Friday, July 6, 2012

Tưởng nhớ anh hùng Trần Văn Bá - Nguyễn Thị Hồng - 2012

Tưởng nhớ anh hùng Trần Văn Bá (8.1.1985-8.1.2013) Cựu Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris

Ngày 8 tháng Giêng năm 1985, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội tuyên án tử hình bốn chiến sĩ phục quốc thuộc Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng ViệtNam. Đó là các chiến sĩ Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch, Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá.

Trong bốn người bị án, ông Mai Văn Hạnh thoát chết nhờ vào sự can thiệp mạnh mẽ của các nước Âu châu, đặc biệt là Thụy Điển, vì ông từng là phi công của hãng hàng không xứ này. Ông Hạnh được thả khỏi nhà tù và bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Riêng trường hợp người thanh niên Trần Văn Bá, cái chết của ông là một đại tang đối với Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris và với cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp nơi trên thế giới.

Trần Văn Bá sinh năm 1945 tại Sa Đéc. Ông lớn lên với ruộng đồng miền Nam và đã được un đúc, thừa hưởng tinh thần bất khuất của cha ông.
Năm 1966, thân phụ của ông là Dân biểu Trần Văn Văn bị kẻ thù của dân tộc sát hại. Cái chết của cha khiến Trần Văn Bá đành lòng phải rời bỏ quê hương, xa gia đình, xa bạn bè để sang Pháp sống và theo học tại Paris. Ông tốt nghiệp cao học kinh tế năm 1971 và sau đó làm giảng viên của đại học Nanterre.
Song song với việc học, ông tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên và trở thành Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris trong nhiều nhiệm kỳ, từ năm 1973 đến 1980. Chính Trần Văn Bá đã đem đến cho tổ chức này một sinh khí mới. Để hun đúc lòng yêu quê hương và tạo dịp cho các sinh viên thành tài về phục vụ đất nước, Trần Văn Bá đã tổ chức các chuyến về thăm nhà trong mùa Hè năm 1973.
Trần Văn Bá (dấu X) và chương trình Hè: Nối Vòng Tay Lớn Dalat 1973
Ông là một trong những người tích cực nhất trong việc tổ chức hai chương trình Hè: Nối Vòng Tay Lớn 1973 và Đường Việt Nam 1974. Từ đó, các hội đoàn Việt Nam ở Pháp và ở các nước Âu Châu khác đã liên lạc và gắn bó với nhau trong mọi sinh hoạt để chuẩn bị cho sự ra đời của Đại hội Việt Nam Âu Châu những năm sau này.

Trong suốt hai mùa Hè 1973 và 1974 tại quê nhà, Trần Văn Bá hầu như không bao giờ vắng mặt trong các hoạt động của thanh niên sinh viên. Từ những đêm hát cộng đồng, đi công tác ủy lạo chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại các tiền đồn ở Quảng Trị, ở Bastone, ở Rừng Sát, cho đến cứu trợ nạn nhân chiến tranh, đâu đâu cũng có mặt Trần Văn Bá.
Trần Văn Bá, Paris 1982 - nguồn ảnh: tranvanba.org
Trần Văn Bá thâm trầm nhưng không xa cách. Trần Văn Bá ít nói nhưng khi lên tiếng thì say sưa và nội dung rất sâu sắc. Trần Văn Bá có cái bớt đỏ trên trán bên tay mặt, khiến cho ông khó có thể bị lẫn lộn với những người chung quanh.

Những ngày Hè năm đó, Trần Văn Bá thường mặc chiếc áo lính mà ông xin được của một binh sĩ tại Đặc khu Rừng Sát và đem chiếc áo khi quay trở lại Pháp. Không biết sau này, khi về khu chiến phục quốc, chiếc áo lính bạc mầu đó có được theo chân Trần Văn Bá hay không.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, cộng sản chiếm miền Nam, đất nước bị quy về một mối. Nói theo cách diễn đạt trong thơ của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, đó là dân tộc bị dìm trong một mối căm hờn, một mối oan khiên.

Trong giai đoạn bàng hoàng ngay sau biến cố tan đàn xẻ nghé đó, Trần Văn Bá đã bôn ba khắp nơi để kêu gọi mọi người phải tiếp tục đấu tranh. Ông thường thổ lộ với bạn bè rằng, biết bao người đã nằm xuống, chúng ta không thể ngồi yên được.

Đêm văn nghệ Tết Kỷ Mùi 1979 do Tổng hội Dinh viên Việt Nam tổ chức tại Paris, cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phới và tràn ngập cả hội trường Maubert. Sự hiện diện của cả ngàn khán giả nói lên tinh thần quyết tâm của những người không chấp nhận ngày 30 tháng Tư 1975 là sự kết thúc công cuộc đấu tranh vì hạnh phúc tự do của dân tộc.

Trong đêm văn nghệ Tết năm đó, Trần Văn Bá nói những lời cuối, trước khi ông về khu chiến phục quốc. Đối với Trần Văn Bá, tất cả các hoạt động tại hải ngoại cũng chỉ nhằm chuẩn bị cho một ngày về chiến đấu ngay tại quê nhà.

Trần Văn Bá đã tìm đường về. Trần Văn Bá về chiến khu phục quốc ngày 6 tháng 6 năm 1980, âm thầm, không một lời giã biệt. Ông trở thành một trong các cấp lãnh đạo của Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam. Ông chỉ huy nhiều chuyến xâm nhập người và vũ khí vào Việt Nam, trong khi ở hải ngoại, nhiều người không tin rằng, con người ốm yếu như ông có thể làm được công việc đội đá vá trời đó.

Trong một lá thư viết từ chiến khu quốc nội gởi ra cho một chiến hữu tại Pháp, Trần Văn Bá cho biết rằng, đời sống trong khu chiến cơ cực, nhưng ông không sờn lòng và luôn tin tưởng mãnh liệt quê hương chắc chắn sẽ có ngày bừng sáng.

Đau đớn thay, chí lớn chưa thành thì Trần Văn Bá bị cộng sản bắt năm 1984 tại Cà Mau, sau đó bị kết án tử hình và ông đã vị quốc vong thân ngày 8 tháng Giêng năm 1985.

Tám tháng Giêng 1985, 8 tháng Giêng 2012, đã 27 năm Trần Văn Bá nằm xuống chỉ vì mưu cầu tương lai cho con người và đất nước Việt Nam.

Tưởng nhớ Trần Văn Bá và cầu mong một ngày quê hương có một tương lai tươi sáng để hương linh những người như Trần Văn Bá toại nguyện nơi chín suối.

Anh Trần Văn Bá, là hình ảnh của của Sinh Viên Nguyễn Thái Học vào thập niên 1930, là những người mang máu mình để tưới HOA TỰ DO trên đất Việt.

Danh sách 21 kháng chiến quân bị nạn:

1 - Mai Văn Hạnh
2 - Trần Văn Bá
3 - Lê Quốc Quân
4 - Huỳnh Vĩnh Sanh
5 - Hồ Thái Bạch
6 - Trần Nguyên Hùng
7 - Tô Văn Hườn
8 - Hoàng Đình Mỹ
9 - Thạch Sanh
10 - Nguyễn Văn Trạch
11 - Nguyễn Bình
12 - Nguyễn Văn Hậu
13 - Nhan Văn Lộc
14 - Lý Vinh
15 - Trần Ngọc Ẩn
16 - Cai Văn Hùng
17 - Đặng Bá Lộc
18 - Thái Văn Dư
19 - Nguyễn Phi Long
20 - Nguyễn Văn Cầm
21 - Trần Văn Phương
Chú Thích của Phạm Văn Thành: Trần Văn Phương là kẻ làm phản trong chuyến về Việt Nam của anh Bá dẫn đến cả nhóm bị cộng sản bắt năm 1984 tại Cà Mau




Nguyễn Thị Hồng

28.12.2012

-

Thursday, July 5, 2012

Tưởng Nhớ Trần Văn Bá và 20 Kháng Chiến Quân - Trần Việt Hải

Tưởng Nhớ Trần Văn Bá và 20 Kháng Chiến Quân

Trần Việt Hải, Los Angeles - 2008

từ trái: Trần Việt Hải (Chủ Bút Văn Đàn Đồng Tâm) & Phan Anh Dũng, tháng 7, 2009 - Diamond SeaFood Palace - Quận Cam, California - USA

Trong một cuộc điện đàm Mỹ- Úc, nhà văn Nam Dao từ Adelaide cho tôi biết chị vừa viết xong bài bút ký kỷ niệm về người hùng Trần Văn Bá (TVB), chị và hôn phu là nhạc sĩ Phan Văn Hưng, trước đây vốn đã từng hoạt động chung với TVB trong Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris.
Bài viết mang tựa đề “Người anh hùng muôn thuở của sinh viên Paris”, bài viết gợi nhớ những ngày họ du học bên Pháp, nhưng ý chí đấu tranh cốt giữ vững lập trường quốc gia dân tộc vẫn đầy ắp trong lòng, dù là sau ngày định mệnh 30/04/75 chế độ Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa.

