Wednesday, November 12, 2014

Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam

by Giáo Sư Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher - Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
fixed morasse & added photos by Thư Viện Phạm Văn Thành

$pageIn

LỜI MỞ

Nước ta đang trải qua cơn thử thách lớn lao bi thảm, xét cho thấu triệt ra là tại chúng ta đã mất hồn nước. Ngày nay muốn cứu rỗi thì một trong những công việc phải làm là tìm lại hồn đó, nó là việc nặng nhọc mà cho tới nay những biến cố xẩy tới quá giồn giập chưa cho phép chúng ta khởi công cách có hệ thống phương pháp. Thế mà tình trạng rất phiền toái do 80 năm ngoại thuộc chịu ảnh hưởng của tây phương, rồi tiếp đến là cuộc nội chiến Nam Bắc, gây nên những việc bất ổn, làm sao đủ yên tĩnh thanh bình mà xét lại. Nhưng tất cả then chốt nằm trong chỗ đó, trong chỗ chỉ có thể cứu quốc, kiến quốc, khi chúng ta khôi phục lại được hồn nước. Vì thế cần chúng ta xét lại hồn nước là gì. Có đáng bảo tồn chăng và đã bị phá hoại như thế nào. Văn hóa Tây phương mà chúng ta đã bị tiếp nhận hợp cho ta đến đâu, Cần làm sống lại hồn nước như thế nào.

Saigòn ngày 25/03/1967
Lương Kim Ðịnh





MỤC LỤC


1. Chương I: Có Hồn Nước Không?

1.a. Câu Chuyện Lạc Hồn
1.b. Những Ðợt Hồn Nước

2. Chương II: Những Âm Vang Của Bài Vị Văn Tổ

2.a. Lối Ðặt Bài Vị
2.b. Vấn Ðề Trước Hết Là Vượt Ðợt Ý Hệ
2.c. Xã Hội Và Chính Trị
2.d. Chính Trị Văn Hóa

3. Chương III: Qua Trào Thực Dân

3.a. An Thổ
3.b. Ðôn Hồ Nhân
3.c. Cố Năng Ái

4. Chương IV: Khi Người Cộng sản Giải Phóng

4.a. Phong Trào Giải Phóng
4.b. Ðoàn Thể Mà Thiếu Nền Tảng Linh Thiêng Thì Gọi Là Ðoàn Lũ
4.c. Không An Thổ Ðể Ðôn Hồ Nhân Thì Bất Khả Năng Ái

5. Chương V: Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng

5.a. Những Ðợt Khai Phóng
5.b. Vòng Chân Trời Khai Phóng Hiện Ðại
5.c. Những Hình Thái Của Khai Phóng
5.d. Lễ Gia Tiên Với Vấn Ðề Phụ Chuyên
5.e. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Tìm Nền Tảng Mới

6. Chương VI: Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

6.a. Những Ngộ Nhận
6.b. Dân Tộc Tính Là Gì
6.c. Những Trang Huyền Sử
6.d. Vấn Ðề Linh Ngữ Linh Tự
6.e. Vạn Thế Sư Biểu
6.f. Một Chút Kinh Nghiệm Nước Ngoài
6.g. Nho Giáo Với Lễ Gia Tiên
6.h. Ai Là Những Kẻ Bực Mình
6.i. Vấn Ðề Văn Miếu Với Văn Khoa
6.k. Khi Rồng Việt Nam Uốn Khúc

7. Lời Bạt

Tác Phẩm "Căn Bản Triết Lý trong Văn Hóa Việt Nam" của Triết Gia Kim Ðịnh đã được xuất bản tại Sàigòn năm 1967 (Nhà Xuất bản Ra Khơi)
(C) Copyright 1967 - Tác Giả Giữ Bản Quyền



1. Có Hồn Nước không


a. Câu chuyện lạc hồn

Từ mấy chục năm nay chúng ta hay được nghe nói tới dân tộc tính, hoặc hồn nước. Rồi nghe nhóm này hô hào phải phục sinh văn hóa dân tộc, phải duy trì dân tộc tính, phải làm sống lại hồn nước; nhóm khác cười nhạo và nếu không nói toạc ra là nõ có hồn nõ có dân tộc tính, thì cử chỉ hành vi họ còn nói lên điều đó rõ hơn. Vì thế chúng ta cần phải mở đầu bằng tìm hiểu xem có dân tộc tính chăng. Người thưa phải hay người thưa không mới đúng?

Tôi thiết nghĩ cả hai đều trúng hết và tôi không nói mỉa mai, nhưng nói thật và xin mượn câu chuyện "lạc hồn" để biểu lộ sự thực đó. Ðây là câu chuyện film nhan đề "Étudiant de Prague".

Ở thành Prague có một sinh viên nghèo lại lâm vào bước quẫn bách quá không biết tìm đâu ra tiền. Quỉ liền hiện đến đề nghị cho anh một món tiền kếch xù với điều kiện là nhường lại tất cả những gì anh ta đang có trong phòng. Tưởng điều kiện gì chứ cái đó thì khỏi suy nghĩ: vì tất cả cơ đồ của anh chỉ là một cái ghế bố đã thủng với một cái gương mẻ, vài đồ chơi rẻ tiền. Ðược, quỉ cứ việc mang đi và để tiền lại đó cho anh.
Nhưng trước khi đưa đi quỉ bảo anh soi vào gương một cái, đang khi anh soi thì quỉ làm dấu, bóng anh biến đi và quỉ đem các đồ rong tuốt, để lại tiền cho sinh viên nọ sống cuộc đời đế vương, không thèm chú ý tới chuyện xảy ra nữa. Anh chỉ thấy hơi phiền một chút là lúc soi gương cạo mặt, không thấy mặt trong gương nữa. Tuy thế, đó là sự bất tiện nhỏ nhoi không đáng quan ngại, nhất là khi người ta có dư tiền để thuê người cạo mặt.

Nhưng một ngày kia vì có chuyện bất bình với em rể mà không sao dàn hòa được nên hẹn đánh nhau để phân phải trái (tiếng tây là duel: đánh nhau ai được thì kể là có lý). Bố vợ can ngăn hết lời vô ích nên chỉ xin anh đừng có giết em. Ðiều đó thì anh chịu liền, vì thực bụng chính anh cũng không muốn giết em rể, mà chỉ có ý làm sầy da một chút gọi là đắc thắng, bởi đắc thắng có nghĩa là đắc lý mà. Vì thế, anh lấy danh dự hứa với bố vợ sẽ không giết em.

Khi ngày quyết đấu tới anh lên xe để đến chỗ hẹn ở bên ngoài thành. Dọc đường xe gẫy bánh, anh phải xuống đi bộ một quãng xa, nên không tới đấu trường kịp giờ. Khi gần tới nơi, anh thấy một người cầm gươm đi lại để đón anh, mặt mày có vẻ giống anh như hệt và đang chùi sạch gươm còn nhỏ máu. Thấy thế, anh liền giật mình nhận ra đó chính là cái hồn của anh mà anh đã vô tình bán cho quỉ, và nay có thể là quỉ sai về giết hại em mình. Nghĩ thế anh liền chạy vội đến đấu trường thì quả đúng rồi, xác em rể đã nằm chết xõng xoài trên vũng máu tuôn ra lai láng. Anh buồn muốn ngất xỉu: không những vì thương em, nhưng vì còn thẹn thùng với bố vợ là thất hứa...
Thật là mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn của anh, chỉ vì một cử chỉ coi như vô thưởng vô phạt: nhường tấm gương soi mặc cho quỉ, mà khiến nên nông nỗi đau thương. Ðành rằng đời sống vật chất của anh có lên cao, nhưng nếu nghĩ đến cái xác vô tội của người em nằm trong vũng máu, nghĩ tới cặp mắt cha vợ đầy oán trách kinh hoàng cho anh là đứa hèn nhát nuốt lời thề... thì khó bình tâm ngồi hưởng thụ giàu sang kiếm được bằng giá máu của em...


Ðó là đại lược câu chuyện tôi cho là phản chiếu khá trung thực trạng huống nước ta trong mấy chục năm qua. Cũng có đủ cả việc cướp nước, cướp hồn nước, bán nước và bán hồn nước.
Và vì đó một số người vào hùa với ngoại bang làm giầu trên xương máu đồng bào trước muôn vàn đau thương của dân tộc... và cũng từ đấy xảy ra việc nhiều người xem vào những gương tiên tổ thì chẳng còn thấy bóng dáng mình đâu nữa. Thấy sao được vì đã bị ngoại bang dẫn đi rồi. Vả hồn có phải là vật cụ thể hiện ra thù lù trước mắt đâu, nhưng là cái gì u linh như ẩn như hiện có mà không, không mà có. Nếu tấm lòng yêu nước thương nòi đã phai nhạt thì xem vào gương mẻ là cái nước chậm tiến lạc hậu này, thấy sao được hồn nữa, nên nói nước Việt không hồn, dân tộc Lạc Việt không có tính chất đặc trưng, thì chỉ là nói lên một nhận định chân xác khách quan thôi.
Không những khách quan mà còn đúng tâm lý nữa: ngày nay các nhà tâm lý đã biến chân lý đó thành loại trắc nghiệm chiếu giãi (tests projectifs) dành cho khoa giáo dục để tìm hiểu tâm lý mỗi đứa trẻ, như các loại tests gọi là T.A.T. (Themafic aperception test) nổi tiếng thứ nhì sau loại trắc nghiệm của Rorschach được sáng chế ra năm 1935 do 2 người Mỹ là các ông Morgan và Murray: nó hệ tại đưa ra một màn kịch với vài ba nhân vật rồi bảo trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của các nhân vật đó để nói lên điều ước muốn (needs) hoặc sự bó buộc (press) phải đối xử ra sao.
Hoặc như trắc nghiệm của ông Szondi cũng gọi là trắc nghiệm vận mệnh: đưa ra 6 bộ hình chụp mỗi bộ gồm 8 cái hình người rồi bảo trẻ chỉ ra những hình người nào mà nó có cảm tình nhất... Nhà tâm lý theo đó mà đoán vận mệnh và tìm hiểu tâm tính của mỗi trẻ.
Theo luật khoa tâm lý đó, thì phải là người có hồn nước mới thấy được hồn nước, còn không có hồn thì không sao thấy được. Mà biết bao người Việt ngày nay còn gọi được là có hồn nước! Nếu còn có hồn sao người Việt Cộng lại đi sát hại đồng bào cách hăng say thành khẩn như giết quân thù: "Thề phân thây uống máu quân thù". Nếu còn hồn, thì ai đủ can đảm hát như thế!

Cũng như còn được mấy tí hồn trong số những công chức làm việc giải đãi, trong những người được địa vị ưu đãi lại thẳng tay bóc lột người dân một cách tàn tệ dưới đủ mọi hình thức, tự hối lộ cho đến bắt trả dịch vụ một cách rất xa mức chịu đựng của dân (400$ mỗi lần khám bệnh!)... Ðó cũng là một lối giết dần giết mòn.
Nhưng giết dần dần hay giết ngay một cái, đều là việc bên ngoài ý muốn của người giết. Ðến nỗi nếu ai nói với họ như thế họ sẽ phát dóa cho là nói tầm bậy vô bằng.
Quả thực sinh viên thành Prague có giết em rể mình đâu, đó là cái hồn của y giết em đấy chứ, cái hồn mà y đã nhường đi rồi thì còn quyền điều khiển nữa đâu, soi vào gương còn chưa thấy hồn huống chi điều động sao cho được. Cho nên đổ cho anh tội giết em là oan, hay có đúng thì chỉ đúng một phần nhỏ xíu, vì đó là hậu quả bất ngờ của một việc vô thưởng, vô phạt, đúng hơn thưởng nhiều phạt ít, và đối với anh còn thật mãi, vì sau khi em rể bị giết, anh vẫn còn giầu sang...

Giới trí thức của ta cũng thế, chẳng ai phải chịu hết trách nhiệm trạng huống nước nhà, bởi tất cả được đào tạo trong một nền văn hóa không phải của nước ta nữa thì làm chi còn hồn. Có chăng cũng chỉ còn là cái tình tự suông sẻ hời hợt không đủ gây nên những công việc sâu xa quyết định.

Cho nên nói chung ra là chúng ta không còn hồn, và vấn đề không phải ở tại có bán hay không? ai bán? ai có lỗi? Thành thực mà nói chẳng ai có lỗi cả, ít ra tới độ đủ để bị kết án. Tai họa chúng ta là hồn không còn ở lại với chúng ta nữa, một mớ thì vọng ngoại, cho nên những người trong giới được ưu đãi bóc lột người dân thì tại cái học duy lý là cái học hoàn toàn mưu sinh trục lợi, không có một khoa nào dạy cho một chữ gì đủ khả năng làm họ nương tay: toàn là trí thức rất dễ dùng để làm hại nhau mà thôi.

Thấy vậy đâm ra phát cáu, một mớ đem gởi hồn sang Nga, để học cách cứu đồng bào với điều kiện xem đồng bào như quân thù... Còn một mớ hồn nữa không biết bám vào đâu thì lạc lõng như những cô hồn chờn vờn trong làn hơi cháo lú. Bởi vậy muốn nói có hồn hay không có hồn cũng đều đúng cả: đúng với tâm trạng của mỗi người nói. Khi tâm thức không còn gì phảng phất hồn nước mà cũng nói về hồn nước, nói về dân tộc tính, nói về nền quốc học thì sẽ chỉ là những lời thiếu chân thực.

Vì thế chúng ta không cần tố cáo ai hết. Việc khởi đầu do lỗi lầm của một hai người trước đây. Nay có đào bới lên cũng là chuyện vô tích sự. Ðiều thiết yếu là cần phải xét có cần thiết nước phải có hồn chăng và nếu cần thì nên làm thế nào để hú cho hồn trở lại với nước cùng non?

Giáo Sư Kim Ðịnh (khoảng 1990)

b. Những đợt hồn nước

Ðấy là nhiệm vụ của thế hệ này phải khởi công. Tôi dùng chữ khởi công vì nó bao hàm rất nhiều công tác nặng nhọc, như phác họa một chương trình hoạt động cân đối với tỷ lệ quan trọng và cố công theo đuổi. Không như thế thì hồn càng biền biệt xa bay, và cái hố giữa những hồn vọng ngoại một bên và cô hồn cháo lú một bên càng ngày càng mở rộng.
Thí dụ bên cô hồn bảo hồn nước đậu ở cái áo thụng, ở lễ gia tiên, ở việc không khiêu vũ, thì làm sao những người trí thức tân tiến chịu lý: lễ gia tiên có ngay tự bên Roma, còn áo thụng đã trở thành trò riễu cợt từ khuya rồi, từ đời mồ ma của tuần báo "Ngày nay", "Phong hóa"... mà cho đến nay nhiều báo vẫn còn ngoan ngoãn cóp lại... Cho nên càng cổ võ hồn nước, càng cổ võ dân tộc tính thì hai bờ càng ran xa, mặc dầu thiện chí giúp nước của đôi bên có thừa.
Có thiện chí tại sao lại thất bại? Thưa vì hai bên đã bỏ qua một việc là chẳng còn ai đào sâu nữa, mà tất cả chỉ bám vào những cái bên ngoài thì chối hồn nước hay quyết có hồn đều vô ích. Hồn đâu có nằm trờ trờ bên ngoài như thế. Kinh Dịch nói rất đúng là hồn không ở nơi nào "Thần vô phương" không ở trong cái áo khẩu, cũng chẳng có cái lư hương hay lễ gia tiên... mà nếu đã phải có chốn có nơi như thế thì hết là hồn cùng lắm là cái phách, cái vía, chứ hồn thật có ở trong cái gì đâu, nhưng là bàn bạc khắp nơi, không đậu không ở... phải có cảm tình, phải cung kính mới nhận ra trong những cái tế vi mắt thường không thấy được.

Chẳng hạn cũng là tiếp khách cả, người Pháp cũng như người Anh đều dành ra một canh phòng trang hoàng chững chạc. Ðó là một sự kiện suýt soát đâu mà chả thế, nếu ta dừng lại ở đấy thì hai đàng có thấy chi khác nhau đâu cũng bàn, cũng ghế, cũng thuốc lá. Nhưng khi đi sâu vào sẽ nhận ra lý do tại sao cũng là phòng khách mà người Anh kêu là phòng ngồi (sitting room) vì trong thực tế ngồi chiếm chỗ nhiều hơn hay nói đúng hơn những câu nói được trao đổi theo một nhịp độ còn để kẽ hở cho ý thức được sự mình đang Ngồi... Trong khi bên Pháp thì gọi là phòng nói (parloir) thật là đúng, cũng như Quốc Hội gọi là Parlementaire (chỗ để nói), và càng tiến xuống mạn nam nước Pháp, nhất là sang đến nước Ý thì càng thấy đúng là parloir. Một sự việc bé nhỏ đó có thể làm khởi điểm cho một cuộc so đo giúp cho nhận ra biết bao cái khác nhau. Cũng là tránh nhau cả mà bên Pháp tránh bên mặt, bên Mỹ tránh bên trái. Vào nơi tôn nghiêm thì bên Ả Rập trụt giầy, bên Âu châu bỏ mũ. Bên ta tôn kính thì chắp tay trước ngực, bên Tây rất nhiều linh mục quì gối cúi đầu trước tượng Ðức Nữ Trinh mà hai tai bắt sau lưng v.v...

Ðó là những cái khác từ bên ngoài, và thực ra hồn không ở trong những cái tỉ mỉ nhỏ mọn đó. Tuy nhiên đó có thể là những dấu đặc trưng để dẫn tới chỗ nhận ra hồn, và những người chịu để tâm nghiên cứu chẳng hạn nhà tâm lý học người Ðức, ông Wundt, đã viết được 10 quyển về "tâm lý các dân tộc" (Psychologie des peuples, 1900-1920). Nếu theo gương đó mà chúng ta chịu để tâm nghiên cứu cũng sẽ tìm ra hồn dân tộc. Trong tập này tôi chỉ lấy có một thí dụ là lễ gia tiên như sẽ bàn sau. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm là nếu chúng ta không đi sâu vào thì dù có thiện chí mấy cũng không đủ phác họa ra một sách lược có hy vọng thành đạt, không đủ khả năng hú hồn nước trở lại. Chẳng hạn mỗi khi nói đến dân tộc tính hoặc hồn nước thì lại thấy những lời đả kích gái điếm, sách dâm ô, đồi phong bại tục, lối ăn mặc hoặc cư ngụ này nọ...
Bấy nhiêu chỉ tổ gây nên trong nhóm có khuynh hướng phóng khoáng một ấn tượng về cái gì khắc nghị, tiêu cực, càu nhàu, đôi khi không thành thực và phần nhiều thiếu thiết thực.

Một người du học đã thành tài nhưng không chịu về giúp nước... chưa phải vì thế mà lên án được là bật rễ. Có thể là vong bản mà cũng có thể không, và nếu thấy nước không cải tổ lại, nhân tài cứ bỏ xó vào những việc bàn giấy vớ vẩn... thì có lẽ lại lập nghiệp bên ngoại quốc là thực tế hơn nhiều.

Ðại để hồn nước rất tế vi phải xét kỹ mới thấy không phải hễ đi với ngoại kiều hay yêu thương một tí là bật rễ, hiểu như thế rất dễ đưa tới cử chỉ bất lịch sự cả với những người khách ngoại quốc. Thí dụ lấy cớ là kiểm tục để xâm phạm vào đời sống riêng của người ta, thì như vậy là đi ngược hồn nước, vì hồn nước của dân tộc ta vốn là trọng khách, kính khách. Nếu không làm gì được hơn ít nhất cũng phải đủ tế nhị để khách được tự do tổ chức đời sống tư riêng cách thoải mái, mà nghĩa vụ của nước văn hiến chính là ở chỗ không cho ai được xâm phạm vào. Một số sách khêu gợi, mấy đôi trai gái yêu thương ngoài công lộ, một khách ngoại quốc dắt một cô nhân tình Việt... bấy nhiêu đã sụt trời sụt đất chi đâu mà phải hò la, cùng lắm có chọc mắt mấy nhà nho thì chỉ là thứ Thanh nho hương nguyện mà thôi. Hay nếu có hệ thì cũng mới nặng một phần so với chín phần nhiều cái bật rễ khác... Cần phải suy nghĩ kỹ mới đánh giá được cách trung thực cái gì là bật rễ, cái gì là mất hồn, và lúc ấy chúng ta mới kinh hoàng nhận ra biết bao cái mất gốc nặng nề ẩn sau những cái vỏ uy nghi trang trọng.

Nhưng moi móc những cái đó ra mà chửi chưa chắc đã ơn ích vì con người có muôn phương thế để che đậy, để trình bày kiểu này hoặc đổi kiểu kia. Cho nên điều tốt hơn hết là phải tìm phương thế sửa đến tận gốc rễ trong hết cái mức độ có thể làm. Trong các phương thế thì một là đánh thức dậy cái hồn nước xa xưa. Cần những người yêu nước chân thành liên lạc với nhau trong mặt trận văn hiến để suy tư tìm kiếm ra trong những cái không đáng kể, nhưng nhiều khi lại là chỗ phát khởi sức mạnh vô biên. Cái sức địch muôn người của Samson không nằm trong cánh tay hộ pháp của ông nhưng trong những sợi tóc bé nhỏ phất phơ trước gió. Hồn dân tộc cũng thế, nó phảng phất tế vi trong những cái tế vi, và nếu không tìm ra để cho Lila cắt mất tóc thì càng ngày càng trở nên yếu hèn.

Ðể cho dễ qui tụ ý tưởng chúng ta nên phân biệt ra 3 đợt hồn nước là:

(1) Tình tự tổ quốc
(2) Nền tảng triết lý của hồn nước
(3) "Tinh nghĩa nhập thần" nhắm tiến tới những chân trời xa lạ.

Cho tới nay nói đến hồn nước thường chúng ta mới mon men ở đợt tình tự thường được nuôi dưỡng bằng lịch sử, một số bài văn hiểu theo mức độ văn học văn nghệ với một số thói quen, một số thể chế này nọ mà ta gọi bao trùm bằng danh từ thuần phong mỹ tục, lễ giáo, quốc túy, quốc hồn.

Ðợt này tuy cần và rất phổ cập, mọi người đều cảm thông được hết, nhưng nếu không có cán bộ để tiến lên đợt hai thì rất dễ sa đọa: sử ký có thể đưa đến bài ngoại, văn học có thể choán chỗ lẽ ra phải để dành cho các áng văn kiệt tác của nhân loại, thuần phong mỹ tục dễ trở nên nơi ẩn náu của hủ tục, của những ước lệ chỉ hợp ở thời xưa... làm cho mặt trận hồn nước trở thành nhân tố níu lại bánh xe lịch sử với bầu khí cổ hủ khác hẳn với tinh thần khai phóng của hồn nước chân thực. Vì thế mỗi lần nhân loại trải qua một giai đoạn giao thời cũng gọi là khúc quanh lịch sử, như hiện tại đời ta nay, thì cần coi nhẹ thói tục, tập quán, để chĩa mũi dùi vào việc đào sâu: đi lên đợt hai là Triết lý, là Ðạo thuật, rồi cuối cùng khi ta đã thấu triệt, đã "tín nghĩa" thì sẽ "nhập thần" nghĩa là thâu hóa tinh hoa từ bốn phương trời đem về tài bồi cho hồn nước để nó linh động những thể chế mới, thói quen mới.

Ðấy là chiều hướng lý tưởng của sự tìm hiểu Hồn Nước, há trở lại cái hồn đã ràng buộc mọi người dân con trong nước cho tới thời Pháp thuộc, thì hồn mới bị bắt và dẫn đi.

Khi Khải Ðịnh trao Bảo Ðại cho người Tây đem về Pháp đào tạo thì nói: đây là đứa con của tôi, mai sau sẽ kế nghiệp tôi mà cầm giềng mối nước tôi. Xin nhờ các ông đào tạo cho nó sao thì chúng tôi được nhờ thế. Ðó là câu nói của kẻ thua trận không thể làm khác được nữa. Cho nên câu nói đại loại kiểu đó cũng sẽ được lặp đi lặp lại cách mặc nhiên bỡi mỗi người Việt Nam khi gửi con sang Tây du học, hoặc có thể nói rộng hơn nữa là bất cứ cha mẹ nào khi gửi con vào các trường Pháp Việt cũng phải nói thế, nghĩa là tất cả người trong nước muốn con đi học. Vì có còn lối tiến thân nào khác đâu, cho nên toàn dân phải mặc nhiên chấp nhận câu nói đó; "tùy các ông muốn làm sao thì chúng tôi được nhờ thế".

Ở phương viên Chavassieux gần Bưu Ðiện Hà Nội người ta có dựng tượng đồng Paul Bert tay dắt một đứa bé Việt Nam. Dắt đi đâu? Nói rằng dẫn đến Tự Do hoặc dắt đi dạy cho biết văn minh của bình đẳng huynh đệ và tự do. Ðúng chăng hay đó chỉ là hồn Việt Nam bị dẫn đi như trong câu chuyện "Lạc Hồn" để sau này sẽ trở lại tác hại đồng bào, đạp lên tổ tiên. Thì tới nay chúng ta đã nhận ra cả rồi. Kẻ thì vinh thân phì da, trí thức chửi nhau như họp chợ! nào trong 20 năm trời trí thức phản bội tổ quốc 5 lần, nào tác phong của trí thức là chính trị xôi thịt, nào là luồn đủ hạng... như chúng ta có thể đọc được đầy rẫy qua các báo. Ðấy là về phía thế giới tự do, còn bên phía Mácxít?

Tôi không sao bỏ được cái ấn tượng dầu chỉ nghe kể truyện lại một cán bộ nọ đã dự vào cuộc đấu tố cha của mình cách tích cực và khi người xấu số đã chết gục dưới những cú đánh tới tấp thì anh đến đạp xác nạn nhân và dõng dạc tuyên bố: tao không còn nhìn nhận mày là cha tao nữa mà chỉ thấy nơi mày một thành phần phú nông cường bá đã bóc lột nhân dân thôi...
"Hồn hỡi hồn con cháu Lạc Long", người ta huấn luyện cho hồn sao mà tài tình đến thế. Ðể rồi chúng ta theo dõi: từ sự đập bài vị tổ tiên, dẫn tới đạp lên xác cha, có dẫn tới thế giới thiên đàng với lòng yêu nhân loại không bị tù hãm trong những giới mốc của gia tộc, tổ quốc chăng?
Sở dĩ tôi khó bỏ được ấn tượng bi thương kia vì đó chỉ là hình thức thái thậm của động tác dẫm chân lên tình dân tộc, giày xéo trên tổ quốc, nhưng bên dưới còn biết bao hình thức nhẹ hơn mà nếu không có một chuyến đi sâu vào lòng dân tộc tì khó lòng nhận chân ra được, nên bây giờ chúng ta hãy dùng một tác động bình thường còn được duy trì đến 88% trong các gia đình Việt Nam, đó là lễ gia tiên làm thí dụ tìm về hồn dân tộc.



Giáo Sư Kim Ðịnh (khoảng 1990)
$pageOut$pageIn2. Chương II: Những Âm Vang Của Bài Vị Văn Tổ

a. Lối Ðặt Bài Vị

Hồn của lễ gia tiên là chữ hiếu nhưng nếu chúng ta chỉ căn cứ vào những dạng thức cổ truyền, với những lối tế tự nhiều khi rất kềnh cơi, những gương hiếu đễ thuộc thời phong kiến, rồi cho đó là hồn nước thì không chinh phục nổi ai, mà người trí thức thời mới có thể cho đó là truyện vu vơ; vì rằng trong các xã hội cổ đại xưa đâu đâu cũng có việc thờ cúng tổ tiên. Ðó chẳng qua là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa của nhân loại đâu chẳng có, cứ phải gì phải bên Việt Nam hay bên Viễn Ðông. Cho nên đó không phải là hồn nước, hay dân tộc tính chi cả mà chỉ là một sự mê tín đã lỗi thời cần phải vượt qua. Chính vì Tây Phương đã trút bỏ sớm hơn ta được mấy ngàn năm nên nay họ mới tiến bộ khoa học và giầu thịnh như thế.
Ðại để đó là lối trả lời có vẻ lý sự khiến cho người giữ lễ gia tiên đâm hoang mang: bỏ đi không cúng tế nữa thì sợ bất hiếu với tổ tiên, mà không bỏ thì làm sao kịp được người. Thành thử trong tâm trạng có một sự giao tranh thuộc ý hệ. Và rồi chẳng bên nào thắng bên nào: bên tình bên lý bên nào cũng phải cả. Thế nhưng chúng ta chịu quan sát học hỏi nghiêm túc sẽ thấy một sự khác biệt quan trọng. Quan trọng đến độ khiến cho lễ gia tiên của ta được duy trì cho đến tận ngày nay cũng như nền văn minh Viễn Ðông suốt qua gần 20 thế kỷ, trong khi nền văn minh cổ đại La Hi cũng như rất nhiều nền văn hóa khác đã sụp đổ kéo lôi theo cả sự thờ tổ tiên vào nấm mồ đô thị cổ xưa (cité antique).
Sự tồn tại hay sụp đổ của nền văn minh là truyện lớn lao, nó không hệ tại sự thờ tổ tiên, nhưng ở chỗ thờ cách nào. Và cái cách ấy nếu ta nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ thấy nó hiện hình ngay ra trong lối xếp đặt các bài vị của hai bên. Nếu xem chung thì tưởng như nhau, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì thật khác nhau rất nhiều. Ðiều khác căn bản là bên Viễn Ðông có một bài vị gọi là Văn Tổ để giữa bốn bài vị của Cao, Tầng, Tổ, Nỉ (Nỉ là Cha, khi còn sống thì gọi là Phụ, khi qua đời thì gọi là Khảo, khi rước vào Miếu thì gọi là Nỉ) xếp theo khung ngũ hành, nghĩa là đặt ở bốn phương, còn trung cung dành cho Văn Tổ như sau:

Khung ngũ hành: Lối đặt Bài Vị:
. .Hỏa. .Tổ
Mộc Thổ KimTằng Văn-tổ Cao
. .Thủy. .Nỉ
Triết lý ngũ hành hệ tại mỗi hành phải móc nối được với trung cung mới có đủ linh ứng: thủy, hỏa, mộc, kim, đều đi qua Thổ mới trở thành linh nghiệm (xem bài ngũ hành trong Tác phẩm Chữ Thời). Áp dụng vào việc thờ tổ tiên, là phải từ tiên tổ mình đi đến bản tính đồng nhiên của con người. Cho nên bên ngũ hành: không được dừng lại ở một hành nào chung quanh, nhưng phải lấy Thổ trung cung làm nền móng thì trong việc thờ tổ tiên cũng thế, không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình, nhưng phải trườn tới Tổ trên hết các Tổ, cục tinh ròng gọi là Văn Tổ (l'Ancêtre parfait) rất linh thiêng nên có tính cách phổ biến vì gốm không những mọi Tiên Tổ, mà còn gồm Tổ Tiên các tổ là trời đất.
Cũng theo triết lý ngũ hành thì chỉ thờ tổ đến 4 đời tính từ mình trở lên, cũng như miêu duệ tính trở xuống cũng kế 4 đời: con, cháu, chắt, chít là thôi. Trở lên cũng như trở xuống mình vẫn là trung cung.
Ðó là đại ý lối xếp bài vị theo ngũ hành khác hẳn với lối xếp thiếu triết lý. Tuy nhiên đó là một ý nghĩa tế vi, ít người nhận ra được, vì một đàng trong thực tế không cần thiết phải có bấy nhiêu bài vị, cho nên dễ mất dần ý thức, đến nỗi nhiều lần người ta lẫn với Thượng Ðế, vì Văn Tổ ở cùng một cung với Thượng Ðế, với "hoàng thiên hậu thổ". Ðàng khác đó là một chân lý rất tế vi, nên cũng dễ thất truyền. Ai đã đọc quyển "Chữ Thời" đều biết là cả một truyền thống bị chôn vùi ra sao, và sẽ không lạ gì khi thấy người ta dần dần quên đi, làm sai ý nghĩa, do đó cần chúng ta phải khảo sát lại.
Ðể thấy rõ hơn chúng ta sẽ khảo sát vấn đề về bốn khía cạnh là triết lý, xã hội, chính trị, tâm lý.


b. Vấn Ðề Trước Hết là Vượt Ðợt Ý Hệ

Ít mấy người ngờ tới vì hầu hết đều căn cứ vào lối thờ cúng thông thường bình dân, thế mà bình dân thì tiếp nối việc thờ cúng tự ban đầu kiểu tôn giáo bái vật tức là tin linh hồn tiên tổ cần ăn ở tiêu xài như người sống con cháu cần phải cấp dưỡng để ông bà bang trợ cho làm ăn phát đạt... Ðó là giai đoạn kéo dài đời sống thường nghiệm dưới hình thái khác; đây chưa phải là trạng thái bất tử (immortalité) cao hơn sẽ đến sau, nhưng mới là sự tin người còn sống kiểu trường tồn, tiếng tây gọi là survie: chỉ phần sống sót sau khi xác thân chết. Ðó chưa là linh hồn cho bằng gọi là phách hay vía, là những hồn hạ cấp, tiếp tục sống đời sống sinh lý, tuy giác quan không xem thấy, nhưng vẫn đi lại lờn vờn trong nhà để bang trợ hoặc sửa phạt tùy thái độ con cháu. Vì thế vẫn cần các vật dụng như người thường: cơm nước, nhà cửa... Do đó mà có lệ đơm cúng cỗ bàn với niềm tin là ông bà về hưởng. Ðại để đó có thể là niềm tin của thời bái vật là giai đoạn đầu tiên trên diễn trình biến hóa tâm thức con người.
Nhưng đến một lúc nào đó, một số người cho rằng tin như thế là hão huyền. Con người chết là hết: linh hồn còn sống chỉ là một ảo mộng, đơm cúng là một việc dị đoan, cần phải bỏ, và từ đấy khởi lên vấn đề ý hệ giữa Hữu và Vô nghĩa là tranh luận xem có hay không có linh hồn tồn tại sau khi xác chết. Ðấy là phản ứng đầu tiên của những người mới giác ngộ, trạng thức này sau sẽ bị vượt qua ở một số người bởi niềm tin linh hồn bất tử (immortalité de l'âme) của các tôn giáo cao đẳng đề ra, và như vậy không cần phải tiếp tế lương thực vật dụng chi nữa... Tuy nhiên đó chỉ là một giải đáp theo lối tôn giáo, và chỉ có giá trị đối với tôn giáo, còn trên bình diện ý hệ chưa tìm ra lối thoát khỏi hai gọng kìm Hữu Vô, Hữu Thần với vô thần. Bên hữu thần tin có linh hồn hằng sống, bên vô thần bảo là không. Sự xung đột ý hệ (coflin d'ordre idéologique) này vẫn kéo dài với rất nhiều cuộc đổ máu. Mãi cho tới nay thế giới chia hai thì căn do sâu xa cũng chính là do chưa tìm ra lối thoát đó vậy.
Triết lý gia-tiên, tuy không đưa ra một giải đáp cho chính vấn đề có với không trên, nhưng đã đưa ra một lối thoát bằng một sách lược tâm lý: tức là đặt vào dấu ngoặc đơn vấn đề có với không, để đặt trọng tâm vào tác động trên bình diện tâm lý và nghệ thuật. Theo đó thì việc cúng dâng không cần hiểu như một sự tiếp tế cho người đã qua đời, nhưng là một tác động nhằm trọn vẹn hóa chính người tế dâng, cũng như việc tế dâng không thiết yếu đòi phải tin có linh hồn, nhưng được coi như mối liên hệ giữa người sống với muôn thế hệ đã qua. Bởi vậy mới nói "tế như tại" và Tế Thần như Thần tại."
Tế thần như thần có hiện diện đó. Chữ "như" ở đây phải hiểu cách rất co giãn có thể bao hàm niềm tin có hay không có linh hồn đều được cả.
Ðại để đó là một lối rút ra khỏi đối vật để đặt quan trọng vào chính động tác: Kiểu như Kierkegaard nói: "không phải đối tượng được tôn thờ quan trọng nhưng chính là tác động tôn thờ" "ce n'est pas l'objet de l'adoration qui compte, mais l'acte d'adoration". Do đó việc tế không còn là vật chất nữa. Nói theo nay không là Avoir mais Être: không cần tin có linh hồn, nhưng là dâng hiến với ý chí rất trịnh trọng, chứ không có ý cầu lợi lộc, đòi giầu có, mà chỉ là tâm tình của người hiếu thảo đối với tổ tiên như Kinh Lễ nói chỉ cốt dâng hiến chứ không cầu ông bà làm chi cho mình. Ðó gọi là cái tâm tình hiếu tử vậy "Minh tiến chi nhi dĩ hĩ, bất cầu kỳ vi, thử hiếu tử chi tâm dã" (Lễ Ký XXII 2.1 X.1) Trong bình diện này nếu có còn dùng ít danh từ cũ, thì nội dung cũng đã đổi, chẳng hạn chữ Phúc, tuy cầu phúc nhưng không theo nghĩa thế tục nữa, nhưng hiểu phúc là sự trọn hảo của người tế. "Hiền giả chi tế dã, tất thụ kỳ phúc, phi thế sở vị phúc dã, phúc dã bị dã. Bị giả bách thuận chi danh dã: nội tận ư kỷ, ngoại thuận ư đạo dã" (Lễ Ký XXII. 2.X.2). Hiền nhân khi tế tất có được phúc, nhưng không phải phúc như thế thường hiểu, nhưng hiểu là tận hảo (bị), tận hảo là bách thuận: Trong là tận kỷ, (tức thuận theo những nhu yếu căn bổn của mình) ngoài là thuận với đạo (Ðạo Hiếu).
Nhờ cuộc "Cách mạng văn hóa" mà bài vị Văn Tổ là tang chứng củ thể thì từ đó lễ gia tiên đã bỏ bình diện có hay không đối vật cũng như lợi lộc với cầu vái, để trở thành "an hành" tức là tác động mà không cầu vái chi, nhưng chỉ còn nhằm thiện mỹ hóa chính người tế. Nói theo Tuân Tử, lễ gia tiên trở thành nghi lễ văn súc cái tình người, nghĩa là vừa tiết chế vừa hàm súc tâm tình cho thâm hậu. Như vậy là đi từ ngoài vào trong, từ sự vật tới chủ tể. Ở chỗ này Phùng Hữu Lan nhìn thấy khá sâu sắc như sau: "Tâm chúng ta có hai mặt là tình cảm và lý trí. Giả như người thân chúng ta chết, theo quan điểm lý trí của chúng ta mà xét thời người chết không thể sống lại, mà thuyết linh hồn kế tục tồn tại không thể chứng minh, khó lòng tin được, nhưng tình cảm của chúng ta lại rất mong cho người chết sống lại, linh hồn của người chết kế tục tồn tại. Nếu chúng ta chỉ chuyên theo lý trí thì đối với người đã chết chúng ta có thể theo thuyết nói trong thiên Dương Châu ở sách Liệt Tử: "Ðốt cũng được, ngâm nước cũng được, chôn cũng được, để bộc lộ cũng được, bó lại mà đôi xuống khe vực cũng được". Nếu theo thuần lý trí thì những lễ tiết trong việc đưa người chết đều là vô nghĩa cả. Các tôn giáo ở đời đều cho những tưởng tượng hợp với tình cảm người ta là chân thật và phủ nhận sự phán đoán của lý trí."
"Chúng ta nếu đối với người chết mà thuần theo lý trí tình cảm sẽ thấy không yên, nếu chuyên theo tình cảm thì sẽ đắm chìm trong mê tín có hại cho sự tiến bộ. Ðiều mà Tuân Tử và Lễ Ký dạy chúng ta đối với người chết là chiết trung lấy cả lý trí lẫn tình cảm. Cứ lý luận của Tuân Tử và Lễ Ký thời tang lễ, tế lễ là thơ và nghệ thuật chứ không phải tôn giáo".
"Gần đây có ông George Santayana chủ trương tôn giáo nên bỏ bớt những điều mê tín, độc đoán để có thể sánh với thơ. Tuân Tử là Lễ Ký ủng hộ tang lễ và giải thích tang lễ, đã biết đem tôn giáo xưa mà tu chỉnh thành thơ. Tang lễ của thời xưa là nghi thức tôn giáo, trong đó bao hàm rất nhiều độc đoán và mê tín. Tuân Tử và Lễ Ký "lấy sự thuật lại việc xưa làm sáng tác", gạn lọc và thêm ý nghĩa mới, khiến cho tôn giáo mà biến thành thơ".
"Thời xưa người ta tin linh hồn còn kế tục tồn tại có thể dùng đồ ăn thức dụng... nên sắm những thứ đó cho người chết và gọi là Minh Khí. Ðến đời Khổng Tử theo lối "dĩ thuật nhi tác" (Chính câu nói là "ngô thuật nhi bất tác". Tôi chỉ thuật lại đạo xưa, chứ không sáng tác cái gì mới cả. Nhưng các học giả nay đều cho rằng kiểu thuật lại của Khổng đã là một sự sáng tạo. Vì thế Phùng Hữu Lan nói là "dĩ thuật nhi tác") tuy cũng truyền lại các thứ Minh Khí đó, nhưng đã mặc cho chúng một ý nghĩa mới. Lễ Ký chép lời Khổng Tử rằng: Nói chết là chết hẳn, bất nhân mà không thể làm vậy. Nói chết mà sống lại (để vẫn dùng đồ đạc và cả con ăn đầy tớ, nên giết người sống để chôn theo người chết), bất trí mà không thể làm vậy".
Về việc sau khi chôn, để tang ba năm, Lễ Ký nói: "Phàm sinh giữa khoảng trời đất, loài có huyết khí tất có biết. Loài có biết, chẳng loài nào mà không yêu đồng loại. Nay lớn như chim thú, mất lứa lạc bầy, trải qua ngày tháng, khi qua chỗ cũ bay lượn kêu gào, nhảy nhót trù trừ rồi sau mới bỏ đi. Trong loài có huyết khí chẳng gì hiểu biết hơn người, cho nên người đối với người thân, đến chết không cùng. Như kẻ tà tâm người thân sớm chết, tối đã quên rồi. Nếu theo thế thì còn thua cầm thú nữa, làm sao có thể ở chung mà không loạn? Nếu thế ta lại theo lối quân tử để tang 25 tháng rồi tới 3 năm còn chưa cho là đủ, còn cho như bóng ngựa qua khe cửa. Nếu muốn cho toại nguyện thời vô cùng, nên cũng không được. Vì thế tiên vương tiết chế một cách vừa phải, khiến cho đủ thành văn lý thời thôi".
"Những điều dẫn trên này đều theo phương diện tình cảm chủ quan mà lập luận, bởi vì chủ ý của tang lễ chỉ là để an ủi tình cảm mà thôi".
"Tuân Tử tổng luận về tang lễ rằng: Lễ dạy về việc đối xử với sống với chết. Sinh là bắt đầu của con người, chết là rốt cuộc của con người. Bắt đầu cũng như rốt cuộc đều thiện thì đạo người xong xuôi. Cho nên quân tử kính lúc bắt đầu và cẩn thận lúc rốt cuộc. Làm cho bắt đầu và rốt cuộc như nhau đó là đạo của người quân tử, là văn vẻ của lễ nghĩa; hậu hỉ với người sống bạc bẽo với người chết. Thế là kính người lúc biết, mà khinh người lúc không biết vậy... Cái đạo chết là thế này: một khi đã đi thì không thể lại được. Bề tôi sở dĩ trung với vua, con sở dĩ hiếu với cha mẹ đến đấy là hết... Tang lễ là để cho người sống trang điểm cho người chết. Tiễn đưa người chết như khi còn sống, người khuất bóng như khi còn hiện diện. Bắt đầu và rốt cuộc như một vậy. Cho nên tang lễ không có ý gì khác hơn là để tỏ cái nghĩa sống chết".
"Phụng sự người sống là tô điểm cho cái bắt đầu, phụng sự người chết là tô điểm cho cái rốt cuộc. Bắt đầu rốt cuộc đủ, đạo người con hiếu xong xuôi, đạo của thánh nhân đầy đủ. Ðẽo người chết để phục vụ cho người sống là kiểu Mặc Ðịch. Ðẽo người sống mà thêm cho người chết là dị đoan. Giết người sống mà gửi xuống cho người chết là tặc... Khiến cho sống chết, bắt đầu, rốt cuộc, chẳng gì là chẳng vừa phải, tốt đẹp, ấy là pháp thức của lễ nghĩa Nho Gia là như thế đấy" (thiên Lễ luận).
"Ngoài thời tận vật, trong thời tận chí, đó là cái lòng khi tế vậy". "Thế tức là chuyện trọng tế tự mà không trọng đối tượng của tế tự".
(Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan, bản dịch của Nguyễn Hữu Ái trg. 247-250, có sửa đổi những chỗ dịch tối).
Sở dĩ tôi trưng một đoạn dài của Phùng Hữu Lan vì ông là người vô thần như ý kiến của ông về tôn giáo nói lên điều đó; thế mà ông cũng chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên thì điều đó chứng tỏ việc thờ cúng tổ tiên đã thoát ra khỏi phạm vi ý hệ, nên trở thành một nhân tố giàn hòa giữa các niềm tin tưởng.
Ðiểm này càng nổi bật khi ta nghĩ đến việc Tòa Thánh Vatican đã cho phép tín hữu tân tòng bên Tàu (vào lối 1939) và mới đây ở cả nước ta được phép duy trì việc thờ cúng tổ tiên vì coi đó chỉ là một lối tỏ lòng hiếu thảo. Việc cho phép đó là kết quả của một cuộc tranh luận kéo dài trên hai thế kỷ giữa hai phe thừa sai, một bên chủ trương cho phép duy trì, một bên cho là không nên vì có sự mê tín dị đoan. Ðại để các thừa sai y cứ vào kinh điển như Dòng Tên thì chủ trương nên vì không có chi nghịch với tín điều; ngược với nhóm thừa sai quan sát sự thờ cúng nơi đại chúng thì cho là không nên. Thực ra cả hai bên cùng có lý do vì lễ gia tiên có cả hai yếu tố: yếu tố bái vật dị đoan nơi dân chúng cũng như yếu tố tâm lý nghệ thuật nơi nho gia, nhưng phân biệt ra được là điều rất khó khăn, vì trong thực tế hai yếu tố vẫn để lẫn lộn, bởi sự phân biệt để tùy trình độ tiến triển tâm thức từng cá nhân mà thôi không có khoản luật nào bắt buộc phải tin thế này hay thế kia. Ngày nay Tòa Thánh Vatican cho phép là chấp nhận lối hiểu tâm lý nghệ thuật. Và như thế chúng ta thấy quả thực lễ gia tiên đã tránh được vấn đề cam go giữa hữu với vô, đến nỗi ngày nay vẫn có thể dùng làm miếng đất mà hai phe vô thần với hữu thần tạm đứng chung được. Cho nên quả nhiên lễ gia tiên cải tổ chỉ còn là một tác động thuần tuý tinh dòng không cần đối tượng: muốn hướng vào đối tượng này nọ kia khác hay không cũng đều được, đó là quyền tư riêng của mỗi người, mỗi tôn giáo hay vô tôn giáo.
Ðấy là thực chất quan trọng được đưa vào lễ gia tiên do cuộc cải tiến ghi trong 2 chữ Văn Tổ mà chúng ta cần khai thác triệt để hầu làm nền móng cho nền tổng hợp mới vì khả năng giàn hòa rất thâm hậu của động tác tinh tuyền coi đối tượng là tùy phụ nên không câu chấp.
Do đó mà có thể bảo tồn hình thức cũ, nhưng cho chở theo một ý nghĩa mới, khai thông cho sự tiến triển của tâm thức con người, thành ra tư tưởng vẫn tiến bộ, mà người trong nước không bị phân ra hai chiến tuyến chống đối nhau. Trái lại lễ gia tiên đã trở thành một thứ xi măng tinh thần mới, có khả năng gắn bó người trong nước lại một khối nhất trí không còn kẽ hở. Ðó là một hậu quả xã hội mà chúng ta cần lưu ý.

