Wednesday, August 12, 2015

Bắc Kinh phá giá Nhân Dân Tệ, Ý Nghĩa và Hệ Lụy tới Việt Nam

Khuya Aug. 12, 2015 giờ Saigon: Thư Viện Phạm Văn Thành tổng hợp 2 bài phỏng vấn Kinh Tế Gia Nguyễn-Xuân Nghĩa của Nguyên Lam RFA 2015-08-12 và bài phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh của Nam Nguyên RFA 2015-08-12 nhân sự kiện gây chấn động các thị trường tài chính khi Trung cộng ra tay một chiêu trò mới trong tài chính và tiền tệ: phá giá Nhân Dân Tệ lên tới 4% trong 2 ngày liên tiếp 11 và 12 tháng 8 / 2015



Một Trận Chiến Ngoại Tệ Nữa?

- Nguyễn-Xuân Nghĩa

Hạ giá tiền Việt theo Trung Quốc có tác dụng hai mặt

- Lê Đăng Doanh


Kinh Tế Gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong một chương trình "Giải Ảo" của báo Người Việt April 25, 2015

Một Trận Chiến Ngoại Tệ Nữa?

(bài phỏng vấn Kinh Tế Gia Nguyễn-Xuân Nghĩa của Nguyên Lam RFA 2015-08-12)

Quyết định đột ngột của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh vào sáng Thứ Ba 11 là phá giá đồng bạc tới gần 2%, là mức cao nhất kể từ đầu năm 1994 đã chấn động các thị trường tài chính và nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng các nước lại có thể lâm vào một trận chiến ngoại tệ nữa. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện ấy qua phần trao đổi do Nguyên Lam thực hiện sau đây với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Chiến tranh ngoại tệ, thưa ông Nghĩa, là cái gì vậy? Khi chuẩn bị cho chương trình kỳ này, Nguyên Lam cố tìm hiểu và nhớ rằng vào cuối năm ngoái, diễn đàn này của chúng ta đã có một chương trình về đề tài này khi đồng Mỹ kim thì lên giá mà Nhật Bản ráo riết bơm tiền làm đồng Yen sụt giá mạnh. Khi đó, thế giới cũng nói đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh ngoại tệ. Bây giờ, khi Trung Quốc phá giá đồng Nguyên của họ thì liệu nguy cơ đó có xảy ra không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta nói đến chiến tranh ngoại tệ là khi các quốc gia thi đua phá giá đồng bạc để tiền rẻ hơn thì hàng xuất khẩu cũng rẻ hơn và dễ bán hơn. Với nhiều quốc gia thì đấy là một hình thức cạnh tranh thương mại bất chính bằng khí cụ ngoại hối, là dùng hối suất hay tỷ giá đồng bạc kích thích ngoại thương. Thật ra, hiện tượng này xuất hiện từ năm năm rồi và lâu lâu lại gây hốt hoảng khi có một chính quyền hốt hoảng là điều chúng ta sẽ tìm hiểu kỳ này.

Nguyên Lam: Phải chăng ông hàm ý rằng lãnh đạo Trung Quốc đang có triệu chứng hốt hoảng?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Việc Bắc Kinh ban hành quyết định ấy cho thấy sự hốt hoảng hay bất nhất của họ vì cách nay hai tháng họ cố nâng giá chứ không phải là phá giá để chặn đà tẩu tán tài sản ra ngoài và để về dài thì đồng Nguyên có hy vọng trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến. Ngay sau đó lại bùng nổ vụ cổ phiếu tụt giá khiến họ phải lụp chụp đối phó mà chẳng có phối hợp.

Cái khéo là họ đã chấm cho đồng Nguyên sụt giá mà phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương vẫn bảo rằng đấy là để tuân thủ quy luật của thị trường. Rốt cuộc là họ vẫn nói nước đôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu! - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Thế rồi tuần qua có hai chuyện xảy ra khả dĩ giải thích động thái này. Thứ nhất là xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái, và tình hình kinh tế bị rủi ro suy trầm vì nhập khẩu cũng giảm cùng với chỉ số về đơn đặt hàng chế biến gọi là PMI cũng sa sút. Vì vậy, Bắc Kinh có nhu cầu bơm tiền kích thích kinh tế. Chuyện kia là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa nhận định tuần qua rằng đồng bạc Trung Quốc chưa đủ tiêu chuẩn để trở thành ngoại tệ dự trữ.

