Cho Tôi Sống Lại Một Ngày
Hiến Lễ Mùa Thơ
Hồ Trường An
nhà văn Hồ Trường An (trái) và anh Phạm Văn Thành, Troyes, Fr., January 9, 2015 |
Đôi Lời Tri Âm
Thơ văn yêu nước là một mạch ngầm trong huyết-quản của người Việt, khi thì biểu-hiện dưới những hình ảnh hiền hòa như gắn bó với lũy tre xanh, con trâu ăn cỏ ngoài đồng (“Trâu ơi, ta bảo trâu này / Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”) hay “chùm khế ngọt” của Đỗ Trung Quân, khi thì ác-liệt như thơ Phan Bội Châu hay hùng tráng như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Đại Vương, thậm chí đến cả Tuyên-ngôn Độc-lập đầu tiên của nước ta, bài “Nam-quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, cũng là một bài thơ.
Nhưng người Việt không chỉ làm thơ khi đất nước lâm nguy.
Từ “Hãy cảnh giác với Bắc-triều” của Lê Chí Quang đến “Tàu khựa, hãy cút đi!” của Nguyễn Phương Uyên hay “Việt-nam tôi đâu?” của Việt Khang, tuổi trẻ Việt-nam đã đứng lên theo gương Trần Quốc Toản, đi trước cả thế-hệ để chỉ đường cho lẽ sống còn của đất nước và dân-tộc.
Cảm-động trước những gương tranh đấu ngày càng đông đảo ở trong nước, từ những lãnh-tụ tôn-giáo đến các trí-thức, gốc miền Nam như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đan Quế hay gốc miền Bắc như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, thậm chí cả gốc bộ đội như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải...,nhà văn Hồ Trường An đã bật lên tiếng thơ thống thiết kêu gọi lương-tri và đoàn-kết dân-tộc.
Ở hải-ngoại, anh không tham-gia được các phong trào đấu tranh trong nước nên vịnh các gương tranh đấu dũng liệt, mà thơ vịnh các gương anh-hùng cũng là một truyền-thống lâu đời của văn-học Việt-nam, có ít nhất từ thế-kỷ XV.
Thành thử với tập thơ này, tập thơ thứ ba của Hồ Trường An, "Cho Tôi Sống Lại Một Ngày", anh đã đi trở về trong lòng dân-tộc, chia sẻ những đau buồn khốc-liệt của quê hương nhưng cũng lên cao với những tâm-hồn cao thượng của 90 triệu con dân Việt ở quốc-nội.
NGUYỄN NGỌC BÍCH
Khu Đồng Xuân
Tiểu-bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Ngày 17 tháng 3, 2015
Khu Đồng Xuân
Tiểu-bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Ngày 17 tháng 3, 2015
Khai Từ
Giữa mùa man mác sơ thu
Bàng hoàng tiếng thét ngục tù xa khơi.
Núi sông rách nát tơi bời
Ai người đứng dậy đem lời hiên ngang.
Phá tan chủ nghĩa dối gian
Đem về chính khí huy hoàng đó đây.
Bao phen oằn oại vũng lầy
Những người tâm huyết tới ngày đấu tranh.
Thiếu niên nối gót đàn anh
Đạp bừa gai góc tung hoành thênh thang.
Bước đi lắm kẻ bàng hoàng
Là đây giai đoạn vẻ vang nước nhà.
Hoan ca vùi lấp bi ca
Nơi nơi đồng vọng tiếng loa quật cường.
Hòa Thượng Thích Quảng Độ (bìa trái) trong 1 "phiên tòa" của cộng sản ở Saigon, 1995 |
Đệ Ngũ Tăng Thống
Thích Quảng Độ
Ngài sống trong cảnh nồi da xáo thịt
Chính trị nước nhà gặp buổi qua phân
Phật giáo kia cũng chịu gánh căn phần
Ấn Quang đối đầu Việt Nam Quốc Tự.
Kết hợp Phật giáo, lòng bền gìn giữ
Và ôn hòa trong tín ngưỡng đấu tranh
Nắng đầu hè gay gắt hóa mưa lành
Lòng ngọc khiết băng thanh đưa bước tiến.
Lá bối xanh tươi dù trải qua dâu biển
Vẫn còn đây trong hàng ngũ tín đồ
Và ngục tù trong thế yếu thân cô
Góp manh mún thành bức tường vĩ đại.
Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất còn mãi
Sáng tâm linh và bát ngát khói hương
Lấy hận thù biến hóa rộng tình thương.
Biến độc dược hóa thành dòng sương ngọt.
Bi trí dũng kia sẽ hóa thành bèo bọt
Nếu thoái lui hay chùn bước liệt oanh
Tâm từ bi cộng với tấc lòng thành
Sẽ biến đổi pháp trường ra ngự uyển.
Đã bao lần giải Nobel thỉnh nguyện
Trao cho người ôi sứ giả hòa bình
Trong thâm tâm ngài xem nhẹ quang vinh
Cứ đi mút con đường từng đã chọn.
Và bao người biến tâm tư hèn mọn
Thành hoa sen lớp lớp trắng chen hồng
Dẹp con đường mìn bẫy với gai chông
Thành xa lộ cho bánh xe lịch sử.
* * * * *
Linh Mục Thadeus Nguyễn Văn Lý trong phiên tòa cộng sản bịt miệng ở Huế tháng 3/2007 |
Linh Mục Thadeus
Nguyễn Văn Lý
Người sống mãi trong vinh quang Đức Chúa
Và huy hoàng trong bác ái mênh mông
Có tự do, có dẹp bỏ gai chông
Đem ngày đẹp dưới khung trời sáng tỏ.
Ôi nước nhà trong cực hình nghèo khó
Đường quanh co lầy lụa bãi tha ma
Kẻ thanh xuân đắng chát mặt tuổi già
Trong tay Đảng, pháp trị thành Đảng trị.
Nỗi bất công trong bàn tay phù thủy
Mầm tự do trong lòng nẩy tiềm sinh
Soi tâm tư trong ngang trái bất bình
Người trọn vẹn hiến dâng lên Thiên Chúa.
Ngẩng mặt lên, lòng nấu nung ngọn lửa
Đức hy sinh nâng nhiệm vụ lên cao
Người cứ đi lòng phơi phới tự hào
Sáng lạn Chúa trong trần gian bao thuở.
Trước phiên tòa người toan lời tỏ rõ
Công an bịt mồm không cho nói thiệt hơn
Vận sự nầy gây xúc động căm hờn
Cho dân tộc, cho bao người ngoại quốc.
Ôi bức ảnh nói lên bao sự thật
Của quan tòa Cộng sản bịp lừa dân
Đâu tự do ngôn luận kẻ vô thần
Ôi tấm ảnh lột trần ra chân lý.
Chập chờn hiện một mùa xuân hoan hỉ
Nhớ ngày nào lễ Thánh Mẫu La Vang
Cuộc hành hương chiên Thiên Chúa vầy đoàn
Công an chận không cho người hành lễ.
Không giáo đường, không tìm nơi tập thể
Người đọc kinh, hát nhạc thánh giữa đường
Mặc ngày mai trong cuộc sống nhiễu nhương
Người dấn bước đi theo đường lẽ phải.
Người sống năm xưa tại làng duyên hải
Máy vi tính mua về tặng trẻ con
Dạy chúng xử dụng được vuông tròn
Không phân biệt là lương hay là giáo.
Trái tim hồng ngọc, trái tim quý báu
Hai lần vào ngục thất, mới vừa ra
Khám đường tối giam hãm lần thứ ba
Thân xác tả tơi không phai chí lớn
Tượng trưng Chúa, con xin được chọn
Ôi trắng ngần hoa huệ đượm sương mai
Không vết chim dấu bướm đến bao ngày
Lòng tinh khiết như nước nguồn trong vắt.
Ơi Đảng Cộng gây lý do kỳ hoặc
Giam hãm dân, đè bẹp chí hiên ngang
Biết ngày nào Linh Mục được hoàn toàn
Hành động theo những lời Chúa phán
* * * * *
Phạm Văn Thành, Paris 2014 |
Phạm Anh Dũng
Phạm Văn Thành
Thuở đó có chàng trai xuất ngoại
Mong đem tài trí giúp quê hương
Giang sơn gặp thưở bao tai biến
Hải ngoại ngùi trông cảnh hí trường.
Vợ anh người Pháp, dân da trắng
Biết trưởng chí chồng, không phôi pha
Những cuộc biểu tình dành chống Cộng
Dự phần chị góp mặt dân ta.
Chiếc áo dài Việt Nam truyền thống
Chị mặc vào, ôi dáng thướt tha
Biểu hiệu yêu chồng lòng quả cảm
Lòng nở cờ vàng, dạ nở hoa.
Anh Dũng trở về dân nước Việt
Chủ trương hùng khí hội Đông Xuân
Tìm bạn chung lòng chung chí hướng
Gây rối chánh quyền bạc đãi dân.
Ngờ đâu phe đảng Hoàng Cơ Minh
Ganh tị tranh đua dạ bất bình
Tiết lộ bước đường người nghĩa sĩ
Khiến anh sa bẫy bọn yêu tinh.
Trước tòa phúc thẩm và sơ thẩm
Lãnh án hai mươi năm chịu ngục hình.
Nhưng sáu năm lưu đày khắc khổ
Thả anh về trong ánh sáng bình minh.
Sum hiệp với gia đình mãi đợi chờ
Vẫn vui vợ đẹp với con thơ
Vẫn say hào khí gương anh dũng
Tranh đấu nhân quyền luống ước mơ.
Soi gương cho kẻ tù yêu nước
Được tự do và theo bước anh đi
Người hỡi lòng tôi thôi giá buốt
Trong mơ phảng phất bóng quân kỳ.
Đàn em hay bạn đồng chung cảnh
Này Phạm Văn Thành mới lớn khôn
Tuổi mộng hoa niên thời khốn khổ
Giang sơn nhuộm đỏ bởi loài Chồn.
Vượt biên tìm một quê hương mới
Phi-Luật-Tân xưa ghé bến thuyền
Đất Pháp xem như nơi tạm trú
Để anh thực hiện mộng hoa niên.
Phong Trào Tranh Đấu Liên Tôn ấy
Là bước đầu tiên, bước vẫy vùng
Bước kế tìm ai chung chí hướng
Những ai thấm thía nỗi đau chung.