"Đêm đã về khuya. Nước mắt tôi nhạt nhoà hình ảnh cuối cùng của một Trần Văn Bá bị bịt miệng ở tòa. Tôi xin hẹn sẽ có một ngày tìm về nơi mộ phần cô quạnh, đốt nén hương lòng kể cho anh nghe về những cuộc đấu tranh quyết liệt của đồng bào ta không hề ngưng nghỉ. Hãy ngủ yên anh nhé. Đừng bận tâm nuối tiếc cõi trần vì tôi tin rằng tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại ngày hôm nay dư thừa sáng suốt để nhận ra đâu là con đường đấu tranh đúng đắn hữu ích cho dân tộc. Tuổi trẻ hải ngoại sẽ không rơi vào những cái bẫy đấu tranh ỡm ờ theo kiểu xin/cho vì họ thừa biết rằng CS biến thái sẵn sàng bạo động dùng bạo lực để trấn áp tất cả những ai nghĩ khác họ cho dù người đó có đấu tranh ôn hoà bất bạo động. Và tuổi trẻ Việt nam hải ngoại cũng sẽ chả dại gì mất tiền của hy sinh đời mình trở về xây dựng xã hội dân sự nuôi dân nghèo dùm cho chế độ, là một hình thức thực hành nghị quyết 36 mà thôi.
Xin vĩnh biệt anh, người anh hùng muôn thuở của Tổng Hội Sinh Viên Paris"

Hôm tuần rồi một anh bạn nhà báo nhắc tôi viết bài cho ngày giỗ thứ 23 của TVB. Tôi tham khảo nhiều tài liệu và xem lại quyển sách cũ mà tôi đã ghi nhận về người chú của tôi, ông Trần Văn Bá, người tôi quý mến và ái mộ.
Tại ngôi nhà số 12, đường Phan Thanh Giản Saigon ngày nào (trong vùng Ða Kao), khi ông từ Pháp về thăm quê hương, chú cháu hàn huyên trò chuyện, ông khuyên tôi hãy chọn ngành kinh tế khi vào đại học. Tôi đã nghe theo lời khuyên của ông.

Mấy hôm nay tôi giở lại những trang sách cũ, những thân hữu bè bạn của ông đã viết lại những kỷ niệm thật nồng thắm về ông. Theo bài viết "Tưởng Niệm Trần Văn Bá" của Nhóm Thân Hữu Trần Văn Bá, vào cuối tháng 04, năm 2006 cho biết:

"Trở về 20 năm trước: ngày mùng 08 tháng 01 năm 1985, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Saigon đã hành quyết 3 người Quốc Gia chân chính: Hồ thái Bạch, Lê Quốc Quân và Trần văn Bá về tội "gián điệp phản quốc". Trần văn Bá năm đó đúng 40 tuổi. Anh sinh ngày 14 tháng 05 năm 1945 tại Sađéc.

Là người con út trong số 3 người con của Cố Dân Biểu Trần Văn Văn, một khuôn mặt lỗi lạc Miền Nam trong suốt 2 nền Cộng Hòa. Ông Văn đã từng tham gia chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 và đã từng giữ chức tổng trưởng Kinh Tế và Kế Hoạch trong chính phủ độc lập đầu tiên của Việt Nam năm 1949.

Sau khi đất nước bị chia đôi, đã quy tụ được lớp trí thức Miền Nam thuộc mọi khuynh hướng và thành lập nhóm “Tự Do Tiến Bộ”, đã từng bị tù chính kiến, đã là Đại Biểu tại Quốc Hội và đóng góp rất nhiều cho sự lớn mạnh của 2 nền Cộng Hòa. Ngày mùng 07 tháng 12 năm 1966, ông bị ám sát tại Sàigòn, với rất nhiều nguyên nhân khúc mắc. Năm đó Trần Văn Bá mới có 21 tuổi. Anh còn đang học Trung Học. Để tránh mọi bất trắc có thể xảy ra cho người con mới lớn của Ông Trần Văn Văn, Bá đã bị đẩy qua Pháp, "để học xong phần tú tài".

Sẵn mang trong người dòng máu của người Cha luôn luôn khắc khoải về Dân Tộc, về Đất Nước, về một miền Nam hiền hòa, thanh bình, hùng mạnh, Trần Văn Bá đã theo học môn Kinh Tế, nghiêng về Chính Trị Kinh Doanh tại Đại Học Nanterre, nơi phát xuất những tư tưởng cực tả của giới trẻ Pháp, Anh cũng đã từng giữ chức Phụ Tá Giảng Viên tại chính Đại Học này và cũng nhờ vậy, Anh cũng đã tự vạch cho mình những đường lối đi ngược lại chủ thuyết Mác Lê.

Trần Văn Bá đắc cử chức chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia tại Pháp năm 1972. Anh đã hoạt động hăng say và tận tụy để xây dưng một lực lượng Sinh Viên Quốc Gia thật hùng mạnh tại Châu Âu, đã dẫn phái đoàn SV du học trở về thăm quê hươngvào những tháng hè năm 73 – 74 trong chương trình "Nối Vòng Tay Lớn", đã tổ chức cuộc xuống đường rầm rộ để ủng hộ Miền Nam và các chiến sĩ vào tháng 4 năm 75, 3 ngày sau, Sàigòn thất thủ…"

Ký giả Tú Gàn trong bài viết “Vinh danh Trần Văn Bá” đã ghi nhận nhiều chi tiết về TVB, kèm theo đó là những lời tường thuật của họa sĩ Trần Đình Thục, một người bạn rất thân với TVB. Theo bài viết:

"Sau khi Dân Biểu Văn bị ám sát, năm 1967 người con thứ của ông là cậu Trần Văn Bá được chính phủ VNCH cho đi du học tự túc ở Pháp. Anh Trần Đình Thục, một người bạn thân của Trần Văn Bá, đã ghi lại những gì mà anh tìm thấy nơi con người hào hùng và sống vì tổ quốc của Trần Văn Bá trong bài “Nhìn về Paris, nhớ Trần Văn Bá”. Anh Thục đã viết về Trần Văn Bá trong những ngày mới qua Pháp như sau:

“Tôi tình cờ quen Bá vào năm 71 tại Paris, khi mới từ Việt Nam qua. Ngáo như mán về tỉnh, tôi được bạn bè của những bạn bè cũ từ Saigon kéo vào nhóm Sinh Viên Việt Nam tại cư xá Cité Universitaire (Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế) ở đường Jourdan...

Hồi đó, sinh viên Việt Nam tại Paris có khoảng chính thức 200 người. Đa số cư ngụ tại Hôtel Lutèce, được gọi là nhà Lý Toét, dưới sự bảo trợ của tòa Đại Sứ VNCH. Số ít còn lại, thuộc thành phần ra đi "tự túc"... kéo về sống tại Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế, trong nhà Lào-Việt ở đường Jourdan, cách nhà Lý Toét khoảng 10 trạm xe buýt.

Tôi được biết sau đó là Bá đã qua Pháp trước tôi 3 năm, khoảng năm 67, ngay sau khi ông cụ thân sinh ra Bá, Dân biểu Trần Văn Văn, bị hạ sát... Hồi đó anh chưa học hết Trung học. "Họ" đã tiễn anh đi Pháp bằng một chiếu kháng xuất ngoại "Xuất bất hồi", có thể vì muốn giúp anh tiếp tục học cho xong Tú Tài, có thể để ngăn chận anh toan tính làm những chuyện bốc đồng sau cái chết tức tưởi của ông cụ thân sinh...

Với cái dáng dấp bên ngoài của Bá, tôi không nhìn thấy được cái oai phong lẫm liệt cố hữu của những nhà lãnh đạo, thân xác anh hom hem gầy yếu. Thấy anh vào đám đông, anh sẽ mất hút như bất cứ một khuôn mặt nào. Anh xuềnh xoàng trong cách ăn mặc, không xoe xua, không diêm dúa. Anh chỉ có vài bộ quần áo: mặc tới rách thì vứt bỏ. Anh xấu trai. Ngay cả trong lúc ăn, nhìn anh cũng thấy dáng anh cực...”

Sau khi đậu Tú Tài, Trần Văn Bá đã theo học môn Chính Trị Kinh Doanh (Science Politique) tại trường Đại Học Nanterre. Anh Thục kể lại:

"Hồi mới quen Bá tôi đang học thêm Kiến trúc tại Cao đẳng Kỹ thuật Paris, họa thất giáo sư Zaravoni. Bá đang học Chính Tri Kinh Doanh tại Đại học Nanterre. Tại thủ đô Paris, có 2 trường Chính Tri Kinh Doanh nổi tiếng, trường Assas theo khuynh hướng thiên Hữu, và trường Nanterre theo khuynh hướng thiên Tả... Không hiểu vì lý do gì Bá đã ghi danh học tại Đại học Nanterre, với những giáo sư có khuynh hướng thân Cộng rất rõ rệt... Hình như anh muốn xâm nhập thẳng vào lòng địch để hiểu rõ hơn những ưu điểm và khuyết điểm của họ. Và anh đã gặp những bước đầu chật vật khi một giáo sư biết anh là sinh viên của miền Nam Việt Nam, của chế độ mà họ thẳng thắn gọi là bù nhìn Mỹ (Fantoche!). Tuy nhiên, anh đã học xong và một thời làm phụ tá giảng viên tại đại học có tiếng là sát Hữu này".