- Bắc Kinh có tham vọng đưa đồng Nguyên lên hàng ngoại tệ dự trữ và muốn vậy thì phải dần dần thả nổi cho đồng bạc lên xuống theo quy luật cung cầu chứ không thể bị nhà nước kiểm soát và tự ý can thiệp. Khi kinh tế có dấu hiệu đình đọng mà IMF lại trì hoãn việc chấp nhận đồng Nguyên là ngoại tệ dự trữ thì Bắc Kinh có một cơ hội can thiệp để kích thích xuất khẩu. Cái khéo là họ đã chấm cho đồng Nguyên sụt giá mà phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương vẫn bảo rằng đấy là để tuân thủ quy luật của thị trường. Rốt cuộc là họ vẫn nói nước đôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu!

Nguyên Lam: Quả là chuyện khó hiểu thật. Thưa ông, trước khi ta nói đến các quốc gia khác vì trong một trận chiến ngoại tệ thì phải có nhiều quốc gia, xin đề nghị ông trình bày sơ lược tiến trình ông gọi là chấm giá đồng bạc của Bắc Kinh.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chuyện này hơi phức tạp nên quả thật là ta cần tìm hiểu thêm một chút.

- Thực tế thì Bắc Kinh vẫn dàn giá đồng Nguyên vào Mỹ kim theo một tỷ giá nào đó được công bố sau chín giờ sáng mỗi ngày và người ta được mua bán trong biên độ nhất định là cao hay thấp hơn giá chính thức thí dụ như 1%. Gần đây, Bắc Kinh có mở rộng biên độ ấy lên 2% để gọi là cho giao dịch thoái mái hơn, nhưng thực tế thì họ vẫn chấm giá chính thức và để thị trường tác động trong một khoảng nhất định thôi. Trước đây, họ chấm giá quá thấp nên bị đả kích là cố ghìm giá cho hạ để chiếm lợi thế xuất khẩu. Từ 10 năm nay, họ lặng lẽ để đồng bạc lên giá, từ khoảng tám đồng ăn một Mỹ kim thì chỉ cần sáu đồng, tức là đồng Nguyên tăng giá chừng 25 so với tiền Mỹ. Nhưng về cơ bản thì Bắc Kinh chưa thả nổi cho đồng bạc tự do lên xuống theo quy luật cung cầu mà chỉ căn cứ trên sức ép của thị trường vào ngày hôm trước để chấm giá vào 9:15 sáng hôm sau.

Nguyên Lam: Bây giờ ta mới đi vào chuyện các nước lâm trận chiến ngoại tệ. Ông nói rằng hiện tượng ấy đã xảy ra từ năm năm trước rồi. Thưa ông, sự thể nó diễn tiến ra sao?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Như mọi khi, chúng ta sẽ tìm hiểu về bối cảnh trước.

- Mọi sự khởi đầu vào năm 2008 khi khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Hoa Kỳ dẫn tới nạn Tổng suy trầm trên toàn cầu từ 2008 đến 2009. Sau đó, thật ra tình hình chưa sáng sủa và xứ nào cũng muốn tăng xuất khẩu để tìm lực đẩy cho kinh tế trong khi các nước công nghiệp hóa đều cắt lãi suất xuống sàn, tức là mấp mé số không, và tăng chi tới đỉnh, như trường hợp của Hoa Kỳ.

- Sau đó, Hoa Kỳ còn ba lần dùng phương pháp bất thường là “nâng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing” để bơm thêm mấy ngàn tỷ đô là vào kinh tế. Tiền rẻ với lãi suất hạ khiến Mỹ kim sụt giá so với nhiều ngoại tệ khác và tình trạng đó kéo dài mấy năm nên nhiều nước cũng phải tìm cách hạ giá đồng bạc để khỏi bị mất lợi thế xuất khẩu. Người ta gọi đó là trận chiến ngoại tệ khi mà xứ nào cũng muốn đẩy giá đồng bạc của mình xuống sàn. Ngày 27 Tháng Chín năm 2010, tức là năm năm trước rồi, Tổng trưởng Tài chánh xứ Brazil là kinh tế gia gốc Ý Guido Mantega đã báo động tại São Paulo. Rằng "chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến hối đoái quốc tế khi các nước đều giảm giá đồng bạc. Điều ấy đe dọa sức cạnh tranh của chúng tôi". Xứ Brazil than phiền là họ bị cạnh tranh bất chính vì ngân hàng trung ương của các nước Âu-Mỹ-Nhật, thậm chí Nam Hàn hay Đài Loan đều can thiệp vào thị trường hối đoái để đua nhau phá giá đồng bạc.