Cùng nhau gây rối nền cai trị
Chọi lũ tham tàn ức hiếp dân
Ganh ghét Việt Tân liền thóc mách
Đặt Thành trong bẫy kẻ vô thần.
Sáu năm tù ấy bao gian khổ
Chịu cảnh lao lung, ngóng tự do
Để Thành tiếp tục bền tranh đấu
Vẫy lộng cờ vàng bay phất phơ.
Bao năm chân bước nơi Âu Mỹ
Thành quả tuy nhiều vẫn ước mong
Đánh thức những ai vô cảm cũ
Niềm đau tổ quốc rợp cờ hồng.
Ngóng nhìn những kẻ uy hùng ấy
Nhiệt huyết tôi sôi với tháng ngày
Tương lai, viễn ảnh bừng hoa nở
Trong cõi bình minh nhuộm nắng mai.
Tôi bốn mươi năm phai tuổi lính
Mịt mờ kỷ niệm chốn thao trường
Quên luôn bằng hữu, quên thân thế
Quên cả cơ đồ xây máu xương.
Viết những vần thơ người dũng cảm
Để không xấu hổ một công dân
Để còn kể chuyện cho con cháu
Những bước thiêng liêng của giống giòng.
* * * * *
Thi sĩ/Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, Canberra 2009 |
Nguyễn Chí Thiện
Chàng trai ấy vừa vào hai mươi tuổi
Biết rằng Phát-xít Nhật phải đầu hàng
Vì bom nguyên tử do cường quốc Mỹ bang
Dội tan mộng xâm lăng Đông Nam Á.
Anh dạy học, ghét những lời dối trá
Mà Cộng quân đầu độc óc học sinh
Họ bảo rằng Mỹ chẳng có công trình
Đánh thắng Nhật, chính Nga Tàu can thiệp.
Vì ghét Cộng nói những lời lừa bịp
Anh đem lời ngay thẳng dạy trẻ em
Nhà nước Cộng đê tiện với đê hèn
Giam Chí Thiện trong Cổng Trời ngục thất
Đây địa ngục kẻ nói lên sự thật
Lý Bá Sơ, Trại Đầm Đùn, Hỏa Lò
Cùng Cổng Trời giam kẻ dám gào to
Lũ bịp bợm đè lên người chí lớn.
Rồi Miền Nam nước nhà thêm đau đớn
Sa vào tay nha trảo của con Chồn
Tuy tuổi đời chưa nắng xế hoàng hôn
Còn năng lực ta vẫn còn hành động.
Anh viết thư kèm theo thơ tố Cộng
Can đảm quăng vào Tòa Đại Sứ Anh
Anh bị đày thêm vào chốn ngục hình
Không biết bao giờ được tòa xử án.
Trong ngục thất, anh ghi thơ tản mạn
Tuy không bằng bút mực, giấy trinh nguyên
Vẫn ghi thơ bằng ký ức vẹn tuyền
Trăm thi phẩm chói lòa lòng yêu nước.
Phóng thích hay ngục tù sau trước
Tấm lòng son mãi mãi vẫn trường tồn
Mỹ quốc kia thấu rõ hết nguồn cơn
Can thiệp giúp anh khỏi vòng lao lý.
Thơ tố Cộng của anh không ấu trĩ
Chân thật phơi bày phường lũ điêu ngoa
Bằng nhiệt tâm nhiệt huyết chẳng phôi pha
Bằng tâm sự của người thương vận nước.
Bao kiều bào phải bàng hoàng cảm xúc
Dân ngoại bang không ngăn nỗi bất bình
Anh sáng ngời lòng siêu việt tinh anh
Giữa nguy hiểm dám nói lời khí khái.
Hoa Địa Ngục tựa tập thơ trang trải
Những nhục nhằn của đất nước lầm than
Sự thật tầy trời dân Âu Mỹ bàng hoàng
Thơ anh được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Thơ anh làm bao kiều bào xao xuyến
Yêu quê hương, yêu nòi giống xót xa
Hãnh diện đây những phần thưởng chói lòa
Của văn hóa Tây Âu lòng ái kính.
Ôi vinh quang nhưng xác thân nhiều bịnh
Vẫn hiên ngang như lục trúc thanh tùng
Thách đông về, giá rét vẫn không run
Mỹ quốc, Âu Châu đi khắp nơi diễn thuyết.
Nhưng rồi đấy trước hành lang cõi chết
Vẫn băn khoăn đất nước chửa thay cờ
Trong hôn mê thấy cờ đỏ xác xơ
Tai văng vẳng tiếng reo hò chúng bạn.
* * * * *
ảnh Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt trên trang Global Museum on Communist-ảnh chụp giao diện http://www.globalmuseumoncommunism.org/ tháng 9/2014 by Admin |
Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt
Tôi gửi người xa cách đại dương
Tri ân từ thuở mấy năm trường
Khi người bị nhốt vào lao lý
Dân tộc ngậm ngùi bao mến thương.
Cộng sản e dè dân trí thức
Hiểu hành vi bọn chúng gian tham
Cơ đồ chúng sẽ lung lay đổ
Nên rắc bạo quyền khắp Việt Nam.
Ai đọc quyển Nho Lâm Ngoại Sử
Ông Ngô Kính Tử chống tham quan
Rặt phường khoa bảng không tài đức
Dù chiếm bia son với bản vàng.
Ông Đoàn Viết Hoạt không như thế
Kẻ sĩ là đây lúc nhiễu nhương
Khoa bảng có tim và có óc
Trước thềm bạo lực vẫn can trường
Tội chống tham tàn của Cộng quân
Mười hai năm lẻ chịu giam cầm
Tự do chưa được bao lâu đã
Khởi chí anh hùng, chẳng nín câm.
Nhà nước rêu rao trong hiến pháp
Thực thi cởi trói cho lê dân
Nhưng kỳ thật cho ta ăn bánh vẽ
Chà đạp muôn dân chẳng ngại ngần.
Diễn Đàn Tự Do đòi công lý
Làm bọn quốc thù phải ngửa nghiêng
Họ bắt Đoàn gia giam ngục thất
Nhưng ông vẫn vững trước cường quyền.
Kêu án hai mươi năm tù ngục
Thế rồi cường quốc giúp cho ông
Năm năm trong cõi giam đen tối
Kẻ sĩ thành chim được xổ lồng.
Đời đẹp vẫn nhờ bao giải thưởng
Nầy đây Cây Bút Vàng Tự Do
Và nhiều giải thưởng bên Âu Mỹ
Bao nhiêu ưu ái đã dành cho.
Thời gian tịnh dưỡng sao mà ngắn
Tìm kẻ đồng tâm giữa kiều bào
Gây lực lượng cho dân ngoại quốc
Giúp cho dân Việt tiếng kêu gào.
Giang sơn còn giữa bàn tay máu
Còn chí phục thù vẫn đấu tranh
Còn có thủ đô Hà Nội, Huế
Còn thời niên thiếu ở Sài Thành.
Lòng bác ái trời xanh bát ngát
Tâm tư trải khắp chốn quê hương
Và hồn liệt sĩ, hồn dân tộc
Cùng dõi theo người bao mến thương.
* * * * *
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế |
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Ngô quân sinh trưởng đất Thăng Long
Bến Hải chia đôi giống Lạc Hồng
Nam Bắc hai miền thương chủng tộc
Trong lòng dâu biển trải mênh mông.
Thành phố Sài Gòn anh lớn khôn
Nhìn chung quanh rõ cuộc sinh tồn
Là ta phải đánh tay kềm kẹp
Của lũ Việt gian, của lũ Chồn.
Miền Nam mở rộng tình dân tộc
Đây cảnh ruộng đồng ngút mắt trông
Kinh lạch phù sa bồi lớp lớp
Lòng yêu đất nước trải mênh mông.
Thương lắm đôi bàn tay y khoa
Tâm hồn theo Biển Thước, Hoa Đà
Yêu đời yêu cả hồn dân tộc
Yêu đất miền Nam, ôi thiết tha!
Bắc Phương chiếm đoạt Miền Nam để
Nhuộm đỏ sơn hà quá thảm thương
Anh chẳng vượt biên tìm đất mới
Thề nguyền ở lại giữ tình thương
Anh tranh đấu bạo quyền Cộng Sản
Ngôn luận đâu, dân phải bịt mồm?
Cấm ngặt thông thương, trăm thứ cấm
Dân nghèo bụng đói hiếm nồi cơm.
Thanh niên đứng dậy bao từng lớp
Vì họ đương thời máu nóng say
Toàn quốc cùng gom bao sức sống
Kẻ thù tổ quốc phải lung lay.
Mười hai năm tù lần thứ nhất
Rồi án hai mươi năm bị giam
Mỹ quốc ra tay lành giúp đỡ
Tù ngục thêm năm anh cũng cam.
Anh quyết không qua nơi xứ Mỹ
Dù nhà nước Cộng đã ban cho
Với tiềm lực mạnh, lòng yêu nước
Tin chắc ngày mai nước đổi cờ.
* * * * *
Lão Nhạc Sĩ Tô Hải, sinh nhật lần thứ 86 |
Lão Nhạc Sĩ Tô Hải
Người đem thần trí vào âm nhạc
Rung cảm phì nhiêu trải suối nguồn
Trong những tháng năm đi kháng chiến
Núi Kim Bôi gặp kẻ yêu đương.
Nụ cười sơn cước ghi tình sử (1)
Trên phím tơ đồng buổi nhiễu nhương
Bao kẻ yêu đương càng khắng khít
Chìm trong tình ý nhạc du dương.
Đất nước gặp nhiều cơn trắc trở
Ai xa Quê Bắc đến Quê Nam
Người còn ở lại nhìn bi sử
Tắt thở trong vòng tay ác gian.
Những kẻ u mê và dốt nhạc
Kẻ đui và những thằng mù
Đứng lên điều khiển tay sành nhạc
Điêu đứng nhạc trường trải mấy thu.
Tô Hải gục đầu và cúi mặt
Sáng tác những bài nhạc héo hon
Tận cõi thâm tâm, mầm bất mãn
Nhìn mây mù mịt phủ trăng tròn.
Ý nhạc khô cằn từ trí não
Từ nơi què quặt tận tâm can
Thằng hèn tự nhủ lòng đau xót
Nhạc phẩm là đây, sao trái ngang.