Theo họa sĩ Trần Đình Thục thì TVB với tinh tình thẳng thắn và khí phách:

“Trần Văn Bá, tự "Bá đầu đỏ", ra ứng cử Ban Chấp Hành với cái ngổ ngáo và khí phách của một người "bên lề", của một kẻ đang mang dấu mộc "Xuất bất hồi". Chung quanh Bá, gồm toàn những bộ mặt "tự túc", một đoàn quân cái bang của nội trú Yersin: Tùng Mập, Đĩ Rỗ, Nguyễn Hồng Liệt, Tạ Bửu Long, Tân Ù, Lộc Mập, Nghĩa Điên, v.v... Bên trong cái hom hem yếu đuối, Bá bỗng để lộ một sức lôi cuốn bạn bè qua sự hòa nhã nhưng thẳng thắn của anh, qua sự chăm sóc hết tình với bạn bè, đôi khi hơi vụng nhưng rất chân thành... “

Khi miền Nam Việt Nam thất thủ là những ngày đen tối. Cuối tháng 4 năm 1975, khi được biết toàn bộ các tỉnh miền Trung đã bị bỏ lại cho Cộng Sản và hàng trăm ngàn chiến sĩ đã bị rơi vào tay địch một cách tức tưởi, ngày 27 tháng Tư, năm 1975, TVB đã tổ chức “Ngày để tang cho chiến sĩ” trên đường phố Paris.
Anh Trần Đình Thục cho biết tiếp:

“Gần 300 sinh viên thuộc cư xá Lutèce, nhà Lào Việt thuộc Cư Xá Quốc Tế Inter, cư xá nữ sinh viên của Viện Pháp Việt Port Royal, Hội Ái Hữu Sinh Viên Orsay..., đã đi tuần hành trong trầm lặng, đầu chít khăn tang, qua các đường phố của khu Latin, và đứng lại trước tòa Đại Sứ Mỹ tại công trường Concorde, để phản đối sự bội bạc của Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam. Bên đường, tiếng sỉ vả cũng nhiều, tiếng khích lệ cũng dăm ba câu...”

Trong nỗi xót xa sau khi được hung tin miền Nam mất toàn thể sinh viên và người Việt quốc gia tại Pháp thời bấy giờ đâm ra bơ vơ. Anh Thục kể tiếp:

“Chiều ngày 30 tháng 4, bạn bè kéo cả lên lầu 4 phòng tôi. Hung tin được thông báo cho nhau. Chúng tôi quay mặt đi, kẻ sụt sùi, người bật khóc tức tưởi..."
Sáng hôm sau, Ban Chấp Hành lãnh trách nhiệm lo việc Lãnh Sự trên Tòa Đại Sứ, tiếp tay hủy bỏ hồ sơ mật, cấp phát chứng thư cần thiết cho kiều bào, chuyển sách vở phim ảnh về những điểm mật của Tổng Hội, trước khi Tòa Đại Sứ và Trụ Sở Tổng Hội bị trao trả lại chính phủ Pháp và được bên kia tiếp thu.
“Công việc của Bá nặng nề hơn ông Đại Sứ, vì sau khi Đại Sứ tự ý giải nhiệm, cả một chính sách ngoại giao và lãnh sự đều trút xuống đôi vai gầy của người Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia. Tòa Đại Sứ giải tán nhưng Tổng Hội Sinh Viên vẫn còn tồn tại. Rắn mất đầu, gà trống nuôi con. Trần Văn Bá trong chức Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia, và Ban Chấp Hành đã thừa hưởng cả một gia tài tủi nhục.
Một kỷ niệm xót xa cần được ghi lại: Tòa Đại Sứ VNCH chính thức đóng cửa chiều thứ sáu. Ông Đại Sứ đã dễ thương đợi tới phút chót lúc 5 giờ chiều khi mọi nhà băng đều đóng cửa đúng vào giờ đó để trao lại cho Ban Chấp Hành một tấm ngân phiếu khiêm nhượng, tiền dư bạc thừa của quỹ đen quỹ đỏ, "...để giúp anh chị em sinh viên tiếp tục đấu tranh...".
Sáng thứ hai, thủ quỹ Ban Chấp Hành ra băng để lãnh số tiền trên cho Hội, thì trương mục tấm ngân phiếu đã bị đóng từ tuần trước..."

Anh Thục tiếp:
“Cái đau của lớp trẻ không phải là những phát súng hay những mũi dao của kẻ địch từ phía bên kia, mà là những cái tát của lớp đàn anh từ phía bên này. Người chết vì phát súng hay nhát dao thì cũng đã chết rồi nhưng kẻ còn sống sau những cái tát sẽ lún dần xuống tủi hờn...”

Anh Thục cho biết thêm:
"Sau khi Tòa Đại Sứ VNCH tại Pháp không còn, trụ sở và Câu Lạc Bộ của Tổng Hội Sinh Viên mất, Ban Chấp Hành rút về ngoại ô Paris, trên lầu 6 của một chung cư ở đường Maréchal Joffre trên trục Bourg la Reine. Anh ở phía bên kia đường chung nhà với Trung Đức Âm. Bá và cả chục anh em sống quây quần trong 3 căn phòng, chia nhau từng miếng nước, từng phần cơm..., nhưng tinh thần vẫn còn rất cao. Mỗi năm, Tết Quốc Gia luôn được tổ chức trước Tết Cộng Sản một tuần tại nhà hát Maubert. Những ngày kỷ niệm 30 tháng tư, anh chị em thức sáng đêm để đi dán bích chương, tổ chức những đêm không ngủ và hội thảo..."

Tổ chức đấu tranh chống Phạm Văn Đồng sang Pháp cầu xin viện trợ của chính phủ Pháp:

Khi không còn Tòa Đại Sứ VNCH, Tổng Hội Sinh Viên lãnh nhiệm vụ giúp đỡ những người Việt quốc gia còn sống ở Pháp hoặc mới qua, và tiếp tục đương đầu với Việt Cộng. Trần Văn Bá đã lãnh đạo Tổng Hội phá vỡ nhiều hoạt động của Việt Cộng tại Pháp, đặc biệt là vụ Phạm Văn Đồng đến Pháp xin viện trợ.

Năm 1976, khi Phạm Văn Đồng qua Pháp, Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế ở đường Jourdan là địa điểm được chọn để triển lãm, hội thảo tuyên truyền cho chiến thắng 30 tháng 4 và cho chuyến công du của Phạm Văn Đồng. Thấy thế, anh em sinh viên Quốc Gia đã mở chiến dịch phá vỡ dự tính của họ.

Phía nhóm sinh viên Việt Nam theo cộng chỉ khoảng 50 đứa, nhưng chúng kéo theo được bọn Tây cộng và sinh viên ngoại quốc thiên cộng, nên có khoảng 200 đứa, đứng dàn trước bực thềm cửa chính đi vào chánh diện cư xá.

Số anh chị em thuộc Tổng Hội Sinh Viên và bạn bè thân hữu của hội Nanterre có khoảng hơn 100 người, đã bất thần từ ngoài đường tiến vào. Trần Văn Bá, dáng vóc nhỏ bé, ôm một đống truyền đơn đi tiên phong... Những người phía bên kia chận lại, nhưng Bá vẫn thản nhiên rút truyền đơn ra phân phát cho những khuôn mặt ngoại cuộc... Một “cuộc chiến” đã xẩy ra, hai bên đấm đá nhau túi bụi. Kết quả, Tổng Giám Đốc của Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế đã hủy bỏ mọi chương trình triển lãm, hội thảo về Việt Nam trong dịp viếng thăm của Phạm Văn Đồng “vì lý do an ninh”... "

Trần Văn Bá bước vào giai đoạn dấn thân bằng võ lực để thể hiện ý chí phục quốc

Năm 1981, Trần Văn Bá đã bí mật từ bỏ Tổng Hội Sinh Viên đi tham gia “Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam” (gọi tắt là Mặt Trận Lê Quốc Túy) do ông Lê Quốc Túy thành lập ở Pháp.
Anh quyết định cùng với các chiến sĩ trong Mặt Trận trở về Việt Nam lập chiến khu chống lại nhà cầm quyền CSVN. Mặt Trận này do ông Lê Quốc Túy làm Chủ Tịch, ông Mai Văn Hạnh làm Chủ Tịch Quốc Ngoại, ông Huỳnh Vĩnh Sanh và Bản Đạo Hồ Tấn Khoa của Cao Đài Giáo đồng Chủ Tịch Quốc Nội, ông Lê Quốc Quân (em của ông Lê Quốc Túy) phụ trách lực lượng vũ trang trong nước, còn Trần Văn Bá được cử làm Tham Mưu.
Lê Quốc Túy (trái) và Mai Văn Hạnh - ảnh by Admin


Quân Mặt Trận Thống Nhất các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam trong chiến khu ở Thailand 1984- ảnh by Admin

chú thích ảnh???
Chung cuộc vì "mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", chẳng may các chiến hữu thân chinh bị sa cơ vào tay quân thù:
Tháng 9 năm 1984, Mặt Trận cho một toán đi từ tỉnh Trat của Thái Lan qua Cam-bốt vào Việt Nam để bắt tay với các thành phần chống đối của Phật Giáo Hòa Hảo tại vùng An Giang, nhưng khi toán này mới tới Châu Đốc thì bị bắt. Toán thứ hai đi bằng đường thủy vào Cà Mau, trong đó có Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá.

Trong lịch sử chống giặc Pháp xâm lăng, người tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt Nguyễn Thái Học (sinh ngày 1 tháng 12, năm 1902) là một nhà cách mạng yêu nước quên thân mình, ông chủ trương dùng võ lực để lật đổ nhà cầm quyền thuộc địa trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp. Ông là người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và là người lãnh đạo cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái. Mưu sự bất thành, ông bị quân Pháp bắt và vào ngày 17 tháng 6, năm 1930, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.
Lịch sử là sự tái diễn, từ Nguyễn Thái Học đến Trần Văn Bá. Họ đứng lên vì lý tưởng tự do cho dân tộc Việt Nam, họ đáp lại lời sông núi trong ý chí hào hùng, tâm tư bất khuất, trả giá cho hành động của mình khi người can trường bước lên đoạn đầu đài tại Yên Bái, và người hiên ngang ra pháp trường tại Thủ Đức, mà sự thương tiếc còn mãi trong tâm khảm của nhiều người, và sự hy sinh như vậy đã đi vào sử sách Việt Nam.