c. Xã Hội Và Chính Trị

Yếu tố thứ hai gắn liền với việc thờ tiên tổ xưa đặt ra một khó khăn thuộc xã hội chính trị như sau: đó là sự phái quyền quí giữ riêng cho mình đặc ân thờ tổ tiên, vì theo họ chỉ có tổ tiên họ mới đáng thờ, bởi thuộc dòng máu thần linh, còn thứ dân và nô lệ là dòng máu hèn, thì không đáng thờ cúng. Vì đó mà xưa kia bên La Hi cũng như bên Trung Hoa cổ đại chỉ hàng quí tộc mới có quyền thờ cúng tổ tiên. Ðiều này rất quan trọng vì có quyền cúng tế tổ tiên tức cũng là có quyền làm công dân với các quyền lợi theo sau như có phần điền có quyền đứng tên trong văn tự mua bán, đi học, làm quan... vì thế nên phái quyền quí không chịu mở rộng việc tế gia tiên... Nên số người được cúng chỉ suýt soát là 10 phần trăm chăng. Tuy số của họ rất ít nhưng nhờ vào sự ăn học, sự khôn khéo của họ cũng như trình độ vô thức của đại chúng mà họ nắm được quyền điều khiển trong nước. Nhưng đến một lúc nào đó khi tâm thức con người đã được khai mở đủ thì dân chúng dần dần nhận chân ra sức mạnh của mình cũng như những đặc ân của phái quyền quí chỉ là dựa trên những lý lẽ huyền hoặc. Ðã thế, giới cai trị lại bị yếu dần do sự phân tán vì ý hệ giằng co giữa Hữu và Vô, nên sự nhất trí yếu đi và dần dần ảnh hưởng lan sang phạm vi xã hội, để rồi cuối cùng gây nên sự sụp đổ của xã hội như Egypte, Babylon, Assyrie, Mésopotamie, Sumérie, Khmer... tất cả đều có sự thờ tổ tiên, nhưng luôn kèm theo sự phân chia ra giai cấp thống trị và đại chúng nô lệ...
Và tất cả cũng đã sụp đổ theo sự diễn tiến mà sử gia Toynbee đã phác họa như sau. Khi đến một khúc quanh của lịch sử thì các nền văn minh đều gặp một tình tiết mới xuất hiện như một thách đố (Toynbee gọi là challenge). Nếu lúc đó có một tâm hồn sáng suốt tìm ra một giải đáp giúp cho nền văn minh lướt qua được mâu thuẫn đi kèm thách đố nói trên thì sẽ biến hóa gọi là: tiến hóa: évolution, nhờ đó văn minh sẽ sống mãi; còn nếu không tìm ra thì có cuộc cách mạng révolution làm cho nền văn minh cũ sụp đổ (break down), và lúc đó một nền văn minh khác sẽ sinh ra. Xuyên qua 6 ngàn năm lịch sử kiểm chứng được, thì tất cả hơn 20 nền văn minh đều đã sụp đổ (Ấn độ chỉ có một phần đứng vững, chúng tôi sẽ bàn ở dịp khác). Còn lại có nền văn minh Viễn Ðông là duy nhất tồn tại, như giáo sư Creel nhận xét trong cuốn La Naissance de la Chine trg. 315 (Evolution et non Révolution)...
Vì không có cách mạng đạp đổ bài vị thờ cúng (révolution) nên lễ gia tiên vẫn còn, nhưng đã biến hóa (évolution), nghĩa là đổi nền tảng: thay vì đặt ở sự tin có linh hồn tồn tại, vẫn gắn liền với huyết thống, thì đặt sang nền mới là Văn Tổ, tiếng Tây dịch là Ancêtre parfait, tức là bản tính đồng nhiên con người. Như vậy hễ ai là người thì đương nhiên có đủ quyền đứng ra tế gia tiên. Mà vì quan niệm nhân bản rất rộng nên ai cũng như ai, đều có quyền làm người, nên gia đình nào bất cứ cũng có quyền lập bàn thờ tổ tiên. Lễ gia tiên từ đấy hết còn là đặc ân dành riêng cho quí phái như xưa, nhưng mở rộng cho khắp mọi tầng lớp với các quyền lợi đi kèm theo nó: như quyền được đặt tên tự, và do đó quyền được hưởng công điền, quyền được đi học, đi thi làm quan...
Chúng ta nhận ra tầm mức quan trọng của một chữ Văn Tổ. Chính cái ý tưởng nền móng đó đã chở theo nguyên lý để giải quyết vấn đề rất nhiêu khê là phân chia giai cấp thành quí tộc và nô lệ (vì tất cả mọi người đều cùng một bản tính đồng nhiên thì căn cứ vào cái chi để thiết lập thể chế nô lệ). Như thế vấn đề đã được giải quyết trên bình diện triết lý và thể chế. Nếu trong thực tế người ta vẫn còn gặp những vụ phân chia giữa chủ và nô lệ, thì đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, cá nhân, thường do căn do kinh tế hoặc chính trị, chứ không phải vì lý do triết lý, khi do triết lý thì phải có thể chế tức là những qui chế được luật pháp công nhận và bảo đảm).
Ngược lại các nền văn hóa khác vì thiếu một cuộc tiến hóa được biểu lộ qua chiếc bài vị Văn Tổ, nên đẳng cấp vẫn còn tồn tại với sự phân ranh chủ nô cùng với các đặc ân khác cho mãi tới thế kỷ 19, và nay tuy Âu tây đã bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng là do thúc bách bên ngoài thuộc kinh tế chính trị mà chưa tìm ra nổi nền móng triết lý, nên sự xóa bỏ chế độ nô lệ cũng kéo theo rất nhiều đau thương như nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy lễ gia tiên đã bị tiêu diệt, nhưng nền văn minh mới chưa đưa ra được một nền tảng khác để giàn hòa giữa Hữu và Vô nên trong xã hội vẫn mặc nhiên tiếp tục chính trị phân chia giai cấp với các sự chênh lệch bất công. Chính vì phần lớn tại thiếu nền tảng đó mà Hi Lạp đã lâm vào nội chiến giữa Parte với Athènes nên sự tiêu diệt, cũng như đế quốc Roma sụp đổ thì lý do sâu xa chính vì thiếu sự giàn hòa giữa phe Romulus một bên và Sabin bên kia.
Bởi vì những người nô lệ chiếm đến 90 phần trăm trong nước, thế mà họ không được coi như người, không có tổ quốc. Khác xa với người Việt Nam ra trận đánh đuổi quân xâm lăng để bảo vệ xã tắc thì là bảo vệ phần ruộng đất của mình, của tổ tiên mình, thấm nhuần không những xương máu nhưng là linh hồn tiên tổ. Theo quan niệm Viễn Ðông thì dưới đất còn nhiều chất thiêng hơn cả ở trên (Mus 131). Vì thế mà với người Việt Nam vong quốc có một tầm quan trọng rất sâu xa. Nếu xét theo danh từ thì:
Vong Quốc là trốc gốc đất
Vong Thân là trốc gốc người
Vong Bản là trốc gốc trời, đất, người với một ý nghĩa linh thiêng...
Nhưng với người Việt Nam cả ba chữ đều đi một chiều, vì quan niệm người dân bình quyền theo quan niệm con người không phân giai cấp vì tất cả tham dự vào quan niệm ban tính đồng nhiên gồm đất trời người được biểu lộ trong bài văn tổ, là bài vị biểu lộ cuộc tiến hóa xóa nhòa bờ cõi phân ranh giữa chủ và nô, coi mọi người như nhau, đó là đạo nước. Bởi vậy khi người Việt mà vong quốc thì khó lòng tránh khỏi vong thân và vong bản. Bởi đấy có những câu gây âm vang lạ lùng trong tâm thức người Viễn Ðông như "An thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái". Nói an thổ hiểu cả thổ địa vật chất lẫn tâm tình truyền dòng nối dõi lên cho tới Văn tổ, rồi từ đó tỏa ra mối tình yêu chân thành xuống tứ hải. Chữ An thổ như vậy là an tâm vào trong cung hành Thổ cũng là tổ tiên trên các tổ chức đất, trời, người, toàn là những yếu tố phổ biến chứ không có gì phân ra chủ nô như yếu tố dòng tộc. Ðó là một cái may mắn mà văn hóa Tây Âu không có được ở đợt căn bản, là vì đã "không xẩy ra một cuộc cách mạng đặt ra bài vị thứ năm là Văn Tổ" nên vẫn kéo dài cái văn hóa vong tân (Xem lại Nhân bản). Vì thế ngày nay nếu muốn tránh nạn vong thân thì nhiều người bó buộc phải "vong quốc" theo nghĩa từ bỏ cái gốc của nền văn hóa cổ điển như vô sản Âu Châu hiện đang làm việc với thuyết tam vô. Vì nền văn hóa đó kéo theo sự chênh lệch kinh tế, kéo theo sự làm khô héo tình người, khó lòng gây được sự yêu thương chân thực.
Ðó là việc tế vi khó được truy nhận, nhất là nó rất phiền tạp, nhưng sự thực là thế, nên văn hóa Tây Âu đang trải qua một cơn khủng hoảng tự nền móng, và có tính cách bi đát. Bởi một bên nền văn hóa đã có quá lâu đời (trên hai ba chục thế kỷ) đã trở thành "dân tộc tính", nhưng chẳng may nó lại là vong thân. Thế mà vong thân nặng hơn vong quốc trăm ngàn lần, vì quốc gia dầu sao có thể là thuộc địa dư, là cái gì bên ngoài luôn luôn chuyển hóa đổi thay. Chí như vong thân là cái gì thiết đến tận cốt tủy của con người, mà sứ mạng cũng như cứu cánh của mỗi người là phải tận kỳ tính: sống cho đến cùng cực tất cả chiều rộng và chiều sâu của cái tính bản nhiên con người. Cho nên một nước có nền văn hóa nhân bản tinh tuyền thì đấy là một ân huệ quí giá man vàn, khiến cho giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ chỉ việc theo chiều hướng dân tộc cách thông minh thì chắc chắn sẽ gặp hồn con Người muôn thuở, và tác phẩm của họ sẽ có khả năng làm rung động tình tự con người dưới bất cứ chân trời nào... Ðó chính là cái máy mắn cho nước ta: nơi sự thờ cúng tổ tiên chỉ là khởi điểm dẫn đến tình huynh đệ phổ biến.

d. Chính Trị Văn Hóa

Tình huynh đệ phổ biến! Ðó là lý tưởng mà nhân loại đang cố đạt tới. Xét về không gian, các phương tiện giao thông đã thành công đặt con người lại bên cạnh nhau, nghe cả tiếng nói, xem cả dáng hình điệu bộ, dầu là cách nhau vạn dặm. Nhưng đứng về mặt tinh thần thì đó mới là lý tưởng phần lớn còn trong mộng. Chưa có một mối tình nhân hậu chân thực. Xét tới cùng cực thì căn do tại triết lý chưa tìm được móng nền cho mối tình kia, thành thử nó chỉ là đối tượng của thi ca, của văn nghệ, của mong ước, của khát vọng. Nhưng bấy nhiêu chưa bao giờ đi đến căn-để, ít ra cách hệ thống nên vẫn không có hiệu lực bền vững chân thành. Ðấy là tại chưa tìm ra Văn Tổ theo nghĩa uyên nguyên là tổ tông của muôn vật, huống chi là của muôn người, suối nguồn của nghị lực. Thành ra lời đẹp có dư mà nghị lực thì nghèo khổ. Lý do là tại người ta vẫn dừng lại ở đợt tâm lý bộ lạc. Mà vì mỗi bộ lạc thờ một tổ tông riêng, nên chỉ có mở rộng nước bằng tiêu diệt bộ lạc khác, rồi chiếm đoạt đất đai. Chưa có một nền móng lý thuyết cho sự thống nhất nhiều bộ lạc thành một quốc gia, nhiều quốc gia thành thiên hạ trong đó tứ hải giai huynh đệ, nên bộ lạc thắng chỉ có tiêu diệt bộ lạc thua, hoặc bắt làm nô lệ, mà không thể coi là anh em. Âu Châu tuy vài thế kỷ sau rất tiến bộ trong văn minh đã thành quốc gia từ thế kỷ 17, 18 nhưng về đàng văn hóa thì vẫn tiếp tục triết học tiền Văn Tổ, có tiến cũng chỉ vượt không xa mấy tâm lý bộ lạc (psychologie tribale), nên thể chế tuy đã tới quốc gia nhưng tâm lý còn quá vấn vương giai đoạn bộ lạc nên quốc gia dễ đốc ra chủ nghĩa quốc gia quá khích (nationalisme) tức là chủ nghĩa quốc gia bài ngoại, chính nó đã là căn do sâu xa gây nên hai cuộc thế chiến làm suy yếu Âu Châu. Còn đối ngoại với các dân tiểu nhược là óc kỳ thị chủng tộc được các triết thuyết cũng như các nền đạo đức cổ súy và võ trang.

Hình thức khoa học nhất là thuyết bất bình đẳng trong các chủng tộc do Gobino nghĩ ra được Nietzche đưa vào triết học và được Ðức Quốc Xã thi hành. Chính óc kỳ thị này đã là một trong các động cơ đẩy việc thực dân trở thành chủ nghĩa thực dân của Âu Châu trong mấy thế kỷ trước. Thực dân là một truyện mở mang bờ cõi, di dân lập nghiệp thì đâu cũng có. Nước ta là một sự kiện thực dân, nhưng không là một chủ nghĩa thực dân. Ðể thành chủ nghĩa phải có một sự kỳ thị chủng tộc y cứ trên huyết thống mà không trên trình độ văn hóa.

Xét về phương diện này người Pháp tốt, nếu không nhất thì cũng vào hạng nhất. Do đó có một số người Pháp hiểu được giá trị văn minh Việt Nam tương đối đông hơn số người Anh hiểu được văn minh các thuộc dân của họ. Có lẽ đó là một trong những lý do số dân bị Pháp tiêu diệt tương đối ít đối với thực dân Anh, Iphanho đã tiêu diệt cả một Mễ Tây Cơ, cả từng miền Phi Châu hay Úc Châu v.v... nghĩa là tái bản tâm lý bộ lạc: tiêu diệt thay vì kết làm huynh đệ. Nhưng nói chung ra thì phần đông thực dân Pháp vẫn còn mang nặng tâm lý bộ lạc nên khinh miệt người Ðông Dương. Từ những lời nói bỉ báng như rằng Thiên Chúa dựng nên người Việt Nam với chút đất dùng làm giống vật, còn dư vất đi không đành nên nặn ra người Annam (Mus 206). Qua những truyện một bà Việt Nam vào phố Catinat mua hàng được trả lời: "tao không đến đây để phụng sự những đứa nhà quê" (je ne suis pas vennu ici pour servir des nhà quê" (Mus 222). Việc này xảy ra lối 1946.

Tuy đó chỉ là những trường hợp quá đáng mà nhắc lại có thể là nhỏ nhen, nhưng không may sự khinh miệt nòi giống đó lại đâm rễ sâu vào đầu óc một số trí thức cũng khá đông. Vì vậy cần phải nhắc đến cái tâm trạng miệt thị người Việt đó là một tâm trạng chung của người Pháp đối với nước ta, cho là chỉ có một mối lo âu duy nhất là bát cơm. Chính sự hiểu lầm đó đã là lý do cho sự thảm bại của họ trong mười năm tái chiếm Ðông Dương từ 1945-1955. Ngay trước đó thế giới đã chuyển mạnh vào giai đoạn nhả thuộc địa mà người Pháp còn quyêt tâm tái chiếm thuộc địa bằng danh hiệu "liên hiệp Pháp" của họ: đối với người Pháp thì các nước trong liên hiệp được nhiều quyền tự trị hơn trước, nhưng Việt Nam mất nước vì bị chia ba nước, bộ trưởng mỗi miền phải chịu trách nhiệm thẳng với toàn quyền.
Liên Hiệp Ðông Dương lúc ấy có lối chừng 25 triệu dân thì người Việt Nam đã chiếm hơn 20 triệu còn Miên, Lào hai xứ ngót 5 triệu, thế mà người Pháp chặt ra ba giét vào liên hiệp, bất chấp nguyện vọng độc lập và thống nhất của cả một dân tộc thì đó là kỳ thị rõ rệt. Khi ông P. Mus đưa đề nghị đến với chủ tịch Hồ Chí Minh thì ông này hỏi: Liên Hiệp là cái chi, vuông hay tròn vậy!" Lúc trở về ông Mus kể lại lời đó, một nhà trí thức Việt Nam bình luận: nó tròn, làm bằng da có khoen lỗ và đeo bảng đồng đề câu sau: Ai bắt được dắt lại phố Paris sẽ có thưởng.

Nhắc sơ qua như thế đã đủ để nhận ra sự khác biệt giữa kỳ thị huyết thống và kỳ thị văn hóa. Người Tàu kỳ thị Di Dịch hoàn toàn vì trình độ văn hóa chứ không vì huyết thống. Cũng như một số người Việt kỳ thị dân Thượng cũng thế. Cho là kém văn hóa thôi. Hai quan niệm khác nhau cả một trời một vực. Người Việt Nam thi đậu có thể sang làm quan bên Tàu không sao. Một số Thiên Tử gương mẫu của Tàu xuất thân từ Di Dịch: vua Thuấn thuộc Ðông Di, Văn Vương Tây Di.

Ðó là sự kiện minh chứng cho những câu sách như Xuân Thu Công Dương truyện "Di Dịch tiến lên được chức tước của triều đình và Trung Quốc cũng là Di Dịch nay mới thành Trung Quốc: "Di Dịch tiến Chi vi tước. Trung Quốc Diệt tân Di Dịch. Chiêu công thập tam niên" (Ðại cương 459). Tất cả những điều đó bắt nguồn từ tâm trạng đã sáng tạo ra được nền triết lý Văn Tổ là nền triết đã xóa bỏ óc kỳ thị chủng tộc từ gốc rễ để coi tứ hải giai huynh đệ. Tứ hải được tiêu biểu bằng 4 bài vị: nỉ, tổ, tằng, cao.
Cũng như cả 4 đều phát xuất từ Văn Tổ cũng là Thái Tổ tức là Thiên Ðịa làm tổ khắp hết mọi người trong mối tình huynh đệ phổ biến mà không một ai bị gảy ra ngoài làm nô lệ kiểu văn minh La Hi hoặc vô loại (tlemcha) kiểu Ấn Ðộ nữa. Nền huynh đệ đó bên Âu Châu tuy có nhưng mới trong hình thức tôn giáo, mà chưa có trong triết lý, nên cũng chưa có thể chế xã hội để thực thi. Vì thế người Mácxít tự hào là đã phát khởi lên.
Ông P. Mus (342) kể lại kỳ mới tới Sàigòn năm 1945 khi tướng Leclerc hỏi cảm tưởng của nhóm người Pháp theo Mácxít ở đây về những người cộng sản Annam thì nhận được câu trả lời này: "Ở đây không có cộng sản Pháp hay Việt, mà chỉ có một đảng cộng sản và hiện đây chúng tôi đang ở tại Ðông Dương". Ðiều đó có thực"
Nguyễn Ái Quốc xưa khi còn bên Pháp cũng có thể cầm đầu phái đoàn cộng sản Pháp. Cho nên khi đã tẩy hết thượng tầng tư bản, quân phiệt, thì chủ thuyết cộng sản có thể trả về cho người sở tại được quyền xử dụng đất đai của họ... Tác giả bình luận đó là một phương thức chắc sẽ gây âm vang mạnh mẽ trong những xứ đã được hun đúc trong quan niệm "bình thiên hạ" tức là kiểu Quốc Tế xưa của Trung Hoa. Nền thái bình đó không phát xuất do sự thống trị của một xứ này hay một đế quốc kia, nhưng do một quan niệm phổ biến về lối sống bao dung khắp hết, mà hễ ai theo thì đều có một địa vị, một tổ quốc trong cái thiên hạ chung đó: người Mông Cổ có quê hương Mông Cổ, người Việt có quê hương Việt. Ðối với hệ thống cộng sản chưa tồn trường lâu đủ để kiện chứng giá trị của lý thuyết, mà chính ngay lý thuyết cũng tỏ ra những nhược điểm trong nhiều chữ như Ðại Ðồng. Chữ Ðồng nói lên tính cách vật chất: ích dụng ròng, thiếu hẳn yếu tố tâm linh. Chí như chữ thiên hạ của Viễn Ðông thì bao hàm yếu tố tâm linh nên không có sự kỳ thị phân biệt nào. Nếu trong thực tế ý niệm của người Tàu xưa không đi xa quá nước Tàu thì đó là một sự kiện: chưa biết xa hơn, y như tiếng Orbi (thế giới) của Tây Âu lúc ấy chưa vượt quá Ðịa Trung Hải vậy, nhưng trong chủ trương thì không có mốc giới nào hết. Tình huynh đệ không đặt điều kiện nào làm hẹp hòi lại. Ngay đến việc triều cống cũng đã là sa đọa, chính ra là triều sính nghĩa là khi chư hầu triều sính thiên triều một, thì thiên triều cho lại chư hầu nhiều hơn (Trung Dung 20): "Triều sính dĩ thì, hậu vãng nhi bạc lai": "Triều sính đúng lúc, đưa đến ít cho lại nhiều".

Tóm lại đó là một nền triết lý có nội dung chân thực được kiện chứng nhiều lần trong lịch sử: nước Tàu có những Triều đại ngoại bang như Mông Cổ, Mãn Châu... nhiều học giả đời nay cho như thế là điểm yếu của chính trị Nho Giáo, vì chịu cho ngoại bang đè đầu cưỡi cổ. Nói thế là mới có đoạn "chịu đấm" mà chưa kể tới đoạn "ăn xôi". Vì nếu nhìn rộng ra cả về thời gian cả về mặt thống nhất nhân loại thì lợi rõ rệt: Về đàng chính trị mỗi lần bị một triều đại ngoại quốc cai trị là mỗi lần nước Tàu mở rộng thêm: sau triều đại Mông Cổ thì bao gồm thêm xứ Mông Cổ, sau triều đại Mãn Châu thì bao gồm thên Mãn Châu. Cho nên xét ra thì Mông Mãn thiệt mà chính Tàu mới là người được cuộc. Nhưng nếu xét rộng nữa về phương diện nhân loại thì không nên nói người Tàu được người Mông Mãn mất, có mất chi đâu, chẳng qua góp chung đất lại làm một liên hiệp quốc và sau một giai đoạn bất tề thì tiếp đến giai đoạn bình đẳng trước pháp luật như nhau, không còn phân biệt kỳ thị chi nữa. Bởi thế không nên bắt chước vua Sở nói người nước Sở mất cung thì người nước Sở lại được, mất đi đâu mà phải tìm. Nói thế là còn hẹp, phải nói người mất cung thì người lại được, không cần phân biệt người nước Sở với người nước khác. Có vậy mới đủ rộng. Trong viễn tượng đó thì không phải người Mông người Mãn mất và người Tàu được, nhưng đó chỉ là "Dụng Hạ biến Di" dùng văn hóa Hoa Hạ để cải hoá Di Ðịch (Ðại Cương 458 và 459). Tức là một con đường vươn tới thống nhất thế giới bao gồm cả mặt ngoài cũng như mặt trong vậy, hơn hẳn lối Ðại Ðồng của Mácxít cả về lý thuyết lẫn hậu quả lâu dài.

Ðó chính là hậu quả triết lý Văn Tổ cùng một nền với lối xếp đặt ngũ hành. Tuy trong thực tế ít ai để ý tới, nhưng vì nó đã được đúc kết lối khác gọn hơn, đó là hai chữ Trung Thứ. Chữ Trung thay Văn Tổ, chữ Thứ thay cho Cao, Tằng, Tổ, Nỉ là đầu của tứ hải: Ðông Tây Nam Bắc một nhà.
Muốn được như thế thì cần phải Trung, nghĩa là phải thành tín trung thực được với nội ngã của mình. Khi tính của mình đã trọn, thì cũng trọn được tính của tha nhân hết thảy, cho nên coi nhân loại như anh em một nhà, mới đem những tiếng xưng hô trong gia đình "cha, mẹ, anh em, ông bà, cô chú..." mở rộng ra xưng hô với mọi người coi nhau như cùng một khúc ruột "đồng bào".

Ðó là một trong những phương thức thực thi cái triết lý "Trung Thứ" mà Mạnh Tử sẽ nói: "tôi yêu cha tôi để rồi yêu cha của mọi người, tôi yêu con tôi để rồi mở rộng ra tới con của mọi người, nhờ lòng yêu không hạn định đó mà có thể cai trị thiên hạ dễ như trở bàn tay: "Lão ngô lão dĩ cập nhơn chi lão ấu ngô ấu dĩ cập nhơn chi ấu thiên hạ khả vận ư chưởng" (I.6). Tự tề gia qua trị quốc cho tới bình thiên hạ một mạch đi ra mà chân không bị vướng vào một loại kỳ thị chi hết, là nhờ đã vào tới Văn Tổ, tức là tổ phụ trọn vẹn của con người: vì trọn vẹn nên bao dung khắp hết.

Ðó là đại khái mấy chân lý ẩn tàng sau lối xếp đặt bài vị trong việc thờ cúng tổ tiên bên Viễn Ðông. Tuy lâu đời không còn nhận ra thâm ý, nhưng cái triết lý đã được truyền bá rộng đến độ trở thành một nhân tố của hồn nước. Chính cái hồn đó đã ràng buộc lấy đoàn người Lạc Việt từ ngày lập quốc, trải qua bao giai đoạn thịnh suy, vinh nhục, cho tới thời đại này thì hồn nước mới bị bắt đem đi, và từ đó người dân xem vào nước chẳng còn thấy hồn đâu nữa. Kẻ sĩ dần dần biến ra trí thức; hết người thêm dầu cho ngọn đuốc thiêng. Lữa không thêm củi thì ngàn dần, hồn còn được ai nuôi dưỡng nữa đâu mà chẳng thoi thóp và thở hắt ra như cô hồn cháo lú.

Tóm:
Ta hãy dùng dạng chữ Vương để tóm lại cả bài. Chữ Vương có ba nét chỉ Ðất Người Trời.
Tầng đất ta có thể chỉ phần tâm linh dã biết vượt qua lý trí (ý hệ) nên cũng vượt qua được những dao động gây ra do những cuộc tranh luận giữa có với không (Hữu Vô) để an định tâm hồn vào tác động tinh tuyền. Cùng ở nét này ta có thể ghi cả thể chế bình sản: mỗi người có quyền được một phần điền thổ để An Tâm sinh sống thoát khỏi nạn vô sản. Ta đặt câu "an thổ" ở tầng này với cả hai ý tâm linh cũng như kinh tế chỉ điền thổ như vừa tóm ở trên.
Nét hai ta sẽ đặt câu "đôn hồ nhân" Ðôn có nghĩa là đôn đốc, đôn hậu= làm cho thâm hậu tình người đạo người (nhân) còn chữ hồ có nghĩa là ở trong. Thêm vào để cho mạnh có ý nói phải đôn hậu không phải tình trời hay tình đất nhưng là tình người. Chính nhờ "đôn hồ nhân" nên văn hóa Viễn Ðông mới đạt tình huynh đệ phổ biến.
Nét ba chỉ "cố năng ái".
Cố có nghĩa là bởi đó, bởi đôn hồ nhân nên mới năng ái, tức mới đạt khả năng, mới có thể ái là yêu thương, hiểu là yêu thương chân thực biểu lộ ra bằng giải phóng con người khỏi nô lệ đưa lên tham dự vào tình huynh đệ phổ biến cũng như có phần điền thổ (bình sản) để hưởng cả sự tự do kinh tế... và thứ ba là hòa hợp với nhau trong một nền văn hóa thống nhất.
Ðó là điều kiện căn bản cho sự yêu thương chân thực: vì yêu là hòa hợp, nên thống nhất là thiết yếu. Thiếu thống nhất trong văn hóa là sẽ thiếu yêu thương và chữ ái chỉ còn là thuyết với lý suông.
- cố năng ái : thống nhất văn hóa
- đôn hồ nhân : tình huynh đệ phổ biến
- an thổ : tâm linh phần điền
Ðó là ba nét căn bản của nền văn hóa Việt Nho, nên cũng là những đặc trưng. Vì thế muốn hiểu sâu xa từng điểm cần phải bàn rộng về sau. Thí dụ an thổ khi hiểu là bình sản sẽ bàn dài trong Nhân Luân, còn hiểu là tâm tư khác với lối lý luận duy lý ý hệ thì sẽ bàn trong quyển Tâm Tư. "Ðôn hồ nhân" sẽ bàn trong quyển Nhân Bản và Loa Thành Ðồ Thuyết.
Còn cố năng ái thì nên suy nghĩ kỹ về ba điểm căn bản vừa bàn trên. Sau này đọc thêm trong quyển Lạc Thư Minh Triết. Chỉ khi đã đọc bấy nhiêu quyển mới thấy sự sâu xa của câu nói: câu trước đặt nền tảng cho câu sau, và mỗi khi đi trật ở bất cứ đợt nào đều không thể đạt hậu quả là năng ái. Trật ở an thổ sẽ biến ra suy lý ý hệ lung tung; trật ở đôn hồ nhân sẽ đâm ra duy thiên hoặc duy địa. Bài này giúp rất nhiều đi vào triết lý nhân sinh là nền triết lý không chịu lý luận suông nhưng bám sát lấy hậu quả cụ thể. Ðể thấy rõ hơn những nét trên là căn bản chúng ta sẽ dùng làm khung để suy luận cho hai chương III và IV sau.