Nhưng trong thế giới nhỏ bé này, người ta chưa thể bán hàng lên Sao Hỏa và nếu xứ nào cũng phá giá đồng bạc để xuất khẩu cho dễ thì sẽ chỉ gây thêm biến động và còn phải trả hóa đơn nhập khẩu đắt hơn - Nguyễn-Xuân Nghĩa

- Chuyện chiến tranh ngoại tệ hay hối đoái xuất phát từ đó. Nó tăng cường độ khi đến lượt Nhật Bản cũng ào ạt bơm tiền cứu nguy kinh tế sau khi ông Shinzo Abe đắc cử Thủ tướng vào cuối năm 2012. Bây giờ thì đến lượt Trung Quốc với nền kinh tế đứng hạng thứ nhì sau Mỹ và trước Nhật.


Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, từ cuối năm ngoái thì đô la Mỹ đã tăng vọt so với các ngoại tệ kia chứ không sụt như các nước than phiền năm năm trước. Qua tháng tới, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể nâng lãi suất cơ bản khiến Mỹ kim còn tăng giá mạnh hơn nữa. Như vậy Hoa Kỳ có can dự gì vào trận chiến ngoại hối này?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ thành nạn nhân của sự thành công. Tình hình kinh tế Mỹ thật ra chưa sáng sủa mà vẫn là khá nhất trong khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật và đô la hết sụt giá sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo từ Tháng Năm năm 2012 là sẽ “vót nhọn” chính sách tiền tệ là bớt dần biện pháp bơm tiền rồi có ngày tăng lãi suất để trở về trạng thái bình thường. Khi ấy, các nước lại than rằng đô la lên giá sẽ làm thị trường của họ rúng động!

- Nếu tính tròn cho dễ nhớ, sản lượng kinh tế Hoa Kỳ là gần 18 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 22% sản lượng thế giới. Đến 70% của sản lượng này là tiêu thụ, tương đương với khoảng 12 ngàn 500 tỷ. Trong số tiêu thụ đến hơn 12 ngàn tỷ ấy, chỉ có chừng 12% là nhập khẩu, phần còn lại là do thị trường nội địa sản xuất lấy. Phần nhập khẩu trị giá 1.500 tỷ lại là nguồn sống của nhiều quốc gia muốn bán hàng cho Mỹ. Đứng đầu trong số này là Tầu, Nhật và Đức, ba nền kinh tế lệ thuộc mạnh vào xuất cảng. Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 19% số xuất cảng của Trung Quốc, gần 18% xuất cảng của Nhật và 9% của Đức, một đầu máy của nền kinh tế èo uột tại Âu Châu. Cho nên, chính Hoa Kỳ ngày nay mới là nguồn hy vọng cho các nước.

- Nhưng trong thế giới nhỏ bé này, người ta chưa thể bán hàng lên Sao Hỏa và nếu xứ nào cũng phá giá đồng bạc để xuất khẩu cho dễ thì sẽ chỉ gây thêm biến động và còn phải trả hóa đơn nhập khẩu đắt hơn.

Nguyên Lam: Để thực hiện chương trình này, Nguyên Lam cũng coi lại loạt bài tổng kết cuối năm của ông về tình hình kinh tế năm 2014 với nhiều dự báo cho năm nay. Đầu Tháng 12 năm ngoái, ông có nhận định – xin trích nguyên văn – “Nói về các chuyển động lớn thì sau bảy năm ứng phó của ngần ấy khối kinh tế, Hoa Kỳ tưởng như là thủ phạm của mọi vấn đề cho nhân loại lại phục hồi tương đối khá hơn cả nếu so với Âu Châu và Nhật Bản. Một hậu quả sẽ có ảnh hưởng toàn cầu là đồng Mỹ kim đã và sẽ lên giá trong thời gian tới nếu so với các ngoại tệ mạnh khác. Ngược lại, vì các khối kinh tế kia chưa ra khỏi khó khăn nên tiếp tục kích thích bằng biện pháp tiền tệ và tín dụng, như bơm tiền và hạ lãi suất, khiến đồng bạc của họ càng mất giá so với tiền Mỹ. Đó là trường hợp Nhật Bản, Âu Châu, Trung Quốc, Nam Hàn, Singapore hay Thái Lan, v.v... Kết quả là trong năm 2015, chúng ta sẽ chứng kiến điều mà diễn đàn này đã phân tích vào tuần trước, là một trận chiến về ngoại tệ và Việt Nam sẽ lâm vào hoàn cảnh vừa trái chiều vừa có nhiều biến động ngoại hối.” Thưa ông, dự báo này đang xảy ra và tương lai rồi sẽ ra sao?