Trở lại bài viết “Vinh danh Trần Văn Bá" của Tú Gàn trong mục "Một bản án cay nghiệt":

"Ngày 14.12.1984, 21 thành viên của Mặt Trận đã bị đưa ra xét xử tại Nhà Hát Thành Phố (Quốc Hội cũ) ở công trường Lam Sơn, Saigon.
Vũ khí và tiền giả do Trung Quốc làm được đem triển lãm ngay trước Nhà Hát.
Phiên xử kéo dài 4 ngày.
Ngày 18.12.1984 Tòa đọc một bản án viết sẵn dài hai tiếng đồng hồ trong đó kể lại tất cả các sự kiện được dùng để buộc tội các bị cáo, giống như trong bản cáo trạng, rồi tuyên án như sau:

- Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh và Hồ Thái Bạch: tử hình.

- Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn và Hoàng Đình My: khổ sai chung thân.

Số 13 kháng chiến quân còn lại bị phạt tù từ 8 đến 12 năm.
Ông Huỳnh Vĩnh Sanh hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” liền bị Công An bịt mồm và còng tay lại.
Hiền Tài Hồ Thái Bạch lên tiếng phản đối bản án đã bị Công An dùng dùi cui đánh và kéo đi không cho nói.

Cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi trên thế giới bàng hoàng khi nghe bản án này, đã đứng lên vận động các chính phủ Tây Phương yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải hủy bỏ bản án đó. Chính phủ Pháp đã chính thức yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội hủy bỏ án tử hình đối với những người có quốc tịch Pháp.

Ngày 3.1.1985, Hà Nội quyết định cải án tử hình của hai công dân Pháp là Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh thành án khổ sai chung thân. Thế giới hy vọng những người còn lại rồi cũng sẽ được cải án. Nhưng hôm 8.1.1985, nhà cầm quyền Hà Nội loan tin Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch đã bị hành quyết!"

* * *

Theo tin của Victims of Communism Memorial Foundation (VOCMF), tức tổ chức đã phụ trách việc hình thành Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial), tượng đài này đã được xây dựng trong một khuôn viên tại Washington DC, ở giao điểm của hai trục lộ là Đại lộ Massachusetts và Đại lộ New Jersey và Đường G, N.W, cách Nhà ga Union Station hai dãy phố và trong tầm nhìn từ Điện Capitol hay Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ không bao xa về hướng tây.
Mục đích chính của việc xây dựng Tượng đài là chứng tích lịch sử về sự tàn bạo của nạn cộng sản sát hại con người sẽ được dạy cho các thế hệ mai hậu, và cũng để ghi nhận sự tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân đã bỏ mình vì chủ nghĩa cộng sản.
Bản tin gửi đi thì một buổi dạ tiệc tiếp tân và trao huy chương Tự Do Truman-Reagan (Truman-Reagan Medal of Freedom Award) cho những người đã từng nêu những tấm gương kiên cường chống lại chủ nghĩa cộng sản và bạo quyền trên thế giới để dành lại tự do sẽ được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 2007 tại Toà Đại Sứ Hung Gia Lợi. Những buổi tiếp tân này cũng là cơ hội gây quỹ tài trợ cho những dự án của VOCMF.
Trong danh sách các nhân vật được tuyên dương năm nay, gồm Dân Biểu Hoa Kỳ Dana Rohrabacher và Tiến Sĩ János Horváth, dân biểu quốc hội Hung Gia Lợi còn có một người Việt Nam, đó là anh hùng Trần Văn Bá. Tức sau 22 năm TVB hy sinh vì lý tưởng tự do, nay sự ra đi của ông được quốc tế ghi nhận trong một buổi lễ vinh danh trang trọng.

Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị VOCMF Tiến Sĩ Lee Edwards, trong bản tin của VOCMF, đã gọi anh Trần Văn Bá là “Chiến Sĩ cho Tự Do, Chiến Sĩ chống Cộng Sản”, và đã bày tỏ sự hãnh diện của Hội Đồng Quản Trị chọn lựa Trần Văn Bá cho huy chương Tự Do cao quý này.
VOCMF đã gửi thư mời đến gia đình Trần Văn Bá để mời nhận huy chương năm nay, 2007. Đại diện cho gia đình, bào huynh của Trần Văn Bá là ông Trần Văn Tòng đã đến tham dự.
Truman-Reagan Medal of Freedom Award trên trang Global Museum on Communist - Ảnh chụp giao diện tháng 9/2014 by Admin. (==>"Right click and open in new tab" để xem ảnh rõ hơn)
Tưởng cũng nên ghi nhận huy chương Tự Do Truman-Reagan (Truman-Reagan Medal of Freedom Award) là huy chương tự do cao quý mang tên của hai vị Tổng Thống nổi tiếng chống cộng của Hoa Kỳ: TT Truman và TT Reagan, huy chương từng trao tặng cho những nhà tranh đấu chống cộng sản trên thế giới như Lech Walesa, Vaclav Havel, Đức Giáo Hoàng John Paul II, TNS Joe Lieberman, William Buckley Jr., Elena Bonner, sẽ được Chủ Tịch VOCMF trao tặng cho Trần Văn Bá để vinh danh tấm gương kiên cường của ông.

Những anh em thân hữu của Trần Văn Bá tại Âu châu đã ghi nhận bằng những lời tâm sự trải lòng như sau:

Lớp trẻ SV Quốc Gia tại Âu Châu vào năm 75, trở thành côi cút, không Tổ Quốc, không đàn anh, mất đường về. Tuy vậy, họ chưa bao giờ tuyệt vọng: Trần Văn Bá đã cùng nhóm SV QG kiên trì tiếp tục con đường đấu tranh cho Chính Nghĩa, cho một Miền Nam không cộng sản. Bá đã trở thành linh hồn của Lớp Trẻ Tỵ Nạn.

Vì chỉ tin là "…Những thay đổi, những cách mạng về tình trạng đất nước chỉ có thể phát xuất từ Quốc Nội, do chính những Anh Em Kháng Chiến tại Quê nhà..." Bá đã bay qua Bangkok, ngày 06 tháng 06 năm 1980... Anh đã lặn lội vượt đất Thái, băng qua Campuchia và xâm nhập Việt Nam hơn 10 lần. Từ thành phố Saigòn, năm 82 anh đã viết về cho Anh Em SV tại Paris như sau:

"…Phần tôi cũng bình thản thôi, cực thì có, nhưng tôi vẫn trọn vẹn với con người của tôi, với quê huơng nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai, nhưng dù sao tôi cũng phải đi tới cùng…".

Trần Văn Bá bị nhà cầm quyền CS bắt đêm 11 tháng 09 năm 1984 tại tỉnh Minh Hải Cà Mâu. Ngày 18 tháng 12, Tòa án Nhân Dân xử 21 can phạm tại Nhà Hát Lớn Sàigòn (Trụ sở Quốc Hội cũ). Trần Văn Bá là người thứ nhì trong danh sách những người bị xử.

Anh đã từ chối không ký vào bản xin chính phủ ân xá, khi bị kết án tử hình cùng với 4 can phạm khác. Sáng ngày mùng 09 tháng 01 năm 1985, tin anh bị hành quyết ngày hôm trước tại Nghĩa Trang Quân Đội Thủ Đức, đã làm rúng động và gây phẫn nộ trong mọi giới chức tại Pháp."

Sau đây là trích bài thơ mang tên "Trần Văn Bá"
"Anh đã nằm xuống nơi miền quê hương khốn khổ.
Anh đã nằm xuống cho trọn giấc mơ mà Anh vẫn thường ấp ủ
"Kháng chiến phải thật sự phát xuất từ quê nhà…"
Anh đã ra đi, đã lội qua Biển Đông để "vá trời lấp biển"
để câu nói của anh "Mưa sẽ từ dưới đất mưa lên"
sẽ như một lời nhắn nhủ với lớp đàn em, với Thế Hệ Trẻ.
Anh về, để lượm lại những vũ khí đã rơi rớt ngày 30 tháng Tư,
để lượm lại những huy chương đã bị lớp đàn anh bỏ lại sau lưng.
Anh về, để thắp sáng Chính Nghĩa Quốc Gia,
để cấy lại một mùa mạ mới cho Miền Nam Việt Nam.
Anh đã về và đã chết như một Kinh Kha Đất Việt…"

Nhưng thật sự, Anh không chết đâu Anh:
Anh đã đi vào Lịch Sử Dân Tộc.
Anh vẫn sống trong lòng Lớp Trẻ.
Bởi vì, vẫn còn nhưng con đường mang tên Trần Văn Bá.
Từ Liège - Bỉ Quốc, đến Virginia - Mỹ Quốc,
Và mai đây, sẽ ở ngay tại quê nhà, tại Việt Nam.

Còn chúng tôi, lớp người Tỵ Nạn Hải Ngoại,
vẫn coi anh như một Đứa Con Hiếm Quý của Miền Nam Cộng Hòa,
vẫn coi anh như một chiến sĩ của Dân Tộc tự do, nhân hậu và bác ái…"
(Nhóm thân hữu Trần Văn Bá)

Giở lại trang sử đấu tranh xưa, khi tổ chức của đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị tay nội tuyến là Đội Phạm Thành Dương trở mặt làm nội phản, khiến giặc Pháp biết được tin tức nội bộ, nên xiết chặt việc tảo thanh bố ráp hơn. Ông họp các đồng chí lại để trao đổi quan điểm. Những ý tưởng trấn an đồng đội đã được kể lại khi ông nói:

"Chúng ta làm cách mạng bằng sắt máu, bao giờ cũng phải lấy lực lượng quân đội làm phần chủ lực... Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, Đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến cho họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các nơi phòng ngục trại giam âu là chết đi, để lấy lại gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta "Không thành công cũng thành nhân" và có gì mà ngần ngại".