Tuổi đời chồng chất, không hèn nữa
Góp tiếng căm hờn lũ Việt gian
Hãy trả tự do cho nhạc sĩ
Đem về nhạc giới ánh huy hoàng.
Thằng hèn hồi ký ra biên giới (2)
Đem lại Việt kiều hiểu trái ngang
Cộng sản là đây loài phá hoại
Thành trì văn nghệ chịu hoang tàn.
(1) Bản nhạc của Tô Hải chào đời vào 5 năm cuối của thập niên 50 (thế kỷ 20)
(2) Hồi Ký của Một Thằng Hèn của Tô Hải do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2000
* * * * *
Cù Huy Hà Vũ và tòa cộng sản, Hà Nội tháng 4/2011 |
Cù Huy Hà Vũ
Xưa ấy có hai chàng thi sĩ
Mặt tươi chưa nhuộm nét phong sương
Là Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu
Hồn bướm xôn xao mộng bốn phương .
Thơ ngọt tràn tuôn dòng suối mát
Bao người niên thiếu uống say sưa
Một thời lãng mạn, tim chan chứa
Đêm đẹp trăng rằm, nắng buổi trưa.
Cù Huy Cận cưới em Xuân Diệu
Đôi bạn thơ bền nghĩa kết giao
Điên đảo sơn hà say chính khí
Bưng biền kháng chiến dạ không nao.
Ngờ đâu mầm Cộng vào hàng ngũ
Kẻ ái quốc thành nha trảo thôi!
Đâu dám ngẩng đầu nhìn lịch sử
Đi theo tàn ác đến tàn đời.
Cù Huy Hà Vũ, con Huy Cận
Không hưởng nòi thơ, không sính thơ
Không đắm linh hồn trong giả dối
Nuôi lửa thiêng liêng tự bấy giờ.
Du học bao năm trên đất Pháp
Đem về khoa bảng mẹ cha chờ
Và đem hùng khí cho dân tộc
Sáng nghĩa tự do luống phụng thờ.
Trơ trẽn chính quyền người Cộng sản
Phao vu Hà Vũ tội vu vơ
Tống giam vào ngục người vô tội
Phản ứng hiên ngang đẹp bất ngờ.
Tuyệt thực bao ngày, bao uất hận
Đồng bào trong nước dõi trông theo
Đường anh đi sáng ngời mơ ước
Thách thức đôi chân lên giốc xuống đèo.
Cường quốc mở lòng can thiệp giúp
Trả về chính nghĩa đứa con yêu
Lũ người man trá thôi vờ vĩnh
Ngụy biện tự do chỉ một chiều.
Chân bước không ngừng đi diễn thuyết
Dưới trời Mỹ quốc rộng thênh thang
Nơi nơi mắt sáng quay nhìn lại
Tàu Cộng xâm lăng đã mở màn.
Anh đã thề nguyền trong uất hận
Sẽ về nước mẹ mến yêu xưa
Là khi Cộng sản tan hàng ngũ
Chạy cuốn cờ theo mộng bá vơ.
Ôi cây đắng nhưng sinh trái ngọt
Cứu chuộc được chăng tội của cha?
Người bác họ Ngô thân mến ấy
Biến thơ nịnh hót mấy năm qua.
Xuân Huy đó, ngày xưa thơ cảm tính
Chót vót cao thời thanh thiếu niên
Tiền chiến thơ Cù Ngô diễm tuyệt
Ta cần phải giữ được tròn nguyên.
Và Hà Vũ đã hiên ngang đứng
Trước bọn công an chẳng thoái lùi
Không bác và cha che chở nữa
Và anh uy dũng phận làm người.
Không đi theo gót người đi trước
Bác với cha đành phản bội thơ
Là phản anh linh người dựng đất
Đợi chờ tổ quốc đổi thay cờ.
* * * * *
Đinh Nguyên Kha
Tân An đó, ôi quê nghèo của mẹ
Đất ứ phèn, đất trồng lúa ruộng chai
Nhưng tổ tiên vẫn vun xới miệt mài
Đem nước mắt mồ hôi ra đổi lúa.
Mía ngọt dứa ngon từ bao thuở
Gạo Chợ Đào ôi thơm ngát nồi cơm
Đã bao năm tai biến đến dập dồn
Trong móng vuốt bọn sài lang lũ giặc.
Bọn tham nhũng dâng biên thùy phương Bắc
Dâng Hoàng Sa trên biển cùng Trường Sa
Ôi cuồng phong khơi căm tức mọi nhà
Nuốt câm lặng cố đè lòng phẫn nộ.
Nhưng đã có cánh chim chưa rời tổ
Sống êm đềm trong đùm bọc mẹ cha
Đây Phương Uyên và đây với Nguyên Kha
Cùng đứng dậy rời mái trường Đại học.
Lời hào hùng, chí quật cường ngang dọc
Đem truyền đơn biểu ngữ gửi dân gian
Tội bán nước nhà, ấy tội Việt gian
Giặc Tàu cướp, dân làm gì nên tội?
Lời Nguyên Kha giữa phiên tòa vang dội
Thật chân thành nhưng giản dị sâu xa
Tim chứa chan rung cảm khắp muôn nhà
Dẹp xác ướp Cáo già trong lăng tẩm.
Hỡi những ai đã từng xây mộng thắm
Trên từng trang sử ký bịp lừa dân
Quyết ngày nay Đảng lụn bại chết dần
Gáo nước lạnh xối mặt người say ngủ.
Lời Nguyên Khang hào hùng đầy đủ:
Tôi không hề bán đứng dân tộc tôi
Tôi công kích Đảng Cộng Sản suy đồi
Công kích Đảng đâu phải làm nên tội.
Lời can đảm, bồi thẩm đoàn bối rối
Dội ngàn xưa và rúng động ngàn sau
Và tôi đây lòng rung động dạt dào
Lời tuyên bố mai sau còn thánh thót.
* * * * *
Nguyễn Phương Uyên đang phát biểu về "điều 258". tháng 8/2013 |
Nguyễn Phương Uyên
Khuôn mặt thơ ngây, màu áo trắng,
Nụ cười hiền, sáng chói khắp bao la
Đã từ lâu chính khí ta trong sáng
Bị trát bùn nhơ khắp nước nhà.
Sinh viên trong môi trường giả dối
Nhồi sọ bao năm thuyết Mác Lê
Lịch sử từng trang ai cưỡng bức
Người hùng dân tộc hóa trò hề.
Ai bán rẻ giang sơn nước Việt
Nhận chìm tuổi trẻ chí hiên ngang
Gây bao ảo mộng người yêu nước
Sóng đỏ không chôn chí quật cường.
Uyên đứng hiên ngang trong quốc biến
Tâm hồn theo dõi bước anh thư
Cờ vàng sọc đỏ, cờ dân tộc
Vẫy lộng linh thiêng khắp cõi bờ.
Lấy máu, Uyên ghi trên biểu ngữ
Hoàng Sa này với đảo Trường Sa
Cút đi, Tàu khựa đừng mong cướp
Tình nước Biển Đông mãi mặn mà.
Tên dựng trên cao gương chói rạng
Trước vành móng ngựa, trước phiên tòa
Những lời đanh thép, lời chân chính
Vang dội trong lòng đất nước ta.
Ánh sáng bình minh trên viễn lộ
Và trăng thu rạng giữa trời cao
Soi lòng bao kẻ yêu nòi giống
Tin tưởng nghìn năm tự thuở nào.
Tôi bỏ xứ quê nhà tìm đất mới
Chưa hề trông cậy lớp thanh niên
Tưởng đâu những kẻ thù dân tộc
Nhồi sọ măng non, chửi thánh hiền.
Uyên đã chém sâu vào ảo tưởng
Những người bán rẻ cõi giang san
Vết son lịch sử không huyền hoặc
Lột mặt nạ phường thích ngụy trang.
Vùng đất Long An, quê của ngoại
Tôi chưa về viếng đã bao năm
Từ nay kiêu hãnh vì nơi ấy
Uyên nói thay lời kẻ nín câm.
Vẫn dứa thơm ngon và mía ngọt
Chất phèn trong đất cuốn ra sông
Vẫn người yêu nước, yêu dân tộc
Vẫn sáng niềm tin, vẫn một lòng.
Và vẫn niềm tin ta tất thắng
Những trò phù thủy gạt đồng bào
Tự do thoát khỏi gông kềm kẹp
Theo cánh đại bằng bay vút cao.
* * * * *
Trần Thị Nga
Người thiếu phụ đất Hà Nam dũng cảm
Tuổi tác đời độ quá nửa chừng xuân
Huyết quản sôi bầu máu nóng tưng bừng
Đôi mắt sáng nhìn bi quan viễn ảnh.
Nhìn chung quanh, bành trướng và lớn mạnh
Những bất công dày xéo kiếp dân đen
Trong đêm sâu ai thắp sáng ngọn đèn
Xua bóng tối, đọc Bình Ngô Đại Cáo.
Chị đứng dậy thét vang lời tiết tháo
Tay bế con, với hùng khí đấu tranh
Những nơi nào có các cuộc biểu tình
Chị đóng góp lời uy hùng chính khí.
Bọn công an dù rung cây nhát khỉ
Nào xót thương kẻ chân yếu tay mềm
Đánh đập người có đầu óc trái tim
Chí son sắt trên kỳ đài chói sáng.
Non nước đất quê mình bao năm tháng
Vắng những người vì tổ quốc quên thân
Soi gương kìa Triệu Nữ với Trưng Vương
Tản mạn hiện về trong nhang khói tỏa
Dù nước bán khai. nhưng dân không mọi rợ
Dưới gông cùm có lúc phải vùng lên
Trong bao la lời nghĩa khí vang rền
Đưa chủng tộc đến chân trời khoáng đạt
* * * * *
Blogger Phạm Thanh Nghiên và thủ bút gởi đến nhà văn Hố Trường An Jan. 16, 2015 |
Phạm Thanh Nghiên
Cho tôi sống lại bờ duyên hải
Thành phố thương buôn gọi Hải Phòng
Nơi ấy sản sinh bao nghệ sĩ
Mai Trâm, Khánh Ngọc rạng non sông
Và cũng là nơi người ái quốc
Tuổi đời hoa nở giữa bình minh
Phạm Thanh Nghiên ấy ngời thanh sử
Uy dũng hiên ngang trước bất bình.