Về dự báo thì tôi e là thế giới còn có thể bị nạn tổng suy trầm trong thời gian tới, kể cả Hoa Kỳ, chưa nói gì đến Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước Âu Châu vốn dĩ chưa ra khỏi vụ khủng hoảng của khối Euro. Dù quyết định của Bắc Kinh được thông báo là “chỉ có một lần” thật ra sẽ còn tiếp tục - Nguyễn-Xuân Nghĩa


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Nói chung, từ năm ngoái rồi, tôi không mấy lạc quan về viễn ảnh kinh tế toàn cầu vào năm nay và bây giờ mình thấy ra nhiều cố gắng tuyệt vọng của Trung Quốc mà vẫn khó thoát khỏi suy trầm. Khi nền kinh tế hạng nhì thế giới mà lao đao như vậy thì các nước bán nguyên nhiên vật liệu cho Tầu đều sẽ điêu đứng và việc phá giá đồng bạc chẳng giải quyết được vấn đề mà còn gây thêm nhiều biến động trong các nước đang phát triển.

- Nói tiếp về dự báo thì tôi e là thế giới còn có thể bị nạn tổng suy trầm trong thời gian tới, kể cả Hoa Kỳ, chưa nói gì đến Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước Âu Châu vốn dĩ chưa ra khỏi vụ khủng hoảng của khối Euro. Dù quyết định của Bắc Kinh được thông báo là “chỉ có một lần” thật ra sẽ còn tiếp tục, như nhiều khó khăn khác cũng chỉ gia tăng. Có khi chúng ta đang bước vào một thời kỳ giảm phát chung, là dù hàng họ xuống giá thì vẫn bán không chạy và thất nghiệp sẽ tăng.

Nguyên Lam: Một câu hỏi chót thưa ông, trong khung cảnh của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gọi là TPP thì Quốc hội Mỹ đã cài vào đạo luật cho Hành pháp quyền đàm phán theo thủ tục nhanh gọn một điều kiện là cấm các nước không được “lũng đoạn ngoại hối”, là phá giá đồng bạc để cạnh tranh bất chính. Việc Bắc Kinh vừa phá giá đồng bạc có thuộc diện ấy không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng đấy là quyết định ngớ ngẩn của Quốc hội Mỹ vì hai lẽ. Thứ nhất, Trung Quốc không là một trong 12 nước tham gia vòng đàm phán TPP. Thứ hai, cùng lắm thì chỉ có Nhật Bản là quốc gia đang áp dụng biện pháp bơm tiền là “quantitative easing” để kích thích kinh tế. Mà đấy cũng là biện pháp Hoa Kỳ đã thi hành ba đợt trong năm năm qua.

- Chuyện ta nên theo dõi là Ngân hàng Trung ương Mỹ có nâng lãi suất vào tháng tới không vì trong khi các nước đều sẽ ào ạt hạ lãi suất hay phá giá đồng bạc thì quyết định trái chiều của Mỹ sẽ càng làm đô la lên giá tức là nhất thời gây thêm khó khăn cho Hoa Kỳ, chưa kể là làm các nước lỡ dại vay tiền Mỹ khi đô la còn rẻ sẽ trả nợ đắt hơn và đấy cũng là một vấn đề!

Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.


* * *

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Hạ giá tiền Việt theo Trung Quốc có tác dụng hai mặt

(bài phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh của Nam Nguyên RFA 2015-08-12)

-TS Lê Đăng Doanh nhận định về cuộc chiến tiền tệ mà VN đang đối mặt

Ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân Dân Tệ tổng cộng gần 4% trong hai ngày liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 12/8/2015 cũng quyết định hạ giá tiền Đồng bằng cách tăng gấp đôi biên độ tỷ giá USD/VNĐ từ 1% lên 2%. Điều này đồng nghĩa với việc giá mua bán USD của các ngân hàng có thể đưa lên mức cao nhất là 22.106 đồng/ một USD. Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá hai lần vào tháng 1 và tháng 5 tổng cộng 2%.

