Tuesday, April 29, 2014

DÒNG TÂM TƯ NƯỚC MẮT PHẦN II

PHẠM VĂN THÀNH


Những chữ viết tắt trong bài:
- VNCH: Việt Nam Cộng Hòa
- MT/VT = Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam/đảng Việt Tân
- VC: cộng sản Việt Nam

+ Để xem các ảnh rõ hơn, xin bạn đọc mở ảnh trong Tab mới (right click and open in new tab) rồi zoom lớn (nhấn tổ hợp phím Ctrl +)

================================


Để kết thúc bài viết này, tôi trân trọng công bố phần hai của lá thư mà tôi đã gởi cho cấp cao nhất Tổng vụ Hải ngoại MTQGTNGPVN. Phần hai này được bắt đầu từ câu nói của ông Hoàng Cơ Minh trong những ngày cuối cùng "ÔNG NÓI, SAO TỚI GIỜ NÀY VẪN CHƯA THẤY LÊ PHÚ SƠN RA ĐÓN?".
VẬY LÊ PHÚ SƠN LÀ AI? NGƯỜI NÀY CÓ QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI ÔNG MINH?
QUAN HỆ NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI ĐƯỜNG DÂY XÂM NHẬP?
Khoảng 1982, từ trong nước có một nhóm người vượt biên giới đến Thái và gia nhập vào TQGTNGPVN. Dẫn đầu đoàn người này là ông LÊ PHÚ SƠN, xưng danh là "đại diện kháng đoàn Thất Sơn" từ trong nước ra kết hợp.

Trong đoàn này có ông Dương Văn Tư, ông Trần Tự Nhiên và con trai, bà Trần Thị Kim Huệ (vợ ông Nhiên), Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, ông Lê Đình Bảy và một số người khác. Trong đoàn người này có hai người bị tổ chức MẶT TRẬN tuyên án tử hình và đã bị xử tử vì lý do được gọi là phản bội vào khoảng đầu năm 1985.
Các KCQ trong tù thì xác định rằng đã có sự tranh cãi kịch liệt giữa ông Trần Tự Nhiên và các cấp lãnh đạo về việc ông Nhiên đòi ra hải ngoại để vận động kết hợp thêm vì không đồng ý cách làm việc của MẶT TRẬN trong việc kết hợp.
Sau khi hai người vừa nêu bị xử tử, đường dây xâm nhập cũng bắt đầu bằng các đợt về đầu tiên do ông LÊ PHÚ SƠN lập ra. Các đường dây này gọi là đường dây của "Ủy ban Kháng quản". Ông LÊ PHÚ SƠN sau đó đã trở thành người cao cấp nhất của các Ủy ban Kháng quản, người chịu trách nhiệm đường dây xâm nhập cho tất cả các đợt tiếp theo. Người được Tướng Minh phong cho chức vụ cao nhất ở trong nước lúc đó là Trần Phó Trấn IV. Nên nhớ cho tới lúc bấy giờ (và cho đến nay) ở trong nước không có bất cứ cấp TRẤN nào ra đời ngoài Trấn IV. Cấp Trấn, theo như các KCQ giải thích sau này, được so tương đương cấp Vùng thời Việt Nam Cộng Hòa (có 4 Vùng Chiến thuật trước 1975).
ĐỢT ĐÔNG TIẾN I về năm 1986 do ông Huỳnh Trọng Hà dẫn, lãnh đạo là ông Dương Văn Tư. Trong đoàn này còn có bà Trần Kim Huệ và ông Huỳnh văn Tiên. Cả đoàn đã vào tới sông Sa-Thầy. Tới một đoạn sông dữ, ông Huỳnh Trọng Hà và mấy chục người khác đã bị cuốn trôi mất xác. Ông Lâm Thao lên thay thế Huỳnh Trọng Hà và cũng bị chết do phản bội (?).
Ông Dương Văn Tư đã họp những anh em còn lại (trong đó có Dương Mến, người em kết nghĩa của tôi) và chia cho mỗi người một ít vàng, rồi bảo ai nấy nên tự mình tìm đường thoát. Ông Tư đã biệt tích sau đó.
Anh em đã lần theo dấu giày và thấy hướng mũi giày đi về phía Cam Bốt.
Xin lưu ý là sông Sa Thầy nằm trong địa phận Pleiku, Việt Nam. Sau đó không lâu, những người còn lại đều bị bắt, bị đánh đập và tra tấn dã man.
Mọi câu hỏi đều không thấy đề cập đến bà Trần Kim Huệ và ông Huỳnh Văn Tiên (xin đừng lẫn lộn với một người cũng tên Huỳnh Văn Tiên hiện đang ở Đan Mạch).
ĐỢT ĐÔNG TIẾN II về ngày 11 tháng 7, 1987 gồm khoảng 180 người (với 30 lính kháng chiến Lào Vàng Pao) đi từ tỉnh Ubon ngược về Mộc Tà Hản bằng xe của Hồng Thập Tự Quốc Tế. Sau đó băng qua sông Mê-Kông để vào tỉnh Saravan thuộc Lào. Ông Minh đã đổi hướng đổ bộ thay vì theo sự sắp đặt của tình báo Thái. Sau này, trong các đợt thẩm cung, các KCQ đều biết rằng điểm đổ bộ do tình báo Thái sắp đặt đã có một trung đoàn bộ đội Việt cộng phục sẵn.
5 ngày sau khi đổ bộ qua sông, ở một đoạn đường quốc lộ 13, đoàn quân Đông Tiến II đã đụng trận đầu tiên, buổi chiều đụng lần hai, và liên tiếp cho đến ngày thứ 49 của trận chiến. Đặc biệt thời gian đầu bộ đội Việt Cộng chỉ đánh cầm chừng, cho tới khi ông Lê Đình Bảy dẫn một số quân thuộc "Kháng đoàn Thất Sơn" cũ trốn về phía Việt Cộng thì áp lực trận chiến tăng cường độ ác liệt với rất nhiều đạn pháo cá nhân được xử dụng, nhắm thẳng vào đoàn quân. Ông Lê Đình Bảy trốn về với Việt Cộng ngày 16 tháng 8/1987.
LÊ ĐÌNH BẢY LÀ "QUYẾT ĐOÀN TRƯỞNG QUYẾT ĐOÀN ĐẶC NHIỆM" trong Đông Tiến II trước khi y phản bội.
Xin lược qua cơ cấu tổ chức của Đông Tiến II. Đông Tiến II về nước với một Tâm đoàn.