Chú thích: Nhiều sách nói Văn Tổ là Tổ của nhà Châu tức Văn Vương. Ðiều ấy nếu có thì là một sự lầm lẫn ngay tự nhà Châu đã quên mất ý nghĩa bao la của Văn Tổ hoặc vì óc sùng phụng đồng tộc mà chiếm công vi tư, chứ thực ra thì Văn Tổ đã có ngay từ đời Nghiêu Thuấn. Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn ở miếu thờ đức Văn Tổ (xem kinh thư Thuấn điển câu 3). Văn Tổ cũng là Nghệ Tổ (câu 8), Văn Tổ cũng là Thái Thất (kinh thư bản dịch của legge vol III 131). $pageOut$pageIn3. Chương III: Qua Trào Thực Dân

a. An Thổ

Vũ trụ Việt Nam làm bằng trời che và đất chở. Trời nét dọc, đất nét ngang, dọc ngang giao nhau làm thành thập tự nhai +. Ðặt thập tự nhai nghiêng ra thành chữ Nghệ. Ðặt lên trên chữ nghệ bộ đầu thì thành chữ Văn. Nhưng Văn ở đây không được hiểu là văn chương, song là Văn Tổ mà kinh điển hay giải nghĩa là nói gọn, nói biện bạch ra thì trời với đất giao nhau để làm nên tổ tiên muôn vạn "Duy Thiên địa vạn vật phụ mẫu" Kinh thư Thái tuệ câu 3. Hiểu như vậy thì Văn mới đáng thờ. Khi người Việt Nam thờ tiên tổ thì cũng chính là thờ Văn Tổ tức là thờ Trời thờ Ðất. Và trời đất cũng không phải xa xăm nhưng là trời che đất chở thiết cận đến mình, tàng ẩn ở thân tâm mình.
Vì thế hai chữ trời che đất chở mang một ý nghĩa thâm thiết cụ thể trong vũ trụ quan của người Việt Nam. Vì trong đó con người được quan niệm như thập tự nhai nghĩa là giao điểm của đất trời. Ðây không là một định nghĩa văn chương suông nhưng là biểu lộ một nội dung đã thực hiện bằng thể chế công điền với lễ gia tiên. Hai thể chế đi đôi y như đất với trời gặp nhau như chữ Văn ở trong Văn Tổ vậy.
Cho nên không một người nào không có phần điền để làm đất chở cũng như được thờ tiên tổ để làm trời che. Do đó cả hai yếu tố đều mang một ý nghĩa linh thiêng. Ðạo thờ Trời do vua chủ tế thì phần uy linh đã bộc lộ rõ ràng. Ðến như đạo thờ Thần Ðất (Thành hoàng) do dân làng đảm nhiệm mặc dầu không oai phong lộng lẫy bằng, nhưng không thiếu phần linh thiêng. Phần linh thiêng đó được biểu thị ngay trong chữ Xã là đạo tế Thổ Thần kép bởi bộ Thị chỉ linh thiêng và bộ Thổ thành ra chữ Xã.
Ông Paul Mus cũng như nhiều học giả Tây Âu phân bua rằng đó không là cái trò chơi tán suông, nhưng chính là một thực thể, một quan niệm về Ðất đầy ắp tình người, hồn người, rất nhiều người và mặc dầu đã chết nhưng vì "sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn: phụng sự người chết như là còn sống người đã qua đi như còn tồn tại" nên cũng còn quan trọng như người sống. Vì thế phần linh thiêng của đất nổi vượt hơn phần vật chất. Người thôn dân rất ái ngại bán đất hương hỏa là do đó. Vì với họ Ðất có một nội dung khác hẳn. Với Tây Âu đất là đất. Với người Viễn Ðông, Ðất không những là đất nhưng còn là cái gì chất chứa đầy linh thiêng, vì đất là của người sống mà cũng là của người chết. Người sống nắm giữ đất cách trá hình, còn linh hồn tiên tổ nắm giữ cách vô hình. Cái quan niệm đó người duy lý có thể cho là thần bí. Tuy nhiên chính nó đã là một yếu tố đem lại sự quân bình kinh tế cho xã hội Việt Nam hơn hẳn các xã hội Tây Âu về trước. Vì theo quan niệm đó thì phải có chính sách quân phân tài sản sao cho ai cũng được làm người nghĩa là có một miếng "đất chở" thực sự để đối đáp với "trời che" cũng thực sự được biểu lộ bằng đạo cúng tổ tiên. Và vì thế mỗi người Việt Nam khi tề tựu lại đặng tế Thổ Thần thì thực sự họ là một nhà tư tế, có nội dung cụ thể, nghĩa là họ có làm chủ một miếng đất thực sự nên cần được tế, vì đất nào cũng có quỉ có thần. Lại khi nói người dân phải cầm binh khí ra đánh đuổi quân xâm lăng tàn phá "xã tắc", thì họ hiểu thấm thía từ mảnh vườn của họ dâng lên: nước là của họ cũng như là nhà của họ vậy.
Ðó là chính sách đã được thi hành cùng với lễ gia tiên ngay từ ngày khai quốc. Tuy sự áp dụng tùy thời mà đạt độ công bằng nhiều ít có khác nhau, nhưng còn nguyên lý và áp dụng thì có ngay từ đầu. Cho đến khi người Pháp đặt nền đô hộ thì dần dần phá vỡ cái "vũ trụ" nhân sinh đó.
Chúng ta hãy lấy năm 1940 làm cứ, vì là năm có mấy thiên khảo cứu công trình của ông Gourou mà ông Paul Mus dùng trong quyển "Vietnamese Sociologie d'une guerre". Theo đó ta có thể nhận ra ảnh hưởng của người Pháp đã đem sự bất bình sản vào nước ta ra sao. Hãy căn cứ trên tỉ số ruộng công điền của ba miền làm cứ:
Ở Trung vì là miền thuộc nhà Vua ảnh hưởng người Pháp tương đối ít, nên còn giữ được tỉ số ruộng công điền cao nhất là 26% trong tổng số ruộng canh tác. Ông Gourou nhận xét có nơi mỗi suất đinh được tới ba mẫu.
Ðất Bắc tuy theo hiệp ước 1884 gọi là Bảo Hộ, nhưng trong thực tế người Pháp đã biến dần thành thuộc địa, nên còn được có 20%.
Ðến như Nam là thuộc địa thực sự, xã thôn lại được thành lập chỉnh tề như ngoài Bắc, nên số ruộng công trụt xuống còn 2,5% (Mus 240).
Ðến như ruộng tư điền phân chia càng chênh lệch: trong Nam cứ 15 người mới có một điền chủ, ngoài Bắc thì cứ 6 hoặc 7 người có một điền chủ, hiểu là có ruộng riêng, còn ruộng công thì ai cũng có phần (nói chung). Ruộng đất vì thế bị chia ra những mảnh quá nhỏ từ 1 sào ta trở lên đến ba mẫu (lối 1 ha). Xét về phương diện canh tác hiện tại thì đó là một trở lực cho việc cơ khí hóa, đòi phải có những diện tích từng chục Ha trở lên. Nhưng về đàng xã hội thì việc phân chia chi li kia đã nói lên tính chất bình đẳng kinh tế thực thi đến cao độ, cho nên xét về công thể thì nghèo độ cực khổ, nhưng nghèo theo công thể nghĩa là không ai đến độ như thợ thuyền Tây Âu phải bán mình vì không còn gì khác ngoài mình để bán. Le travailleur européen réduit "à se vendre volontairement parce qu'il ne lui reste rien d'autrui". (Mus 106). Người Việt Nam nghèo nhất ít ra cũng còn vài sào công điền.
Trong Nam số người đã giầu thì giầu từng trăm ngàn mẫu, còn đại đa số thì toàn là tá điền, giống với nông nô Pháp (nói về giầu nghèo, chứ về tự do thì nông nô Tây Âu khổ hơn tá điền vô kể, thí dụ không có quyền bỏ chủ này sang chủ kia): đất tư đã không có mà ruộng công cũng không, ta chỉ xem vào vài con số sau:
Ðang khi đại điền chủ (50 Ha trở lên) chỉ có 9,6% số người lại chiếm 65% số ruộng.
Còn 48% trung điền chủ (5-50 Ha) với 32% số ruộng.
Còn số tiểu điền chủ (từ 5 Ha trở xuống) có lối 38% tổng số dân lại chỉ chiếm được 3,3% diện tích.
Sự chênh lệch quá đáng này rõ rệt do ảnh hưởng của nước Pháp. Ta hãy nhìn sang nước Pháp vào lối năm 1930, 94% dân số Pháp giữ 8% lợi tức quốc gia đang khi 5% giữ 20% còn lại 1% giữ tới 72% (Theo Grandeur et Décadence des Civilisations. Edit. Payot. p.220)
Sự chênh lệch đó càng trở nên trầm trọng vì chính sách thuế khóa căn cứ trên đồng bạc Ðông Dương lên xuống theo giá thị trường quốc tế, tức không kể chi đến lúa gạo, nên nhiều lần đã vượt quá mức chịu đựng của thôn dân rất xa. Ở làng tôi vào một năm nào đó (từ 1940-1943) số ruộng mỗi Ðinh là 4 sào (lối 1/7 Ha) gặt hái xong xuôi được 24 thùng, mỗi thùng bán 0$12. Bán hết đi mới được có 2$88. Thế mà sưu thuế là 4$66 còn thiếu 1$68 hay là 14 thùng nữa mới đủ nộp thuế...
Ðó là năm tệ nhất, thường thì tất nhiên không đến nỗi đó, nhưng trung bình thì sưu thuế đã chiếm suýt soát nửa số hoa lợi. Chính sách thuế khóa đó đã dìm nông dân xuống cái hố bần cùng vượt xa các triều đại trước.
Vì sự giầu nghèo càng ngày càng trở nên sâu rộng như thế nên ảnh hưởng sang việc học hành. Trong khi Nho học còn thịnh: việc đi học rất ít tốn kém, hầu không làng nào không có vài ba ông đồ tại chỗ, thì số người đi học tương đối đông mà vì cùng theo một lối bình dân chung cho Viễn Ðông: 25 nhà có một trường gọi là Thục, 500 nhà thành một đẳng có trường gọi là Tường, rồi đến 2,500 (có sách nói là 12,500) có Tự, ở kinh đô có Học. (Xem Phùng Hữu Lan - Ái. 260).
Ðó là vài con số chắc không được bảo đảm lắm khi xét xuyên qua nhiều nơi, nhiều thời đại. Nhưng nói chung nhiều học giả công nhận nền học vấn Viễn Ðông xưa vượt xa xã hội Tây Âu ngay cả về số lượng.
Ðó là đại để vài nét về sự bình đẳng kinh tế của ta trổi vượt xa xã hội Tây Âu. Và ông Mus (254) đã có thể viết: "Ðại điền chủ là do người Pháp đưa vào Việt Nam" (La grande propriété séquelle de l'occupation francaise). Ðây có thể là một đề tài cho cao học tìm so sánh quan niệm công thể (notion comunautaire de propriété) của Viễn Ðông với quan niệm tuyệt đối về tài sản của Tây Âu đến hết thế kỷ 19, (droit absolu de propriété). Ðây là một thể chế then chốt nhất trong việc giải phóng con người mà xưa nay ít ai để ý hay có lưu tâm thì so sánh lại xô bồ. Cần so sánh cách khoa học mới nhận ra tính chất bình đẳng kinh tế của ta trổi vượt.
Trong bài tổng quát này chỉ nhằm đưa ra vài con số tiêu biểu để gợi ý về một chính sách "đất chở" của Việt Nam xưa đã bị phá vỡ làm cho mất ý nghĩa hai chữ "an thổ" mà người Việt Nam có thể hiểu một cách từ cụ thể lên đến nghĩa siêu hình tâm linh đều thật cả nhưng khi ảnh hưởng Tây Âu lan tới đâu thì câu "an thổ" mất ý nghĩa tới đó. Có phần thổ địa đâu nữa để mà an vui lạc nghiệp, cũng như "an bần lạc đạo"? Ðã không an thổ thì đôn hồ nhân thế nào?


b. Ðôn Hồ Nhân

Câu này có một ý nghĩa đặc trưng trong xã hội Việt Nam, nơi tình người được đặt trên lý sự khác hẳn xã hội Tây Âu y cứ trên lý sự. Vài mẩu chuyện điển hình sau đây rút ra từ những sách triết lý sẽ nói lên rõ rệt hai bầu khí khác nhau đến đâu.
Người ta hỏi Kant: giả sử có bạn thân vì lỗi luật phải chạy đến ẩn nhà ông. Nếu như công an đến hỏi thì theo ông phải khai ra hay giấu đi, và Kant đã chủ trương phải khai ra.
Lập trường này gây xúc động lương tri một số người Âu Châu lúc đó. Vì thế triết học gia Benjamin Constant đã viết để xin Kant xác định lại bằng cách đặt ra câu hỏi gay cấn hơn rằng: giả như có đứa sát nhân đang đuổi bắt người bạn thân tình của ông thế mà bạn ông chạy kịp đến ẩn nhà ông, khi chúng tới hỏi thì ông xử sự thế nao? Kant trả lời là phải thưa có. Lý do? Vì nói dối vẫn là một tội ác, nên trong chuyện này không có quyền lựa chọn: nói thật là bổn phận tuyệt đối: "Il n'est pas libre en cela de choisir puisque la véracité est un devoir absolu". Doctrine V.251.
Xử sự như thế Ðông Phương cho là đặt lý sự trên tình người, chấp kinh mà thiếu quyền, không biết chữ "tùy thời mà biến báo": không nhất thiết phải thế này hay thế nọ. không có luật nào tuyệt đối cả, nhưng uyển chuyển như tình người. Nho giáo nói: chấp kinh cũng phải biết tòng quyền là thế.
Diệp Công nói với Khổng Tử: "Ở ấp tôi có một người giữ pháp luật rất ngay thẳng đến nỗi cha trộm dê thì con đứng chứng tố cáo!" Khổng Tử đáp lại: "Ở xóm tôi thì khác, người chính trực che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, chính trực ở tại đó". L.N.XIII.18.
Như vậy là đặt tình người trên pháp luật. Nhưng nếu thế thì luật pháp bị coi thường mà nước loạn mất chăng?
Ðào Ứng đã lo thế nên đặt vấn đề với Mạnh Tử (VII.35) như sau:
- Nếu như lúc ông Thuấn làm Thiên Tử mà cha ông là Cổ Tẩu phạm tội giết người thì tổng trưởng bộ tư pháp là ông Cao Dao phải xử ra sao?
Mạnh Tử đáp:
- Phải cứ pháp luật cho bắt ông Cổ Tẩu.
- Ủa! Thế ông Thuấn không làm chi cản ngăn ông Ca Dao sao!
- Cản ngăn sao được, phép truyền từ đời nọ đến đời kia là phép công mà.
Ðào Ứng hỏi thêm:
- Như thế ông Thuấn phải xử như thế nào!
Ðáp rằng:
- Vua Thuấn sẽ coi thiên hạ như đôi giép rách vậy và lén đi cõng cha chạy trốn ra ngoài biển mà ở, trọn đời hân hoan an lạc quên hẳn việc chính trị."
Xử sự như thế ngày nay (hoặc người khuynh hướng pháp gia) có thể cho là trái phép. Nhưng người xưa có hỏi trái phép nào? Ai đặt ra phép ấy? Ðặt ra để bắt tất cả làm nô lệ, kể cả những mối tình cao quí nhất như tình cha con chăng?
Ðó là một lối xử đời khi tình lý tương phản thì cố vượt lên trên bình diện ích lợi, để đi sang bình diện đạo lý, mà đạo lý đó xây trên tình người. Nhờ vậy dẫu trọng tình mà nước cứ vững, tình lý tương tham, tình nội lý ngoại. Lệnh vua thua lệ làng, lệnh vua là lý ngoại, phép làng là tình trong. Phép làng là lý đổ lên đầu người gia trưởng để cho toàn gia đình sống trong tình ruột thịt, hễ "gia đạo chính thì thiên hạ định" (quẻ gia nhân) đã có trên 20 thế kỷ chứng minh điều đó. Nếu hồn nước của Tây Phương là bánh xe lịch sử (Hegel) hay là sự thật từ trên truyền xuống (vérité absolue impérative. Kant) cần phải dẵm lên tình bạn để bảo toàn sự thật, thì với Ðông Phương sự thật phải phụng sự con người.
Người Trung Hoa có tục "nam nữ thụ thụ bất thân" ai làm trái cho là vô lễ. Thuần vu Khôn viện tục đó ra hỏi Mạnh Tử: "Nếu thấy chị dâu sắp chết đuối thì có được lấy tay mà vớt lên không?" Ðáp: "Chị dâu sắp chết đuối mà không vớt lên thì giống sài lang. Nam nữ thụ thụ bất thân là lễ, còn chị dâu sắp chết đuối lấy tay mà vớt lên là quyền biến".

Lúc nào tình người cũng cao hơn lý sự, khác với Tây Phương ở chỗ đó. Tây Phương không phải thiếu tình người, chúng ta có thể đọc tràn đầy trong các thi ca, tiểu thuyết nhất là loại lãng mạn thì thiếu chi tình. Rồi nữa ngay trong giới triết học như Benjamin Constant phản đối Kant vừa nói trên kia... Tuy nhiên đó chỉ là tình tự ở cỡ lương tri thường nghiệm chứ không phải trên đợt triết lý hay Ðạo thuật như bên Ðông Phương, nên thiếu phương thức đôn hậu hàm dưỡng tình người. Cái khác nhau giữa Ðông Tây ở chỗ căn bản đó.

Vì thế khi lên sổ các mối nhân luân đã hiện thực dọc dài qua bao ngàn năm lịch sử, Hegel cũng chỉ thấy được có một mối liên hệ duy nhất là chủ nô (maitre esclave) thay vì ngũ luân bên ta. Ðừng ai vội phản đối Hegel bởi ông thấu hiểu lịch sử Tây Âu, và là người đầu tiên lập ra khoa triết lý lịch sử. Sở dĩ ông nói thế vì chỉ có thế, và ngày nay thay vì nói chủ nô thì người Mácxít nói là kẻ trị với người bị trị, cũng là một, và đều đúng cả. Bởi vì đó không phải là xã hội Ðông Phương để có những ngũ luân: vua tôi, cha con, vợ chồng, huynh đệ, bằng hữu, và nét định tính cho năm mối liên hệ đó là Nhân cho vua, Từ cho cha, Nghĩa cho chồng, Hiếu cho tử, Tin cho bằng hữu. Cả năm mối liên hệ đó đều đặt trên đức trên tình, trên Văn Tổ, chứ không có đặt trên quyền lợi kiểu "tranh đấu để sinh tồn" (Darwin), hay "homo homini lupus": người là lang sói cho người, và đến nổi vì quyền lợi mà con người nhẫn tâm dẵm lên xác cha. Thế là người hết còn linh thiêng cho người nữa: l'homme n'est plus une sacrée chose pour l'homme, như phái Stoicien đại diện Ðông Phương trong đế quốc La Mã đã tuyên bố xưa. Nhưng rồi tiếng nói đó đã rơi vào sa mạc ích dụng của đế quốc.
La Mã xưa kia cũng có đạo thờ tổ tiên nhưng xét kỹ mới thấy có sự khác biệt ở chỗ thiếu bài vị Văn Tổ, nên việc thờ cúng chỉ hạn hẹp trong thị tộc với bầu không khí ích dụng (pratique, utile). Thần tiên tổ LARES thì để phù trợ gia đình, thần PENATES coi nhà, thần TERME để coi bờ cõi, thần PRIAPE để cầu được mùa màng, thần SILVAIN để coi đồng nội... Bấy nhiêu chưa đáng kể vì giới bình dân đâu đâu không có mấy thần ích dụng đó: thần đầu rau, ông táo... bên ta thiếu gì, và con cái thờ tiên tổ để được may mắn là truyện rất thường. Nhưng lớp kẻ sĩ thì có chỗ vươn lên là Văn Tổ, còn Tây Phương không có.
Trong bầu không khí "ích dụng đó" thần Minh Triết MINERVE (phỏng theo thần ATHENA của Hi Lạp) chỉ giữ một vai trò lép vế bên cạnh thần chiến tranh MARS giữ vai trò chủ tịch.

Chính vì thiếu lối xếp đặt theo ngũ hành mà đạo thờ tiên tổ không phá nổi sự phân chia giai cấp trong xã hội... và đó là căn nguyên chính đào mồ chôn đế quốc La Mã, chứ những "quân man-ri" chỉ là căn do gần và ngoại tại.

Ðế quốc La Mã bị chôn vùi nhưng óc ích dụng vẫn lưu lại làm nền móng cho cái học luân lý, giam giữ con người dưới gông cùm của "cưỡng hành và lợi hành, Kant tỏ mình là một thiên tài khi nhận ra điều trên" nên ông mới phản động bằng cách lập ra một nền đạo đức mới lấy con người làm cùng đích tự tại (fin en soi). Ý hướng thì tốt nhưng tìm ra giải đáp cho vấn đề ý hệ nên lại quay trở về với lối sùng mộ có tính cách tôn giáo. Thế là một đàng đi ngược với dự phóng ban đầu: thiết lập nền đạo đức công dân, hiểu là độc lập đối với tôn giáo, thế mà nay lại trở về với tôn giáo, thì về phương diện ý hệ là thất bại. Luân lý của Kant sụp đổ là vì đó. Ðổ vì không tìm ra nền móng, nói theo Ðông Phương không tìm đến đợt Văn Tổ, nghĩa là đưa luân lý ra khỏi bình diện ích dụng, để thiết lập nền luân lý sứ mạng: làm vì nghĩa. Và do đó con người vẫn còn ở lại đợt cá nhân như trước, không tìm ra được yếu tố tâm linh để kết hợp cá nhân thành công thể (communauté) nên vẫn là cá nhân với bầu khí của nó là ích kỷ, không giúp cho sự triển nở của tình nhân hậu, cho óc liên đới xã hội.
Trái ngược hẳn với xã hội Việt Nam mà ông Gourou nhận xét: "bên ngoài cái vẻ tầm thường chứa một đời sống xã hội cường độ (une vie sociale intense) vì trong đó người thôn dân có ngàn dịp để nói, để bàn, để chạy việc quản lý những nguồn lợi của xã thôn, để sống một cuộc đời đầy trách nhiệm (Mus 334). Trong đó đủ hội hè đình đám với các thứ tương thân tương trợ, làm nên cái mà ông Paul Mus gọi là "một cung thánh bất khả xâm phạm" (sanctuaire inviolable. Mus 20), một "bản anh hùng ca của dòng tộc" (épopée ethnique. Mus 17) "vì mặt bắc chống với kẻ thù xâm lăng mạnh gấp nhiều chục lần, còn mặt nam cứ tiến bước qua rừng, qua núi, qua các nước Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chiêm Thành, Chân Lạp. Người Pháp không thể nào hiểu được sự cố kết mạnh mẽ xiết bao, nên đã thất bại trong lần tái chiếm Việt Nam. Bao nhiêu thôn ấp trở nên bấy nhiêu đoạn của con rồng bị chặt ra từng khúc nhưng mỗi khúc cứ sống cái đời sống tự túc từ xa xưa truyền lại khiến cho xe tăng tàu bò không sao phá vỡ nổi" (Mus 15,19,186).
Tuy nhiên trong quãng 80 năm đô hộ người Pháp nắm hết quyền hành trong tay nên thành công chặt được cái đầu con rồng Việt Nam lìa ra khỏi thân mình bằng cách kiểm soát ngặt thôn xóm. Việc bầu hương chức từ đấy phải lệ thuộc phủ, huyện, tỉnh... Ðó là khởi đầu cho tệ đoan mua chuộc cấp trên. Ðồng tiền lại một lần nữa lọt ra khỏi làng. Các điền chủ, kỳ hào dần dần chán đời sống thôn dân kéo lên tỉnh hưởng đời sống văn minh, xe hơi, nhà lầu, con đi học trường Tây, tiền gửi băng, nhiều khi đầu tư sang ngoại quốc, ruộng vườn giao lại cho quản lý. Mối liên hệ giữa chủ điền và tá điền dần dần trở nên trừu tượng trút hết tình người là cái chỉ tìm ra được trong những mối giao tiếp trực chỉ.


c. Cố Năng Ái

Thế là người trong nước bị phân ra hai thế giới trong hai hệ thống, hai tâm trạng khác nhau như từ hành tinh này đến hành tinh kia: les deux systèmes, les deux mentalités s'écartaient sur place d'une distance interplanétaire (Mus 129). Người thôn dân cố chống Pháp để được quyền là mình. Trí thức ngược lại tranh đấu để được quyền bắt chước ta cách vụ vào lượng số. L'opposition sourde de la paysannerie a consisté dans sa lutte pour conserver le droit de différer de nous. L'élite tout au contraire a bataillé pour acquérir celui de nous imiter, statistiquement, même contre notre gré. (Mus 152). Cái thảm trạng của nước ta chính là ở chỗ đó. Từ đấy trí thức trở thành đầu không có thân, được thấy rõ trong đảng phái chính trị mà lớp "lãnh đạo" nhiều hơn người chịu lãnh đạo. Ngược lại thôn dân là thân không có đầu. Thôn dân thị dân mỗi ngày mỗi không hiểu nhau, vì không những nói hai thứ thổ âm khác nhau là tiếng Pháp, tiếng Việt, nhưng còn khác luôn cả ngôn ngữ. Kẻ sĩ xưa có viết bằng chữ Nho đi nữa cũng chỉ khác có thổ âm, còn ngôn ngữ vẫn là một nghĩa là cùng một triết lý công thể của Văn Tổ. Còn nay chỉ biết có lý sự, ý kiến cá nhân, ngược hẳn với cái học cổ truyền thì làm sao hiểu nhau được.
Nhất là khi thấy xã hội Tây Âu tiến bộ văn minh cường thịnh, thì các giới trí thức trưởng giả trăm người như một đều cho triết học lý niệm là căn do của sự tiến bộ kia. Cho nên dần dần trí thức trưởng giả đô thị ngộ nhận mọi giá trị cổ truyền: cho thôn dân là không biết chi đến tự do, đến quyền lợi. Và từ đấy trí thức khởi đầu miệt thị Nho Giáo bởi đây là một đạo hành vi làm bằng tình thâm và động tác, nay tri thức lại xét theo ý niệm phân tích thì chẳng thấy được gì nên làm sao tránh khỏi miệt thị.
Ông P. Mus nhận xét "trong khi Âu hóa người trí thức Việt Nam, trong khi nhận họ đứng vào hàng với ta, ta đã phá vỡ mất cơ cấu tinh thần của họ, quan niệm cổ truyền của họ và đặt lối xử thế cũng như chính bản thân họ ra khỏi môi trường xã hội đã un đúc nên họ. Thế mà xã hội đó không sống bằng ý niệm trừu tượng, trái lại cả những quan niệm rất triết lý của họ không bao giờ xa lìa cơ cấu kinh tế, chính trị, gia đình, xã thôn; nhưng tất cả bấy nhiêu điều thích nghi vào một cơ cấu mẫu, một vũ trụ quan phát xuất tự đáy lòng mà Nho Giáo là một sự biểu lộ cao nhất và chính thức nhất. Một khi đã cất mất lòng thâm tín vào những ý tưởng đó của Nho Giáo, thì toàn hệ thống không thể đứng nổi... (Mus 140).
Thế là Nho Giáo tàn dần không còn nữa để mà tiêm sinh lực thiêng liêng cho các thể chế, nên những thể chế này dễ đốc ra tệ đoan, trở thành dụng cụ khai thác thôn dân để phụng sự cho sự lớn mạnh của nền văn hóa đô thị. Ngọn lửa nhân ái hết được đôn hậu, ngàn dần đi để trở thành đống tro tàn sau các lũy tre xanh. Nếu mất phần ruộng công điền kể như mất phần "đất chở" thì giết chết Nho Học kể như phá mất "trời che": người trên đã không còn học Ðạo Thuật, không còn đôn hậu tình người bằng lễ, bằng nhạc, bằng giảng học thì lễ gia tiên còn lại có phần thiển cận thuộc giai đoạn bái vật và bao nhiêu cái đẹp xưa trở thành hủ tục, sinh ra những tệ lạm đủ đề tài cho Tự Lực Văn Ðoàn khai thác, cho trí thức chê bai giề bỉu: văn hóa thôn dân sắp bị gọi bằng danh từ miệt thị là nhà quê. Nhà quê không phải là người (hiểu là cá nhân) mà chỉ là những thực thể bị nuốt trôi vào đoàn thể.
Ông P. Mus viết: trí thức không còn nhận định nổi được rằng thôn dân thích bị nuốt trôi vào công thể, vì nó không là đoàn lũ nhưng là công thể đầy áp tình người, nên đi đâu mặc không sao quên được nơi quê tổ, nơi có bàn thờ tiên nhân. Những "cu-li" làm trong các đồn điền được dư đồng nào hầu hết gửi về nhà. Và sau khi hết hạn khế ước thì liền ra đi trở về quê cũ, bỏ lại nơi đồn điền cái nhà đẹp hơn nơi quê, bỏ lại người vợ tạm mà thói tục cho phép lấy trong lúc "đất khách quê người" (Mus 112) trước sự ngạc nhiên của người Tây Phương, của trí thức trưởng giả đô thị...

Ngược lại người thôn dân hết hiểu nổi tri thức, và cả những quyền lợi mà họ đang tranh thủ: tự do hội họp, tự do báo chí và đáng sợ nhất là quyền đầu phiếu mà các ông trí thức tranh đấu cho họ, làm họ mất thời giờ, không đi thì mấy ông hỏi giấy tờ khổ sở, mà đi thì biết bầu cho ai? Sau khi đắc cử họ làm cái gì? Mãi ở đâu? làm sao mà kiểm soát?... Làm sao được như hương chức xưa sống trong thôn xã với họ, nếu làm bậy ít nhất họ còn có quyền chửi đổng, vận động, bôi xấu...
Trong xã hội cũ quyền lợi của họ ít lắm, rất tương đối nhưng nó thể hiện ngay trong phần điền, nó nuôi họ hàng năm. Vì thế nay họ không mong quyền đi bầu mà mong phần ruộng.
Trong khi người Pháp đưa giải pháp Bảo Ðại ra làm chiêu bài vào lối 1946-1947 thì đã tính thỏa mãn điều đó phần nào, nhưng bị phản đối do nhóm "Nam kỳ tự trị" được chiêu mộ phần lớn trong những đại điền chủ. Nhóm này sợ đất ruộng của họ bị sứt mẻ vì lối "quân phân tài sản" cổ truyền của Việt Nam.
Vài thí dụ trên chứng minh là đất nước đã bị bổ đôi làm hai mảnh văn minh không hiểu nổi nhau nữa thì làm sao mà yêu nhau, làm sao "cố năng ái". Văn minh thị dân duy lý, cái học thiếu phần "đôn hồ nhân" thiếu phần hàm dưỡng tâm hồn triết gia, để tiết chế cái lòng tham dục, nên thẳng tay khai thác những thôn dân chất phác đã bị chặt chân (mất ruộng), bị chặt đầu (không còn kẻ sĩ ở bên cạnh để cất tiếng bênh che) để trao cho thị dân mặc tình khai thác. Do đó sự khai thác trở thành tàn tệ.
Chúng tôi không nói về cá nhân. Xét về cá nhân thì nhiều người Tây Âu nhân ái hơn nhiều người Ðông Phương, nhiều trí thức tốt hơn nhiều kẻ sĩ v.v... Ðây chỉ có ý bàn về cái cơ cấu của một nền văn minh, thì đó quả là một hệ thống duy vật, vì đã bị tục hóa, đã bị ly dị với tôn giáo. Kitô giáo là một giá trị tinh thần đã đứng ra thay thế cho đế quốc La Mã trong lúc sa đọa để đem đến cho người Âu Châu một nhãn giới cao rộng vượt những giới mốc của huyết thống, gia tộc cũng như bộ lạc, và do đó giảng rao tình huynh đệ phổ biến không phân biệt chủ với nô, công dân Roma hay là ngoại quốc. Chính nhờ thế mà Âu Châu còn tồn tại đến ngày nay.
Vậy khi ly dị khỏi tôn giáo thì nền văn minh Tây Âu trở nên thế tục ròng. Do đó mặc dầu Tây Âu có nhiều giá trị tinh thần, giá trị nhân bản, nhưng vì cơ cấu đã bị tục hóa nên ta phải cho là duy vật. Vậy khi đem áp dụng vào xã hội Việt Nam vốn xây trên tình người thì trở thành hai đối cực. Vì thế đã gây nên sự ngỡ ngàng cho giới trí thức Việt Nam không ít.
Chúng tôi không hề nghĩ rằng giới trí thức chỉ gồm những phần tử chúi đầu theo cái sống sinh lý, nhưng có nhiều, rất nhiều đã thắc mắc đã sống căng thẳng cái mà ông P. Mus gọi là "tấn bi kịch tổng hợp" một đàng nhận ra Tây Âu tiến bộ hơn mình rất xa, một mặt lại cảm thấy văn hóa Tây Âu có một sự trống rỗng, thiếu mất cái chi linh thiêng để làm si măng tổng hợp. Vì thế rất nhiều nhà trí thức Việt Nam cho là người Tây giấu cái phần linh thiêng đó. Ông P. Mus kể lại trường hợp của một giáo sư kia 15 năm trời miệng luôn luôn dạy học sinh rằng mặt trời xoay quanh trái đất nhưng lòng luôn luôn thắc mắc cho rằng chắc có ẩn tàng chi đây? Người Pháp chờ mong cái gì từ điều dạy đó?... Người Tây nói thế nào cũng không tin, vẫn cho là giấu bí quyết, mãi tới sau thế chiến 1914-1918 một số nhỏ mới vỡ lẽ ra rằng điều bí mật nhất không có bí mật chi hết: le plus grand secret c'est qu'il n'y a pas de secret, và tự đấy đổ nhau đi tìm thỏa mãn cho nhu cầu khát vọng thiêng liêng: người thì theo Kitô, người thì theo Tam Ðiểm, hoặc cầu cơ (spiritisme), ông Mus cho Cao Ðài đại diện nhóm này (Mus 133.143.147) và cho rằng chính sự mất liên lạc với lễ gia tiên là lý do sâu xa gây nên các giáo phái (Mus 248).
Thế là nền văn hóa đã tô tạo cho giống Lạc Việt từ ngày khai quốc y cứ trên Văn Tổ tan vỡ ra làm nhiều mảnh (Cao Ðài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Kitô Giáo, Bè Nhiệm) đủ yếu tố có thể gây nên cuộc xung đột ý hệ. Và cuối cùng thêm một nhóm theo Mácxít nữa thế là cuộc xung đột ý hệ trở thành thực sự từ 15 năm nay; máu người Việt đổ ra chưa khi nào nhiều như thế, những bom, đạn, giáo, gậy, do ý hệ tung ra tới tấp rơi thẳng xuống đầu dân nước như họp chợ. Có còn "trời che" đâu mà chẳng rơi thẳng vào đầu. Thế mới hay có những chữ như "đất chở" "trời che" mang theo một ý nghĩa rất cụ thể các thực vậy.
Ðấy là thực trạng bi đát chưa tìm ra giải đáp cho "thảm kịch tổng hợp" đặt ra cho lớp đàn anh mà ông Mus viết "...drame intérieur vécu par tant de mes amis d'enfance, c'est vis-à-vis d'eux mêmes, un effort de réunification. Deux tranches de leur vie, enfance et âge mũr, deux séquences de relations avec les autres, au niveau de la petite vie familiale intérieure et dans la pratique du monde extérieur, deux logiques, l'une affective l'autre rationelle se heurtent en eux." (Mus 143). Ðó là một thảm kịch giữa hai nền văn hóa khác nhau như đất với trời chưa tìm ra phương hướng thống nhất, đến nỗi ngày nay dầu đã thâu được chủ quyền về chính trị vấn đề đó cũng còn đặt ra y nguyên cho thế hệ chúng ta. Tổ tiên ta đánh đuổi quân Tàu xong liền trở về trùng tu đền thờ Ðức Khổng như thường, vì các ngài chỉ phải giải quyết có vấn đề chính trị. Còn chúng ta đánh đuổi thực dân Pháp đi rồi có thể xảy đến Ðức Descartes, Ðức Sartre, Ðức K. Marx, Ðức Platon chăng? Vấn đề phiền toái hơn nhiều vì không còn chỉ là chính trị, nhưng đã lan sang địa hạt văn hóa. Và vấn đề văn hóa cũng lại phức tạp vì một đàng Tây Âu văn minh hơn ta rất nhiều, đã giúp ta tiến được ít bước, nhưng về văn hóa thì lại quá khác ta. Hồn nước ta có ba nét đặc trưng chính: bình sản, công thể (communautaire) và nhất trí trong đạo thuật, thế mà văn hóa Tây Âu từ trong bản chất lại đưa tới bất bình sản, cá nhân chủ nghĩa và ý hệ đa tạp lung tung, cho nên nếu ta gọi bình sản, yêu thương, nhất trí và tiến bộ thì nói riêng về văn hóa, Tây Âu đã làm cho nước ta lùi lại mấy ngàn năm trước thời tìm ra bài vị Văn Tổ, thời mà người ta còn phải dùng võ lực, bạo động để giải quyết những sự tranh luận về ý hệ. Làm thế nào để tiến bộ cả trong văn minh lẫn văn hóa? Ðó là bài toán đố đặt ra cho thế hệ chúng ta.

Tóm lại cả bài:
Con người Việt Nam được quan niệm theo nền Nhân Bản tam tầng: Trời, Ðất, Người, mà tầng nào cũng quan trọng như nhau. Vì thế nên cần "ăn với đất vui với trời" để cho có đủ ba chiều kích đặc trưng của con người Lạc Việt. Người Pháp đã phá vỡ phần công điền để cho tài sản dồn về một số người đặc ân là đã chặt hết hai cái chân: mất phần an thổ. Ðến khi phá vỡ lễ gia tiên (cách gián tiếp bằng cái học duy lý thay vào nho giáo) là chặt hết cái đầu, phá vỡ mất trời che mất phần "đôn hồ nhân" với tình huynh đệ phổ biến. Như vậy hết còn là một con người sống trong xã hội như thành phần của một công thể thiêng liêng, mà chỉ còn là một cá nhân trơ trọi: thôn dân vác xác đi làm tôi, thị dân vác đầu đi làm tớ: cắt băng khai mạc cho nền văn hóa thiếu Văn Tổ nên đâm ra quay cuồng theo bất cứ ý hệ ngoại lai nào.
Ðó là đại khái những vấn đề đặt ra cho chúng ta sau 80 năm bị ngoại bang đô hộ, làm thế nào để trả lại cho mỗi người Việt có một mảnh đất chở cũng như có một mảnh trời che để có thể thi hành cái đạo "giúp trời đất trong việc nuôi dưỡng và tiến hóa" không những nuôi xác mà còn làm cho tiến hóa tâm linh. Chữ Nho gọi là: "khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục" giúp cho đất trời làm việc nuôi dưỡng. TD.22. Ðảng Cộng Sản Việt Nam bỏ phần Thiên đưa tuột ra giải pháp truất hữu địa chủ đặng chia ruộng cho tá điền. Ðược chăng, đó là điều cần bàn tới trong chương sau.$pageOut$pageIn4. Chương IV: Khi Người Cộng sản Giải Phóng

a. Phong Trào Giải Phóng

Ta thấy Cộng sản xuất hiện như một cám dỗ, một hứa hẹn tràn ngập tương lai huy hoàng.
Trước hết vì không phải hứa suông sẽ san phẳng bất công mọi xã hội, nhưng hơn các chủ trương khác, nói rồi là làm. Ruộng phú nông không những được truất hữu mà đến ngay thân mạng phú nông cũng bị đấu tố. Thế là trừ hậu họa tận căn: bần cố nông khỏi lo sau này còn có ai đòi phần điền nữa.
Ðã vậy Cộng sản còn có phương pháp giải quyết nạn nghèo truyền kiếp của các nước Viễn đông tức là đà kỷ nghệ hóa hết sức mau lẹ như được thực hiện bên các nước Cộng sản Nga Hoa... Một ngày gần đây khi người Việt đuổi kịp đà tiến của Âu Mỹ rồi, thì cũng sẽ phồn thịnh như họ. Ðó thật là một điều không ai không mong mỏi.
Tất cả bấy nhiêu đều có bằng chứng cả. Tuy nhiên với hai điểm trên, ta đưa ra hai nhận xét cũng không kém phần khách quan. Trước hết trong việc kỹ nghệ hóa xứ sở Cộng sản rất hữu hiệu, nhưng không nắm độc quyền, vì có những chế độ không theo Cộng sản cũng tiến mạnh như thế, chẳng hạn Nhật Bản, Ðài Loan, Ấn Ðộ... và rõ hơn hết là hai miền Ðông Ðức và Tây Ðức. Tây Ðức quốc gia đã không thua lại còn vượt xa hẳn Ðông Ðức Cộng sản.
Ðiều nhận xét thứ hai là mực sống của lao động bên các nước Cộng sản không đi lên theo đà phát triển của kỹ nghệ như bên Nhật, Ðài loan, phương chi bên các nước Anh, Mỹ, Pháp, Ðức; trái lại chỉ nhúc nhích chút ít, có thể nói hơn trước 1, 2, 3 chi đó, đang lúc bên Anh, Pháp, Mỹ thí dụ mực sống thợ thuyền ít gì cũng lên 20 lần cao hơn xưa.
Ông André Philippe người Pháp, giáo sư kinh tế học tại học đường Lyon rất giàu tình cảm với chủ nghĩa xã hội, sau chuyến thăm Nga sô trở về buộc lòng phải viết: "Ở trung tâm thành phố là những đại lộ rộng lớn với những khách sạn sang trọng, nhưng chung quanh trung tâm này thì toàn là đường không trải nhựa với những nhà lợp tôn, mỗi đầu phố chỉ có một máy nước và các bà nội trợ phải ra tận đấy lấy nước về nhà. Ngày nay nhiều kinh tế gia tóm tắt tình trạng kinh tế Nga sô vào hai tiếng "đói khổ và vệ tinh".

Ðiều nhận xét thứ ba về xã hội vô giai cấp được ghi trong dự án thì người ta lại nhận thấy bên Nga một tân đảng cấp còn xa cách giới thợ thuyền hơn bên các nước tư bản nhiều lần, vài thí dụ nhỏ. Năm 1937:

1) Ðầy tớ gái lương tháng là 50-60 rúp
Thợ lương tháng 110-400 rúp
Công chức cấp dưới 110-300 rúp
Công chức hạng trung và kỹ thuật gia 300-1,000 rúp
Nhân viên có nhiều trách nhiệm 1,500-10,000 rúp, có khi từ 20,000-30,000 rúp.
(Theo tài liệu của M. Yvon trong cuốn "L'URSS telle qu'elle est. Trg 215-218")

2) Lương của "Hồng quân" đối chiếu với lương quân đội Mỹ:

Cấp bậcHồng quânQuân đội Mỹ
Binh Nhì10 Rúp50 Mỹ kim
Thiếu úy100 rúp (gấp 1,000 lần)150 Mỹ kim (gấp 3 lần)
Ðại tá2,400 rúp (gấp 210 lần)330 Mỹ kim (gấp 6 lần)

3) Sức bành trướng của giai cấp thơ lại (tài liệu sách "The real Soviet Russia". David J. Dallin 1.944)
1917-1918 : 1,000,000 người
1927 : 4,000,000 người
1932 : 8,000,000 người

4) Cũng nên biết rằng những người giầu được hưởng gia tài, quyền này được bảo đảm trong hiến pháp năm 1936.

5) Thuế lợi tức bên Nga : 13%
Trong khi đó bên Mỹ tới : 90%


Tóm lại đây chỉ nêu ra vài mục tiêu để gợi đề tài câu chuyện chứ không phải là chỗ nói hết được. Chỉ biết rằng có rất ít nhiều căn cớ để làm cho tân giai cấp càng ngày càng đông thêm và càng ngày xa cách giới lao động thường dân. Và như thế tương lai của xã hội vô giai cấp càng ngày càng bị đẩy xa.
Bên Tàu xưa Ðại khanh là số rất ít (tương đương bộ trưởng nay) được lĩnh gấp thường dân 32 lần, Ðại phu 8 lần, Thượng sĩ 4 lần, Trung sĩ 2 lần (Mạnh tử V.b.2). Tuy đấy là còn số lý tưởng, không phải mỗi thời đúng thực tại, nhưng vì các xã hội Nho giáo theo chế độ "bình quân địa quyền" thì đó cũng không phải là chuyện thiếu nền tảng. Và nói chung ra sự chênh lệch ở các xã hội ta xưa không đến nỗi quá xa cách như bên Tây Âu. Nhưng xét cả hội ta xưa cũng như xã hội Tây Âu nay thì ngay về phương diện kinh tế thay vì san bằng thì Cộng sản lại còn đầy sự chênh lệch đi xa hơn rất nhiều.

b. Ðoàn Thể Mà Thiếu Nền Tảng Linh Thiêng Thì Gọi Là Ðoàn Lũ

Chữ Nhân kép bởi chữ Nhị và Nhơn thì nghĩa đầu tiên là nói lên xã hội tính của con người. Con người không là một thực thể lẻ loi cô tịch nhưng là người sống thành đoàn thể. Ðoàn thể mà thiếu nền tảng linh thiêng thì gọi là đoàn lũ (masse) ràng buộc bằng pháp hình luật lệ. Luật lệ cần nhưng chưa đủ, mới được có phần ngoài, nói theo quan niệm Ðông phương mới có tầng cá nhân, thuộc về địa, còn thiếu hai tầng thiên và nhân mới đủ tam tài, nên cần cái gì linh thiêng và nội khởi nữa. Thiếu yếu tố tâm linh đó sẽ có ngày tiêu diệt nhau, hay ít ra bốc lột tàn nhẫn hoặc ở bên nhau nếu không đến nỗi như đống gạch đá, thì cũng như chùm cây hay đoàn vật: con nào biết con nấy. Nói ngay loài vật nhiều giống đã vượt xa đợt đó rồi. Vì thế cần phải tìm ra một yếu tố mới. Chúng ta thấy rằng sự thờ cúng tổ tiên của La Hi xưa vì đã không tìm ra yếu tố mới như kiểu Văn Tổ, nên sự đoàn tụ vẫn y nguyên là một sự cộng lại của nhiều cá nhân. Chúng ta lại biết rằng Viễn đông vì đã vươn lên tới đợt Tâm linh được biểu thị trong bài vị Văn Tổ nên đã thành công biến đoàn lũ trở thành đoàn thể hay nói theo tiếng mới là công thể (communauté). Ðoàn lũ là một sự tổng cộng, lấy bên ngoài làm chính, nên phải gia tăng kiểm soát, giăng bủa nhiều tầng lưới công an, cảnh sát, mật vụ.

