ Minh đã tự sát trên chiến trường vào rạng sáng ngày 28 tháng 8 năm 1987; nhưng Trung ương Mặt Trận vẫn tiếp tục quyết định giữ kín tin tức về sự hy sinh này để dồn nỗ lực kiện toàn và phát triển.

Thứ ba là việc giữ kín tin tức hy sinh này cũng là để đánh lạc hướng bạo quyền Việt Cộng. Chính vì Mặt Trận khẳng định là chiến hữu Hoàng Cơ Minh vẫn bình an tiếp tục lãnh đạo công cuộc đấu tranh nên đã khiến cho Việt Cộng đâm ra nghi ngờ về kết quả của trận đánh Nam Lào. Trong nhiều năm liên tiếp sau năm 1987, Việt Cộng vẫn tiếp tục tra hỏi các đoàn viên Mặt Trận và KCQ bị bắt về tung tích của chiến hữu Hoàng Cơ Minh, thăm dò chính quyền Thái về chiến hữu Hoàng Cơ Minh. Ngày hôm nay, sau nhiều năm nỗ lực củng cố và phát triển, Mặt Trận thấy việc công bố những tổn thất của Mặt Trận, nhất là sự hy sinh của một số chiến hữu lãnh đạo, không còn là yếu tố gây khó khăn cho Mặt Trận trong việc bảo vệ nội lực của tổ chức để tiến hành công cuộc đấu tranh nữa.

Bên cạnh ba lý do vừa đề cập, việc công bố cũng còn bị ràng buộc bởi yếu tố gia đình của một số chiến hữu lãnh đạo vẫn muốn hình ảnh các người thân của mình luôn luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh hoặc không muốn tiết lộ sự hy sinh trong lúc cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp tục hoặc liên lụy đến các thân nhân còn đang sống tại Việt Nam.

Nói tóm lại, thưa Quý Vị, vì không thể kiểm chứng một cách mau chóng những dữ kiện liên quan đến sự hy sinh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và vì muốn kiện toàn được cơ cấu lãnh đạo và cơ sở cả trong lẫn ngoài nước để có thể đối phó với một kẻ thù hung hiểm như bạo quyền Việt Cộng, nên Mặt Trận đã không thể công khai hóa sự hy sinh của chiến hữu Hoàng Cơ Minh và một số chiến hữu lãnh đạo khác sớm hơn.

Tuy với những lý do liên hệ đến sự mất còn của tổ chức trong hoàn cảnh nghiệt ngã vừa qua, Mặt Trận tự thấy có trách nhiệm trong việc này và xin tạ lỗi với quý thân hữu, đồng bào, đồng thời kêu gọi sự cảm thông của Quý Vị, về những khó khăn của Mặt Trận trong thời gian qua.

Kính thưa Quý Vị,

Những chiến hữu lãnh đạo và những Kháng Chiến Quân của chúng tôi đã nằm xuống nhưng hoài bão và ý chí của họ vẫn đã và đang được tiếp nối bởi các đoàn viên Mặt Trận. Hơn 14 năm qua, Mặt Trận đã tiếp tục cùng với các đoàn thể, cộng đồng không ngừng tấn công bạo quyền Việt Cộng trên mọi diễn đàn, trên nhiều bình diện khác nhau theo phương châm "Toàn Dân Kháng Chiến, Toàn Diện Ðấu Tranh" mà thế hệ tiên phong đã vạch ra. Các chiến hữu tiên phong đã thực sự vẫn sống trong lòng chúng tôi, trong lòng những người yêu nước mong muốn chấm dứt ách cai trị độc tài của bạo quyền Việt Cộng để dân tộc Việt Nam có được thực sự tự do, dân chủ và nhân quyền. Anh linh của họ vẫn đang ngày đêm dìu dắt chúng tôi trên con đường đấu tranh cho đến ngày Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.

Các Kháng Chiến Quân của Mặt Trận đã tình nguyện dâng hiến đời mình cho Tổ Quốc, với tấm lòng rực lửa đấu tranh qua bốn câu thơ của Kháng chiến quân Võ Hoàng đã làm trong khu chiến cách nay 18 năm:

Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
Ngắm núi rừng mà thẹn với non sông
Suối xa vang vọng bài Ðông Tiến
Vạt nắng vươn vươn
Lửa rực lòng

Các đoàn viên Mặt Trận sẽ mãi mãi không quên lời thề son sắt này để chẳng những không hổ thẹn với non sông mà còn để làm sáng danh những hy sinh cao cả của các chiến hữu tiên phong của mình. Trong các lời phân ưu mà chúng tôi nhận được, đa số quý vị thân hữu và đồng bào đã bày tỏ việc xiển dương các Kháng Chiến Quân của Mặt Trận đã hy sinh là những người con yêu của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi rất cảm động và xin chân thành cảm tạ những ân tình này của Quý Vị đã dành cho Mặt Trận và cho gia đình của các chiến hữu đã nằm xuống vì sự nghiệp giải phóng Việt Nam.

Nhân đây xin kính mời toàn thể Quý Vị và đồng bào cùng đến tham dự buổi lễ truy điệu sẽ được tổ chức tại San Jose, Hoa Thịnh Ðốn, Tokyo, Sydney, Paris và một số nơi vào ngày 26 tháng 8 năm 2001 sắp đến.

Xin kính chào Quý Vị.

Nguyễn Kim

=====================

Bài liên quan: Một Vết Nhơ Trong Lịch Sử Đấu Tranh - mylinhng@aol.com- Jul 30, 2001



-

0 nhận xét:

Post a Comment