Một Tâm đoàn gồm có:
* 3 Quyết đoàn.
* Một Quyết đoàn gồm 3 Dân đoàn.
* Mỗi Dân đoàn có khoảng 15 người.
QUYẾT ĐOÀN ĐẶC NHIỆM GIỮ NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHIẾN HỮU CHỦ TỊCH CÙNG CÁC CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG.
Lê Đình Bảy "bị" CSVN kết án 7 năm nhưng chỉ ở tù khoảng 3 năm với tất cả mọi ưu đãi của chế độ. Lê Đình Bảy đã được đi "diễn thuyết" nhiều nơi, cho dân chúng cũng như các trại tù, về đề tài: "Bộ mặt thật của Mặt trận Hoàng Cơ Minh". Lê Đình Bảy là người hợp tác tích cực nhất với Cộng sản sau khi mãn "tù".
Điểm lại những khuôn mặt tạm gọi là "phản bội", ta có thể thấy một sự xuyên suốt liên quan đến các nhân sự mang tên gọi "KHÁNG ĐOÀN THẤT SƠN". Từ LÊ PHÚ SƠN đến TRẦN TỰ NHIÊN, NGUYỄN HỮU NHIỀU (hai người bị tử hình tại chiến khu) đến TRẦN THỊ KIM HUỆ, LÊ ĐÌNH BẢY, v.v... (ngoại trừ trường hợp bị xử tử) những người còn lại đều không chết và một số anh em KCQ bị cầm tù tại B34 (Cục Phản gián phía Nam của VC) đã nhìn thấy rất rõ LÊ PHÚ SƠN VÀ TRẦN THỊ KIM HUỆ RA VÀO TRUNG TÂM B34 VỚI DÁNG ĐIỆU CỦA NHỮNG CÁN BỘ CAO CẤP!
Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều thời gian năm 1984 tại Trại Tỵ Nạn Dangred
Báo trong nước (VC) loan tin cái chết của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều với bản án tìm thấy trong túi xách của Trần Thiện Khải. Trần Thiện Khải hay Trần Khánh là nhạc sĩ khu chiến, một cựu sĩ quan cấp Úy của Hải Quân VNCH, ông Khải cũng là cánh tay mặt của ông Hoàng Cơ Minh. Nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng

Ông Hoàng Cơ Minh chết đi, Võ Hoàng là cán bộ bí thư đã tuyên bố không thể chết theo mà phải sống để làm chứng nhân lịch sử. Tiếc thay anh đã bị M79 của Việt Cộng bắn nát người. Anh chết đi, cuốn sổ tay "Nhật ký Hành quân" và mật mã liên lạc bị lọt vào tay Cộng sản. Cuốn sổ tay này đã được sao chụp thành nhiều bản để Việt Cộng làm công việc điều tra từng người.
Nhà văn Võ Hoàng (trái) và Hoàng cơ Minh, U Bon Thailand 1984 – tư liệu của Phạm văn Thành, phóng ảnh báo Kháng Chiến số 27
Nếu ta ghép dữ kiện cuốn sổ tay với việc Lê Phú Sơn ra vào B34 như một cán bộ Cộng sản, khả dĩ có thể cứu tổ chức MT tại hải ngoại khỏi tội lừa dối đồng bào về cái chết của ông Hoàng Cơ Minh, về hành vi vẫn công khai công bố ông Minh còn sống, vẫn còn lãnh đạo HỘI ĐỒNG KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC.
Nhưng cái vế thứ hai của vấn đề thì lại rơi vào hố thẳm bất lợi hơn rất nhiều cho tổ chức. Ấy là mọi đoàn viên, tất cả đồng bào, đều có quyền đặt câu hỏi: "VẬY THÌ AI LÀ NGƯỜI LÃNH ĐẠO 'HỘI ĐỒNG KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC' SUỐT MƯỜI MẤY NĂM NAY?"
Trở lại với các đợt về nước, MẶT TRẬN không chỉ tổ chức 3 cuộc Đông Tiến với võ trang đầy đủ. CÁC ĐỢT VỀ KHÁC CỦA "ỦY BAN KHÁNG QUẢN" ĐỀU BẰNG GIẤY TỜ DO BỘ NỘI VỤ VIỆT NAM CẤP. TẤT CẢ ĐỀU BỊ BẮT TẠI BATTAMBANG. KHI BẮT HỌ, CÔNG AN VIỆT CỘNG NÓI VỚI NHAU: "LẠI VÀI CON NHẠN BỘ NỘI VỤ NỮA..." Thái độ của bọn công an tỏ ra rất coi thường những người xâm nhập bị bắt (?).
Tất cả những người bị bắt đều bị buộc phải viết trên giấy gởi ra chiến khu là "đường giây tốt đẹp", là "an toàn". Họ thậm chí còn phải viết ra những tin ma, nay đánh chỗ này, mai đánh chỗ khác; tuần trước diệt đồn công an, tháng qua treo cờ, tuyên vận, v.v...
Khi đã mãn hạn bị biệt giam (bị giam giữ riêng một mình, không được liên hệ với bất cứ ai) thì ai cũng đặt câu hỏi với nhau: "Tại sao anh lại báo ra là an toàn?" Rồi người trước giận kẻ sau, người sau oán kẻ trước...
ĐƯỜNG GIÂY ỦY BAN KHÁNG QUẢN (UBKQ) CŨNG DO ÔNG LÊ PHÚ SƠN VẼ RA!
Người ta có thể đặt câu hỏi "phải chăng ông LÊ PHÚ SƠN phản MẶT TRẬN vì MẶT TRẬN đã quá tàn ác, giết người của họ ngay tại chiến khu?" Cũng có thể đặt giả thuyết rằng "ÔNG LÊ PHÚ SƠN LÀ PHẢN GIÁN CỦA VIỆT CỘNG CÀI VÀO HÀNG NGŨ MẶT TRẬN Ở CẤP CAO NHẤT!"
Đau đớn thay cho số phận những người đã nằm xuống cho lý tưởng sáng ngời họ theo đuổi. Con số không phải là ít oi, trong cả ba đợt, số tử vong lên đến hàng trăm người.
Những người bị tù đày khốn khổ trong cô đơn tuyệt vọng cũng lên đến hàng trăm. AI ĐÃ VÀ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC NÀY?
Người ta đã lôi đích danh Bùi Văn Nam Sơn của vụ ông Bá ra để luận tội. Người ta đòi chúng tôi phải đưa Chu Vũ Hoan ra để xét xử... Nhưng không thấy ai dám mổ xẻ sự kiện hàng mấy trăm con người yêu nước bị chết thảm ở biên giới Việt - Lào! Trong khi vụ của chúng tôi không có ai chết, người vẫn còn sống sờ sờ ra đây.
Phải chăng vì đa số những người đã chết kia đều không mang quốc tịch Mỹ, Pháp...? Hay vì họ chỉ là những kẻ "vô danh tiểu tốt", nghèo trắng tay ở những trại tỵ nạn? Hoặc bởi vì thế lực của MẶT TRẬN bao trùm quá, kinh khiếp quá, táo tợn quá? Hay bởi vì e ngại sự đoàn kết hải ngoại sẽ mất đi?
Than ôi! ĐOÀN KẾT NẾU ĐƯỢC ĐỊNH HÌNH NHƯ VẬY THÌ ĐOÀN KẾT ĐỂ LÀM GÌ?
Đoàn kết ấy phải gọi bằng tên gì và sẽ dắt chúng ta đến đâu trong mục tiêu đòi lại sông núi cho một dân tộc quá khát khao tự do dân chủ? Các bậc đàn anh của tôi tại hải ngoại chắc ít khi mường tượng ra được cái cảnh những người tù chính trị về từ hải ngoại khi bị quay cung đã bị tan nát cõi lòng như thế nào khi những tên sĩ quan phản gián P16 và A15 chắp tay sau đít đi đi lại lại, miệng lẩm bẩm những câu đại loại: "CÁI CÔNG TY KHÁNG CHIẾN PHỞ BÒ CỦA CÁC ANH..."