Truyền đơn tố cáo quân hèn nhát
Theo bọn Cộng Tàu đàn áp dân
Lời gọi vang sâu gây thổn thức
Trong lòng vô cảm phải bâng khâng
Đưa nàng về tận nơi Thanh Hóa
Có trại tù giam giữ kẻ anh thư
Tươi thắm sắt son lòng yêu nước
Bao thời bao thuở chẳng phai mờ.
Bài thơ tôi viết trên bia đá
Khi nghĩ bao người quên nước non
Và thẹn với người làm lịch sử
Gian lao đâu để chí hao mòn.
Tươi thắm mãi lòng người hậu thế
Rạng gương soi dũng khí danh nhân
Bước chân khua động bao tiền sử
Dù nước ta còn khổ hải mê tân.
Cho kẻ làm trai còn lú lẫn
Đường đời mài miết chút hư danh
Mở đường cho kẻ yêu nòi giống
Đem máu xương dành cuộc đấu tranh.
* * * * *
LS Lê Thị Công Nhân cùng chồng (anh Quyền) và con (bé Lucas) Hà Nội 19.11.2013 |
LS Nguyễn Văn Đài 2014 |
Luật Sư Lê Thị Công Nhân
Luật Sư Nguyễn Văn Đài
Cho tôi sống lại một ngày
Cờ vàng vẫy lộng khắp trời tự do.
Là đây hiến lễ mùa thơ
Bao người kiệt nữ bây giờ đứng lên.
Rắp tâm bẻ gãy xích xiềng
Đưa dân nô lệ đến miền an bang
Đây này Lê Thị Công Nhân
Biết rành luật pháp và ngành luật sư.
Đã quên cuộc sống riêng tư
Dấn thân hàng ngũ anh thư quật cường.
Nhân dân trải gió dầm sương
Tham quan ô lại chẳng thương đỡ đần
Bao nhiêu khổ hải mê tân
Đường đời gai nhọn gót chân sá gì.
Nguyễn Văn Đài, bạn tương tri
Lửa tim nghi ngút đợi khi cháy bừng.
Công bình, đa đảng cho dân
Những bài trên báo phơi trần kẻ gian.
Lời văn như giọt cường toan
Làm cho Cộng đảng hoàn toàn rét run.
Ba năm tù tội lao lung
Không ghi sử sách anh hùng anh thư.
Nhưng trong mười mấy năm dư
Tiếng gào trên báo bây giờ còn vang.
Tiếng gào bao kẻ mơ màng
Âm thanh trầm thống dân oan đói nghèo.
Giục ta lội suối trèo đèo
Chén cơm dành lại đổi nhiều công lao.
Chúng ta sung sướng tự hào
Hy sinh có kẻ đưa vào tâm tư
* * * * *
từ trái: 3 Blogger Đinh Nhật Uy Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất |
Đinh Nhật Uy
Phạm Viết Đào
Trương Duy Nhất
Nhà họ Đinh, này em với anh
Như cây hoa gạo trước sân đình
Xuân sang thịnh phóng hoa son thắm
Nguyên Đán bừng vui buổi thái bình.
Đinh Nhật Uy dùng facebook,
Đổi trao kiến thức bạn thân quen
Quốc gia, xã hội và kinh tế.
Sự thật phơi cho kẻ yếu hẻn.
Họ biết Đại Hàn dần lớn mạnh
Ngày ngày, tươm tất những mâm cơm
Ngày ngày hít thở bầu không khí
Khoáng đạt trong lành bát ngát thơm.
Bao năm nhà nước hay lừa dối:
Khoe nước ta giàu, chẳng bất công
Chánh phủ lưu tâm nòi giống Việt
Trong ngày đất nước rợp cờ hồng.
Cây kim trong bọc đã lòi ra
Nhà nước lo âu khắp mọi nhà
Sợ có một ngày dân đứng dậy
Diệt loài tham bạo, hát âu ca.
Chàng vô tù, rồi lại ra tòa
Nao núng không màng, không xót xa
Ngoảnh mặt về chân trời quá khứ
Tự hào sự nghiệp của ông cha.
Phạm Viết Đào cùng Trương Duy Nhất
Cùng say hào khí của bao người
Hiên ngang viết Blog khơi giông bão
Vẫn giữ lòng son mãi thắm tươi.
Vẫn giữ bền lòng trong gió dữ
Như thùy dương với cội sơn tùng
Ngày mai và những mai sau nữa
Tai biến đất trời không rét run.
Ôi Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất
Đây lam thạch sánh đá hoa cương
Trên non thần, trong rừng ẩn mật
Bền vững nghìn năm, cứng dị thường.
Tù ngục, khám đường có sá chi
Làm dân thế hệ phải ra gì!
Quyết không hổ thẹn cùng tiên tổ
Trên nẻo cơ đồ cất bước đi.
Tiếng gọi Trường Sơn, sông Cửu Long
Có nghe núi Tản nhắn sông Hồng
Có nghe Trương Phạm ghi trên Blog
Những tiếng hùng uy của giống giòng.
* * * * *
Chu Mạnh Sơn
Trần Hữu Đức
Đậu Văn Dương
Nguyễn Hoàng Phong
Đây Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu
Và Xếp bút nghiên coi thường công danh (*)
Ngẩng đầu kìa gương liệt liệt oanh oanh
Trong sáng quá những tâm hồn niên thiếu.
Khi mới lớn, các bạn ta chợt hiểu
Cờ búa liềm trên nền đỏ máu dân
Cộng sản kia vô thiện với vô thần
Đang thắt họng dân oan không kể xiết.
Bầu máu nóng được đun sôi cuồng nhiệt
Rải truyền đơn như bướm buớm tung bay
Tỉnh Nghệ An trong sự thật an bày
Dân chợt thức vượt đêm dài thế kỷ
Những dùi cui, những tay chân ác quỷ
Đánh tù nhân và bành trướng trại giam
Đày ải tù từ quê Bắc xuống quê Nam
Nghị lực ấy không hao mòn sứt mẻ
Ôi chí kiên cường dâng cho Đất Mẹ
Giúp người quỳ dưới Chúa Ngôi Hai
Thoát lao tù do Cộng sản đặt bày
Lại sa chốn nước non: tù vĩ đại.
Nhưng hy sinh sắt son còn mãi mãi
Thì tiền đồ dân tộc sáng tương lai
Dân Nghệ An hùng khí đã tỏ bày
Biểu tình quyết đòi tự do cho đất nước.
Chú thích:
(*) Lời của bản nhạc "Xếp bút nghiên" của Lưu Hữu Phước (sáng tác trước 1954)
* * * * *
2 nhạc sĩ trẻ Trần Vũ Anh Bình (phải) và Việt Khang |
Trần Vũ Anh Bình
Chàng trai ấy là con yêu của Chúa
Trái tim ngời ôi bóng dáng thánh Jean
Đấy Tình thương trong ánh sáng tuyệt trần
Khơi cảm hứng vá lành đời rách rưới.
Đường hành hương gió điên cuồng bão nổi
Lòng nhân từ trải nguồn sống bao la
Tai lắng nghe lời nhân loại thiết tha
Trong bóng tối, trong nghèo nàn túng thiếu.
Từ lúc đầu nhạc khơi lòng nặng chĩu
Tình bao la nguồn sông biển tràn dâng
Những tấm lòng ích kỷ hãy lột trần
Nghe đồng vọng lời khẩn cầu tha thiết.
Và một hôm chàng bàng hoàng chợt biết
Cờ búa liềm xé họng khắp lê dân
Đứng lên thôi! Dù gánh nặng nghìn cân
Kê vai vác non sông trong quốc biến.
Dù cường bạo lấy hăm he trám miệng
Chàng còn đây những dòng nhạc hiên ngang
Bừng ráng chiều và rực rỡ thiều quang
Còn Tuổi Trẻ Yêu Nước và dân tộc (1)
Đường tôi đi lúc trăng lên sao mọc
Khi hoàng mai rực Tết đất quê hiền
Là lúc chàng còn bé bỏng thần tiên
Tai ngọt lịm tiếng ru hời của mẹ.
Lịch sử ta đã bao lần đẫm lệ
Bốn phương trời nổi gió độc mây đen
Tìm không ra người thắp sáng ngọn đèn
Trong đêm tối trùng trùng lòng khép kín.
Ý nhạc chàng khơi những lòng câm nín
Thành bảo đao chém đứt ách hung tàn
Quê Hương Ngày Về lịch sử sang trang (2)
Cám Ơn Mẹ cho con bầu nhiệt huyết (3)
Người Việt Nam trên dòng đời thua thiệt (4)
Mở mắt ra sau năm tháng mơ màng
Bạn tôi ơi nầy Giây Phút Vinh Quang (5)
Lòng mở rộng cuộc biểu tình khắp chốn.
Chàng sung sướng nghe cõi lòng vui rộn
Sáu năm tù chẳng có nghĩa gì đâu
Khi Chúa Trời ban phép lạ nhiệm mầu
Đưa dân tộc nhận đâu là ánh sáng.
Tôi đó, sóng gợn nhăn trên nếp trán
Dõi theo từng lớp niên thiếu lên đường
Vẫn tin họ mài bén kiếm Can Tương
Chém lìa kẻ mưu toan xây ác mộng.
Đất quê tôi vườn thênh thang, đồng rộng
Lòng trải dài theo từng nhánh Cửu Long
Nụ cười chàng như lóe ánh rạng đông
Trong viễn ảnh huy hoàng ngày quốc thái.
Lý tưởng nồng nàn vẫn còn mãi mãi
Hoàng hôn tuổi đời trong góc quạnh hiu
Thấy bao la trong ánh nắng trời chiều
Bừng sống lại như tuổi hồng Nguyên Đán.
Bóng bình minh vẫn ngày mai chói rạng
Dù lâu nay ám ảnh đã quay về
Phép lạ kia xua đuổi những cơn mê
Để nhận diện đâu là đường chân lý.
Và để chúng ta yêu bao nhạc sĩ
Đem tài năng chính khí với nhiệt tình
Tấm lòng thành tạo ca khúc tinh anh
Cho nghệ thuật, cho quê hương đất nước.