Câu nói nổi tiếng này của Nguyễn Thái Học đã đi sâu vào các môn sử học và văn học Việt Nam. Ngoài ra, khi thụ án ông còn đọc trích đoạn một bài thơ bằng Pháp ngữ, ngụ ý người kinh kha vẫn xem cái chết vì lý tưởng nhẹ như tơ hồng:

"Mourir pour sa patrie
C'est le sort le plus beau
Le plus digne... d'envie... "


Dịch nghĩa Việt ngữ nôm na là:

"Chết vì tổ quốc,
Cái chết vinh quang,
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng"


Thế hệ trẻ đã có nhiều người tiếc thương và nêu cao sự hy sinh của Trần Văn Bá, dù bằng sự dấn thân vào đại cuộc chung như biểu tình phản kháng hay vận động các nơi khi các cấp lãnh tụ CSVN ra xu" ngoài, hoặc giả bằng văn chương chữ nghĩa, ví dụ như người trẻ Lữ Anh Thư sáng tác bài thơ tưởng niệm:
Đầu năm nhớ anh Trần Văn Bá

"Năm Bính Ngọ một ngày cuối dương lịch
Anh xa lìa đất mẹ lắm đau thương
Quyết một lòng tiếp sự nghiệp phụ thân
Anh thầm hẹn một ngày về bảo quốc

Ất Mão niên đau nỗi hờn vong quốc
Nhìn non sông rên xiết dưới cùm gông
Tết Bính Thìn anh hẹn với toàn dận
Còn Sống Đây, Ta sẽ về phục quốc

Rồi lặng lẽ anh lên đường dấn bước
Quyết thề không sống kiếp ly hương
Xa ấm no, tìm đói khổ trong bưng
Anh nhất quyết dâng đời cho lý tưởng

Anh phải đi tìm đường về trong nước
Cùng toàn dân tranh đấu giữa quê hương
Mưa phải từ lòng đất mẹ mưa lên
Để rơi xuống hoa tự do, dân chủ

Tháng 9 tám mươi tư ngày đại dương nổi sóng
Minh Hải đau lòng nhìn đứa con yêu
Cùng thế giới ngậm ngùi, đau xót
Khi biết anh rơi vào cảnh rủi rong

Tháng mười hai, một phiên tòa bịp bợm
Bầy thú hôi tanh đội lốt luận anh hùng
Phút sau cùng vẫn khí phách hiên ngang
Anh thà chết không cúi hàng, nhận tội

Tám tháng Giêng ngày đất trời sụp tối
Thế giới bàng hoàng, cả nước xót xa
Trần Văn Bá oai phong đền nợ nước
Đem máu hồng tô thắm sử Việt Nam.

Trần Văn Bá tên anh lời hiệu triệu
Chí hiên ngang là ngọn đuốc linh thiêng
Dẫn dắt chúng tôi thế hệ tiếp chân anh
Nuôi chí lớn ngày về khôi phục nước

Chúng tôi nguyện luôn hướng về tổ quốc
Thề diệt cộng sản tội đồ, bán nước, buôn dân
Không khiếp nhược trước bạo tàn, áp bức
Quên thân mình cho phúc lợi toàn dân

Tuổi trẻ Việt Nam nguyện noi gương Trần Văn Bá
Sẽ sống sao cho xứng với lòng tin
Của bậc anh hùng đã dấn bước hy sinh
Coi nhẹ cái chết, dâng mình cho lý tưởng

Trần Văn Bá muôn đời là ngọn đuốc
Tỏ rạng ngời trang sử Việt ngàn năm”


(Lữ Anh Thư, 01/03/2007)

Trần Văn Bá đã ra đi, hồn thiêng sông núi ghi ơn ông. Đồng bào của ông vẫn không quên cùng các đồng đội. Từ ý tưởng của Nguyễn Thái Học là sự hy sinh của những anh hùng như Nguyễn Thái Học hay Trần Văn Bá cùng các bạn đồng đội, tất cả lý tưởng đấu tranh của họ, nếu thất bại, thì "Không thành công cũng thành nhân".

Giờ đây tại thành phố Liege của nước Bỉ, một mộ bia tưởng niệm dành cho Trần Văn Bá đã được xây dựng, và tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, cũng có một con đường mang tên Trần Văn Bá. Nay ông lại được lãnh Huy Chương Tự Do Truman-Reagan.
Tên tuổi Trần Văn Bá theo bài viết của ký giả Tú Gàn thì "không những chỉ được ghi nhận vĩnh viễn vào lịch sử các anh hùng chống cộng của dân tộc mà còn được ghi vào lịch sử các anh hùng chống cộng của nhân loại."


Trần Việt Hải

Los Angeles
2008

(Viết cho 23 năm ngày giỗ Trần Văn Bá với nén hương lòng ngậm ngùi)

-

Wednesday, July 4, 2012

MỘT NGƯỜI TÊN LÀ TRẦN VĂN BÁ - Duyên Anh

MỘT NGƯỜI TÊN LÀ TRẦN VĂN BÁ - Duyên Anh

TRẦN VĂN BÁ, Taị Sao?

Người bạn tôi, nhà xuất bản Nam Á ở Paris, sau nhiều ngày đêm đứng trước Tòa Đại Sứ của phỉ quyền dưới buốt lạnh của nước Pháp hai mươi năm mới thấy, để đòi hỏi phỉ quyền không được sát hại những người Việt Nam yêu nước, thì bèn có một “ưu tư đầy sáng tạo chiến đấu”. Anh ta bảo tôi viết một tác phẩm không giống bất cứ một tác phẩm nào tôi đã viết. Nói rõ rệt, bạn tôi yêu cầu tôi viết về Trần Văn Bá như một biểu tượng của tuổi trẻ dấn thân, như một sư tử lãng mạn quốc ngoại, như một người quốc gia chân chính, một người quốc gia đứng trên tất cả những tranh giành quyền bính hôm nay, để vì hạnh phúc của dân tộc mà chiến đấu.
Bạn tôi buồn bã trong những “tại sao”.
Tại sao chỉ có thần tượng cộng sản mà không có thần tượng quốc gia?
Tại sao cứ để cộng sản độc quyền phong người của họ là anh hùng, liệt sĩ? Chúng ta chiến đấu đẹp hơn họ, thần tượng của chúng ta thật hơn họ, rực rỡ hơn họ cả ngàn lần, tại sao tôi chưa được đọc một tác phẩm văn chương nào viết về anh hùng của chúng ta hôm nay? Nhà văn, các anh ở đâu? Các anh đang làm gì?
Bạn tôi “tại sao” rồi bạn tôi phân trần:
“Như anh, tôi không ở trong một mặt trận, một hội đoàn tranh đấu nào cả, nhưng luôn luôn có bổn phận hỗ trợ bất cứ một mặt trận, một phong trào nào thật sự vì quốc gia, dân tộc. Tôi nghĩ rằng, cuộc chiến đấu chống cộng sản hôm nay, tuổi trẻ đóng vai trò quan trọng và then chốt và cần thiết phải võ trang tư tưởng cho họ lên đường. Anh đã viết Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn và đã bầy tỏ tư tưởng chiến đấu mới mẻ của tuổi trẻ quốc nội, thế hệ trưởng thành sau 30-4-75, anh phải viết thêm về tuổi trẻ quốc ngoại và cuộc chiến đấu cô đơn tuyệt vời của họ. Anh phải lấy cảm hứng từ Trần Văn Bá. Tác phẩm mà tôi thành khẩn yêu cầu anh là sự chứng minh tài năng đích thực của anh, đồng thời, chứng minh khả năng xoay vần thời thế của tư tưởng, khả năng thôi thúc chiến đấu của nghệ thuật. Khó lắm, tôi hiểu và tôi đoan quyết chỉ anh mới tạo dựng nổi một thần tượng tuổi trẻ của dân tộc chứ không của riêng một phe nhóm, một giai cấp nào.”