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội về cuộc chiến tranh tiền tệ mà Việt Nam đang đối mặt. Từ Hà Nội, trước hết TS Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định:


TS Lê Đăng Doanh: Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ của tỷ giá thêm 1% nữa và đó là biện pháp kịp thời năng động của Ngân hàng Nhà nước trước việc Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% và sáng nay (12/8) họ lại phá giá tiếp 1,6% nữa.

Biện pháp đó của Việt Nam là biện pháp cần thiết vì Việt Nam xuất và nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc rất là lớn đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chắc chắn việc phá giá đồng bạc Trung Quốc sẽ tác động khá mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam. Việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn. - TS Lê Đăng Doanh, Hà Nội

Cho nên chắc chắn việc phá giá đồng bạc Trung Quốc sẽ tác động khá mạnh đến cán cân thương mại của Việt Nam. Việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn, bởi vì hàng hóa của Việt Nam sẽ đắt lên 4% và điều này sẽ có tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá thành mới có thể xuất khẩu được, bởi vì phía nhập khẩu Trung Quốc sẽ không sẵn sàng để nâng giá bán lên theo mức độ như vậy. Còn về hàng nhập khẩu thì Việt Nam phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, mỗi khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá điều chỉnh biên độ thì ở nước ngoài gọi là phá giá, hạ giá. Như vậy từ đầu năm đến nay Việt Nam coi như đã phá giá tiền đồng 4%. Thưa hiểu như vậy có đúng không?

TS Lê Đăng Doanh: Không, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ có điều chỉnh tỷ giá 2%, còn bây giờ thì nới cái biên độ ra và tùy theo các ngân hàng thương mại họ muốn nới lên hay muốn giữ thì tùy họ. Chứ không phải là chính thức phá giá, một biện pháp để mở rộng biên độ trao đổi tiền tệ và cho phép các ngân hàng thương mại có thể phản ứng một cách linh hoạt hơn.

Về nhập khẩu, Việt Nam phải tăng cường chống buôn lậu mới có thể đối phó với làn sóng hàng hóa rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam. - TS Lê Đăng Doanh, Hà Nội

Về mặt thực tế thì nó cũng tương đương như việc phá giá đồng bạc thêm 1% nữa, nhưng mà đấy là biện pháp có tính chất linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt nam.

Tôi cũng xin lưu ý rằng biện pháp này chắc chắn sẽ làm cho tăng thêm chi phí để trả nợ công vì nợ công của Việt Nam được trả bằng đồng Đô La và nếu như điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ như thế này thì nợ công sẽ tăng thêm nữa.

Nam Nguyên: Như Tiến sĩ vừa nói thì Việt Nam có biện pháp điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ để đối phó với việc Trung Quốc phá giá tiền. Kinh tế Việt lệ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc, Trung Quốc là bạn hàng rất lớn của Việt Nam. Vậy thì ngoài việc điều chỉnh tỷ giá nới biên độ, chống buôn lậu thì Việt Nam còn có thể làm gì khác hơn nữa?

TS Lê Đăng Doanh: Sẽ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 12/3/2015 để nâng cao năng lực cạnh tranh; các cơ quan nhà nước phải giảm các thủ tục phiền hà, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, để cho các doanh nghiệp có thể giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến sống còn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan nhà nước, của mỗi một viên chức cũng như là của tất cả các doanh nghiệp.

Nam Nguyên: Thông tin cũng nói là chuyện Trung Quốc phá giá tiền sẽ gây ra một vòng luẩn quẩn, nhiều nước trong đó có Việt Nam cũng đều hạ giá đồng tiền của mình để đối phó. Thưa Tiến sĩ nhận định gì về chuyện này?

TS Lê Đăng Doanh: Rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một cuộc chiến tarnh tiền tệ và tôi nghĩ rằng đây là bắt đầu của vòng xoáy, còn vòng xoáy ấy sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ được gì, sẽ mất gì thì điều đó còn phải có thời gian để tính toán xem xét.

Rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu khởi động một cuộc chiến tarnh tiền tệ và chắc chắn thị trường tài chính thế giới sẽ có biến động và phản ứng không lường trước được. - TS Lê Đăng Doanh, Hà Nội

Tôi thấy rằng, chắc chắn thị trường tài chính thế giới sẽ có biến động và sẽ có phản ứng trước tình hình mà mọi người không lường trước được là trong hai ngày liên tiếp Trung Quốc đã phá giá đồng bạc hai lần.

Nam Nguyên: Thưa. Về ý kiến cho rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát vào Hoa Kỳ và các nước khác. Tiến sĩ nhận định gì?

TS Lê Đăng Doanh: Về việc Trung Quốc xuất khẩu lạm phát thì đấy là một cách nói. Bởi vì Trung Quốc phá giá đồng bạc thì các đồng tiền khác cũng phải có điều chỉnh theo, chứ nếu không thì họ bị thiệt quá.

Còn về thực chất thì Trung Quốc 6 tháng vừa qua đã có giảm lượng xuất khẩu tới 8,3%, cho nên Trung Quốc phải có biện pháp để duy trì xuất khẩu nếu không thì họ sẽ mất công ăn việc làm và nếu không có thì sản xuất trong nước của họ sẽ bị ngưng trệ và đấy là điều mà Trung Quốc đang muốn tránh.

Nam Nguyên: Xin phép được hỏi câu chót, thưa bản thân Tiến sĩ có ngạc nhiên với những quyết định mau lẹ dồn dập của Trung Quốc hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi thực tình lấy làm bất ngờ, phản ứng ngày đầu tiên thì tôi không bất ngờ lắm và tôi nghĩ họ sẽ làm sau khi xuất khẩu của họ bị giảm như vậy. Nhưng mà họ làm đến ngày thứ hai liên tiếp thì tôi thấy hơi ngạc nhiên.

Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã trả lời Đài RFA.



-

2 comments:

  1. Tin Cập Nhật - Tin BBCVietnames 5:30 PM, Aug 13, 2015

    Trung Quốc phá giá tiền có động cơ chính trị?

    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không lường trước được việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong ba ngày liên tiếp, giới chuyên gia nhận định.

    Hôm 13/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với đôla xuống thêm 1,1%.
    Mức giảm này thấp hơn hai mức 1,9% và 1,6% trong hai ngày 11 và 12/8.
    Những ngày qua, nhiều ý kiến đã cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi cho một 'cuộc chiến tiền tệ' trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia châu Á bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
    "Tôi nghĩ là cần xét đến động cơ chính trị của động thái này," ông Christian de Guzman, chuyên gia phân tích từ hãng đánh giá tín dụng Moody's, nói với BBC ngày 13/8.
    "Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang xem xét đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR)".
    "Việc cho phép các tác nhân thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc xác định tỷ giá hối đoái rõ ràng là sẽ có lợi cho Trung Quốc trong vấn đề này".

    Việt Nam bất ngờ?

    Ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP
    Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi đầu năm nay đã thông báo sẽ không điều chỉnh tỷ giá VND/USD nhiều hơn 2% trong năm 2015.
    Tuy nhiên cơ quan này đã phá giá VND hai lần vào nửa đầu năm nay do đồng đôla tăng giá.
    Đến ngày 12/8, ngân hàng trung ương của Việt Nam thông báo mở rộng biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% để đáp lại việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
    "Có lẽ phía Việt Nam không ngờ Trung Quốc sẽ phá giá liên tiếp nhiều ngày như vậy", ông Kevin Snowball, giám đốc điều hành Quỹ Tài sản PXP, nói với BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày.
    "Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói sẽ không hạ tỷ giá quá một mức nào đó có nghĩa là họ tự nhận đã biết hết những gì sẽ xảy ra trên thế giới từ đây tới cuối năm".
    "Kiểu nói một đằng nhưng lại làm một nẻo không phải là điều gây tác động tích cực lên thị trường."
    "Có lẽ trong tương lai Việt Nam nên tránh đưa ra những tuyên bố chắc chắn như vậy", ông nói.
    Một ý kiến khác của Kinh tế gia Lê Đăng Doanh thì cho rằng "việc ấn định một mức tỷ giá có tính chất kế hoạch hóa cho cả năm là cách tiếp cận hết sức đáng bàn cãi".
    "Nền kinh tế thế giới hết sức biến động, tỷ giá biến động, đồng đôla lên giá, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại ấn định ngay từ đầu là điều chỉnh tỷ giá có 2% thôi."
    "Căn cứ nào để có thể quyết định cứng nhắc như vậy, theo tôi đó là vấn đề còn gây bàn cãi", ông nói.