* * * * *
Việt Khang
Đất Mỹ Tho gọi Định Tường cũng thế
Anh Việt Thu đã mở mắt chào đời (6)
Phùng Há, Năm Châu quê mẹ chọn nơi
Và Năm Phỉ sáng màn nhung sàn gỗ (7)
Sông Mỹ Tho đem phù sa viễn phố
Bồi đấp cho mận ngọt đất Trung Lương
Sắc hồng đào ôi trái đẹp phi thường!
Xin du tử chùa Vĩnh Tràng hãy viếng.
Đất Định Tường đã một lần đưa tiển
Thủ khoa Huân chịu chết Cù lao Rồng
Sông Mỹ Tho đỏ máu vẫn ngời trong
Sáng khí phách, gương ngàn thu hiển hiện.
Ôi Việt Khang từ nhỏ chưa rõ chuyện
Đem tâm tình gắn bó bóng cờ sao
Đâu có ngờ màu sắc thắm máu đào
Vết thương đấy của đồng bào chủng tộc.
Chàng đứng dậy giữa dân oan thảm khốc
Thấm hờn căm trong ý nhạc thiết tha
Việt Nam Tôi Đâu? (8) Dòng nước mắt chan hòa
Rồi tự hỏi Anh Là Ai (9) bán nước?
Mặt trời gọi chàng ngẩng nhìn phía trước
Những công trình vĩ đại của ông cha
Rồi đứng lên trong ánh sáng bao la
Dù tù tội treo tấm gương chiêm ngưỡng.
Người vô cảm, người bỏ rơi lý tưởng
Theo chân chàng bầu nhiệt huyết trào sôi
Ôi Việt Khang, bừng sáng một khung trời
Đẹp trang sử, rạng niềm tin bất diệt.
Lòng ta đó như thanh gươm rỉ sét
Như mặt trời trốn biệt giữa đêm đen
Mài gươm đi, lấy trăng sáng làm đèn
Thành khí giới giúp mai sau chiến thắng.
Chân lý ta: đỉnh đồng ba chân nặng
Luôn vững bền dù bão tố đi qua
Trong lao tù chàng nhạc sĩ thiết tha
Khơi nhạc đấu tranh đồng vọng mãi.
Nơi hải ngoại bao lớp người cảm khái
Giữa thu tàn, giữa giá buốt đêm đông
Đã bừng lên ánh nắng sớm mai hồng
Yêu thế hệ tương lai ngời lịch sử.
Chú thích:
-(1) (2) (3) (4) (5) Tên những ca khúc của Trần Vũ Anh Bình - Việt Khang
-(6) Anh Việt Thu, người nhạc sĩ tài danh, tác giả những nhạc phẩm bất hủ: "Giòng An Giang", "Tám Điệp Khúc", "Lời Phủ Dụ Từ Tâm", "Mùa Vui Mới", "Hai Vì Sao Lạc", "Người Ngoài Phố", "Mùa Xuân Đó Có Em", "Một Mình Thôi", "Như Giọt Xuân Rơi", "Đa Tạ", "Gió Về Miền Xuôi" v.v...
-(7) Năm Phỉ và Phùng Há (nữ) và Năm Châu (nam) là nghệ sĩ lớn của ngành ca kịch cải lương ở miền Nam trước 1975
-(8), (9) Tên những ca khúc của Việt Khang
* * * * *
Đỗ Thị Minh Hạnh
Đoàn Huy Chương
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng
Nàng từ tổ ấm nhìn ra
Tuổi thơ đâu biết sơn hà ngửa nghiêng.
Đắm chìm ác mộng triền miên
Bao năm đòi đoạn lửa thiêng lụn tàn.
Đường dài nào ngựa chồn chân?
Mà nàng dấn bước bao lần điêu linh.
Rồi nghe sông núi chuyển mình
Còn nghe đồng vọng lời tình quê hương.
Nàng rời tổ ấm lên đường
Quốc Hùng cùng với Huy Chương chung lòng
Biên thùy, hải phận ngùi trông
Giặc thù chiếm nước e mong có ngày.
Hùng Chương sôi nổi lòng trai
Quốc thù Minh Hạnh đợi ngày dẹp tan.
Dặm trường nhịp bước hiên ngang
Dù thân tù tội ức oan sá gì.
Tươi son bền sắt lòng ghi
Ông cha thời trước ra đi diệt thù.
Lắng nghe tiếng nói năm châu
Nước nhà của họ ngàn thâu vững bền.
Nước mình dậy tiếng than rên
Xưa Hùng Chương Hạnh ngỡ lên thiên đường.
Máy vi tính khắp muôn phương
Giúp người quốc nội tỏ tưởng đục trong.
Gió đưa chim hạc chim hồng
Bay cao nhìn thấy cánh đồng xác xơ.
Nước nhà gặp lúc nguy cơ
Niềm tin tuổi trẻ bây giờ là đây.
Trăng rằm sẽ thoát khỏi mây
Dù cho biến cuộc dần xoay thế nào.
Hồn ta lộng lẫy trăng sao
Tinh hoa nguyện ước đưa vào tâm tư.
* * * * *
Paulus Lê Văn Sơn tại phiên tòa cộng sản ==> 8 giáo dân Thái Hà 2008 |
Paulus Lê Văn Sơn
Đêm hôm ấy, những con chiên Thiên Chúa
Cầu nguyện cho tù nhân có lương tâm
Lửa búp sen trên đầu nến sáng bừng
Xua bóng tối trong giáo dân tuyệt vọng.
Lê Văn Sơn thét tiếng kêu trầm thống
Cho đồng bào khắp nước sống lầm than
Mười ba liệt sĩ đã đúng dậy ngang tàn
Theo ý Chúa yêu giống nòi tổ quốc.
Nhưng Cộng sản hận thù sai sự thật
Phao vu chàng cấu kết đảng Việt Tân
Đang thập thò trên đất nước Thái Lan
Khi chàng học ký giả không biên giới.
Mười ba năm tù, ôi giáo dân chới với
Đâu phải chàng vì tội nghiệt hàm oan
Chính vì chàng bắc lối bước leo thang
Giúp thế hệ chống loài quân cướp đảo.
Trong tù ngục, chàng dùng lời khuyên bảo:
Hãy sống cho đến chết hỡi bạn thân (1)
Đừng chết khi còn đang sống, giáo dân (2)
Đường mở rộng thênh thang ta cứ bước!
Ta cứ bước và chẳng hề lui ngược
Những lời khuyên của Đức Chúa Ngôi Hai
Dẹp oán thù đem công lý an bài
Để cứu độ kẻ gian gây ác mộng.
Chú thích:
(1), (2) Những lời nhắn nhủ của Paulus Lê Văn Sơn
* * * * *
Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) trước "tòa" cộng sản 2012 |
Nguyễn Văn Hải
(Điếu Cày)
Xưa ấy, chàng là một chiến binh
Vui đời hoa gấm buổi thanh bình
Ngờ đâu chủ nghĩa từng đeo đuổi
Làm cả toàn dân chịu nhục hình.
Tâm niệm hằng ghi sấm Trạng Trình
Và nghe tiếng gọi khắp anh linh:
Biển Đông vạn dậm dang tay giữ
Đất Việt ngàn thu vững trị bình.
Đang sống vui tươi trong hạnh phúc
Đang thờ chủ nghĩa dưới cờ đào
Phương xa tiếng gọi kêu văng vẳng
Đây lúc những lời dân khát khao.
Hãy sống bằng tim nòi chủng tộc
Để không nô lệ bọn quân Tàu
Hãy nghe dân tộc vang rên siết
Cuộc sống an lành, ôi khát khao.
Anh phản đối trò Thế vận hội
Tại Bắc Kinh do Cộng sản Tàu bày
Bản đồ Trung quốc sao như thế?
Thêm đảo Hoàng Sa mực chửa phai.
Nhà hát Tây, còn ghi biểu ngữ
Hoàng Sa, cùng với đảo Trường Sa.
Nhắn quân Tàu Cộng đừng mong cướp
Tội ác ngàn năm chẳng xóa nhòa.
Tại ngục tù kia anh tuyệt thực
Bạo quyền một tháng vẫn chưa lui
Anh không chùn bước và đi tới
Báo động thời cơ đã chín muồi.
Những gì của giống dòng anh kiệt
Phải trả cho dân chúng Lạc Hồng
Một bước lui là trăm bước tới
Làm gương sáng chói nghĩa Tiên Long.
* * * * *
Phan Thanh Hải |
Phan Thanh Hải
(Anh Ba Sài Gòn)
Anh Ba ấy là Luật sư rành biết luật
Bọn công an chẳng rõ kẻ ngay gian
Lũ chúng nó, bầy tôi bọn bạo tàn
Vâng răm rắp luật côn đồ Đảng trị.
Anh Ba Sài Gòn của chúng ta nghĩa khí
Tìm ra một sáng tạo chẳng ai ngờ
Là Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
Để trao đổi những tình hình xứ sở.
Phải trao đổi lời không còn nịnh bợ
Khỏi a tòng cho Đảng bịp lừa dân
Chuyện âm mưu chiếm đảo bị lột trần
Hoàng Sa, Trường Sa ai dâng Tàu Cộng?
Chuyện beauxite trên Tây Nguyên náo động
Phải bỏ đi kẻo thiệt hại cho dân
Và bao điều nhà nước cứ làm càn
Cứ mặc kệ lê dân ta chịu khổ
Nhà báo tự do viết lên không phẫn nộ
Nhưng thiết tha không mòn mỏi niềm tin
Không đun sôi, không nông cạn bất bình
Và rướm lệ nói hoàn toàn sự thật.
Niềm bi dũng làm chính quyền vỡ mật
Tên chóp bu của ngành mật công an
Mời anh Ba lên văn phòng luận bàn
Anh từ chối, họ tống anh vào ngục.
Tạ Phong Tần, Điếu Cày, hai khóm trúc
Tiết lập đông cây lá vẫn tươi xanh
Nao núng anh Ba trước những bạo hành
Vẫn lãnh án ba năm trong khám lớn.
* * * * *
Cựu Đại Úy QLVNCH Nguyễn Hữu Cầu, người tù thế kỷ 38 năm |
Nguyễn Hữu Cầu
Đem bút mực trao cho người ái quốc
Phá đêm sâu, đem ánh sáng bình minh
Đem tự do, đem chính nghĩa công bình
Trên trang báo, trong thơ và ý nhạc.
Đó là tội với chính quyền đốn mạt
Tội phản loàn với tổ quốc nhân dân?