Khó thật, bởi vì, Trần Văn Bá đã là thần tượng. Và, bởi vì, chỉ được viết Trần Văn Bá như một biểu tượng của tuổi trẻ dấn thân và cuộc chiến đấu của người tuổi trẻ này khởi sự từ lúc bị bịt mắt, còng tay, xích chân đẩy vào quan tài xi măng của ngục tù cộng sản.
Trần Văn Bá, quả thật, là mẫu người quốc gia chân chính mà tôi mong mỏi. Tôi sẽ đáp ứng cố gắng đòi hỏi của bạn tôi. Tôi không dám hỗn láo so sánh mình với cổ nhân nhưng, nếu xưa Lão Tử để lãi đời sống Đạo Đức Kinh chỉ nhằm mục đích tạ lòng bạn tri kỷ thì nay, tôi viết Một Người tên là Trần Văn Bá chỉ để tạ lòng bạn tôi và, lợi dụng tấm lòng yêu văn chương ấy, tôi trả lời người cộng sản.
Ngoài ra chẳng còn mục đích gì khác, danh cũng như lợi.
Tại sao tôi muốn trả lời người cộng sản? Vì thủ thuật của họ khiến tôi chới với. Khi tôi nằm tù, cộng sản và quốc gia giả hình đều thích dìm tôi xuống vực thẳm dơ bẩn để tôi chết nhục. Tôi không ngờ số phận của tôi bớt hẩm hiu nhờ sự can thiệp của Amnesty International. Bằng một trao đổi nào đó, tôi được tạm thích.
Tôi đã hỏi tôi ròng rã sáu năm trong ngục thất rằng, mình có làm điều gì nhơ nhuốc không? Và tôi yên tâm. Có phải không dám chống lại những tên công an coi tù tuổi 18, 20 và dốt nát, đần độn, ngọng nghịu là khiếp nhược, hèn hạ không nhỉ?
Có phải cho thuốc lá, đường, kẹo bánh những tên công an coi tù thèm khát, những tên xa nhà nghèo khổ, trải dài thời thanh xuân của mình ở rừng già không thân nhân thăm viếng, tặng quà là liếm gót giầy cộng sản?
Người ta hằng luận về đối thủ và người ta quên hiểu thế nào là sự khinh khi và lòng trắc ẩn và thương yêu của những ai hằng rêu rao đem thương yêu xóa bỏ hận thù. Nếu anh là nhà văn, nhà thơ, những tên công an xa nhà quý trọng anh, gần gũi anh, nhờ vả anh làm cho chúng những bài thơ nhớ quê, nhớ mẹ hiền, nhớ tình nhân, anh có phải là antenne? Anh đã giúp con người gửi thông điệp tình tự. Vấn đề chưa hẳn giản dị thế.
Ngày tôi trở lại Sài Gòn, gặp Đinh Tiến Luyện, nhà văn tuổi trẻ này kể cho tôi nghe một chuyện lạ. Đinh Tiến Luyện có người bạn may mắn chưa là sĩ quan chế độ cũ, lại thuộc thành phần “con em cách mạng” nên được đi học báo chí ở Hà Nội. Ngoài lề học tập báo chí có những buổi mạn đàm văn học nghệ thuật. Các nhà văn Sài Gòn bị lôi ra chửi bới. Riêng tôi, khi được đề cập, giảng viêng phát biểu: “Duyên Anh đã là người của chúng ta!” Tôi đã là người cộng sản sau khi đã là antenne gớm ghiếc.
Cộng sản cấm đoán toàn bộ tác phẩm của tôi phổ biến trong dân gian. Cộng sản bỏ tôi vào tù. Cộng sản bêu nhục tôi trên báo, trên vô tuyến truyền hình, trong sách.
Rồi cộng sản chơi trò “Thầy Tăng Sâm giết người” một cách tinh vi: “Duyên Anh đã là người của chúng ta,” tên biệt kích văn nghệ số 9 đã là “người của chúng ta!” Thế là tôi mất hết uy tín chống cộng sản, tôi bị lột bỏ tước bị “nhà văn của tuổi trẻ”.
Ra khỏi đất nước, trò chơi “Thầy Tăng Sâm giết người” còn bạo hơn. Tôi biến thành mục tiêu công kích của một số người mà cộng sản tin chắc tôi sẽ phản ứng. “Phải làm cho chúng nó chửi thằng Duyên Anh vì thằng Duyên Anh biết nhiều chuyện, biết cách chửi đau đớn. Phải tạo mâu thuẫn giữa chúng nó để có cơ hội chúng nó chửi bới lẫn nhau”. Đó là thủ thuật cộng sản. Thủ thuật ấy đã áp dụng cho đám ma Phạm Duy, cho Lê Xuyên, cho Chu Tử. Người quốc gia bị bọn nằm vùng dẫn vào trò chơi đập nát uy tín những nghệ sĩ quốc gia tài năng.

Tôi đã im lặng từ lâu, không trả đũa những ai bêu nhục tôi. Tôi không thích vào trò chơi bẩn của cộng sản. Đáng lẽ, tôi im lặng mãi mãi. Nhưng, trong số những kẻ bêu nhục tôi lại có vài nhà văn, nhà thơ thiếu trực giác, thiếu kinh nghiệm cộng sản và thừa đố kỵ, tra thù vặt nhỏ mọn. Bất đắc dĩ tôi phải phản công.
Không phải đợi đến hôm nay, sau khi cộng sản rỉ tai “Duyên Anh đã là người của chúng ta” tôi mới đánh những người quốc gia giả hình. Tôi đã đánh họ ngay trong thuở họ đầy quyền sinh sát ở quê nhà.
Và tôi tiếp tục đánh họ vì họ âm mưu phục hồi quyền bính tôi đòi dĩ vãng, họ lừa gạt niềm tin của lưu dân, họ làm nhơ nhuốc sự nghiệp chống cộng sản giải thát dân tộc.
Họ là bọn đào ngũ, bọn thụ hưởng xương máu lính, bọn tội đồ của dân tộc. Họ là bọn trí thức lưu manh. Không bao giờ họ là người quốc gia cả. Họ đã bẩn, không cần bôi bẩn. Tôi lên tiếng để xác định thái độ chống cộng của tôi là không chống cộng với tướng bẩn đào ngũ và tá cớm chạy làng. Tôi chống cộng với những người quốc gia chân chính. Bọn quốc gia giả hình cứ việc bêu nhục tôi. Với những ai là nhà văn, tôi xin được phép nhắc câu nói của văn hào Gabriel Garcia Marquez: “Nghĩa vụ và bổn phận của nhà văn là viết cho hay“. Anh hãy viết cho hay, cho thật hay, tự nhiên, anh sẽ nổi tiếng và anh đẩy tôi vào hoàng hôn quên lãng. Tỏ thái độ với người này người nọ là thừa thãi, là mất thì giờ vô ích.
Tỏ thái độ với cộng sản bằng tác phẩm và nếu làm cho tác phẩm có kích thước quốc tế mới là nghĩa vụ của nhà văn Việt Nam. Tôi không trần tình với các anh đâu. Tôi nói những điều tâm cảm. Và tôi sẵng sàng cái thế “một mình một ngựa” như tôi đã “một mình một ngựa”.

Trở lại Một Người tên là Trần Văn Bá. Mỗi cuốn sách có một đời sống. Nếu đời sống của cuốn sách mang một ý nghĩa nào đó và đóng góp được một công lao nào đó thì Một Người tên là Trần Văn Bá là thành quả của ưu tư sáng tạo chiến đấu của bạn tôi, không bao giờ là tài năng của tôi.
Nếu đời sống của cuốn sách tẻ nhạt, không đáp ứng yêu cần của bạn tôi thì đó là bởi tài năng của tôi còn kém cỏi. Và tôi thành thật xin lỗi người đã chết. Với những người tuổi trẻ và độc giả của tôi, tôi đã bầy tỏ một thiện chí mới. Nếu trước đây tôi chỉ tạo dựng thần tượng tiểu thuyết thì hôm nay tôi viết về thần tượng thật, chiến đấu thật, đau khổ thật, lãng mạn thật, cô đơn thật và thật sự vì hạnh phúc, tự do, dân chủ của dân tộc.
Làm sáng chói hào quang Trần Văn Bá, hào quang tuổi trẻ Việt Nam để thế giới cảm phục và chia sẻ với cuộc chiến đấu mới của chúng ta là nhiệm vụ của người tuổi trẻ quốc ngoại, nhất là bằng hữu của Bá ở Paris. Bổn phận của tôi đã xong khi ký dưới cuốn sách hai chữ…

Duyên Anh
(Paris, Xuân 1985)

-

Tuesday, July 3, 2012

Cộng sản xử tử hình Trần Văn Bá

Lâm Lễ Trinh

anh Trần Văn Bá

Sinh ngày 14.5.1945 tại Sa Đéc, Trần Văn Bá là thứ nam của cố dân biểu Trần Văn Văn và vừa tròn 17 tuổi khi thân phụ bị thảm sát ngày 7.12.1966.
Ngày 2.1.1967, Bá qua Paris, đoàn tụ với anh là kỷ sư Trần Văn Tòng, ghi tên vào trường trung học Carnot và sau đó, Michelet để chuẫn bị lấy bằng Tú tài. Vì rớt hạch miệng tại trường Cao đẳng thương mãi HEC, Bá đổi qua môn kinh tế và thi đậu bằng cử nhân tại Đại học Assas (thiên hữu) năm 1971. Bá được tuyễn dụng làm phụ tá giáo sư tại trường Đại học Nanterre, nổi tiếng thiên tã, mặc dù Bá hoạt động hăng hái trong phong trào sinh viên Việt chống cộng.

Bá không bô trai, hom hem gầy yếu, độc thân, ít nói. Sau cái vó “con cóc chết”, Bá cỡi mở, chân tình, lạc quan, luôn luôn xung phong lãnh việc khó, giúp mọi người, bởi thế, thu hút cảm tình mọi giới. Vì mang một vết son lớn trên trán, Bá được bạn bè tặng cho biệt danh Bá Đầu Đỏ. Ăn bận xuềnh xòang, không thích tán gái, sống khắc khổ trong một căn gác nghèo tại Bourg-la-Reine, Bá thường la cà nơi tiệm cà-phê Châlet du Parc, tại Parc Montsouris để tán gẩu với bạn học củ tại Lycée Yersin Đà lạt. Bá mê Adam Smith, thích xem phim xưa loại Le Pont de la Rivière Kwai, La Grande Illusion, Pour qui sonne le glas,,

Ngoài việc giảng huấn, Bá xông xáo hoạt động thanh niên, tổ chức trại hè Nối Vòng Tay Lớn 1973, và cổ động trí thức thành tài về nước phục vụ. Năm 1972, Bá đắc cử chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên VN, giữ chức này bốn khóa, cổ võ xây dựng cộng đồng, chống tuyên truyền của cộng sản Hànội…

Tháng 4.1975, Sàigòn thất thủ. Mất tòa Đại Sứ, mất Câu Lạc Bộ, mất trụ sở, Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên rút về ngoại ô Paris, trên lầu 6 của một chung cư, đường Maréchal Joffre. Giới người Việt ở Pháp hoang mang tột độ.