Công thể thì nhấn mạnh phần nội khởi: sự kiểm điểm bên ngoài tuy không bỏ nhưng đặt bên dưới hay là ngang với yếu tố nội khởi tình tự là phần không kiểm soát, không kiểm soát vì nó tế vi không có hình tích nên ta quen gọi là tâm linh u ẩn. Tuy con mắt thường nhân không thấy, nhưng hiền nhân quân tử nhận ra sự quan trọng tất mực của nó. Nó rất cần thiết để cho đoàn lũ trở thành đoàn thể, tức là sự hội họp đoàn tụ mang ẩn tích của con người, nghĩa là gắn bó bằng tình yêu thương nhiều hơn bằng luật pháp. Do đó người xưa đặt bộ Thị vào chữ Xã, nên chữ Xã có nghĩa là thần của đất, không phải là đất chung nhưng là đất của làng. Chữ Xã còn chỉ là bàn thờ để thờ Thần hoàng tức Thánh tổ của xã thôn cũng như các tiền nhân trong ấp xóm, chữ nào cũng mang nặng chĩu linh thiêng. Chính chữ Xã đó là chìa khóa mở vào kho di sản thiêng liêng của nước Việt Nam: nó gợi lên một bầu không khí tâm linh, một cảnh giới công thể. Chính chữ Xã đó làm cho cái làng cái xã Việt Nam trở nên một thực thể thiêng liêng đầy uy lực.

Có bí quyết chi chăng? Thưa tất cả nằm trong chữ Thị chỉ cái gì linh thiêng che chở, thâm thiết khiến cho người Việt Nam nào (trước khi bị Pháp phá) cũng cảm thấy yêu thích chìm mình vào đó. Người duy lý thành thị được đào tạo theo văn hóa Tây phương cho như thế là mất nhân vị, mất cá tính... nhưng người trong cuộc lại cảm thấy dễ chịu, như có cái chi đáo ứng nguyện vọng sâu thẳm cõi lòng, mà sau này người Pháp phá vỡ thì họ cảm thấy một sự trống trải cô đơn lạ. Ông Paul Mus nhận xét rất đúng rằng "sự bị đánh bật ra khỏi xã thôn (không có ruộng) đã trở thành một nhân tố phá vỡ mất sự quân bình tâm lý của người Việt Nam kể như họ bị chặt đầu vậy. Việc nhổ người dân ra khỏi công thể (gia đình, làng xóm) được Cộng sản tiếp tục bằng chủ nghĩa tam vô, cốt cho con người trở thành hoàn toàn cá nhân, nghĩa là bị cắt đứt mọi ràng buộc tình ái với gia đình, tổ quốc (mà ở tầm thước thôn dân là ấp thôn) để cho dễ được sát nhập vào đảng. Vì có đoạn tuyệt với gia đình với làng xóm mới dễ hi hiến trọn vẹn thâm tâm cho đảng. Nhưng tinh thần công thể đã ăn sâu trong tâm hồn người Việt, hơn thế nữa đó là chiều kích tạo dựng nên con người Viễn đông nên những chủ thuyết nào đi ngược lại mà được biết rõ như thế sẽ bị từ khước. Ðó là điểm đến phút chót người Cộng sản đã nhận ra kịp thời, và thế là họ đã bãi "Ðông dương Cộng sản đảng" để nhấn mạnh đến yếu tố "xã hội hóa".
Tại sao lại hy sinh như thế? Phải nói là hy sinh khi họ vừa tiếp nhận được chủ quyền từ tay người Nhật trao sang thì lẽ ra đây là lúc rất thuận lợi để đề cao công trạng của đảng, để minh chứng rằng "thiên mệnh" đã định cho Cộng đảng lên nắm guồng máy của nhà nước. Ðó là điểm lạ nhưng ít người đặt thành vấn đề. Thường thì người ta cho là một sách lược của Cộng sản: có thể vì lúc Cộng sản còn yếu so với các đảng phái quốc gia mạnh hơn nhiều. Ðó là một lẽ, nhưng còn có cái chi sâu xa hơn chăng? Ðây là chỗ ông Paul Mus đã đưa ra những nhận xét tế vi như sau (Mus 252-264):
Trước hết vì chữ "Ðông dương" là chữ vô sắc thái: nó chỉ những miền nằm ở phía đông biển cả và được người Pháp gọi là cái "Ban công nhìn ra Thái bình dương" mà Paul Reyneaud đã muốn xây thêm vào cho "cái nhà Pháp quốc" (pays de la Grande Mer Orientale le Balcon sur le pacifique de Paul Reyneaud. Nous le voyons accolé à notre maison (Mus 264).

Vì thế cái tên "Ðông dương Cộng sản đảng" làm người Việt liên tưởng ngay đến cái gì ngoại lai nhập cảng, hơn thế nữa có liên hệ nào đó với thực dân Pháp. Ðến như ba chữ "Cộng sản đảng" cũng nói lên cái gì xa lạ. Chữ Cộng là cộng lại kiểu toán học tự ngoài chứ không gây được âm vang như tinh thần xã thôn có cái gì linh thiêng thân mật. Chữ Sản là sản phẩm, sản xuất, cái gì thuộc kinh tế, của cải, ích dụng mà không gợi lên cái gì là sản nghiệp có tính cách linh thiêng nối kết dòng tộc từ đời này qua đời khác, nhưng chỉ còn là một tác động trứ hình nhằm để chung lại của cải cũng như thân xác ý chí một cách vật chất, lấy của riêng làm ra của đảng chứ không còn là sự hội lại để tế thần. Ðối với Âu châu thì sự để chung lại có lẽ hay cho nhiều người. Ta nhớ lại Âu châu phần lớn xưa kia là nô lệ, tiếp tới nông nô thời trung cổ, rồi khi bước vào đời kỹ nghệ là thợ ăn lương nghĩa là trải qua các giai đoạn lịch sử số đông đều kéo lê một cuộc đời vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa. Chứ như bên Việt Nam không có thể chế nô lệ nông nô hay vô sản mà thực ra chỉ là vấn đề nhân khẩu học (problèmes démographiques) mà thôi. Vấn đề đó nếu không bị người Pháp chặn đứng bằng chia nước ta ra ba kỳ, đi lại phải có "tít" rất khó khăn phiền hà thì đã được giải quyết liên tục dưới hình thức Nam tiến rất mạnh mẽ không gì cản nổi. Vậy người Việt Nam nghèo thì có, chứ không có vô sản. Người Pháp đã gây ra một số, nhưng chưa đủ nhiều để trở thành vấn đề có tầm quan trọng quốc gia.

Cuối cùng là chữ "Ðảng", nó cũng gợi lên cái gì là phe nhóm tư riêng, không có tính chất phổ biến, Người Việt Nam lúc đó thấm nhuần Nho giáo ghét cái gì thuộc phe nhóm: "quân tử hòa nhi bất đảng". Cái gì cũng mong muốn có tính cách thái công, không chịu những lối phân chia...
Tóm lại cả năm chữ "Ðông dương Cộng sản đảng" đều nói lên một cái gì dựa trên các giá trị ngoại lai có phần chống lại với tinh thần tổ quốc có cơ cấu linh thiêng và bị cộng sản coi như thượng tầng văn hóa duy tâm có tính cách tầm gửi đã lỗi thời. Con người bị rứt ra khỏi công thể là nhà và nước (hiểu là xã thôn) để trở thành một cá nhân to vo mình biết lấy mình, như một con số để dễ thành đảng viên, hay là những thành phần trọn vẹn tuân theo đảng. Vì thế mà cả năm chữ đều tẩy xóa, gột rửa não trạng con người để đưa vào một hệ thống trái hẳn cổ truyền...

Ðó là những điều đại chúng cảm thấy lờ mờ một cách hết sức mặc nhiên không đủ, hiện ra ý tưởng khúc chiết như ta phân tích đây. Tuy vậy cũng đủ để quyết định một thái độ nếu không chống đối thì ít ra là dè dặt đề phòng, và như thế đã là cản trở cho việc bành trướng của đảng rồi. Vì vậy người Cộng sản đã khôn khéo bãi bỏ "Ðông dương Cộng sản đảng" biến ra nhóm nghiên cứu học thuyết Mác-xít, còn trong việc tuyên truyền thì nhấn mạnh đến việc "xã hội hóa". Chữ "Hóa" chỉ một sự biến cách linh thiêng (transformation surnaturelle) cũng một âm vang với hóa công, tạo hóa. Biến hóa vô cùng, Chữ nào cũng bao hàm yếu tố linh thiêng khác hẳn duy vật sử quan coi mọi việc biến đổi tùy thuộc hoàn toàn vào kinh tế, vào sản xuất lối ích dụng ròng, nghĩa là đã rút khỏi vật chất, do đó rút khỏi xã hội những ý nghĩa siêu linh do sự giao hội của Ðất Trời, thủy tổ của vạn vật. "La sociologie vietnamienne voit dans ce travail l'opération conjointe du Ciel et la Terre, Parents des êtres, tandis que l'interprétation marxiste normative par l'utile et non par le sacré, parge la matière et par cela même la société de ces surimpressions spirituelles". (Mus 256).

Ðến như chữ Hội thì nó nói lên những cuộc lễ lạy đình đám để tế thần làng cũng như để gia tăng cái sinh thú ở đời là điều vốn được Nho giáo không những công nhận mà còn tìm cách thế để điều lý làm phương tiện cải hóa con người cả tâm cũng như thân, lý cũng như tinh (Mus 260). Còn chữ Xã gợi lên sự tổ chức xã thôn đầy tính chất tương trợ liên đới: trước hết là phần đất làng đúng vào việc cứu trợ các người cô, quả, quan, độc... cũng như cấp thêm cho những học sinh tỏ ra có tài năng. Rồi đối với mỗi gia đình nói lên phần công điền công thổ. Ông Coulet nhắc lại lời một nhà cách mạng già rằng theo kinh điển của thánh hiền thì mỗi nhân xuất phải có được 5 mẫu đất (Mus 260).

Cả ba chữ "Xã Hội Hóa" nói lên một sự kiện coi như nghịch lý mà khi khảo sát khách quan lại đúng sự thực là chương trình xã hội hóa (phân chia lại tài sản) chính là thực hiện trở lại một dĩ vãng đã bị thực dân làm hỏng đi một phần. Thành ra cái mới mẻ nhất lại xuất hiện như một lý tưởng mà nhiều lần tiền nhân đã thi hành như ông Gourou minh chứng (Mus 273).

Vì những điều đó người Cộng sản đã hy sinh "bãi" đảng trong chính lúc có cơ lên mạnh.

Ðại khái đó là những nhận xét của ông Paul Mus mà tôi cho là rất trúng. Tuy chưa chắc người Cộng sản đã ý thức được minh nhiên như thế, nhưng vì vốn Hồ Chí Minh là tay có cái mũi tâm lý rất nhậy cảm đã trực thị thấy. Vì thế trong việc bãi đảng Cộng sản không phải chỉ có lý do chánh trị, sách lược, nhưng còn về lẽ tâm lý và ý hệ nữa.

Nhờ việc bãi đảng Cộng sản và đề cao "xã hội hóa" guồng máy cai trị nước Việt Nam đó mà Cộng sản đã lôi kéo được biết bao cán bộ. Những người này hầu hết ban đầu không có ý theo Cộng, nhưng chỉ là những tâm hồn quảng đại hào hùng thương nước thương nòi muốn hy sinh xương máu để cứu quê hương, kiến thiết lại xứ sở. Hầu hết họ là những con người cao thượng mà ta phải cảm mến như những linh hồn của nước. Nhưng rồi lòng yêu thương ấy có hiện thực chăng? hay sẽ trở nên mũi gươm đâm vào em rể như trong câu chuyện "Lạc hồn" mặc dầu khi dấn thân lòng đầy thiện chí yêu thương bác ái?

c. Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái

Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái. Câu sách đó người Cộng sản đã chứng minh cách đồ sộ bằng cái chết thê thảm của biết bao người trong các trại tập trung, hoặc tiếp tục ngã gục trên các chiến trường, trong những vụ bắt cóc, khủng bố khắp nơi trên đất Việt kể từ ngày chân voi Cộng sản được rước vào nước ta.

Ðó cũng chỉ là sự lập lại kinh nghiệm nước ngoài. Xin đưa ra một nhân chứng nhiều người đã nghe nói tới, đó là Milovan Djilas. Trước kia ông là lý thuyết gia đã được un đúc trong lò tư tưởng Cộng sản, rồi làm tới phó chủ tịch Nam Tư, nhưng năm 1962 vì đã cho xuất bản cuốn "Các cuộc đàm thoại với Staline" nên bị kết án hơn 8 năm tù. Lý do? Chỉ vì đã dám nói lên tiếng lương tâm mà sau đây là một vài câu trích dịch: "Hầu như không một điều nào trong chủ nghĩa Mác-xít nguyên thủy được tồn tại tới nay". Về nông dân, ông viết: "Giai cấp mới đã thành công trong việc biến các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhất trong lợi tức của họ".

Cho nên về tốc độ kỳ lạ trong những tiến bộ kỹ nghệ của Liên Sô thì Djilas có thể nói xưa kia những thuyền buồm của Tây Ban Nha dùng sức những người nô lệ bị xiềng vào mạn thuyền để chèo, cũng có một tốc độ rất nhanh.

Chúng ta có thể kết luận bằng mấy câu của Djilas như sau: "Xưa kia các đồng chí Cộng sản là những con người, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính, những chiến sĩ nhiệt thành hăng hái, tinh thần quyến luyến nhau không phải vì chí hướng như nhau, đau khổ như nhau, nhưng cũng vì một tình yêu không vụ lợi, một tình đồng chí, đoàn kết... Nhưng rồi khi họ đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành những con người hèn nhát, vụ lợi, ích kỷ, hết ý tưởng và hết đồng chí, sẵn lòng từ bỏ hết cả danh dự, tên tuổi, chân lý, đạo lý, cốt sao giữ mãi được địa vị của họ trong giai cấp thống trị và thượng lưu. Thế giới chẳng mấy khi được thấy những anh hùng sẵn sàng hy sinh và chịu cực nhọc như những người Cộng sản trước và sau những ngày đầu của cuộc cách mạng. Và cũng chẳng mấy khi thế giới đã được thấy những con người mất tinh thần dễ dàng như vậy, ương ngạnh bảo vệ một cách ngu xuẩn những công thức khô khan sau khi họ đã nắm được chính quyền...

"Chủ nghĩa Cộng sản độc tài đưa tới một sự bất mãn toàn diện trong đó mọi ý kiến dị đồng đều bị xóa nhòa, ngoại trừ lòng tuyệt vọng và thù oán" (tất cả đoạn này trưng theo Lâm ngữ Ðường, bản dịch của Từ Chung "Bí danh" trang 156-174). Ðiểm này quá rõ, không mấy ai nghĩ đến truyện phủ nhận cả. Trái lại chính những thực tại phũ phàng đã làm vỡ mộng nhiều nhà trí thức trên thế giới trước kia đầy thiện cảm với Cộng sản và coi đó như một cứu tinh để giải phóng con người trong giai đoạn mới này. Chính sự vỡ mộng kia đã làm cho Cộng sản mất đi bao uy tín, và chỉ còn sót lại được số nhỏ. Tuy nhiên số nhỏ đó vẫn bám chặt với chủ trương rằng: "sở dĩ Cộng sản không đạt thành quả là tại các nước Cộng sản không chịu đi đúng đường lối do Karl Marx vạch ra, nên có những chuyện đáng tiếc như vậy. Vì thế mà ngày nay đang có trào lưu "Xét lại" với hy vọng tạo được kết quả tốt đẹp hơn! Liệu có được chăng?

Ðiều làm cho giới trí thức say mê hơn hết trong triết thuyết Karl Marx là "dự phóng căn bản" nhằm giải phóng con người ra khỏi thảm trạng vong thân ngày nay.

Vong thân là gì? Nói cụ thể là làm con người quên mất bản gốc người của mình. Con người bị bán đoạn mãi cho những tha vật như tôn giáo, tư bản, chính trị... Bản tính con người biến mất để trở thành những sự vật cụ thể như tiền bạc, hàng hóa, nghĩa là những giá trị phổ thông, vô hồn, người ta trao đổi cho nhau những đồ vật. Ðó là vong thân, là thảm kịch làm hạ phẩm giá con người xuống hàng sự vật. Chúng ta cần nói ngay rằng những nhận xét của Karl Marx rất đúng với xã hội Âu Châu thế kỷ 19, và còn đúng với tình trạng xã hội nhiều nơi khác ngày nay.

Các nhận xét trên đã được nhiều triết gia và văn hào nói tới nên không có chi lạ lắm, nhưng dưới ngòi bút của Marx tuyên bố từ khước mọi triết lý suông và thiết lập ra một "hành pháp", một mặt trận giải phóng và trao sứ mạng đó cho những người đang là vật hy sinh cho các chế độ tư bản bóc lột họ, khiến họ mất quyền làm người, thì tiếng gọi của ông trở nên thiết tha và lôi kéo không những thợ thuyền mà luôn cả một số khá đông trí thức. Chỉ xin kể vài tên tuổi quen: Merleau Ponty khi viết "Humanisme et Terreur" thì ca ngợi chính quyền Sô viết cho rằng chỉ có giới vô sản mới là liên chủ thể chân thực, nghĩa là chỉ có thợ thuyền mới biết yêu thương nhau thực tình. Nhưng 8 năm sau khi viết "Les Aventures de la Dialecque" thì đã đổi giọng và cho cuộc cách mạng bên Nga cũng chỉ là một trong các cuộc cách mạng nào bất cứ.

J.P. Sartre cũng từ sự ủng hộ hết mình với hết sức ngòi bút để rồi đi tới câu quả quyết "xã hội chủ nghĩa là một con quái vật tự cắn xé chính mình..." Bertrand Russel trước đây 10 năm có lần đòi Mỹ triệt hạ Nga sô bằng bom khinh khí, đến nay thì quay ra lên án Tổng thống Johnson là tội nhân chiến tranh vì cho phép ném bom Bắc Việt!...

Chỉ kể sơ thế đủ biết tại sao giới triết học gia Âu tây bị mất tín nhiệm cũng có lý do lắm. Cái học hoàn toàn vật bản giúp mấy cho việc hướng dẫn cuộc sống ở đời! Ðến nay trào lưu "nhập cuộc, lăn lưng" nổi dậy, thì các ông cũng theo thời trang mà hô lăn lưng (engagement). Nhưng nghe các ông thì ta thấy liền, đó là các ông đứng trên tháp ngà mà hô, chứ cái triết học của các ông có giúp các ông nhìn sáng suốt hơn ai đâu!
Các ông cho rằng Cộng sản đã làm sai lạc "dự phóng căn bản" của K. Marx thì thật là lơ mơ. Bảo rằng triết thuyết Marx là một nhân bản thì chỉ là nói kiểu thường nghiệm.

Hễ nói về yêu thương người, nói về giải phóng con ngưòi, giải phóng thợ thuyền mà bảo là nhân bản đã được đâu. Gọi là nhân bản cỡ văn nghệ thì được, còn muốn nói là nhân bản theo bình diện triết lý thì không được dừng lại ở thiện chí với những câu tuyên bố hùng biện, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta hãy thử theo mấy ông triết đó mà chỉ nói đến mấy tác phẩm của Marx trẻ như quyển Sainte famille, Idéologie allemande hoặc Manuscrits d'Économis politique et philosophique (1843-44). Trong tác phẩm cuối này, Karl Marx định nghĩa con người như là thực thể xã hội: l'homme humain est l'homme social", câu này giống giống với câu Mặc Ðịch: "quần ngã nhất thể" ngã với xã hội là một thể nghĩa là xã nhân tính đã múc cạn bản tính con người rồi mà thật ra con người còn những yếu tố mênh mông khác mà Nho giáo kêu là Thiên Ðịa chi đức. Vì thế những câu định nghĩa giản lược con người vào một yếu tố duy nhất như trên đều là bán đoạn mại con người cho đoàn lũ, chẳng còn chi để lại cho con người sâu thẳm tư riêng của văn tổ, mà đó mới là phần trung thực của người, huống chi đoàn thể đó không có một yếu tố siêu việt nào bên trên, dễ trở thành một thứ Thượng Ðế nuốt trôi luôn bản thể con người mà Karl Marx đang nhằm giải phóng.
Chính Marx nhận ra tính cách trừu tượng đó (home générique et abstrait) nên khi viết "Idéologie allemande" (1845) đã cố đưa con người vào hoàn cảnh tư riêng của lịch sử; nhưng đó là một thứ lịch sử được viết lại theo khía cạnh duy nhất của kinh tế, theo khía cạnh tương quan sản xuất... nên cũng không hơn gì định nghĩa trên kia, vì thế mà càng ngày sa đọa.
Ðến khi viết bộ "Capital I" (1867), II (1885), III (1898) thì con người của Marx đã trở thành một thực thể kinh tế rồng: homo aeconomicus, và quan niệm của K. Marx đặt trúng vào chiều hướng vong thân như tất cả các triết lý nhị nguyên rồi. Thay vì "Nhân giả nhơn dã" thì ra "địa giả nhơn dã" hoặc là "đoàn thể giả nhơn dã" nghĩa là đã đánh mất trọn vẹn một chiều kích của con người lưỡng thê (amphibie) và cưỡng buộc phải trở nên con người một chiều "one dimensional man". Chính vì thế khi đi sâu vào học thuyết Mác-xít người ta dễ nhận ra những mâu thuẫn trầm trọng ở những điểm then chốt.
Một chữ "vong thân" (aliénation) mà lệt xệt kéo qua biết mấy ý nghĩa mâu thuẫn. Một chữ "ý hệ" mà Gurvitch tính ra được 13 nghĩa khác nhau, khác nhau đến độ trái ngược hẳn (xem ocation actuelle de la sociologie p. 236). Sự cổ võ vượt triết lý bằng "phép hành" (praxis) rất lúng túng và không lấy chi là rõ rệt, phong phú, nên nhiều người chỉ coi triết thuyết đó như một nền siêu hình về giá trị cần lao và thặng dư giá trị (plus-value), mà không thèm quan tâm tới nữa.
Thực ra thì K. Marx không phải là đại triết gia, Karl Marx có đại, nhưng chỉ là một đại xã hội gia, hoặc xét như nhà cổ võ hô hào đại chúng thì kể là vào hàng đầu. Ðọc những đoạn tràng giang về tiền tài, về bất công xã hội thấy rõ liền. Ðại triết gia đâu có viết về những cái tầm phào trọng thể (platitudes solennelles) kiểu nhà hùng biện như thế.
Chính bởi lẽ đó nên sách của K. Marx chứa đầy những mâu thuẫn. Vì thế có một dạo Âu Châu hầu như chôn táng K. Marx vào thư viện. Nhưng tự 1930 trở đi mới có người, nhất là bên Pháp "khám phá" K. Marx trở lại qua những tác phẩm trẻ, mới xuất bản vào lối 1929. Làm thế là vì họ hy vọng tìm ra lối thoát cho xã hội học hiện đại đang bị bế tắc với lối nhìn độc khối, im lìm và quá duy linh của Durkheim.

Ðây lại là một lú lẫn nữa của triết học gia, xã hội học gia... Quí hóa chi lắm những lời "quảng đại" khi còn thành niên. Người ta nói rất trúng khi còn trẻ chỉ cần phác họa chương trình trong một buổi sáng thì già đến bốn cái đời người cũng chưa thực hiện nổi. Vì thanh niên đã hiểu nổi đâu những khó khăn nên rất dễ "quảng đại", rất dễ nói lên những lời yêu thương chân thành đối với những ai bị bóc lột, bị đàn áp. Nhưng đây chính là chỗ phải nhấn mạnh câu "nói dễ làm khó". Anh chửi tư bản thối nát bóc lột, - được lắm, không ai phản đối cả. Anh chửi, tôi chửi, chúng ta chửi, hơn thế cả chính chúng nó cũng tự chửi nữa. Nhưng đâu là chương trình và chủ trương của anh, có hữu hiệu chăng, nghĩa là có ăn khớp trên dưới chăng? Có dựa trên những thực tại không những thuộc kinh tế mà cả tâm lý và xã hội nữa? Nếu không thì hứa 1 hay 10, hay cả 100 đi nữa có đáng kể chi đâu. Những người hơi thực tế có ai dựa trên dự phóng để đánh giá một chủ trương đâu! Có sử gia nào sẽ đánh giá một đời tổng thống, một chính phủ chỉ căn cứ vào các bài diễn văn hoa mỹ, các dự án suông thiếu nền tảng thiết thực bao giờ đâu?

Một buổi sáng kia vào quãng năm 1883 dự phóng ra một "mặt trận quốc tế" để xóa bỏ quốc gia thế mà 50 năm sau (1939) sử gia Pokrousky nổi tiếng đến nỗi một đại học Nga mang tên ông, và được coi như đại sư của các sử gia, vậy mà còn bị Lénine hạ bệ vì cho rằng ông chưa nhận ra yếu tố quốc gia của nước Nga! Vì thế cái mộng xóa bỏ quốc gia theo kiểu "dự phóng căn bản" để đúc các quốc gia thành một đại đồng quốc tế, chỉ còn là khẩu hiệu tuyên truyền cho đế quốc Nga sô, hầu thúc đẩy những người cán bộ hăng say nhưng thiếu kinh nghiệm lao đầu vào làm việc cho hàng tổng Nga sô viết.

Tóm lại ý hướng của K. Marx thì nghe hay lắm, nhưng xét tới căn bản triết lý đã chứa yếu tố vong thân ngay từ thời trẻ rồi, cho nên đừng có hòng khai quật tác phẩm Mác trẻ mà sửa lại được thảm trạng của Cộng sản. Vì thế mà chúng ta thấy càng ngày các xã hội Cộng sản càng đi ngược vối tuyên ngôn ban đầu. Tân đảng cấp ngày càng tản ra xa khỏi đại chúng: nói gọn vào thì khi thợ thuyền lãnh một, giới lãnh đạo cấp cao lãnh gấp trăm gấp ngàn.

Còn chuyện giải phóng thì lại càng đi ngược lại hẳn. Thay vì trước kia vong thân một, thì nay vong thân đến hai ba độ sâu hơn, và tệ hơn nữa là không cho phép ra khỏi vong thân khi có cá nhân nào chợt nhận ra được cảnh vong thân. Xét theo ánh sáng lễ gia tiên thì người Cộng sản đã bỏ qua Trung (Văn Tổ) để đi ra thứ là nhân loại, là quốc tế. Nhưng chính vì bỏ qua Văn Tổ nghĩa là bỏ trung với nội ngã của mình rồi với gia đình, sau đến quốc gia, đoạn mới tới quốc tế, mà đòi bước bổng: xéo qua những người thân yêu, xéo qua đồng bào để đi phục vụ quốc tế và nhân loại liền, thì chúng ta nhận ra cái quốc tế đó, cái nhân loại đó thiếu nội dung chân thực, mà chỉ còn là một danh từ rỗng che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia tộc bị tan hoang, làm nghiêng đổ quốc gia với muôn ngàn đồng bào bị xô vào hố điêu linh tang tóc.

Thiếu trung với tâm thì không còn chi móc nối với nguồn sinh lực đầy yêu thương chân thực. Cho nên những chữ: giải phóng, nhân loại, tương lai huy hoàng trở thành mớ danh từ rỗng khổ. Cộng sản chỉ còn là một biến trạng của sự bế tắc tự hai ngàn năm nay do sự thiếu nền móng Văn Tổ mà ra, không phải là một sách lược chân thực. Cho nên dùng để giải phóng người thì người trụt sâu thêm xuống vực vong thân, dùng để giải phóng nước thì nước sẽ biến ra một chư hầu, một phù dung của đế quốc. Và như vậy là kiện chứng cho câu nói ví Ðông dương Cộng sản đảng như một trái bom nổ chậm của thực dân Pháp: có nhiệm vụ tiếp tục cùng một việc như thực dân để đẩy xa hơn ba cái tệ đoan là: bất bình sản, cá nhân cực đoan, và ý hệ độc hữu. Nói khác đi, Cộng sản Việt nam là người thừa tự của thực dân Pháp.

Ðứng về mặt chính trị thì người Cộng sản Việt nam đuổi Pháp, hay trúng hơn là lợi dụng sự đánh đuổi Pháp của toàn dân Việt Nam, nhưng xét về ý thức hệ thì là kế nghiệp nên nhiều lần đã bắt tay với Pháp, cũng như Pháp đã bắt tay với Việt minh để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việc đó ai cũng biết nhưng có một điều không được lưu ý vì nó thuộc phạm vi triết lý và nó là như thế này: Trên bình diện ý hệ thì người Pháp chủ trương Hữu, người cộng sản chủ trương Vô. thế mà Hữu với Vô tuy là đối cực như sáng với tối, nhưng lại đứng trên cùng một bình diện. Ðó là sự thật sâu xa, thường nhân ít nhận ra, nhưng lại là một công lệ trong triết lý. Một bên nói có, bên kia nói không, thì cả hai cùng thuộc bình diện nhị nguyên, nghĩa là có hoặc không mà có giải pháp thứ ba, nên gọi là triệt tam, tiers-exclu".

Do lẽ tế vi đó mà bảo Thực dân với Cộng sản có họ máu hang ngang. Hàng ngang nên đánh nhau, nhưng cùng một họ. Từ mười năm nay ta thấy De Gaule o bế Cộng sản Việt nam thì không phải là chuyện tình cờ hoặc là chính trị suông mà thôi, nó có bao hàm mối liên hệ từ trong bản chất. Ông Paul Mus đưa ra nhận xét sâu sắc sau: Trong khi khôi phục lại Việt Nam, các đảng phái quốc gia không những thoát ra khỏi nền tư tưởng của chúng ta, nhưng còn xóa bỏ đi nữa. Ngược lại, người Cộng sản không những giữ lại mà còn nối tiếp và đưa đi xa hơn. Thực dân Pháp đã tách rời cá nhân ra khỏi thôn xã, đã bóc lột họ, trừ một lớp lợi dụng. Người Cộng sản Việt nam tuy có khởi đầu bằng việc phân phối lại tài nguyên cho các cá nhân, nhưng không phải để cho cá nhân được độc lập tự do, trái lại sự phản đối đó sẽ dẫn cá nhân đến hố vong thân, vì xã hội họ thiết lập chỉ là tổng cộng các cá nhân lại từ bên ngoài, chứ không có sự tham dự của một yếu tố siêu nhiên nào tự nội. Như thế là họ đang đẻ ra một xã hội kiểu Tây âu mà trước kia thực dân chỉ mới cưu mang trong tiềm lực. (Mus 248).

Ông Paul Mus đã ghi nhận sự bỡ ngỡ của nhiều người Pháp khi mới tới Việt Nam về điểm then chốt này là họ nhận thấy mình gần với Cộng sản Việt nam, và trong chiến tuyến vũ trụ họ thấy mình đứng cùng một phe thuộc chung một ngôn ngữ, tức là ý hệ nhị nguyên: chỉ khác có ngữ âm: người Cộng sản Việt nam dùng ngữ âm Mác-xít, người Pháp dùng ngữ âm Descartes. Xem qua thì đối chọi như có với không, nhưng tựu kỳ trung lại thuộc cùng một dòng máu, có họ thâm sâu (parenté profonde) nói theo ngôn ngữ huyền sử Viễn đông thì đó là họ Công Công. Vì không tìm ra Văn Tổ ở trung cung, nên húc đầu vào núi "bất chu" nghĩa là không tròn. Tròn là Trời (thiên viên) không tròn là không có trời. Không có trời để che thì đất cũng không thể chở. Muốn "đất chở" thực sự nghĩa là mảnh đất trở thành tư hữu của người dân phụng sự thực sự cho người dân tùy theo sự sử dụng của họ thì phải có nền đạo lý tâm linh mà tôi gọi là trời che. Nhưng trời đã miêu duệ Cộng Công làm nghiêng đổ. Vậy phải làm thể nào để con dân nước Việt lại có cái che? Phải bắt chước Bà Nữ Oa nấu đá ngũ hành để vá lại trời. Ngũ hành là hành ngũ tức là Thổ trung cung, nơi thờ tự Văn Tổ, cũng gọi là Văn Miếu. người quốc gia chân chính phải khởi công một lần nghiêm túc trở lại canh tân Văn Miếu. Muốn canh tân cần nhiều nhiên liệu mới. Vậy trước khi khởi công canh tân chúng ta đánh một vòng chân trời để tìm tân nhiên liệu.$pageOut$pageIn5. Chương V: Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng

a. Những đợt khai phóng

Qua mấy chương trên chúng ta đã nhận ra rằng lễ gia tiên bên Viễn đông mang theo ấn tích một cuộc biến cải nhân văn vĩ đại: đem nền móng văn hóa đặt vào nhân tính con người, vì đó mà lễ gia tiên không còn là một nghi lễ thuộc thời kỳ bái vật nữa, nhưng đã trở thành trung tâm cho một nền triết lý nhân sinh linh động, làm xi măng xây đắp các xã hội Viễn đông. Chúng ta cũng đã thấy các xã hội Tây âu vì thiếu một cuộc cãi biến đó mà đã đưa ra những ý hệ thiếu tình người như trong các chủ nghĩa cá nhân bên thế giới tự do hoặc chuyên chế kiểu Cộng sản. Nền giáo dục duy lý đó đã là căn nguyên gây nên những đau thương cho dân nước chúng ta như đã bàn ở chương ba và bốn. Ðiều đó giới trí thức Âu tây (thứ đại, nghĩa là mươi lăm người ý thức hơn hết) đã nhận ra, và đang gắng công tìm cách thải bỏ triết học cũ, để đi tìm một nền triết học mới có tính chất nhân đạo hơn. Vì thế mà chúng ta đánh một vòng chân trời văn hóa xuyên qua các nước có liên hệ với ta, để tìm hiểu xem họ đang đi tới đâu, và liệu triết lý gia tiên chúng ta có còn hợp với giai đoạn khai phóng mới này không?

Ðể có một ý niệm rõ rệt về những lãnh vực khai phóng, chúng ta nên chia ra ba đợt là:

1. Kinh tài,
2. Thể chế về chính trị và các tổ chức khác,
3. Văn hóa thuộc tinh thần.

Trước hết ở hạ tầng kinh tế và tài chính, kỹ nghệ hóa, thì có lẽ mọi người đều đồng ý ở đợt này: không ai là không mong muốn một cuộc kỹ nghệ hóa mau lẹ để nâng cao mức sống, chúng ta không cần thắc mắc, chỉ việc mua máy về trang bị các cơ xưởng, đồng thời sai người đi học, thuê kỹ sư ngoại quốc trong lúc chưa đào luyện chuyên viên kịp.
Khai phóng ở đợt này rất quan trọng, nhưng tương đối dễ dàng khi xét về phương diện hướng tiến. Cái khó thuộc về nhân sự và kinh tài chứ không về chiều hướng.

Lên đến trung tầng thuộc định chế, chính trị ngoại gaio, các qui chế v.v... thì phần lớn nên theo Tây, vì thực ra Tây ở đây còn là Tây trung cổ nhưng đã trở thành thể của quốc tế hợp cho đời sống cơ khí hóa hiện nay rồi. Ngoại trừ một vài thể chế đặc trưng như xã thôn thì cần khảo cứu nhiều nơi hơn. Ngày nay không còn thể giữ y nguyên xã thôn như trước, nhưng cần đặt mạnh mối giao liên với thị thành để đi theo nhịp quốc tế là nhịp đi lên mạnh của thị dân: Nước Pháp 63,9% là thị dân, nước Anh 75%, nước Ðức 80%. Rồi nước ta cũng phải vượt qua giai đoạn quãng 15% hiện tại... Ðó là đà bắt buộc do sự phát triển kỹ nghệ. May chăng chúng ta giữ được ít nhiều tinh thần xưa. Trong một số báo Mai (tháng 10-12-1966) có nói đến xã thôn Nhật Bản còn giữ được nhiều tinh thần cũ song song với đà đi lên của kỹ nghệ hóa là nhờ chính sách giải tỏa kỹ nghệ ra khắp nước, nên thợ thuyền không bị bứng ra khỏi gia đình ra khỏi xã thôn. Ðó cũng là một kinh nghiệm đáng lưu tâm. Tuy nhiên, nói chung thì ngày nay phần nhiều đồng ý về việc thâu nhận văn minh khi hiểu văn minh là cơ khí và thể chế.

Còn đợt thứ ba là Văn hóa thuần túy thì hầu chắc phải đi tới tổng hợp Ðông Tây. Ý kiến bảo cổ không còn thế lực nữa, khỏi cần bàn tới. Ðến như ý kiến cấp tiến duy tân cho rằng muốn tiến bộ cần phải thâu nhận văn hóa Tây âu như một toàn khối bất khả phân ly: nhận cả hay bỏ cả chứ không thể nói truyện hồn Ðông xác Tây được. Ý kiến này cũng không còn đứng vững vì một đàng chúng ta thấy sự phát triển kinh tế xuất hiện trong nhiều chế độ khác nhau: quân chủ Nhật bản, quân chủ lập hiến Anh, Cộng sản Nga... nghĩa là kỹ nghệ hóa không thiết yếu gắn liền với một chính thể duy nhất nên cũng không bó buộc theo một nền văn hóa duy nhất. Ðàng khác những người chủ trương duy tân đã chứng tỏ sự bất lực kiến tạo ra một nền chủ đạo Già mồm hô hoán theo Tây nhưng đâu là đạo lý của Tây âu để mà tuân theo? Bởi vì khi nói đến văn hóa thì Tây âu có rất nhiều giá trị tản mát với một ý hướng chung nhau: ai cũng nói phải thiết lập một tình huynh đệ phổ biến tinh thần kính ái, tôn trọng lẫn nhau, Ðông Tây bổ túc, tổng hợp khoa học với đạo đức... Nhưng đó mới chỉ là hướng rất ít giá trị trong triết lý vì đó chỉ là nguyện vọng ai cũng suýt soát mong mỏi và nói lên được. Nhưng làm cách nào để tới mục đích kia mới là vấn đề quan trọng và triết lý chân thực nằm trong làm cách nào, chứ rất ít trong ý hướng, nên không thể chỉ đặt quan trọng trong các giải pháp, trong các ý hệ được đưa ra. Và mọi người đều nhận định rằng các ý hệ đã thất bại hết.
Và sự thất bại đó hiện đang xảy ra trên nước Việt nam vẫn được gọi là "ngã ba gặp gỡ của nền văn hóa". Ngày nay sự gặp gỡ đó hiện hình lên như một thực thể có xương máu: máu thật của hàng trăm chiến sĩ ngã gục mỗi ngày, không phải để giành đất mà thôi, nhưng trước hết và trên hết là vì sự đụng độ của các ý hệ, các nền văn hóa. Cũng là một dịp cứ gọi là may đi để chúng ta chứng kiến một sự thật hiển nhiên rằng văn hóa không phải là truyện mây gó, nhưng là truyện có thực, và khi nó trở mình, nó đụng chạm thì máu chảy thịt rơi. Vậy tại sao giới trí thức trong nước không tìm lấy một đường lối thống nhất để tránh khỏi can qua? Thưa rằng cho tới nay chưa thể có đủ thời giờ và an tĩnh mà làm vì đó là truyện dài hơi, đòi trên cả hàng chục năm suy nghĩ lao lung. Nhưng nếu không kiến tạo được một chủ đạo thì khó thoát ra khỏi cảnh đau thương. Vì thế mà chúng ta phải cố gắng làm lấy, nhưng nhờ các dữ kiện của Tây âu. Trong ý hướng đó bây giờ chúng ta đi thăm các nước liên hệ với ta hơn hết để thâu thập nguyên liệu.

b. Vòng chân trời khai phóng hiện đại

Pháp:

Trước hết là Tây Âu với đại diện quen thuộc là nước Pháp. Triết ở đây là cảnh thập nhị sứ quán (xin xem lại một vài bài như Khủng hoảng, bài tự triết lý tới Ðạo học trong tập triết lý giáo dục, hoặc bài Ðịa khởi trong tập Nhân Bản). Tóm tắt bấy nhiêu bài chứng minh cảnh lục đục cá đối bằng đầu, không một tay nào đáng gọi là triết gia, mà toàn là triết học gia với rất nhiều khám phá nho nhỏ cùng một hai cái tài ngoại: viết văn hay, sản xuất tuồng kịch, tiểu thuyết có hạng... nghĩa là những phương tiện truyền bá nhưng nội dung để truyền bá là cái gì, vấn đề đó thiết yếu nhất thì lại bê bối hơn nên chẳng môn học nào chịu nghe theo triết lý cả. Mà không có triết lý để theo thì cuối cùng khoa nào cũng lạc lõng. Chỉ xin kể một thí dụ về khoa xã hội học, được coi như một khám phá lớn của thời đại thì theo ông Gurvitch, cuối cùng là "giúp tay cho tư bản hoặc các tổ chức quản trị bóc lột tiểu công chức, lao động, người dân tiêu thụ bằng những thể chế ngụy trang nhưng tàn ác biết mấy" (Vocation actuelle de la Sociologie PUF, t. II. p. 467). Ngoài công tác đó ra, thì khoa xã hội học vẫn bị khủng hoảng triền miên từ một trăm năm nay, nghĩa là từ ngày có xã hội học.
Ðó là trưng ra một khoa học được lưu ý nhiều để thấy hậu quả là chưa đưa tới kính ái con người mà còn nối tay cho giặc để bóc lột đại chúng. Chưa đủ Trung làm Thứ?