Án tử hình? người chẳng chút băn khoăn
Cười ngạo nghễ đứng trước vành móng ngựa.
Nhưng sau đó, bọn chính quyền cắc cớ
Án chung thân, quyết đày ải tội nhân
Giết làm sao bằng đày đọa xác thân
Cho họ Nguyễn dở sống và dở chết.
Phần ba thế kỷ bỏ tù người anh kiệt
Không cho người nhận thế giới bên ngoài
Ba mươi hai năm ngậm đắng nuốt cay
Cố gượng sống, không hề toan tự tử.
Hồi tưởng lại một trại giam quá khứ
Tường vây quanh đây lỗ nhỏ bít bùng
Đêm hay ngày trong bóng tối mông lung
Không nao núng người tù nhân thế kỷ.
Trong oan nghiệt không bao giờ ngã qụy
Trong xác thân nhiều căn bịnh đọa đày
Răng hàm trên cái rụng cái lung lay
Và đôi mắt chưa mù, nhưng yếu ớt.
Tù nhân ba mươi hai năm oan nghiệt
Được trả về trong ảo tưởng tự do
Ba mươi hai năm lịch sử dành cho?
Người bộc trực đã nói lên sự thật!
Trong tâm tưởng bóng cờ vàng phảng phất
Trong vinh quang vẫy lộng nắng hanh vàng
Ôi một thời lịch sử chửa sang trang
Đã đào tạo người hùng trong thế hệ.
* * * * *
Thầy Đinh Đăng Định trước "tòa" cộng sản 2012 |
Đinh Đăng Định
Nhà mô phạm với tấm lòng bác ái
Sống cho người, mà chẳng sống cho mình
Thấy bauxite gây hiểm nạn chung quanh
Dự án ấy chính quyền nên bãi bỏ.
Và bỏ luôn quân chạy theo Tàu đỏ
Đang chiếm dần Hoàng Sa với Trường Sa
Lời gọi kêu đều ưng thuận nhà nhà
Với Việt Cộng là tội gây rối loạn.
Lòng bác ái vẫn bền gan giữ trọn
Đẹp cầu vồng bảy sắc hiện trên cao
Lòng hoa thơm, lòng trái chín ngọt ngào
Dâng hiến trọn cho linh hồn tổ quốc.
Những đại sứ khắp nơi nơi cường quốc
Xin cho người gặp ánh sáng tự do
Đồng bào mến người thôi trĩu nặng âu lo
Kẻ bán nước thôi che lòng ngang dọc.
Vợ con người vẫn tin rằng khô mộc
Được hồi sinh, hoa lá trổ đầy cành
Nhưng than ôi, trời thăm thẳm màu xanh
Mây đen phủ cơn bão bùng sắp tới.
Bệnh ung thư giết dần người vô tội
Bọn Việt gian trì hoãn chẳng dung tha
Đã bao phen lời cầu khẩn cả nhà
Được phóng thích người về trong dịp Tết
Ôi, người sắp đến biên cương đất chết
Con gái người phẫn uất thốt nên lời:
Ôi bao người đày đọa phụ thân tôi
Tôi căm hận, khôn nguôi khi còn sống.
Người cố nói để che mờ cảm động:
Đừng nên con, đừng oán hận kẻ thù
Hãy lấy tình bác ái tự ngàn thu
Để tha thứ kẻ làm ta chịu khổ.
Trước khi chết xin Ngôi Hai cứu độ
Để người tìm nghĩa bác ái bao dung
Để cho người vượt bóng tối muôn trùng
Để chiêm ngưỡng quỳ bên chân Đức Chúa.
Đám táng người, hai nghìn người đến dự
Thay mặt người ngoại đạo với Gia-tô
Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo tín đồ
Về thăm viếng đưa tiễn người yêu nước.
* * * * *
Chị Tạ Phong Tần, sinh nhật 15/9/2007 |
Tạ Phong Tần
Người hỡi có về ghé Bạc Liêu
Mộng xưa đất cũ gợi bao chiều
Chia lòng thổn thức đau thương mẹ
Và oán hờn lai láng thủy triều.
Lòng gương sáng rực, lòng can đảm
Âm ỉ trong hồn ngọn lửa thiêng
Đâu kẻ dân oan hờn mất đất
Cầu sương điếm cỏ dội bưng biền.
Một sớm mai hồng nghe tiếng gọi
Kẻ phường bóc lột những niềm tin
Ngoảnh nhìn khắp nước trên gai góc
Và phủ một màu tang tóc đen.
Xưa có công an ngăn trộm cướp
Giờ thành đồng lõa bọn gian tham
Truy lùng bắt bớ người yêu nước
Gây sóng bạo hành cho Việt Nam!
Nàng bất bình và nàng đứng dậy
Góp cùng tiếng nói của dân đen
Vọng vào đáy thẳm người yêu nước
Diệt lũ theo Tàu chịu nhục hèn.
Trong tù, nàng chợt nghe tin dữ
Phản đối chính quyền mẹ tự thiêu
Ngọn lửa bình minh, gương dũng cảm
Cho bao từ mẫu hướng trông theo.
Lòng son tươi thắm trên trang sử
Hoàn vũ chói lòa ánh nắng xuân
Đây một trong mười người phụ nữ
Năm châu vang dội tiếng tưng bừng.
Kẻ xa cố quán lòng vang sóng
Chiêm ngưỡng đậm đà kẻ mến thương
Về nước mai sau, nhìn bạn cũ
Để lòng cảm khái bóng thao trường.
Một nén hương lòng xin được thắp
Cho hồn Đất Mẹ ấm thiên thu
Đem về liệt nữ cho đân tộc
Nắng đẹp xua tan cõi tối mù.
Cho kẻ bôn ba nơi hải ngoại
Vẫn còn thao thức một niềm tin
Vẫn còn trông cậy đàn niên thiếu
Thắm đậm tương lai một chút tình.
Cho tỉnh Bạc Liêu ghi chiến tích
Gạo Ba-Thắc ngát những nồi cơm
Những mùa nhãn chín, cho dân tộc
Trong cõi nhiệm mầu mãi ngát thơm.
* * * * *
Bùi Thị Minh Hằng
Nguyễn Văn Minh
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh
Chị đang sống giữa ấm yên
Trên miền Quê Bắc đất hiền mến yêu.
Chiều qua, chiều lại, bao chiều
Gia đình sum hiệp, bếp khêu lửa hồng.
Thu qua rồi lại sang đông
Năm đi tháng tới theo dòng nước xuôi.
Bỗng đâu quỷ đội lốt người
Cướp vườn giật ruộng hại đời nông dân.
Lửa hồng nung chí hiên ngang
Biểu tình chị sá chi màng hiểm nguy.
Tạ Phong Tần giặc bắt đi
Không về tang mẹ trong khi tù đày.
Thay người hiếu nữ chí trai
Vành khăn tang trắng cho ai ấm lòng.
Rồi đây dưới ánh nắng hồng
Biểu tình chị vẫn góp công nhiệt thành.
Thúy Quỳnh cùng Nguyễn Văn Minh.
Ba cây góp lại đã thành núi cao.
Một niềm yêu nước tự hào
Nhìn về chính nghĩa nao nao tấc thành.
Việt gian sẽ phải tan tành
Nối đuôi Tàu cộng đàn anh xong đời!
Cho thao thức dưới gầm trời
Những trò phù thủy giết đời tự do.
Trại An Bình, tỉnh Lấp Vò
Giam người liệt nữ bao giờ dẹp tan.
Bao giờ pháo Tết nổ vang
Mừng Xuân đại hội xóm làng yên vui.
Cho người lữ thứ cõi ngoài
Về thăm Quê Bắc giữa ngày vinh quang.
Ôi mùa nắng đẹp huy hoàng
Có hoa đào nở thôn trang tưng bừng.
Sơn ca chào đón xuân sang
Họa mi hè tới từng tràng véo von.
Tám thơm gạo mới cơm ngon
Cốm xanh hồng đỏ cho con duyên lành.
Chị ngồi xem lại sử xanh
Tù nhân yêu nước góp thành một trang.
* * * * *
Một nhà anh kiệt Huỳnh Ngọc Tuấn Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu |
Huỳnh Ngọc Tuấn
Huỳnh Thục Vy
Huỳnh Trọng Hiếu
Tỉnh Quảng Nam ai về viếng lại
Để tôi chiêm bái những anh hùng
Đuổi Tây, bài Cộng lòng son sắt
Treo giữa chợ đời gương hiếu trung.
Sông đẹp trải dài những tịch thôn
Ơi trong vắt nước giải Thu Bồn
Những vườn mít chín, tô mì Quảng
In đậm trong hồn tuổi lớn khôn.
Ơi Đảng Quốc Dân xưa chống Cộng
Thắm tươi son sắt máu anh hùng
Hồn nhà cách mạng thời xưa ấy
Có gặp Huỳnh gia giữa bão bùng...
Cha Huỳnh Ngọc Tuấn vào lao lý
Bởi hận những loài phản Việt Nam
Giữ vẹn công bằng cho chủng tộc
Thâm thù bán nước, chống gian tham.
Huỳnh Thục Vy này con giống cha
Rạng danh kỳ nữ nước non nhà
Cha thường xem nhẹ bao tai biến
Đợi buổi thanh bình, mộng thiết tha.
Em Huỳnh Trọng Hiếu noi gương chị
Dòng máu quật cường, máu của cha
Đây liễu Quan Âm, tùng La Hán
Xanh tươi bền vững mặc phong ba.
Nàng dùng dũng cảm phô tâm tưởng
Trên báo vạch trần kẻ Việt gian
Những kẻ dìm sâu người ái quốc
Kẻ gieo tham nhũng, kẻ hung tàn.
Đây ngòi bút lửa uy hùng ấy
Can đảm vạch trần lũ sói lang
Ngòi bút nở hoa, khi vận nước
Trùng trùng lớp lớp chống hung tàn.
Nàng trải tâm hồn trên mặt báo
Những dòng chữ lửa, những căm hờn
Những niềm đau xót cho dân tộc
Những bất công và những thiệt hơn.
Có gương anh dũng cụ Phan Khôi
Chống quỷ gian tham đội lốt người
Giam hãm niềm tin, ngăn bút mực.
Tự do ngôn luận hóa trò cười.