Không, tôi không muốn những người đi sau tôi còn phải tiếp tục chịu đựng những cảnh như vậy!
Tôi không muốn sẽ lại có thêm những cái thứ "kháng chiến cháo gà" hay "kháng chiến cơm heo" được nuôi dưỡng một cách cố ý hoặc vô tình bởi ai đó. Nếu trên xác thân ta có một vết ung nhọt đang lan thành ung thư, muốn diệt được mầm họa đòi hỏi ta phải có dư đởm lược.
Đây là những lời nói thật, nói thẳng, được trả bằng chính sinh mạng của tôi, xin đừng nghĩ là một hành động khiêu khích.
Trên cõi đời này, ai là người không sợ chết? Nhưng nếu cần chết để bảo vệ sự thật thì Phạm Văn Thành này cũng dám chấp nhận. Không thù oán, chỉ tiếc là mình không còn sống được đến ngày dân Việt toàn thắng Cộng sản!
Tôi viết những giòng này sau nhiều đắn đo suy nghĩ, sau nhiều lần phải dừng ngang vì những giòng nước mắt. Tôi cũng chỉ là một con người bình thường như muôn ngàn người đang sống đây, cũng có một mái gia đình, cũng có những tình cảm. Và có những người anh của tôi mà tôi vô cùng thương mến, vô cùng kính trọng; những người đã cùng chia ngọt xẻ bùi với tôi bao nhiêu ngày tháng... mà hôm nay tôi buộc phải viết lên những điều đớn đau của sự thật, ít nhiều làm xúc phạm đến các anh, điều mà gia đình, vợ con tôi và tôi không bao giờ muốn. Vì các anh chị là những ân nhân của gia đình tôi. Trong cảnh tù tội lao lý, khi mọi người không ai biết đến tôi, không ai muốn nhớ đến tôi, thậm chí có những kẻ mong tôi chết rũ tù, thì các anh chị là những người xé rào tổ chức, âm thầm lo lắng cho vợ con tôi.
Ân nghĩa đó, ngày hôm nay tôi trả bằng bài viết này, là cả một vực sâu đau đớn trong hồn tôi. Nhưng, xin chịu tội trước các anh chị, để tôi làm tròn phận sự của người thông tin, một thông tin đã được viết bằng máu, được học thuộc lòng trong hầm cùm lao tù cộng sản và được viết lại bằng những cơn khóc đứt đoạn khi viết ra. Xin tha thứ cho tôi.
Tôi đã viết lên các bậc chức quyền, nhưng suốt 5 tháng trôi qua, các vị ấy vẫn nhởn nhơ coi thường sự kiện.
Xong bài viết này cũng là xong bổn phận thông tin của tôi. Trách giận thương ghét là quyền của các anh. Tôi vẫn ngày ngày cố góp sức mình vào chuyện chung. Đi lại chủ yếu bằng phương tiện xe buýt, rất ít tốn kém và không hề có bảo vệ trên khắp Âu Châu. Nếu giận quá mà thấy cần phải xử tôi thì cũng không bao giờ tôi oán trách các anh.
Công việc đại sự chẳng bao giờ là dễ cả. Người ta phải chịu trả giá đắt thì mới mong dẫn tới thành công. Tôi chủ trương xây dựng một tinh thần mới. Tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật để huy động tổng lực đấu tranh, một tổng lực gồm những con người luôn đứng thẳng, mắt sáng quắc niềm kiêu hãnh, chỉ chiến đấu cho sự thật, công bằng và tự do.
Bài viết này sẽ là bài viết duy nhất của tôi trên báo chí, với dự định đưa lên Internet liên quan đến MTQGTNGPVN. Từ nay tôi sẽ giữ im lặng vì tôi tin tưởng vào sự nhận định phân tích của đồng bào tôi. Trong trường hợp bất khả kháng cần tôi phải lên tiếng thì tôi sẽ yêu cầu xử dụng diễn đàn để đối chất công khai, ở bất cứ đâu và chỉ một lần, trước công luận, trước một cử tọa chân chính.
Xin đừng dùng bài viết này vào mục tiêu công kích cá nhân. Cũng xin đừng để chúng tôi phải xử dụng bạo lực để cảnh cáo những mưu đồ châm chọc, gây chia rẽ oán thù giữa người này với người khác.
Xin giúp chúng tôi làm tròn bổn phận làm người.