Mỹ:

Mỹ với Âu châu không khác nhau lắm, cùng nằm trong thế giới tự do. Khác chút đỉnh ở óc sùng thượng sự hữu hiệu như triết thuyết Pragmatisme chẳng hạn. Lấy một thí dụ đặc trưng là khoa tâm lý Ðiệu Bộ của Watson (Behaviorisme): Khoa này phát hiện do một phản động chống đối khoa tâm lý nội tâm bên Âu Châu mà Watson cho là chưa dứt khoát với triết học, nên còn nhận có lương tâm có linh hồn. Vì thế Watson đưa ra một nền tâm lý không cần có linh hồn hay lương tâm chi hết (Psychologie sans âme, sans conscience), chỉ cần y cứ trọn vẹn thái độ, trên cử động và điệu bộ (comportement) trên những phản đáp của giác quan, của yếu tố có thể đo lường, có thể kiểm chứng bằng trắc nghiệm, bằng thống kê...
Nhờ trắc nghiệm người ta có thể khám phá ra tài năng của mỗi người để hướng dẫn vào bộ môn chuyên biệt đúng chỗ. Ðấy là một sự thành công đáng kể. Và vì thế người ta thấy xuất hiện rất nhiều loại trắc nghiệm nó giúp cho việc tuyển thợ chuyên môn, phân chia các hạng binh lính. Tuy việc đó một người tinh mắt cũng nhìn ra được nhưng khi đặt thành những loại trắc nghiệm thì nó trở thành phương pháp cho rất nhiều người, tuy con mắt không tinh đời cũng nhận ra mà có phần khách quan hơn là khác. Và đó là cái lợi của trắc nghiệm cũng như của các loại tâm lý đặt nền trên điệu bộ.
Chúng ta cần ghi công cũng như cần mong chờ thấy thực hiện ở nước ta. Tuy nhiên những phương pháp đó không vượt lên cao lắm như khi phải tuyển lựa những cán bộ cao cấp, các triết học gia thí dụ, hoặc những môn đòi một loại khả năng tế vi mà không một thứ trắc nghiệm nào có thể dò la ra được. Trắc nghiệm thường không vượt quá được tầm mức gần mạch và cảm súc (activités sensorielles et motrices) như tài mau lẹ, chắc chắn, tài mắt tình, nhậy cảm, sức mạnh gân thịt, sức chịu đựng (lâu mệt) và sự bén nhạy của phản đáp tính (réflexe). Nhưng nếu vượt lên xa hơn để đo lường cả đến cái tế vi linh thiêng của con người thì không những dễ thất bại mà còn lâm vào những bệnh sinh trắc nghiệm (testomaine et quantophrénie) như ông Sorokin tố cáo, và sẽ đưa đến những thái độ bất tương dung trong giới tâm lý học như nhận xét của nhà tâm lý Charles Baudouin "incroyable intolérance chez" "les psychologues" (de l'Instinct à l'esprit 280). Ðó là trưng thử ra một hai khía cạnh nổi nhất bên Mỹ về tâm lý, để thấy rằng chưa "chí trung thì cũng thiếu chí hòa". Cho nên Hiệp chủng quốc có đủ phương tiện tối tân để lãnh đạo thế giới tự do về kinh tế và chính trị, nhưng chưa thành công kiến thiết được một nền đạo thuật để hướng dẫn văn hóa cho thế giới tự do.

Nga:

Nói đến Nga người ta nghĩ ngay đến nhà sinh lý học Pavlov được giải thưởng Nobel 1904 nhân một công trình nghiên cứu về tiêu hóa. Năm 1921 mới thật là danh vang khắp thế giới với thuyết lý về những "phản đáp có điều kiện", réflexes conditionnés trên các con vật.
Nếu ta đặt trước con chó một miếng thịt thì chó sẽ nhỏ dãi, đó là phản đáp vô điều kiện.
Bây giờ ta lại thêm một dấu kích động mới đi kèm miếng thịt thí dụ rung chuông (hoặc đốt đèn), thì lúc đó tiếng chuông sẽ gọi là dấu hiệu (signal). Ta cứ thử đi thử lại nhiều lần hễ có thịt thì lại có chuông rung cho tới một số lần nào đó 30, 40, 50, tùy con, thì khỏi cần thịt, chỉ rung chuông chó cũng chảy dãi: sự chảy dãi này gọi là phản đáp có điều kiện.
Ðó là khám phá của Pavlov. Thật ra không có chi mới lắm vì người ra đã dùng lâu rồi trong việc áp tập (dressage) các giống vật. Nhưng cái công của Pavlov là hệ thống hóa. Nhờ sự hệ thống hóa đó mà người ta có thể đẩy thí nghiệm xa hơn. Thí dụ khi nhận ra phản đáp điều kiện không những có thể gây ra được thú vị, biểu lộ bằng chảy nước dãi, mà cũng có công hiệu là kìm giữ lại, nén xuống sự đau đớn. Thí dụ cho luồng điện chạy qua chó thì đáng lẽ ra nó đau, kêu rống lên, nhưng liền sau cú đánh thì đặt ngay trước mắt nó một miếng thịt rất ngon với tiếng chuông. Khi nào phản đáp điều kiện đã sở đắc, thì lúc đó đánh chó, mà chó vẫn sung sướng vì có thịt có chuông. Ðến một lúc nào khi sự luyện tập đã thuần thục thì khỏi cần thịt mà chỉ cần chuông. Ðánh xong là rung chuông và chó sẽ sung sướng ngay: nước dãi lại chảy ra, mặc dầu vừa bị đánh rất đau. ta gọi đó là "phần đáp kìm" (reflexe d'inhibition): phản đáp kìm khó luyện lắm vừa lâu vừa ít thành công, vì có con khi vừa thấy nhà thí nghiệm đến, đã nôn mửa, có con lại còn sủa, hoặc dữ hơn nữa sáp lại cắn. Tuy nhiên với những con hiền thì cũng có thành công tuy số bị bệnh kinh giật khá nhiều.
Ðó là lược thuật lại rất đơn giản thuyết "phản đáp theo điều kiện" mà người ta đang áp dụng vào những việc đẻ không đau, cai thuốc phiện hay rượu v.v... Và nhất là người ta áp dụng vào chính trị: đem những danh từ rất đẹp vẫn đi kèm theo một thú vị nào đó thí dụ chữ "được" thường đi với được một cái gì như thi được, được lên chức, được thưởng v.v... Như thế chữ "được" trở thành dấu hiệu của cái gì thú vị. Nay nếu bắt làm một việc gì khó chịu như đóng thuế, đi dân công... thì đó là những cú đau nên người ta dùng phản đáp kìm đau bằng gọi là được: được đi dân công, được đóng thuế v.v... Người ta cũng có thể tạo cho chữ được một nội dung thiết thực, thí dụ trước khi tố khổ một phu nông thì tuyên bố là hắn không "được" đóng thuế, nên bị khai trừ...
Hoặc khi hành quyết một người nào xong thì "sắc lệnh" ân xá mới tới. Khi tuyên đọc bản ân xá, nhà chính trị nhằm gây phản đáp kìm đau đối với những người thân còn sống của nạn nhân.
Sau khi bắt làm những công việc cực nhọc, hy sinh quá cỡ, thi đua sản xuất cùng cực, thì chính quyền gây "phản đáp kìm đau" bằng nói về tương lai huy hoàng, trong đó mọi người sẽ được sống hạnh phúc đầy đủ...
Tuy nhiên nói chung ra thì công hiệu cũng rất hãn hữu, không phải vì khám phá của Pavlov vô giá trị, nhưng chỉ vì người không phải là chó, thế thôi...

Do đó bên các nươc Cộng sãn số người bị bệnh não thần kinh (névrosé) gia tăng rất nhiều, kể cả các cấp trên, vì bầu khí đầy mánh lới, lo sợ bị khai trừ, bị hất cẳng, nghi kỵ. Thành ra phản đáp không kìm nổi và mầm mống tan rã mỗi ngày chồng chất thêm lên nên công an phải giăng bủa vòng trong vòng ngoài, chìm nổi đủ cỡ. Và như thế ta vẫn thấy là thuyết "phản đáp điều kiện" không giúp vào sự giải phóng con người khi áp dụng vào chính trị. Sự chuyên chú quá đáng vào sự đào luyện phản đáp đã hy sinh những chức năng vi tế hơn của con người. Còn kém cả phản ứng (réaction) vì phản ứng bao hàm nhiều yếu tố tâm lý vượt xa phản đáp.

c. Những hình thái của khai phóng

Hiện nay có ba xu yếu trong thế giới là Cá nhân hóa (individuation) Ðoàn lũ hóa (massification) và Nhân cách hóa (Personifiaction).
Trong ba xu hướng đó ta thấy Tây âu chú trọng mạnh đến cá nhân hóa: đề cao nhân phẩm nhân cách và tự do con người. Trắc nghiệm cũng như sự hướng nghiệp được đẩy mạnh là cố giúp cho mỗi cá nhân phát huy những khả năng riêng biệt... Ðó là điều rất quí nhưng về phía công thể vì thiếu một chủ hướng mạnh nên tự do dễ đốc ra vô kỷ luật, như chúng ta đã được nếm mùi năm xưa thời chánh phủ Nguyễn Khánh. Những cường quốc đã được tổ chức lâu đời thì ít cảm thấy tai hại, chứ những tiểu nhược quốc như ta cũng đòi dân chủ kiểu đó, cũng đòi cá nhân dật lạc như các nước sang giầu thì đấy là con đường tốt nhất dẫn đến gông cùm của chuyên chế.

Vì lý do đó nên các nước Cộng sản đi hẳn sang lối đoàn lũ hóa. Nước Nga lúc trước có thử một năm trắc nghiệm nhưng sau cấm hẳn, vì bị coi là chỉ giúp cho sự nảy nở óc cá nhân, không lợi cho việc đoàn lũ hóa. Khi đã đoàn lũ hóa thì cá nhân sống như đàn cừu, kiểu thượng đồng của Mặc Ðịch, chỉ cần một người chăn là dẫn đi tăm tắp. Thế là đường lối khai phóng bị bưng bít cản ngăn, không cho vươn tới đợt nhân cách hóa. Vì nhân cách hóa đòi hai điều kiện: một là được tự do độc lập (liberté et autonomie), hai là tinh thần trách nhiệm được vun trồng vì nó giúp đẩy mạnh đến đợt trưởng thành (maturité de la personalité). Cộng sản vì đề cao cộng đồng nên lấp mất lối đi của hai đặc tính đó.

Thế giới tự do thì cho tự do phát triển không chỉ ra được hướng nào, nên tự do cá nhân sẽ dễ biến thành cá nhân chủ nghĩa, không đặt nổi nền tảng cho mối liên đới của nhân loại, những tương giao của con người.

Ðấy là chỗ bế tắc của cả hai đường hướng cá nhân hóa cũng như đoàn lũ hóa. Xin trưng lại đây ít lời của bác sĩ Jung trong quyển sách cuối cùng của ông nhan đề là "Hện tại và tương lai" (Présent et Avenir) gọi được là di chúc tinh thần của nhà tâm lý đại danh. Ðại để ông xin cả hai khối đừng theo lối đà điểu vùi đầu vào cát để tránh xem thực tế, nhưng hãy nhìn vào thực tế, vì cả hai đều đi lối đàn áp con người bằng khoa học thực nghiệm như thế giới tự do hoặc bằng những sự tin tưởng của đại chúng kiểu Cộng sản, nhưng cả hai đều không nhìn ra cái tế vi của con người. (tr. 80).

"Nếu bên này có cho tự do và bảo đảm vừa sức, nhưng tự do đó lại bị đe dọa vì một sự lạc hướng cách hỗn mang; còn phía bên kia thì tự do bị tiêu diệt và không còn nói tới nữa": la liberté spirituelle et morale est dans une partie du monde, garantie au tant que faire se peut; mais paralèllement elle y est menacée d'une désorientation chaotique, tandis que dans l'autre partie du monde, elle est détruite et il n'en est même plus question. (p.70). "Cả hai bên hoặc có tính cách vật chất hoặc có tính cách đoàn lũ nên đều thiếu cái biểu lộ con người viên mãn, mà cái đó mới nâng con người lên, đào tạo và làm cho nó rung động, cảm hứng, tóm lại là thiếu cái đặt con người cá thể ở trung tâm tất cả vạn vật như một sự đánh giá, một chân thực, một sự biện minh". (Présent et Avenir, p. 69). Les deux camps qui se partagent le monde ont en commun une finalité matérialiste et collectiviste et à tous deux il manque ce qui exprime l'homme en totalité ce qui le promeut, le construit, le fait vibrer, le rend sensible en bref ce qui met l'être individuel au centre de toute chose comme mesure, réalité et justification.

Tôi biên lại cả bản văn để độc giả suy gẫm cho rất chính về mẫu người Tây âu là mẫu người "hình học mặt phẳng" thiếu chiều sâu là tiềm thức mà mãi cho tới đầu thế kỷ này mới khám phá ra. Nhưng tiềm thức đó mới được khai triển nhiều về phía bệnh lý, vì sự khám phá là do công của phân tâm học là khoa bệnh lý. Triết học chỉ nói đến lơ mơ trong tác phẩm của Hartman, Carus, Schopenhauer. Tuy nay với Jung đã mở vào đến đợt tiềm thức cộng thông (inconscient collectif) nhưng vẫn chưa có được phương thức bình hành (normal) cho mọi người lành mạnh để đạt tầm kích sâu xa của con người toàn diện đặt ở trung tâm vạn vật l'homme en totalité... au centre de toute chose) mà ta quen gọi là tâm linh. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một quyển khác.

Như thế là chúng ta đã đánh một vòng chân trời tuy mau lẹ nhưng còn gõ vào những nơi dẫn đầu cả, trừ có triết đã nói nơi khác và sẽ còn nói nhiều nữa, nên ở đây ít bàn, còn thì xã hội, tâm lý, nhân tâm, đường lối tổ hợp v.v.. đều đã được nhìn cai quát và chúng ta nhận ra rằng xét về chi tiết thì chúng ta học được nhiều sàng khôn lắm lắm. Với vòng chân trời đó chúng ta đã gặt hái được biết bao điều ơn ích phong phú, thiết yếu, nhưng về toàn diện vẫn thiếu một mối nhất quán để xâu lại đặng làm nên một chủ đạo. Do lẽ đó chúng ta lại phải trở về với Văn Tổ, với lễ gia tiên để cứu xét nghiêm túc. Câu hỏi đầu tiên là đến giai đoạn mới này triết lý gia tiên có trở thành sự cản bước khai phóng chăng. Bởi lẽ gia tiên là tinh hoa của chữ Hiếu, mà Hiếu là một cái đà chắn bước tiến mà khoa tâm lý hiện đại kêu là paternalisme. Với chữ này chúng ta đụng chạm đến một vấn đề nhiêu khê nhất. Ngoài nghĩa thông thường là kiểu cách cha chú, coi rẻ người đời thì chữ đó có hai nghĩa nữa: một là quyền lực thái quá của mẹ cha như một sự cản ngăn cho việc triển nở con cái cả về mọi phương diện, ta gọi ngắn là phụ chuyên. Thứ đến phụ chuyên chỉ là biểu lộ nhỏ của một vấn đề to lớn hơn nhiều, đó là tìm cho quyền bính một nền móng mới. Chúng ta sẽ bàn về hai vấn đề này trong 2 tiết sau.
$pageOut
$pageIn
5. Chương V: Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng (tiếp theo)

d. Lễ gia tiên với vấn đề phụ chuyên

Một trong những đặc trưng của con người hiện đại là chối bỏ mọi quyền bính và tất cả những gì có dáng dấp tới quyền bính như óc cha chú. Người ta hay nói đến sư bỡ ngỡ của giới chủ nhân bị thợ thuyền ác cảm, chính vì những việc họ làm ơn cho giới thợ thuyền như liệu biện chỗ cư trú với các tiện nghi... Lẽ ra giới thợ thuyền phải nhận với sự biết ơn, thế mà tại sao lại ác cảm? Các nhà tâm lý xã hội học nhận ra sự săn sóc của chủ nhân không những bị coi như một phương thế cai trị bắt thợ thuyền phải lệ thuộc vào chủ nhân. Ngoài ra còn một lý do sâu xa hơn đó là sự săn sóc bao hàm ý coi thợ như không đủ óc trách nhiệm về đời sống của mình, để phải có người khác đứng ra chịu trách nhiệm thay cho... Ðó là lý do sâu xa gây ra lòng ác cảm kia. Sự săn sóc đó có lẽ trong quá khứ thì được hoan nghênh vì lúc đó có tâm thức con người chưa đạt giai đoạn khát mong độc lập. Nhưng nay nhân loại đang đi vào một khúc quanh lịch sử, để tiến tới giai đoạn trưởng thành, mở rộng ra nhiều người hơn, vì thế ác cảm với những lối đối xử coi người khác như vị thành nhân. Ở giai đoạn hiện đại mỗi người đều muốn được xử đối ngang hàng: vì thế mà có sự khủng hoảng về quyền bính xảy ra khắp nơi, kể cả trong các tôn giáo, trong các tu hội là nơi quyền bính tương đối được đặt vững nhất. Nó chứng tỏ một sự biến thiên rất quan trọng mà người ta có thể gọi là giai đoạn trưởng thành của nhân loại, giai đoạn mà cá nhân đã đều trải qua nay đến lượt toàn thể nhân loại đang sửa soạn trải qua.

Mỗi con người thoạt sinh ra như con đỏ cần sự săn sóc của mẹ cha. Mẹ cha lo liệu cho hết: con khỏi phải lo chi, vì cũng không thể lo được nên không phải chịu trách nhiệm gì hết. Nhưng đến một tuổi nào thì con cái dần dần phải nhận lấy trách nhiệm và từ đấy mới được xử như thành nhân. Cho nên một nền giáo dục gia đình mà trúng cách thì không những tránh cản ngăn, mà còn phải tài bồi cho óc tự lập của con cái được nảy nở dần dần, để đến tuổi thành nhân khi đứa trẻ đi ra đời không đến nỗi bị ngỡ ngàng lắm.

Ngược lại nếu có sự cản trở thì bấy giờ thường xảy ra óc ghét bỏ gia đình, coi gia đình như tù ngục nên muốn thoát ly như đứa con phung phá bỏ nhà cha để phiêu lưu vào cuộc đời gió bụi để đáp ứng cho lòng ham độc lập kia. Phong trào du đãng đang bùng nổ khăp nơi có thể giải nghĩa một phần do đó. Con người nếu được cha mẹ nuông chiều, không phải mang mảy may trách nhiệm, tha hồ kéo dài tâm trạng hài nhi (mentalité pouponnière) thì có thể hư, hoặc cùng lắm chỉ nên được những đứa con ngoan ngoãn, như mì, yếu ớt, mụ mẫm... dễ thất bại trong trường đời. Không bằng những người ngay từ nhỏ phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn mà sau nên những tay kinh doanh, thao lược là vì phải tự lực cánh sinh nên sớm có dịp bắt buộc phải thao luyện óc trách nhiệm, như Freud chẳng hạn vì nhà nghèo mà nhân đó óc trách nhiệm được vun tưới rất mạnh.
Ðó là bàn trong tỉ xích cá nhân gia đình cho dễ nhìn bao quát, còn chính vấn đề nó rộng hơn, mở ra tận khắp xã hội, đặt lại vấn đề quyền bính nói chung, chứ không riêng gì quyền bính cha mẹ mà thôi.

Sở dĩ trước đây vì sự tổ chức đời sống công cộng đòi mỗi cá nhân phải hy sinh một số quyền lợi thì quyền bính mới có đủ khả năng thiết lập đời sống tập thể vững mạnh là điều thiết yếu để bảo đảm yên vui hạnh phúc cho các thành phần. Ðó là điều tất nhiên, nên người xưa sẵn sàng hy sinh quyền lợi cho chính quyền. Sự hy sinh đó còn dễ dàng hơn khi tâm thức con người chưa tiến triển đủ để cân nhắc.

Ngày nay con người đã đạt khả năng đủ sức nhận ra sự phản bội của hầu hết quyền bính xưa: thay vì phục vụ thành phần xã hội thì lại dựa trên quyền bính để bóc lột, nhiều khi tước đoạt cả đến những quyền lợi bất khả nhượng của người dân mà không có gì bù đắp lại. Thế là dân chúng dần dần nghi kỵ rồi phản đối, rồi chán chường mất hết tin tưởng, cho nên những kiến tạo đặt nền trên quyền bính thay phiên nhau rạn nứt rồi sụp đổ. Giúp tay vào việc xô đổ quyền bính là khoa phân tâm. Khoa này khi đi sâu vào tâm khảm con người thì khám phá ra "quyền bính thái qúa" làm tổn thương đến "nhân cách toàn vẹn" của con người. Chính nó đã là một trong những duyên cớ gây nên bệnh thần kinh hệ (névrose) (Psychologie de l'Inconscient de Jung P. 79, 116,117...).

Ðó là đại lược vài ba lý do giải thích tại sao đang có các cuộc phá mọi quyền bính từ trong gia đình lan ra tới xã hội, khắp đó đây chúng ta đều thấy vấn đề khủng hoảng quyền bính cũng như sự tuyên dương óc tự do cho đến nền móng căn để (liberté radicale kiểu Sartre là một thí dụ). Họ đả phá gia đình, lệ tục, tôn giáo nhưng cho tới nay họ chưa tìm ra được giải pháp tích cực. Vì không phải bỏ gia đình đi là khai phóng, trái lại các nhà tâm lý nhận thấy rằng: đứa mồ côi không cha không mẹ cũng bị những bệnh thiếu sót sinh lý y như đứa trẻ bị một quyền bính quá đáng của người cha "l'Orphelin tel que le comprend la psychologie moderne souffre de carences vitales aussi graves que celui qui a eu un père excessif". Pourquoi des Professeurs, Gisdorf. Payot 1963, p. 164.

Vì thế tuy cần phải "giết cha" nói theo Freud (le meurtre du père), nhưng phải "giết" thế nào để rồi có thể trở nên "bạn" của cha, tức là làm thế nào để vun trồng óc trách nhiệm mà nền móng gia đình vẫn còn, làm thế nào để có thể tiếp tục yêu kính cha mẹ, mà con cái khi đến tuổi vẫn được tự lập, tự mình mang lấy trách nhiệm của mình, của vận mạng mình, nghĩa là để đến lượt mình có thể làm mẹ, làm cha, tức là dám lãnh trách nhiệm. Và đó là vấn đề. Ðấy là thử phác họa ra một hai khía cạnh của một vấn đề sôi bỏng đang đặt ra cho nhân loại, cho những người nắm quyền bính ở mọi cấp từ chính phủ đến gia đình, trong tôn giáo cũng như xã hội: thời đại lấy quyền bính làm nền tảng đang rung chuyển. tâm thức con người khởi đầu đòi phải để cá nhân chịu lấy trách nhiệm, phải giải phóng. Ðó là một điểm hợp thời. Vấn đề chỉ còn là việc làm sớm muộn mà thôi. Tuy nhiên cái khó khăn then chốt nằm trong chỗ phải giải phóng cách nào cho xã hội không tan rã, gia đình khỏi đổ vỡ. Thuyết Cộng sản khởi hứng tự nhận định tình trạng vong thân của con người, nên nhằm hướng giải phóng con người khỏi hết mọi ràng buộc, để được tự do như con cá tung tăng trong biển cả không bị hạn cục vào một giới mốc của gia đình của tục lệ, của xã hội, quốc gia, nên hứa hẹn một xã hội vô chính quyền, vô tổ quốc, vô tôn giáo... để sự giải phóng được trọn vẹn, để cho tự do được hoàn toàn. Tuy nhiên đó chỉ là dự phóng suông, trong thực tế chỉ là thay đổi quyền bính tệ hơn nữa thay vào những quyền bính nhân đạo bằng tình thương, quyền bính của chính quyền nhân đạo bằng quyền bính độc tôn. Quyền bính của mẹ cha lót bằng tình thương, quyền bính của chính quyền xưa còn chú trọng đến nhân phẩm tự do của con người. Chí như quyền bính của chế độ Cộng sản là quyền bính tuyệt đối, cá nhân còn đáng kể chi với nó nữa, cho nên kể là giật lùi, khi so với các loại quyền bính lay chuyển.

Ngược lại bên thế giới tự do thì cũng chỉ mới có phần phá đổ là đáng kể, còn như phần tích cực vẫn chưa đưa ra được một chủ đạo đủ giá trị để hướng dẫn thay thế vào quyền bính xưa. Vì thế chúng ta lại phải trở về với lễ gia tiên, và vấn đề đầu tiên là hỏi rằng lễ gia tiên có phải là một cái gì khóa đường tiến bộ của chúng ta chăng?

Về vấn đề này, nên phân biệt hai khía cạnh song song với hai đợt lễ gia tiên. Nếu lễ gia tiên có đợt bái vật và đợt Văn Tổ thì xã hội cũng xây trên phụ quyền đi với bái vật, và cũng có giải phóng khỏi phụ quyền đi với đợt Văn Tổ. Trong thực tế hai đợt lễ gia tiên ít phân biệt, thì trong nền móng xã hội cũng không phân ranh rõ ràng giữa phụ quyền hay vương quyền và sự tự chủ của mỗi con người. Nói chung ra thì yếu tố quyền bính đã lấn át trong xã hội cổ truyền khác phương cũng như trong các xã hội cổ truyền khác vậy... Tuy nhiên có một phần tuy rất nhỏ nhưng đáng kể vì đã được thiết lập thành nguyên lý trong triết học hay Ðạo học, lại được kiện chứng bằng thể chế như lễ gia quan để nhìn nhận nền độc lập của mỗi con người, thì đó là điểm đặc trưng của đợt Văn Tổ. Nếu như lúc trước ít được áp dụng là vì bấy giờ nhân loại nói chung còn đang trong giai đoạn lệ thuộc quyền bính. Ðến nay giai đoạn quyền bính đang chấm dứt, thì chính là lúc thuận lợi để chúng ta phát triển đợt Văn Tổ: nghĩa là tuyên dương sự tự chủ độc lập của con người. Cho nên xét ra trong nguyên lý không có chi ngăn trở, còn nếu trong xã hội chưa áp dụng hết thì đó thuộc phạm vi chính trị và xã hội mà thôi, chí như trong triết lý đã thiết lập xong, lại có thể chế để cụ thể hóa hướng dẫn như chúng ta nhận ra trong lễ gia quan là lễ tuyên dương óc độc lập và tự chủ của con người, không những trong xã hội mà cả trên tỉ xích vũ trụ: nghĩa là giúp cho con người đạt độ tự chủ tự lập cao nhất: không chịu cho một thế lực nào đàn áp: "uy vũ bất năng khuất", không để lòng bị sai sử bởi ngoại vật: "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di... thử chi vị đại trượng phu". (Xem bài gia quan trong Cửa Khổng).

Trong Xuân Thu tả truyển có kể tích người con kia đã không vâng mệnh lệnh cha di chúc phải chôn theo nữ tì yêu quí nhất. Thế mà đã không bị phạt lại được hồn thiêng của cha người nữ tì linh ứng bang trợ... Ðó là đề cao óc độc lập của con, cũng như đặt nổi giá trị nhân bản: một lối kín đáo của văn Xuân Thu. Chúng ta phải công nhận rằng lễ gia quan còn hạn hẹp trong giới thượng lưu, nhưng đó chỉ là tâm thức con người của các xã hội xưa, cũng như do những điều kiện kinh tế cổ thời bất kỳ ở đâu cũng rất eo hẹp. Ngày nay cơ khí tiến bộ, toàn dân có thể hưởng nhờ những điều thuận lợi tiện nghi cũng như học thức mở mang thì chính là cơ hội thuận tiện để mở rộng phạm vi lễ gia quan. Vì trong nguyên lý tuyệt không có điều chi cản trở: lễ gia tiên tuyên dương lòng tin ân hiếu thảo mẹ cha, lễ gia quan đề cao óc tự lập tự chủ của con cái để vun tưới cho đức "cung kỷ": tự trọng mình, làm cho mình trở thành độc lập, tự chủ, xứng đáng là đại trượng phu. Mà đại hơn hết là không dựa vào đâu, nhưng tìm thấy nơi mình đủ lý do tồn tại.

Lễ gia tiên chủ kính sự tế tự chính là để tỏ lòng tôn kính: "Tế tự kinh" L.N. XIX. 1. Kính là đức đầu tiên đối với tha nhân tỏ lòng tôn trọng nhân phẩm nơi tha nhân, tức là nền móng gây an bình trong xã hội. Vì ai ai bất cứ thấy được tôn kính cũng thấy thỏa mãn được nguyện vọng sâu thẳm nơi lòng. Nên kính là đầu mối hóa lạc an vui. Luận ngữ nói: "Tu kỷ dĩ kính. Tu kỷ dĩ an nhơn. Tu kỷ dĩ an bá tánh" Tu thân mình bằng lòng kính tôn người. Có như thế thì tu thân cũng là con đường an hòa với tha nhân với bá tánh. Do đó người quân tử phải "hành đốc kính": hết lòng mở mang đức kính trong mình. L.N. XV. 5, và trong Kinh Lễ hay nói "kính chi chí hĩ" Tức là khen lễ gia tiên là một trường dạy đức kính tôn đến thế là cùng cực. Xét về phương diện này thì lễ gia tiên quả không có chi phản tinh thần thời đại.
Vì ngày nay khi con người ý thức được nhân phẩm của mình, muốn được xử như người trưởng thành tức là được kính tôn thì lễ gia tiên đã dạy kính tôn rồi, nên đã không là cái đà ngăn cản tiến bước của nhân cách mà còn như đón trước nhu cầu của thời đại: nhu cầu được kính tôn. Chính nhờ đức kính tôn đó mà nền nhân bản Viễn đông vẫn sản xuất ra nhiều quân tử, tức là những người có nhân cách cao độ.
Người Việt nhận lễ gia tiên ngay từ ngày khai quốc mà lý tưởng con dân trong mọi giai đoạn vẫn là "trai hùng gái đảm", nghĩa là những người không sợ trách nhiệm, từ việc nhà đến việc nước, từ gái Trưng Triệu về sau đến Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thái Học không lúc nào nước Việt thiếu những bậc can trường dám sống dám chết. Người Pháp đã không nhìn ra chỗ đó (như ông Paul Mus nhận xét trang 192 và rải rác) cho rằng dân Việt Nam chỉ biết tuân theo quyền bính, nên đã đưa ra một hiến pháp nặng óc cha chú, và do đó là lý do thảm bại trong việc tái chiếm Việt Nam.

Tóm lại cả trong lý thuyết cũng như trong thực hành, lễ gia tiên cũng như chữ hiếu đã không bao giờ là trở lực lớn chắn bước của con người.

5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng (tiếp theo)

e. Lễ gia tiên trên đường tìm nền tảng mới

Nền tảng cũ là quyền bính đang sụp đổ, và không còn hợp thời đại ít ra ở những đợt tiến mạnh. Nhưng mọi tập thể, nhỏ như gia đình cho tới lớn như xã hội nhất định phải tìm ra nền tảng mới thay vào, vì thiếu nền móng không có gì đứng vững. Ðó là bài toán đố đang đặt ra cho các triết học gia hiện đại, và chúng ta phải nói ngay rằng triết học gia hiện đại, và chúng ta nói ngay rằng triết học chưa thành công trong việc tìm ra nền móng mới này như đã nói trên kia. Do đó chúng ta trở lại với Văn Tổ xem có còn rút tỉa được cho vấn đề căn bổn này chăng.

Ở chương II đã nói rằng với trình độ Tâm Thức được biểu lộ trong bài vị Văn Tổ triết lý Ðông phương đã né tránh được vấn đề ý hệ gắn liền với hai chủ trương Hữu với Vô. Nói như thế mới là bước đầu có tính cách tiêu cực. Thực ra nó còn bao hàm cái gì sâu hơn sự né tránh: nó đi đến một đợt có thể làm nền móng mới cho các tập thể thay vào quyền bính cũ. Và điểm tích cực đó chúng ta bàn đến ở đây vì đó là bình diện tâm lý mới được bàn qua ở chương II.

Sách Trung Dung nói (33o): "Tận tâm cúng vái mà không nói năng nên không có tranh luận", "tấu cách vô ngôn thì mỵ hữu tranh". Không tranh để làm chi? Thưa để cho tâm thức thấu nhập (Cách) với vật, như kiểu "huyền đồng", như không còn phân biệt nữa, thì lúc đó vượt ra khỏi vấn đề xem có hay không có đối vật, nói như W. James bàn về kinh nghiệm thuần túy, kinh nghiệm "xem tận mắt" (face-value) chỉ biết là như thế, biết "that" chưa cần hỏi hoặc khỏi cần hỏi nó là cái gì "what", vì đó là tự tâm mà phát xuất. Cho nên Kinh lễ trong chương "Lễ thống" là chương căn bổn của sách có nói: "Trong lúc tế thì không phải do vật ngoài mà đến, nhưng là do bên trong, do tâm tính phát xuất với lòng chí hiếu với lễ nghi mà dâng cúng. Nên nói chỉ có bậc Hiền nhân mới hiểu hết ý nghĩa lễ gia tiên". Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả, tự trung xuất, sinh ư tâm dã. Tâm truật nhi phụng chi dĩ lệ. Thị cố duy hiền giả năng tận tế chi nghĩa. (LiKí XXII) 7.


Là vì đối với Ðông phương triết lý cao hay thấp là tùy ở mức độ chuyên nhất, qui hướng vào một, càng chuyên nhất, càng qui hướng vào đến tận cùng cực, thì tầm bao quát càng tỏa ra rộng. Vào tới cái nhất vô nhị thì sức bao quát vô cùng và triết lý trở thành trung thực tối đại tối cao. Muốn đạt được độ nhất vô nhị như thế cần phải tinh lọc khỏi các ý nghĩ bác tạp: có "duy tinh" mới có chuyên nhất. Có chuyên nhất mới hiểu được ý nghĩa căn cơ của lễ gia tiên, mới có thể tế đúng, xứng đáng cho quỉ thần về hưởng. Mà hưởng chính là sự chuyên nhất cao độ. Nếu tế mà không được quỉ thần hưởng thì có tế cũng vô ích. Bởi quỉ thần hưởng không có nghĩa chi khác hơn là tâm hồn qui hướng vào một mối. Ðó lại là trở lại việc chú trọng vào động tác của người tế mà không chú tâm đối vật. Kinh Lễ nói: "chỉ có bậc thánh nhân mới biết tế xứng cho Thượng Ðế hưởng, con hiếu thảo mới tế được cho cha mẹ hưởng. Vì hưởng chẳng qua là qui hướng vào nội tâm, mà có qui hướng mới có hưởng, tức mới có hiệu nghiệm của việc tế, Duy thánh nhân vi năng hưởng Ðế. Hiếu tử vi năng hưởng thân Hưởng giả hướng giả. Hướng chi nhiên hậu năng hưởng yên" LiKi XXI, 6. 8.
Chữ hưởng có nghĩa như chịu lễ là ăn theo sau lễ tế manger au festin communiel qui suivit le sacrifice (Danses 128). Sau khi rót rượu xuống đất mời thần đất, xông hương lên mời thần trời thì cho người đại diện thần, chữ nho gọi là Thi hưởng trước, rồi đến các người tế mới hưởng sau nên gọi là thừa hưởng. Nghi lễ đó nói lên một cách cụ thể ý nghĩa chữ "hội thông trong kinh Dịch" không những thông công bằng tai, mắt, mà cả bằng khứu giác, vị giác nữa. Như thế tế không vì người chết cho bằng vì người sống và tế vì người sống khởi đầu ngay từ chỗ đó hay là cho đến chỗ đó: chỗ chính người sống ăn.
Vì sự qui hướng tâm hồn là cốt tuý tất cả cuộc tế, nên ta thấy sự sửa soạn cẩn thận đến như thế nào.
Trước hết là một tác động rất tâm lý căn cứ trên sức con người có hạn, làm nhiều thì sẽ trở thành quen nhàm (solita vilescunt) nên cái gì trọng thể phải mỗi năm một hai lần (solennel: solus annus: mỗi năm một lần). Vì thế một năm chỉ tế hai lần: tế Ðế mùa xuân, tế Thương mùa thu. Nhờ sự cách quãng như vậy nên việc sửa soạn dọn dẹp được hết sức chu đáo, có thể chia ba giai đoạn: giai đoạn sửa soạn xa bằng sự cấy lúa nuôi tầm dệt áo. Ðó là những việc thiêng liêng, nên ruộng hương hỏa của nhà vua thì chính vua phải săn sóc để có thóc gạo riêng cất rượu nấu cơm cúng. Cung phi hoàng hậu phải trông coi việc cấy dâu nuôi tằm để có vải may mặc ngày tế... Như thế là cả năm có để tâm hồn qui hướng tới.

Hai giai đoạn sau là trai giới. Trong thuật ngữ trai giới thì giới có nghĩa là tẩy rửa cho tâm hồn không vương cái gì bác tạp, còn trai là cốt để tập trung tâm trí lại như Kinh lễ viết: "Trai là có ý nói về sự qui nhất. Qui tụ những cái không qui tụ là cốt để đi đến cực kỳ chuyên nhất: "Trai chi vi ngôn trai dã. Trai bất trai dĩ chí trai giả dã" Kinh lễ XXII, 6. 9, cho nên trai không là chi khác hơn là một phương thức tập trung tư tưởng nghị lực, tình cảm đặng "cách cảm" thẩm thấu với thần minh, với tâm linh.
Ðể cho việc trai giới đạt mục tiêu như trên, thì chia trai ra hai giai đoạn là tân trai và chí trai. Mười ngày trước khi tế thì bắt đầu tán trai gồm bảy ngày. Trong thời tán trai còn được đi lại bên ngoài (tán trai ư ngoại) sau 7 ngày tán trai thì tiếp đến 3 ngày chí trai: ở cấm cung trong phòng (chí trai ư nội) Lễ Kí XXI, 2. 10. Có khi thay cả các món ăn để thêm phần hiệu nghiệm. Trai tất biến thực L.N. X, 7. 11. Ðến ngày thứ 3 sẽ hiểu chí trai là gì: sách nói "như tương kiến chi" Lễ Kí XXI, 1. 12, như sắp thấy được người đã qua. Ðó cũng là để ghi chép thế thôi, vì chữ "như" chỉ là cái kinh nghiệm thuần túy tư riêng. Cũng là như cả mà có thể đi đôi với hữu thần hay vô thần. Nhưng nên nhớ đây đang ở trong phạm vi tâm lý thì hữu hay vô không thiết yếu liên quan đến đối vật ngoại tại, nhưng hiểu là sự linh cảm là mức độ sâu nông của sự thể nghiệm: cảm sâu là hữu thần, cảm nông hay không cảm là vô thần.
Cảm là cái gì âm u có đấy mà không hiện lên hình, tuy vẫn đầy hiệu năng thúc đầy ứng tác. Hữu hay vô như vậy không liên hệ tới vấn đề siêu hình có với không, nhưng là vấn đề có lòng thành hay không. Tiên nho quen nói: "hữu thành tắc hữu kỳ thần, vô thành tắc vô kỳ thần". Chữ "kỳ" nói lên cái tư riêng gắn liền với kinh nghiệm. Vì không có kinh nghiệm trừu tượng: chỉ có kinh nghiệm của ai, cụ thể trong một người nào.
Như thế lễ gia tiên tiếng là phụng sự người chết mà hóa ra phụng sự người sống, giúp cho người sống "lập thân hành đạo" lưu truyền đạo trời mãi mãi bằng cách trở lại cội nguồn như ông Paul Mus bình luận: tourner vers le passé non comme tradition inerte, mais comme vers la source toujours actuelle et sans date des règles et des pensées mêmes... aux sources de tout bien comme de toue la réalité. Mus 132. Quay về dĩ vãng không như một tập truyền bất động như như là nguồn suối luôn luôn hiện đại của mọi luật tắc và cả đến mọi tư tưởng nữa... nguồn của mọi sự thiện cũng như của mọi thực tại.

Nhận xét như thế về lễ gia tiên ở Việt Nam là nhận xét ra được tinh thần đã dự trù trong kinh điển. Kinh lễ nói: Thiên hạ Chi lễ dã chi phân thủy dã. Chi phản thủy dã dĩ hậu kỳ bổn dã. Lễ kí XXIb, 20. 13.

Cái lễ của thiên hạ đi đến cùng cực là trở lại với thủy tổ cội gốc. Trở lại thủy tổ đến cùng cực là cốt làm cho đôn hậu cái bản gốc của mình (không để cho mình bị vong bổn), cũng là chính cái bổn gốc mà hiện thời nhân loại chưa thành công tìm ra để thay thế cho quyền bính đang sụp đổ.
Xã hội cũng như văn hóa mai ngày sẽ xây trên nền tảng mới là chính con người Ðại ngã tâm linh. Ðó mới là lý do tại sao Khổng tử nói "ai thấu hiểu được lễ Giao (tế trời) lễ Xã (tế đất) và ý nghĩa việc tế Ðế tế Thường (xuân tế Ðế thu tế Thường) thì trị nước dễ như xem trong bàn tay": Minh hồ giao xã chi lễ. Ðế Thường chi nghĩa. Trị quốc kì như thị chư chưởng hồ. T.D. 19. 14, trị nước dễ như xem vào bàn tay là vì những lễ đó vừa đúc kết tinh hoa đạo trời, đạo đất, đạo người, vừa giúp cho con người đạt đến cái suối nguồn của trí sáng suốt, của tình nhân hậu, của chí dũng mãnh. Ðó là đạt đến chỗ căn bổn của nơi giáo hội đất trời người: "thiên địa nhân giao hỗ kỳ căn" 15, và như thế là tóm thâu đầu mối, tóm thâu nền tảng cho mọi quyền bính mọi lối cai trị vậy, vì đã đạt được Nội ngã tâm linh mãi trong nơi chí cực của tâm hồn.
Có khai sâu tới đó mới làm cho nguồn sinh lực tràn lên đem giải quyết đến cho các vấn đề hiện đang bế tắc của nhân loại. Ðó cũng chính là những lời phán quyết cuối cùng mà tâm lý các miền sâu vừa tìm ra. Jung viết trong quyển Psychologie de l'Inconscient rằng: "Những vấn đề lớn lao của nhân loại chẳng bao giờ được giải quyết bằng những đạo luật ban bố ra; ngược lại chỉ được giải quyết bằng sự canh tân những lập trường nội tại của mỗi cá nhân" (trg 20). Và một trong những phương thế hiệu nghiệm để khơi nguồn canh tân thân tâm của tiềm thức đó cũng chính là nghi lễ vậy. "Le rituel est un moyen sur de traiter avec les forces imprévisibles de l'inconscient". Psychologie et Religion Jung, P. 95, 96.