    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  2. Tiếp theo

    'Phản ứng phù hợp'

    Dù cho rằng việc ấn định kế hoạch điều chỉnh tỷ giá cần linh hoạt hơn, các chuyên gia trả lời phỏng vấn BBC ngày 13/8 đều cho rằng động thái mở rộng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt nam là một quyết định phù hợp.
    "Tôi nghĩ có hai mặt của vấn đề", ông Guzman nhận định.
    "Một mặt, Việt Nam vẫn phải đảm bảo cho tính cạnh tranh của ngành xuất khẩu, không những chỉ với Trung Quốc mà còn nhiều nước khác".
    "Mặt khác, họ cũng cần đảm bảo niềm tin của thị trường vào VND. Vì vậy, việc nới biên độ thay vì phá giá đồng nội tệ là một phản ứng phù hợp".
    Ông Snowball thì cho rằng động thái này "cho thấy sự tự tin" của phía Việt Nam.
    "Họ mở rộng biên độ tỷ giá thay vì phá giá tiền tệ vì cho quyết định phá giá của Trung Quốc sẽ không gây thiệt hại lớn cho Việt Nam", ông nói.
    Trong khi đó, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói "việc nới biên độ tỷ giá +/- 1%, có thể giảm nhưng cũng có thể tăng nếu tình hình thay đổi, là quyết định có tính thị trường hơn là có tính hành chính."
    Tuy nhiên, ông Doanh cũng dẫn một số nghiên cứu cho biết ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể phá giá đồng nhân dân tệ đến 10% trong năm nay.
    "So với đồng đôla, đồng yên và đồng euro thì việc đồng nhân dân tệ giảm thêm nữa là điều có thể chấp nhận được", ông nói.
    "Lúc đó phản ứng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thế nào thì sẽ còn là một vấn đề phải xem xét".

    'Thêm phụ thuộc vào Trung Quốc'

    Giới chuyên gia tỏ ra không thống nhất về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ đối với nền kinh tế Việt Nam.
    "Việt Nam là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Trung Quốc và rất nhiều các nhà máy đã đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam", ông Snowball cho biết.
    "Tôi không nghĩ việc hạ giá đồng nhân dân tệ sẽ làm thay đổi điều đó".
    "Việc Việt Nam hạ tỷ giá 1-2% cũng sẽ giúp tăng thu nhập tương ứng từ xuất khẩu, nhờ nhập khẩu vật liệu từ Trung Quốc rẻ hơn", ông nói.
    Ông Guzman thì cho rằng "ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không có nhiều sự cạnh tranh trực tiếp giữa việt Nam và Trung Quốc, nhất là khi xét đến áp lực về giá lao động tại Trung Quốc".
    "Bất chấp việc phá giá đồng nhân dân tệ, Việt Nam sẽ không phải chịu thêm sự cạnh tranh ở các ngành xuất khẩu giá trị gia tăng thấp như giày dép, hàng may mặc, đồ điện tử, nội thất", ông nói.
    Tuy nhiên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng nếu "đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì đó sẽ là một sức ép rất lớn".
    "Nếu giá nhập khẩu Trung Quốc giảm đi thì ngành dệt may của Việt Nam sẽ có lợi ở trước mắt vì chi phí vật liệu thấp hơn", ông nói.
    "Nhưng hàng dệt may của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc hay xuất sang nước thứ ba thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc".
    "Thứ hai là nhập khẩu nhiều hơn nữa của Trung Quốc thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Trung Quốc. Đó là bài toán về kinh tế vĩ mô và an ninh kinh tế mà chúng ta không thể xem thường".
    Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 12/8, ông Trần Thanh Phong, một chuyên gia chứng khoán trong nước, cũng cảnh báo về tình trạng gia tăng nhập siêu từ Trung Quốc tại Việt Nam nếu Bắc Kinh tiếp tục phá giá đồng nội tệ.
    "Về mặt nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, và nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu hơn thì trong tương lai vấn đề nhập siêu sẽ nghiêm trọng hơn nữa," ông nói.
    "12 năm trước Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của họ, tính đến quý 1 năm nay thì Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc và đây là điều rất đáng lo ngại," ông nói.

    ReplyDelete