Ngày 30 tháng tư 1975, trong cảnh hỗn loạn, Bá (30 tuổi) giữ bình tỉnh, chạy đến Phòng Lãnh Sự VNCH, đại lộ de Villiers Paris. Ông đại sứ tự ý giải nhiệm. Tòa Đai sứ tuyên bố đóng cửa chính thức ngày thứ sáu. Nhưng Tổng hội sinh viên vẫn tồn tại, đưa lưng gánh vác một gia tài tủi nhục. Với một số bạn, Bá phụ đốt các hồ sơ, cấp phát chứng thơ cần thiết cho kiều bào, chuyển sách vở, phim ảnh vể những điểm mật của Tổng hội sinh viên. Bá tuyên bố: “Sinh viên tiếp tục đấu tranh. Hảy giúp chúng tôi!” Tới phút chót, lúc 6 giờ chiều, đại sứ Nguyễn Duy Quang trao cho Bá một ngân phiếu khiêm nhượng, tiền dư bạc thừa, quỷ đen, quỷ đỏ. Sáng thứ hai, khi đại diện của Tổng Hội ra băng để lãnh thì trương mục của Sứ Quán đã đóng từ tuần trước!

Bá không nản chí, luôn luôn đứng đầu mũi dùi. Dù thiếu phương tiện, dù bị hăm dọa từ mọi phía. Tổng Hội Sinh Viên cắn răng hoạt động. Tết 1976, Bá và các bạn tổ chức biểu tình đả đảo Hanoi tại Salle de la Mutualité với khẩu hiệu “Ta Còn Sống Đây!” Tổng Hội xoay qua đón tiếp, giúp đở và ủy lạo – với tiền ít nhưng lòng nhiều! – các đợt sóng thuyền nhân đầu tiên. Bá chỉ huy, tổ chức (đôi khi…”xà ngầu”), và phát ngôn không hùng hồn nhưng chinh phục mọi người vì tân tụy hết mình, làm việc bất kể giờ giấc, cắt liên lạc với Mẹ, anh và chị sống tại Paris.

Năm 1977, khi Phạm Văn Đồng viếng Paris, Bá và các bạn xuống đường, đánh lộn bằng gậy, gộc, cây, búa với phe Việt kiều cộng sản, Tây cộng và sinh viên ngoại quốc thiên cộng, đông hơn. Kết quả: cuộc triển lãm và hội thảo CS tại cư xá sinh viên quốc tế đường Jourdan phải hủy bỏ. Vì lý do an ninh.

Bá nói: “Người ta nói chúng tôi nhận tiền của CIA, bị Bắc Kinh giựt giây. Không ai biết tôi đang khám phá con người thật của tôi.” . Rồi mẹ của Bá vượt đến Pháp trong số thuyền nhân. Bá mất việc làm, phải nhờ anh là kỷ sư Tòng phụ cấp. Tòng hỏi Bá:
- “ Đây có phải là lúc chống cự như vậy hay không? Cậu sẽ phải lội qua đại dương! !”.

Bá cười:
- “Đó là con đường ít bị kẹt nhứt. Khi Hồ, Giáp và Đồng bắt tay vào business của họ, họ chỉ là 4 hay 5 người. Lúc đó, đảng CS yếu xìu. dân nghèo đã khuyến khích họ ”

Đúng thế, Bá nghĩ rằng vấn đề dân chủ và thuyền nhân phải được giải quyết tại Việt Nam, bằng sự tranh đấu bên trong. Nếu người Việt không tự giúp, ai sẽ giúp họ?

Nói là làm. Lối 1979, Bá biệt tích tại Pháp. Tin đồn Bá bí mật bay qua Bangkok, vào Thái lan, Cam bốt, Việt Nam. Bá về bưng. Ngày 6.6.1982, Bá viết thơ từ nước Thái:
“Tôi vẫn mạnh khoẻ. Rất khó, khó thật. Nhưng tôi thấy tôi mạch lạc với chính tôi và đoàn kết với đất nước tôi, nghèo nàn, khốn khổ, đói rách. Tương lai Việt Nam tùy thuộc nơi thành phần đối kháng bên trong, không phải nơi các chính trị gia lưu vong.”
Trong môt bức thơ khác, Bá than:
“Điều khủng khiếp nhứt là sự cô đơn. Tìm đâu ra những giá trị nhân bản, tôn giáo, trí tuệ? Đừng nói những gì chúng tôi đang làm là vô bổ.”

Chiều 11.9.1984, có tin Trần Văn Bá bị bắt với (cựu phi công) Mai Văn Hạnh tại Minh Hải trong lúc công tác, trên chiếc xe hơi của một cán bộ cao cấp CS. Vì bất cẩn hay vì bị gài bẩy?

Ngày 8.1.1985, tại Nhà Hát lớn Saigon, trụ sở của Hạ viện cũ thời quốc gia, Tòa án Nhân dân Tối cao  cộng sản- sắp xếp như một trò hề công lý, một vở tuồng cải lương - tuyên xử Bá và 20 can phạm khác thuộc Mặt trận Thống nhất các Lực lượng Yêu nước Giải Phóng Việt Nam về tội “phản bội tổ quốc, chống phá cách mạng”. Các “chiến lợi phẩm tịch thu được từ các kháng chiến quân” được triển lãm ở nơi đây. Nhà chức trách còn đặt nhiều máy phóng thanh tại công trường Lam Sơn để dân chúng – trên 1000 - theo dõi diễn tiến của vụ án từ bên ngoài.

Trong bản cáo trạng, công tố viện Trần Tế cho biết: ngay từ đầu tháng giêng 1981 cho đến tháng 9.1984, cơ quan an ninh Nhà nước đã phát hiện được “mười toán gián điệp” xâm nhập vào VN với sự hổ trợ của Trung quốc, Thái lan và Hoa kỳ. Tổng cộng 119 người, bị bắt giam hoặc giết chết.

Cá nhân Bá bị truy tố về tội đã chỉ huy, từ 1981 cho đến tháng 9.1984, nhiều nhóm kháng chiến xâm nhập VN, một chuyến đường bộ từ Thái lan về An giang với sự giúp đở của phe Pol Pốt và chín chuyến đường biển từ Thái đến mật cứ ở Minh Hải và Phú Khánh, đưa lậu vào VN hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược. Báo Quân đội Nhân Dân số 8456 ghi: “Bá, người thấp, gầy, ra trước Tòa lúc 15 giờ ngày 14.12.1984, thường chỉ nói rất ngắn, rất nhanh”

Ông Lê Quốc Túy đáng lẽ cũng đi cùng toán thứ mười nhưng vì phải vào nhà thương ở Pháp vào giờ chót nên thoát nạn. Ngày 27.12.1984, ông họp báo tại khách sạn sang trọng Lutétia, Paris với tư cách ủy viên đối ngoại của Mặt trận nói trên. Trước báo chí ngoại quốc đông đảo, Túy – trên ngũ tuần - xác nhận lãnh tụ Mặt trận còn ở trong xứ và một số chiến sĩ của tổ chức đã bị bắt từ 1980. Một trận đánh lớn đã xảy ra tại Hà Tiên gây thiệt hại cho khoản 120 cán binh Việt cộng. Theo ông Túy, không có nước nào giúp. Súng đạn do chính cán bộ hồi chính CS cung cấp hay binh lính CS bán lại. Trong số 21 người bị xữ, có hai cựu cán bộ cao cấp CS.

Đồng minh của Mặt trận là kháng chiến khờ-me. Mặt trận không có liên lạc với nhóm Hoàng Cơ Minh nhưng nếu cần, sẵn sàng giúp đở. Trả lời một câu hỏi, Túy cho biết Mặt trận, trong giai đoạn hiện tại, chưa chủ trương thiết lập những vùng giải phóng mà chỉ chú trọng xây dựng những cơ cấu nhỏ để từ đó, xâm nhập vào guồng máy và hàng ngũ bộ đội CS. Đáp một câu hỏi khác, Túy xác nhận số võ khí do CS trưng bày tại Tòa án là thực nhưng “chúng tôi còn nhiều hơn thế nữa.”

Điểm đáng lưu ý: Bản cáo trạng có ghi Mặt trận của Lê Quốc Túy được sự hậu thuẩn của cố Thủ tướng Trần Văn Hữu, nhóm Lai Hữu Tài, Lai Hữu Sang và nguyên nghị sĩ Hòa Hão Lê Phước Sang (đọc bài Vụ án Yên Báy 84 của Trần Phổ Minh, trong Tuyển tập Trần Văn Bá)...
luật sư quốc doanh cộng sản Triệu quốc Mạnh, ảnh chụp 2005. Triệu quốc Mạnh từng là Việt cộng nằm vùng tại Saigon thời quốc gia - ảnh & chú thích by Admin
Trần Quốc Mạnh, một trong các luật sư (quốc doanh) được chỉ định để biện hộ thí cho nhóm bị can, làm cho các khán giả nực cười khi y tuyên bố: “Các can phạm đã vi phạm luật. Không ai bào chửa cho họ được vì họ là những người tội đồ phản quốc”.
Tại phiên Tòa, Hồ Thái Bạch bị đàn áp bằng dùi cui khi lớn tiếng phản đối. Huỳnh Vĩnh Sanh bị bịt miệng khi hô to “VN Cộng hòa muôn năm!”
Sau bốn ngày diễn trò bịp bợm, Tòa việt cộng tuyên án:
1) Tử hình: Trần Văn Bá, Mai Văn Hạnh, Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch
2) Chung thân : Trần Nguyên Hùng, Tô Văn Hườn, Hoàng Đình Mỹ.
3) từ 8 đến 20 năm tù: 13 kháng chiến quân còn lại.

Nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở ngoại quốc để phản đối nhà cầm quyền cộng sản, Đức Giáo hoàng và Tổng thống và Thủ tướng Pháp cùng nhiều nhân vật chính trị và tôn giáo trên thế giới can thiệp. Mười bốn hội đoàn thanh niên tại Đan Mạch, Đức, Thụy sĩ, Bỉ và Pháp xuống đường tố cáo Hanội. Trần Văn Tòng, anh của Bá, phối hợp một Ủy ban quốc tế để tranh đấu cho các tội nhân. Lễ cầu an được tổ chức khắp nơi.

Dưới áp lực quốc tế, nhà cầm quyền Việt nam đổi án tử hình của hai can phạm có Pháp tịch là Mai Văn Hạnh và Huỳnh Vĩnh Sanh thành khổ sai chung thân. Trần văn Bá (mặc dù mang sổ thông hành Pháp), Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch bị hành quyết tại khám đường Thủ Đức ngày 8.1.1985. Một thông cáo vắn tắt của Nhà nước cho biết tin này. Xác của các tử tội không được trả lại cho gia đình.

Trên 3.000 đồng bào VN biểu tình tuần hành tại Paris ngày 10.1.1985 từ Maison de la Radio, quận 16, đến trước sứ quán Việt cộng để tỏ sự căm phẩn với bạo quyền Hànội. Hiện nay Lê Quốc Túy ở đâu ? hoạt động ra sao? Không ai được biết.

Vụ án Trần văn Bá và chiến hữu làm sống lại khí phách của vụ Yên Bái năm 30. Đây là vụ Yên Bái 84. Vụ đầu, kháng thưc dân Pháp. Vụ sau, chống độc tài cộng sản, ghê tởm hơn nhiều. Liệt sĩ thời đại mới Trần Văn Bá đã gieo hạt giống tốt. Bá không hy sinh vô bổ. Gương của Bá đáng ghi vào sử xanh.

Chống Pháp và Mỹ, Cộng sản đã thắng.
Chống dân tộc Việt, Cộng sản chắc chắn sẽ thảm bại phen này.

LÂM LỄ TRINH
Xuân Ất Dậu
Thủy Hoa Trang
Californie

(Admin: Một lỗi lớn của ông LÂM LỄ TRINH: không ghi năm Tây lịch. Nhưng theo tài liệu tham khảo kê ở dưới đây thì năm viết bài phải là năm Ất Dậu 2005)

=========

THƯ TỊCH:
1- Tiểu luận “Vấn đề địa phương trong chính trường Việt Nam” của Lâm Lễ Trinh, trong tạp chí Thế Giới, Houston ngày 18.5.2001 và Nhân Văn Hải Ngoại, 6.2001
2- Ký ức “Mây Mùa Thu” của Jackie Bông Wright, Virginia, 7.12.2004
3- «Tuyển tập Trần Văn Bá » 14 mai 1945 – 8 janvier 1885, Paris. (gồm nhiều bài báo)
4- «Trần Văn Bá Tương hội » Paris, 2.8.1999
5- «Việt Nam máu lửa, Quê hương tôi », hồi ký của Hoành Linh Đổ Mậu, CA 19865
6- «Blind Design, Why America lost the VN War ? » by Hoàng Lạc & Hà Mai Việt, 1996

-

Monday, July 2, 2012

Bức thơ viết tay của Trần Văn Bá 1982

Bức thơ viết tay của Trần Văn Bá 1982

Chúng tôi đăng tải bức thơ, viết tay, của Trần Văn Bá đề ngày 6 tháng 6 năm 1982, gởi bưu điện từ Sàigòn về trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris lúc bấy giờ, 51 rue Damesme, 75013 Paris.
Trần Văn Bá viết bức thơ nầy trong gấp rút, cùng lúc với một bức thơ khác cho một người bà con, cũng được gởi qua bưu điện, từ Sàigòn. Trong bản đánh máy dưới đây, chúng tôi có sửa chữa vài lỗi chính tả nhỏ (xin xem bản gốc viết tay đính kèm. Nhiều người vẫn còn nhớ tuồng chữ của Trần Văn Bá…).

Trong một vài cơ hội, những vết tích mà Trần Văn Bá để lại như thế, rất quí báu để thẩm định một số sự việc, chẳng hạn như việc « một số phong trào nầy hay một vài nhân vật khác » thường viện dẫn lời tuyên bố, hoặc lập trường, hay việc làm, mà họ khẳng định là của Trần Văn Bá.

Trần Văn Bá còn để lại nhiều tài liệu, được lưu giữ, kể cả những tài liệu viết tay, một vài tháng trước khi bị cộng sản Hà Nội bắt và hành quyết ở Việt Nam…

Ngoài ra, chúng tôi cũng đem lên trang mạng tranvanba.org, bài « những đường phố Paris » do Phan Văn Hưng sáng tác và hát. Gia đình của Trần Văn Bá đã yêu cầu điều này, vì cho rằng sáng tác của Phan Văn Hưng bàng bạc những xúc cảm cùng tâm tư của con người Trần Văn Bá khi cất bước trở về Việt Nam : vị nhân sinh chứ không vì quyền bính, danh lợi hay hận thù; tranh đấu để bảo trì một con người Việt Nam nhân ái, hữu tình, không để một chế độ vô nhân làm băng hoại; tranh đấu để xác định, trong xã hội và trong lịch sử, quyền hạn của mỗi cá nhân được theo đuổi cơ may hạnh phúc, vượt lên trên đòi hỏi của bất cứ xã hội hay lịch sử nào.

Chúng tôi không thuộc về ai, ngoại trừ điểm vàng son của một ngọn nến xa lạ với chúng tôi, ngoài tằm tay với của chúng tôi, nhưng luôn làm tỉnh thức sự im lặng và lòng can đảm.

Nous n’appartenons à personne sinon au point d’or de cette lampe inconnue de nous, inaccessible à nous et qui tient éveillés le silence et le courage.
René Char, Les feuillets d’hypnos.

Ngày giỗ thứ 24 của Trần Văn Bá
Tranvanba.org

nguồn: http://www.tranvanba.org/index.html

Bức thơ viết tay của Trần Văn Bá 1982
Sàigòn ngày 06/06/1982

[……….]

Đã 2 năm trôi qua tôi không có tin thơ gì thăm mấy chú cả. Chắc được thơ nầy của tôi mấy chú sẽ ngạc nhiên lắm phải không ? Độ nầy gia đình mình ra sao ? Chắc mấy chú cũng lu bu lắm thì phải.

[…] như thế nào rồi, vẫn còn phong độ như những năm nào hay đã rửa tay gác kiếm, dừng bước giang hồ để trở vế với mái ấm gia đình, vợ con thân yêu.

Phần tôi thì cũng bình thàn thôi, cực thì có, nhưng tôi vẫn trọn vẹn với con người tôi, với quê hương nghèo đói. Con đường tôi chọn rất chông gai, nhưng dù sao tôi cũng phải đi đến cùng, không thểchấp nhận một sự sai lệch hay chùn bước.

Mấy cô độ nầy ra sao [ …] và còn nhiều cô nữa kể không hết. Cho tôi có lời thăm họ nhé.

Mấy chú ạ, đã trải biết bao nhiêu cam go, tôi thành thật nói với mấy chú rằng đừng nên tin bọn người đã bỏ nước ra đi, đừng để ai lợi dụng lòng hăng say của tuổi trẻ. Mấy ông chánh trị gia ở Pháp, ở Mỹ, mấy ông Tướng không làm gì được đâu. Không còn người dân nào trong nước còn có thể tin họ được. Lực lượng của mấy ông ấy chỉ có cá nhân của họ, còn bao nhiêu đều là rỗng toét, không có gì ngoài hơn là bịp bọm, tôi nói như vậy vì trước hết là lời của một người biết được một số việc ở đất nước mình, nơi mà tôi đang sinh sống vất vả.

Tôi đã nghe nói vế phong trào nầy rồi đến nhân vật khác, tất cả đều chỉ là tin đồn và tin đồn mà thôi. Nếu có gì mới lạ thì chắc chắn là không phải họ làm nên cơm cháo đâu.

Tôi tin rằng mấy chú hiểu tôi và tin rằng tôi nói thật tình với mấy chú. Tôi tin rằng đất nước mình một ngày nào đó, không xa lắm sẽ tự do và hòa bình, và đó là thành quả của anh em ở trong nước chứ không phải do một số người lưu vong làm nên.. Mấy chú cứ tin chắc như vậy, mấy chú sẽ không lầm đâu.

Thôi lời ít nhưng tình thật đậm đà, thăm tất cả anh em mạnh. […] có qua cứ cho tụi nó xem thư nầy. Cảnh giác anh em nghe mấy chú.

Nhớ nhiều



T.B. […] những gì tôi nói với […] có sai không, tôi đã có nói việc đó từ đầu và những gì mình làm chung chỉ có mục đích là không cho ai lợi dụng mình. […..] tôi có gởi thơ thăm cả.

Trần Văn Bá

Sunday, July 1, 2012

Trần Văn Bá Tiểu Sử

anh Trần Văn Bá - ảnh by Admin
Trần Văn Bá
1945 - 1985

nguồn: http://www.tranvanba.org/index.html

Sanh ngày 14 tháng 5 năm 1945 tại Sa Đéc thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, Trần Văn Bá là con thứ 3 trong một gia đình có truyền thống tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ của nước nhà.
Cụ thân sinh, cố dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Văn, suốt đời tranh đấu cho nền tự chủ, và tự do tiến bộ của đất nước, bị ám sát ngày 7 tháng 12, 1966 tại Sàigòn.