Thế là lễ gia tiên bắt gặp tâm lý các miền sâu và có thể chung sức tìm ra giải pháp cho vấn đề căn bổn đang đặt ra cách khẩn thiết. Tâm lý có những nhận xét tỉ mỉ căn cứ trên các hiện tượng bệnh lý được quan sát cách khoa học. Lễ gia tiên có một phương thức tập trung tư tưởng rất tinh thuần với một số châm ngôn triết lý thâm sâu. Ðó là những cái bắt tay đầy hứa hẹn cho cuộc tổng hợp Ðông Tây vậy.$pageOut$pageIn6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

a. Những ngộ nhận

Văn Miếu là gì? Thưa là Chùa Quạ (Pagode des Corbeaux). Ðó là tên người Pháp thường gọi Văn Miếu với một giọng ít hoặc nhiều khinh miệt, và tất nhiên sự khinh miệt đó lây sang giới trí thức của ta. Giới này tuy chưa khinh thị quá như Tây nhưng hầu hết cũng tỏ ra một sự rẻ rúng hững hờ như một dĩ vãng đã lỗi thời, vì Văn Miếu là đất thánh của Nho giáo, là nơi thờ Khổng Tử với một số nhà nho khoa bảng, thế mà Khổng Tử là người Tàu, chữ Nho của Trung Hoa, toàn những cái gì ngoại lai, hơn thế nữa đã lỗi thời...

Suýt soát đó là những cảm nghĩ lơ mơ của phần đông trí thức nước ta đối với Văn Miếu, nó nói lên sự đoạn tuyệt với dĩ vãng để đi vào con đường hoàn toàn duy tân, nghĩa là hoàn toàn theo Tây. Việc theo Tây hay Nga Mỹ thì ngày nay thật không còn quan trọng. Cho nên chẳng mấy ai lưu tâm lắm đến vấn đề ngoại lai, có chăng là một số trí thức tự ti luôn luôn nhắc nhở kẻo người Việt cứ đi vay mượn của Tàu, làm mất sự tinh tuyền của dân tộc tính. Nhưng dân tộc tính là cái chi thì chưa thấy ai đưa ra tiêu chuẩn để xác định. Cho nên những câu nói chống vay mượn của Tàu hình như chỉ là để át đi việc vay mượn của Tây.
Nhưng đã nói vay của Tàu hay của Tây đối với chúng tôi hết quan trọng. Ðiều đáng lưu tâm là các yếu tố vay mượn kia có giúp vào việc giải phóng những con người đang sống trên mảnh đất chữ S này chăng? Sở dĩ phải nhắc tới vì tại sao được vay của Tây mà lại không được vay của Tàu? Tại sao lại có sự bất công có lẽ là vô tình đó? Sự vô tình bất công này bao hàm một bối cảnh rất phiền tạp, mà ở đây chúng ta hãy nói trước hết đến khía cạnh chính trị.
Sự đề phòng nghi kị văn hóa Tàu phát xuất một phần lớn do lòng yêu quê nước, do bản năng tự vệ. Vì dọc dài qua mấy mươi thế kỷ người Tàu luôn luôn có dã tâm thôn tính nước ta, cho đến những thuyết mới nhất như Tam Dân của Tôn Văn cũng để lộ óc xâm lược, cũng như dư luận chung của người Tàu vẫn coi Việt Nam là đất của họ, cần được khôi phục lại. Rồi họ dùng đủ các phương thức từ giáo dục đề cao dân tộc Hán "Hán tộc ưu việt" bằng chính trị, địa lý: bằng cách khôi phục chữ Nho... Do cái dã tâm xâm lược đó, những nhà chính trị của chúng ta phát động phong trào mạt sát chữ nho, khinh miệt nho sĩ và Khổng Tử, đề cao cảnh giác đồng bào... Ai còn muốn tin vào Khổng Mạnh thì hãy dở lại pho sử muôn năm của nước ta với tất cả thảm thương sỉ nhục bị đè nén, bị xâm lược hiếp bóc, lại xin tham khảo cả các dân tộc Man Di bốn phía Tàu.

Ðó là đại để vài ba lý do được truyền tụng để cản trở Nho giáo phục hưng. Ðọc lên ta rất cảm phục lòng ái quốc của các vị chủ trương và tuy không chấp nhận lý lẽ của các ngài nhưng chúng ta cũng hiểu cho các ngài vì sao nói như thế. Ðó là vì nước ta bị mất chủ quyền quá nhiều lần, nên bất cứ ai có lòng thương nước thương nòi cũng xốn xang lòng ruột, rồi như chim bị thương sợ hết mọi cành cong. Chưa kể đến truyện các vị còn phải bôn ba cùng khắp các nước để vận động, còn đâu thì giờ dành cho việc nghiên cứu để phân biệt ra đâu là Hán Nho, đâu là Việt Nho. Vì những lý do đó ta vẫn cảm phục các vị.

Còn chúng ta ở trong lớp triết chuyên biệt, tâm trí được rảnh rang, thì giờ dành trọn cho triết, nên cần chúng ta đưa những câu nói kia ra để phân tích.

Ðiều cần phân biệt trước nhất là các vị lấy chính trị mà xét triết thì không trúng được.
Triết cao hơn bình diện chính trị. Khổng Mạnh bàn về triết lý, chúng ta lấy tự thân chủ trương đó mà xét, nếu đúng thì theo không đúng thì bỏ. Và chúng ta thấy các ông toàn bàn về đạo làm người cách phổ biến, không có thiên tư nước nào. Ai cũng còn nhớ câu chuyện vua nước Sở mất cung: nói rằng người nước Sở mất cung thì người nước Sở lại được cung, mất đi đâu mà phải tìm. Khổng Tử nghe được chuyện tỏ ý tiếc cho vua nước Sở tuy đã công mà chưa thái công vì còn thêm chử Sở vào. Giá nói người mất cung thì người được cung có hơn không.
Câu truyện giả thiết đó đặt nổi tính chất phổ biến của Nho giáo.

Còn truyện Hán tộc hay các triều đại sau lợi dụng Nho giáo làm công cụ xâm lăng thì là truyện chính trị. Và đó là truyện thường tình. Trong hoàn cầu này chưa thấy có một chủ thuyết nào, một tôn giáo nào mạnh mà không bị lợi dụng: từ Kitô giáo cho đến Phật giáo Thống nhất, v.v... Cho nên sự lợi dụng chưa phải là lý do bác bỏ một đạo lý. Ðiều cần xét là sự lợi dụng đó có nguy ngập cho nước ta chăng? Nói khác có phải hễ ai học Nho là trở thành Việt gian bán nước cho Tàu chăng? Tôi chưa có giờ khảo cứu lại kỹ lịch sử nước nhà về phương diện này, nhưng nhớ chung chung thì không thấy có điều đó, mà chỉ thấy Nho sĩ tham gia tích cực đánh đuổi quân Tàu: như Trần hưng Ðạo, Lê Lai, Lý thường Kiệt là phần trội: Mà có trội như thế thì nước Việt mới tồn tại ngày nay.
Cho nên nếu quả thực người Tàu tính phục hưng chữ Nho để mong dùng làm một trong những lợi khí xâm lăng thì họ đã tính lầm rồi. Vì càng học chữ Nho lại càng yêu nước. Và nếu không có chữ Nho thì có lẽ mảnh đất chữ S này đã bị người Tàu thôn tính từ lâu rồi.

Yêu nước thì ai cũng yêu, nhưng còn phải cần một tinh thần nhất trí mới bảo vệ được nước, cái đó tiền nhân ta đã nhờ Ðạo Nho mà có ở một cường độ cao hơn ta. Chúng ta ngày nay bỏ Nho, rồi mỗi người tâm trí một ngả. Cộng sản đánh đến cửa ngõ mà cũng chỉ biết trông vào quân đội. Còn văn hóa thì ngoài mấy câu hô hào cổ võ văn nghệ, thật là trống rổng khi so với những ý chí "quyết chiến luôn cứu nước nhà" của các bô lão Diên Hồng. Bô lão xưa còn hăng say gấp mấy trai tráng hiện đại. Có cái chí khác nhau vậy nếu không phải Nho giáo bơm hăng say cho các cụ, thì ít ra ta cũng không thể đổ cho các cụ vì học Nho mà rước quân Tàu vào nước.

Ngược lại chúng ta nên đề phòng cái di độc của thực dân tìm hết cách bôi nhọ Nho giáo, để tẩy rửa trong lòng ta cho trống rỗng đặng gieo hạt giống văn hóa của họ vào. Mà văn hóa của họ mới dễ gây nên mất gốc. Tôi có cảm tưởng là trí thức theo Tây đông hơn nho sĩ theo Tàu rất nhiều. Vậy thì cản ngăn việc phục hồi dân tộc tính.

Bởi vậy chúng ta nên phân biệt rành mạch chính trị và văn hóa. Về chính trị thì người Tàu không bao giờ bỏ óc xâm lăng ta. Mà chẳng cứ gì người Tàu, xưa nay trong cõi đất xuyên qua 5 ngàn năm lịch sử có nước nào là không xâm lăng hoặc bị xâm lăng tùy lúc mạnh lúc yếu.
Nước ta cũng không ra ngoài công lệ đó: bị Tàu bị Nam Chiếu xâm lăng, rồi khi ta mạnh lên thì xâm lăng trở lại nuốt trôi Chiêm Thành, Chân Lạp! Ðó là luật sinh tồn: mạnh được yếu thua. Ðấy là tình trạng đáng buồn của con người mà văn hóa, cách riêng triết lý phải gắng công để làm tiêu trừ đi.
Nhiều người hoài nghi khả năng văn hóa. Cái đó còn tùy quan niệm về văn hóa của người đó có thật chất nhân bản cùng không. Về điểm này chúng ta thấy Nho giáo còn hiệu lực hơn nhiều thuyết khác. Chẳng hạn cũng là xâm lăng, cũng là đô hộ, và nền đô hộ của Tàu hay Tây cũng là tàn bạo. Nhưng xem gần vào sẽ thấy tàn bạo khác nhau: người Tàu bắt dân bị trị lên rừng tìm châu báu, xuống bể để mò trai... nhưng không có sự đi săn người để lấy sọ dừa bán tại Nữu Ước làm vật hộ mạng.

Năm 1876 người dân Tasmanie cuối cùng đã chết, họ bị săn như giống thú, Có khi thực dân gửi đến thổ dân rượu pha thuốc độc, hoặc bánh ngọt có thạch tín, hoặc sai kẻ mắc bệnh đậu mùa, bệnh hoa liễu đi hiếp đáp để truyền nhiễm ra thổ dân v.v... và bằng đủ mọi lối tàn tệ hơn nhiều để tiêu diệt từng dân từng nước.
Nếu có bao giờ ta để tâm nghiên cứu so đo hai lối xâm lăng của các xứ chịu ảnh hưởng Nho giáo với các lối xâm lăng khác chúng ta hẳn biết được nhiều cái lạ. Vậy thì ta nên phân biệt hai loại văn hóa Ðông Tây có khác nhau. Riêng về Viễn Ðông lại nên phân ra hai bình diện văn hóa và chính trị thì người Việt đánh đuổi người Tàu như quân xâm lăng, nhưng về mặt văn hóa thì ta với Tàu chung một gốc. Nên đánh đuổi quân Tàu mà cứ học nho, cứ trùng tu Văn Miếu. Lối cư xử đó cao thượng như của những đại văn hào, mà Goethe là một. Mặc dầu về phương diện chính trị thì ông ghét nước Pháp là nước được ông coi như một trong những dân có văn hóa cao nhất, và ông nhận là mình mắc nợ với văn hóa Pháp nhiều trong việc un đúc tâm hồn.
Ông viết: nói chung ra thì việc nước này thù ghét nước kia chỉ là truyện riêng tư bé nhỏ, nên chỉ gặp thấy nó mãnh liệt và hung hăng ở những người có cấp bậc văn hóa thấp nhất, nhưng khi lên tới một độ nào đó thì nó biến đi hẳn, lúc ấy người ta như ở bên trên các quốc gia và người ta cảm thấy những mối tình sung sướng hoặc bất hạnh của lân quốc như là xảy đến cho chính dân tộc mình vậy. [D'une facon générale, la haine nationale est une chose bien particulière. C'est aux degrés les plus bas de la culture que vous la trouverez toujours la plus forte et la plus violente, mais à un certain degré, elle disparait totalement. On se trouve pour ainsi dire au dessus des nations et l'on ressent un bonheur ou un malheur du peuple voisin comme s'il était arrivé à son propre peuple".] Goethe par lui même. p. 14.

Ðó chính là tình yêu chân thực: nếu ở cá nhân thì cá nhân này phải yêu cá nhân kia như mình, lên đến quốc gia cũng thế. Nếu ở bình diện chính trị không thể để nước khác xâm chiếm nước mình là vì không gian có hạn định, họ chiếm thì mình mất, chí như trên bình diện văn hóa là cái gì linh thiêng thì việc nhiều người chung hưởng một nguồn đã không giảm mà còn như ngọn lửa nhỏ nhiều nến chụm lại thì bốc lên cao, nên càng nhiều ánh sáng càng cao thêm, to thêm và càng soi tỏ.
Bởi lẽ đó ta thấy rằng chỉ có những tư tưởng biết vượt lên trên nhũng yếu tố tiểu dị, những biến cố nhất thời mới sâu xa cao cả, chỉ có những nền văn hóa đâm rễ sâu vào nền móng đại gia đình của mình mới có nhiều cơ hội may mắn bắt gặp con người muôn thuở để trở nên phổ biến cũng như mới hiểu tại sao cha ông coi Văn Miếu như cái gì linh thiêng cao quí của đất nước. Vì những lý do trên chúng ta cần lưu tâm nghiên cứu.

Ðể sự khảo cứu được thấu đáo chúng ta thử đề ra một phương thức để "qui định dân tộc tính".

b. Dân tộc tính là gì?

Hình như cho tới nay chưa ai đưa ra phương thức nào để xác định dân tộc tính, nên tuy có đề cập mà vẫn lộn xộn.
Phương thức có nhiều loại thuộc tâm lý, văn học... ở đây vì đang nhằm áp dụng nguyên tắc chữ Thời, nên chúng tôi dùng phương thức không thời gian. Trước hết chúng ta bàn về không gian hay là bối cảnh văn hóa để xác định xem thế nào là dân tộc tính?

Khổng Tử nói: "Tính tương cận, tập tương viễn". Con người ta xét về tính thì như nhau, khác nhau là do tập tục. Vậy dân tộc tính không nằm trong tính bản nhiên con người. Về điểm đó, Tây, Tàu, Ấn Ðộ đâu cũng là người, cho nên không nên tìm dân tộc tính phía đó. Vì khi nói đến dân tộc tính là nói đến những nét dị biệt đặc trưng, nói đến những cái gì đặc thù gây nên do những điều kiện hạn hẹp của cả không gian lẫn thời gian, nghĩa là do khí hậu, thủy thổ từng khu vực cũng như do những kinh nghiệm khác nhau được tích lũy qua dòng thời gian của lịch sử. Nói cụ thể đó là những phong tục, tập quán, đường lối giáo dục, nội dung sách vở... là những cái nuôi dưỡng tính tình cũng là những yếu tố gây nên các dấu hiệu đặc trưng.

Khi chúng ta giả tưởng như đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống toàn khối nhân loại thì đâu đâu cũng là người. Ðó là tính tương cận. Bước hai: tập tương viễn: là nương theo các tập tục dị biệt để phân ra từng nhóm lớn thì ta thấy có nhóm Tây âu, Ấn độ, Viễn đông, nhóm Hồi Hồi, nhóm Sémite Cận đông... Ðó là những khối lớn, hay là những đại gia đình văn hóa như những cành lớn phát xuất từ một gốc cây là nhân loại. Sau đó mỗi cành lại chia ra nhiều nhánh như Âu châu chia những nhánh La tinh, nhánh Slave, nhánh Anglo-saxon, Ý, Pháp, Iphanho, Bồ đào nha... cành Viễn đông cũng thế chia ra nhiều nhánh nhỏ như Tàu, Nhật, Hàn, Mãn, Mông, Việt...

Ta thử phác họa ra một bản đồ như sau để tạm dùng làm cách xác định dân tộc tính:

Cây dân tộc tính này được rút gọn vào ba nền văn minh: Ấn độ nét dọc chỉ thiên trọng tâm linh, Âu châu nét ngang chỉ thiên trong khoa học thực nghiệm. Viễn đông ở giữa có ngang dọc nhằm tổng hợp có Ấn lẫn Âu.

Trên đây là bản đồ rút gọn để vẽ lấy một ngành của Viễn đông cũng như sau này trong lúc đối chiếu ta cũng chỉ kể tới có Âu tây và Ấn độ. Thứ đến là chỉ lấy có ba chặng chính là A chỉ nhân loại. Cành B là đại gia đình văn hóa hay gọi tắt là khối, rồi đến nhánh C là quốc gia. Vì đây đang ở đợt đại cương chỉ nhằm phác họa mấy nét lớn làm lược đồ, nhường lại cho nhà chuyên môn việc đi vào chi tiết (1).

Bây giờ ta hỏi dân tộc tính khởi từ đâu: A, B hay C?

Sẽ tùy khởi điểm mà có nhiều loại ý kiến. Ðại để thì có ba loại ý kiến. Hai ý kiến cực đoan đối chọi là quốc tế Cộng sản và quốc gia thị tộc. Người Cộng sản chủ trương đại đồng quốc tế nên đốt các giai đoạn gia đình, quốc gia để chú trọng vào có đoạn A tức bản tính đồng nhiên con người. Ý kiến Cộng sản không thể chấp nhận được vì hai chữ nhân loại chỉ là phạm trù trừu tượng, tuy cần thiết trong ngôn ngữ, nhưng trong thực tại không có nội dung tức là không có tính đồng nhiên con người tuyệt đối: hễ đã có người là có trong không gian và thời gian với các điều kiện hạn chế do đó. Cho nên trong thực tế chỉ có người Nga, người Pháp, người Việt chứ không có người... Do đó khi muốn đạt tới người thì bó buộc phải lấy dân tộc làm xuất phát điểm. Ði ngược lại là làm mất nội dung và chỉ còn là truyện duy tâm theo nghĩa tưởng tượng mông lung.

Vì thế cần phải có quốc gia. Phía quốc gia đối kháng cực đoan chống lại với Ðại đồng Cộng sản là quốc gia thị tộc. Người quốc gia thị tộc thì chuyển trọng vào đoạn C tức là nhánh ngang với tâm trạng có mầu bộ lạc dễ đi đến quốc gia bài ngoại. Về mặt văn hóa thì có thâu nhận của quốc tế, nhưng bước bỗng bỏ qua đoạn B là đại gia đình văn hóa. Hậu quả thâm sâu là đánh mất đoạn B là cái cần thiết để móc nối vào A là nhân loại, nên nhân loại của người quốc gia thị tộc tuy có nội dung nhưng đã bị nghèo nàn hóa vì để lọt rất nhiều yếu tố văn hóa và lịch sử tích lũy lắng xuống miền vô thức cộng thông, cho nên dân tộc cũng như Thổ Thần là những kho tàng của miền vô thức quốc gia mà khi bỏ qua sẽ dễ bị rơi vào bệnh quay cuồng, hời hợt. Hiện nay trí thức nước ta đang loay hoay ở 2 đoạn A và C: vì một đàng chuyên thâu thái của Tây phương được coi như quốc tế, một đàng bỏ qua giai đoạn B là đại gia đình văn hóa, nên chẳng đưa ra được cái gì đủ vững chãi làm chủ đạo, vì thế mà lòng đầy tự ti đối với Tây âu, cũng như bị mặc cảm chính trị đối với Tàu, chưa vươn hẳn lên đợt văn hóa siêu quốc gia khiến cho mọi ngành văn hóa đều bế tắc mà cơ sở tinh thần trở nên suy yếu nhất trong các nước thuộc khối văn hóa Viễn đông.

Ðể tìm lối thoát chúng ta cần đưa ra giải đáp loại ba đặt trọng tâm ở B. Làm như thế là theo đúng nguyên tắc không gian tức là lấy điểm phát khởi của sự dị biện khởi từ khối B, nên chú tâm đến điểm B coi đó như nét dọc để một đầu móc nối với C là quốc hồn quốc túy đầu kia nối vào A nhân loại. Như thế là đứng ở thân cây để không mất gốc cũng không lìa ngọn. Ðó cũng là luật thiên nhiên: trước khi tổ hợp thành toàn thể nhân loại, con người phải tổ hợp vào các đoàn thể trung gian bé nhất gia đình rồi xuyên qua ấp xã, quận, tỉnh, nước, khối, đoạn mới tới nhân loại, nên chủ trương B là chủ trương chấp nhận toàn diện: không bỏ qua đoạn nào; vì đó là điều kiện thiết yếu cho có nội dung chân thực và phong phú.
Người Nga cấm dùng trắc nghiệm là chặn đường phát triển những khả năng tư riêng, những cá tính đặc thù để chiếm trọn vẹn tâm trí mỗi cá nhân cho đảng: nên con người tư riêng bị vong thân.
Người Mỹ tôn thờ trắc nghiệm, khuyến khích sự phát riển tài năng đặc thù, cái đó hay cho cá nhân, nhưng cho nước thì thiếu sự cố kết nội khởi, ít ra ở đợt triết lý.

Chúng ta đóng đô tại ngành B dọc là cốt thâu lợi cả hai. Cả những cái gì tư riêng của nước, của dân tộc, bỏ đoạn nào là đánh mất nội dung đoạn đó, mà mất một đoạn là gây thương tổn cho toàn thể, nên chúng ta cần dùng hết để làm bậc tiến lên Tính đồng nhiên con người ở đợt A. Khối văn hóa Viễn đông giầu chất nhân bản sẽ giúp vào việc này rất nhiều. Theo nguyên tắc chỉ thải bỏ cái gì hết hợp thời, cái gì ngăn trở con đường tiến bộ của chúng ta mà thôi.

Trở lên là đại để ít yếu tố cần thiết để hoạch định "bối cảnh tinh thần" "hoạch định cái địa dư linh thiêng của dân tộc". Bây giờ chúng ta thử tìm cách xác định dung tích của dân tộc tính. Cái dung tích này rất phong phú rộng lớn như văn hóa vậy, nghĩa là nó bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tập quán, phong tục về yêu thương, về sinh sống, giao ngộ v.v... nghĩa là tất cả nhưng gì con người có hơn con vật. Cái đó xác định tính người. Con vật không biết nói, không biết ngâm thơ, không tôn giáo, không làm bộ tịch, không có lễ cheo cưới, mà loài người lại có bấy nhiêu, thì cái đó định tính con người khác với tính vật. Ðem người sánh với vật để phân bờ cõi tính người khác tính vật. Ðó là đợt A. Dân tộc tính khởi từ giai đoạn B của các khối dân tộc thì thường không còn là có với không, là cái gì dễ thấy, nhưng đi vào đợt tế vi hơn là có cách nào. Người Tây có nói, có viết, nhưng đến thể cách thì khởi khác nhau: tiếng Tây đa âm, tiếng Ðông độc âm... Tây viết từ trái qua phải, Ðông viết từ phải qua trái v.v... Từ những cái dễ nhận đó đi đến những cái khó thấy hơn như xã hội Tây âu bất bình sản, ít tự do hơn xã hội Ðông phương (xét từ lối thế kỷ 18 về trước).

Nguyên tắc quan trọng phải giữ để tránh lộn xộn trong vấn đề rất mung lung này là cần giữ "môn đăng hộ đối" trong lúc so đo, nghĩa là phải đem cành so với cành. Thí dụ lễ gia tiên là của chung cành Ðông phương, rồi tưởng nhầm là của riêng Việt Nam, đến lúc khám phá ra bên Tàu cũng có, hơn thế nữa xưa kia đâu đâu cũng có, thì liền lung lay tinh thần dân tộc, cho là không có dân tộc tính, hoặc không xác định. Nếu không có định tắc hoặc áp dụng định tắc không trúng, thì làm sao xác định nổi dân tộc tính. Dân tộc tính có phải là cái chi cụ thể thù lù nằm phơi ra đó đâu, cho nên mới cần những quan sát tế vi.

Bước thứ hai sau cành thì đến nhánh cũng phải giữ như vậy: đem Việt nam so với Tàu là so sánh nhánh với nhánh.
Cần thiết phải so nhánh với nhánh. Về điểm này khỏi nói thì ai cũng thấy sự uyển chuyển cần thiết phải có trong lúc áp dụng. Chẳng hạn như ngay việc đem nước Việt Nam so với nước Tàu đã không chỉnh lắm, vì nước Tàu thực ra là một liên hiệp quốc gồm Mông, Mãn, Hồi, Kim, Di, Ðịch... Tuy nhiên lấy đại để mà bàn thì luật so cành với cành, so nhánh với nhánh là một điều tương đối khách quan, cho nên dù có khó áp dụng cũng cần phải chấp nhận nguyên lý để có chỗ y cứ: khi áp dụng có sai thì cũng còn có tiêu chuẩn để lần ra chỗ sai, tại sao sai.

Hai chữ tính danh quen dùng đi đôi: tính chi nét chung cho cả gia tộc, vì chung nên có phần trừu tượng, còn danh từ chỉ những dấu đặc biệt của mỗi cá nhân, nên cụ thể hơn. Vậy khi ta so Viễn đông với Tây âu là so sánh tính (khó nhận ra hơn) còn so Tàu Nhật với ta là so danh cụ thể hơn phần nào, một thí dụ thông thường cũng là nông nghiệp mà người Tây gieo hạt còn Viễn đông thì cấy mạ. Bên Tàu thì đàn ông cấy, bên Việt Nam hay Nhật Bản thì đàn bà cấy. Tây âu cưới hỏi hầu không cần trung gian. Ngược lại bên Viễn đông thì cần mai mối. Bên Tàu thường là bà Mai, bên ta nói chung là Ông Mai (theo Gourou).

Tây âu không có xã thôn (chỉ có thị xã kiểu Hi lạp) Viễn đông thì có xã thôn. Nay ta đem xã thôn của ta ra so với Tàu, ta sẽ thấy xã thôn Việt Nam giầu tính chất dân chủ hơn ở chỗ bất cứ ai đều có thể làm hương chức trong khi bên Tàu thường là một họ như Trần, Nguyễn, Ðinh.., giữ độc quyền. Ngược lại xét về đàng mở thông thông với thành thị, thì xã thôn Tàu lại hơn ta, vì Tàu chuyên môn thương mại nhiều nên thành phố lớn hơn ta. Tuy nhiên đó là nói về trước khi chưa có ảnh hưởng mới, vì sau đó thì điểm này không còn đúng lắm tuy nhiên vẫn phải chú ý vì khi đi tìm dân tộc tính nên y cứ trên từng quãng 2, 3 ngàn năm chứ không phải trên mấy chục năm.

Ðến đây chúng ta chạm tới yếu tố thời gian rồi. Thời gian gắn liền với không gian nên cần giữ cẩn thận tức là so cổ với cổ, so kim với kim. Vì Viễn đông cũng như toàn thể nhân loại chậm tiến chưa đạt tới thời tân tiến cơ khí nên các nhà so sánh đều nhầm lẫn ở điểm này. Do đó hầu hết những điều gọi là dân tộc tính của Tây âu thực ra chỉ là những đặc tính của tân thời hóa mới có từ một hai thế kỷ (xem lại bài Ðiều chỉnh một số quan niệm lệch lạc về Ðông Tây). Thí dụ câu nói Tây ưa bình đẳng, Ðông ưa giai cấp. Ðó là một điều lầm tưởng trong biết bao điều lầm tưởng khác.
Sự lầm lẫn này là tất nhiên: một là tại mặc cảm tự ti đè nặng trên tâm thức các dân ngoài Âu châu, hai là vì sự khảo cứu hãy còn rất hời hợt, hầu hết đọng lại ở đợt đại khái, mà đã đại khái thì là vu vơ nói mò.

Ðến triệt sau chúng tôi sẽ trở lại yếu tố thời gian dưới khía cạnh Huyền Sử để xác định thêm. Ở đây chỉ nói đại cương mấy nét để minh họa cái tiêu chuẩn không-thời dùng để quy định dân tộc tính, tuy có phần ước định nhưng cũng còn dựa trên luật không-thời nên có được một số tiêu điểm khách quan để xác định những cái hết sức khó xác định.

Căn cứ trên nguyên tắc đó trong khi chúng ta đối chiếu triết học Viễn đông với triết học Tây âu thì đã làm việc về dân tộc tính rồi, đó là so về tính (trừu tượng), khỏi cần chờ nói về truyện Trầu Cau, Tấm Cám mới khám phá dân tộc tính. Ngược lại nếu không đào sâu đến đợt triết thì đó chỉ là truyện cổ tích, cổ tục học.

Về vấn đề nên phát huy dân tộc tính như thế nào thì phải tùy từng trường hợp. Nhưng nếu cần một định hướng thì có thể nói hễ đặc tính nào hợp nhân bản, giúp vào việc khai phóng con người Việt Nam thì nên duy trì và canh tân. Nếu cần phải mượn yếu tố ngoài thì cứ mượn bất cứ từ đâu, bất cứ thuộc thời đại nào. Còn những đặc tính có thể cản bước tiến thì dù đã có lâu đời cũng không nên ngần ngại thải bỏ.

Ðó là đại để mấy nét lớn trình bày sơ lược một tiêu chuẩn để xác định biên cương cũng như phạm vi của dân tộc tính và phương thế định tính cái nội dung của nó. Cần nói ngay rằng có cũng là Văn hóa nhưng khó hơn hai độ: một là phải đối chiếu với văn hóa của một đại gia đình khác, hai là phải có những nhận xét tế vi để nhìn ra những cái phân biệt. Thí dụ nếu học về chế độ phân sản thí dụ thì phải biết các lối phân sản bên Viễn đông, và các lối phân sản bên Tây phương, và khi nhận ra lối phân sản của Tây phương cứng đọng với quan niệm tư sản tuyệt đối thì nguyên nhân tại đâu, lúc ấy cần nhờ tới sự cộng tác của khoa học xã hội (thí dụ xem Vocation actuelle de la Sociologie de Gurvitch), cũng như khoa nhân chủng tộc nó sẽ cung cấp cho ta những lược đồ cơ bản để xếp loại và lúc ấy mới dễ nhận ra sự thật trái ngược rất nhiều với những tin tưởng thông thường hiện nay. Nói qua như thế đủ biết rằng đề cập đến dân tộc tính là nói đến một sự nghiên cứu rất nghiêm túc khó khăn rất nhiều cái học thông thường không có đối chiếu. Và như thế phạm vi dân tộc học lan xa tới hết mọi khoa: bất cứ khoa nào cũng có thể học tự tại, rồi sau học trong đối chiếu.

Trong tập này chỉ hạn vào có lễ gia tiên là 1 trong 4 lễ (quan, hôn, tăng, tế) giầu chất đặc trưng nhất. Và cũng là một thí dụ chưa dám cho là múc cạn vấn đề, những triển khai đến một độ tạm đủ để nói lên những khả năng của khoa dân tộc tính, nếu ai đủ can đảm bước vào sẽ thấy mở ra những miền xa lạ, những khả năng tiềm ẩn còn baola man mác vậy.

Ðó là những việc về sau. Bây giờ chúng ta đi vào yếu tố thời gian theo khía cạnh huyền sử.

Chú Thích:
(1) Quyển La terre et l'homme en Extrême Orient của Gou-rou cho khá nhiều chi tiết về địa dư, địa lý, lối cư ngụ... rất tiện cho những ai muốn đi vào dân tộc tính, sau đó đến đợt văn chương và thói tục dân gian (folklore) gặp nhiều trong các sách của ta. Sau cùng phải đi lên nữa bằng tâm lý các miền sâu, tìm hiểu những hình thái về linh tượng và thần thoại hoặc dùng thêm trắc nghiệm gia phả (test généalogique) xuýt xoát loại của Szondi để đi vào cơ cấu tâm linh dân tộc. Chúng tôi hi vọng sẽ có ngày tìm ra giờ đi được vào công trình đó.

c. Những trang huyền sử

Huyền sử không phải là lịch sử có tài liệu và di tích khách quan để làm tang vật, nhưng cũng không phải là huyền sử đặt truyện rộng rãi thiếu nội dung, hơn nữa nội dung quá u linh bao quát không thể gói ghém trong chữ với nghĩa, hay là tang vật vì nó gồm chứa cả một di sản tinh thần, mà chính vì là tinh thần nên không có bút tích y cứ trên tuế thứ kiểu lịch sử, nhưng là cái gì vượt thời gian bé nhỏ để vươn lên chiều kích vũ trụ đặng truyền dòng nối dõi muôn đời về sau. Phải với tâm trạng kính tôn đó mới đọc lên được những chân lý gửi trong huyền sử.

Huyền sử nói rằng cháu ba đời vua Thần Nông là vua Ðế Minh tuần thư phương Nam gặp tiên ở Ngũ Lĩnh bèn lấy nhau, đẻ được người con đặt tên là Kinh Dương Vương phong làm vua nước Nam, Kinh Dương Vương lấy Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm con, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo cha xuống bể, đặt tên nước là Lang... Ðó là một hai trang huyền sử chứa biết bao chân lý thâm sâu mà cha ông ta đã gói ghém vào đấy để làm di chúc giối lại cho con cháu. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến mối liên hệ văn hóa giữa nước Trung Hoa cổ đại mà tiền nhân muốn giối giăng là giữa ta với Tàu tuy khác nhánh nhưng chung một cành, cùng trong một đại gia đình văn hóa lấy tinh thần Kinh Dịch làm nền tảng. Mà nền tảng Kinh Dịch là Thái cực Sinh lưỡng nghi... đến khi Việt Nam hóa thì vòng Thái cực trở thành cái bọc trăm trứng, 50 lên núi, 50 xuống bể chính là "sinh lưỡng nghi" v.v... Người đâu có đẻ trứng, và ai đâu có đẻ nổi trăm con. Ðó là truyện vượt không thời gian để vươn tới bách tinh là Bách Việt (100 trứng). Câu truyện làm nổi bật họ máu hàng dọc của Việt Nam với Tàu. Ðó là dòng máu tinh thần biểu thị bằng Kinh Dịch được khải thị cho vua Phục Hi.

1) Vua Phục Hi hiệu là Thái Hạo, vào quãng năm 2852 trước dương lịch.
2) Truyền tới Thần Nông, năm 2737 trước dương lịch.
3) Truyền tới Hoàng Ðế, năm 2697 trước dương lịch.
4) Truyền tới Thiếu Hạo, năm 2597 trước dương lịch.
5) Truyền tới Nghiêu, Thuấn, năm 2356 trước dương lịch.

Ðó là ngũ đế bên Trung Hoa, nhưng không hẳn có thực mà chỉ là huyền sử: tam hoàng là tam tài, ngũ đế là ngũ hành. Cả đến những niên hiệu đưa ra là do các nhà bác học dựa vào tài liệu mà tính toán, chúng ta tạm dùng để đặt một hai tiêu điểm, vì phần nào đã có một chút sử tính, nghĩa là đã hiện hình vào một thời kỳ nào đó rồi. Còn chính ra Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Ðế phải thuộc huyền sử, nên có thể vươn lên đến bốn ngàn năm trước như sử cổ truyền đặt thời Phục Hi vào quãng 4477-4363. Tuy nhiên đó không phải là một niên tuế xác định mà chỉ nói lên một giai đoạn tiến hóa, chứ không là người thực thuộc lịch sử, nhưng là linh tượng phổ biến, nên Phục Hi mình người đuôi cá, Thần Nông thân người đầu bò v.v... Cháu ba đời Thần Nông phải là Ðế Minh để chi "Minh Minh đức" thuộc trí, đẻ ra con là Sùng Lãm: sùng là tình yêu nhân loại liên hệ tới thân dân, thuộc nhân. Còn Lạc Long Quân lấy Âu Cơ nghĩa là Nền Vàng chính là đức Dũng, vì nền Vàng là Trung Dung, mà theo được Trung phải hùng dũng lắm. Nên Âu Cơ sẽ trở thành nội tướng của Hùng Vương là trai hùng và các gái đảm từ hai bà Trưng Triệu truyền xuống qua nhiều thế hệ biết bao gái Việt khác.

"Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non".
"Quanh năm buôn bán ở non sông",
"Nuôi đủ năm con với một chồng".


Ðấy là những cháu chắt của Âu Cơ, lấy chồng để gánh giang sơn cho chồng... Gái đâu mà đáng quý thế? Thưa cùng phát từ bọc trứng của Âu Cơ tức vòng tròn Thái Cực với con số "Pi" tiên thiên gồm ba đức là Trí, Nhân, Dũng. Ba đức đó chính là hồn Kinh Dịch. Chính là tổ tiên Lạc Việt đã được thấm nhuần trong ba đức đó trải qua năm đời: Phục Hi, Thần Nông, và thêm ba đời cháu vào quãng Nghiệu Thuấn. Ở đây xin hiểu cách rất co giãn, cũng như cuộc nam tiến nước ta khởi từ Hồ động Ðình trên bờ sông Dương Tử, không phải chỉ kéo dài trong một vài trăm năm, nhưng có thể xuyên qua nhiều ngàn năm lịch sử nước nhà, và có lẽ những làn sóng di cư quan trọng cuối cùng là Dương ngạn Ðịch và Trần thượng Xuyên với ba ngàn binh, 50 chiến thuyền được chúa Hiền Vương cho phép khai thác miền Ðồng Nai, và do đó sau 20 năm thì có tỉnh Gia Ðịnh. Cũng như Văn Miếu và Nho học, tuy mới được nhà Lý xây dựng vào lối thế kỷ XI, nhưng đó là giai đoạn hình thành bật nổi nhờ nền độc lập chính trị đã kiện thành; còn chính ra thì ngay từ ngày khai quốc, nghĩa là từ lúc mà huyền sử kêu là Ðế Minh tuần thú phương nam gặp tiên thì chắc lúc đó nước ta đã dùng chữ Nho rồi. Nếu ta đưa mắt tinh thần về quãng thời gian cách đây chừng 4,000 năm mà nhìn đoàn người Lạc Việt di cư từ Hồ động Ðịnh, hay bờ sông Dương Tử để tiến xuống phía nam, thì chúng ta chắc thấy trong quang gánh của những tổ tiên xa xăm đó đã có quyển Kinh Dịch ít ra ở trạng thái phôi thai. Lúc đó chữ Nho cũng còn đang trong giai đoạn hình thành, có lẽ mới bỏ chặng thắt nút (kết thang) để đi sang chữ hình lốt chân chim hoặc con quăng còn dùng ở đời Chu gọi là chữ khoa đầu, sau đến đời Tần Hán mới thay thế bằng chữ Lệ như ta thấy hiện nay.

Ðến đời Nhâm Diêm Sĩ Nhiếp có đưa văn học Tàu vào nước ta thì chắc cũng chỉ là đưa chữ Lệ thay khoa đầu, và một số sách khai triển Kinh Dịch và nhất là mở mang thêm việc học mà thôi, chứ không phải là hoàn toàn mới. Và có lẽ vì đó mà chúng ta hay nói Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến. Nếu ai hỏi bằng vào tài liệu nào mà nói bốn ngàn năm văn hiến thì Kinh Dịch là tài liệu bác học nó sẽ hòa hợp với những phong thổ, thói tục phương nam để làm nền văn hóa tô tạo cho đoàn người Việt. Cho nên khi nghĩ đến tài bồi Nho giáo thì chỉ là tài bồi một nền văn hóa vốn là của dân Việt chúng ta từ hơn bốn ngàn năm và ngày nay chúng ta cần phát triển không những như là của dân tộc mà còn như quốc gia di bảo nữa. Thế nghĩa là nước ta với nước Tàu cũng như Hán, Mông, Mãn, Nhật,..., tất cả làm thành một đại gia đình văn hóa, trong đó Nho giáo là cành dọc, còn các phong tục của mỗi miền với các sắc dân là những nhánh ngang. Y như các nước Pháp, Ý, Y Pha Nho, Bồ Ðào Nha cùng thuộc một đại gia đình văn hóa Rôma vậy. Ðấy là một sự kiện văn hóa phổ biến, bất cứ nước nào cũng thuộc vào một đại gia đình văn hóa mà không ai nghĩ tới ruồng bỏ hết. Người Pháp, Y Pha Nho, Bồ... không bao giờ nghĩ tới ruồng bỏ tiếng La tinh được coi như là gốc. Tuy ngày nay sự học "tử ngữ" có bị phế trễ thì vì lý do khác sẽ nói đến sau, chứ tuyệt nhiên không bỏ vì lấy lẽ rằng tiếng La tinh là của người Ý.

Tóm lại nền văn hóa nước nào mà thực vững mạnh cũng có tính và danh làm nên 2 yếu tố dọc và ngang: dọc thuộc đại gia đình văn hóa, ngang là tập tục phong thổ từng nước. Nước ta thuộc đại gia đình văn hóa Nho giáo, Ấn độ thuộc đại gia đình văn hóa Sanskrit. Các nước Tây âu thuộc đại gia đình La Hi Do Thái: latin-grec-hébreu.