Cả một gia đình đau vận nước
Sợ gì viễn ảnh những cùm gông
Nàng còn xuân trẻ, bừng nhan sắc
Tiếng gọi nước nhà mạch cảm thông.
Hiên ngang đứng dậy và đi tới
Cho mút con đường phải đấu tranh
Thâm cảm hôn phu nàng cất bước
Lòng chàng mở rộng nhịp song hành
Tâm niệm giờ đây quân bán nước
Bạc vàng vơ vét túi tham lam
Dọn đường trốn chạy ra cường quốc
Trốn chạy đồng bào sôi hận căm.
Tôi viết bài thơ lòng rợn ngợp
Bao niềm tin tưởng cho mai sau
Cho lòng yêu lớp người niên thiếu
Đã dậy hùng ca đến cựu trào.
Để thấy dân nghèo thôi túng thiếu
Chén cơm khoai sắn hết qua ngày
Tôi về chiêm ngưỡng gương trong sáng
Vào buổi thanh bình đẹp nắng mai.
* * * * *
Lê Quốc Quân
Con đường chống Cộng dài thăm thẳm
Cứ tiến dần lên, chẳng thối lui
Chẳng ngoảnh lại nhìn, không mỏi bước
Long Tuyền kiếm báu dạ rèn trui.
Ôi đẹp thay đời Lê Quốc Quân
Vượt lên ánh sáng, vượt nhân quần
Để còn ngửa mặt nhìn tiên tổ
Trả nợ quốc thù, hận nấu nung.
Lòng yêu nòi giống, yêu công lý
Lý tưởng trong đời anh cứ đi
Là một luật sư, rành biết luật
Biểu tình chống giặc tội tình gì?
Nhưng bọn gian tham, lòng rắn độc
Dẫm bừa lẽ phải, bắt anh đi
Tròng bừa "trốn thuế" lên thân thế
Chân lý còn đâu? biết nói gì!
Thương con gặp nạn đau lòng mẹ
Gia nhập biểu tình đòi tự do
Bất kể mưa dầm hay nắng hạn
Bến sông mơ đón một con đò.
Lũ Cộng chuộng người dân thiếu học
Ý đồ mưu họ thiếu tư duy
Muôn đời họ sẽ không vùng dậy
Theo Đảng ngu dân biếng nghĩ gì.
Quỷ đỏ sợ người dân trí thức
Từ lâu nhận rõ ách tham tàn
Hiên ngang đứng dậy đòi công lý
Sống giữa cuộc đời không trái ngang.
Một mai biển lặng, kình ngư bặt
Anh bước về thăm quê quán anh
Đất Bắc một mùa xuân sáng lạn
Hoan ca vang dội khắp Hà thành
Bạn bè ngồi ngắm hoa đào nở
Nâng bát rượu cần, đĩa mắm rươi
Nhắc nhở tên anh ngời mắt sáng
Với bao nét mặt rạng tươi cười.
* * * * *
Chế Lan Viên (bìa trái), kịch sĩ Kim Cương và nhà văn Nguyễn Tuân, ảnh chụp khoảng 1985 |
Chế Lan Viên
Chế Lan Viên hỡi, đây nhà thơ trí tuệ
Cộng sản dành cho thi tập Vàng Sao
Trí tuệ là gì, ôi mai mỉa kẻ tự hào
Thơ "trí tuệ" chỉ là thơ xu nịnh Đảng.
Thơ "trí tuệ" sao bằng thơ lãng mạn
Từ con tim, từ cảm nhận rất thơ
Từ tâm hồn, từ rung động mộng mơ
Thơ trí tuệ nghe sao mà dị chướng.
Cộng sản đặt ngôn từ hoang tưởng
Biến thi nhân thành kỹ nghệ gia
Thơ trí tuệ như bóng quế hồn ma
Trong ánh sáng thơ chết mòn rung cảm.
Chế Lan Viên bao năm thơ nịnh Đảng
Trong đói nghèo cùng khắp kẻ lê dân
Thiên đường đâu, thương thay kẻ ngu đần
Tin lời kẻ cho mình ăn bánh vẽ.
Rồi cuối đời trong hắt hiu buồn tẻ
Chợt ăn năn mình có tội với thơ
Sự vinh quang vì trót đã phụng thờ
Trước bạo lực những dối gian Đảng trị.
Người khuyên vợ hãy giúp chồng thi sĩ
Đốt dùm thơ gian dối dưới cờ đào
Để nghìn năm cho thế hệ mai sau
Không nguyền rủa người bao che tội ác.
Và khuyên vợ đừng đam mê sáng tác
Mà nhớp nhơ danh Vũ Thị Thường (1)
Đảng già Hồ đã cưỡng hiếp văn chương
Biến tinh túy thành rác rơm mục nát.
Người khuyên con gái thôi đừng lầm lạc
Làm hư danh của Phan Thị Vàng Anh (2)
Văn chương nịnh Đảng sẽ tan tành
Khi dân tộc đứng lên đòi công lý.
Thơ "trí tuệ", thơ nhớp nhơ kẻ sĩ
Để cho người xấu hổ với ăn năn
Thà làm dân trong sóng dậy đất bằng
Nói lời thật, lời vạch trần tội ác.
Văn chương ta dù bao hình thức khác
Là bước chân theo dấu vết ngang tàng
Nỗi u hoài trong bước dạo thênh thang
Cõi địa ngục hay thiên đường ta chọn
Ta đâu thể để tâm tư hèn mọn
Chạy theo phường dốt nát mượn thanh danh
Dìm ta vào thứ nghệ thuật hôi tanh
Ca tụng Đảng và chóp bu của Đảng.
Nhớ ngày nào trong tuổi xuân lãng mạn
Thi tập Điêu Tàn đầy ăm ắp thương tâm
Chạnh dân Hời mất nước mấy trăm măm
Ta yêu bạn cùng yêu tổ quốc bạn.
Ôi lời thơ bi thương và hùng tráng
Khóc dùm cho Chiêm Quốc thuở xa xôi
Lời công bình, niềm bất hạnh dân Hời
Trong chân thật, thơ tuôn trào cảm xúc
Chú thích :
(1) Vợ của Chế Lan Viên, tác gỉả các tập truyện "Cái hom giỏ", "Gánh vác", "Vợ chồng ông lão chăn vịt", "Con ghét con yêu".
(2) Ái nữ của Chế Lan Viên, tác giả của "Khi người ta trẻ", "Hội chợ" v.v..
* * * * *
Bà Hồ Thị Bích Khương tạo "tòa" cộng sản Nghệ An 30/5/2012 |
Hồ Thị Bích Khương
Linh địa Nghệ An vùng đất cũ
Núi cao sông thẳm lắm anh tài
Hồ Xuân Hương đó, nàng thi sĩ
Tập ký Lưu Hương tặng cuộc đời.
Giờ đây xuất hiện nàng thôn phụ
Cũng họ Hồ nhưng tên Bích Khương
Vẫn chí hiên ngang, lòng quả cảm
Khác chi rèn luyện chốn thao trường.
Trang nghiêm nét mặt, mắt ngời sao
Vẫn giữ niềm tin với tự hào
Lòng sáng pha lê, lòng ái quốc
Như đêm rằm đẹp với trăng sao.
Ai đó cướp nhà, ai cướp ruộng?
Dân oan mưa nắng mái nào che?
Đứng lên đòi lại bao quyền sống
Đòi lại làng thôn sau lũy tre.
Hành động công an sao ác nghiệt
Tay thì ăn cướp miệng la làng
Lao tù họ đánh thân mềm yếu
Vai gẫy, tay què chẳng thở than.
Ôi, nhốt những ngày chung bợm bãi
Đứa say thuốc phiện, đứa xì ke
Những phường ô hợp trong cơn nghiện
Tát đấm vào thân, ai chở che?
Vẫn viết tờ khai, trang nhật ký
Để người đồng cảnh, để mai sau
Những ngày tù ngục từng ghi lại
Sáng rực băng tâm với tự hào.
* * * * *
Ông Ngô Hào tại "tòa" cộng sản sáng 11/9/2013 |
Ngô Hào
Trước ách nặng đè vai dân tộc Việt
Tự do còn trói buộc bọn dân đen
Uất hận nầy như trái chín lên men
Đồng bào ta hiểu bằng phương pháp Blog.
Ôi Đảng trị dìm dân vào gió lốc
Chịu quay cuồng phương hướng biết tìm đâu
Ôi thánh thần và Trời Phật nhiệm mầu
Van vái mãi chưa thấy ngày tươi sáng.
Blog chứa đựng biết bao nhiêu thảm trạng
Ngang tàng ôi lũ cướp đất dân oan
Chén cơm chan nước mắt tiếng kêu than
Bao tự do bị côn đồ trói buộc.
Sống ngục tù như ngàn năm Bắc thuộc
Giặc Cộng Tàu muốn đè bẹp dân ta
Tỉnh Phú Yên dậy sóng chống gian tà.
Ngô Hào đấy gửi tâm tình trong Blog
Gây sấm sét trong tiếng kêu thảm khốc
Biết bao người ái quốc đứng vùng lên
Sóng phản công chốn chốn dậy vang rền
Ngô Hào bị nhốt trại tù Xuân Phước.
Mười tám năm lòng vững bền sau trước
Đâu quản gì trói buộc bởi gông xiềng
Không nhục hèn, khơi hào khí lửa thiêng
Nuôi chí lớn vẫn bền gan sắt đá.
Như sen hồng đâu quản gì nắng hạ
Phô tưng bừng trong vũng nước hôi tanh
Khi tuổi già tiếp nối tuổi xuân xanh
Người vẫn giữ tấm lòng yêu sự thật.
* * * * *
Nguyễn Hoàng Vi
Người liệt nữ làm dân ta ngưỡng mộ
Không tuyệt trần, chẳng nhan sắc kiều nga
Không giáng tiên trong ánh sáng chan hòa
Mà ở mắt sáng ngời lòng dũng cảm.
Khi nước nhà gặp đớn đau bi thảm
Vi đứng lên phụng sự cho nhân quyền
Máu sôi bừng vì ngọn lửa thiêng liêng
Thiêu hủy những đau thương bao thế hệ.
Rồi hôm nọ ngày Nhân quyền Quốc tế
Kỷ niệm Mạng lưới Blogger Việt nam
Vi bị nhóm côn đồ của công an
Đã thô bỉ và xâm phạm cơ thể.