Paris khuya 27 tháng 4 năm 1999

PHẠM VĂN THÀNH
12 Place Des Canuts 95100
Argenteuil, France
Tel: 1 39 80 21 39

* * * * * * * *

THƯ THÔNG BÁO

Thừa ủy nhiệm của các Kháng Chiến Quân (KCQ) còn sống sót trong Quyết Đoàn Đặc Nhiệm Đông Tiến II, nay trân trọng công bố tên và ngày giờ của các Cán Bộ và KCQ có thân nhân tại hải ngoại, đã tử trận tại Nam Lào và Thái Lan sau đây:

1.Anh Huỳnh Trọng Hà và Lâm Thao, hy sinh năm 1986 tại Pleiku (Đông Tiến I)

2.Anh Huỳnh Văn Tiến (Đan Mạch), hy sinh ngày 26/ 7/ 1987 lúc 7 giờ sáng tại QL 13 Nam Lào

3.Anh Trương Ngọc Ny (Hoa-Kỳ), hy sinh ngày 06/ 8/ 1987 tại QL 13 Nam Lào

4.Anh Võ Hoàng (Hoa Kỳ), hy sinh ngày 28/ 8/ 1987 khoảng 10 giờ 15 tại Saravan Nam Lào

5.Anh Nguyễn Huy, tự sát ngày 28/ 8/ 87 cùng với ông Hoàng Cơ Minh tại Saravan Nam Lào

6.Anh Khưu Xuân Hưng, tự sát cùng ông Hoàng Cơ Minh ngày 28/ 8/ 1987 lúc 10 giờ sáng

7.Anh Đẩu, tự sát cùng ông Hoàng Cơ Minh ngày 28/ 8/ 87 lúc 10giờ sáng

8.Anh Trần Thiện Khải, hy sinh ngày 27/ 8/ 1987 lúc 8 giờ sáng

9.Anh Trần Hướng Việt (Việt Kiều Thái Lan) hy sinh ngày 26/ 8/ 1987

10. Anh Long (về năm 1984 qua ngã Singapore vào Thái), hy sinh tháng 7 năm 1987

11. Anh Hội, hy sinh năm 1986 (về Chiến Khu năm 1984 qua ngã Singapore cùng với anh Long và ông Cao Văn Muôn)

12. Anh Võ Sĩ Hùng, về từ Pháp, bị xử tử tại chiến khu năm 1989-1990 (người thi hành lệnh bắn là anh Đào Bá Kế)

13. Anh Lê Hồng, hy sinh đầu năm 1986

14. Anh Trần Vi Thiện, chết trong nhà tù A20

15. Anh Trần Công, chết tại nhà tù Xuân Phước A20.

Tổng Cộng 16 người trong danh sách này.

Paris ngày 27 tháng 4 năm 1999

Cẩn báo,

Phạm Văn Thành

12 Place des Canuts 95100 Argenteuil, France
Tel: 33.1.39.80.21.39


-

0 nhận xét:

Post a Comment