Ở đây cần nhấn mạnh trước nhất đến yếu tố dân tộc tính của Nho giáo đối với người Việt Nam và chữ Nho không phải là cái gì xa lạ, nhưng là tiếng nói của các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần, tiếng nói của các thế hệ tổ tiên, nó đã cùng vinh cùng tủi, nên mỗi chữ như ngầm chở trong mình dòng máu của dân tộc mà nếu ta bỏ đi là bỏ mất một lối thông giao với hồn tiên tổ muôn xưa, hay nói theo phân tâm là thông giao với tiềm thức cộng thông của dân tộc, của đại gia đình văn hóa. Cho nên ngày nay khi muốn khôi phục nền tảng dân tộc thì Nho giáo là một trong những cột ái chứ không có lý do gì để coi như một thứ văn tự của ngoại bang.
Vì thế, mà chúng ta phải nghĩ đến việc phục hồi tinh thần Nho giáo, thứ Nho giáo nguyên thủy, và có lẽ để nhấn mạnh điều đó chúng ta nên gọi là Nho giáo thay vì Hán học. Cho tới nay hai chữ đó dùng như nhau và thiết tưởng không hề hấn chi, nhưng đến lúc này tưởng nên gọi là Nho giáo để tránh sự lẫn lộn chính trị với văn hóa. Vì Hán học đã có hơi hướng chính trị và có vẻ riêng của giống Hán. Chí như Nho giáo thì hoàn toàn thuộc phạm vi văn hóa chưa bị tì ố chính trị nào, hơn thế nữa với lối đọc riêng của nước ta, thì nó đã được Việt Nam hóa lâu đời lắm rồi. Một lý do nữa nên gọi Nho giáo là để nói lên sự thiết yếu phải trở về nguồn tức là phải lọc nữa. Vì Hán học nhất là trong những thế kỷ cuối cùng đã đi sâu vào sa đọa, hết sinh lực, không đủ gây nổi hào hứng cho giai đoạn mới.

Nho giáo đời Thanh vì nhận ra Tống Nho đã quá thiên sang xuất thế tiêu cực nên chống lại bằng cách trở về Hán học. Nhưng chúng ta cho rằng chống lại với Tống Nho thì được rồi, nhưng trở lại nguồn thì chưa tới nơi, bởi đấy Hán học đời Thanh quá thiên về bác học, hàn lâm, vụn mảnh, lạnh lùng. Còn Hán học đời nhà Hán thì đã mang tính cách tai dị, ma thuật và có phần ghé sang lối khắc nghị. Như Ðổng trọng Thư ngồi sau mành mành để dạy môn sinh, ba năm không xem đến vườn nhà... Lối sống đó khác quá xa với Khổng Tử bôn ba cả từng chục nước, lớp học có khi là dưới gốc cây, có khi trên bờ sông giữa tiếng đàn ca múa hát. "Tắm sông Nghi, lên đài Vũ Vu hóng gió, rồi ca hát mà trở về". Ðó phải là Nho giáo mà chúng ta sẽ trở về với, Nho giáo đầy hoạt lực vui tươi, đầy ca múa như các sói con trong hướng đạo, Nho giáo của Tử Công vừa học vừa đi buôn. Nho giáo của Tử Lộ vừa ngâm sách vừa múa võ vù vù. Nho giáo của Vua Vũ trị thuỷ, của vua Thuấn tạo máy thiên văn, Nho giáo của vua Phục Hi ngắm trời đất âm dương tìm hiểu máy hiền vi của tạo hóa.

Cho nên nói Nho giáo nguyên thủy là nói đến sự trút bỏ những cáu bụi của các đời Hán, Ðường, Tống, Minh, Thanh để trở về với Nho giáo của tiên tổ ta trong giai đoạn di cư nam tiến, để chắt lọc tinh hoa, để sắm lấy một sợi dân thiêng rồi tung bay ra năm châu nhất là Âu Mỹ để thâu thái những yếu tố mới xỏ cả vào cái dây xe bằng hai sợi nhân bản và dân tộc... Trước đây thì là Hán học với Cửa Khổng sân Trình. Còn chúng ta nay là Nho học: nên tuy cửa là "Cửa Khổng" nhưng sân sẽ là sân Tây, không những trong triết học mà cả xã hội, lịch sử và nhất là phân tâm học, nguyên tử năng...đều có chỗ đứng. Ðó mới là Nho giáo chân thực có tính cách giải phóng con người, và mới là cái học ứng đáp cho Nhu (Nho) cầu của nước trong giai đoạn đang đi tới... đang cần một sự tổng hợp Ðông Tây, giàn hòa khoa học với Ðạo học. Ðây sẽ là cái học cho những người muốn thực tình cứu nước ra khỏi những chia rẽ tôn giáo, ý hệ... để đưa nước đến một giai đoạn phát triển mới cả về vật chất lẫn tinh thần. Và họ sẽ có một nền đạo thuật đủ thâm sâu để làm cho hăng say nồng nhiệt, hầu như một tôn giáo. Và đó là nét đặc trưng như K. Jaspers nhận xét: Ðấng Kitô sáng lập một tôn giáo, Socrates sáng lập một nền triết học, còn Khổng Tử tuy là một hiền triết nhưng lại có công hiệu giống như tôn giáo, và do đó mà có những người gọi là Văn Hiến mà sứ mạng là sùng phụng và tài bồi cho bền Nho Học (chez les Văn Hiến le culte et la culture de Nho Giáo sont intimentement liés).$pageOut$pageInd. Vấn đề Linh ngữ Linh tự

Bây giờ chúng ta bàn đến khía cạnh khác của Nho giáo là tính chất linh ngữ linh tự: langue sacrée, écriture sacrée.
Nền văn minh nào hễ đã trường tồn thì cũng phải có một ngôn ngữ riêng để nói lên yếu tố trường hằng của nó. Ðời sống của nền văn hóa đó kéo dài lâu hay mau là tùy thuộc những công lao vun tưới yếu tố thường hằng này. Ðược vun tưới thì Ðất Tổ dẫu bị xâm lăng, dân con dẫu bị tống khứ ra khỏi đất nước như dân Do Thái chẳng hạn, họ vẫn liên kết thành một dân tộc vì họ có linh tự linh ngữ, họ có Thánh Kinh. Thánh Kinh là quê hương bỏ túi của họ. La Bible est leur partie de poche.
Còn khi không duy trì nổi linh tự, như dân Egypte, thì dầu sống trên đất tổ nhưng đã trở thành xa lạ với tất cả di sản thiêng liêng của cha ông trối lại qua lịch sử, khoa học, tôn giáo nên trở thành những người cô đơn, bị cảnh lưu đày ngay trên đất Mẹ: bởi đã đánh mất linh ngữ nên cũng mất lợi khi thông giao với hồn tiên tổ. "Etrangers à tout ce qui fut leur histoire, leur science, leur religion, ce sont des exilés, des étrangers sur leur terre", như Etiemble nói về người Coptes, tức dân Ai cập quên linh tự. Mất linh tự là đánh mất khí cụ tối hảo để thống nhất thế hệ ngày nay với các thế hệ xa xưa. Ðây là sự thống nhất đưa lại cho tinh thần yêu nước một nét vững mạnh thiết tha. Do lẽ đó mà linh ngữ cũng gọi là yếu tố hàng dọc hay là Kinh, đi song song với sinh ngữ ví như đường Vỹ là cái gì năng biến động vì là tiếng nói thông dụng thay đổi mỗi thời một ít, nên các thế hệ sau không hiểu thế hệ trước, như người Việt Nam tản cư sang Thái Lan còn nói một thứ tiếng việt cách đây trăm năm, nay có gặp người đồng hương thì không hiểu nữa.
Tiếng nói của Ðinh Bộ Lĩnh chắc là chúng ta không thể hiểu nổi vì cứ trải qua một số thế hệ thì tiếng nói cũng đổi hầu hết. Do đó các thế hệ phải thông giao nhau bằng linh ngữ linh tự bất biến, và chỉ có sự giải thích kinh điển là biến đổi theo cảm quan mỗi giai đoạn, còn linh ngữ vẫn trường tồn. Linh ngữ là Kinh còn tiếng nói thông thường là Vỹ. Một nền văn hóa càng vững mạnh thì yếu tố kinh càng cao sâu, cũng như yếu tố vỹ càng lan rộng. Vun tưới yếu tố kinh bằng linh ngữ. Vun tưới yếu tố vỹ bằng sinh ngữ. Linh ngữ cũng giống tử ngữ vì có kinh điển tức là sách có nội dung minh triết là cái bất hủ. Tử ngữ chỉ có sách cổ điển như trường hợp La Mã và Hy lạp. Sách cổ điển tương đương với truyện (Kinh sử tử truyện) tiếng tây kêu là litérature, không phải văn chương nhưng là những sách bàn rộng về kinh điển.
La Hi mất kinh điển, chỉ còn sót lại vài trăm câu rải rác mà người ta đang cố thâu thập lại, nó thuộc giai đoạn tiền Socrate. Từ Socrate kể là đứt liên lạc với truyền thống (xem lại bài Truyền Thống) nên mất kinh chỉ còn có truyện và do đó chỉ là từ ngữ mà không có linh ngữ. Linh ngữ chỉ còn trong Kitô giáo, cũng như trong một số tôn giáo khác (xem Les livres sacrés de l'humanité của Braden Payot).
Trên bình diện triết chỉ có Ấn độ với Viễn đông là còn linh ngữ thống nhất: Ấn độ là Sanskrit, Viễn đông là chữ Nho. Gọi là linh ngữ vì nó có tính cách huy động tâm hồn như sinh ngữ, nhưng linh ngữ tác động trên bình diện cao hơn nhiều. Tử ngữ chỉ là tiếng nói của hàn lâm và viện khảo cổ. Sinh ngữ là tiếng nói thực hành của sinh hoạt hằng ngày của chính trị, thương mại, ngoại giao, khoa học... Và chúng ta phải dùng sinh ngữ để bàn về từ ngữ hay linh ngữ nhưng có sự khác nhau là tử ngử thâu vào những kiến thức, những sự kiện đã lỗi thời, nhưng cần ghi lại làm dấu tích, làm tài liệu cho sử sách. Còn sinh ngữ cần cho đời sống thông thường cho cái sống ăn làm hay các khoa học, kiến thức đương thời, nó là tiếng nói chung cho cả toàn dân. Còn linh ngữ chỉ cần cho những nhà chuyên môn về văn hóa, họ có bổn phận thấm nhuần tinh thần bất hủ của linh ngữ để bơm chất sinh động vào cuộc sống hằng ngày cho nó khỏi chết lịm dưới cáu bụi phàm tục.

Nước ta thuộc Viễn Ðông có liên hệ với hai đại gia đình văn hóa khác là Ấn độ và Tây âu. Cả ba đều đang thiếu một tổng hợp mới để làm chủ đạo và cả ba đang đi tìm. Nếu ta hỏi xem trong ba đại gia đình văn hóa này, nền nào sẽ đạt tổng hợp trước, thì câu thưa sẽ lúng túng vì mỗi nền có cái hay riêng của nó. Trong khi chờ thời gian trả lời chúng ta cần biết đến các loại may mắn đó.

Cái may của Âu châu nằm trong hàng vĩ: khoa học tiến vượt bực bỏ xa lại sau cả Ấn độ cũng như Viễn đông, do đó có sự phồn thịnh là điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển văn hóa, nhưng lại yếu ở mặt linh ngữ linh tự. Bởi có tới ba gốc Hi Lạp, Roma, Do thái, ấy là chưa kể một số người cố gắng phục hưng tiếng Celte và Têuton, Slave... Do đó nếu nói Âu châu không có linh tự, thì không sai lắm.

Trái lại cái may của Á Châu nằm trong chỗ có linh ngữ, và cho tới nay linh ngữ của Ấn độ tỏ ra mạnh hơn của Viễn đông, nên đã có những tổng hợp ít ra ở đợt tiền hô, như của Aurobindo; đang khi Viễn đông hầu chưa có gì đáng gọi là tổng hợp. Ðã thế linh ngữ lại đang bị phế bỏ. Nhất là từ quãng 1920 nhóm Hồ Thích đưa tiếng Bách Thoại vào thay linh ngữ. Người ta đã ca ngợi việc đó như là một đóng góp lớn của Hồ Thích vào nền văn học Trung Quốc. Ðó là lối nói của thời đại chỉ biết chú trọng cái hiện tiền mà quên cái trường cửu. Nếu xét về mặt tinh thần thì việc của Hồ Thích là một bước lùi đi trật ra khỏi linh ngữ. Ở đây tưởng nên nhận định điều này: nhiều người bảo chữ Nho là của Tàu thì trúng mà chưa đủ; nghĩa là chữ Nho không những của Tàu mà còn là của Hán, Nhật, Mông, Mãn, Việt...
Còn tiếng nói riêng của Tàu là tiếng Quan hỏa, Quảng Ðông, Quảng Tây, Thiềm Tây, Tân Cương; y như Nhật, Hán, Mông Mãn, Việt; mỗi miền có tiếng nói riêng của mình vậy. Còn linh ngữ là của chung... mỗi dân đọc mỗi lối, nhưng chữ viết y như nhau, nên có thể hiểu được nhau trong đại gia đình văn hóa khi cả hai bên dùng linh ngữ. Vì dụ nếu người Nhật dùng chữ Nho theo lối kinh truyện với người Việt thì hai bên hiểu như thường. Ðó là chỗ lợi hại nhất của linh ngữ Viễn Ðông, ở chỗ cả đến chữ tượng hình cũng có tính cách phổ biến nên có thể đáp ứng một nhu cầu của nhân loại tức là cần có một hệ thống biểu tượng ý tưởng chung cho cả thế giới, y như hệ thống toán số hiện nay: chỉ cần viết lên số 3 người Pháp đọc là trois, ta đọc là ba... Ðọc khác nhau mà vẫn hiểu khi xem mặt chữ số.

Ðó là điều thế giới đại học giả đang mong cầu và một số triết học gia như Leibniz đã khởi hứng từ chữ Nho nhất là Kinh Dịch đưa ra hệ thống luân lý lối toán học dùng biểu tượng thay lời. Tuy nhiên không thấy có may mắn nào để thành công vì không kinh điển và thiếu tế vi tính, không mang theo một niềm tin, một bầu khí văn hóa đủ làm hứng khởi nảy sinh ý tưởng. Cho nên cuối cùng hầu hết các nhà nghiên cứu khi lưu tâm đến vấn đề chữ Nho đều cho rằng đó là chữ viết có tính cách quốc tế thượng đẳng: l'écriture internationale par excellence. Leibniz. Margouillies, "vì là một lối chữ đẹp nhất, được giồn đúc vào những công thức bất hủ": De toutes les formules de la réalité métaphysique trouvées jusqu'à présent, seules celles des Chinois sont peut-être immortelles. Journal II 58.
Trước những đổ vỡ của các nền siêu hình cũ, tác giả hé thấy có cái chi kiên cố lạ trong Nho giáo. Nhiều người phát cáu nói sao cứ đi đặt ra chữ nọ tiếng kia (có ý chỉ Espéranto) mà thực ra chỉ cần bắt học chữ Nho là thế giới có một hệ thống tượng hình đẹp nhất (idéogramme) đã đạt hình thái trọn vẹn không thể bì kịp, unrivaled achievement, mà lại diễn tả được hết mọi tư tưởng dù tế vi, xuyên qua hằng trăm thế hệ, chiếm tới quá một phần tư nhân loại, thế mà lại có rồi, ở bên Viễn Ðông. Cho nên câu kết luận của các nhà nghiên cứu về đạo học Ðông Phương hợp lý và đáng sợ: là tất cả phần còn lại của nhân loại phải học chữ Nho! Already exists in the Far-East. The conclusion of the Oriental is logical and terrible; the rest of the world must learn to write Chinese. Story of Civilisation W. Durant, p. 773.

Tóm lại Âu châu thiếu cả linh ngữ linh tự. Ấn độ có linh ngữ linh tự. Viễn đông cũng thế, nhưng linh tự của Viễn đông còn thêm một giá trị riêng biệt là có thể quốc tế hóa, và sự quốc tế hóa đó nếu có khi nào hiện thực thì sẽ đặt nhân loại trong sự tiếp sức với những kinh điển có một nội dung nhân bản trung thực hơn hết.
Dân tộc Việt Nam nằm trong đại gia đình Nho giáo đó. Và cũng như mọi phần tử của đại gia đình vẫn chưa nhận thức được cái di sản quí báu của đại gia đình văn hóa mình. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong "Hiến chương giáo dục".

e. Vạn thế sư biểu

Bây giờ chúng ta bàn tới yếu tố thứ ba trong Văn Miếu là Khổng Tử.

Mấy năm trước đây khi cháu 77 đời của Khổng Tử đến thăm nước Việt Nam thì được vị khoa trưởng Ðại Học Văn Khoa Saigon lúc đó đón nhận bằng câu: "Ở đây chúng tôi không thờ Khổng Tử đâu nhé". Cái đó dễ biết cần chi phải tuyên bố một cách sống sượng như thế. Này nhá:
Hội Khổng Học được một căn nhà lúp xúp ở góc nghĩa địa tây; có nghĩa là hết thời rồi nên chôn đi.
Tên của Khổng Tử được đem đặt cho một cái phố "nằm co" dưới Chợ Lớn, có nghĩa là ông đồ ông cống cũng nằm co và nghĩa sau là người của các Chú thì trả lại cho các Chú đem tuột xuống Chợ Lớn để đợi tàu về Ðài Loan. Tuy minh nhiên không nghĩ thế: nhưng tiềm thức thì là thế. Chỉ cần xem qua các sách viết ra từ ba bốn chục năm nay liền thấy hầu không mấy quyển là không chửi Khổng Tử, thóa mạ Nho giáo... Bấy nhiêu nói quá đủ là ở đây không thờ Khổng Tử. Nhưng không thờ sao lại mừng lễ khánh đản của ông và chấp nhận danh xưng là "vạn thế sư biểu". Câu thưa nằm trong bức hí họa của Phạm Tăng đăng trong một số báo Tự Do đời ông Diệm. Nhân ngày lễ Khổng Tử: về một người trèo thang treo bức ảnh Khổng Tử lộn ngược, ở dưới một cữ đồ nho hỏi: "ê này chú! không thấy là bức ảnh treo ngược sao?" Chú nào đấy? Thưa phải kể từ chính phủ trở xuống, tất cả là đóng kịch nghĩa là làm ngược hẳn lại với tinh thần Nho giáo là Thành Tín. Nhưng có học có hiểu đâu mà thành với tín, và chính vì thế mà không biết mình treo ngược. Thành thử có lễ đó thì cũng phải vác mặt đến, chả nhẽ bỏ đi. Thôi thì cứ giữ lại đã sao? Thưa rằng có lắm. Vì đó là một việc có tính cách lễ nghi, nếu không thấy được lý do đáng làm thì bỏ tuột đi là hơn, tránh được cái lưu tệ làm cho qua lần. Còn nếu không bỏ đi được thì nên làm một cách có nội dung: chẳng hạn cho dịch Ngũ kinh và một số sách danh nho như Tuân Tử, Chu Hi, Vương Dương Minh... ra tiếng Việt, thì còn quan trọng hơn là mừng ngày Khánh đản của Khổng Tử nhiều. Vì lẽ chỉ là nghi thức, kinh điển mới là nội dung. Bỏ nội dung mà duy trì nghi thức thì gọi là đóng kịch.

Tôi thiết nghĩ không cần phải đóng kịch, mà vẫn duy trì được sự tôn kính Khổng Tử. Bởi vì không kể lý do đã được tiên tổ nhận lâu đời mà đến ngày nay cũng vẫn đáng cho ta tôn làm thầy. Bởi vì ông là một hiền triết dạy một nền nhân bản tinh tuyền nhất, cũng như dạy phương thức sống cuộc đời xứng đáng nhân chủ nhất, bao gồm khắp hết mọi người, nên về mặt văn hóa ông cũng như một số người họa hiếm trong nhân loại đã trở thành người siêu quốc gia, có những lời thiết cận đến thân tâm của con người bất kỳ thuộc khu vực nào, thời đại nào. Dẫu ngày nay tại Âu châu thế giá ông suy giảm đối với thế kỷ 18 và thường bị hạ bệ, thế mà vẫn có những học giả thành khẩn sùng mộ: một Granet, một Creel, một Rygaloff. Và quyển Confucius của Etiemble ra đời phải tái bản ba lần tới 22 ngàn số! Rồi sau đó đã dịch ra tiếng Ý và mới cho vào collection idées, thì như thế là vượt rất xa với sự dự trù của tác giả, cũng như là rất nhiều đối với sách triết khi so sánh với Sartre cũng có chừng 20 ngàn độc giả. Cho nên ông Etiemble kết luận: Khổng Tử chưa phải là đã chết. (Etiemble, 90. Connaisuez vous la Chine?)

Xét riêng về nước ta từ ngày lơ là với Nho giáo để đi cầu học với các ông thầy khác thì chúng ta chỉ học thêm được những cái tài khéo thuộc từng bộ phận: tài ăn nói, tài lý luận, tài viết văn, tài ngoại giao, tài chính trị... Nhưng về tài sống, tài tổ chức cuộc sống cho có ngoại nội cân đối thì vẫn còn thiếu. Mà vì thiếu sự cân đối đó, nên ta thiếu nhất quán, thiếu tổng hợp, và cuối cùng phải kể là nhiều thầy thối ma: nghĩa là thối nát trong hành chánh, nát bét như tương trong chính trị, phân hóa tinh thần đoàn kết quốc gia, nhân cách tầm thường, tiết tháo hầu như biến sạch, giáo dục xuống dốc văn nghệ quay cuồng. Tóm lại là cuộc sống chúng ta bày ra một lỗ trống mà không ông thầy mới nào lấp đầy cho được. Ðiều đó có lẽ không ai chối cãi và do đó không dám dứt khoát với ông thầy cũ: cứ kỷ niệm lễ Khổng Tử và cũng cứ miệt thị Khổng Nho. Cuối cùng đó lại cũng là một biểu lộ của chứng tâm trí tán loạn tuy chưa đến nỗi điên, nhưng cũng đã đủ rút hết mức độ nghị lực và sáng suốt cần để quyết định lấy một đường hướng. Sở dĩ ít người chịu nhận tình trạng này vì bị thôi miên bởi mấy danh từ khai phóng và tự do, hầu hết bị hiểu theo nghĩa tiêu cực. Và cứ thế mà kéo dài nếp sống của những con người không phẩm tính, không bến bờ, không một nơi nào để hướng tới.

Nếu hiểu tự do và khai phóng theo nghĩa tích cực thì chúng ta sẽ thấy Khổng Tử là một trong những người rất họa hiếm hội được đủ điều kiện của một ông thầy lý tưởng như nền tâm lý hiện đại đề ra: Theo đó thì chỉ là lý tưởng những ông thầy nào dạy cho môn sinh biết trông vào sức mạnh "to rely only on his own strengh" (Eric From, 124). Cái lý tưởng của phân tâm đó thực ra chỉ là quảng diễn cái bổn gốc của Nho giáo là "chí trung" mà trung là không cậy dựa = "trung lập nhi bất ỷ: cường tai kiểu". Ðó là cốt yếu những bài học dạy học của ông. Ðừng đem những câu của Hán học như "trung thần bất nhị sự quân", hay "quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" (1) mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất. Tinh thần bất khuất của nước ta phần lớn được học với Tây âu cùng khắp mà vẫn khó lòng bì kị. Vì ngoài một số tiến bộ về cơ khí ra, thì trong các điểm khác đã chắc gì là chúng ta vượt qua các cụ xưa. Ngày về văn chương ta đã chửi người xưa chán mồm mà hỏi đã qua mặt nổi một Nguyễn Du, một Hồ Xuân Hương chưa? Phương chi về chí khí, về tiết tháo, về trung trực, liêm sĩ, đạo làm người!

Trở lên là nói đến lý tưởng chung và thuộc đời xưa Bây giờ chúng ta xét xem Nho giáo có còn giúp cho nước ta được điểm nào trong giai đoạn khó khăn hiện đại chăng? Tôi nghĩ là có: đó là sự thống nhất tâm trí mà chúng ta xét tới trong các triệt sau.

Chú Thích:
(1) Câu này chính của Thái Tử Phù Tô nói khi nhận lệnh cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo. Tướng Mông Diêm đề nghị đem quân về kinh để xem có thực sắc do Tần Hoàng nhưng Thái Tử cản lại bằng câu nói: "quân sử thần tử thần bất tử bất trung, Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". Câu này đã được Hán nho đưa ra làm nguyên tắc cho ngu trung ngụy hiếu.

f. Một chút kinh nghiệm nước ngoài

Nước ngoài đây là nước Mỹ, nơi có 256 thứ tôn giáo khác nhau, gây nên rất nhiều khó khăn mà chúng ta cần phải biết tới.

Trong bài tựa quyển đạo đức của nhà triết lý chính trị hữu danh của nước Mỹ là ông Walter Lippman có viết vào năm 1929 như sau:

"Hậu quả của thuyết lý mới về tự do tôn giáo là đặt các giáo phái vào một tình trạng ngoại lệ (anomalous postion). Ở trong công hội với nhau thì họ vẫn khẳng định duy họ mới nắm được chân lý trọn vẹn; nhưng khi đối ngọai với các giáo phái khác hay với chính quyền thì họ giảng và thi hành khoan dung. Thế mà sự phân lìa giáo hội với chính quyền không phải chỉ gặp có một sự khó khăn về lý luận như thế thôi đâu, nó bao hàm một sự khó khăn về tâm lý còn sâu xa hơn cho phần tử các giáo phái. Bởi vì đứng về phương diện tìm hiểu thì họ không chút chi ngần ngại tin rằng tôn giáo họ theo là con đường cứu rỗi chân thực, vì không thế thì hóa ra những biệt phái kia cũng có lý mất rồi. Nhưng xét là công dân thì họ lại phải giữ trung lập đối với lời tuyên bố của mọi giáo phái, và chống cự lại mọi sự lấn chấn của giáo phái này lên giáo phái nọ. Và đó là giải pháp tốt nhất mà sự khôn ngoan loài người đã tìm ra được, nhưng hậu quả không thể tránh được là người ta chỉ bênh vực lòng khoan dung cách hời hợt, để rồi bỏ qua coi thường vì thực là một sự khó khăn khi trong thực tế hằng ngày phải xử với mọi giáo phái khác như nhau, mà còn có thể tin tưởng bền vững vào một giáo phái nào".

"Tâm hồn con người không thể chia nhiều ngăn, để rồi ngăn này thì tín ngưỡng sâu xa, còn ngăn kia thì giữ trung lập. Sự có nhiều giáo phái, và không có phái nào nắm được độc quyền, cũng như thói quen ở trung lập sẽ dẫn tới chỗ giảm bớt lòng tin... Vì thế bất kỳ tôn giáo nào lúc được thịnh đạt cũng cho mình là có tính cách tuyệt đối phổ biến, và trở nên bất tương dung. Và sự phạt vạ rút phép thông công là cả một bản án nặng nề, nhưng khi một nước có nhiều tôn giáo, và vì hoàn cảnh bó buộc phải chịu đựng nhau thì lúc đó rút phép thông công trở thành vô hiệu".
"Nhưng nếu các giáo phái không bó buộc phải chịu nhịn nhau, thì họ sẽ từ chối chấp nhận nền giáo dục công cộng vì các trường nhà nước không được đề cập đến vấn đề tôn giáo trong lịch sử hay những khoa học có liên hệ đến tôn giáo. Dĩ nhiên, các giáo hội phải chấp nhận điều đó vì không thể làm khác. Người Tin Lành không chịu cho nhà trường dạy tín điều nào của Công Giáo. Ngườ theo nền tảng (Fundamentalistes) không chịu được những tín điều của Tân Phái (Modernistes). Vì thế mà bất đắc dĩ phải cho trung lập là giải pháp đừng chẳng được, chứ trong thâm tâm chẳng ai muốn rằng vấn đề tôn giáo không có trong việc giáo huấn con em. Vì thế giáo phái nào mạnh đủ thì kiểm soát trường công, hoặc lập tư thục như Công Giáo và Lutherans đã làm, hoặc bắt trường công phải theo ý mình như Nền-tảng-phái ở những nơi họ thắng phiếu như tại Tennessee. Lúc đó các giáo phái khác khiếu nại là họ phải đóng tiền vào những trường mà lương tâm họ không cho phép gửi con vào đấy".

"Còn nếu có trung lập thì cũng chỉ là ngoài mặt. Những khoa nhân văn lịch sử thì thường được dạy theo quan điểm của Tin Lành che đậy cách khéo. Ðến những khoa học thực nghiệm thì dễ, nhưng cũng có những giáo sư lái vào thần học của mình..., cũng có giáo sư Công Giáo giảng sử theo cái nhìn của Công Giáo. Kết quả vẫn là làm yếu thêm lòng tin tưởng con em đối với nền tín ngưỡng của cha ông. Vì chúng cảm thấy lòng ái quốc đòi không được chú trọng đến niềm tin cho bằng lương tri và tình huynh đệ, tức là không nên tuyệt đối hóa... Các nhà lãnh đạo tôn giáo ý thức nguy cơ đó, nên đã làm rất nhiều kiến nghị... Chính quyền cũng đồng ý khi nói đến mối nguy cơ của những người vô tín ngưỡng nên yêu cầu các tôn giáo lại và đưa ra một Thượng Ðế không thuộc riêng giáo phái nào để thờ chung, và một số đoạn thánh kinh không bị tranh luận để làm sách giáo khoa. Nhưng mỗi khi đề cập đến bản tính một Thiên Chúa trung lập, và một ấn bản thập giới không bị tranh luận... thì lôi đình sấm sét liền nổi lên như dưới chân núi Sinai xưa, lúc tuyên dương 10 giới răn vậy..., và chẳng bao giờ các nhà lãnh đạo tôn giáo đi tới sự đồng ý" (The Essential, Lippman, 434). nên cứ tiếp tục tình trạng trung lập hoài.


Hậu quả là ngoài mặt thì trung lập, mà bên trong là một sự đấu tranh ngấm ngầm với hai hậu quả tai hại cả cho đạo lẫn đời.

Về phía đạo thì lòng tin tưởng càng ngày càng yếu dần, một học sinh làm bài triết thí dụ phải tập nói sao cho ông chấm bài là Công Giáo hay Tin Lành cũng không đến nổi đánh rớt vì vô ý ghé bên này hay bên nọ, tức là phải lo cho cái phụ nhiều hơn cái chính.

Còn phía dân nước thì thiếu một niềm tin chung, mỗi người đi mỗi ngả nên cũng giống như Âu Châu bị lâm vào bệnh mất trí nhớ công cộng (When they come apart, as they have in the Western democracies, the resuit is tantamount to a kind of collective amnesia. Ess, Lippman 183). Bó buộc phải mất trí nhớ vì khi nhớ tới dĩ vãng thì lại gặp những yếu tố gây chia rẽ nên cố tránh, nhưng tránh thì y cứ vào đâu để tìm ra nguyên lý nền tảng. Và từ ít thế hệ cuối cùng, tất cả nhửng nhà tư tưởng chính trị đều hướng mũi dùi vào việc đòi quyền lợi cho nhóm này nhóm nọ (Lipp. 8) với đầy những mâu thuẫn lộn xộn, đầy tính chất phá hoại xấu xa. (The dogm of majority rule contains within it some sort of deep and destructive confusion. Lipp. 8).

Không còn một ai vươn lên khỏi cảnh hỗn mang chi sơ để đưa ra nổi một cái nhìn cai quát hướng dẫn, và vì thế có gọi là dân tộc là quê hương thì cũng chỉ còn lại có cái xác, chứ hồn chết rồi. Nếu không có vũ trụ nhân sinh quan thì hồn làm sao sống mà chả chết, như sử gia Addams nói: "without a vision men shall die. We have begun to realize in these days how close we have come to separating the coming generation from its heritage in the American past... how dangerously close we have come to being a people who inhabit the land with their bodies without possessing it in their souls. (Lipp. 266). Không có cái nhìn bao la đủ thiết lập một đạo sống thì con người sẽ chết.
"Chúng ta đã nhận ra là càng ngày chúng ta càng ly cách các thế hệ đang lên xa khỏi khối di sản của Mỹ châu... Nguy ngập biết bao khi chúng ta đang trở nên những dân chỉ còn ở lại trong đất có cái xác, còn hồn đã bay đi đâu mất rồi!..."

Ðó là mối lo ngại của các nước giầu mạnh hơn ta có cả 50 lần với một kinh nghiệm thâm hậu về chiến tranh tôn giáo... nên rất đáng cho những miền hậu tiến như nước ta phảisuy nghĩ biết mấy. Trước đây hai ba năm nếu không có quân đội Ðồng Minh thì chắc Cộng sản đã vào xử kiện hộ cuộc đấu tranh tôn giáo và đã giải quyết giùm.

Có thể hỏi rằng tại sao không đưa ra một đạo lý công dân. Thưa đó chính là sự cố gắng của mọi triết gia kể từ thời phục hưng tới nay: tất cả nhiều hay ít đều muốn kiến tạo một nền nhân bản để làm cơ sở cho một nền luân lý độc lập. Và tất cả thất bại như chúng tôi đã chứng minh trong quyển Nhân Bản (bài Ðịa khởi). Lý do là vì không ai thoát ra một nhân bản phục tùng Thượng Ðế thì lập tức bị phía vô thần tấn công. Rồi phía vô thần lại đem ra một nền nhân bản chống Thượng Ðế và bị bên kia đả lại. Và như vậy lại là đưa đấu tranh tôn giáo vào trong triết lý, và ta gọi tắt là chiến tranh ý hệ.

Tóm lại: nếu đưa tôn giáo làm kim chỉ nam thì không sao giàn hòa nổi, được lòng giáo phái này thì mất lòng giáo phái kia. Còn nếu không dạy tôn giáo thì tư nhân cũng như xã hội trở nên chiếc thuyền không lái và con người sẽ trở thành không phẩm tính, lang thang giữa lòng đất tổ như những cô hồn không nơi cư ngụ. Thấy mối nguy ngập đó chính quyền xin các tôn giáo thuận với nhau đề ra một số tín điều chung thì các tôn giáo không sao đi đến thỏa thuận để thực hiện nổi... Và cuối cùng thì phải chịu sự "dữ nhỏ hơn": le moindre mal, là trở lại với trung lập tiêu cực (tức là rửng rưng: neutralité par indifférence). Vì không ai đưa ra nổi một thuyết trung lập tích cực xây trên một nền nhân bản trung hòa.

Ðó là cái vòng lẩn quẩn của Âu Mỹ. Các nước Á Phi vì đang mãi miết tranh thủ độc lập và lo đuổi kịp đà tiến kỹ thuật, chưa nhận ra trạng huống bi thảm kia, nên nhào vô theo sát Âu Mỹ trên con đường dẫn tới những người không phẩm tính, không niềm tin, không một lý tưởng để hăng say với... Có cần chúng ta phải theo Âu Mỹ trong vấn đề này chăng? Hầu chắc trong lý thuyết không một ai bảo phải theo. Nhưng trong thực tế thì chúng ta đang chạy miết theo trào lưu Âu Mỹ. Âu Mỹ đã có nền kinh tế mạnh, tập quán chính trị vững và một kinh nghiệm lâu dài về các cuộc xung đột chiến tranh tôn giáo, nên đủ ý thức để tránh né, để khỏi rơi lại vào thảm kịch chiến tranh ý hệ. Ba điều kiện trên nước ta chưa đạt nên dễ đi vào thảm khốc như kinh nghiệm hãi hùng của 3 năm tiếp sau cuộc đảo chính 1-11-1963. Trong quãng đó ta thấy ý thức dân tộc trụt thấp xuống như thung lũng cho các núi tôn giáo vươn lên bằng gậy, bằng búa, bằng vỏ chai la ve, bốc cao lên bầu khí hận thù, chia rẽ, lọc lừa phe cánh: đánh đổ hết chính phủ này đến chính phủ khác, gây nên biết bao lo âu xáo động làm tan biến mất những ngày sống tương đối an vui.

Từ cơn ác mộng ba năm đó ước ao đồng bào ta rút ra được kinh nghiệm để thiết lập nên một tập thể quốc gia thuần túy bên ngoài mọi tôn giáo. Cho được vậy cần phải có một mặt trận văn hóa y cứ trọn vẹn trên dân tộc và nhân bản. Trong viễn tượng đó chúng ta thấy Nho giáo có thể dùng làm nền móng, và lễ gia tiên dùng làm biểu tượng kính tôn.$pageOut$pageIng. Nho giáo với lễ gia tiên

Nho giáo chính là một trong những tác giả tiêu biểu nhất trong việc biến đổi ý nghĩa lễ gia tiên từ tâm trạng bái vật đưa vào bình diện tâm linh. Do đó Nho giáo có được một đặc điểm này là đã không bao giờ biến thành một tôn giáo, ít ra như Lão giáo hay Thích giáo. Tuy trong 25 thế kỷ tồn tại có một hai lần người ta đã thử thần thánh hóa Khổng Tử, nhưng đó chỉ là việc của mấy Nho gia hàng thứ, và của một hai triều đại nhằm đầu cơ... Còn lấy đại để mà nói thì Nho giáo chỉ là một nền đạo lý theo nghĩa triết lý và văn học. Ðiều này có thể là một thành công hay thất bại tùy sự đánh giá của mỗi người. Nhưng trong hiện trạng nước nhà nó có thể là giải pháp bên ngoài các tôn giáo để làm chỗ gặp gỡ cho mọi tôn giáo trong nước, khi họ đứng về phương diện làm người cũng như làm công dân.

Ðấy là một lợi điểm mà Tây Âu không có, nên không giải quyết nổi vấn đề đạo lý như vừa nói ở trên. Còn chúng ta thì có, mọi tôn giáo có thể chấp nhận vì Nho giáo không chống đối một tôn giáo nào tuy có một số dị biệt, nhưng không phải dị biệt kiểu nhị nguyên đối kháng nhằm tiêu diệt các tôn giáo khác.

Lý do chính là vì Nho giáo là một nền nhân bản đặc biệt khác hơn các nền nhân bản Tây phương, vì đây là nhân bản tâm linh tức một thứ nhân bản đã vượt đợt chống đối kiểu vô thần, hay là suy phục kiểu hữu thần, nhưng là một nhân bản thái hòa: độc lập mà không cô lập... (xem Nhân Bản, chưong IV).

Tất nhiên điều đó không làm thỏa mãn khắp hết các tôn giáo, nhưng xem vào thực trạng thì có ít gì ba bốn tôn giáo, rồi đàng sau còn cả một khối vô thần... thì đấy là con đường tích cực thứ ba mở ra để giàn hòa: đưa ra một số nguyên lý tối thiểu để có thể làm chỗ y cứ cho mặt trận của mọi con dân trong nước thuộc bất cứ tôn giáo nào hay cả không tôn giáo.

Với các tôn giáo thì điểm đầu tiên trong triết lý Nho là mọi tôn giáo được quyền tồn tại, lẽ tất nhiên bao lâu không ngăn trở an ninh công cộng hay xâm phạm đến quyền tự do người khác. Ðó là điểm tiêu cực.

Ngoài ra xét về tích cực, thì các tôn giáo sẽ dễ đồng ý chấp nhận câu "dục tu tiên đạo, tiên tu nhân đạo; Nhân đạo bất thành, tiên đạo tắc hĩ". Tha hồ muốn làm Thánh, Thần, Tiên, Phật chi cũng đặng hết, nhưng bước đầu tiên phải làm người đã. Ðiều này ai cũng có thể công nhận, kể cả người Cộng sản. Vì Karl Marx cũng chỉ nhắm có bấy nhiêu nên nói "làm người mới khó chứ làm thánh dễ ợt". Hợp với nhau điểm này đã là then chốt.

Bước thứ hai "là tâm linh" thì có lẽ người Cộng sản không chịu đi thêm nữa, ít ra bao lâu họ chưa chấp nhận phân tâm học. Vì tâm linh đông phương với phân tâm cũng một chiều hướng, chỉ khác có phương thế mà thôi. Nhưng về phía các tôn giáo thì nói chung chắc đều chịu cả: vì chủ trương then chốt của nó chỉ có thế này: là mỗi người ngoài cái đời sống sinh lý của cuộc mưu sinh, còn có một đời sống tâm linh thuộc thành nhơn, mà sứ mạng là trở nên con người toàn diện cho hết cái cỡ nảy nở của tính bản nhiên con người.
Nho giáo chủ trương có thế. Các tôn giáo cũng không chủ trương khác, nhưng chỉ khác nhau về những phương thế và niềm tin... thì cái đó nhân danh cuộc sống chung của mọi công dân trong nước xin mỗi tôn giáo giữ lại trong phạm vi tôn giáo, đừng một tôn giáo nào đưa yêu sách này nọ kia khác có lợi cho tôn giáo của mình, để chính quyền được thư thái tâm trí mà lo cho ích chung. Mà chung có nghĩa là ai cũng được hưởng. Nói nghe lẩn thẩn - chung thì ai không thế - nhưng trong thực tế hễ nói đến chung thì có nghĩa là chẳng nhóm nào chú ý đến hết, y như hễ là chung thì là mất rồi, vào tay tụi nó rồi...