Vết thương nặng nhưng Hoàng Vi không kể
Chỉ tủi cho thân phận bán lõa lồ
Trước mặt hung hăng và mắt điên rồ
Nhưng phản ứng làm liều thân thách thức.
Lòng bình tĩnh cô buông lời chính trực
Mà công an lì lợm chẳng thèm nghe
Không nương tay, không một chút e dè
Cứ giáng xuống những trận đòn khốc liệt.
Cô tâm niệm biết bao niềm hơn thiệt
Đài bá âm hải ngoại cũng truyền tin
Chuyện nhuốc nhơ và hà hiếp bất bình
Cho Âu Mỹ trên diễn đàn thảo luận.
Người ngoại quốc với công bình bền vững
Giúp đỡ người niên thiếu lúc sa cơ.
Nếu chánh quyền không suy xét làm ngơ
Còn đồng bào khắp nơi và chủng tộc.
Mong mai sau vượt điêu linh tàn khốc
Không như loài lệ liễu với ngô đồng
Vừa chớm thu lá úa rụng ngoài song
Mà trái lại như thanh tùng hùng tráng.
Tiết đông về mặc tuyết rơi tản mạn
Cùng hồng mai lục trúc lạnh không nao
Đứng lên thôi, và kết nghĩa đồng bào
Đem chính khí diệt gian tham Tàu cộng.
* * * * *
Bùi Thanh Hiếu
(Người Buôn Gió)
Chàng đã sinh nhằm ngôi sao quá xấu
Trong cảnh nghèo khi mở mắt chào đời
Có lớp người cơm hẩm, áo tả tơi
Sống bừa bãi dưới nấc thang xã hội.
Đường tiến thân, bóng đêm đen chận lối
Chàng lớn dần theo bao trẻ con hoang
Móc túi, trộm tiền, phá xóm, phá làng
Thân thế đó như nước sông ngầu đục.
Lớn thêm nữa lở dỡ con đường học
Nhưng phi thường thắp sáng óc thông minh
Dù chưa tìm phương hướng nẻo đăng trình
Chém mướn, đâm thuê, lất lây nếp sống.
Định mệnh đã phơ bày trò hiếu động
Ác mộng tàn, thức dậy giữa bình minh
Cầm bút thiêng chàng đập nát bất bình
Bàn tay kẻ đã từng gây bạo động.
Chàng buôn gió, gió Bắc phương lạnh cóng
Có giặc Tàu mong uy hiếp dân ta
Lòng nấu nung thù hận khắp muôn nhà
Gió miền Nam có nắng hiền mưa tạnh
Ngòi bút chàng trong sáng và vững mạnh
Những bầy tôi đế quốc bọn quân Tàu
Tâm thức cúi lòn bị dân chúng bán rao
Và vạch mặt kẻ khi mờ khi tỏ.
Chàng buôn gió và quyết lòng buông gió
Buôn gió hiền, buông bỏ gió tanh hôi
Chàng hạnh phúc thời cơ sắp chín muồi
Gió phương Tây từ Mỹ Âu đưa tới
* * * * *
Kết Đề
Kính tặng Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Anh Hùng, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Công Tôn, Phạm Bá Hải, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trung Nam, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Tường Thụy, Vi Đức Hồi v.v... (nam). Nguyễn Ngọc Lụa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Dương Thị Tân, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Vi v.v ... (nữ).
Những kẻ đứng bên thềm công lý
Tim khô cằn ý vị mông lung
Tiếng hờn tiếng khóc riêng chung
Bao niềm thổn thức mịt mùng đêm đen.
Lòng căm hận cài then đóng cửa
Nỗi ức oan bao thuở buông xuôi ?
Trong sương tiếng khóc nơi nơi
Ruộng vườn bị cướp, tơi bời niềm tin.
Giặc Tàu đỏ rẻ khinh dân Việt
Chiếm Hoàng Sa thù biết nào nguôi?
Chiếm Trường Sa tội ác tầy trời
Mộng xâm lăng ấy đời đời nấu nung.
Những người Việt máu hùng dân tộc
Cùng đứng lên gió lốc bao nài
Trai nêu dũng cảm chí trai
Gái nêu danh rạng đẹp thay quật cường.
Đòi công lý theo gương tiền bối
Chống xâm lăng, dẹp nỗi bất bình
Nước nhà nhuộm máu hôi tanh
Bao phường bóc lột cạnh tranh dân mình.
Thềm công lý bất bình bao kẻ
Khi nước nhà bị xé tả tơi
Sá gì gậy gộc dùi cui
Biểu tình bừng dậy không lui bước nào.
Ngục tù giam chí cao muôn trượng
Cho dân mình rồi hướng ngoại bang
Bấy lâu khôn xiết hoang mang
Mong mai sau hết kinh hoàng đó đây.
Ơn tổ quốc thành xây vạn lý
Lòng bao la hùng vĩ núi sông
Bao nhiêu oán hận chất chồng
Rã tan thành mạch cảm thông há nài.
Cho tôi sống một ngày đáng sống
Ngày đất trời rực ánh khí thiêng
Bắc Trung Nam khắp ba miền
Vượt qua đêm tối nối liền tay nhau.
Báng Tóm Tắt "khiêm tốn" những "sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường" -cách nói của Mặc Lâm-RFA Nov. 16, 2010- dưới đây do chính nhà văn gởi cho Thư Viện Phạm Văn Thành:
HỒ TRƯỜNG AN
Tên thật Nguyễn Viết Quang. Sinh ngày 11/11/1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long. Tốt nghiệp Khóa 26 (1968) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương) từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó tòng sự tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 (tỉnh Biên Hòa) cho tới tháng 4/75. Hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.
Trong nước, đã cộng tác với các báo: Bách Khoa, Tin Văn, Tranh Thủ, Tiền Phong, Tiền Tuyến, Tiểu Thuyết Tuần San, Bút Hoa, Minh Tinh...
Ra hải ngoại, cộng tác với các báo: Quê Mẹ, Hồn Nước, Đất Mới, Văn, Phương Trời Cao Rộng, Văn Học Nghệ Thuật, Văn Học, Bút Lửa, Lạc Hồng, Viên Giác, Đẹp, Tự Do (Texas), Tự Do (Canada), Chiêu Dương, Xây Dựng, Lửa Việt, Làng Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Hải Ngoại Nhân Văn, Cỏ Thơm, Người Việt...
Trong Ban Biên Tập của Cơ Sở Cỏ Thơm
Các bút hiệu khác: Đào Huy Đán, Đinh Xuân Thu, Đông Phương Bảo Ngọc, Hồ Bảo Ngọc, Người Sông Tiền...
TÁC PHẨM đã xuất bản CỦA HỒ TRƯỜNG AN
Truyện dài:
Phấn Bướm (1986), Hợp Lưu (1986), Lớp Sóng Phế Hưng (1988), Lúa Tiêu Ruộng Biền (1989), Ngát Hương Mật Ong (1989), Nửa Chợ Nửa Quê (1989), Còn Tuôn Mạch Đời (1990), Lối Bướm Đường Hương (1991), Tình Trong Nhung Lụa (1991), Ngát Thơm Hoa Bưởi Bông Trà (1992), Tình Đẹp Đất Long Hồ (1993), Trang Trại Thần Tiên (1993), Vùng Thôn Trang Diễm Ảo (1994) Thuở Sen Hồng Phượng Thắm (1995), Chân Trời Mộng Đẹp (1995), Bãi Gió Cồn Trăng (1995), Bóng Đèn Tà Nguyệt (1995), Tình Sen Ý Huệ (1999), Hiền Như Nắng Mới (2001), Chiếc Quạt Tôn Nữ (2002), Màn Nhung Đã Khép (2003), Đàn Trăng Quạt Bướm (2005), Trở Lại Bến Thùy Dương (2008).
Hồ Trường An thời trẻ |
Tập Truyện:
Chuyện Quê Nam (1991), Tạp Chủng (1991), Hội Rẫy Vườn Sông Rạch (1992), Chuyện Miệt Vườn (1992), Đồng Không Mông Quạnh (1994), Gả Thiếp Về Vườn (1994), Đêm Xanh Huyền Hoặc (1994), Chuyện Ma Đất Tân Bồi (1998), Tập Truyện Ma (2001), Quà Ngon Đất Quê Nam (2003), Trăng Xanh Bên Trời Huế (2008), Truyền Kỳ Trên Đất Quê Nam (2008).
Ký Sự, Bút Khảo, Bút Ký:
Giai Thoại Hồng (1989), Thông Điệp Hồng (1990), Cõi Ký Ức Trăng Xanh (1991), Chân Trời Lam Ngọc I (1993), Chân Trời Lam Ngọc II (1995), Sàn Gỗ Màn Nhung (1996), Cảo Thơm (1998), Theo Chân Những Tiếng Hát (1998), Chân Dung Những Tiếng Hát I (2000), Tác Phẩm Đẹp Của Bạn (2000), Chân Dung Những Tiếng Hát II (2001), Lai Láng Dòng Phù Sa (2001), Thập Thúy Tầm Phương (2001), Chân Dung 10 Nhà Văn Nữ (2002), Tập Diễm Ngưng Huy (2003), Bảy Sắc Cầu Vồng (2005), Giai Thoại Văn Chương (2006), Chân Dung Những Tiếng Hát III (2007), Thắp Nắng Bên Trời (2007), Quê Nam Một Cõi (2007), Náo Nức Hội Trăng Rằm (2007), Giữa Đất Trời Giao Hưởng (2008), Non Cao Vực Thẳm (2011), Ảnh Trường Kịch Giới (2012), Trên Nẻo Đường Nắng Tới.
Tập Thơ:
- Thiên Đường Tìm Lại (2002), Vườn Cau Quê Ngoại (2003) [Hải Ngoại]
- Cho Tôi Sống Lại Một Ngày (2015 by Thư Viện Phạm Văn Thành Group) [Quốc Nội]
Bạn đọc có thể đọc online văn phẩm của Hồ Trường An ở trang VietMessenger hoặc Việt Nam Thư Quán
Bài Liên Quan: Nhà văn Hồ Trường An
Bạn đọc có thể download tập thơ ở đây ==> "Cho Tôi Sống Lại Một Ngày" PDF
(Cập nhật: May, 24, 2015)
-
0 nhận xét:
Post a Comment