Ðiểm thứ ba là một hệ luận của hai chữ Tâm Linh, đó là Thái hòa có nghĩa là hòa trời, hòa đất, hòa người. Nói tới trời đất thoạt nghe tưởng là chuyện viễn vông, kỳ thực nếu không hòa nổi Trời Ðất thì con người cũng hết cách hòa với nhau được. Ðó thật là một điều kỳ lạ: con người với thân dài lắm thì hai mét là hết cỡ, vậy mà 25 thế kỷ triết lý chứng minh rằng không biết được Trời với Ðất thì cũng không biết được người, và sự không biết đó cuối cùng đổ nợ lên đầu cổ con người. Thế mới thật là oái oăm (xem quyển Nhân Bản).

Ðó là đại cương nền móng triết lý Nho giáo nguyên thủy, gồm trong 4 chữ "Nhân Bản Tâm Linh" do đó có tính chất thái hòa được trình bày trong Kinh Dịch, hoặc tóm vào hai sách Ðại Học và Trung Dung. Tuy đó là những sách tí hon nhưng đủ để khởi hứng cho chúng ta kiến tạo một nền triết lý mới gồm đủ những đức tính dân tộc, nhân bản và khoa học, một nền triết lý có nét quán thông xâu được mọi tiến bộ của nhân loại trong 20 thế kỷ vừa qua, một nền triết lý dành chỗ đứng cho hết mọi ý kiến, mọi sự việc, mọi biến cố trong trần gian, một triết lý đầy yêu thương, ái kính, tràn ngập tư tưởng như đủ sức chở cả núi non, tát cạn khơi bể, một triết lý dám sống dám chết, dám khóc, dám cười, một nền triết lý tràn ngập hăng say yêu đời... một nền triết lý có khả năng móc nối phái tân học lại với cựu học, cho văn hóa của thị dân, và như thế tìm ra được cả một mảnh đất đứng chung cho trí thức và không trí thức, cho giới lao động cũng như lao tâm, tuy vì sự chuyên biệt có xa gần khác nhau, nhưng nền móng vẫn là một.

Thiết tưởng bấy nhiêu đủ để chúng ta chấp nhận Nho giáo làm lá cờ hướng dẫn văn hóa của nước ta.

h. Ai là những kẻ bực mình?

Mới rồi trong một hai tờ nhật báo thấy câu nói sau đây: "không khỏi người ta nghĩ đến khai quật những học thuật cổ truyền nhưng cũng là ngoại lai là Khổng học và Phật học để làm bực mình những người theo Thiên Chúa Giáo"... Ðó là câu nói gồm chứa nhiều điểm cần phân biệt.

Trước hết không nên coi Nho giáo với Phật giáo như nhau vì Nho giáo không là một tôn giáo như đã nói trên. Do đó không có một tổ chức như giáo hội với một số dân làm hậu thuẫn nên không làm cho tôn giáo khác có thể nghi ngờ là bị lợi dụng và gây ra sự ghen bì này nọ cạnh tranh kia khác.

Còn truyện làm bực mình những người theo Thiên Chúa Giáo chỉ thật có một phần nhỏ. Chứng cớ là có rất nhiều người theo Thiên Chúa Giáo vẫn trọng Nho giáo cho tới hiện nay. Còn trước kia các linh mục, ít ra là ở ngoài Bắc, đều học chữ Nho, nhiều vị rất uyên thâm. Vậy thì có bực mình hay không là bởi lý do khác, chứ không phải hễ theo Thiên Chúa Giáo là bực mình với Nho. Cần xét cách nói, có những kiểu nói không cần phải đưa Nho ra cũng làm bực mình.
Lại cũng phải xét xem người bực mình đó là ai. Có phải chỉ có trong Thiên Chúa Giáo chăng? Không cần quan sát kỹ ta cũng thấy rằng số lớn trí thức hiện nay không theo Thiên Chúa Giáo cũng bực mình khi nghe nói tới Nho giáo, không cứ gì một số người Thiên Chúa Giáo.
Cho nên vấn đề thực ra là phức tạp, chứ không phải cứ theo Thiên Chúa Giáo là bực mình khi nghe nói tới Nho giáo. Ðừng đổ oan cho người theo Thiên Chúa Giáo. Tôi nói oan: vì nếu khi xét thấu đáo mà thấy cần đưa Nho giáo ra, nhưng lại bỏ vì nể một số người theo Thiên Chúa Giáo thì điều đó có liên hệ ngầm với lời tố cáo "theo Thiên Chúa Giáo là bỏ cha mẹ tổ tiên...".

Trong các vấn đề thuộc dân nước, tổ quốc, di sản thiêng liêng giống nòi phải căn cứ trước hết trên lịch sử và những dữ kiện sinh hoạt lâu dài của đất nước, để xác định. Hồn nước không phải là miếng vải có thể nể tôn giáo này, chiều theo ý riêng nhóm kia để rồi mặc ý cắt xén. Nếu được làm thế thì có lẽ không bao lâu khi con cháu ngẩng mặt lên chào quốc kỳ chỉ còn thấy có miếng giẻ rách, chứ không còn là hồn nhất trí siêu tuyệt đã từng bao phen phất cờ chống bắc xâm, mở đường nam tiến, đoàn tụ tâm trí muôn dân con trong nước như một linh hồn, nhờ đó mà nước tồn tại đến ngày nay. Cái hồn mạnh mẽ bất khuất đó, cái ý chí vạn năng kia một phần lớn do Nho giáo giứng tác phát triển, đôn hậu.
Ngày nay vì nể nang một số người chưa xác định nổi thành phần đã vội lui về dân tộc tính theo nghĩa hẹp giới hạn trong mấy truyện cổ tích, một số câu phong dao, tuy quí thật nhưng đủ chăng, và nhất là bỏ Nho giáo thì có thể cắt nghĩa hết ác ý thâm sâu của những truyện đó chăng?

Thế giới mỗi ngày mở rộng thì phần tư riêng càng cần phải kiên trì để có khả năng trung hòa với phần quốc tế, nếu không sẽ bị nuốt trôi. Lúc đó dân tộc học sẽ dốc ra môn cổ học (folklore) nằm gọn trong vai trò trang sức, lâu lôi ra làm "văn nghệ" để mua vui. Dân tộc tính có thể sa đọa đến thế đó khi chúng ta hạn nó vào thị tộc mà không mở rộng ra tới đại gia đình Văn Hóa. Cái luật nền móng của không thời gian là thế này: bất cứ cái gì tư riêng (dân tộc) cũng quan trọng ngang với cái chung (quốc tế). Ðó là luật không thể bỏ qua mà không phải trả giá đắt. Thế mà nhiều người đang lăm le thải bỏ để khỏi làm bực mình nhóm này nọ kia khác. Nếu thế thì ra chính trị mị dân mất rồi.
Chính trị mị dân vì không dám làm bực mình một số người, cuối cùng làm cho toàn quốc phải bực mình. Văn hóa lại theo lối đó thì còn chi là sứ mạng Văn hóa. Văn hóa chân thực không được nể nang. Có những mình cần phải làm cho bực: những mình bật rễ, những mình vọng ngoại, những mình chạy theo lưu tục... Văn hóa chân thực phải đủ can đảm làm bực mình. Có thế mới khỏi theo chúng kiểu đàn cừu. Có thế mới đem lại sự tráng kiện cho những mình đầy bệnh hoạn kia. Nếu xét ra là nhiệm vụ phải làm bực mình thì đừng ngần ngại: có sợ mới sùng, không cay đâu có nghiện?

Ðừng đặt quá nhiều hy vọng vào hội họp, trao đổi thí dụ lập ra một ủy ban giao cho trách nhiệm phải kiến tạo lấy một chủ thuyết chỉ đạo.
Sự việc đâu có dễ như thế. Thâu tóm, hội họp chỉ là bước đầu. Triết lý không thể làm bằng hội họp hay bằng chỉ thị, hoặc tóm lược đại khái cái học thuyết. Nếu làm thế mà được thì thế giới có chỉ đạo từ lâu rồi. Sở dĩ phải nghi ngờ như vậy vì Tây âu mặc dù đủ điều kiện: sách vở tràn ngập, sức khỏe dồi dào, có rất nhiều người chuyên môn v.v... mà từ lâu vẫn chưa thành công kiến tạo nổi một chủ đạo. Những người giầu óc sáng tạo như các triết gia Tây âu mà cuối cùng phải công nhận như một chân lý tối quan trọng là phải trở lại với Truyền Thống, thì đủ biết đó không phải chỉ là một câu văn viết lên để đọc cho vui tai, nhưng là một cái gì liên hệ tới vận mệnh của nền văn minh hiện đại. Bao lâu chưa nhận thức ta sự thất bại của Tây âu về phương diện này, mà còn cứ cố tình coi họ như gương mẫu hoàn bị trong mọi phương diện, thì bấy lâu chưa trông làm được trò trống gì cho ra hồn.
Sở dĩ Âu châu có dư các điều kiện mà vẫn thất bại chỉ vì chưa giải quyết xong vấn đề linh ngữ linh tự và kinh điển. Thiếu mấy khoản đó làm sao xây được dân tộc tính bền bỉ. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề cách cặn kẽ trong quyển "Hiến chương giáo dục" sẽ nói đến những điều kiện căn bản phải hoàn tất để một nhóm người trở thành dân tộc có hồn nước linh động. Ở đây chỉ nhắc qua đến chuyện muốn bỏ một số di sản mà đòi thiết lập chủ đạo là truyện rất diệu vợi.

Có một cách làm khác là bỏ cái bề ngoài Nho giáo bằng dùng tên mới đặt lên tinh thần cũ để làm hồn dân tộc cấu kết các chủ thuyết tương lai, nhưng về đàng giáo hóa đã để mất một hệ thống công thức, định đề, nguyên lý hết sức gọn, biểu hiệu bằng linh ngữ linh tự đầy âm vang sâu rộng, đưa lại cho chủ thuyết cái gì vừa kiên cố (consistant) vừa có sức thấu nhập rất sâu xa vào tiềm thức, chưa kể tới khả năng đi sâu vào đạo lý mà không vấp vào những mâu thuẫn trầm trọng.
Cho nên bỏ chữ Nho đi thì chủ thuyết sẽ kiến tạo kia liều mình trở thành cái gì trôi nổi (flottant), phập phồng, hoặc cứng đơ như kim khí, làm sao có được khả năng thẩm thấu tận xương tủy. Mà trình độ ý thức được nhân chủ tính (là cái hồn của chủ đạo chân thật) sẽ cao thấp tùy theo mức độ cao cấp của sự thấm nhập này, ấy là chưa kể đến việc truyền bá ra ngoại quốc, nếu không có một hệ thống phạm trù đặc trưng có tính cách uy nghi dính liền với những cái gì đã có lâu từ mấy ngàn năm, sẽ dễ trở thành cái gì mờ nhạt.

Nói tóm lại thì khi lấy quá nhiều yếu tố quốc tế vào tổng hợp nó sẽ hiếp đáp một vài yếu tố mỏng mang của dân tộc để trở thành một trong từng trăm triết thuyết hiện đang được thử thách: tất cả đều không có sắc thái, không linh thiêng, không ăn rễ sâu vào dân tộc và nhân bản thì rồi cũng chỉ là một trong trăm ngàn cái gì để thỏa mãn óc tò mò vậy thôi.
Dầu sao cũng không nên quyết đoán tiên thiên rằng hễ khai quật những cái cổ xưa là cổ hủ cũng như đưa cái mới vào là được việc, hay là một cái gì để thỏa mãn óc tò mò vậy thôi... Từ nay chúng ta cần coi thường chủ trương bảo nên theo cũ hay theo mới, nhưng nên thực tế xét từng triết thuyết đề nghị ra, như vậy khỏi tranh luận suông. Vì trong lúc nói lý thuyết thì mỗi người hiểu một cách. Nói là chắt lọc tinh thần mà mỗi người nghĩ đến một đường lối chắt lọc tinh thần khác nhau.
Cho nên muốn thiết thực, mỗi người đề nghị một đường lối nên đưa ngay ra một hệ thống triết lý làm chủ đạo, và chúng ta sẽ căn cứ trên chủ đạo đó để mà phán quyết, hơn là nhận lập trường trên những chủ trương đại khái mà không có cơ sở tương đối sâu rộng, để rồi liên miên tranh luận hay bàn cãi suông. Hoàn toàn vô bổ.$pageOut$pageIni. Vấn đề Văn Miếu với Văn Khoa

Ít tháng trước đây có nghe nói tới dự tính trùng tu hay kiến thiết Văn Miếu. Cả hai chữ đều đúng: nói về vật chất thì hiện nay ta không có Văn Miếu, nên là kiến thiết, là tân tạo. Nhưng về tinh thần thì ta có rồi, và nay có xây cũng gọi được là trùng tu.
Dự án trên nếu được hiện thực đàng hoàng sẽ có thể coi như tiêu biểu cho một cuộc phục hưng lại tinh thần đất nước. Người dân nước từ đó sẽ có một nơi để nghĩ đến như một đích điểm của cuộc hành hương, cho những người dân nặng lòng yêu nước trước lúc xuất ngoại có nơi gửi lời tạm biệt, và trong lúc ở nước ngoài có chỗ hướng về cho bớt lòng trống trải...

Vì thế tưởng nên trình bày một hai nguyện vọng:

Văn Miếu phải là nơi trang trọng rộng lớn để làm những cuộc đại lễ của quốc gia như ngày giỗ tổ và quốc khánh. Trong những lễ đó đại biểu toàn quốc sẽ tề tựu tại Văn Miếu hầu làm lễ phần nào như kiểu tế Thiên để cho ngày lễ có cả cái chi linh thiêng, chứ không chỉ có diễn binh như nay có vẻ tục hóa kiểu Tây. Tuy đôi khi vị đứng đầu chính phủ có đi đến đền nọ hoặc nhà thờ kia cũng không đủ, vì có vẻ tư riêng; mà nếu coi đó là việc chính thức thì còn có thể gây mầm mống chia rẽ phèn bì: sao đến bên này mà lại bỏ bên kia... và dầu sao cũng có cái gì tủi hổ cho hồn nước không nơi cư trú phải đi nhờ vả tư riêng: chủ đất mà không có một nơi để tế lại phải đi tế nhờ! Nghĩ nó nhục nhã làm sao. Thà bỏ hẳn đi có lẽ còn hơn. Còn nếu xét thấy thật đáng thì không những tổng thống mà quân dân các cấp đều đến tề tựu lại cúng tế trong một buổi lễ uy nghiêm trang trọng lớn lao.

Vì thế trước Văn Miếu nên có một công trường rộng xuýt xoát bằng sân vận động, bằng trường đua. Ðó là nơi uy linh của một nước không nên sẻn so vài ba chục mẫu đất. Nhưng nếu vì lý do gì tiếc đất thì xin đề nghị xây Ðại Học Văn Khoa kế cận. Sinh viên Văn Khoa sẽ là giáo sĩ giáo dân của Văn Miếu, có nhiệm vụ linh động hóa Văn Miếu. Hàng ngày khi sinh viên Văn Khoa đến trường cũng là đến quốc miếu để nung rèn tâm trí trong bầu khí linh thiêng của đất nước, và có thể nhờ công trường để tổ chức các cuộc sống chung từ thể thao trở lên đến các cuộc văn nghệ hội họp, đem lại cho Văn Miếu bộ mặt sống động, mà không cần phải tốn thêm đất. Văn Khoa đi tới Văn Miếu là chí lý.

Hiện nay ta chưa có Văn Miếu mà cũng chưa có Văn Khoa. Ðiều sau này cũng mong được nhà cầm quyền sớm lưu tâm. Cho tới nay vì quá nhiều việc chưa thể lo thì người dân chưa nên trách ai. Tuy vậy từ nay cũng cần khởi đầu lưu ý. Ðại Học Văn Khoa là cái khuôn mặt tinh thần của một nước, mà vì ta mất nước nên cũng mất hồn. Ðiều đó được tiêu biểu rõ trong trường sở Văn Khoa: thoạt tiên thiết lập ở bên chuồng ngựa, rồi sau đến giai đoạn đặt ở góc nhà tù cũ của Pháp. Ðến nay mở thêm ra được một góc của cơ sở "Thống Nhất". Nói đúng ra chỉ có một nửa góc. Gồm cả hai cơ sở cũng mới bằng nửa trường trung học Tây J.J. Roussau bên cạnh. Nay ta đã lấy lại được chủ quyền đất nước thì cũng nên nghĩ đến truyện lấy lại hồn nước.

Hồn không ở đâu cả thiệt đấy; nhưng với một đoàn người thì cần phải có nơi un đúc, có chốn tiêu biểu hồn nước. Văn Khoa un đúc công dân theo dạng thức dân tộc. Bao lâu chưa có thì những ai lưu tâm đến hồn nước đều thấy lòng se lại vì sầu tủi mỗi khi phải bước qua ngưỡng cửa "Ðại Học Văn Khoa". Nếu nước Pháp đối với trường sở Oxford và Cambrdge nhiều người Pháp còn phải than phiền vì nước Pháp chưa có được một tòa nhà lịch sử xứng đáng biểu lộ giá trị văn hóa đất nước "Il n'existe pas en France un seul bâtimen universitaire qui soit un monument historique digne de ce nom... qui matérialise la dignité éminente des valeurs culturelles". (Pourquoi des professeurs? Gusdorfs p. 27. (Payot) thì huống chi nước ta. Nước ta chưa được văn minh cơ khí bằng, chứ về văn hóa thì đã có ngay từ ngày khai quốc khi đặt tên cho nước là Văn Lang.

Một số người thấy trường sở Văn Khoa bị bỏ bê rạc đến nỗi như nay buồn lòng nói thà gọi "băm nhăm năm văn điếm" hơn là nói bốn ngàn năm văn hiến thì cũng không phải là thiếu lý do. Bao giờ chúng ta khôi phục hồn dân tộc trong đó có câu "đói cho sạch rách cho thơm" thì khi ấy chúng ta sẽ thấy đã đến lúc cần chú tâm đến Ðại Học Văn Khoa.

Vì chúng ta đã có Ðại Học Quân Sự, Ðại Học Y Khoa lộng lẫy, các trường cao đẳng hành chánh, luật khoa... đều có trường sở, chỉ có Văn Khoa là chưa. Nếu gặp phải một khách ngoại quốc có óc cắc cớ lấy sự quan trọng các trường sở để đo lường giá một nước thì sẽ khen người Pháp khéo nhận xét khi cho rằng người Việt Nam chỉ biết lo có miếng ăn "une masse paysanne apathique pour qui seule compterait la préoccupation quotidienne du bol du riz". Mus 22. Ngoài ra không còn biết chi đến giá trị văn hóa chi cả.

Nghe đâu có dự tính sẽ xây Ðại Học Văn Khoa trên Thủ Ðức, nếu có thực thì cũng không nên nữa: vì như vậy là tách rời văn hóa ra khỏi cuộc đời, nó sẽ chóng đốc ra văn nghệ ròng đặt ngoài đời sống, cùng lắm là mua vui cho lớp người may mắn trong một lúc mệt mỏi, mà lẽ ra Văn Khoa khi thực sự trung thành với sứ mạng của mình thì không phải làm vui vài người, nhưng là làm sống cả toàn dân, linh nhuận cả một cuộc nhân sinh trong hết mọi chiều kích.

Vậy trong khi đặt trường sở Văn Khoa xa trung tâm có tới ba chục cây số thì không kể việc làm ngăn trở thêm đường giao thông còn không giúp cho Văn Khoa có môi trường thuận lợi để chu toàn sứ mệnh của nó.
Ðất trong đô thành còn nhiều, nghe đâu có dự định thiên di một số trại gia binh ra khỏi thành phố, thì càng là dịp tiện để tìm một sơ cở nào thuận lợi cho cả Văn Miếu lẫn Văn Khoa.
Dầu sao chúng tôi thiết nghĩ hai thể chế này phải được đưa ra bàn ở Hội Ðồng Liên Bộ, hoặc cả ở quốc hội nữa. Vì cả hai đều là bộ mặt tinh thần của dân nước, không thể để cho một bộ xoay sở. Nếu không may gặp ông bộ trưởng giầu máu bốc đồng cho xây đại một cái miếu ở chỗ nào bất kỳ rồi gọi là Văn Miếu cả năm mở cửa vài ba lần cho mấy bô lão đóng áo thụng vào dâng hương, thì đó là văn miếu của loài nhện, của giống dơi dơi, chứ không phải là Văn Miếu viết hoa của giống Lạc Việt có một lịch sử Rồng Tiên cho tới ngày nay với biết bao di sản, biết bao yếu tố linh thiêng cần được bảo tồn và triển khai cho lại vọt lên nguồn sinh lực mạnh mẽ và rất cần thiết cho đoạn cứu quốc và kiến quốc hiện nay, mà thiếu nó không làm nỗi.

Vì thế Văn Miếu là việc của toàn dân nghĩa là của quốc hội, của liên bộ đều phải dành ra một lần để lưu tâm cách nghiêm túc. Có tốn kém vài ba trăm triệu của ngân quỹ quốc gia cũng không nên ngần ngại. Con người cần có cái thể diện thì một nước cũng cần phải có cái quốc thể của nước, gây lại được cái hồn nước, cái nhất trí hăng say như thời hội nghị Diên Hồng, thì vài ba trăm triệu kia là một việc đầu tư có lợi trên hết và cần phải mở đầu cho mọi cuộc đầu tư khác vậy.

k. Khi rồng Việt Nam uốn khúc

Nó uốn khúc vào một buổi xưa năm 1947 ở Văn Miếu Hà Nội, khiến cho Albert Sarraut xuất thần nói lên những lời của dân tộc Việt rằng người Pháp đang dự tính đưa Việt Nam đến nền độc lập kỹ nghệ hóa tối tân. Ðó là nguyện ước sâu xa của người Việt cũng như một đôi người Pháp hiếm hoi.

Nhưng hầu hết người Pháp ở Hà Nội lúc đó đã phản động lại tức khắc và một cách dẻo dai. Các báo tiếng Pháp đều bày tỏ lòng sợ hãi bàng hoàng coi như tất cả sẽ tan tác. Vì họ cho rằng bên Ðông Phương người ta chỉ nói tới cái gì không thể tránh được, đã gần tới, vì ngay việc nói tới đã làm cho điều đó trở thành gần xảy tới rồi. Phủ Toàn Quyền phải ra từng loạt thông tư để trấn tĩnh người Pháp, đại để rằng những điều quan Toàn Quyền nói còn rất xa xôi, có lẽ một ngày kia trong một thế kỷ nữa, ai mà biết được, thì nước Annam có thể tự sống như một quốc gia tân thời. Nhưng tới lúc đó thì nó đã kết thân chặt chẽ với nước Pháp, nên nước Pháp vẫn không phải ra đi: Peut être un jour, dans un siècle qui sait, l'Annam serait-il en mesure de vivre comme une nation moderne; mais à ce moment là ses liens avec la France seraient si amicalement étroits que celle-ci même alors, n'aurait pas à s'en aller. On entendit couramment exprimer l'avis que les Annamites n'en demandaient pas tant"; "on leur mettait ainsi des idées en tête, ce dnt on aurait pu se dispenser"; "ils se trouvaient bien, eux-mêmes comme ils étaient". Mus 192.

Người Pháp trách A. Sarraut là gieo ý tưởng độc lập vào óc người Việt Nam. Chứ thực sự người Việt Nam có đòi đến thế đâu, họ đang sung sướng với hiện trạng rồi mà.
Những lời của A. Sarraut bị coi như vụng về đã đưa người Pháp đến cảnh bi đát hiện nay (1952). Theo người Pháp thì lỗi lầm lớn nhất của A. Sarraut là đã từ bỏ nguyên lý quyền bính "là điều duy nhất đáng kể đối với người á Ðông": par notre démission du principe d'autorité "le seul qui compte pour les Asiatiques" Người ta gọi A. Sarraut là Naufrageur, kẻ đánh đắm tàu. Ðiều đó theo hoàn cảnh lúc ấy là rất nặng, vì quốc hội Pháp mới quyết định: một là phải gửi sang Ðông dương 3 sư đoàn, hai là sai phái A. Sarraut sang làm toàn quyền. Vì không có 2 sư đoàn nên nước Pháp sai A. Sarraut sang như cứu tinh. Thế mà A. Sarraut lại nói lên những lời tai hại như trên, thì đó là chỗ làm cho người Pháp Ðông Dương sửng sốt hốt hoảng.
Sự thật thì A. Sarraut "lỡ miệng" "tình cờ" nói lên mấy lời kia, ấy là khi theo óc duy lý mà bàn, nghĩa là khi không tìm ra lý do thì cho là tình cờ, là lỡ miệng.

Nhưng đối với Ðông Phương không thể nói vậy được. A. Sarraut hiểu được sự đợi trông của dân Pháp muốn ủy thác cho mình đưa dân Việt Nam vào liên hiệp Pháp, sứ mạng là ở đó; vậy tại sao lại nói tới độc lập chống lại ý muốn cả một nước Ðại Pháp và nhất là những người bao quanh A. Sarraut.
Theo quan niệm cổ xưa của ta đó là hồn tiên tổ của giống Lạc Việt nhập vào A. Sarraut, và dùng miệng y để nói lên đường hướng phải theo trong một khúc quanh mới của lịch sử. Cũng như theo lễ gia tiên thì hồn tiên tổ nhiều lần nhập vào đại diện (Nho gọi là Thi) hoặc là vào cổ Thi và mu rùa bao giờ cũng được chiêm bói trong nhà Thái Miếu. Thi Qui là phát ngôn nhân của tiên tổ. Chính tiên tổ mới là người trị nước, còn nhà vua đương trào chỉ là người thừa hành mà thôi.

Vậy cũng chính cái hồn tiên tổ, hồn nước, hay nói theo Huyền Sử là Rồng nước Nam uốn khúc đã không cho A. Sarraut nói theo ý hắn cũng là ý của nước Pháp, nhưng phải nói theo ý của "giống thiêng Tiên Rồng".
Ai bảo A. Sarraut dám đến Văn Miếu mà đọc diễn văn! Vì đó là nơi linh thiêng. Nên biết rằng đó không phải là truyện huyền học khi gọi nước Việt là giống Tiên Rồng. Xét về địa dư, nước có hình chữ S như rồng uốn khúc, có dãy núi từ Bắc chí Nam như chòm lông mao. Về mặt địa lý có rất nhiều nơi linh thiêng được gọi là những long mạch mà Văn Miếu là một. Albert Sarraut cũng như như bao người Pháp cho đó là truyện tin nhảm không thèm kể đến, nên đòi vào Văn Miếu để nói chính trị, nghĩa là nói những chuyện huyền học tục hóa.
Ừ được, các anh không tin thì cho các anh biết tay: bắt các anh nói lên điều các anh đang sợ hơn hết là nền độc lập của "Nước thiêng Tiên Rồng". Ðấy là bài học các anh nên trở về nhà suy nghĩ cho thấm thía.
Người Việt Nam vẫn còn nuôi sống những ý tưởng và lề lối cổ truyền trong dân gian. Không còn tìm đâu được môi trường thích hợp hơn cho bài diễn văn chương trình trong khoảng những bức tường thiêng liêng, trước sự chứng kiến im lặng, nhưng hiệu nghiệm của những bia đá mang tên các bậc khoa bảng.
Ðó chính là nơi mà toàn dân tin tưởng là long mạch, có một làm sóng linh thiêng toàn quốc mà người quốc trưởng phải thâu lấy để phát thanh lại cho toàn dân. Quan Toàn Quyền lúc đó là quốc trưởng, nên long mạch truyền diện vào bắt y nói tiên tri về sự giải phóng người Việt Nam, trước sự sửng sốt của đồng bào hắn. Phải chăng vì ông ta dẫm lên long mạch nên bị giật do làn sóng điện u linh bắt phải nói lên những điều không dự tính nói.

Ông Paul Mus viết: "Ðó phải chăng là một dị đoan mà nó đưa ta vào một thế giới kỳ dị mà ta không biết mình ở đâu, bàn chân của lý trí không tìm được đất đứng. Phải, có lẽ đó là một thế giới làm bằng biểu tượng, bằng những ý tưởng khiến chúng ta ngỡ ngàng, khiến cho đường lối chính trị của ta trở thành bất nhất. Có thật chăng là một thế giới khác biểu lộ qua thế giới đang nói năng. Xem ra hai giống người Pháp và Việt đã đi tới điểm mà họ phải chia lìa nhau trong một sự không thể hiểu nhau, hoặc nữa là họ phải vượt qua những sự kiện bên ngoài? (Mus 202).

Ðến đây chúng ta phải thưa rằng trên phương diện chính trị người Pháp đã phải lìa khỏi chúng ta, vì họ không hiểu nổi ta nữa.

Nhưng chúng ta cũng cần nói thêm ngay rằng: hầu hết giới trí thức trên phương diện văn hóa cũng theo người Pháp cho rằng những truyện vừa nói trên kia là dị đoan đã lỗi thời rồi. Nhưng chúng ta hỏi có thật là dị đoan cần phải vất tái đi chăng? Hay là chúng ta cần phải theo lời mời của Paul Mus đi xuyên qua những hiện tượng bên ngoài. Nếu đứng ở bên ngoài thì quả thật đó là một sự thực thuộc lịch sử không ai chối cãi, nhưng tin tưởng rằng đó là hồn tiên tổ, đó là Rồng uốn khúc thì là dị đoan, người Pháp cho đó chỉ là một sự nhỡ miệng, một sự tình cờ, tin là hậu quả long mạch thì dị đoan. Các nhà trí thức cũng tin như vậy.

Tuy nhiên những người chủ trương hồn nước cho đó là lối giải nghĩa lưng chừng, hễ cái gì không tìm ra manh mối thì bảo là tình cờ, nói vậy là che đậy cái dốt như câu châm ngôn của phân tâm - "tình cờ là viện ẩn náu của cái dốt: asilium ignorantiae" -

Vậy nên phải tìm một giải đáp mới xa hơn giải đáp của giới trí thức duy lý cũng như có nền móng hơn giải đáp của cổ truyền là "Rồng uốn khúc!"
Chúng ta nay sẽ không cho là tình cờ mà cũng không cho là rồng uốn khúc, nhưng sẽ giải đáp theo tâm lý các miền sâu và sẽ gọi sự kiện trên là hậu quả của "cơn lốc tâm linh": tourbilon psychique hoặc là làn sóng đáy của đại dương vô thức cộng thông l'inconscient collectif hay là của muôn thế hệ tinh anh mà một số tên tuổi còn ghi trên những bia đá xếp hàng trang nghiêm trước Văn Miếu, cũng là nơi qui hướng của hơn hai chục triệu người dân Việt đang tranh thủ cho nền độc lập nước nhà.
Cho nên là một thực tại lớn lao tuy không nói lên, nhưng có sức mạnh như làn sóng đáy quật ngã những cái chi trên mặt như những lời chính trị ngoại xâm, và rồi đây cả đến dư âm của nền văn hóa duy lý phàm tục ròng thiếu chất u linh của Tây Âu cũng sẽ bị xô đổ.

Chất u linh đó là gì chúng ta chưa nói rõ lên được, nhưng nhiều người đã thử gọi tên như Schopenhauer gọi là hồn khóm (l'âme-groupe), những người chủ quan duy trí (gnostiques) gọi là du hồn đoàn (eggregore), còn Ferrero gọi là Thần-thị-xã (les génies de la Cité) hơi giống cái mà Freud kêu là siêu ngã (surmoi)... hay theo khoa xã hội học là "ý thức cộng thông thường đàn áp ý thức cá nhân"...Tất cả bấy nhiêu danh từ khác nhau đều nhằm nói lên một thực thể u linh cao hơn các cá nhân trong một nước cộng lại, và có một đời sống riêng biệt vừa cao xa mà lại rất thâm sâu nơi lòng mỗi người.

Chính cái thực thể u linh đó mà dân Việt quen gọi đơn sơ là hồn sông núi, là long mạch chính nó đã làm cho Abert Sarraut xuất thần nói lên những lời không muốn nói.
Chính chất u linh đó đã luôn luôn phảng phất như hồn nước đôn đốc cho đoàn người Việt trong cuộc sống hết sức cam go mà không bị tiêu diệt hay bị đồng hóa. Chính những yếu tố tâm linh đó làm nên cái gì thiêng liêng nhất được tiền nhân ta sùng bái trong các Văn Miếu từ cấp nước tới cấp làng. Và ngày nay nói đến xây Văn Miếu tức là nói đến trùng tu lòng sùng mộ chân thực của Văn Hóa. Quốc Miếu một khi đã được trùng tu nghĩa là không những có điện đài mà còn làm phục hoạt lại được các yếu tố linh thiêng thì từ đó Quốc Miếu sẽ là đài phát thanh truyền tinh thần đi khắp nơi trong nước.
Mỗi gia đình đã có sẵn bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ khác tương tự sẽ là bấy nhiêu máy thâu thanh để thâu tiếng gọi của nước non, của tiền nhân từ muôn thế hệ truyền đến, bơm hăng say thành khẩn vào cho mỗi người con dân để mỗi người coi việc nước như việc nhà: cố sức chu toàn cái nhiệm vụ được ủy thác cho với một tấm lòng chí thành tận tụy. Tiếng hịch cứu quốc kiến quốc phải tự đó phát ra như vậy.


Cho nên Văn Miếu có thể chỉ là một cái tàn tích của thời mông muội dị đoan, người văn minh chẳng ai tin tưởng nữa, có xây lên chẳng qua vì óc mị dân (loại dân cổ rả nông thôn) vì phong trào quay về dân tộc, hoặc làm để che đậy sự bật rễ của nhà cầm quyền. Trong trường hợp đó dù chỉ tiêu tốn chừng mươi triệu cũng phải gọi là xa xỉ mà một nước nghèo như ta không nên hoang phí.

Trái lại Văn Miếu cũng có thể là một lò máy trung ương sản xuất và truyền ra khắp cả nước điện lực tinh thần cho toàn quốc thì đó là nhu yếu cần một cách khẩn thiết cho nước nhà đang bị các ý hệ ngoại xâm phá hoại, mà phần còn lại gọi là quốc gia cũng đang bị tan rã và phân hóa đến cùng tột, vì không được một chủ đạo nào qui tụ và linh động hóa..., thì lúc đó Văn Miếu trở thành nhu cầu mà kỷ nguyên Hiến Pháp mới không thể không lưu tâm. Và nếu thi hành được trúng cách nó sẽ là sự lên đường của Rồng nước Việt. Sau một thời gian ngủ say thì năm 1947 uốn khúc và năm 1967 với tân hiến pháp, tân chính phủ, với việc trùng tu Văn Miếu sẽ là cuộc phục sinh đi lên đường thống nhất, độc lập thật sự trên mọi địa hạt kinh tế, chính trị, nhưng đi đầu phải là độc lập văn hóa.

Ðiểm cuối cùng này quan trọng nhất và việc trùng tu Văn Miếu phải lấy làm mục tiêu chính-đại căn-cơ.$pageOut$pageIn7. Lời Bạt

Tập này lẽ ra có chương thứ 7 "Từ Văn Miếu tới Văn Hiến" và một đoạn kết, nhưng khi tác giả khởi viết tới chương bảy tì bị đau, y sĩ cấm viết trong vòng giăm tháng, vì thế không có chương bảy và đoạn kết.
Vậy xin nhờ độc giả kết hộ, và xin hẹn với độc giả trong một hai quyển khác cùng loại nói về Việt Nam chẳng hạn: "Hiến chương Giáo dục" hay là "Loa thành đồ thuyết"... Những sách này nhằm móc nối với bộ ngũ luận (1. Nhân Bản; 2. Chữ Thời; 3. Tâm Tư; 4. Nhân Luân; 5. Sinh Hóa) và mấy tập dẫn vào như Cửa Khổng hay Nho Giáo Nguyên Thủy, Triết Lý Giáo Dục, Những dị biệt giữa hai nền triết lý Ðông Tây, Ðịnh Hướng Văn Học ... nhằm đưa Triết Ðông vào những chân trời mới của xã hội học, nhân chủng học, phân tâm và uyên tâm (poychologie des profondeurs) v.v...

Tất cả những quyển dẫn vào cũng như bộ ngũ luận đều hướng đến nhân loại đang đi lên nghĩa là xóa bỏ dần mọi phân ranh về quốc gia, tôn giáo, chủng tộc... vì thế mà từ những quyển nói về Việt Nam, cho tới triết lý Ðông phương (trong ngũ luận) chỉ có một hai giới mốc nhập nhằng thẩm thấu. Chúng ta đang bước vào giai đoạn đại đồng, một nền triết lý muốn hiệu nghiệm phải dẫn đầu trong việc xóa bỏ bờ cõi. Một số nét đặc trưng đưa ra chỉ là điểm tựa thiết yếu ở khởi điểm và sẽ trở nên lu mờ ở điểm tới.

Mấy lời trên đây là thử phác họa một đường hướng làm việc để độc giả nào thấy đồng hành tương ứng thì dễ theo dõi nhưng vì lý do sức khỏe và thời giờ nên tác giả không dám chắc có hiện thực được hay chăng.

Trong khi chờ đợi, nếu bạn nào thấy đồng khí tương cầu xin nghiền ngẫm những quyển đã ra: Cửa Khổng, Triết Lý Giáo Dục, Nhân Bản, Chữ Thời, (phải đọc song song với) Vũ Trụ Nhân Linh. Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam, quyền sau cùng này dễ nhất, tác giả đã phải viết trước kỳ hẹn để bù vào quyển Chữ Thời là quyển khó nhất trong bộ. Cũng như mấy quyển đầu cũng không phải là dễ, vì còn đang nói lý thuyết và nguyên tắc chung, còn phương pháp áp dụng cụ thể dành cho các quyển sau nên sẽ có phần dễ hơn.

Vì tác giả không nhằm đại chúng, bởi đã quá nhiều sách báo nhằm điều đó, mà nếu tất cả sách báo trong một nước đều nhằm đại chúng thì văn hóa nước đó sẽ mãi mãi tà tà.
Kinh nghiệm các nhà đại giáo dục cho biết cái gì dễ hiểu và dễ học thì cũng dễ quên và người đọc vẫn mãi sống trong cảnh tản mác mâu thuẫn. Ngược lại cái gì khó hiểu khó học thì sẽ nhớ lâu và dần dần ngấm vào tiềm thức đem lại cho người đọc một hướng sống có chuẩn đích có tư cách vững mạnh.
Cái bệnh thông thường hiện đang lan tràn khắp thế giới ngày nay là bệnh quay cuồng; bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến phổ biến, nhưng phổ biến cái chi? Nếu toàn rặt một loại đai khái mà tiến thì cái tiến sẽ đi tới đâu?

Khoa học tiến không phải là đánh đống lại những cái thường xuyên khái quát, nhưng là tìm ra một cái gì mới, mà cho được tìm ra cái mới phải khó khăn cả phía người viết cũng như phía người đọc. Vì thế trong một nước phải có người lo cho đại chúng mà cũng phải có người lo tìm kiếm.

Vì lý do đó tác giả chỉ nhằm một số nhỏ gọi là Văn Hiến nghĩa là những người có một tầm học thức tương đối cao với một bầu nhiệt huyết hăng nồng đối với nền Văn hóa nước nhà. Khi đã có được một số người như một cơ sở tinh thần khá kiên cố, thì lúc đó có phổ biến mới ơn ích, mới không phải là lửa rơm, nhưng là một cái gì bền bỉ lâu dài.
Danh thơm của một quốc gia là do ở mấy người ấy chứ không phải chỉ ở chỗ toàn dân đều biết đến độ phổ thông.

Vì thế trong khi chờ đợi, nếu bạn nào thấy hợp chiều hướng xin đọc kỹ, suy nghĩ, đọc lại có thể 2, 3 lần (có một bạn bên Mỹ cho biết sẽ đọc 10 lần! cũng như bên Việt Nam đã có người đọc 10 lần rồi) và chúng tôi đã nhận được vài chục tang chứng rất hào hứng.
Hi vọng số đó sẽ tăng dần để một ngày gần đây chúng ta có đủ người kiến tạo một chủ thuyết cho quốc gia hầu lấp cái lỗ trống về tinh thần đã xuất hiện từ "băm nhăm văn điếm" trở lại đây (giai đoạn lại căng thẳng ra thứ gì từ quãng 1930 xuýt xoát).

Gọi thế không phải vì chúng ta thâu thập quá nhiều văn hóa nước ngoài. Về mặt này so với Nhật Bản thì nước ta thâu thái chưa biết có được bằng 1 phần 10 của họ chăng, thế mà không thể vì thế mà gọi văn hóa Nhật là lai căng, vì họ có hồn, có cơ sở tinh thần của họ, nên càng thâu thái càng trở nên phong phú, còn nước mình vì thiếu cơ sở tinh thần, nên thâu thập dẫu ít cũng phải gọi là lai căng: trí thức vẫn lơ mơ, nhiều người truyền bá tư tưởng Cộng sản mà nếu ta bảo họ là Cộng sản thì thật là oan vì họ làm hoàn toàn vô ý thức, mà vô ý thức là tại nước thiếu cơ sở tâm linh.

Cho nên việc khôi phục lại hồn nước chính là cứu quốc, kiến quốc và đó là con đường chúng ta còn phải làm việc nhiều lắm mới đủ bù lại ba bốn chục năm cò vất cò vơ vừa qua.

Và nếu bao lâu chúng ta chưa kiến tạo nổi được một chủ đạo cho nước nhà thì xin ít nói tới Văn Hiến chi bang hoặc "Việt Nam có bốn ngàn năm Văn Hiến" kẻo tủi hổ cho vong linh của muôn thế hệ Tiên Tổ.


Saigòn ngày 25/03/1967
Lương Kim Ðịnh$pageOut
Xin đọc theo các Phần ==>



.


-